David Brown, Asia Sentinel ngày 7/5/2014
Vũ Thị Phương Anh dịch
Bắc Kinh vừa đưa một giàn khoan nước sâu vào vùng biển của Việt Nam
Chế độ Cộng sản Việt Nam đã hy vọng rằng cách hành xử tôn kính của họ
đối với Trung Quốc có thể làm dịu đi tham vọng thôn tính biển Đông của
gã láng giềng khổng lồ phương Bắc này. Nhưng với việc đưa giàn khoan
nước sâu HD-981 vào thăm dò khai thác dầu khí ở ngoài khơi bờ biển miền
Trung của Việt Nam, Bắc Kinh đã đập tan hy vọng này và đặt Hà Nội vào
một tình thế vô cùng khó xử.
Trong giai đoạn
2009-2011, Việt Nam đã từng là quốc gia đưa ra những lời phê phán mạnh
mẽ nhất đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển
Đông, khi Hà Nội đang hy vọng sẽ tập hợp được một mặt trận thống nhất từ
Hiệp hội các nước Đông Nam Á với sự hỗ trợ (ít nhất là một cách ngấm
ngầm) bởi sức mạnh hải quân Mỹ. Sự miễn cưỡng của cộng đồng của ASEAN
trong việc thách thức Trung Quốc đã khiến Mỹ không có được một nền tảng
cần có cho một chính sách mạnh mẽ trong khu vực Biển Đông. Washington
cũng chưa bao giờ tỏ ra mặn mà với việc cung cấp sự bảo đảm về mặt phòng
thủ cho những nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông khác với Trung
Quốc, kể cả đối với người đồng minh mà nó đã ký hiệp ước phòng thủ là
Manila.
Trong hoàn cảnh như
vậy, một thái độ nhún nhường dù ḳhôṇg được người dân ủng hộ, dường
như là lựa chọn có thể xoa dịu được Bắc Kinh và tạo ra được sự kiềm chế.
Đặc biệt từ khi chính phủ mới của Tập Cận Bình lên nắm quyền, các nhà
lãnh đạo Việt Nam đã hết sức nỗ lực để cải thiện mối quan hệ với gã hàng
xóm thô lỗ của mình.
Vào những năm 2012 và
2013, khi Trung Quốc "thực thi chủ quyền" của mình trên các rạn san hô
trong vùng biển Philippines, phản ứng của HN là hoàn toàn im lặng. Khi
Trung Quốc cử một đội tàu nhỏ để cắm cờ Trung Quốc trên bãi James ở phía
Đông Mã Lai, Việt Nam cũng không hề lay chuyển. Khi tàu hải giám của
Trung Quốc đuổi ngư dân Việt Nam ra khỏi ngư trường truyền thống gần
quần đảo Hoàng Sa, đường dây nóng giữa Hà Nội và Bắc Kinh chẳng thấy
vang lên lời phản đối nào. Khi căng thẳng bùng lên giữa Nhật Bản và
Trung Quốc về quần đảo Điếu Ngư, Hà Nội vẫn khăng khăng giữ thái độ hoàn
toàn im lặng. Khi Manila yêu cầu HN cùng tham gia khởi kiện Trung Quốc
lên Tòa án Công lý quốc tế, Hà Nội đã hoàn toàn né tránh.
Trong
hai năm qua, chỉ có hai sự kiện – cả hai đều diễn ra vào tháng Tám năm
2012 – đã khiến Hà Nội để lộ ra cơn thịnh nộ của mình. Đầu tiên là việc
Công ty quốc gia khai thác dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc (Chinese
National Offshore Oil, CNOOC) đã gửi lời mời đến các công ty dầu khí
nước ngoài để chào giá thăm dò khai thác dầu khí ngoài khơi ở vùng bờ
biển miền Trung Việt Nam. Thứ hai là việc thành lập "Thành phố Tam Sa"
của Bắc Kinh trên một đảo nhỏ thuộc quần đảo Hoàng Sa làm trung tâm hành
chính và quân sự cho sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh tại Biển
Đông.
Trong suốt thời gian hai năm đó, bất kỳ
lúc nào hoàn cảnh cho phép thì các nhà lãnh đạo Việt Nam đều đã không bỏ
lỡ cơ hội tán dương mối quan hệ hợp tác anh em với các đối tác Trung
Quốc. Hà Nội dường như đã lý luận rằng tình trạng hòa hoãn tương đối
giữa hai nước là hoàn toàn có thể, một khi Tập Cận Bình và và nhóm thân
cận của ông ta đã hoàn toàn thực sự nắm được các đòn bẩy quyền lực.
Trong
thời gian chuẩn bị cho việc chuyển giao thế hệ tại Bắc Kinh, những kẻ
theo chủ nghĩa Sô-vanh nước lớn ở Trung Quốc đã rất gay gắt trong việc
kích động chống Việt Nam. Rõ ràng là Hà Nội đã hy vọng rằng sau khi đã
nắm được quyền lực ở trung ương, Tập Cận Bình và các cộng sự của ông ta
sẽ ra lệnh cho cấp dưới giảm bớ việc tuyên truyền chống Việt Nam và
tránh những hành động khiêu khích. Hoàn toàn tin tưởng vào điều này, các
cơ quan an ninh nội bộ của Việt Nam đã gia tăng đàn áp các blogger bất
đồng chính kiến; đây là một cử chỉ để chứng tỏ với Bắc Kinh, nhưng đã
không có tác dụng dập tắt những lời chỉ trích của công chúng đối với
chính sách “nhu nhược” của chế độ trước Trung Quốc.
Tại
Hội nghị Shangri La vào tháng Chín năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
đã kêu gọi Trung Quốc và các thành viên khác hợp tác để "xây dựng lòng
tin chiến lược." Tài hùng biện của ông Dũng đã được nhiệt liệt hoan
nghênh nhưng, giờ đây khi giàn khoan HD-981 đã thả neo trong khu vực 120
km ngoài khơi bờ biển miền Trung của Việt Nam, liệu có quốc gia nào
trong danh sách dài các đối tác của Hà Nội đối tác sẽ có hành động gì
ngoài các lời nói đầu môi trước sự phản đối của Việt Nam?
Những lựa chọn khó khăn cho Hà Nội
Tin
tức về việc triển khai giàn khoan nước sâu của Trung Quốc đã nổ ra vào
ngày 4/5, khi một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng
phản đối lời cảnh báo thường kỳ của Cục Quản lý an toàn hàng hải của
Trung Quốc. Một bản đồ được cung cấp bởi công ty dầu khí của nhà nước,
công ty PetroVietnam, cho thấy một chiếc tàu của CNOOC đang ở vị trí
khoảng 34 km về phía nam của đảo Tri Tôn, hòn đảo nằm ở ngoài cùng ở
phía tây nam trong quần đảo Hoàng Sa, và cách 221 km ở phía đông của đảo
Lý Sơn (trớ trêu thay, đây chính là nơi Việt Nam có Hạm đội với thâm
niên vài trăm năm nuôi trồng, đánh bắt hải sản ở vùng biển quần đảo
Hoàng Sa).
Việc triển khai giàn khoan HD-981 là
"bất hợp pháp và vô giá trị", phát ngôn viên của Việt Nam đã tuyên bố,
và nói thêm rằng vị trí này là hoàn toàn nằm trên thềm lục địa của Việt
Nam.
Không phải như vậy, Bắc Kinh nói. Địa điểm đặt giàn khoan là "hoàn toàn nằm trong vùng biển của quần đảo Tây Sa của Trung Quốc."
Hà
Nội bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa,
một nhóm đảo nhỏ và các rạn san hô nằm rải rác về phía nam của đảo Hải
Nam và phía đông của miền Trung Việt Nam. Bắc Kinh đã đánh bại các đơn
vị đồn trú đóng trên một số quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa (chế
độ Sài Gòn) vào năm 1974 và kể từ đó nó đã thực hiện ngày càng chặt chẽ
việc kiểm soát trên thực tế trên quần đảo này và vùng biển lân cận.
Quần
đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã chiếm đóng vẫn không đủ để cho phép Trung
Quốc mở rộng vùng đặc quyền kinh tế, xét theo Công ước Liên Hiệp Quốc
về Luật Biển. Tuy nhiên, bất kỳ bãi đá nào không bị ngập khi thủy triều
lên cũng có thể "tạo ra" vùng lãnh hải 12 hải lý tính từ bờ biển của nó.
Vị trí khoan là 18,5 hải lý tính từ đảo Tri Tôn. Do đó nó sẽ không nằm
trong "lãnh hải của Trung Quốc" ngay cả khi tuyên bố của Bắc Kinh đối
với quần đảo Hoàng Sa được coi là hợp lệ.
Theo
báo cáo của Trung Quốc, giàn khoan nặng 31.000 tấn và trị giá 1 tỷ USD
của CNOOC sẽ duy trì ở vị trí hiện nay đến tháng Tám. Ra mắt vào năm
2011, cho đến nay giàn khoan HD-981 được báo cáo là đã thực hiện khoan
thăm dò ngoài khơi từ Hồng Kông. Giàn khoan này có khả năng khoan xuống
đáy biển ở độ sâu đến 3.000 mét. Bản đồ Việt Nam cho thấy rằng vị trí
khoan mới là ít hơn 1.000 mét dưới mực nước biển.
Cũng
theo truyền thông Trung Quốc ngày 6 /5, tàu cảnh sát biển Việt Nam đã
"can thiệp" vào các hoạt động của giàn khoan. Chẳng còn nghi ngờ nữa,
các tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc cũng đã được đưa đến khu vực này. Cả
hai quốc gia cũng có thể triển khai các tàu hải quân và không lực để bảo
vệ các lực lượng bán quân sự của họ.
Việc
triển khai giàn khoan HD-981 của Trung Quốc do đó đang đặt ra một tình
thế khó xử và đau đầu cho Hà Nội. Tương tự như sự can thiệp của Trung
Quốc cách đây ba năm đối với tàu khảo sát dầu khí của Việt Nam, việc
Trung Quốc đề nghị đấu giá lô thăm dò dầu khí trong vùng EEZ của Việt
Nam và những nỗ lực đôi khi thành công của Trung Quốc trong việc đe dọa
các công ty dầu mỏ nước ngoài, hành động khiêu khích mới nhất này đang
đe dọa không chỉ làm nhục mà còn gây ra những thiệt hại kinh tế thực sự
cho Việt Nam.
Không giống như quân đội
Philippines, lực lượng vũ trang của Việt Nam là một sự cản trở đáng kể
đối với Trung Quốc. Không ai nghi ngờ về lòng dũng cảm và tinh thần kỷ
luật của quân sĩ và thủy thủ Việt Nam, những người đã thừa kế một thiên
niên kỷ những kinh nghiệm chiến đấu thành công chống quân xâm lược, mà
đặc biệt là từ Trung Quốc. Hơn nữa, trong những năm gần đây Hà Nội cũng
đã thực sự nỗ lực hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân của
mình. Họ có khả năng thực hiện một số trận đánh, thậm chí có thể là
nhiều trận, với Trung Quốc.
Trung Quốc dường
như đang rất muốn làm nhục Hà Nội, hoặc ngược lại, kích động để Việt Nam
tấn công. Việc theo đuổi chính sách bá quyền ở khu vực Biển Đông, được
mô tả rất đúng là chiến lược "vừa đánh vừa đàm”, cho đến nay vẫn luôn
đặc biệt thành công. Bắc Kinh dường như đang muốn tạo ấn tượng với dư
luận thế giới, chứ không hề né tránh nó. Bị kích thích bởi các phương
tiện truyền thông cổ vũ cho chủ nghĩa dân túy, người dân Trung Quốc đang
sôi sục muốn tiến hành một cuộc chiến tranh.
Việc
triển khai giàn khoan HD-981 đã tạo ra một tình huống xấu dễ dàng có
thể leo thang thành một cuộc chiến tranh thực sự. Chỉ Bắc Kinh mới có
thể làm dịu tình hình – và chỉ khi nó có quan tâm.
D. B.
Dịch giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét