Trần Quang Thành thực hiện
10-5-2014
Đôi lời: Trong bài trả lời phỏng
vấn nhà báo Trần Quang Thành, ông Hà Sĩ Phu có nêu ra một kịch bản đáng
sợ: Giả sử ở Việt Nam xảy ra một cuộc biểu tình lớn, có khả năng đưa đến
mất chế độ, thì Bộ Chính trị hay Bộ Quốc phòng sẽ kêu gọi Trung
Quốc sang giúp đỡ và Bắc Kinh sẽ kéo quân sang ngay. Nhưng giả sử Bộ
Chính trị Việt Nam kiên quyết chống Trung Quốc… thì họ vẫn cứ kéo
sang, bởi vì trong tình hình hiện nay, căn cứ vào những hiệp ước đã ký
với nhau về sự “hợp tác”, xe Trung Quốc có thể vào sâu trong lãnh thổ
Việt Nam mà không bị kiểm soát.
Công an đã bắt khẩn cấp blogger Nguyễn Hữu Vinh tức Anh Ba Sàm, và blogger Nguyễn Thị Minh Thúy vào ngày 5-5 vừa qua. Trong khi đó, Trung Quốc ngang nhiên mang giàn khoan khổng lồ HD-981vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam để hoạt động, mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam gần như vẫn im hơi, lặng tiếng, ngoài vài câu lên án chung chung lấy lệ, vô thưởng, vô phạt của người phát ngôn Bộ Ngoại giao.
TS. Hà Sĩ Phu, nguyên viện phó Phân viện Đà Lạt của Viện Khoa học Việt Nam, cố vấn Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam (chú thích của BTV trang BS), đã bộc bạch những suy nghĩ, bức xúc của mình với nhà báo Trần Quang Thành như sau:
- Trần Quang Thành (TQT):
Thưa ông Hà Sĩ Phu, hôm 5-5, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an đã bắt
khẩn cấp blogger Nguyễn Hữu Vinh, chủ trang Ba Sàm, và blogger Nguyễn
Thị Minh Thúy. Ông có cảm xúc như thế nào khi nhận được tin này ạ?
- Hà Sĩ Phu (HSP):
Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh thì tôi cũng có những ấn tượng rất đặc biệt.
Cách đây hai năm tôi có dịp ra Hà Nội và được gặp Nguyễn Hữu Vinh. Tôi
hỏi Hữu Vinh làm việc điểm tin thế này thì có chịu áp lực gì ghê gớm lắm
không ? Hữu Vinh trả lời là “cũng không có áp lực gì nhiều lắm đâu anh
ạ, nhưng mà chắc người khác thì không làm được đâu”. Thế thì Hữu Vinh
rất biết việc của mình ở một vị trí mà xã hội tạo một cái duyên để Ba
Sàm làm được cái điều đó. Thế thì cái ngạc nhiên đầu tiên của mọi người
là tại sao (Ba Sàm) có thể làm được một điều không ai làm được như thế,
làm như thế mà “chưa bị làm sao” cả. Cũng chính vì (anh) chưa bị làm sao
mà khiến nhiều người dị nghị cho rằng chưa chắc (anh) đã là nhà dân chủ
quyết liệt thực sự. Thế nhưng thời gian đã chứng minh rằng một người
giả, một trường phái của Đảng đổi mới theo cái kiểu gọi là cải lương thì
không thể làm mãi như vậy. Có thể là một vài động tác và một thời gian
ngắn nào đó ngụy trang chứ không thể làm mãi như vậy được. Và trong lời
bình của Ba Sàm là có hồn thật, thì từ bấy anh em mới tin rằng đây là
một con người có tư tưởng dân chủ thật sự và có lòng tin ở trong quần
chúng.
Việc ngày 5-5 mà bị công
an bắt khẩn cấp thì vừa ngạc nhiên lại vừa không ngạc nhiên. Không ngạc
nhiên ở chỗ một cái việc có giá trị rất lớn về thông tin, phải nói rằng
có cái công lớn như vậy mà… lại không bị làm sao… hơ hơ… thì là ngạc
nhiên. Mà một con người như vậy, một cái việc như vậy ảnh hưởng đến
thông tin của cái Đảng Cộng sản vô cùng, thông tin không có sự thật và
một cái người cứ nói hết sự thật như vậy thì cái việc bị trừng trị cũng
là việc phải được đoán trước. Mà tôi nghĩ rằng chính Ba Sàm cũng không
ngạc nhiên đâu vì từ lâu ông đã giao cái quyền chỉ huy cho các biên tập
viên rồi và không chịu trách nhiệm chính nữa, thứ hai là cái phần điểm
tin điểm báo rất là chi tiết thì đã nhường lại cho trang Diễn đàn XHDS
vừa rồi của ông Trần Quang Thành với ông Nguyễn Quang A đấy. Thế thì tôi
nghĩ rằng chính Ba Sàm cũng đã có chuẩn bị và anh em chúng tôi thì vừa
ngạc nhiên mà lại vừa không ngạc nhiên, cái đó tất nhiên nó cũng phải
đến.
- TQT: Thưa
ông, cách đây một vài tuần thì anh Ba Sàm có ra một thông báo là phải
ngưng hoạt động để mà gọi là “bảo dưỡng kỹ thuật” thì người ta đã lo
ngại cho Nguyễn Hữu Vinh. Ông thấy thế nào về vấn đề này?
- HSP: Tất cả động
tác lúc thì có được người viết comment, lúc thì thôi không được viết
comment nữa, lúc thì chuyển giao quyền chỉ huy trang mạng cho người
khác, có lúc thì bảo thôi không có phần điểm tin hàng ngày nữa… tất cả
các động tác đó, tôi nghĩ rằng đó là những sự chuyển biến rất thông minh
của Anh Ba Sàm mà cũng đã có chuẩn bị. Cũng chính vì những động tác đó
mà tôi nghĩ rằng việc anh bị bắt ngày hôm nay cũng là việc anh đã có
chuẩn bị rồi.
- TQT: Việc bắt
Anh Ba Sàm bắt Minh Thúy cũng diễn biến giống thời kỳ mà ngày xưa chuẩn
bị WTO, họ cũng thả ra một loạt rồi sau lại bắt nhiều hơn, rồi đến thời
kỳ mà họ được ra khỏi CPC họ cũng làm vậy. Hiện tại với mấy nhà dân chủ
mới được trả tự do, cũng có nhà dân chủ được gọi là đi chữa bệnh nhưng
chưa thoát khỏi án tù. Vậy ông bình luận về những ngày sắp tới – sẽ diễn
biến như thế nào?
- HSP: Khi mấy tù
nhân lương tâm nổi tiếng mà được tha thì cũng có người vui tý, bảo rằng
thế này có thể báo hiệu một sự chuyển biến nào đó. Nhưng mà những người
đã am hiểu chế độ tương đối sâu rồi thì không có vội tin như vậy đâu.
Chúng tôi nghĩ việc thả anh Cù Huy Hà Vũ, ông Vi Đức Hồi rồi anh Nguyễn
Tiến Trung, đấy là những quân cờ hay những món hàng đối lưu, thả ra là
tiếng nói đối với Hoa Kỳ, đấy tôi thả những người này cho ông đấy nhá,
thì ông phải tạo điều kiện nọ, tạo điều kiện kia, ví dụ để tôi được vào
TPP vân vân…
Thế nhưng thực ra là chả
thay đổi gì đâu. Bởi vì tiếng nói đối với ông Hoa Kỳ thì nói như vậy để
được thế nọ thế kia, nhưng bên cạnh đó thì Đảng Cộng sản cũng phải có
ngay tiếng nói với dân để cho dân biết rằng đừng có mà tưởng bở nhá,
không thay đổi gì đâu. Chính cái việc thả ấy là đã phải định trước hàng
năm chứ đâu phải đến tháng vừa rồi mới quyết định đâu. Chính trong thời
kỳ làm những động tác có vẻ cởi mở ấy thì Đảng Cộng sản cũng nói lại với
dân rằng tôi không hề mở đâu, đừng có tưởng bở. Cùng lúc đó thì tôi bị
gọi lên làm việc, ông Phạm Đình Trọng phải bị lên làm việc, thế rồi cô
Huyền Trang bị cấm xuất cảnh, bị hành hung, rồi Nguyễn Lân Thắng đi nước
ngoài về bị gây ra khó khăn, để làm cái cân bằng đem ra nói với dân để
dân biết rằng không chẳng có thay đổi gì cả, đừng có tưởng bở, đừng có
nhao nhao lên, không có được gì đâu.
Thế là cũng là một nhu cầu
nữa là các tù nhân lương tâm trở thành những món hàng để đối lưu, thế
là mỗi khi xuất một món hàng ra là kho lại mất một cái vốn, mất cái vốn
ấy rồi thì người khác lại phải nhập kho vào để làm cái vốn mới. Thế nên
tôi nghĩ rằng Anh Ba Sàm trở thành một tù nhân sáng giá, có giá để làm
món hàng lưu trữ ở đó, nên tôi nghĩ việc bắt Anh Ba Sàm cũng đạt nhiều
yêu cầu đấy.
Còn ông hỏi tình hình sắp
tới sẽ như thế nào, thì có hai chuyện, chuyện thứ nhất là Đảng Cộng sản
Việt Nam chưa thay đổi cái gì cả, mọi cái thay đổi chỉ nhằm củng cố,
nhằm thích nghi để giữ được cái ghế và cái quyền lợi thao túng đất nước
cho nó thật là vững chắc thôi. Thứ hai là cũng có những yêu cầu khiến
cho Đảng không thể giữ cái kiểu hành xử như cũ được nữa. Cũng có ý kiến
cho rằng trong Đảng cũng có người nghĩ rằng phải thay đổi cách lãnh đạo,
phải mở cửa một chút, phải đi với phương Tây một chút, rồi thì là phải
độc lập với Trung Quốc một chút, tỏ ra là có chống đối Trung Quốc ở Biển
Đông một chút, tỏ ra có thân thiện với anh em dân chủ một chút, tỏ ra
có một chút hòa giải với anh em chế độ Miền Nam cũ trước đây. Những biểu
hiện đó đều có cả, nhưng mà tôi nghĩ chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ có
những thay đổi căn bản tận gốc rễ, mà đấy chỉ là những động tác có tính
cách rất là ngoài vỏ, rất là sách lược. Thế nên tôi nghĩ năm 2014 này,
mặc dù so với các năm trước là có nhiều biến động hơn, nhưng những thay
đổi căn bản thì chưa thấy có mầm mống gì cả.
- TQT: Trước
khi xảy ra vụ bắt anh Ba Sàm thì ngày 3-5 TQ đã mang cả một cái dàn
khoan khổng lồ vào để thăm dò và khai thác khoáng sản ở Biển Đông, ngay
sát sườn với vùng đảo Lý Sơn. Nhà cầm quyền Việt Nam thì lên tiếng rất
là nhẹ nhàng, thế nhưng thẳng tay đàn áp những người yêu nước. Ông bình
luận sao về vấn đề này?
- HSP: Muốn hiểu cụ
thể, phải biết những vấn đề có tính căn bản gốc rễ, như người ta nói là
phải dĩ bất biến ứng vạn biến, biết được cái gốc thì có thể hiểu những
diễn biến nhỏ nhặt. Cái diễn biến mà nhiều năm nay đã chứng minh là việc
nhường quyền lợi đất nước, nhường biên cương đất nước cho Trung Quốc
một cách có kế hoạch, có hoạch định, là chưa có gì thay đổi hết. Không
biết là nó đã bắt đầu thiết kế từ bao giờ, từ hội nghị Thành Đô hay là
từ trước đó rất nhiều, từ năm 1949-1950 khi bắt đầu khơi thông biên giới
với Trung Quốc, từ khi còn cụ Hồ, còn ông Phạm Văn Đồng. Cho nên có thể
nói đến bây giờ không ra được.
Trên cơ sở đó thì mới hiểu
thế này: Trung Quốc họ tiến hành xâm lược Việt Nam một kiểu rất mềm, cứ
như tằm ăn dâu, mỗi một ngày lấn một bước mà không bao giờ lùi lại.
Trong khi đó, Việt Nam phản ứng theo kiểu “đánh giặc miệng”, cứ nói một
câu ở trên Bộ Ngoại giao, ăn thua gì đâu. Mà thỉnh thoảng cũng làm một
vài động tác có tính chất lừa mị nữa, ví dụ mua vũ khí nọ mua vụ khí
kia, theo cách lừa cả. Rồi lại có những cuộc liên hoan tỏ mối tình đoàn
kết thương yêu các chiến sĩ ngoài hải đảo… Toàn là động tác có tính chất
tượng trưng, thế còn những điều căn bản nhất thì không làm gì cả. Ví dụ
thế này: Muốn đưa đất nước, mình là một nước nhỏ hơn yếu hơn thì đương
nhiên là không thể giữ chỉ bằng vũ khí được mà yếu tố thứ hai quan trọng
là phải giữ bằng yếu tố chính trị, tức phải có một đường lối độc lập,
trung lập không phụ thuộc, phải quan hệ được với những nước có sức mạnh
tương tự để họ kiềm chế lẫn nhau…vân vân… Những nguyên tắc đó đều không
làm thì trung lập làm sao được! Mình cũng là cộng sản, nhưng là cộng sản
nhỏ. Thế thì vẫn có tình trạng hai đảng làm việc với nhau quyết định
những vấn đề lớn của đất nước. Cho nên là nếu còn giữ chủ nghĩa cộng sản
là còn tạo một nền tảng căn bản để Trung Quốc xâm lược theo chiến lược
mềm, thì điều đó có sửa được đâu.
Hai nữa, phải quan hệ với
một nước lớn để có sức mạnh cân bằng lẫn nhau, thì quan hệ đối với Mỹ
(lại) vẫn cứ nhập nhằng như thế thôi. Ví dụ, muốn để Hoa Kỳ – Hoa Kỳ,
tất nhiên là họ vì quyền lợi của họ là chính – thế nhưng để một đất nước
có nêu cao cái tinh thần giúp đỡ thật sự, thì phải gắn kết với người ta
một cách chân thành, như là Nhật Bản, như là Đài Loan, như là Hàn Quốc,
thì tất nhiên người ta sẽ giúp mình cho tới nơi. Nhưng mình cứ chập chà
chập chờn, nhất là trong dịp 30/4 này các bài chửi đế quốc Mỹ xâm lược
vẫn còn rất nhiều… Tóm lại, về chính trị, phải thiết kế một cái đường
lối để giữ vững đất nước trước họa bành trướng Trung Quốc; thì mình đã
giải quyết gì? Tôi ví dụ như, mua vũ khí là mua vũ khí của Nga là chính,
mà để chống Tàu lại càng vớ vẩn nữa. Một là Nga nó bán vũ khí cho Tàu
còn nhiều hơn, nó bán cho mình một cái kém thì nó bán cho Tàu rất nhiều
cái tốt hơn. Khi Trung Quốc nó cần đánh mình chẳng hạn, thì tất nhiên
anh Nga nó sẵn sàng bán bí mật ngay, ví dụ cái tàu đó, cái vũ khí đó bán
cho Việt Nam nó có những đặc điểm này, đặc điểm kia, nó cung cấp ngay
cho Trung Quốc để đánh mình. Thế nên những động tác mua vũ khí đó cũng
là động tác giả cả thôi.
Quay trở lại cái dàn khoan
khủng của Trung Quốc. Nó vào vùng biển của mình, mấy hôm nay tôi bắt
được một cái phim, là mấy anh công an cảnh sát biển của mình đang cự lại
công an Trung Quốc rất căng. Thế nhưng mấy tin đó lại từ một báo của
Trung Quốc đưa lên. Việt Nam thì không thấy đưa tin gì rõ hơn cả. Một
động tác chống cự có tính cách hiếm hoi như thế mà chả thấy có tin gì,
thế thì Việt Nam khó lòng mà chống lại cái nước cờ này, cái ván cờ mà
Trung Quốc nó đưa Việt Nam vào cái thế bí mà cứ mỗi một ngày nó lấn thêm
một bước. Tôi nhớ lại cái câu mà của tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nói rất
chí lý, là với chiến lược gọi là hòa bình, gọi là 16 chữ vàng và láng
giềng bốn tốt, nhưng tất cả các việc mà Trung Quốc muốn, họ đều lấn tới
và họ đều làm được. Trong khi đó tất cả những điều mà mình thấy có ích,
mình muốn làm thì Trung Quốc họ đều chống được. Cứ từng bước một như
vậy, thì như tằm ăn dâu, cứ một ngày ta mất nước từng phần theo con
đường ấy, và chưa có biểu hiện gì có thể ra khỏi kịch bản đó cả.
- TQT: Thưa ông nếu muốn thoát khỏi kịch bản như ông vừa mới nói thì nhân dân Việt Nam chúng ta sẽ phải làm gì?
- HSP:
Suy nghĩ của ông rất giống những người quan tâm đến đất nước. Nếu muốn
thoát ra, trong một bài viết tôi đã nói rằng Trung Quốc xâm lược Việt
Nam bằng cái kế sách hai nước cộng sản với nhau, nước cộng sản lớn thôn
tính nước cộng sản nhỏ, nước cộng sản nhỏ để giữ được quyền lợi phải giữ
được làm chư hầu của nước lớn, và cứ như thế họ lấn chiếm. Muốn ra khỏi
cái nạn đó thì tốt nhất là phải giũ được ra khỏi cái chủ nghĩa cộng
sản, ra khỏi cái chủ nghĩa cộng sản thì cái cam kết của Phạm Văn Đồng
hay của Hồ Chí Minh là vô nghĩa, chúng tôi là không theo cái chủ nghĩa
ấy nữa, không có cái chuyện hai đảng ngồi làm việc với nhau quyết định
cái vấn đề của dân tộc nữa. Nhưng điều đó dứt khoát không làm được, tự
thân Đảng Cộng sản Việt Nam không làm được cái điều đó thì quá rõ rồi.
Ông Tổng bí thư khi nào cũng tuyên bố là kiên trì chủ nghĩa cộng sản cho
đến cuối cùng, thế là tự thân mình không thay đổi được.
Thứ hai là nghiêng về cái ý
kiến như là Cù Huy Hà Vũ nói, là liên kết chặt chẽ với Hoa Kỳ là mệnh
lệnh của thời cuộc là để cứu nước. Tôi nghĩ là cái thời cách đây mấy năm
Cù Huy Hà Vũ nói câu đó là đúng, nhưng đến hôm nay thì có liên kết thật
sự với Hoa Kỳ cũng không cứu được, bởi vì mình liên kết với Hoa Kỳ một
cách lằng nhằng thế này thì Hoa Kỳ họ đâu có hết mình, nhưng nếu Hoa Kỳ
có hết mình thì cũng đâu thắng được Trung Quốc trong trận chiến ở Việt
Nam này. Mấy năm trước còn có thể cứu vãn, còn bây giờ mỗi ngày Trung
Quốc họ chiếm thêm những điều kiện, ví dụ họ đưa chỗ nào cũng có cư dân,
khu phố của Trung Quốc. Dưới lòng đất bây giờ đã có biết bao cái hầm
nổi hầm chìm của Trung Quốc mà người Việt Nam không được biết. Bao nhiêu
cái cứ điểm cái cao điểm quân sự là họ chiếm, rồi phía Tây là Lào thì
có những vùng họ đã thuê được tới 50 năm, 100 năm, ở Biển Đông họ cũng
đã thiết kế. Tức họ bao vây mình rất chặt, họ rải quân khắp đất nước từ
ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Thứ ba, về nhân sự, họ thao túng đến cả cấp
cao, họ rải quân đến mức như thế thì Hoa Kỳ đã làm được những việc đó
đâu. Ở thế trận như vậy thì Hoa Kỳ làm sao có thể đánh bại Trung Quốc
cho được. Dù có liên kết hẳn với Hoa Kỳ cũng không giải quyết được cái
ván cờ này.
Bây giờ giả sử một cái
điều rất lý tưởng mà không bao giờ thực hiện được: Nếu Đảng Cộng sản
Việt Nam, nếu toàn bộ Bộ Chính trị, kiên quyết chống Trung Quốc, không
thân Trung Quốc, bởi thân Trung Quốc thì mất nước, thì dù điều đó xảy ra
cũng không chống được. Bởi vì Trung Quốc có cần để Việt Nam kêu gọi thì
mới đem quân sang đâu. Ví dụ nếu Việt Nam xảy ra một cuộc biểu tình
lớn, khả năng là mất chế độ chẳng hạn, thì Bộ Chính trị hay là Bộ
Quốc phòng kêu gọi Trung Quốc sang giúp đỡ thì họ kéo quân sang, nhưng
mình lại không cần, giả sử Bộ Chính trị Việt Nam kiên quyết chống
Trung Quốc thì họ vẫn cứ sang. Bởi vì, thứ hai, ngoài cái đường giao
thông thiết kế xong rồi, xe tăng của họ có thể vào Hà Nội dễ như không,
đã có những hiệp ước ký với nhau rồi, xe Trung Quốc được vào Việt Nam
mấy trăm cây số không phải kiểm soát. Tóm lại là nếu Trung Quốc muốn thì
nó cứ vào Việt Nam, chả phải kêu gọi gì cả.
Điểm thứ ba nữa, giả sử
Việt Nam có được một ông Putin, tức là một ông độc tài lên nắm được toàn
bộ cái nội vụ của đất nước và ra khỏi cái bàn tay của Trung Quốc, chống
được cái nhóm thân Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ có phản ứng ngay.
Trung Quốc biết rằng cái quân bài Putin như thế sẽ phá vỡ nước cờ xâm
lược của mình, nó sẽ đem hết toàn lực để giải quyết cái anh Putin đó.
Một là nó giải quyết bằng tiền, nó thừa tiền để giải quyết xong một anh
Putin của Việt Nam. Giả sử điều đó không được, giả sử anh Putin này có
tấm lòng sắt đá vô cùng yêu nước thì nó sẽ diệt ngay bằng quân sự bằng
vũ lực mà không ai cứu được. Tóm lại, dù Đảng Cộng sản Việt Nam có kiên
quyết yêu nước cũng không ra khỏi được bàn tay Trung Quốc. Thế thì như
tôi nói từ nãy đến giờ, gọi là cái thế cờ giống như anh Trần Quang Thành
đã nói, là toàn bộ lãnh thổ VN đã an bài trong tay Trung Quốc, thì
không có cách nào giải quyết cả. Nhưng không phải. Tôi nghĩ rằng vẫn có
một cái ẩn số cuối cùng, ẩn số này có thể làm lộn ngược cái bài toán,
cái kết quả ấy, là nhân dân. Chỉ có nhân dân mới cứu được nước thôi.
Nhưng mà xin nói lại rằng cái chữ nhân dân ấy là nói một cách tổng quát
chứ nhân dân là không thể tách rời cái lực lượng tiên phong của nhân
dân, tức là những người dân chủ tiên phong hiện nay, tầng lớp này có
giác ngộ lôi cuốn nổi số đông quần chúng hay không, có chống lại được
cái sự o ép của nhà cầm quyền hay không để giác ngộ nhân dân hay không.
Thứ ba nữa là cái nhân
dân, cái lực lượng quần chúng số đông đó cộng với số đông của mình vẫn
cần sự giúp đỡ hỗ trợ thêm của quốc tế. Kể cả ba yếu tố ấy cộng lại thì
mới có hy vọng có thể thoát khỏi nước cờ rơi vào thế bí giữa Việt Nam và
Trung Quốc. Nhưng cái ẩn số ấy biến động thế nào sẽ còn phụ thuộc những
người trong cuộc.
- TQT: Xin cảm ơn ông Hà Sĩ Phu.
Bài phỏng vấn do nhà báo Trần Quang Thành gửi trang Ba Sàm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét