Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014
Mồi Lửa & Đống Củi
Huy Đức
Sự kiện Bình Dương - Vũng Áng cho thấy, khi gậy gộc đã ở trong tay đám đông, mọi giá trị đều trở nên vô nghĩa [1]. Tuy nhiên, còn "vô nghĩa" hơn nếu sự kiện "Bình Dương - Vũng Áng" được sử dụng như những con ngoáo ộp để dọa dân chúng nhằm củng cố độc tài, toàn trị.
Một Thế Lực Bành Trướng & Một Nền Kinh Tế
Trong số 315 nhà đầu tư chịu thiệt hại trong vụ Bình Dương, có 12 công ty bị cháy lớn (nhiều nhà xưởng bị cháy rụi), 3 công ty bị cháy nhỏ, 33 công ty bị trộm cướp tài sản, 196 nhà xưởng bị đập phá, 241 văn phòng bị hư hại, có nhiều văn phòng bị đốt sạch, phá sạch. Con số thiệt hại chưa được quy thành tiền nhưng cho dù nó lớn tới mức nào, đó cũng chỉ là những tổn thất có khả năng đo, đếm được.
Chưa biết bao giờ các nhà máy trong 29 khu công nghiệp ở Bình Dương mới có thể trở lại hoạt động bình thường. Điều này, ảnh hưởng trực tiếp ngay tới hơn 200.000 lao động Việt Nam. Thiệt hại vì sự sút giảm uy tín của môi trường đầu tư còn khó định lượng hơn.
Trong mấy năm gần đây, Trung Quốc là thị trường có mức độ phát triển tốt nhất của ngành hàng không Việt Nam. Trước 13-5-2014, trung bình mỗi ngày có gần 20 chuyến bay Việt - Trung. Nay con số đó đang có nguy cơ bằng không. Thiệt hại cho Hàng không Việt Nam có thể lên đến hàng nghìn tỷ.
Chủ một resorts thường xuyên có 30% khách đến từ Trung Quốc ở Hội An cho biết, tất cả khách đặt phòng người Trung Quốc đều đã "cancelled". Hàng nghìn biệt thự trên bãi biển Đà Nẵng vốn lâu nay sống nhờ khách Trung Quốc nay đang lần lượt bị trả lại....
Những phản ứng vừa qua cho thấy, người Việt Nam chỉ mới nhạy cảm trước một Trung Quốc bành trướng, trong khi, Trung Quốc còn là một nền kinh tế lớn.
Yếu Tố Bên Trong
Người Việt có vẻ như đã xích lại gần nhau trong những ngày vừa qua. Dân chúng dễ dàng bỏ qua những chính sách đã đưa đất nước lún sâu. Một vài nhà lãnh đạo bỗng dưng sáng lên. Nhưng, chúng ta sẽ làm gì nếu giàn khoan HD 981 vẫn nằm lì ngoài biển đông. Chúng ta sẽ làm gì nếu tất cả những nguyên nhân làm cho đất nước thất thế, tụt hậu vẫn tiếp tục phát huy; những kẻ bảo thủ, trì trệ vẫn bình chân và bọn tham nhũng vẫn tiếp tục ngự trị.
Một quốc gia không thể giữ yên bờ cõi nếu không đoàn kết. Nhưng nếu một quốc gia chỉ thực sự đứng bên nhau khi "tổ quốc bị xâm lăng" thì bi kịch còn lớn hơn. Nếu không sớm tìm ra một yếu tố bên trong để đoàn kết quốc gia, chủ nghĩa dân tộc cực đoan sẽ luôn dễ dàng bị các bên lợi dụng (cả Chính phủ và những người được coi là "dân chủ").
Cái giá mà dân tộc Việt Nam phải trả cho cuộc chiến kéo dài mười năm, 1979-1989, là không chỉ bằng sự kiệt quệ nội lực, sự cô lập trên trường quốc tế mà còn bằng xương, máu của hàng triệu thanh niên. Chúng ta cần một chính phủ ứng xử với Trung Quốc bằng tư thế của một quốc gia có chủ quyền chứ không phải một chính phủ, lúc thì quá lệ thuộc, lúc lại đẩy dân ra chỗ hòn tên mũi đạn.
Sáng 1-1-2014, khi nói chuyện với chúng tôi, ông Trần Việt Phương, người giúp việc của nhiều nhà lãnh đạo Hà Nội - từng sống và làm việc bên cạnh Phạm Văn Đồng và Hồ Chí Minh từ 1949 - 1969 - nói: Trong lịch sử nghìn năm giữ nước, chưa có thời nào Việt Nam mất cảnh giác và chịu lệ thuộc vào Trung Quốc như 'triều đại' ngày nay. Sở dĩ có điều đó là vì chúng ta đã nhiều lúc ứng xử với tư thế một ông em ngoan, ngây thơ tin các ông anh cũng vì tinh thần quốc tế vô sản. Theo ông Trần Việt Phương, thời còn Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa, chúng ta đã từng ở trong một nền thực dân kém văn minh hơn nền thực dân trước kia.
Trong những ngày giàn khoan HD 981 đang ở trong vùng biển Hoàng Sa nhiều người Việt bàn đến chuyện "thoát Trung". Nhưng theo tôi trước khi "thoát Trung", người Việt phải thoát ra khỏi chính vấn đề đang ở trong tay người Việt.
Năm 1974, nếu người Việt chúng ta ở chung một chiến hào, chắc chắn Hoàng Sa không thể rơi vào tay Trung Quốc. Chắc chắn không có sự kiện HD 981. Chắc chắn Trung Quốc không thể khoan vào những nơi người Việt Nam rất dễ bị tổn thương.
Theo tôi, điều cấp bách nhất mà chúng ta, bao gồm cả những người cầm quyền, phải làm là phải thoát hoàn toàn ra khỏi ý thức hệ, điều khiến cho Chính quyền có những lúc "ngây thơ" tin vào "mười sáu chữ vàng"; điều đã khiến cho lãnh thổ quốc gia bị hơn hai mươi năm chia cắt; điều khiến cho người Việt Nam, gần 40 năm sau chiến tranh, vẫn không thể nào ngồi bàn với nhau hòa giải.
Giai Cấp Trai Làng
Nói chuyện với hàng chục chủ doanh nghiệp và công nhân ở Bình Dương, chúng tôi nhận thấy cách lôi kéo công nhân biểu tình hôm 13-5-2014 gần giống như cách mà các cuộc đình công vẫn diễn ra ở đây. Liên đoàn Lao động không bao giờ có vai trò nào ngoài việc buộc các doanh nghiệp phải trả công đoàn phí hàng tháng một khoản tiền bằng 2% quỹ lương. Đứng sau các cuộc đình công thường là một bọn người giấu mặt.
Bọn người tương tự đã xuất hiện vào ngày 13-5-2014, xông vào các nhà máy, yêu cầu giới chủ phải cho công nhân nghỉ để đi "biểu tình chống Trung Quốc". Đề nghị này ngay lập tức được công nhân hoan nghênh. Một số bỏ về nhà nghỉ ngơi, vui vì được "hưởng nguyên lương". Một số khác đi theo những người cầm đầu cuộc "biểu tình". Những công nhân vô tội này không ngờ rằng, họ đang bị kéo vào một âm mưu nguy hiểm.
Người lao động ở Bình Dương mà những người Marxists thích gọi là "giai cấp công nhân", thực chất vẫn là những nông dân. Trong số 235.800 lao động làm việc trong 29 khu công nghiệp ở Bình Dương chỉ có 9,8% là người địa phương. Họ phải rời bỏ quê hương vì chính sách đất đai và chính sách công nghiệp hóa sai lầm.
Chính sách đất đai không cho phép tích tụ những mảnh ruộng manh mún để hình thành các trang trại lớn, nơi có thể hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp và phát triển công nghiệp chế biến nông sản, nơi các trai làng có thể ở tại chỗ mà ly nông thay vì phải ly hương.
Họ bị dồn vào một nơi cách xa lũy tre, vẫn chất phác nông dân nhưng bị lẫn trong bộ đồng phục, không danh tính, không làng xóm. Họ ngây thơ đi theo đoàn "biểu tình chống Trung Quốc", bị cuốn trong một cơn kích động, nghĩ là mọi hành động đập phá, lấy cắp của họ sẽ bị lẫn vào đám đông.
"Ý Thức Hệ"
Hôm 29-4-2014, Cựu Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã được hoan nghênh khi ông phát biểu công khai ở Diễn đàn kinh tế mùa xuân Hạ Long: "Đã đến lúc phải thừa nhận xã hội dân sự". Nhưng, cũng ông Trương Đình Tuyển vào ngày 17-4-2014, khi nói chuyện nội bộ về TPP với các đại biểu quốc hội ở Văn phòng Quốc hội phía Nam lại cho rằng, phá bỏ thế độc quyền của Liên đoàn lao động Việt Nam (cho công nhân lập các công đoàn độc lập), là điều không thể thương nghị.
Hy vọng ông Trương Đình Tuyển, người đang cố vấn cho Chính phủ về đàm phán TPP, tìm hiểu vai trò Liên đoàn lao động trong các vụ đình công, bạo động, ở Bình Dương, để thấy, chỉ vì ngăn cản công nhân hình thành các tổ chức đại diện cho mình (điều kiện mà TPP đòi), khi lâm sự, chủ doanh nghiệp cũng như Đảng, Nhà nước đã không có ai để mà "thương nghị". Công nhân nhanh chóng bị cuốn vào những đám đông không còn khả năng kiểm soát.
Cũng hôm 17-4-2014, ông Trương Đình Tuyển giải thích, Liên đoàn lao động là tổ chức của Đảng, giữ vị trí độc quyền của nó là giữ một đặc trưng của chế độ. Tiền thuế của dân đang được chi để nuôi các đoàn thể quốc doanh. Điều này rất dễ ru ngủ Chế độ khi trong ấm, ngoài êm. Nhưng, khi lâm trận thì mới thấy những tổ chức rình rang tốn kém đó nhanh chóng trở nên vô dụng.
Cựu Phó thủ tướng Trần Phương, một nhà lý luận gần gũi với Tổng bí thư Lê Duẩn thừa nhận: "Cho đến trước khi Liên Xô sụp đổ, đầu óc chúng tôi vẫn bị cầm tù trong sự giáo điều của chủ nghĩa Marx - Lenin". Thật khó để biết một cách chắc chắn, thế hệ lãnh đạo hiện nay đã để cho đầu óc của mình ra khỏi "nhà tù ý thức hệ" như thế hệ Trần Phương hay chưa. Một người được coi là cởi mở như ông Tuyển, mà vẫn tư duy như vậy thì liệu có ai thực sự đã thoát khỏi "chiếc còng tư tưởng".
"Mồi Lửa Đã Ở Dưới Đống Củi"
Nếu có một xã hội dân sự trưởng thành, công nhân có các tổ chức đại diện cho mình, chắc chắn sẽ không dễ bị kéo vào một đám đông như thế. Nếu có một nhà nước pháp quyền (và có luật biểu tình), cảnh sát tự tin vào tính chính danh của quyền lực công, chắc chắn đã có hành động thích hợp trước khi đám đông phạm tội.
Không chỉ gây ra thiệt hại, phải coi sự kiện "Vũng Áng - Bình Dương" là những cảnh báo sớm. Một chế độ toàn trị rõ ràng đã không có khả năng gìn giữ "ổn định chính trị" như nhiều người vẫn tưởng lầm. Mồi lửa đã ở dưới đống củi.
Đi đến tự do chính trị mà không có lộ trình thích hợp thì rất dễ gây rối loạn. Nhưng khước từ dân chủ hóa thì sự sụp đổ là chắc chắn xảy ra. Khi đó, bạo loạn sẽ không còn ở mức độ "Vũng Áng - Bình Dương" như chúng ta vừa chứng kiến.
Việt Nam đã rất cô độc trong xung đột Biển Đông không chỉ vì không có ai thực sự là đồng minh, mà còn, thay vì hòa vào xu thế của thời đại văn minh, Hà Nội lại tự xích mình trong nhóm những quốc gia bị "loài người (thực sự) tiến bộ" đặt sang bên lề thương hại. Cho dù không thể có ai là "bạn vĩnh viễn", nhưng nếu Việt Nam có một chế độ chính trị tiến bộ, bên trong tôn trọng dân chúng, bên ngoài chỉ "trao đổi vàng" với những nhà nước dân chủ văn minh, chúng ta chắc chắn sẽ có rất nhiều bạn đồng hành.
Trong những ngày này, tôi tin là có hàng triệu người Việt Nam tuy không xuống đường biểu tình nhưng vẫn đang nung nấu trong mình lòng yêu nước. Nhưng tôi tin, không ai, không riêng một đảng phái nào, đứng riêng lẻ mà có thể tìm được cho Việt Nam một con đường đi đến dân chủ, văn minh mà tránh được những tháng năm tao loạn.
Mỗi chúng ta phải bắt đầu làm gì đó trong nỗ lực của mình, để Đảng cầm quyền ngồi lại với nhân dân, cùng đối thoại để tìm ra lối thoát. Để đất nước rơi vào nông nỗi này, chúng ta có thể đổ lỗi cho những người cộng sản. Nhưng, nếu cứ để đất nước tiếp tục tình trạng này, mỗi chúng ta đều phải cộng đồng trách nhiệm.
Không ai thách thức quyền lực của những người cộng sản nếu như quyền lực đó không đặt chế độ lên trên sự phát triển bền vững của quốc gia. Không ai có thể ngồi mãi trên đỉnh cao quyền lực, nếu anh thiết lập trên đầu dân chúng một phương thức cai trị thực dân, sẽ có ngày anh trở thành nô lệ trong nền thực dân do chính anh tạo lập.
Đừng cố gắng giữ nền độc tài cho tới ngày con cháu có thể thừa kế ngai vàng. Hãy thiết lập một thể chế mà nếu con cái quý vị xứng đáng, nhân dân sẽ trao "ngai vàng" cho chúng.
[1] Đám đông không còn phần biệt Hàn Quốc, Nhật hay Đài Loan, trong số 315 công ty có nhà xưởng bị đập phá ở Bình Dương chiều 13 rạng sáng 14-5-2014, chỉ có 12 công ty của Trung Quốc và 5 liên doanh có đối tác là Trung Quốc (không tính Hong Kong).
H.Đ.
Nguồn: Huy Đức Facebook
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét