Tô Văn Trường
Tham vọng bành trướng của họ lúc nào cũng có, nhưng bây giờ là lúc họ cảm thấy thời cơ của họ đã đến, không chỉ trong phạm vi vùng Đông Nam Á mà trên toàn thế giới. Và điều đó càng kích thích mãnh liệt dục vọng của họ
.
Hiện nay, Trung Quốc đang giữ địa vị độc tôn, đứng đầu trong các nước cộng sản. Một vị trí mà họ luôn nhòm ngó, giành giật trong lịch sử (và điều đó không phải là không có ảnh hưởng quan trọng đối với các lãnh tụ cộng sản của Việt Nam).
Với vị thế, tầm ảnh hưởng của một nước lớn, họ mập mờ đánh lận con đen, gây ra tranh chấp trên mọi vùng biển, tạo ra những vùng tranh chấp lãnh hải để tạo cho mình một thế đứng ở đó, rồi từ từ từng bước một dùng thế áp đảo của mình tạo ra áp lực đè nặng lên các nước liên quan.
Họ lại sáng tạo được thứ vũ khí lợi hại phục vụ đắc lực cho ý đồ chiến lược là giàn khoan khủng di động, một phương tiện phi quân sự cắm trên vùng lãnh hải tranh chấp, nằm chình ình ra đó mà bất cứ một hành động tấn công nào vào nó đều có thể bị cáo buộc là hành vi gây hấn để họ có cớ tiến hành những bước leo thang trả đũa ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng.
Dã tâm và âm mưu của họ là lớn và thâm độc như vậy và không biết là ta đã tìm ra được phương sách hữu hiệu nào để chống trả hay chưa. Điều cần thiết đối với người Việt chúng ta lúc này là phải biết đoàn kết lại, tạm gác sang một bên những bất đồng về chính kiến để lo cho việc lớn.
Ngẫm lại trong lịch sử đã từng có lời kêu gọi: “Chúng ta càng nhân nhượng, kẻ địch càng lấn tới”. Suy ra, đó cũng là quy luật: Bao giờ ta cũng nhân nhượng trước, chỉ khi nào không còn chỗ để nhân nhượng nữa mới đáp trả, như chiếc lò xo của ý chí yêu nước và lòng căm thù bị dồn nén đến cùng cực tạo nên sức mạnh vô địch.
Lịch sử dân tộc ta là như vậy.
Ngẫm suy, phân tích nói trên có lý nhưng từ góc nhìn khác, một vị trưởng thượng GS Phạm Gia Khải cho tôi biết ông giám đốc Sở Công an Hà Nội những năm 1945-1946 kể lại: Có 3 người Mỹ sang công tác ở Hà Nội, được tạo mọi điều kiện cho công tác, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với mấy người cộng sự: “Họ không ủng hộ ta đâu, vì họ thấy chúng ta cộng sản quá!”.
Có người phân tích câu chuyện khoảng năm 1965, trong bữa cơm thân mật với một số người, Hồ Chủ Tịch rất buồn, nói đại ý : ”Sợ nhất là các chú mất đoàn kết”.
Mâu thuẫn về chính kiến, về đường lối, đã có từ lâu. Như vậy, yếu tố nhân hòa là rất quan trọng, vậy mà ngày nay xã hội chúng ta chia rẽ nhau ghê gớm: Giữa lãnh đạo các cấp với dân, giữa dân với dân, giữa các cá nhân lãnh đạo với nhau…chia rẽ vì không ai thấy có sự ràng buộc với cộng đồng cả! Lấy gì đảm bảo cho thành công khi chúng ta không đoàn kết, vô cảm với nhau, không gắn bó với quyền lợi của cộng đồng? Tinh thần đó, khác xa ngày Việt Nam chống Pháp và Mỹ!
Cách đây vài năm, tôi gặp người bạn chỉ có một cậu con trai độc nhất đang học đại học ở Hà Nội. Trong lúc hàn huyên, Bạn nghẹn ngào kể lại vừa nọc ra giường, đánh cho cậu con trai mấy roi, vừa đánh con, vừa khóc vì tội trốn gia đình đi biểu tình chống Trung Quốc. Ngạc nhiên, tôi hỏi vì sao, Bạn trả lời :”Anh ngẫm suy xem, khi người ta hèn với giặc, ác với dân, tham nhũng tràn lan … có đáng để dấn thân bảo vệ nó không?” Nghe đau quá, nhưng trong lúc giặc đến nhà thì việc bảo vệ Tổ quốc, Dân tộc là trên hết!
Gần đây, công tâm mà nói, một số phản ứng tích cực hơn so với trước đây của giới cầm quyền trước hành động xâm lược mới của Trung Quốc. Thái độ này cần nhất quán và thể hiện rõ sự đồng tâm khi dân biểu tình ngày 11-5 tới. Được như vậy, sức mạnh đoàn kết dân tộc sẽ phát huy, dân sẵn sàng ủng hộ, trợ lực với Nhà nước để chống xâm lược.
Tuy nhiên, có điều rất kỳ lạ là phát biểu của Tổng bí thư tại Hội nghị TW 9 đang diễn ra ở Hà Nội không hề nói gì đến chuyện Trung Quốc gây hấn. Vì vậy, dân còn bán tin, bán nghi về lập trường của Nhà nước?.
Hiện nay, có những tiếng nói công kích chính quyền rất nặng nề cũng là điều dễ hiểu vì sự hèn yếu, ngu dốt của ta. Tôi nghĩ, dù rất bất bình về nhiều chuyện, nhưng lúc này cần tập trung mũi nhọn chống bành trướng Trung Quốc. Thêm nữa chúng ta muốn chuyển đổi thể chế chính trị sang dân chủ một cách ôn hòa, không dùng bạo lực thì phải khai thác và phát huy những nhân tố tích cực trong giới cầm quyền.
Nhân tố tích cực không chỉ nhằm vào những người ta biết chắc là tốt mà còn phải khai thác cả những quan điểm, ý kiến tích cực, dù còn phân vân về động cơ của người đưa ra quan điểm, ý kiến ấy (khoa học rất phát triển nhưng cho đến nay vẫn chưa phát minh ra được loại công cụ nào có thể đánh giá động cơ tư tưởng)
Chúng ta sẽ có nhiều đảo lộn to lớn nếu có chiến tranh với Trung Quốc, và cuộc chiến này có hay không là từ phía Trung Quốc. Họ không thực sự muốn chiến tranh với Mỹ, nhưng không sợ chiến tranh với Việt Nam vì Việt Nam thiếu sự gắn kết trong dân tộc, thiếu sự gắn kết giữa Nhà nước với dân…nhưng khi nổ ra cuộc chiến, “cỗ bài được sắp xếp lại,” sẽ có đảo lộn trên qui mô đại trà, sẽ có những thay đổi khôn lường!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét