28-05-2014
Việt Nam vẫn ‘chần chừ’ chưa kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế về vụ giàn khoan Hải Dương 981 cũng như vụ Hoàng Sa bị ‘cưỡng chiếm’ là do lãnh đạo còn ‘e ngại’ động chạm tới ‘quan hệ hữu nghị với Trung Quốc’ và thiếu một sự thống nhất ‘quyết tâm’ trong nội bộ lãnh đạo từ Đảng tới Quốc hội, theo một nhà nghiên cứu từ trong nước.
Tình trạng thiếu thống nhất về ‘quyết tâm’ chính trị này này cũng làm Việt Nam ‘bỏ lỡ’ cơ hội phối hợp lập trường với Philippines khi nước này kiện Trung Quốc về vụ bản đồ đường lưỡi bò, theo một chuyên gia luật quốc tế, cựu Phó Vụ trưởng Ban Biên giới chính phủ của Việt Nam.
Trao đổi với BBC hôm 27/5/2014 từ Hà Nội, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật & Phát triển (thuộc Vusta) nêu nghi vấn về lý do Việt Nam ‘chần chừ’.
Ông Giao nói: “Phải chăng là do phải níu kéo quan hệ ’16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt’, phải níu kéo quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản, để làm sao đó một mặt cố gắng đấu tranh bảo vệ chủ quyền, nhưng mặt khác vẫn giữ quan hệ đó?
“Theo tôi quan điểm đó chưa chắc đã được lòng dân, bởi lẽ đối với dân tộc Việt Nam, chủ quyền quốc gia, lãnh thổ là thiêng liêng, dân tộc Việt Nam đã bao nhiêu thế kỷ chịu nhiều chiến tranh chỉ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đó.
“Thế thì bây giờ đường lối chính trị của một Đảng không khẳng định điều đó, mà lại vẫn níu kéo vì quan hệ, tôi e rằng sẽ không được sự ủng hộ của nhân dân.
“Và điều đó sẽ không thuận lợi trong việc mà hiện nay Việt Nam, trong tình hình nước sôi, lửa bỏng như thế này, toàn dân quyết tâm bảo vệ chủ quyền mà lại có sự chần chừ.”
‘Còn thiếu mạnh mẽ’
Nhà nghiên cứu bình luận rằng trong khi các phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ở các diễn đàn tại Philippines mới đây tỏ ra hợp ‘lòng dân’, thì lập trường từ Quốc hội và Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ‘còn thiếu mạnh mẽ’.
Ông nói: “Qua những gì Thủ tướng đã thể hiện qua Hội nghị Thượng đỉnh Asean vừa rồi, cũng như qua những lời tuyên bố của Thủ tướng tại Philippines, cho thấy các tuyên bố của Thủ tướng phản ánh được lòng dân.
“Nó thể hiện ý chí quyết tâm, bản lĩnh kiên cường của người dân, và vì thế cho nên với những gì tôi biết, nhân dân Việt Nam rất ủng hộ tuyên bố khẳng định lập trường của Việt Nam trong câu chuyện Trung Quốc xâm lấn ở Biển Đông và rất ủng hộ Thủ tướng.
“Tuy nhiên, những phản ứng từ các cơ quan liên quan, kể cả Đảng và Quốc hội, thì dường như thông qua báo chí, chúng ta thấy, chưa được mạnh mẽ, ở mức cần phải có, chưa được mạnh mẽ.”
Mặt khác theo nhà nghiên cứu, Việt Nam cần có một lập trường rõ ràng, kiên định và sự tôn trọng về quyền được hiến định của người dân về mặt quyền biểu tình của họ và không nên tùy tiện lúc thì ‘động viên’ khi cần, lúc thì lại ‘ngăn cấm’.
Ông Giao nói: “Theo tôi, quyền biểu tình là quyền đã được hiến định, tức là đã được Hiến pháp ghi nhận, vì thế cho nên chính quyền không nên sử dụng quyền biểu tình như một công cụ chính trị.
“Không nên như vậy, luôn luôn phải tạo điều kiện để quyền này được thực hiện, không thể có lúc thì động viên đi biểu tình, lúc thì lại ngăn cấm biểu tình, cái đó là không ổn, nó không phù hợp với Hiến pháp.”
Nhà nghiên cứu cho rằng chính quyền, trong đó có Quốc hội và các đại biểu quốc hội có trách nhiệm phải xây dựng và ban hành càng sớm càng tốt luật biểu tình, một điều mà ông cho rằng vừa tốt cho người dân, vừa tốt cho nhà nước và cả việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
‘Bỏ lỡ cơ hội’
Xem xét nguyên nhân Việt Nam được cho là đã bỏ lỡ cơ hội để phối hợp lập trường với Philippines khi quốc gia láng giềng Đông Nam Á này yêu cầu tài phán quốc tế đánh giá ‘đường lưỡi bò của Trung Quốc’ trên Biển Đông, và đến nay vẫn chưa quyết định cùng tham gia cùng Philippines ‘kiện Trung Quốc’, ông Giao bình luận:
“Vấn đề là quyết tâm của Chính phủ Việt Nam tới mức nào, chứ đáng nhẽ khi Philippines tiến hành khởi kiện và đưa yêu cầu này ra, thì chính phủ Việt Nam lúc ấy nên đã cùng với Philippines để tham gia vụ kiện này.
“Nhưng có lẽ do Chính phủ Việt Nam vẫn đang kiên nhẫn, kiên trì, hy vọng rằng Trung Quốc sẽ không có những hành vi thô bạo để xâm chiếm các khu vực thuộc vùng biển của Việt Nam, và có lẽ chính vì lẽ đó, Chính phủ Việt Nam chưa quyết định tham gia cùng Philippines,
“Sợ rằng, e ngại rằng nếu tham gia cùng với Philippines, rất có thể thúc đẩy nhanh việc xâm lấn của Trung Quốc xuống phía Nam, vào các vùng biển của Việt Nam.
“Và hy vọng quan hệ song phương tốt đẹp có thể giúp cho được việc Trung Quốc sẽ không có những hành động xâm chiếm vùng biển của Việt Nam.
“Thế nhưng rất tiếc, thực tế cuộc sống đã cho thấy tính toán đó đã sai lầm. Trung Quốc không bao giờ từ bỏ mưu toan và ý đồ bá chủ cũng như các bước đi của họ tiếp theo để xâm lấn, thôn tính xuống phía Nam Trường Sa và ở trong Biển Đông.”
Ông Giao nói: “Ở thời điểm này, trước tình hình như thế, tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ có một quyết đoán, có một quyết định cùng với Philippines, hợp tác với Philippines, trong vụ kiện mà Philippines đã đưa ra trước trọng tài quốc tế
“Theo tôi, đấy cũng là một động thái về mặt pháp lý có thể nói là rất cần thiết để tăng cường sức mạnh trong việc đẩy lùi giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam, cũng như đối phó lại với những hành vi xâm chiếm của Trung Quốc.”
Gần đây, một số nhà quan sát châu Á quốc tế cũng bày tỏ quan ngại về động thái của Trung Quốc xung quanh vụ giàn khoan ở Hoàng Sa. Hôm 23/5, GS. Jean-Francois Huchet, nhà nghiên cứu Trung Quốc đương đại từ Viện INALCO, Paris nói với BBC rẳng Trung Quốc có thể đang mắc ‘sai lầm’.
Ông nói: “Trung Quốc hiện nay đang muốn mở rộng vùng ảnh hưởng của mình và đẩy lui, đẩy hẳn Hoa Kỳ ra khỏi châu Á, để họ có thể thống lãnh khu vực, không chỉ về mặt kinh tế như trong 20 năm trở lại đây, mà còn thống trị về mặt quân sự và bảo vệ các nguồn năng lượng.
“Cho nên đây không chỉ là vấn đề về dầu lửa, câu chuyện đi xa hơn thế rất nhiều, thế nhưng Trung Quốc có thể đang phạm một sai lầm khi họ đang muốn bước đi quá nhanh trong vấn đề này.”
Còn một nhà nghiên cứu khác, TS. Jean-Francois Sabouret, nguyên Giám đốc Mạng lưới Châu Á (Réseau Asie) từ Paris cho rằng Trung Quốc có thể sẽ lấn tới trong vụ giàn khoan nếu Việt Nam ‘đơn độc’:
“Nếu họ, Trung Quốc thấy Việt Nam có sự hậu thuẫn, chẳng hạn được sự bảo vệ rõ ràng từ Nga hay Mỹ, thì có lẽ họ còn phải nghĩ lại, nhưng nếu Việt Nam hoàn toàn đơn độc, thì thế nào?
“Việt Nam nên khẩn trương chuẩn bị một kịch bản ứng phó xung đột chớp nhoáng, thậm chí là chiến tranh,” nhà nghiên cứu nói với BBC.
Sao lại kêu gọi kẻ cướp nhân đạo?
Nguyễn Xuân DiệnThiều Quang
28-05-2014
Phải kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế! Nhà nước và ngư dân đều có thể đứng đơn kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì những hành vi xâm phạm chủ quyền, sử dụng vũ lực làm hư hỏng tàu thuyền, gây thương vong cho ngư dân và các lực lượng chấp pháp VN.
Ngày 27/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói Trung Quốc phải “chấm dứt hành động vô nhân đạo” sau khi một tàu cá Đà Nẵng bị chìm ở khu vực gần giàn khoan Hải Dương 981 (Trung Quốc gọi là Haiyang Shiyou 981 hay HYSY 981).
Khủng bố nhà nước
Về việc hôm qua, Việt Nam đã cáo buộc Trung Quốc có hành vi khủng bố khi đánh chìm một tàu cá của Việt Nam ở khu vực Nam Tây Nam giàn khoan hôm 26/5, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao bình luận: “Những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông mà dùng vũ lực như vậy, nếu đánh giá dưới góc độ nguy hiểm, cũng như về biểu hiện của hành vi, thì có thể gọi đây là hành vi khủng bố nhà nước…”
PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, nguyên Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam cho rằng hành động di chuyển mới nhất của giàn khoan 981 ra khỏi vị trí cũ hạ đặt mấy tuần qua ở Hoàng Sa là một hành vi “ngang ngược” và “tùy tiện”: “Tôi đánh giá hành vi này là một hành vi có thể nói rất ngang ngược, tùy tiện, họ đã vào vùng biển Việt Nam, và họ đã dùng vũ lực đã đành, mà họ ngang nhiên di chuyển, đi lại, như là vùng biển thuộc chủ quyền của họ, hành vi này là hành vi bất chấp pháp luật”.
Bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 27/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng đã gọi sự vật đúng tên: việc các tàu chức năng của phía TQ chủ động đâm chìm tàu cá của VN là hành động khủng bố!
Nhưng mọi người hãy nghe cho rõ, chính là nhân danh bọn cướp nước, vừa ăn cướp vừa la làng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương hôm 26/5 đã lớn tiếng lên án Việt Nam “bóp méo lịch sử, phủ nhận sự thật, tráo trở lật lọng, bội tín bội nghĩa”.
Xin nhắc lại, đây là lời của xướng ngôn viên BNG, từ Bắc Kinh, nghĩa là tiếng nói của Chính phủ CHND Trung Hoa, chứ không phải là tiếng nói của… các lực lượng thù địch, lợi dung xuyên tạc cái gọi là “quan hệ hữu nghị Trung-Việt” được đặt trên nền tảng “bốn tốt” và “mười sáu chữ vàng” (Xin lỗi nếu ai đó bị ói mửa!!!)
Tại sao lại kêu gọi kẻ cướp phải nhân đạo?
Hãy điểm lại, 19 ngày qua, Hải quân Trung Quốc đã làm gì với các tàu cá của ngư dân Việt Nam hành nghề tại vùng biển truyền thống của mình. Từ đầu tháng 5-2014, nhiều tàu cá của Việt Nam đã bị các tàu của Trung Quốc liên tục khống chế, đập phá, gây thiệt hại về tài sản. Nghiêm trọng hơn, lực lượng chức năng Trung Quốc đã có những hành vi đánh đập, gây thương tích, đe dọa tính mạng ngư dân Việt Nam:
1- Ngày 7-5, tại khu vực cách bắc tây bắc đảo Linh Côn, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 10 hải lý, tàu cá của Quảng Ngãi số hiệu QNg 96416 cùng 16 ngư dân đã bị tàu Trung Quốc số hiệu 1241 bắn đạn lửa; dùng vòi rồng phun nước; dùng búa, chai lọ, bulông ném sang tàu; dùng câu liêm cắt đứt dây và hệ thống liên lạc, định vị. Sau đó, thêm một tàu ngư chính Trung Quốc chưa rõ số hiệu đã khống chế, đâm thẳng vào tàu gây vỡ mạn phải và toàn bộ kính cabin, hỏng nhiều thiết bị và tài sản trên tàu. Thiệt hại ước tính khoảng 890 triệu đồng.
2- Lúc 21g ngày 16-5, tại khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu QNg 95431 của ông Nguyễn Văn Tấn (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) với chín ngư dân trên tàu khi đang hành nghề lặn thì bị một tàu Trung Quốc (không rõ số hiệu) chạy đến ngăn cản, ném đá.
3- Cũng tối 16-5, tàu QNg 90045 của ông Võ Bá Nha (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi, cũng có chín ngư dân trên tàu) khi đang hành nghề ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng bị một tàu Trung Quốc chạy đến ngăn cản, ném đá.
4- Đêm 16-5, tàu cá của Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90205 trong khi đang hoạt động nghề cá bình thường tại khu vực gần đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đã bị tàu ngư chính Trung Quốc số hiệu 306 chạy đến khống chế. Nghiêm trọng hơn, lực lượng chức năng của Trung Quốc đã lên tàu cá đập phá hầu hết tài sản trên tàu, đánh và gây thương tích nặng đối với hai ngư dân là Nguyễn Huyền Lê Anh và Nguyễn Tấn Hải của tàu cá nói trên.
5- Ngày 17-5, tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 96011 cùng 13 ngư dân khi đang hoạt động tại khu vực cách đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 31 hải lý, đã bị tàu Trung Quốc số hiệu 21102 khống chế, lấy đi một số tài sản và ngư cụ. Thiệt hại ước tính khoảng 50 triệu đồng.
6- Gần đây nhất, lúc 16g ngày 26-5, tại khu vực có tọa độ 15O16’42” độ vĩ bắc -111O01’30” độ kinh đông, ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu cá Đà Nẵng mang số hiệu ĐNa 90152 cùng 10 ngư dân trên tàu đã bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 11209 đâm chìm.
Phải kiện để Trung Quốc không thể ngang ngược
Vậy mà hôm 27/5, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân vẫn nghêng ngang tuyên bố sẽ thúc đẩy “đàm phán trực tiếp” để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Nhưng làm cách nào có thể đàm phán với kẻ cướp khi chúng vẫn ngồi lù lù trong căn nhà của mình, đòi chia tài sản???
Phải kiện TQ ra Tòa án quốc tế! Nhà nước và ngư dân đều có thể đứng đơn kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì những hành vi xâm phạm chủ quyền, sử dụng vũ lực làm hư hỏng tàu thuyền, gây thương vong cho ngư dân và các lực lượng chấp pháp VN./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét