Kính gửi: Chủ tịch nước Việt Nam
Thủ tướng Chính phủBộ trưởng Bộ Quốc phòngBộ trưởng Bộ Công anThường trực Ban bí thư
Đồng kính gửi: Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh
Nếu ngay bây giờ hoặc sắp tới Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào Việt Nam, sự thể sẽ ra sao?
Gần
đây, bạn bè của tôi – những sĩ quan trung cao cấp trong quân đội – đã
không mấy tin tưởng rằng bộ đội Việt Nam còn đủ khả năng để tái hiện
chiến thắng biên giới phía Bắc năm 1979. Nguồn cơn không chỉ bởi tương
quan chênh lệch có thể chỉ khoảng 1/3 về vũ khí và khí tài quân sự dàn
đều trong các binh chủng và quân chủng, mà tử huyệt của bộ đội Việt Nam
nằm ở lòng quân.
Đã từ lâu, lòng quân chểnh
mảng, phân hóa, chia rẽ và hoang mang. Khả năng sẵn sàng chiến đấu cao
chỉ chủ yếu tồn tại trong giáo trình quân sự. Điều đơn giản nhất mà một
người lính luôn tự hỏi là một khi chiến tranh nổ ra, anh ta sẽ chiến đấu
cho cái gì và vì ai. Nhiều người lính như vậy lại có thân nhân là dân
oan đất đai và nạn nhân của vô số đối xử bất bình đẳng từ phía các cấp
chính quyền. Có ít nhất hàng triệu người dân phải chịu bất công ở các
mức độ từ bình thường đến nghiêm trọng và cực kỳ nghiêm trọng trên khắp
các vùng đất nước. Một người lính sẽ không thể quyết tử vì tổ quốc quyết
sinh nếu người thân của họ bị chính quyền địa phương ngày đêm chà đạp
quyền lợi và các quyền con người.
Quân đội từ
nhân dân mà ra. Lòng quân cũng bắt nguồn và là hệ quả của lòng dân. Tình
cảm của một người dân trước hiểm họa ngoại xâm chỉ thể hiện giản dị qua
hành động phản ứng rất đỗi bình thường là biểu thị tinh thần phản kháng
và biểu tình để tìm đến tinh thần đoàn kết dân tộc.
Thế
nhưng ngay vào lúc này, nếu những người cầm quyền ở Việt Nam muốn phát
động một cuộc biểu tình của dân chúng chống lại sự can thiệp của Trung
Quốc, liệu còn được bao nhiêu người dân xuống đường?
Khả
năng không sẵn sàng chiến đấu và có hơi hướng thất bại về tư tưởng
của quân đội cũng là một thất bại quá lớn về niềm tin của người dân đối
với chế độ. Mất niềm tin chính thể cũng dẫn đến não trạng vô cảm của
không ít người dân dù phải đối mặt với hiểm họa xâm lăng ngoại bang.
Một
trong những nguyên do dễ giải thích nhất cho sự vô cảm ấy lại thuộc về
thái độ của chính quyền, khi giới lãnh đạo quốc gia và ngành công an đã
luôn tìm cách ngăn chặn, khống chế, trấn áp và cả đàn áp đối với đám
đông biểu tình chống Trung Quốc từ nhiều năm qua, đặc biệt từ giữa năm
2011 đến nay.
Hậu quả quá cay đắng mà một dân
tộc đủ tự trọng phải nhận lãnh là trong ít nhất mấy năm qua, dư luận
nhân dân đã công khai công kích về những Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống
thời cuộc, về cái gọi là “chính sách ngoại giao đầu gối” từ lẩn khuất
đến công nhiên trong một bộ phận lãnh đạo quốc gia mà đang quét sạch
chút ý chí còn lại của quân đội và dân chúng.
Nhưng
với người bạn “Bốn Tốt”, tất cả chỉ mới bắt đầu. Chỉ mới bắt đầu cho
một trang lịch sử nô thuộc mới đối với Việt Nam. Chỉ mới bắt đầu cho một
chiến dịch thăm dò phản ứng, uy hiếp và tiến tới xâm lược quân sự tổng
lực đối với đất nước “Thơ tôi khóc lệ rơi hình chữ S”.
Bi
kịch thời đại của đất nước hình chữ S đó đang tiếp biến vào tháng
5/2014, với hình ảnh giàn khoan “Mười sáu chữ vàng” của Trung Quốc ngự
trị ngay trên vùng lãnh hải và lương tri quốc gia.
Giới
lãnh đạo Việt Nam sẽ làm gì? Làm gì để ngăn chặn mối họa xâm lăng, ít
nhất ngang bằng với lòng kiên định và hành động mà họ đã thường phô bày
để chế ngự ý chí phản kháng ngoại bang của dân chúng? Vì sao họ không
tiến hành điều tra ngay lập tức về chuyện liệu có một quan hệ “đi đêm”
nào giữa những quan chức nào đó của Việt Nam với người Trung Quốc để dẫn
đến hậu quả ngang nhiên và ngang ngược như ngày hôm nay? Và tại sao
giới lãnh đạo Việt Nam lại không đủ hồi tâm, thống nhất và quyết đoán để
ít nhất chấp nhận một cuộc biểu thị lòng yêu nước xứng đáng của trí
thức và người dân, tại ít nhất hai thành phố trung tâm là Hà Nội và Sài
Gòn?
Đã khá muộn khi nhắc lại lời ai điếu của
người dân: “Chính sách ngoại giao đầu gối” không bao giờ có thể khiến
cho 500 đại biểu quốc hội và gần 200 ủy viên trung ương đảng cầm súng
tiến ra mặt trận. Nhưng tinh thần quỳ gối không còn chút liêm sỉ của một
bộ phận quan chức nào đó trong đảng và chính quyền lại đang khiến cho
chẳng còn mấy người dân tình nguyện đỡ đạn ở chốn tiền phương, thay cho
các nhóm lợi ích tham lam và sẵn lòng biến khỏi đất nước vào bất kỳ thời
điểm nào Tổ quốc lâm nguy.
Cuộc biểu tình dự
kiến vào ngày chủ nhật 11/5 tới đây tại Hà Nội và Sài Gòn chỉ là khúc bi
tráng đầu tiên trong giai điệu bi ca và lâm nguy của dân tộc Việt Nam…
Song
những người cầm quyền vẫn còn chút cơ hội để vớt vát lại niềm tin dân
chúng, nếu họ thể hiện lòng hồi tâm bằng việc hủy bỏ chế độ ngăn chặn và
đàn áp đối với các tầng lớp nhân dân chỉ xuống đường vì lòng yêu nước
chứ không phải nhằm lật đổ chế độ.
Giá trị lịch
sử của các tầng lớp nhân dân như thế vẫn còn nguyên vẹn, từ nhân sĩ trí
thức, sinh viên học sinh, tiểu thương, công nhân và nông dân, đảng viên
lão thành, cựu chiến binh…, kể cả con số ngày càng tăng của cán bộ,
chiến sĩ quân đội và công an đang tại ngũ. Đó là những người còn mất ngủ
trước hiện tình hỗn mang đất nước, còn linh cảm tồi tệ về lương lai một
quốc gia nô bộc, còn chưa thể bỏ mặc dĩ vãng tận cùng của “Ngàn năm Bắc
thuộc”.
Các tầng lớp nhân dân ấy – cội nguồn và
lịch sử của dân tộc Việt Nam – đã đến lúc không cần phân biệt “Lề phải”
và “Lề trái”, hãy cùng kết tay nhau và nắm tay giới cán bộ, công chức
còn nặng tình quê hương trong hệ thống đảng và chính quyền, gìn giữ
những giá trị cuối cùng nhưng sắp mất nốt của dân tộc chúng ta.
Tổ quốc hay là chết!
Sài Gòn ngày 8 tháng 5 năm 2014
Phạm Chí Dũng
Cựu sĩ quan quân đội, nhà báo độc lập
Không ai cứu được Việt Nam cả!
Nguyễn Hưng Quốc
Giặc
đã đến tận cửa ngõ, thông tin chính thống nói 6 chiến sĩ cảnh sát biển
bị thương tức là máu đã đổ. Ôi, đất nước ta sao mà gian truân làm vậy!
Chúng
ta muốn yên ổn làm ăn để xây dựng đất nước, chúng ta đã nhân nhượng,
nhẫn nhục. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, nhẫn nhục thì bọn Tàu càng
lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp Biển Đông.
Muốn
bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của đất nước phải dựa vào sức
mạnh của toàn dân, kể cả đồng bào ta ở nước ngoài. Một trong các giải
pháp hữu hiệu lúc này là phải thông tin kịp thời, tranh thủ sự ủng hộ
của quốc tế.
Trớ
trêu là tôi vừa nhận được thông tin từ người bạn cho biết NHK (truyền
hình của Nhật Bản) muốn xin sử dụng hình ảnh về tàu của Trung Quốc phun
vòi rồng, húc hư hại các tàu cảnh sát biển của ta đã được Bộ Ngoại giao
và cảnh sát biển đồng ý nhưng Ban Tư tưởng Văn hóa thì lại nói KHÔNG!?
Cho nên họ đã phải chờ đợi hai ngày nay rồi? Trong bối cảnh hiện nay mà
còn “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thì thật sự không thể hiểu nổi.
Tô Văn Trường (trích thư gửi Bauxite Việt Nam)
|
Nhìn
hình ảnh những chiếc tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc uy hiếp, nhiều
người thấy nóng mặt; càng nóng mặt hơn nữa khi thấy những phản ứng đầy
tức giận nhưng đồng thời cũng đầy sự kiềm chế đến nhẫn nhục của thủy thủ
đoàn Việt Nam.
Thật ra, theo tôi, sự kiềm chế
tội nghiệp ấy không có gì đáng trách. Việt Nam không còn chọn lựa nào
khác. Đánh nhau trên biển, Việt Nam không thể có kết quả nào khác ngoài
sự bại trận. Ai cũng biết Việt Nam không phải là đối thủ của Trung Quốc.
Trên bộ, còn chơi trò du kích. Ngoài biển khơi, vũ khí và khoa học kỹ
thuật quyết định tất cả.
Hơn nữa, sự nhịn nhục
còn là một chiến thuật cần thiết về phía Việt Nam: Họ cần có thật nhiều
hình ảnh để chứng minh với thế giới họ chỉ là nạn nhân chứ không phải là
nhữnng kẻ khiêu khích như Trung Quốc tuyên truyền. Tính chất nạn nhân
ấy cần một thời gian để tạo ấn tượng mạnh và sâu đủ để thu hút sự đồng
cảm, và từ đó, sự ủng hộ của quốc tế.
Không nên trách móc nhà cầm quyền Việt Nam trong chiến thuật chịu đựng nhẫn nhục ấy.
Điều
đáng trách của họ nằm ở chỗ khác: Dường như, với họ, chịu đựng nhẫn
nhục là một chiến lược chứ không phải là chiến thuật, nghĩa là có tính
lâu dài chứ không phải chỉ tạm thời, trong một vài ngày hay một vài
tuần, vài tháng. Bởi, nếu đặt câu hỏi, sau khi đóng vai trò nạn nhân ấy
rồi, Việt Nam sẽ làm gì? Nổ súng ư? – Thì chắc chắn cũng sẽ bị đánh giập
đầu ngay tức khắc. Chờ đợi quốc tế nhảy vào giúp đỡ để đương đầu với
Trung Quốc ư? Câu trả lời đã hiển nhiên: Sẽ không có ai cả.
Nhìn
lại, người ta dễ dàng nhận ra ngay một sai lầm chiến lược cực kỳ nghiêm
trọng của chính quyền Việt Nam: Lâu nay, hầu như mọi người đều biết âm
mưu thâm độc của Trung Quốc trên Biển Đông nhưng chính quyền Việt Nam
hoàn toàn không có một kế hoạch nào để chuẩn bị và đối phó cả. Thì đành
là họ có mua một số tàu ngầm, tàu thủy và vũ khí của Nga. Nhưng số lượng
những chiến cụ và vũ khí ấy so với Trung Quốc chẳng khác nào kiến chọi
với voi. Điều ai cũng thấy nhưng Việt Nam không hề làm, hoặc nếu làm,
chỉ là giả bộ làm: tìm kiếm đồng minh thực sự có đủ sức để giúp đỡ Việt
Nam trong trận đấu nhau với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng
lăng xăng đi đây đi đó, cũng ký hiệp ước này hiệp ước nọ, nhưng thứ
nhất, chủ yếu với các nước thuộc loại trung, trong đó, không có nước nào
có thể là địch thủ của Trung Quốc cả; thứ hai, quan hệ giữa Việt Nam
với các nước ấy vẫn rất hời hợt, không có nước nào tin cậy và thương yêu
Việt Nam đủ để có thể nhảy ra chia lửa với Việt Nam trong trận chiến
với Trung Quốc cả.
Nhưng dại dột nhất là Việt
Nam đã không có đủ thiện chí để xây dựng một quan hệ tin cậy với Mỹ,
nước duy nhất có khả năng giúp Việt Nam đương đầu với Trung Quốc. Chơi
với Mỹ, họ chỉ tính toán những trò lặt vặt, kiểu bắt dân làm con tin,
khi nào Mỹ yêu sách thì thả vài người rồi lại bắt vài người khác. Trên
các phương tiện truyền thông, thậm chí, trên các diễn đàn chính thức của
đảng, thỉnh thoảng vẫn chửi Mỹ, xem Mỹ như kẻ thù, người đứng đằng sau
xúi giục cho âm mưu “diễn tiến hòa bình”.
Có thể
nói, chưa bao giờ Việt Nam cô đơn như hiện nay. Thời kháng chiến chống
Pháp, họ được Trung Quốc giúp đỡ; thời chiến tranh Nam Bắc, cả Trung
Quốc lẫn Liên Xô giúp đỡ; thời chiến tranh biên giới với Trung Quốc, họ
được Liên Xô giúp đỡ. Bây giờ: hoàn toàn không.
Đó
không phải là một thất bại về ngoại giao mà còn là một thất bại về
chiến lược. Hình như không ai thấy, hoặc nếu thấy, họ cũng mặc kệ không
thèm làm.
Chính quyền Việt Nam không những cô
đơn trong quan hệ quốc tế. Họ còn cô đơn trong quan hệ với dân chúng.
Suốt bao nhiêu năm vừa qua, họ thẳng tay trấn áp một cách phũ phàng và
tàn bạo tất cả những người yêu nước lên tiếng cảnh báo nguy cơ xâm lược
của Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà dư luận trong nước lâu nay vẫn
xem chính quyền chỉ là một bọn nhu nhược hoặc, gay gắt hơn, bán nước.
Khi,
vì sợ Trung Quốc hay vì muốn bênh vực cho Trung Quốc, họ giang chân đạp
thẳng vào mặt những kẻ đi biểu tình chống Trung Quốc, họ hoàn toàn tự
cô lập với nhân dân.
Bây giờ, ở cái thế vừa cô
lập với dân chúng trong nước vừa cô lập với thế giới bên ngoài như vậy,
có lẽ chính quyền Việt Nam không có chọn lựa nào khác ngoài việc giả vờ
cứng rắn một hồi, lại tiếp tục nhẫn nhục chịu đựng để Trung Quốc muốn
làm gì trên Biển Đông thì làm. Mặc kệ. Quyền chức và tài sản của họ vẫn
nguyên vẹn.
Kẻ thua trận, cuối cùng, là đất nước và nhân dân.
N. H. Q.
Nguồn: FB Nguyễn Hưng Quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét