Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014
Đừng ăn mày vào người xả thân vì nước
Cu Làng Cát
Ngày 16-5 đồng loạt nhiều tờ báo đăng tin các nhà mạng kêu gọi nhắn tin vào tổng đài 1407 “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” để ủng hộ và thu phí mỗi tin nhắn 300 đồng. Báo điện tử VnMedia loan báo: “Công ty Dịch vụ viễn thông VinaPhone tiếp tục tham gia ủng hộ chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Quỹ Tấm lòng vàng Lao động phát động từ 11/4 đến 20/6/2014. Để tri ân những người con anh dũng đã hy sinh thân mình bảo vệ chủ quyền biển đảo lãnh thổ Việt Nam trong hai trận hải chiến Trường Sa (1988) và Hoàng Sa (1974). Chung tay góp sức chia sẻ khó khăn với các cựu binh và thân nhân liệt sỹ Gạc Ma và tử sỹ Hoàng Sa”.
Mỗi tin nhắn sẽ thu 14.000 đồng và thêm 300 đồng mỗi tin tiền phí cho các nhà mạng. Rất nhiều người đã bất ngờ với các thông tin trên. Bởi trong lúc này, cả nước đang hướng về biển đảo, hướng về điểm nóng Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 trái phép trong vùng biển chủ quyền Việt Nam. Hàng triệu trái tim sẵn sàng chia lửa để kề vai sát cánh với các chiến sĩ. Hàng triệu tấm lòng cũng sẵn sàng tri ân với những tử sĩ Hoàng Sa mất năm 1974 khi Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo này của Việt Nam. Hàng chục triệu tấm lòng cũng muốn góp sức để sẽ chia với gia đình, thân nhân của 64 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh ở đảo Gạc Ma ngày 13-3-1988 (Trường Sa) khi Trung Quốc nổ súng đánh chiếm bãi đá này của Việt Nam.
Những người lính từ ngày xưa đến nay, họ lên đường, có hề chi suy tính đến máu xương, đến tính mạng. Những người mẹ, người vợ, người cha khi tiễn con lên đường vì nước non có hề chi nghĩ đến bổng lộc cầu vinh mà chỉ mong con chiến đấu ngoan cường để góp công giữ đất đai, bờ cõi, hương hỏa tổ tiên để lại. Mong ngày quét sạch quân thù để đoàn viên.
Người lính ra đi, ngày trở về người còn người mất. Ngày trở về nhiều người thương tật, sống cảnh khó khăn. Nhưng họ có hề chi đòi hỏi phải đền đáp. Người lính Gạc Ma, Nguyễn Văn Đông ở thôn Rẫy, Tây Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) bị Trung Quốc cầm tù 5 năm năm tháng 15 ngày sau trận Gạc Ma về quê sinh sống tự hai bàn tay trắng, cần lao tối ngày nhưng có nề hà chi. Người lính Mai Xuân Hải, bị Trung Quốc cầm tù 5 năm, 5 tháng 15 ngày mới được thả rồi về quê nhà ở xã Liên Trạch (Bố Trạch), sống trong nghèo khó với đàn con nheo nhóc, lúc trái gió trở trời, các mảnh đạn găm trong người từ năm 1988 Trung Quốc bắn vào Gạc Ma vẫn còn nhói đau. Anh về không chế độ, cùng vợ mưu sinh ở chốn nghèo, có hề đòi hỏi điều chi đâu. Nhiều lắm những phận đời người lính Gạc Ma ngày ra đi không mơ tưởng gì có buổi tính phí.
Vậy mà Vinaphone và một số nhà mạng khác, lợi dụng lúc dầu sôi lửa bỏng này của đất nước, đã kêu gọi ủng hộ tin nhắn kéo dài đến 20-6 và thu phí mỗi tin nhắn 300 đồng. Mỗi tin nhắn thế không phải là nhiều, nhưng thu như thế trong lúc này có phải là trục lợi?, là đục nước béo cò?, là ăn mày trên thân xác, xương máu của những người lính, tử sĩ xả thân vì biển đảo?
Hành động đó trong lúc này không gì khác ngoài kiểu làm ăn toan tính quá nặng nề. Họ đã “tính phí” với người đã vì biển đảo quê hương. Việc làm lúc này đã “tính phí” với vợ con của người đã hy sinh như các liệt sĩ Trần Văn Phương, Nguyễn Mậu Phong trong trận Gạc Ma năm 1988 và hàng loạt đồng đội của các anh đã không quản gian lao để chiến đấu. Hành động đó là cách “tính phí” với người đã sinh thành những người lính hải quân ưu tú cho sự nghiệp bảo vệ biển đảo quê hương. Hành động đó cũng là cách “tính phí” với niềm yêu tổ quốc đất nước lúc này. Hành động đó cũng là cách các nhà mạng “tính phí” vào nghĩa nhân ái, đức đồng bào trước người lính biển.
Lẽ nào, giúp đỡ những gương lẫm liệt, lấy tiền từ khách hàng sử dụng dịch vụ vì nhân đạo, các nhà mạng cũng tính phí để vì mục đích riêng cho cá nhân nhà mạng?. Họ đã ăn mày vào lòng yêu nước, tính phí với những gì thiêng liêng, và trục lợi lúc cả nước ưu tư với chủ quyền biển đảo quê hương?
Các nhà mạng không thu phí đó cũng chẳng thể sụp đổ. Việc gom tiền của người dân vào một mối để làm từ thiện thì nên làm một cách công tâm, không thể vì những đồng phí như thế mà “vô ơn” trước bao liệt sĩ đã hy sinh ở ngoài biển khơi. Việc tính phí lúc này đẩy sự vô cảm và bất nhẫn đến giới hạn ác nghiệt và không thể có lời lẽ nào có thể biện minh cho cách tính phí tin nhắn vì lòng yêu nước.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét