Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

GS Tương Lai: Xúc tiến TPP, thay vì rơi vào bẫy hội nghị Thành Đô thứ hai


Thụy My

Vừa qua, trên 40 trí thức, nhà hoạt động tên tuổi và văn nghệ sĩ đã gởi thư lên Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, bày tỏ sự bức xúc trước diễn biến thời cuộc hiện nay.

Nhắc lại quá khứ và mưu đồ bành trướng của Trung Quốc, liên hệ với chuyến đi Bắc Kinh vừa rồi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, các nhân sĩ cho rằng cần kiên quyết không để xảy ra một sự kiện «Thành Đô» thứ hai. Theo lá thư, vào thời điểm quyết định này, Việt Nam đang đứng trước một vận hội mới, trong đó hành động thiết thực là việc gia nhập TPP. Nhân danh những người đang ưu tư vì vận nước, các nhân sĩ đòi hỏi được hồi âm và đối thoại.

RFI Việt ngữ đã phỏng vấn giáo sư Tương Lai ở Saigon, một trong những người ký tên trong lá thư trên.

RFI: Kính chào giáo sư Tương Lai. Thưa giáo sư, mới đây các nhân sĩ trí thức lại gởi thư lên Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo như lá thư, đó là do những bức xúc về vận nước, mà trước mắt là chuyến đi Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong tình hình Biển Đông đang hết sức sôi động vì tham vọng của Bắc Kinh?

Giáo sư Tương Lai: Đúng là ông Nguyễn Phú Trọng đã vội vã lên đường theo lời mời của Tập Cận Bình. Chuyến đi vội vã đó có phải là vì Việt Nam đang đứng trước triển vọng gia nhập vào TPP, và ông Trọng cũng đang chuẩn bị đi Mỹ? Có phải nhằm ý đồ ngăn chặn Việt Nam vào TPP mà có lời mời đó hay không?

Vì thực ra Trung Quốc chưa hề có một cái gì thay đổi trong âm mưu của họ. Ngày mùng 8 thì ra thông cáo Việt-Trung nói lên tất cả những điều tốt đẹp, thì ngày mùng 9 Hoa Xuân Oánh - người phát ngôn Bộ Ngoại giao - đã nói rõ là việc họ xây những đảo nhân tạo trên biển là xây trên sân nhà họ, ở ngoài không được tham gia vào.

Đây không phải là lần đầu tiên, mà là sự lặp lại luận điệu của Vương Nghị. Chưa bao giờ cái bộ mặt ăn cướp lại được bộc lộ một cách trắng trợn như thế! Vậy mà những lời hứa hẹn viển vông về cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa này nọ, lại được lặp lại trong chuyến đi ấy.

Thì chúng tôi nghĩ, đã đến lúc chúng tôi phải vạch trần cái bộ mặt thật của Trung Quốc, đồng thời nói rõ: Đừng bị mắc mưu Trung Quốc để đánh mất cơ hội một lần nữa trong việc gia nhập TPP. Vì với việc tham gia TPP, Việt Nam có cơ sở mới, một nền tảng mới để thoát cái vòng kiềm tỏa của Trung Quốc.

Mà TPP chính là một đòi hỏi của cả Mỹ khi xoay trục sang châu Á. TPP là lời cam kết chiến lược của Mỹ về sự hiện diện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương lâu dài, vì lợi ích của cả nước Mỹ. Cho nên trong phát biểu thường niên của Tổng thống Barack Obama trước Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng Giêng năm 2014, ông nói rằng TPP là một cách để bảo đảm là Hoa Kỳ không đơn giản nhường lại quyền đặt ra quy tắc cho Trung Quốc.

Đây chính là lý do mà Tập Cận Bình vội vã mời Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc, và bằng cái thông cáo đó, làm như mọi việc đều tốt đẹp cả. Nhưng mà người ta thấy những điều đó trên thực tế lại đang diễn ra rất xấu. Nên chúng tôi phải có ngay một cái thư gửi Bộ Chính trị là như thế.

RFI: Tức là không để cho có cơ hội xảy ra một Hội nghị Thành Đô thứ hai?

Vâng. Cho nên tôi có nói, lúc này đây, khi mà Trung Quốc biết rõ nếu Việt Nam trở thành thành viên của TPP, thì sẽ có tiền đề để bước ra khỏi cái bóng của Trung Quốc. Mà đây là việc hết sức khó khăn, bởi vì Trung Quốc đã cài cắm người, cài cắm nhà máy, những khu đầu tư công nghiệp trên khắp Việt Nam từ phía Bắc cho đến tận Mũi Cà Mau ở phía Nam.

Thế thì vì lợi ích của cả Hoa Kỳ và Việt Nam trong TPP – hai lợi ích đó gắn với nhau – nên lúc này đây Việt Nam nếu không tranh thủ để gia nhập TPP, thì một lần nữa lại rơi vào cái bẫy của Trung Quốc. Và sẽ lặp lại nguy cơ của một «Thành Đô» thứ hai: lệ thuộc vào Trung Quốc không dứt ra được. Thế nên trong nội dung chúng tôi nói, gia nhập TPP là một trong những nhân tố góp vào quyết sách giữ nước và phát triển đất nước bền vững.

Hành động một cách thiết thực nhằm thúc đẩy tiến trình gia nhập TPP chính là đòi hỏi bức xúc của nhân dân Việt hôm nay. Đó cũng là đòi hỏi của lịch sử. Chúng tôi kêu gọi ông Nguyễn Phú Trọng cũng như những nhà ngoại giao đi sang Mỹ kỳ sắp tới, hãy đi vào lịch sử, như những người thúc đẩy lịch sử. Chứ không nên là tội đồ của lịch sử, nếu lại để vuột mất cơ hội một lần nữa.

RFI: Dạ thưa giáo sư, có lẽ những người cầm quyền ở Việt Nam cũng rất muốn gia nhập TPP, nhưng cũng lo sợ người láng giềng phương Bắc lại ở sát bên. Nếu tỏ thái độ thân phương Tây quá, cụ thể là thân Mỹ, thì sẽ bất lợi?

Đúng, tôi nghĩ có chuyện đó. Bất cứ một chính khách nào, bất cứ nhà cầm quyền nào cũng đều phải có sự khôn ngoan để nhìn nhận ra vị thế địa chính trị của Việt Nam, nằm sát với một nước láng giềng khổng lồ.

Nhưng tôi xin nhắc lại, không phải chỉ thế kỷ 21 này, nhiệm kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng, của Nông Đức Mạnh, những người lệ thuộc vào Trung Quốc một cách quá hèn nhát, thì Việt Nam mới ở cạnh Trung Quốc. Mà người Việt Nam, đất nước Việt Nam là láng giềng của Trung Quốc hàng nghìn năm nay rồi.

Cái mộng xâm chiếm của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán qua các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh cho đến Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình rồi đến Tập Cận Bình đều cùng một giuộc như nhau cả. Vậy mà Việt Nam vẫn tồn tại. Việt Nam tồn tại vì có đủ bản lĩnh chống trả lại âm mưu bành trướng của Trung Quốc.

Thế kỷ thứ 13 Trần Hưng Đạo và nhà Trần ba lần đánh tan đạo quân Nguyên. Thế kỷ thứ 15 đánh bại quân Minh của Minh Thành Tổ. Thế kỷ 18 đánh tan hơn mười vạn quân của Tôn Sĩ Nghị - quân Thanh, trong vòng mười ngày. Và lần nào cũng vậy, sau khi đánh tan giặc rồi thì lập tức lại có chính sách để hòa hợp, tạo nên những mối quan hệ.

Như Nguyễn Huệ trước khi ra Bắc mở trận phản công mười ngày đó, đã nói với Ngô Thời Nhiệm: Đánh như thế nào ta đã có, nhưng dù đánh tan giặc, đó vẫn là một nước lớn. Phải chuẩn bị làm sao để có tư lệnh, để dẹp bỏ can qua, không tiếp tục chiến tranh nữa. Vì thế sau khi đánh thắng quân Thanh, cho chôn xác giặc trên gò Đống Đa, Quang Trung lập tức xây dựng ngay mối hòa hiếu với nhà Thanh. Lịch sử ghi nhận rất rõ ràng như vậy.

Bây giờ đây, Việt Nam không phải ở vào thế cô lập như thời kỳ thế kỷ 13 của nhà Trần; thế kỷ 15 của Nguyễn Trãi, Lê Lợi; thế kỷ 18 của Quang Trung Nguyễn Huệ. Việt Nam bây giờ có cả một tư thế trong khối ASEAN, trong những mối quan hệ với nhiều nước lớn, và đặc biệt hiện nay chuẩn bị gia nhập TPP, trong bối cảnh Mỹ đang xoay trục sang châu Á.

Việt Nam đã từng bị những nước lớn biến mình thành con tốt đen, vì lợi ích của họ. Cho nên như trong thư chúng tôi đã nói, hiệp định Genève 1954 chính là chơi trên đầu chúng tôi giữa các nước lớn Mỹ, Pháp, Liên Xô, Anh, ép Việt Nam phải chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17. Thông cáo Thượng Hải của Nixon và Chu Ân Lai năm 1972 chính là viết bằng máu của người Việt Nam đấy, vì sau đó Mỹ tiến hành một cuộc chiến tranh ném bom ồ ạt…

Cho nên lúc này đây Việt Nam cần có bản lĩnh. Phải có những nước cờ cao để khi TPP mở ra một chương mới hợp tác liên minh với phương Tây, đồng thời phải có một chính sách hòa hiếu với nước láng giềng. Điều đó ông cha ta có đầy đủ bài học để làm. Nhưng muốn vậy phải biết đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, và phải dám kiên cường chứ không nhu nhược.

RFI: Có những ý kiến cho là những lời đó dù tâm huyết, trước đây đã có nhiều kiến nghị rồi. Bây giờ thay vì một lá thư gởi cho Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, có thể là một tuyên bố để hiệu triệu được người dân, gây sức ép lên những người lãnh đạo Việt Nam. Giáo sư nghĩ thế nào về ý kiến này?

Ý kiến đó cũng tốt thôi – trăm hoa đua nở, mỗi người có một cách làm, cách thể hiện. Làm cách nào để có lợi cho nước cho dân thì làm. Trước mắt, một nhóm chúng tôi - những người khởi xướng ra bức thư này, như đã ký tên ở dưới - thì chúng tôi nhận thức rằng lúc này đây đang trình bày tâm huyết của mình, với những người đang gánh chịu trách nhiệm của lịch sử đối với dân tộc.

Hiện nay chưa có một thế lực chính trị nào có thể thay thế Đảng Cộng sản Việt Nam được đâu. Và lúc này đây, khả năng tốt nhất chính là những người cộng sản Việt Nam hiểu rõ sứ mệnh của họ vào lúc này. Để lấy lại niềm tin của dân, mà bộ phận lãnh đạo, do sự hư hỏng của họ, đã làm cho cái đảng của Hồ Chí Minh bị mất hết lòng tin trong dân rồi.

Thế thì bây giờ những người lãnh đạo hãy trở lại với bản lĩnh mà đảng Cộng sản đã có, trong quá trình lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thành công, kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Mỹ thành công. Đánh tan đạo quân Pôn Pốt - thực chất là bàn tay của Trung Quốc không muốn cho Việt Nam có một phút yên lành, mà muốn đánh Việt Nam gục ngay sau khi chiến tranh mới kết thúc. Và bằng cuộc chiến đấu đánh tan Pôn Pốt để cứu Campuchia ra khỏi họa diệt chủng, bị thua cái trận nặng nề đó thì Đặng Tiểu Bình phát động cuộc chiến tranh biên giới và bị Việt Nam đẩy lùi.

Chúng tôi khẳng định rằng khả năng tốt nhất, có ý nghĩa lớn nhất là tự những người lãnh đạo trong giới cầm quyền hiện nay tự chuyển biến, để họ biết đặt lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của dân tộc lên trên hết. Từ sự chuyển biến đó, dần dần từng bước thay đổi thể chế chính trị, thay đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu làm được như thế, họ sẽ lấy lại uy tín.

Và trên nền tảng mới của một luật chơi mới khi vào TPP - tức là Việt Nam xây dựng một nền kinh tế sạch khi tái cấu trúc lại kinh tế, tái cấu trúc về mặt chính trị - thì lúc bấy giờ mới có tiền đề để thực hiện những đòi hỏi về thượng tôn pháp luật, về nhân quyền, dân quyền và tất cả các mặt khác. Vì hai vấn đề này đi đôi với nhau nhưng phải trên nền tảng của một nền kinh tế mới, tái cấu trúc mới về các mặt, thì những đòi hỏi khác mới có cơ sở để thực hiện.

Chính trên ý nghĩa đó mà chúng tôi gửi thư này cho Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng. Vì chúng tôi biết rằng trong những người đó vẫn âm ỉ lòng yêu nước thiết tha. Và họ cũng âm ỉ mong muốn Việt Nam độc lập và tự cường. Chứ Việt Nam không phải nhục nhã như cam kết Thành Đô, để biến Việt Nam thành con tốt trong tay của Trung Quốc, Việt Nam chịu áp lực của Trung Quốc.

Với lực lượng đã có, bằng những biểu hiện cụ thể, chúng tôi tin rằng hẵng làm điều này. Tức là trình bày bằng một cách rất chân tình, mạnh mẽ với những người lãnh đạo. Để chúng tôi góp phần vào thúc đẩy cho những nhân tố tiến bộ, tích cực, dân chủ hóa trong nội bộ cho Bộ Chính trị, trong nội bộ Ban chấp hành Trung ương Đảng ; tạo nên một bước đột phá mới trong những Hội nghị trung ương mới của Đảng sắp tới đây tiến tới Đại hội 12.

Quan điểm của chúng tôi công bố một cách rành rọt, rõ ràng như thế. Đương nhiên sẽ gặp những ý này ý kia phản đối - thì đã gọi là đa nguyên về tư tưởng thì phải chấp nhận những sự khác biệt. Vậy thì những ai muốn làm cái gì tốt hơn hãy làm đi. Còn chúng tôi thì làm như vậy đấy.

RFI: Thưa giáo sư, hy vọng các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể tự chuyển biến liệu có là ảo tưởng không, khi mà những kiến nghị trước đây đều không được hồi âm?

Đó là một câu hỏi đặt ra. Nhưng lịch sử không đứng yên, sự vật không đứng yên. Và không có nhà cầm quyền nào lại tự mình rời bỏ chiếc ghế quyền lực đâu, nhưng rồi cuối cùng họ vẫn phải tạo ra những điều để không bị áp lực càng ngày càng mạnh mẽ, biến họ trở thành tội đồ của lịch sử.

Chúng tôi vẫn tin rằng, trong những người cầm quyền hiện nay có rất nhiều những người yêu nước. Rất nhiều những người muốn thay đổi, và có thời cơ là sẽ thay đổi. Những diễn biến vừa qua cho thấy rằng từng bước từng bước một, chủ trương của lực lượng bảo thủ muốn kiên định đường lối, vì vậy mà muốn gắn chặt với Trung Quốc - gọi là nước cùng chung ý thức hệ - đã càng ngày càng tự thấy rằng mình mất uy tín quá nhiều rồi.

Bây giờ đây trước tình hình mới, chuyển biến mới mà TPP là một ví dụ, người ta thấy những nhân tố mới này đang có những chuyển biến. Chính vì thế mà có những người nói với chúng tôi rằng khoan ra bức thư này, đợi sau khi ông Nguyễn Phú Trọng đi về đã rồi hẵng ra. Đó cũng là một ý hay bởi vì các ông, các anh, các chị đó thấy có những nhân tố mới chưa rõ, nên muốn từ từ đợi cho rõ ra đã rồi mới làm.

Nhưng đối với chúng tôi, thì chúng tôi cho rằng các anh nghĩ như vậy, các anh đợi lúc bấy giờ mới làm, rất tốt, lúc ấy chúng tôi cũng sẽ tham gia. Nhưng bây giờ đây khi ông Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị đi Mỹ, và đang có những nhân tố mới, đang có những chuyển biến mới, bàn bạc mới, thì chúng tôi tỏ rõ thêm thái độ cho rành rọt ra nữa.

Đây cũng là cách để tác động, giúp cho những người lãnh đạo biểt rằng họ cần hành động vì dân. Đặt lợi ích của dân tộc của Tổ quốc lên trên cái gọi là ý thức hệ, bởi vì không làm gì có mục tiêu đấu tranh cho một chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Không đấu tranh cho chủ nghĩa A, chủ nghĩa B thắng lợi; mà trước hết là đấu tranh cho một nước độc lập, cho một đời sống tự do và hạnh phúc của dân.

Như vậy mục tiêu của những người cộng sản, nói đúng ra không phải đấu tranh cho chủ nghĩa của họ, cho lý tưởng của họ. Vì trên thực tế cái học thuyết Mác nó đã tự phơi bày ra quá nhiều những sai lầm rồi. Người ta đã từ bỏ dần dần những sai lầm đó, và từ lâu hàng chục nước, hơn năm chục đảng Cộng sản đã vứt bỏ cái gọi là chủ nghĩa Mác-Lênin đi rồi.

Vậy thì đến bây giờ đây phải làm thế nào? Đảng Cộng sản muốn giữ được vai trò họ đã từng có, thì một lần nữa hãy thể hiện mình. Đi với dân, trở về lại với dân, có như vậy họ sẽ giành được thắng lợi.

RFI: RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn giáo sư Tương Lai ở Saigon, đã vui lòng dành thì giờ trả lời cuộc phỏng vấn hôm nay của chúng tôi.
T.M. – T.L.

Trả lời hai câu hỏi của báo Ngày Nay về dự tính đi Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng


GS. Lê Xuân Khoa

1. Theo nhận định của tôi, chuyến đi Mỹ sắp tới của ông Trọng là kết quả của một sự đồng thuận trong nội bộ lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, khi cuộc đấu đá giữa hai phe thân Tàu của Nguyễn Phú Trọng và phe chống Tàu của Nguyễn Tấn Dũng lên đến mức báo động, có thể một còn một mất. Đúng lúc đó, trang blog Chân Dung Quyền Lực xuất hiện, lần lượt công khai hóa hồ sơ tham nhũng của phe thân Tàu và những tay cơ hội đang mưu toan chiếm đoạt quyền hành từ tay Nguyễn Tấn Dũng. Trước nguy cơ sụp đổ chế độ, toàn ban lãnh đạo Đảng phải tìm giải pháp đồng thuận, tức là Việt Nam phải độc lập hơn với Trung Quốc và xích lại gần hơn với Hoa Kỳ. Kết quả là blog Chân Dung Quyền Lực ngưng tố cáo các đối thủ và Hoa Kỳ cũng hoan nghênh sự chuyển hướng ấy bằng việc mời Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ.


Trung Quốc không thể ngồi yên để Việt Nam thoát ra khỏi quỹ đạo của mình và trở thành một đồng minh của Mỹ. Trung Quốc đã vội vã mời Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh trước, và để gỡ lại danh dự cho ông Trọng đã bị mất mặt trong vụ giàn khoan HD-981, Tập Cận Bình đã đón rước đối tác Việt Nam với tất cả nghi lễ long trọng nhất. Nhưng hình thức ngoại giao tốt đẹp ấy vẫn chỉ nhằm giữ chặt Việt Nam trong sự kiểm soát và chi phối của Trung Quốc. Bởi thế, ngay trong buổi gặp đầu tiên, Việt Nam đã ký bảy văn bản thỏa thuận với Trung Quốc, mà quan trọng nhất là hợp tác cơ sở hạ tầng và hợp tác tiền tệ. Bản Tuyên bố chung giữa hai nước vẫn lặp lại châm ngôn 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt mà từ hội nghị Thành Đô 1990 đến nay chỉ thấy thực hiện một chiều. Trung Quốc từng bước xâm phạm chủ quyền Việt Nam, đưa lao động vào định cư ở những vị trí chiến lược, sát hại ngư dân Việt Nam, lũng đoạn kinh tế, đào tạo cán bộ trẻ Việt Nam theo mô hình Trung Quốc, trong khi lãnh đạo Hà Nội luôn luôn tỏ ra nhẫn nhịn để có thể duy trì chế độ độc tài với những đặc quyền, đặc lợi. Toàn dân đã thấy rõ những sai lầm và tội ác của lãnh đạo và một cuộc tổng nổi dậy có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Phe thân Tàu nhận thấy đã đến lúc phải tự cứu bằng cách thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc mà vẫn tránh được tình trạng đất nước lâm nguy vì bị Trung Quốc trừng phạt. Bởi thế đã có sự thu xếp trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam và giải pháp đồng thuận là chính sách đối ngoại cân bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Đây chính là sự ứng dụng khả năng tồn tại của dân tộc Việt Nam tự bao đời, biểu hiện bằng phong cách nhu đạo về ngoại giao cũng như quân sự. Trước hiểm họa Trung Quốc ngày nay, Nguyễn Tấn Dũng đã tỏ ra là người sớm giác ngộ nhất khi ông đọc bài diễn văn tại hội nghị “Đối thoại Shangri-La” cuối tháng Năm 2013. Trong diễn văn này, Thủ tướng Việt Nam đã cho thấy một bước ngoặt quan trọng về chính sách đối ngoại của Hà Nội: tìm cách thoát khỏi sự khống chế của Bắc Kinh và gia tăng hợp tác với Hoa Thịnh Đốn. Khi đó, tôi đã viết: “Điều này không có nghĩa là Việt Nam muốn tìm một đồng minh quân sự để chống lại Trung Quốc mà chỉ là một quyết định khôn ngoan để bảo vệ độc lập và chủ quyền của mình. Trong phần cuối bài diễn văn, ông Dũng đã khẳng định là ‘Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác’. Điều này hé mở khuynh hướng về quy chế trung lập có thể sẽ được các nước ASEAN chấp thuận như một chọn lựa thích hợp với “vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế hợp tác đa phương”. Cần nói rõ thêm chủ trương “không liên minh với nước này để chống lại nước khác” không có nghĩa là “không tìm kiếm đồng minh để tự vệ khi đất nước bị xâm lược”.

Trở lại chuyến đi Mỹ sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nếu ông Trọng đã thật tình chuyển hướng thì cho dù đã ký những văn bản hợp tác với Trung Quốc, ông cũng vẫn có thể trong tư thế người cầm đầu Đảng lãnh đạo ở Việt Nam có những biểu hiện hợp tác với Hoa Kỳ trong khi xác nhận đường lối trung lập vì lợi ích quốc gia của Việt Nam. Thực tế thì Hoa Kỳ không có mưu đồ chiếm đoạt lãnh thổ hay đồng hóa dân tộc Việt Nam như Trung Quốc nên chỉ cần Việt Nam không đi theo Trung Quốc để chống lại Hoa Kỳ và đe dọa nền hòa bình và an ninh khu vực. Đây chính là cái thông điệp Hoa Kỳ muốn xác nhận với lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam trong chuyến viếng thăm Washington DC của TBT Nguyễn Phú Trọng. Nếu con đường trung lập cũng là sự lựa chọn của toàn thể các nước ASEAN thì cường quốc bất mãn không phải là Hoa Kỳ mà chính là Trung Quốc.

2. Vì các văn bản thỏa thuận giữa Trung Quốc và Việt Nam chưa được công bố nên tôi không biết nội dung việc thành lập Nhóm hợp tác về cơ sở hạ tầng và Nhóm hợp tác về tiền tệ như thế nào. Bởi thế tôi không thể nói gì nhiều để trả lời câu hỏi này. Dù sao, căn cứ vào bản Tuyên bố chung, một số chuyên gia trên diễn đàn “Vietnam Issues Forum” do một nhóm trí thức hải ngoại thành lập đã có thảo luận về vấn đề Việt Nam tham gia Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc thành lập và hợp tác với TQ trong việc thực hiện Con Đường Tơ Lụa, liệu có ảnh hưởng gì tới việc Việt Nam tham gia thỏa ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Hoa Kỳ thành lập hay không? Tôi muốn tóm lược mấy điểm chính trong ý kiến của Luật sư Tạ Văn Tài trên diễn đàn này là:

· Việc Việt Nam tham gia AIIB và Con đường Tơ lụa Biển của TQ không ảnh hưởng gì đến tư cách độc lập và chủ quyền biển của Việt Nam. Do đó, VN vẫn có quyền gia nhập TPP, phản đối việc TQ xây đảo đá ngầm thành căn cứ quân sự và tiếp tục các nỗ lực giữ gìn biển, đảo theo luật pháp quốc tế.

· Trung Quốc cần duy trì quan hệ ổn định với Việt Nam để có thể duy trì ảnh hưởng với các nước trong khu vực. VN có lợi vì có thể vay tiền của AIIB vào các công trình phát triển hạ tầng như mở rộng cảng Hải Phòng với nhưng lợi tức liên quan như thu thêm tiền thuế bến cảng, tiền thuê công nhân bốc dỡ hàng.

· Con đường Tơ lụa Biển là con đường thương mại và lưu thông hàng hải quốc tế, Việt Nam sẽ bị thiệt nếu không tham gia. Trong Thông cáo chung Việt-Trung, Trung Quốc có xác nhận lại cam kết cùng các nước ĐNÁ kết thúc thỏa thuận về Bộ Luật Ứng xử (COC). Các nước có thể thúc đẩy Trung Quốc sớm thực hiện cam kết đó.

Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy Việt Nam về vấn đề nới lỏng tự do dân chủ và cải thiện nhân quyền, và tình hình chung đang diễn tiến tích cực. Dù sao, lực đẩy chính vẫn là trí thức và nhân dân trong nước với vai trò của các tổ chức xã hội dân sự đang có điều kiện phát triển thuận lợi. Điều quan trọng là các tổ chức này cần tự kết hợp, tự xây dựng khả năng và uy tín, không chỉ độc lập với chính quyền mà cũng không để cho bất cứ một tổ chức quá khích nào từ bên ngoài ảnh hưởng và chi phối, làm trở ngại mọi sự hỗ trợ chính đáng của cộng đồng hải ngoại, của chính phủ Hoa Kỳ và quốc tế.

28 tháng Tư 2015

L.X.K.



Tác giả gửi BVN

Trịch thượng, ban ơn... làm sao hòa giải?


Nguyễn Ngọc Lanh


Bốn mươi năm nay, hễ có dịp là rộ lên chủ đề "hòa giải". Năm nay, kỷ niệm ngày 30-4 là một dịp như vậy. Chỉ cần thế, đủ nói lên hòa giải chưa thành công. Tôi chú ý mấy bài viết liên quan, mới nhất, rất dễ tìm đọc:

- GS Nguyễn Đăng Hưng trả lời phỏng vấn báo "ta", với nhận định Chính sách “hòa hợp” với Việt kiều chưa thành công. Rốt cuộc, bài không được đăng, đến nỗi GS tự công bố [Thực ra, việc này xảy ra từ năm 2013 – BVN] . Muốn hòa giải, mà còn phải kiêng khem như vậy, liệu có thực lòng hòa giải? Hơn nữa, đây là vị GS rất có công với nền giáo dục và khoa học Việt Nam, từng được chế độ này coi trọng công sức, chỉ không coi trọng ý kiến. Nay, GS nhận định bằng trực giác như vậy, đủ thấy chuyện "hòa giải" sẽ còn chật vật.



- Cụ Nguyễn Minh Triết Nguyên Chủ tịch nước trăn trở về hòa hợp dân tộc. Cụ nói cần "đại xá" nhưng không nói đại xá (tha tội) cho ai - dù ám chỉ rằng họ rất đông đảo (đại xá cơ mà) và vì sao họ có tội suốt 40 năm mà chưa chịu thay đổi, đến mức (thôi thì...) đại xá cho họ. Có điều cần lưu ý: "hòa giải" và "hòa hợp" là hai bước, phải thực hiện theo một thứ tự mà người bình thường cũng thấy ngay, nhưng cụ Minh Triết cứ đảo lộn, tùy tiện. Cụ sẽ phải trăn trở (và trở trăn) nhiều. Chỉ cần vậy, đủ thấy hòa giải còn gian khó.

- Nhiều, ngày càng nhiều bài viết nhận định rằng "cuộc kháng chiến chống Mỹ" thực chất là cuộc “nội chiến", hoặc "chiến tranh hai miền"; do vậy cách hòa giải như hiện nay là không thích hợp. Chuyện hòa giải còn tắc nghẽn.

Xin làm rõ khái niệm "nội chiến" dùng ở đây. Dân là nạn nhân, khi hai phe trong một nước tranh chấp bằng vũ lực.

Bất hạnh lịch sử

Dù đã bước vào kỷ nguyên độc lập (năm 939) dân ta vẫn nhiều lần phải chống xâm lược. Ngoài ra, xương vẫn rơi, máu vẫn đổ... vì các cuộc nội chiến "nồi da xáo thịt" liên miên. So nội chiến với ngoại chiến, càng thấy sự bất hạnh:

- Số lần nội chiến (lớn, nhỏ) nhiều gấp chục lần các cuộc "ngoại chiến".

- Tổng số thời gian nội chiến dài gấp trăm lần thời gian tiến hành kháng chiến chống ngoại xâm. Liệu đây có phải là một khác biệt giữa hai loại chiến tranh?

- Nỗi đau do nội chiến thấm sâu gấp ngàn lần do quân xâm lược gây ra.

Từ các nhận định trên, liệu có thể rút ra ba nhận định "mang tính kết luận" như dưới đây:

1- Trong chống ngoại xâm, ngay sau chiến thắng, tổ tiên ta nhanh chóng hòa giải thành công với kẻ thù ngoại bang. Cũng vậy, hận thù nội bộ được giải quyết rất gọn gàng, êm đẹp. Ví dụ, khi chiến thắng quân Nguyên, ta thu được cả một hòm "đơn xin hàng" của các vị "Việt gian" gửi đến bản doanh Thoát Hoan, nhưng Thượng hoàng Thánh Tông ra lệnh đốt bỏ – để từ nay cả nước yên lòng xây đắp giang sơn. Té ra, hòa giải sau chiến thắng chống ngoại xâm thuận lợi bao nhiêu, thì hòa giải sau nội chiến khó khăn bấy nhiêu. Bởi vì, triệu người cứ vui (mà vẫn có thể nhẫn tâm không thèm biết đến) có triệu người buồn. Xấu hổ nhất là niềm vui cũng như nỗi buồn không thể chia sẻ giữa người thắng, kẻ bại (đồng bào).

2- Lượng xương máu dành cho chống ngoại xâm là không nhỏ, nhưng lại rất nhỏ nếu so với sự phung phí sinh mạng trong nội chiến. Ba lần xâm lược, nhưng thực ra quân Nguyên có mặt trên đất ta chưa tới 365 ngày; trong khi cuộc nội chiến Lê-Mạc kéo dài 60 năm, với hậu quả đúng nghĩa: "núi xương, sông máu".

3- Trong nội chiến xưa ở Việt Nam, chưa bao giờ có hòa giải giữa phe "được" (là vua) và phe "thua" (là “ngụy”) - tuy cùng màu da, ngôn ngữ, chung tổ Hùng Vương. Thậm chí, sau chiến thắng, phe Lê-Trịnh còn truy lùng để tận diệt họ Mạc. Cũng như vậy, Gia Long lên ngôi đã tìm bắt để tru di Tây Sơn. Hy sinh trong nội chiến thật vô ích.

Liệu được phép rút ra kết luận thứ ba: Hòa giải sớm hoặc không thể hòa giải là tiêu chuẩn phân định "chống xâm lược" và "nội chiến" (?). Xin tùy ý kiến bạn đọc.

Cuộc chiến lớn nhất lịch sử đã kết thúc?

Cuộc chiến tranh lớn nhất lịch sử nước ta - gọi theo số máu đã đổ - đã kết thúc từ 40 năm trước. Cũng từ đó đến nay, hễ có dịp, lại ồn lên ngày càng nhiều lời bàn, thái độ càng gay gắt, về "hòa giải". Dựa vào đó, có ý kiến nói: chiến tranh kết thúc ở chiến trường, nhưng chưa kết thúc trong lòng người. Liệu có đúng?

Số thương vong của lính Việt (cả hai phía) gấp 20 hoặc 30 lần con số này của lính ngoại bang (giúp hai phía). Số thương vong của dân (thuộc cả hai phía) còn nhiều gấp bội. Dựa vào thực trạng này, có ý kiến nói: Đây là nội chiến. Liệu có đúng? Tuy nhiên, sách Lịch sử hiện hành chính thức gọi đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ – cùng bản chất và ý nghĩa với các cuộc kháng chiến chống Tống, Nguyên, Minh, Thanh... trước đây. Chỉ khác nhau ở chuyện hòa giải hậu chiến.

Bốn chục năm (1975-2015) đủ để bốn chục triệu người cao tuổi giã từ cuộc sống. Lúc ngừng tiếng súng, những người này còn tráng kiện. Chính mắt họ thấy sự giam giữ triền miên hàng chục vạn "ngụy", và thấy hàng triệu "bọn phản bội" rời bỏ tổ quốc. Họ cũng thấy tận mắt (và tận hưởng) những thất bại do áp dụng những hiểu đúng, hiểu từ nguyên gốc, chủ nghĩa Mác-Lenin. Rồi cũng chính tai họ từng nghe, nghe mãi, nghe cho đến khi chết... cái chuyện "hòa giải, hòa hợp". Đến nay, lớp người sót lại (80 tuổi - như tôi) liệu có thể hy vọng sẽ nhìn thấy cuộc hòa giải đúng nghĩa (?) để khỏi phải nghe tiếp, nghe phát chán về hòa giải - trước khi nhắm mắt?

Xin các cụ đừng chấp nê chuyện nhỏ

Có một bậc trí thức nói rằng "không có ngược đãi sau 30-4", mà là nói vung thiên địa (quốc tế). Trong bối cảnh 2015, chuyện này không còn đủ lớn nữa. Cơm ngon, áo đẹp, chút danh vị hão, khiến - ở Việt Nam hiện nay - người ta còn nói bậy hơn nhiều. Xin hãy xem danh sách sản phẩm của bậc trí thức này, các cụ có thể hiểu thế nào là trí thức XHCN và ai vẫn cần mua giá cao loại sản phẩm này.

Sau nội chiến (1861-1865) hai phe ở Hoa Kỳ hòa giải lập tức


- Không mới, vì đã là nội chiến, dù ở Hoa Kỳ, ắt cũng "núi xương, sông máu". Đâu có gì mới?

Chỉ trong 4 năm, 3,1 triệu trai tráng cả hai phía bị động viên (chiếm tới 10% dân số), có trường hợp tử sĩ mới 16 tuổi. Tàn cuộc, chỉ có 80% quân số trở về, trong đó tỷ lệ thương tích rất lớn. Số chết trận trong nội chiến Hoa Kỳ cao hơn tổng số hy sinh ở mọi cuộc chiến trước đó của nước này.

- Nhưng có một điều mới - cách đây (đúng) 150 năm - đến hôm nay vẫn mới: Đó là sự hòa giải giữa hai phía diễn ra ngay lập tức, kể từ khi "phe phản tiến bộ" xin hàng "phe tiến bộ". Lạ một điều, cái phe phản tiến bộ (muốn duy trì chế độ nô lệ với người da đen) lại chủ động phát động chiến tranh. Phải chăng, đó là một đặc điểm của nội chiến?

- Tư liệu về nội chiến Hoa Kỳ phong phú hiếm thấy. Hàng triệu trang bằng tiếng Anh, đủ để các GS, TS chuyên ngành Chính trị, Xã hội, Lịch sử nước ta tha hồ nghiền ngẫm, nếu thật sự muốn hòa giải. Tư liệu bằng tiếng Việt cũng nhan nhản. Chỉ cần gõ "nội chiến Mỹ", Google sẽ cho hàng triệu kết quả; nếu gõ thêm "hòa giải", số kết quả vẫn nhiều không kém.

Hòa giải 40 năm không xong, tại sao "các vị" vẫn tỏ ra không thèm biết đến bài học hòa giải sau nội chiến ở Hoa Kỳ?
Sau hàng thế kỷ, chế độ ta mới sử dụng khái niệm "nhà nước của dân, do dân, vì dân" sáng tạo từ Hoa Kỳ, thì đâu có gì đáng xấu hổ khi tìm hiểu coi thử Mỹ hòa giải sau nội chiến ra sao. Cỡ như cụ Minh Triết, nếu không biết gì về hòa giải trong lịch sử Hoa Kỳ, thì thật đáng thất vọng cho mọi người. Chẳng thà, các cụ Phú Trọng, Thế Huynh, Huy Rứa... và Hội Đồng lý luận, cứ nói thẳng rằng: "chúng tôi biết, nhưng không sử dụng bài học đó" cho ra một nhẽ. Mọi người khỏi nghĩ rằng hệ thống "tai, mắt" của chế độ này có vấn đề.

Nguyên tắc sơ đẳng: Không theo được, xin đừng mơ...
1) Bên thắng, nhất là bên gây sự, cần chủ động và thành tâm hòa giải
Anh chồng phát động cuộc chiến, rồi thắng (đánh vợ chấn thương, rồi đuổi), không thể đòi vợ "xin" hòa giải. Thái độ anh chồng cho thấy cái nền văn hóa của anh ta trong xử sự.

Chật vật trong hòa giải: Lỗi của phía gây sự, chiến thắng.

Liệu có cần dài dòng thêm nữa?

2) Hòa giải trước, hòa hợp sau

Hòa giải bằng thảo luận (ngôn ngữ), còn hòa hợp bằng biện pháp (hành động). Liệu có cần dài dòng thêm? Hai vợ chồng (hoặc anh em) mâu thuẫn, trong đó chị vợ bị xúc phạm, đánh đập, phải "di tản"... Chỉ có ai "điên" mới khuyên chị vợ rằng cứ về nhà, cứ thành tâm "đóng góp" xây dựng gia đình đi, cứ trọn phận sự "làm vợ" đi (như phận sự công dân với tổ quốc), và đêm nay cứ "hòa hợp" đi... sáng mai sẽ "hòa giải". Điên đảo thứ tự như vậy, tim đen là gì? Đọc Nghị Quyết 36, rất dễ thấy nó chỉ đưa ra các biện pháp hòa hợp, ban ơn mà chưa đề ra chuyện thảo luận hòa giải.

3) Ngôn ngữ hòa giải: phải lọt tai nhau


Phải thảo luận thẳng thắn và rộng rãi cả nước (quốc tế chứng kiến). Trong thảo luận cần bình đẳng, tôn trọng, ngôn ngữ phù hợp, cấm độc quyền phát biểu, cấm trịch thượng, cấm tỏ ra ban ơn. Cái cần, là mỗi bên tự nhận lỗi, chứ không phải là loay hoay kết tội bên kia. Tinh thần NQ 36 thể hiện, có chỗ khá rõ, có chỗ phảng phất sự trịch thượng, ban ơn. Cái từ "đại xá" của cụ Minh Triết khi trả lời phỏng vấn mà không trịch thượng ư? Khỏi dài dòng: Xin khẳng định 40 năm nay chưa có thảo luận rộng rãi để hòa giải.

4) Hòa hợp: bằng hành động, biện pháp

Nếu hòa giải (thảo luận) có kết quả, sẽ không thiếu những sáng tạo để có các biện pháp thích hợp thực hiện hòa hợp.

N.N.L.



Tác giả gửi BVN

Chính sách “hòa hợp” với Việt kiều chưa thành công



Lời dẫn

Báo Thanh Niên có đến nhà phỏng vấn tôi nhân dịp 30/4. Sau khi biên tập lại, nhà báo đã gởi cho tôi bản cuối cùng như sau. Tuy nhiên sau đó có lẽ vì những lý do riêng không thấy bài phỏng vấn xuất hiện trên mặt báo hôm nay 30/4/2013.
Tôi quyết định đăng tải nguyên văn lên blog cá nhân này.

*****

(TNO) Lịch sử xây dựng đất nước Việt Nam cho thấy thời đại nào mà người đứng đầu đất nước giải quyết tốt vấn đề hòa hợp dân tộc, đưa đoàn kết dân tộc lên trên mâu thuẫn cục bộ trong quá khứ sẽ mang lại sự hưng thịnh, phát triển cho đất nước, cho dân tộc.

“Đối với tôi, ngày 30.4 là ngày thống nhất đất nước trở lại, tái khẳng định nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, lãnh thổ Việt Nam là một. Tuy nhiên, hơn 30 năm qua, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội hòa hợp dân tộc. Mà sự bỏ lỡ cơ hội này càng này càng thấm sâu vào hồn dân tộc và càng ngày càng thể hiện điểm yếu, khó khăn đáng lẽ không để xảy ra”,

Giáo sư (GS) Nguyễn Đăng Hưng phát biểu với Thanh Niên liên quan đến vấn đề hòa hợp dân tộc.



“Giấc mộng Việt Nam bị dập tắt”

Báo Thanh Niên

- Được biết sau năm 1975, ông từng có ý định trở về Việt Nam góp tay xây dựng đất nước?

GS Nguyễn Đăng Hưng

Tôi sang Bỉ năm 1960 và từ đó đến trước thời điểm 1975, tôi cùng với anh em du học sinh ở nước ngoài tổ chức biểu tình phản đối chiến tranh. Bởi chiến tranh còn tiếp diễn thì người dân là đối tượng phải chịu đau khổ và mất mát nhiều nhất.



Hình chụp tại Sài Gòn, Tết Bính Thìn 1976


Tết Bính Thìn năm 1976, sau sự kiện thống nhất đất nước chưa đầy một năm, tôi đã có mặt ở Việt Nam, đi theo đoàn chuyên gia, trí thức Việt kiều do Chính phủ lúc bấy giờ mời để ăn cái tết hòa bình đầu tiên của đất nước. Phải nói lúc đó, khi về Việt Nam, tâm lý chung của anh em Việt kiều nói chung là rất phấn chấn, hồ hởi.

Riêng tôi, từ khi đi du học, tôi đã chuẩn bị tâm thế là sau này sẽ về Việt Nam đưa sở học của mình và cùng góp tay xây dựng đất nước.

Báo Thanh Niên

- Nhưng tại sao sau đó ông lại không trở về nữa?

GS Nguyễn Đăng Hưng

Dù tâm trạng lần về nước ăn tết lần đầu tiên rất hồ hởi nhưng có một số chứng kiến khiến tôi băn khoăn.

Khi ở Hà Nội, một anh Việt kiều rất trẻ trong đoàn mặc quần ống voi (quần ống loe – PV). Anh này khi đi ngoài phố đã bị lực lượng thanh niên xung phong giữ lại. Họ nói chiếc quần ống voi là sản phẩm chủ chủ nghĩa tư bản, không thể mặc ở thủ đô Hà Nội được và yêu cầu cắt bỏ. Lúc đó, trong tôi đã đặt câu hỏi tại sao lại có sự xâm phạm cá nhân như thế nhưng rồi câu hỏi cũng nhanh qua để nhường chỗ cho niềm vui thống nhất.

Có một sự cố ở Sài Gòn làm tôi nhớ mãi. Trước đó, khi gặp gỡ anh em Việt kiều, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói giờ hòa bình rồi, anh em Việt kiều về nước có thể chụp hình thoải mái.

Tuy nhiên, chiều 30 tết, tôi cùng đứa cháu họ đi thăm thú đường hoa Nguyễn Huệ. Tới thị sảnh ủy ban nhân dân thành phố, thấy khung cảnh hữu tình quá, tôi đưa máy ảnh ra bấm một pô kỷ niệm. Không ngờ lại dính một anh công an bảo vệ trong tấm hình.

Thế là lúc đó chú cháu tôi bị bắt về đồn công an dù trước đó tôi đã cố giải trình rằng mình là Việt kiều về thăm nước, thấy cảnh đẹp thì chụp chứ không hề có cơ gì. Tôi cũng đề nghị gọi điện cho ủy ban Việt kiều sang bảo lãnh. Nhưng họ không nghe mà vẫn nhốt và căn vặn hai chú cháu tôi tới khuya.

Hơn 1 giờ khuya, chú cháu tôi mới được thả ra. Khi đó thời khắc giao thừa thiêng liêng đã qua mất rồi. Sự kiện này cứ làm tôi canh cánh trong lòng.



Lớp thỉnh giảng chuyên ngành “Phương pháp phần tử hữu hạn”
do Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước tổ chức tại trường ĐH Giao thông Vận tải hè 1977



Năm 1977, tôi về nước giảng dạy nằm trong dự án do Bỉ tài trợ cho Việt Nam.

Năm 1979, tôi lại về nước cũng với mục đích giảng dạy. Đây là lần dò xét để tôi có thể quyết định về hẳn Việt Nam hay không. Tuy nhiên lúc này, nền kinh tế trong nước và nhất là ở Sài Gòn đã lộ hẳn sự sa sút. Đây là lần đầu tiên, nhiều người dân Sài Gòn phải ăn bo bo.

Tôi thấy lúc này đặt ra những vấn đề khoa học tính toán cao siêu như không đâu vào đâu nữa. Khoa học đã trở thành một thứ xa xỉ vô vị trong một khung cảnh xã hội chưa giải quyết được miếng cơm manh áo…

Trong thời gian ở Sài Gòn, thi thoảng tôi hay đi dạo thành phố bằng xích lô. Một lần nhìn anh xích lô, gương mặt sáng sủa, ăn nói lời lẽ rành mạch, tầm hiểu biết khá sâu và cao, tôi lấy làm lạ. Chú ý nhìn mãi tôi mới nhớ ra: Có phải anh là Cẩn không? Cẩn học trường Ponts bên Paris về nước năm 67?

Người đạp xích lô đáp: Vâng, Cẩn đây. Còn anh có phải là Hưng không? Hưng đi Bỉ năm 60 phải không?

Tôi thấy xót xa khi thấy khi thấy anh bạn học xuất sắc tôi từng thán phục ngày nào bây giờ trong bộ dạng tiều tụy, khổ sở phải đạp xích lô kiếm ăn qua ngày.

Rời Sài Gòn, ở sân bay Tân Sơn Nhất, một lần nữa nhìn lại gia đình, bè bạn đi đưa tiễn, nhìn những ánh mắt đăm chiêu, những gương mặt hốc hác, lòng tôi như có gì ảm đạm, xót xa hơn những chuyến trước.

Sang Bỉ, tôi tiến hành nhập quốc tịch mới. Từ đó giấc mộng về xây dựng Việt Nam bị dập tắt.

Sau này, tôi có một thời gian khá dài giảng dạy ở châu Phi. Ở đây tôi gặp rất nhiều anh em Việt Nam sang đây làm chuyên gia. Dù quan điểm mỗi người không giống nhau nhưng tất cả đều xót xa là đáng lẽ ra tài sức mình phải về xây dựng đất nước chứ không phải ở một đất nước châu Phi xa xôi thế này.

Trí thức không thấy an lòng

Báo Thanh Niên

- Tại sao sau này ông lại quyết định trở về?

GS Nguyễn Đăng Hưng

Năm 1989, sau thời điểm đất nước đổi mới tôi mới quyết định về lại. Lần này tôi đem một dự án nhỏ khoảng 20.000 USD về giúp đỡ Việt Nam. Thời gian này, tôi cũng đi thỉnh giảng tại một số trường đại học ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội.



Năm 1990 tổ chức semina, tặng máy tính và phần mềm tính toán cho ĐH Bách Khoa Tp HCM qua tài trợ của Cộng đồng các nước nói tiếng Pháp
Ở Việt Nam thời điềm này có sự thay đổi sâu sắc nhất là đổi mới về kinh tế. Nhưng sự đổi mới này theo tôi đánh giá là vẫn chưa đủ để đưa đất nước phát triển nhanh và mạnh. Nếu không có sự thay đổi tiếp theo, nếu không có đổi mới về cơ chế chính sách, đổi mới về chính trị, thì Việt Nam không thể nào cất cánh được.

Hiện nay, Việt Nam đang tụt hậu ngay cả so với những nước trong khối Đông Nam Á. Đó là điều mà trí thức Việt kiều như chúng tôi luôn canh cánh ngày đêm, không an lòng được.

Tôi vẫn cho rằng kỳ thay đổi hiến pháp lần này là một vận hội mới để giải quyết vấn đề hòa hợp dân tộc. Đất nước đã thống nhất gần 40 năm nhưng hiện Việt Nam vẫn chưa thực hiện được hòa hợp dân tộc.

Theo tôi hiến pháp phải là luật mẹ cho toàn dân, phải được nhân dân phúc quyết, phải đáp ứng hoài bảo tự do dân chủ thực sự cho mọi người Việt Nam, phải thoát ra khỏi lợi ích cục bộ thì mới là cơ sở cho việc hòa hợp, hòa giải vẫn còn bỏ dở gần 40 năm nay, thời gian đủ để Hàn Quốc, một nước có trình độ kinh tế văn hóa tương đương với Miền Nam trước 1975 trở thành một cường quốc kinh tế và công nghệ.

Báo Thanh Niên

- Là người có nhiều năm sống ở nước ngoài và có nhiều dịp gặp gỡ, tiếp xúc với bà con Việt kiều, ông có thể cho biết tâm tư tình cảm của Việt kiều trong vấn đề hòa hợp dân tộc?

GS Nguyễn Đăng Hưng

Tôi là người luôn lạc quan và luôn tìm cách vận động Việt kiều về xây dựng đất nước. Tuy nhiên, sau 10 năm đúc kết Nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài có thể thấy việc thu hút Việt kiều về xây dựng đất nước chỉ còn là một khẩu hiệu. thiếu thực chất, thiếu nội dung, nhất là chưa bao giờ được tổ chức thực hiện một cách nhất quán, bài bản, thông suốt…

Trao đổi với tôi, rất nhiều Việt kiều có tâm huyết rất thất vọng về chính sách kêu gọi Việt kiều cũng như hòa hợp dân tộc. Bây giờ trí thức Việt kiều về giúp Việt Nam rất ít trong tổng số 300.000 trí thức, chuyên gia Việt kiều ở nước ngoài. Một con số quá nhỏ so với tiềm lực.

Bởi chính sách mở rộng dân chủ, trong đó việc chiêu mộ trí thức Việt kiều về tham gia xây dựng đất nước còn nhiều bất cập.

***
Phụ lục


Triệu người vui, triệu người buồn

Trước thời điểm 30.4 năm 2005, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói ngày 30.4 có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn. Cho nên khi nhắc tới 30.4, ta cũng không nên nói nhiều tới chiến thắng mà phải nghĩ rằng ngày này vẫn có số đông người Việt rất buồn.

Cho nên muốn hòa hợp dân tộc, muốn người Việt tìm đến nhau, chúng ta cần phải tìm cách quên đi những đau thương để cùng nhau xây dựng đất nước.




___

GS Nguyễn Đăng Hưng từng là Chủ nhiệm Bộ môn Cơ học phá hủy thuộc Khoa Kỹ thuật hàng không không gian tại Đại học Liège, Vương quốc Bỉ.

Ông từng được vinh danh là một trong những người nước ngoài làm cho nước Bỉ đổi thay

Ông đã đào tạo thành công cho Việt Nam gần 318 thạc sỹ và trong số đó, gần 60 tiến sỹ đã bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ tại các trường đại học tiên tiến trên thế giới.

Phóng viên báo Thanh Niên thực hiện

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Thượng tá và lính trơn quân lực VNCH


Người Buôn Gió

25-04-2015

Thực ra ông là trung tá thì phải, nhưng khi người ta cho ông đi học tập cải tạo họ phong cho thêm một chức để tù cho lâu. Lý do họ muốn ông tù lâu vì ông là sĩ quan giảng dạy môn lịch sử trong trường võ bị.

Ông bị tù gần 10 năm, mặc dù xét ra thì ông chẳng hề cầm súng ngày nào. Ông cũng chẳng dạy cách bắn giết , hành quân, tác chiến gì. Nhưng với những người cộng sản thì một sĩ quan có văn hoá lịch sử nguy hại hơn nhiều một sĩ quan biết tác chiến.

Lúc tôi gặp, ông đã ngoài 70. Tôi chỉ gặp ông một chút buổi tối, ban ngày ông đi làm sớm. Khi tôi đến, ông dẫn tôi đến căn phòng dành cho khách, khăn mặt, bàn chải, nước mọi thứ tươm tất như trong một khách sạn nhỏ.

Ông có mấy người con, họ đều có công việc tươm tất và có gia đình và ở riêng. Hai ông bà già ở với nhau trong một căn nhà gỗ rất đẹp. Cả hai ông bà đều đi làm. Sáng thức dậy tôi thấy tờ giấy trên bàn bà ghi lại những món ăn, cách sử dụng đồ đạc trong nhà. Cách khoá cửa khi đi, chìa khoá để chỗ nào.

Tối hôm thứ nhất, chúng tôi ngồi trò chuyện. Tôi hỏi ông trước kia sao không chạy luôn vào những ngày tháng 4. Ông trả lời nhẹ như không.

- Ừ thì mình nghĩ đất nước thống nhất rồi, cùng là người Việt cả. Việc gì phải chạy đi đâu, đất nước của mình mà. Cùng là anh em dân tộc sao phải bỏ đi đâu.

Tôi bật cười thành tiếng, ít khi tôi thái độ bất nhã thế. Nhưng quả thật câu trả lời của ông thành thật đến mức tôi bất ngờ.

Bà vợ ông lắc đầu ngao ngán nhìn tôi và đưa mắt nhìn ông như có vẻ trách thầm cái ý nghĩ ông lúc đó. Tôi hiểu vì sao bà vây, cái lắc đầu đó là 9 năm ròng rã nuôi con, 9 năm tần tảo đi tiếp tế cho chồng. 9 năm là vợ của một tên sĩ quan nguỵ giữa một xã hội luôn sục sôi sự dè bỉu, nhòm ngó áp chế.

Tôi hỏi sau này sao ông lại đi.

Ông nói.

- Khi tù về, vợ con nheo nhóc. Không thể kiếm việc gì để sống, nay trình diện, mai lại kiểm điểm. Muốn xin việc gì cũng chả có nơi nhận. Người ta không nhận mình vì lý lịch đã đành, nhưng còn ác chỗ là xã hội ngày ấy còn chả có việc để mà nhận người.

Vậy là ông xuống thuyền đi một mình, bỏ lại vợ con sau gần 10 năm xa cách, may mắn ra khỏi nhà tù rừng thiêng, nước độc. Nơi mà bao bạn tù của ông đã ngã chết, ông lại dấn mình vào biển cả mông mênh chứa đầy bất trắc. Nhờ may mắn ông được tàu nước ngoài vớt, được định cư tại Bắc Âu rồi miệt mài làm việc đưa vợ con sang đoàn tụ.

Lẽ ra người từng trải như vậy, cá tính phải dữ dội hay chí ít cũng manh mẽ. Đằng này nhìn ông vẫn cứ nhẹ nhàng đến mức nhu mì, đúng ông là một nhà giáo dạy văn hóa chứ chả phải sĩ quan quân đội gì cả.

Tôi ở nhà ông bà hai hôm, tối hôm chia tay, ông sắp cho tôi một lô đồ ăn, áo và ông đưa 200 usd.

Tôi không muốn nhận tiền của ông bà, nghĩ hai ông bà già dậy từ sớm tinh mơ khi tôi còn chưa dậy , chuẩn bị đồ ăn gói gém mang đi làm. Tối mịt mới về, cầm tiền không nỡ mặc dù tiền thì bao giờ cũng cần cả. Ông ” thượng tá ” nói nhỏ chân thành.

- Anh cứ cầm đi, giữ lấy nếu thấy người nào trong nước khổ thì anh cho họ giúp tôi. Tôi già rồi, chẳng làm được gì, nghe tin tức thấy nhiều người bị tù tội, đánh đập thương quá mà không biết làm gì. Anh cầm giúp cho tôi được thấy mình còn có chút ích với đời.

Tôi nắm chặt 200 usd trong lòng bàn tay, quay đi nhìn tivi đang chiếu gì đó với thứ ngôn ngữ lạ hoắc với tôi, cốt để không trào lệ.

Tôi đã từng cố tìm một tên nguỵ ác ôn nào đó trong những cuốn sách mà tôi từng học. Nhưng chưa được. Hầu hết quân nguỵ tôi gặp cứ hiền lành, cả tin, thậm chí là ngây thơ đến mức không nhịn được cười. Năm 2001 tôi đi xe máy qua Phan Thiết, một chuyến đi dọc đất nước bằng xe máy một mình. Khi đến Phan Thiết có một quán lá bên đường quốc lộ, chỗ thưa thớt dân cư. Cái quán lá, vách gỗ xung quanh có vài cây xoài, dưới cây xoài to có một cái phản. Tôi dựng xe, nhảy lên phản nằm ngủ một giấc, cũng chả hỏi han chủ quán câu nào.

Lát sau tỉnh dậy, thấy mấy người đàn ông ngồi ở bàn ghế kế bên nhìn tôi. Một người có vẻ chủ quán gọi tôi ra bàn, rót cho cốc nước đặt trước mặt tôi, ông ta nhìn tôi nói.

- Tôi thấy anh đi xe biển 29, biết anh là người Hà Nội. Anh nói xem không nào.?

Tôi trả lời vâng đúng, ông hỏi tôi đi công tác gì vậy.

Tôi trả lời trả công tác gì, tôi đi lang thang. Tôi hỏi ông có chỗ tắm không, ông chỉ cho tôi vòng đằng sau có một chỗ quây liếp, có vại nước Tôi tháo túi buộc sau xe, lấy đồ đi tắm. Nghe loáng thoáng đằng sau tiếng mầy người nói.

- Cha này nhìn tướng dữ, chắc dân giang hồ chi đây.

Tắm xong , tôi ăn bát mỳ và hai quả trứng vịt, quán đơn sơ chỉ có thế. Tôi hỏi ông trước năm 75 làm gì. Ông bảo là lính dù. Hỏi ông có phải đi học tập cải tạo không. Ông bảo đi một năm rưỡi thôi, vì là lính lên đảng và nhà nước khoan hồng cho học ngắn hơn sĩ quan. Khi trả tiền, bất chợt ông hỏi tôi.

- Anh có biết tôi ước mơ gì nhất không.?

Tôi nhìn ông, lắc đầu.

Ông nói vẻ mặt đầy xúc cảm thiết tha.

- Tôi chỉ ước một điều, là tôi có tiền để ra Hà Nội thăm lăng bác được một lần. Tôi là người Việt Nam mà từng này tuổi tôi chưa bao giờ được đi thăm lăng bác. Anh ở ngoài dấy có hay vào thăm bác không.?

Lúc ông nói câu từng này tuổi, ông đập ngực mình thình thịch như rất xót xa.

Tôi bật cười, tôi bảo ông.

- Nếu như ngày ấy, các chú mà cố đánh ra Bắc, có phải bây giờ tha hồ mà thăm lúc nào cũng được không. Cháu chỉ đi thăm một lần, đó là hồi cháu đi bộ đội, đơn vị bắt phải vào thăm. Vì đợt đó trung đội cháu được chọn vào hội trường Ba Đình làm đại diện cho lực lượng quân đội nhân ngày kỷ niệm 15 năm giải phóng đất nước, ngày 30- 4 đấy. Lúc ấy cháu chỉ muốn tranh thủ tạt vào nhà chị cháu ở Ngọc Hà để xin tiền đi xích lô về nhà chơi, nhưng chỉ huy không cho vì bảo thời gian không có.

Ông cựu lính dù lắc đầu chê trách.

- Tại sao anh ở ngoài đó mà chỉ đi thăm bác có một lần, tôi ước mơ năm nào tôi cũng đi thăm bác một lần.

Tôi ngạc nhiên trước tấm lòng yêu bác của ông, tôi nhìn kỹ các cơ mặt, ánh mắt của ông đến khi biết chắc rằng ông nói thật lòng. Tôi mới đi.

Cuối cùng tôi cũng gặp được một lính VNCH tay dính đầy máu ở Nam Ca Li. Nguyên nhân tôi lọ mọ tìm nơi bán quần áo lính Mỹ, người ta giới thiệu anh ta cho tôi. Anh ta sành và sưu tầm đồ lính nhiều đến nỗi thỉnh thoảng trung tâm Asia làm chương trình ca nhạc còn mượn đồ anh. Ngoài 60 tuổi, nhưng tóc anh ta dày và đen hơn tôi, cao ráo, nhanh nhẹn, lưng thẳng. Nếu không có tí nếp nhăn trên mặt thì nhìn bề ngoài anh ta chả già hơn được tôi. Nhìn tướng anh ta đi lại, đứng ngồi tôi hỏi anh có phải lính dạng đặc công không, vì dáng của anh là dáng của người có võ thuật.

Anh gật đầu, thì ra anh là lính biệt kích đặc nhiệm, anh chiến đấu cùng luôn với lính Mỹ chứ không phải ở những đơn vị quân VNCH khác. Tôi hỏi anh lúc trước đánh nhau giết nhiều người không. Anh bảo nhiều lắm không nhớ hết. Người ta cứ xông ào ào, mình cứ bắn ào ào, chỉ nhác thấy người gục xuống liên tục, lúc đó ai mà còn đếm được, nhất là ban đêm nữa.

Tôi hỏi anh có áy náy không khi giết nhiều người thế.

Người biệt kích đặc nhiệm mặt thiểu não, nét mặt anh thê thảm, buồn bã, anh lắc đầu như muốn xua đi những hình ảnh cũ trong đầu. Anh nói.

- Buồn, đau chứ, họ là con người mà. Sao họ cứ xông thẳng vào súng đang bắn liên thanh thế chứ.

Tôi không hỏi, ngồi hút thuốc nhìn anh đang tự ngắm đôi bàn tay anh, bàn tay có những ngón tay mảnh dẻ. Anh kể tiếp.

- Sáng hôm sau chúng tôi bắt sống được hết, toàn trẻ con mười lăm, mười sáu thôi. Tôi hỏi chúng sao đạn bắn nhiều thế mà cứ lao vào làm gì. Họ bảo tại vì chỉ huy họ nói bọn Mỹ mắt xanh, ban đêm không nhìn thấy gì mà bắn đâu. Mà lúc đó chỉ huy đi đằng sau, quay lại cũng bị chỉ huy bắn chết.

Anh gục đầu một lát, ngẩng lên mắt đỏ hoe.

- Tôi giết toàn trẻ con anh ạ, ngày hôm sau xong rồi đi xem lại, mới biết mình giết toàn trẻ con, có đứa có khi chỉ 14 tuổi thôi, có đứa đã mang AK, dắt lưụ đạn quanh mình, thêm mấy băng đạn lại còn đeo cả mã tấu ở lưng làm gì cơ chứ, người bé tí thế chạy sao nổi mà vác cả đống đồ đi đánh nhau. Nhìn thương lắm, lau nước mắt mà chôn chúng . Toàn trẻ con cũng người Việt, người dân tộc mình cả.

Mấy người lính VNCH tôi gặp làm tôi thấy quân lính VNCH thật kỳ lạ. Ông sĩ quan thì tin là thống nhất đất nước rồi, tất cả đều là anh em, kết cục tù 9 năm cải tạo. Ông lính trơn đi tù về thì ước mơ được ra Hà Nội một lần thăm lăng bác. Còn ông tay đẫm máu nhất té được sang Hoa Kỳ, lẽ ra phải kể lể chiến công của mình thật oai hùng, giết được nhiều tên địch tinh nhuệ thì ông ta lại khóc, thú nhận đau đớn về những người bị mình giết, xót thương cho họ và cho cả ông vì buộc phải xả đạn.

Tôi nhờ người tìm Nguyễn Ngọc Lập, Nguyễn Phương Hùng. Nhờ mãi chả ai tìm được, người ta bảo mấy ông đó vợ bỏ, thất nghiệp, không nhà cứ ở lang thang nay chỗ này, mai chỗ khác. Chả biết đâu mà tìm. Muốn gặp mấy vị ấy xem chừng lại khó.

Nhận Diện Sức Mạnh Của Sợi Dây Xích ASEAN


Lê Minh Nguyên

28-04-2015

Tục ngữ có câu “Sức mạnh của sợi dây xích nó nằm ở mắt yếu nhất”. Thượng đỉnh ASEAN ở Kuala Lumpur kết thúc hôm Thứ Hai 27/4/2015 cho thấy một ASEAN yếu ớt, dù nước chủ năm nay là Mã Lai, một nước CÓ tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc và là một nước lớn trong ASEAN.

Điểm danh 10 nước ASEAN để xem các mắt xích trong sợi dây xích này ra sao:

1. Nam Dương: nước lớn nhất về dân số cũng như kinh tế (dân 254 triệu, GDP $856 tỷ), không có tranh chấp nhưng có bị đe doạ bởi đường lưỡi bò ở vùng quần đảo Natina. Nam Dương muốn đóng vai trung gian hoà giải.
2. Phi Luật Tân: nước lớn thứ hai về dân số (108 triệu), có tranh chấp, lớn tiếng chống TQ nhất và có phản ứng cụ thể nhất qua việc kiện TQ lên toà án quốc tế.

3. Việt Nam: nước lớn thứ ba về dân số nhưng kinh tế đứng sau nhiều nước khác (Nam Dương, Thái, Mã, Sing, Phi), có tranh chấp nhiều nhất nhưng phản ứng yếu đuối, chỉ phản đối suông, chưa có hành động gì cụ thể.

4. Thái Lan: Kinh tế đứng thứ nhì ($381 tỷ) sau Nam Dương, không có tranh chấp, quân đội nắm quyền và thân TQ, cộng tác với TQ trong nhiều dự án kinh tế hạ tầng như đường sắt, kinh đào Kra để đi tắt không qua eo biển Malacca…

5. Mã Lai: Nước lớn thứ ba về kinh tế ($339 tỷ) hưởng lợi thương mại nhiều từ TQ, có tranh chấp ở Trường Sa và bị đe doạ ở James Shoal. Do có nhiều quyền lợi và chưa bị mất đảo nên Mã Lai mềm mỏng, có vẻ đặt nặng quyền lợi Mã Lai hơn là toàn khối ASEAN.

6. Singapore: Quốc gia thành phố, chưa tới 700 cây số vuông và chỉ 5.5 triệu dân, nhưng có nền kinh tế $307 tỷ, đứng thứ tư trong khối. Singapore không có tranh chấp và là đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng hưởng lợi lớn về tài chánh và kinh tế với TQ nên có chủ trương bắt cá hai tay.

7. Miến Điện: Quân đội nắm quyền lâu năm, bầu cử cuối năm 2010 chuyển đổi chính trị để dân chủ hóa và thoát Trung, nhưng cho đến nay vẫn nửa vời. Do không có tranh chấp Biển Đông nên dù thoát Trung nhưng không muốn làm mất lòng TQ.

8. Cam Bốt: Sườn tây của Việt Nam, dân ít, kinh tế yếu, không có tranh chấp Biển Đông, nên TQ rất dễ thao túng cả 3 mặt: an ninh, kinh tế, ngoại giao. Bộ trưởng quốc phòng Tea Banh và thủ tướng Hun Sen đã ngã hẵn về TQ, điển hình là không ra được tuyên bố chung năm 2012 khi Cam Bốt làm chủ tịch ASEAN và các lên tiếng gần đây của Hun Sen.

9. Lào: Sườn tây của Việt Nam, cũng như Cam Bốt dân ít, kinh tế yếu, không có tranh chấp Biển Đông, đã và đang bị TQ thao túng chính trị cũng như kinh tế trong nhiều năm qua. Lào sắp là chủ tịch ASEAN năm 2016.

10. Brunei: Diện tích chưa đến 6,000 cây số vuông và dân chưa đến nửa triệu người, Brunei có tranh chấp Biển Đông nhưng rất mờ nhạt. Do TQ cần dầu và đầu tư hạ tầng, Brunei lại nằm trên con đường tơ lụa của TQ nên Brunei cũng muốn bắt cá hai tay và cá TQ to hơn.

Thông Cáo Chung đưa ra tuy có nhắc tới Biển Đông nhưng kêu gọi tinh thần ôn hoà (Điều 59, 60, 61, 62), tránh đối đầu, trong khi nội bộ ASEAN chia rẽ, còn TQ thì vẫn cứ xây dựng và tiến tới. Trong hoàn cảnh này, ôn hoà có nghĩa là quỵ luỵ.

Nếu Hoa Kỳ muốn biến ASEAN thành một NATO ở Á Châu thì không thể thực hiện được, vì địa dư các nuớc rời rạc và được biển che chắn, cho nên sự nguy hiểm của một nước này khó mà lây lan sang nước khác, và họ không có cùng một mối hiểm nguy để sát cánh đoàn kết.

Hiện nay các nước trong ASEAN có một sự tham lam khá bất công cho HK: họ muốn Hoa Kỳ bảo vệ an ninh cho họ để họ có thể hưởng lợi trong sự làm ăn mua bán với TQ.

Trong khi TQ thì muốn đuổi HK ra khỏi Á Châu bằng cách chặt đứt những sợi dây quan hệ nào mà HK có được ở nơi này, dù song phương hay đa phương. Đồng thời TQ tạo những liên minh quyền lợi để dụ các nước này vào bẫy của họ, như ngân hàng phát triển hạ tầng AIIB, Con Đường Tơ Lụa…

Để chặt đứt các quan hệ song phương, TQ đã tìm cách gây chia rẽ giữa HK và đồng minh của HK như Thái Lan, Nam Hàn, hay ngay cả Nhật trong những năm trước đây khi Tập và Obama nói chuyện riêng năm 2013 ở Palm Springs, California.

Để chặt đứt quan hệ đa phương, TQ đang bẻ đứt những mắt xích yếu của sợi dây xích ASEAN và mắt đứt đầu tiên là Cam Bốt, mắt thứ hai là Lào, trong khi các mắt khác, trừ Phi Luật Tân, thì hình như không có mắt nào muốn trói TQ, kể cả Singapore hay Việt Nam.

ASEAN chả có sức mạnh nào cả. Có lẽ HK cũng hiểu điều này. Sức mạnh thực sự mà HK có được là các quan hệ song phương mà HK vun xới với những nước có chung mối lo an ninh và mối lợi kinh tế với HK, như Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Phi, Việt Nam…

Với nguyên tắc đồng thuận, hiện giờ 10 nước ASEAN có mối lợi kinh tế chung, nhưng không có mối lo an ninh chung. Cho nên có lẽ giá trị thật của ASEAN nằm ở chổ nó thành lập được một khu vực kinh tế, nhất là nó sắp xây dựng cộng đồng kinh tế chung, giống như thị trường chung Âu Châu (trừ tiền tệ chung) dự trù hình thành năm 2015 và đi vào hoạt động năm 2016.

NGUYỄN TRẦN SÂM – Điều kiện để chống tham nhũng




Trong một xã hội mà tham nhũng đã trở thành quốc nạn, muốn chống được tham nhũng thì phải thế nào?

Trước hết, quá trình “chống” là một quá trình được thực hiện bởi một chủ thể, và nó nhắm vào một đối tượng. Đối tượng ở đây là bọn tham nhũng. Chúng gồm những quan chức có thực lực, nghĩa là nằm trong hệ thống gồm những kẻ có quyền chi tiền nhà nước và điều hành các nguồn vật lực. Khi tham nhũng đã thành quốc nạn thì bọn này có mặt khắp nơi trong các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan quản lý kinh tế. Với tình trạng tham nhũng như ở VN ta hiện nay, có thể tin chắc rằng đại đa số (nếu không phải 100%) quan chức nắm kinh tế đất nước đều tham nhũng.

Chủ thể của quá trình chống tham nhũng là một lực lượng khác. Lực lượng này hoặc nằm ngoài bộ máy nhà nước (nhưng khi đó nó phải là một lực lượng đối lập mạnh, thường là một đảng hoặc một liên minh các đảng đối lập), hoặc nằm ngay trong bộ máy nhà nước nhưng KHÔNG có chung quyền lợi với tập đoàn tham nhũng. Trong trường hợp thứ hai, lực lượng này nằm trong liên minh cầm quyền nhưng hoặc thuộc một đảng khác, hoặc trong cùng một đảng (cầm quyền) nhưng thực chất đảng này đã bị phân hóa nghiêm trọng, đến mức thành 2 tập đoàn mâu thuẫn gần như đối kháng với nhau.

Cũng có thể nói việc chống tham nhũng là một cuộc chiến giữa hai thế lực, và muốn sự nghiệp này kết thúc thắng lợi thì thế lực chống tham nhũng phải mạnh hơn thế lực tham nhũng.

Như vậy, điều kiện đầu tiên là phải có một thế lực rất mạnh, không chung quyền lợi, thậm chí mâu thuẫn với thế lực tham nhũng.

Nhưng đây mới chỉ là điều kiện đầu tiên. Điều kiện thứ hai là trong thế lực chống tham nhũng phải có một người hoặc một nhóm người đa mưu túc trí và có tài tổ chức lực lượng. Do ban đầu lực lượng này chưa thành hình, việc tổ chức phải được tiến hành bí mật, nếu không, tập đoàn tham nhũng sẽ bóp chết nó ngay từ trong trứng. Ở một xã hội như Việt Nam hoặc Trung Hoa hiện nay, do chế độ độc đảng, việc lãnh trách nhiệm đứng ra tổ chức một lực lượng như vậy là rất nguy hiểm. Những kẻ chủ mưu rất dễ bị “đồng đội” bán đứng, và khi đó sẽ mất mạng hoặc phải sống những năm cuối đời như trong địa ngục.

Ở Trung Hoa, kẻ độc tài mới Tập Cận Bình rõ ràng đã thực hiện thắng lợi việc làm nguy hiểm đó. Cho rằng việc chống tham nhũng của ông ta thực chất là nhằm tạo lập cho bản thân một thứ quyền lực tuyệt đối, nhưng dù sao thì ông ta cũng đã thành công. Và chắc chắn là ngay từ nhiều năm trước khi lên làm tổng bí thư, ông ta đã phải có ý đồ chiến lược lâu dài và đã có những cuộc vận động ngầm để tạo ra một mạng lưới bí mật ngay trong lòng đảng CSTQ vào thời các tổng bí thư tiền nhiệm. Cho đến khi chính thức nắm các chức vụ quan trọng nhất trong hệ thống nhà-nước-đảng của TQ thì Tập chỉ cần kích hoạt cho bộ máy đó vận hành. Đương nhiên, ngoài tài năng, Tập còn đáng phục ở chỗ có gan lớn, và ông ta không ngoa khi nói “Cùng lắm là chết chứ gì”.

Bây giờ hãy thử xem khả năng thành công của một kiểu “chống tham nhũng” khác. Một vị cấp cao, cứ cho là đứng đầu đảng cầm quyền đi, thấy nguy cơ tham nhũng làm chế độ sụp đổ, thế là vị ấy đứng ra “phát động” chống tham nhũng. Trước đó, vị cấp cao này chưa từng tổ chức ra một lực lượng riêng nào để có thể chỉ huy nó thực hiện ý đồ chiến lược của mình. Thậm chí, để lên được chức vụ cao đó, chính vị ấy cũng đã phải “chung sống” với tham nhũng và “các đồng chí tham nhũng”, trong đó có những đồng chí từng là cấp trên của vị này. Đến khi lên chức vụ cao và phát động tham nhũng thì vị ấy chỉ có mỗi một thứ vũ khí là “tư tưởng” và những lời dạy đạo đức, và vị ấy “triển khai” chúng bằng việc “ký ban hành” nghị quyết chống tham nhũng! Còn lực lượng thì bây giờ vị ấy mới tạo ra bằng cách nhặt một số anh chị nào đó từ chính hệ thống tham nhũng kia, rồi gọi đến và “bơm” cho họ những “liều thuốc tư tưởng”, với niềm tin rằng những lời giáo huấn sẽ làm lay động những con tim, nhồi vào chúng ý chí quyết tâm, để chủ nhân của chúng lao vào cuộc chiến, hạ gục những kẻ tham nhũng.

Hãy hình dung (mà thực ra là chuyện có thật, nếu thấy rồi thì chỉ cần nhớ lại), sau 4 năm “triển khai”, một hôm, trong cuộc họp của ủy ban chống tham nhũng, sau một giờ huấn thị và động viên, khích lệ, đồng thời dặn đi dặn lại “đánh chuột đừng để vỡ bình”, vị cấp cao nọ hỏi các ủy viên:

“Các đồng chí có quyết tâm không?”

“Dạ có, thưa anh. Chúng em quyết tâm chống tham nhũng ạ!” Đám ủy viên đồng thanh trả lời.

“Tốt lắm. Như vậy là tư tưởng sẵn sàng rồi, cơ chế có rồi. Bây giờ thì hành động!”

Nhưng, trời ơi, hành động kiểu gì đây? Tôi nghe từ “hành động” thấy quá mắc cười! Nghĩ bụng, chắc là phát động “chống tham nhũng” cho vui thôi, làm gì có ý đồ nghiêm túc?

NGUYỄN TRẦN SÂM

ĐÀO HIẾU – Huyền thoại QUỐC KỲ

Trong những ngày này, ra phố thấy chỗ nào cũng rợp cờ đỏ, chợt nghĩ không biết những người đi đường kia, những bạn trẻ kia sẽ nghĩ gì về lá cờ đó? Nguồn gốc nó từ đâu? Nó biểu tượng cho cái gì? Nó mang ý nghĩa nào?

Bèn nhớ tới một bài viết của mình về những lá cờ đã từng bay trên bầu trời Việt Nam. Xin giới thiệu lại bài viết này vì tôi nghĩ rằng chắc vẫn có nhiều người chưa đọc, nhiều người chưa biết.

Mới đây, khi trên mạng xuất hiện nhiều bài viết, hình ảnh liên quan tới việc Trung Quốc xâm lăng Việt Nam ngày 17.02.1979 và việc nhà nước Việt Nam nhượng bộ quá nhiều khi ký hiệp ước về biên giới với Trung Quốc, có một bạn trẻ thường xuyên “chat” với tôi. Anh đang học thạc sĩ kinh tế, anh nói thẳng với tôi là anh có tham vọng chính trị vì “nếu không làm chính trị thì làm sao thay đổi cái xã hội thối nát hiện nay”.

Qua nhiều lần “chat” tôi thấy anh là một thanh niên đầy tâm huyết, giỏi ngoại ngữ và có kiến thức.

Có một lần tôi hỏi:

-Nhưng sao mỗi lần em xuất hiện trên mạng thì cái “avatar” của em lúc nào cũng là “cờ đỏ sao vàng”?

-Vì đó là cờ tổ quốc. Em muốn lá quốc kỳ luôn nhắc nhở lý tưởng “vì tổ quốc” của em trong học tập và rèn luyện để đạt mục đích của mình.

*

Dạo đó, đọc báo Tuổi Trẻ thấy có đăng hình và bài về một cụ già, sáng nào cũng mở đầu một ngày bằng cách đứng nghiêm chào cờ trong phòng riêng của mình. Cụ được ca ngợi như là một người yêu nước. Và trong một số cơ quan, người ta thường dùng hình ảnh của cụ để nhắc nhở cán bộ công nhân viên đừng quên lễ chào cờ mỗi sáng thứ 2 hàng tuần (có nơi là sáng thứ 2 đầu tháng).

Những người có suy nghĩ như chàng sinh viên và cụ già nọ hiện nay không phải là ít, và không phải chỉ có ở Việt Nam. Tôi từng thấy trên một website ở Mỹ có bài viết ca ngợi cờ vàng ba sọc đỏ với giọng điệu rất hùng hồn và cũng gọi đó là cờ tổ quốc.

*


“Quốc kỳ” Việt Nam qua các thời đại

Tiếc thay, trên cõi đời này chẳng hề có lá cờ nào gọi là “quốc kỳ” cả. Đó chỉ là một từ bị “áp đặt” bởi một chế độ chính trị đang cầm quyền tại một quốc gia nào đó.

Triều Nguyễn, quốc kỳ của Việt Nam là Long Tinh Kỳ, hình chữ nhật màu vàng, viền xanh lam, ở giữa có chấm đỏ. Về sau vua Hàm Nghi dùng lá cờ này để khởi nghĩa chống Pháp nên nó bị người Pháp bỏ, thay bằng Đại Nam Kỳ: nền vàng có vẽ hai chữ Hán (cách điệu): “Đại Nam”. Dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim thì quốc kỳ Việt Nam đổi thành: nền vàng, ở giữa có hình quẻ ly màu đỏ (quẻ ly gồm 2 vạch liền hai bên, ở giữa là một vạch đứt)

Sau đó, quốc kỳ đổi từ màu vàng sang đỏ, ở giữa mọc lên một ngôi sao. Đó là “quốc kỳ” của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, còn “quốc Kỳ” của Việt Nam Cộng Hòa thì nền vàng ba sọc đỏ.

Vậy nếu quốc kỳ là “cờ tổ quốc” sao cờ miền Nam và cờ miền Bắc khác nhau, chẳng lẽ hai miền có hai tổ quốc? Có hai ông Lạc Long Quân, hai bà Âu Cơ? Chẳng lẽ lãnh thổ Việt Nam có hai chữ S?

*

Tôi đem những bằng chứng ấy ra tranh luận với anh bạn thạc sĩ trẻ nọ nhưng anh ta vẫn chưa chịu. Hỏi vặn lại:

-Thế còn nước Pháp, nước Mỹ, hàng trăm năm nay quốc kỳ của họ có thay đổi đâu. Có nghĩa là vẫn có cái gọi là “quốc kỳ” chứ.

-Pháp, Mỹ không thay đổi nhưng Nga thay đổi, Trung Quốc thay đổi, Campuchia thay đổi, Đức thay đổi, Ý thay đổi, Tây Ban Nha thay đổi… Sở dĩ Mỹ không thay đổi “quốc kỳ” vì chế độ của họ ổn định, bền vững. Nhưng ví dụ một ngày nào đó Bin Laden chiếm nước Mỹ hay Taliban chiếm nước Pháp thì liệu cái gọi là “quốc kỳ” của hai nước này có còn như ngày nay không?

Có vẻ như anh bạn trẻ đã bị thuyết phục. Và anh đã “delete” hình “quốc kỳ” trên trang “chat” của mình.

*

“Quốc kỳ” thực ra chẳng có gì là thiêng liêng cả. Nó chẳng dính dáng gì tới tổ quốc, tới dân tộc. Nó chỉ là cái logo, cái bảng hiệu, cái “thương hiệu” của một chế độ chính trị.

Nếu chế độ đó tốt thì lá cờ của nó được dân tôn trọng, có thể bỏ ra vài phút đứng chào cũng chả sao.

Nếu chế độ đó xấu, ác thì lá cờ của nó cũng chỉ là một tấm pa-nô quảng cáo rẻ tiền mà thôi.

Tôi vẫn rất thích lá cờ của Canada. Nó rất hồn nhiên. Nó chỉ là một chiếc lá phong chín đỏ, thanh thản bay trong cơn gió se lạnh của một ngày nắng đẹp tình cờ.

Ngày về của hạm trưởng

Thêm một lần vào dịp tháng Tư, hạm trưởng Lê Bá Hùng trở lại Việt Nam. Vẫn phong thái đĩnh đạc, lịch lãm của một chỉ huy chiến hạm, với nụ cười hiền, Lê Bá Hùng luôn là tâm điểm thu hút mọi ống kính báo chí trên cảng Tiên Sa. 





40 năm trước, anh ra đi trên con tàu USS Blue Ridge sang Mỹ vì hoàn cảnh chiến tranh, giờ đây, mỗi lần trở về, anh luôn xem như được trở về nhà…

Tôi vẫn cứ thích gọi Lê Bá Hùng là hạm trưởng, bởi phong thái dứt khoát đĩnh đạc của anh một phần, phần khác, ngày trở về Việt Nam chính thức đầu tiên trong lực lượng Hải quân Mỹ chính là lúc anh làm chỉ huy tàu USS Lassen vào năm 2009.

Kể từ đó đến nay, anh liên tục thăng tiến, nhận nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội Mỹ và giờ đây đã là Đại tá hải quân, Phó Chỉ huy biên đội tàu khu trục số 7 (Hạm đội 7 – thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ).

Năm 2012, Lê Bá Hùng lúc đó còn là Trung tá, trở về Đà Nẵng trên con tàu rất đặc biệt: USS Blue Ridge, đây cũng chính là một trong những con tàu chở quân nhân Việt Nam cùng người thân sang Mỹ vào dịp 30/4/1975, trong đó có anh, một cậu bé 5 tuổi.

Chỉ một buổi ngắn ngủi trên cầu cảng Tiên Sa, nhưng Trung tá Hùng lúc đó, trước đông đảo báo giới trong nước và quốc tế, dõng dạc, đầy cảm xúc: “Trong tim tôi, Việt Nam mãi mãi là nhà, là nơi tôi sinh ra. Tôi tự hào vì mình là người gốc Việt, được chỉ huy một trong những con tàu lớn mạnh nhất thế giới”.

Buổi tối, qua chị Hiền làm ở Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TPHCM, tôi nhờ chị thu xếp một cuộc gặp ngắn để phỏng vấn, nhưng rất tiếc, anh phải bay trở về căn cứ Hawaii ngay trong đêm.

3 năm sau, cũng đúng dịp tháng Tư rợp cờ hoa mừng ngày thống nhất Lê Bá Hùng lại có mặt ở Đà Nẵng. Lần này, anh chỉ huy đội tàu gồm chiến hạm Khu trục tên lửa dẫn đường USS Fitzgerald và tàu tác chiến gần bờ USS Fort Worth.

Vẫn kiệm lời như ngày trước, nhưng không khí hòa đồng, thân thiện khiến Đại tá Hùng dường như thấy thân thuộc hơn rất nhiều. Một người đề cập đến câu chuyện hòa hợp dân tộc, giữa những người hai chiến tuyến, sau 40 năm, Lê Bá Hùng có lẽ còn e ngại nên không trả lời trực tiếp câu hỏi.

Anh nhấn mạnh: “Là lần thứ ba trở về Việt Nam, và bất cứ lúc nào cũng thế, nó đều mang lại cho tôi một sự cảm kích. Vì như tôi đã nói, Việt Nam là quê hương tôi, Việt Nam có một chỗ đứng đặc biệt trong trái tim tôi.

Nhưng là một người Mỹ, tôi cũng tự hào khi được phục vụ tổ quốc mình. Xây dựng các mối quan hệ với đối tác trong và ngoài khu vực, đó là công việc quan trọng của hải quân Mỹ và đó cũng là mục đích của những chuyến ghé thăm Việt Nam của hạm đội Thái Bình Dương”.


Ngày 10/4, khi chia tay Việt Nam để đội tàu trở về căn cứ, Đại tá Lê Bá Hùng, bày tỏ: “Đây là năm thứ sáu Hải quân hai nước có các hoạt động hợp tác. Và đặc biệt là nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ.

Sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa 2 nước. Hải quân 2 nước đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn, hiểu nhau hơn và hy vọng sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới”.

Anh cho rằng, sau nhiều hoạt động giao lưu, có thể nói Hải quân hai nước đã hiểu nhau hơn và sẵn sàng cho những hoạt động được nâng tầm.
Còn ông Ted Osius - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - chia sẻ: “Tôi rất tự hào khi mối quan hệ hợp tác giữa 2 bên đã phát triển nhanh và thắt chặt hơn trong thời gian qua. Tôi không thể tưởng tượng được chỉ 20 năm mà mối quan hệ giữa 2 nước có thể đi nhanh đến như vậy”.

Đại tá Lê Bá Hùng là người gốc Huế và theo học Trường Trung học Phổ thông Gar-Field ở Woodbridge (bang Virginia). Ông tốt nghiệp hạng ưu Học viện Hải quân Hoa Kỳ năm 1992 với bằng cử nhân về kinh tế.

Về hoạt động trên biển, Đại tá Hùng từng làm sỹ quan phụ tá và Đại úy trên tuần dương hạm USS TICONDEROGA (CG 47), sỹ quan kiểm soát cháy nổ trên tàu USS Wasp (LHD 1, sỹ quan phụ trách vũ khí và sỹ quan chỉ huy các hệ thống tác chiến trên Tuần dương hạm USS Hue City (CG 66), Hạm phó Khu trục hạm USS CURTIS WILBUR (DDG 54), và sỹ quan chỉ huy trên tàu USS Lassen (DDG 82).

Trong thời gian ông chỉ huy, tàu Lassen đã giành giải thưởng Hoạt động Tác chiến Hiệu quả năm 2009 và Giải thưởng dành cho Đơn vị Hải quân nổi bật năm 2010.

Đại tá Hùng từng phục vụ tại Hạm đội 2 Hoa Kỳ và Bộ Tư lệnh Liên quân Hoa Kỳ, từng làm trợ lý điều hành cho 2 Tư lệnh thuộc Hạm đội 7. Gần đây nhất ông từng làm trợ lý quân sự cho Bộ trưởng Quốc phòng.

Đại tá Lê Bá Hùng từng tốt nghiệp Đại học Chiến tranh Hải quân và trường sỹ quan Liên quân, nghiên cứu sinh của Trung tâm Weatherhead về các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Harvard và được lựa chọn là nghiên cứu sinh cho Hội thảo MIT XXI.

Ông có bằng thạc sỹ nghiên cứu tác chiến từ trường Đào tạo sau đại học của Hải quân năm 1999 và bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh từ đại học Touro International năm 2005.

Theo tienphong.vn

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

LỜI AI ĐIẾU CHO NAM VIỆT NAM


28/04/2015


Peter R. Kann

Wall Street Journal- Ngày 2 tháng 5 năm 1975

Người dịch: Nguyễn Đức Tùng


Peter R. Kann – phóng viên, chủ bút, doanh nhân Hoa Kỳ – sinh năm 1942, ở Princeton, New Jersey. Tốt nghiệp Đại học Harvard ngành báo chí. Gia nhập The Wall Street Journal năm 1963. Năm 1967 là phóng viên thường trú đầu tiên của The Wall Street Journal tại Việt Nam. Từ 1969-1975 làm việc tại trụ sở ở Hồng Kông nhưng đảm trách mọi tin tức về chiến tranh Việt Nam và những vùng Đông Nam Á. Năm 1972 đoạt giải Pulitzer với loạt ký sự vềchiến tranh Ấn Độ - PakistanBangladesh. Năm 1976 trở thành chủ bút và người sáng lập tờ The Wall Street Journal Asia. Trở về Hoa Kỳ năm 1979. Từ năm 1992 đến năm 2006 là Giám đốc điều hành và chủ tịch hội đồng quản trị của Dow Jones & Company. Giảng dạy ở Institute of Advanced Study in Princeton và The Columbia University Graduate School of Journalism.

Nam Việt Nam, hay đúng hơn Nam Việt Nam như tôi biết trong vài năm qua, đã chết.

Có thể có nhiều người Mỹ thở phào nhẹ nhõm khi hay tin này. Chắc chắn có một số người Mỹ, vì những lý do khác nhau, ước gì nó chết sớm hơn. Nhưng chắc chắn cũng có nhiều người khác khóc thương cho miền Nam.

Tôi ở trong số ấy.

Đối với tôi sự sụp đổ của Nam Việt Nam cũng tựa như cái chết của một người thân quen cũ. Tôi càng chỉ trích miền Nam nhiều chừng nào, tôi lại càng tin rằng đáng ra nó không phải chết.

Khuyết điểm và thất bại của miền Nam đã được người ta nhìn thấy rõ hơn rất nhiều so với những ưu điểm của nó và tôi, cũng như hầu hết các ký giả, đã dành hết tâm trí cho những sai lầm của miền Nam. Rất ít chế độ xã hội, và nhất là những chế độ hãy còn non yếu, đã từng hứng chịu sự chỉ trích tàn tệ ở một mức độ dai dẳng đến như vậy. Tôi và một ngàn ký giả khác đã mổ xẻ chi li từng khía cạnh của nó, đã phân tích hết thảy mọi lỗi lầm của nó, đã hô hoán lên với thiên hạ về mọi tì vết của nó. Điều này không có nghĩa là nếu những ngọn đèn săm soi kia tắt phụt đi, Nam Việt Nam bỗng tiến triển tốt hơn hoặc tồn tại lâu hơn, nhưng có thể tin chắc rằng khi ấy số người đến cúi đầu thương tiếc trong tang lễ của nó sẽ nhiều hơn.

Cuối cùng, tất nhiên, những kẻ chỉ trích độc miệng nhất và những người bi quan u ám nhất đã chứng tỏ là họ đúng. Thực ra Nam Việt Nam đã có khả năng tồn tại lâu hơn, vượt xa cái mức mà những kẻ bi quan kia hằng mong đợi, nhưng rồi nó đã sụp đổ - một cách bất ngờ, một cách hỗn loạn, một cách tuyệt đối. Và, tôi nghĩ, một cách vô cùng bi thảm.

Nam Việt Nam, trong suy nghĩ của tôi, không hề tốt hơn mà cũng chẳng hề xấu hơn so với phần lớn những chế độ xã hội khác trên thế gian này.

Ít nhất trên một số phương diện, nó cũng chẳng hề khác so với xã hội Hoa kỳ của chúng ta. Rõ ràng cấu trúc xã hội của nó, chính phủ của nó và quân đội của nó sau cùng đã tỏ ra quá yếu để có thể kháng cự lại những người Cộng sản Việt Nam. Ít rõ ràng hơn điều ấy, là ý tưởng cho rằng thật ra nó đã có khả năng kháng cự mãnh liệt đến như thế trong nhiều năm trời và không phải bao giờ cũng với sự trợ giúp lớn lao của nước Mỹ. Rất ít có một quốc gia nào hay một xã hội nào, mà tôi có thể nghĩ tới, lại có thể chiến đấu một cách bền gan đến thế.

Cuộc thánh chiến của những người cộng sản

Quả thật Nam Việt Nam đã thiếu hẳn một lý tưởng để đoàn kết và để huy động mọi người nhằm chống lại cuộc Thập tự chinh của những người cộng sản. Chủ nghĩa chống cộng chưa bao giờ đủ sức hấp dẫn hoặc ngay cả có thể hiểu được đối với Chủ nghĩa Tư bản miền Nam (1), thể hiện bằng xe gắn máy Honda và những hàng hóa nhập cảng khác, rõ ràng không phải là một thứ chính nghĩa có thể thuyết phục trí óc và làm xao xuyến con tim. Chủ nghĩa quốc gia là một lý tưởng bị tranh cãi, và cũng chính vì sự hiện diện đông đảo của người Mỹ ở miền Nam mà những người cộng sản bỗng dưng hóa thành người quốc gia thực sự. Vì vậy, miền Nam bỗng trở thành một đất nước không có chính nghĩa. Nhưng chúng ta hãy dừng lại để nghĩ xem: có thứ lý tưởng nào có thể giúp bạn hay tôi cầm súng lên chiến đấu suốt 25 năm?

Đúng là miền Nam thiếu một giới lãnh đạo sáng tạo, năng động, có thể tập hợp nhiều hơn tinh thần và sự hy sinh từ một xứ sở mỏi mòn cạn kiệt vì chiến tranh. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không phải là một nhân vật tầm cỡ quốc gia có khả năng thu hút quần chúng. Ông là một người sống nội tâm và là một sĩ quan đa nghi, người đã chứng tỏ một cách đáng ngạc nhiên sự tài giỏi của mình trong việc điều hành hệ thống chính trị cung đình, nhưng lại chưa bao giờ thực sự học được cách lãnh đạo đất nước. Nhưng phải chăng vì vậy mà có thể cho rằng tổng thống Thiệu kém tài lãnh đạo hơn so với bất kỳ một vị tướng về hưu nào khác, cầm đầu những đất nước nửa phát triển khác, khắp nơi trên thế giới?

Tôi không nghĩ thế. Ông ấy là một người Việt Nam yêu nước, theo cách của ông ấy. Và, trước khi tỏ ra quá khắt khe đối với những người lãnh đạo thua trận của miền Nam, có lẽ bạn nên dừng lại để lập một danh sách những lãnh tụ thành công và được dân chúng yêu mến ở bất kỳ nơi nào, trong thế giới không cộng sản của chúng ta hôm nay. Danh sách những người như vậy của tôi chỉ có thể viết trên một miếng băng dán vết thương nhỏ xíu.

Quả thực các chính khách và dân chúng miền Nam chưa bao giờ có khả năng đoàn kết lại, xã hội của họ dường như chia rẽ và đầy những mối xung đột bất hòa. Giao thông hỗn độn của đường phố Sài Gòn thường được đem ra làm biểu tượng cho một xã hội thiếu trật tự và thiếu kỷ luật. Nhưng liệu có một chế độ xã hội không cộng sản nào ngày nay có thể tự hào tuyên bố về mức độ thống nhất chính trị và đoàn kết xã hội cao hơn? Liệu chúng ta, với bậc thang giá trị của mình, có thể nào tôn thờ tính trật tự và tính kỷ luật như là những mục tiêu xã hội và những phẩm chất đạo đức?

Liệu có phải những xã hội tốt đẹp nhất là những xã hội ở đó các chuyến xe lửa phải chạy đúng giờ và mọi người phải bước đều răm rắp như trong lễ duyệt binh?

Quả thật miền Nam chưa hề có dân chủ thực sự. Các thiết chế dân chủ của nó, được nhập cảng từ Mỹ cùng với bom và bột mì, chỉ mới là các biểu tượng chứ chưa có nhiều thực chất. Thế mà, trong khi các chính phủ miền Nam chưa bao giờ tỏ ra hoàn toàn hữu hiệu, thì Nam Việt Nam, khác với Bắc Việt Nam, cũng chưa bao giờ trở thành những chế độ độc tài toàn trị cả. Có thật, những tù nhân chính trị và những buồng tra tấn và những yếu tố của một chế độ đôi khi hà khắc. Nhưng cũng có những giới hạn đối với quyền lực của tổng thống, có một lề lối phê bình chỉ trích rộng khắp – chứ không phải lúc nào cũng thì thào thì thụt vào tai nhau – đối với các chánh sách của chính phủ, và có sự khác biệt đa nguyên rất đáng ngạc nhiên trong ý kiến và hành xử cá nhân của dân chúng. Nếu Miền Nam có cơ hội tồn tại lâu hơn nữa, liệu nó có trở thành độc tài hơn, cứng rắn hơn và khắc nghiệt hơn không?

Tôi không tin.

Nhưng tôi cũng không cho rằng nếu nó có cơ hội tồn tại thêm nữa, các thể chế nghị viện của nó sẽ có nhiều quyền lực hơn và sự kiểm soát đối với báo chí sẽ được nới rộng hơn.

Vấn nạn tham nhũng

Quả thật Nam Việt Nam có vấn đề tham nhũng. Vấn nạn tham nhũng lan rộng và trầm trọng hơn là chuyện chỉ có vài viên tướng mập ú gởi nhiều triệu đồng vào két sắt Thụy Sỹ. Về một mặt nào đó, tất cả hệ thống là tham nhũng. Ở mức thấp nhất là chuyện một số công chức tự tăng thu nhập ít ỏi của mình bằng cách bỏ túi vài món hối lộ vặt vãnh. Ở mức cao hơn thường gặp là một chức vụ béo bở được đem bán cho kẻ có tiền, thay vì dành cho người xứng đáng. Ở mức cao nhất là các trường hợp mua chuộc thẳng thừng. Nhưng không phải tất cả, và có lẽ không phải là đa số, những sĩ quan hay viên chức miền Nam ăn hối lộ. Việc nói rằng tệ tham nhũng ở Việt Nam tồn tại cùng mức độ như trong hầu hết các nước Đông Nam Á không phải để làm giảm tội cho nó. Cũng như việc cho rằng rất ít quốc gia phương Tây trong sạch đến mức có thể ném đá vào người khác không phải là sự giảm khinh đối với tệ tham nhũng châu Á.

Quả thật xã hội miền Nam là một xã hội mất bình đẳng và của giới tinh hoa. Người giàu thì rất giàu, người nghèo thì rất nghèo, và sự khác biệt quá rõ ràng. Tiền bạc và địa vị mang lại những ưu đãi như trong việc hoãn dịch và, cuối cùng, trốn lính. Tuy vậy sự phân biệt đẳng cấp này ở Việt Nam còn thua xa ở những nước đồng minh của Mỹ từ Phi Luật Tân cho đến Brazil.

Người nông dân Nam Việt Nam, chừng nào mà ngọn lửa chiến tranh chưa cháy lan tới thửa ruộng của họ, quả thực là những nông gia giàu có, tính trên tiêu chuẩn Á châu.

Tôi không hề có ý giảm thiểu sự khổ đau của hàng triệu người lưu lạc qua những trại tị nạn khi tôi nêu bật hình ảnh về hàng triệu nông gia khác làm chủ mảnh đất của mình ở miền Nam và sống một cuộc đời ung dung dựa trên hoa màu thu hoạch của mình.

Người nông dân Nam Việt Nam, nói cho ngắn gọn, chưa bao giờ là những nông nô làm thân trâu ngựa, ngày ngày mong chờ được giải phóng khỏi gông cùm của chủ nô lệ.

Cần nói thẳng ra, hoặc cần thú nhận nếu bạn muốn thế, rằng có rất nhiều con người đáng yêu trong giới tinh hoa điều hành chính phủ ở miền Nam. Hầu như tất cả ký giả từng sống ở đây đều đã làm bạn với các viên chức chính phủ, các sĩ quan quân đội, những thương gia, những chính trị gia – tức là thành viên của giới đẳng cấp cao ấy. Những người này hầu hết đều sống quá xa người dân và các vùng nông thôn của họ. Nhiều người quá sức giàu có hay quá Tây đến mức khó có thể song hành cùng với nông dân hoặc với người lính. Họ có thể không phải là những con người tốt nhất dựa trên các tiêu chuẩn của thánh kinh Cơ đốc hay của Phật giáo. Nhưng một số họ đã là bạn của tôi và rồi đây tôi sẽ thương nhớ họ biết chừng nào.

Quả thật quân đội miền Nam Việt Nam vào thời kỳ cuối tỏ ra không ngang sức với quân đội miền Bắc Việt Nam. Thời kỳ cuối là sáu tuần lễ đáng xấu hổ của việc rút lui, tan vỡ, hỗn độn, và sụp đổ. Ngay cả thế đi nữa, quân đội miền Nam không phải là một đạo quân ngờ nghệch và hèn nhát. Đó là một quân đội đã từng đứng vững và chiến đấu với lòng dũng cảm vô bờ và khả năng xông pha trận mạc lạ lùng, trong vài trường hợp bạn còn nhớ, chẳng hạn cuộc tự thủ An Lộc.

Nó đã từng đứng vững và chiến đấu dũng mãnh ở nhiều mặt trận mà chúng ta đã quên lãng. Nó đã từng đứng vững và chiến đấu dũng mãnh trong hàng ngàn trận đánh nhỏ và trên hàng ngàn tiền đồn muỗi vắt bùn lầy, mà tên của chúng không một người Mỹ nào biết tới.

Đó là một đạo quân của những người lính lẽ ra phải có một giới lãnh đạo xứng đáng hơn nhiều đối với họ.

Đó là một quân đội trong nhiều năm từng quan sát người Mỹ đánh nhau với quân Cộng sản bằng những trang bị vũ khí hiện đại, những thứ một ngày kia đột nhiên biến mất, để mặc họ đối diện với quân địch, với những chiến thuật theo kiểu người Mỹ nhưng không có vũ khí tối tân tương ứng. Đó là một quân đội người Việt có lẽ không nên được Mỹ hóa và vì thế sau đó lại phải Việt Nam hóa một lần nữa. Đó là một quân đội trong nhiều năm được lệnh bảo vệ vững chắc từng tấc đất của tổ quốc, và với mức độ thành công nhiều hay ít, nó đã cố gắng làm đúng như thế.

Và khi đột nhiên nó bị ra lệnh từ bên trên phải từ bỏ hết các tỉnh và các thành phố, nó đã tuân lệnh từ bỏ cuộc chiến.

Đó không phải là một quân đội của những sĩ quan và những người lính có khuynh hướng xông lên lấp đầy vị trí địch, hay những người sẵn sàng sống nhiều năm trong hầm trú ẩn dưới bom đạn B52 rải đầy mặt đất, hay những người đã làm cuộc hành trình dài trên đường mòn Hồ Chí Minh, hay những người đã đi vào trận đánh với ý tưởng rằng cái chết gần như cầm chắc của họ là phục vụ cho một tương lai dân tộc tốt đẹp hơn. Quân đội miền Bắc mới là đạo quân như thế, nhưng liệu có bao nhiêu quân đội khác nữa, kể cả quân đội Hoa Kỳ của chúng ta, được huấn luyện theo một mô thức tinh thần kiểu ấy? Quân đội miền Nam là đạo quân của những người lính giản dị, những người không được trang bị lý tưởng gì cả, nhưng đã chiến đấu dũng cảm suốt hai mươi năm. Hàng trăm ngàn người lính như thế đã tử trận. Hơn nửa triệu người lính của họ đã bị thương. Và, trong những tuần lễ cuối của cuộc chiến tranh, khi tất cả những người Mỹ ở Sài Gòn đều biết thua trận đến nơi, một số những người lính ấy vẫn tiếp tục chiến đấu ở những nơi chốn khác nhau, như ở Xuân Lộc, và do đó đã mang lại nhiều giờ khắc quý báu hơn cho những công dân Mỹ, và những công dân Việt Nam được chọn lựa, đi thoát khỏi nước.

Thật ra đó là một quân đội thiện chiến hơn nhiều so với hình ảnh của nó trong ngày cuối cùng.

Quả tình Nam Việt Nam đã nhận được nhiều trợ giúp của Hoa Kỳ và đã trở nên quá lệ thuộc vào chúng ta. Lính Xô Viết và lính Trung Cộng chưa hề chiến đấu ở Việt Nam như lính Mỹ. Trong hơn mười năm, miền Nam, vì những mục đích thực tế, đã buộc phải trở thành một kiểu thuộc địa của Hoa Kỳ. Quân đội Mỹ đã tự mình gánh lấy trách nhiệm chính trong cuộc chiến tranh này và có lần đã hứa với mọi người là sẽ chiến thắng. Người dân Mỹ đã đóng thuế để giúp đỡ Việt Nam. Washington đã đề ra các sách lược cho Sài Gòn và tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn đã dựng nên hầu hết bộ mặt chính trị ở đó.

Tuy vậy Nam Việt Nam không phải bao giờ cũng là một con rối và có những thời gian nó không chịu khiêu vũ cùng nhịp với dàn nhạc Mỹ. Nhưng qua nhiều năm chế độ miền Nam đã đi đến chỗ mặc định, hay bị dẫn đến chỗ mặc định, rằng nước Mỹ là đồng minh của nó và là người bảo vệ nó. Đó không phải là một mặc định vô lý. Cũng không phải là hoàn toàn vô lý rằng nhiều người Việt Nam đôi khi rũ bỏ trách nhiệm của họ đối với sự sụp đổ, và trách cứ người Mỹ về những vấn đề của chính họ, và rồi trong những ngày cuối cùng, khi nước Mỹ muốn bỏ rơi cuộc chiến và rời khỏi Việt Nam, họ đã trở nên cay đắng đối với nước Mỹ và người Mỹ.

Những người thắng cuộc

Cuối cùng bên mạnh hơn đã thắng. Những người cộng sản Việt Nam mạnh hơn và bền gan hơn. Họ có lý tưởng, một thứ kết hợp giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc gia, và họ theo đuổi lý tưởng ấy với sự bền bỉ đáng kinh ngạc. Họ đã vượt qua mọi chướng ngại, vượt qua những thất bại rõ ràng gần như vô phương cứu chữa, và cuối cùng họ đã chiến thắng.

Nhưng bên mạnh hơn không nhất thiết phải là bên tốt hơn.

“Tốt hơn” trở thành một câu hỏi về các giá trị, và tôi càng kính trọng sức mạnh và sự bền bỉ của người Cộng sản chừng nào, tôi lại càng không thừa nhận rằng xã hội Cộng sản chủ nghĩa khổ hạnh của miền Bắc (2) thì tốt hơn xã hội không được hoàn hảo lắm của miền Nam, một xã hội như tôi từng được biết.

Đây là lời ai điếu dành cho Nam Việt Nam ấy.

Không phải là lời ai điếu dành cho cả nước Việt Nam hay ngay cả dân tộc Việt Nam. Những đất nước không bao giờ chết. Nam Việt Nam sẽ tiếp tục tồn tại vài ba tháng nữa hay thậm chí vài năm nữa với một chính phủ mới, những chính sách mới, một hệ thống xã hội mới. Rồi chắc chắn nó sẽ sáp nhập vào với miền Bắc và một nước Việt Nam lớn hơn sẽ kiểm soát Đông Dương và tất cả sẽ trở thành một lực lượng đáng kể ở châu Á. Nó sẽ là một nước của 40 triệu (3) người dân bền gan, chịu thương chịu khó. Nó sẽ trở nên giàu có vì có sẵn tài nguyên bao la. Nó sẽ có một quân đội mạnh vào bậc nhất, có thể là mạnh nhất, trên thế giới.

Có lẽ toàn bộ năng lượng của 40 triệu người Việt Nam sẽ được dành cho việc tái xây dựng đất nước và mở mang kinh tế.

Hay có lẽ toàn bộ năng lượng ấy sẽ được dùng vào việc chăm chú mở rộng guồng máy chính trị và sức mạnh quân sự.

Dù trong trường hợp thứ nhất hay thứ hai, nước Việt Nam sẽ đáng được, và có lẽ sẽ khiến cho, thế giới phải chú ý trong những năm sắp tới đây. Một số người miền Nam sẽ mau mắn chụp bắt lấy cơ hội trong chính thể mới và xã hội mới. Một số người sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng cuối cùng cũng tìm được chỗ đứng của mình, đâu đó. Một số khác sẽ không bao giờ chấp nhận, hay sẽ không được chấp nhận, đứng vào hàng ngũ mới. Họ sẽ bị loại trừ bằng cách này hay cách khác, nhưng con cháu của họ sẽ được nuôi dạy sao cho chúng trở nên một bộ phận thích hợp của xã hội mới.

Một nước Việt Nam mới sẽ hùng mạnh và sẽ thành công và đó là những phẩm chất quan trọng giữa các quốc gia, cũng như của mỗi con người. Những cuốn sách lịch sử xưa nay vẫn dạy ta thế thôi, và vì vậy, lịch sử sau này có lẽ sẽ không dành nhiều trang thiện cảm cho miền Nam Việt Nam, vì nó đã không tiếp tục chiến đấu để sống còn.

Nhưng đây không phải là lịch sử.

Đây là lời ai điếu đọc trước quan tài Nam Việt Nam, như tôi từng được biết.

Peter R. Kann



Nguyên tác: “Obituary for South Vietnam”, by Peter R. Kann, Deadline Artists, edited by John Avlon, Jesse Angelo & Errol Louis, Overlook Press, New York, NY, 2011.



Chú thích của người dịch:

(1) Nguyên văn “South Vietnamese Capitalism”.

(2) Nguyên văn “Spartan Communist society of North Vietnam”.

(3) Ước chừng của tác giả về dân số Việt Nam trong cả nước năm 1975. Thực tế có thể nhiều hơn.

(4) Các chữ in nghiêng là từ nguyên tác in nghiêng. Chữ in hoa cũng vậy.



Dịch giả gửi BVN

Những suy nghĩ tản mạn nhân ANZAC Day

28/04/2015

Trần Thạnh

ANZAC Day


Hai nước Úc Đại Lợi (Australia) và Tân Tây Lan (New Zealand) vừa kỷ niệm ANZAC Day[1] ngày hôm qua 25 tháng 4 năm 2015.

Cách đây đúng 100 năm, năm 1915, cũng vào ngày này, vào lúc hừng đông, quân đội Úc và Tân Tây Lan đổ bộ vào bãi biển Gallipoli của Đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ hay Turkey ngày nay). Đây là một trong những trận chiến đẫm máu nhất trong Thế chiến Thứ nhất, giữa các quân đội thuộc phe đồng minh (gồm Anh, Pháp, Úc, Tân Tây Lan, Ấn Độ, Newfoundland tức Canada ngày nay) với Đế quốc Ottoman (thuộc phe gây chiến cùng với Đức, Áo và Hung).

Dự định của phe đồng minh là chiếm bán đảo Gallipoli để khống chế eo biển Dardanelles (nối Địa Trung Hải và Biển Đen), từ đó làm bàn đạp đánh chiếm thủ đô Constantinople (nay là Istanbul) của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên sự chống cự quyết liệt của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm thất bại dự tính của Anh Quốc và phe đồng minh sau nhiều tháng giao tranh. Đây là chiến thắng lớn nhất của Thổ trong Thế chiến Thứ nhất.


Hơn 10.000 binh sĩ Úc và Tân Tây Lan tử trận. Phe đồng minh có gần 188.000 chiến sĩ tử trận, bị thương, hay mất tích. Về phía Đế quốc Ottoman, gần 175.000 binh sĩ tử trận.

Kể từ năm 1915 đến nay, tròn 100 năm, hằng năm lễ ANZAC Day diễn ra để tưởng niệm những binh sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến này. Những năm về sau, ngày này cũng là ngày tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh trong các trận chiến khác, kể cả những binh sĩ Úc đã tham gia trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Có thể gọi đây là ngày Chiến Sĩ Trận Vong của Úc và Tân Tây Lan.

Theo thông lệ, hàng năm, hàng ngàn người Úc tự nguyện đến Gallipoli để dự buổi lễ tưởng niệm vào lúc hừng đông ngày 25 tháng 4, đúng vào giờ mà quân đội ANZAC đổ bộ xuống bãi biển này. Cũng vào lúc hừng đông ngày này, tại tất cả các thành phố của Úc hàng trăm ngàn người tự nguyện đến các đài tưởng niệm chiến tranh để tham dự lễ, bất chấp thời tiết thu đã khá lạnh ở nhiều nơi.

Sau buổi lễ tưởng niệm là cuộc diễn hành của các quân nhân và cựu quân nhân quân đội Úc cùng quân đội các nước đồng minh từng tham chiến bên cạnh Úc, trong đó có các cựu quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Hàng trăm ngàn dân đứng dọc hai bên đường vỗ tay tán thưởng đoàn diễn hành. Không có cảnh các “lãnh tụ” đứng trên khán đài cao chứng kiến các đoàn diễn hành đi qua. Chỉ có dân chúng, già trẻ, trai gái đủ mọi thành phần đứng dọc hai bên đường phất cờ và vỗ tay hoan hô.

Vài điều đáng suy ngẫm

Ở bãi biển Gallipoli, hàng ngàn ngôi mộ của các binh sĩ Úc và Tân Tây Lan tử trận tại Gallipoli được xây cất và chăm sóc cẩn thận. Tư lệnh quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Gallipoli, Mustapha Kemal, về sau trở thành Tổng thống đầu tiên của nền Cộng hoà Thổ, đã nói như sau vào năm 1934 (gần 20 năm sau trận chiến):

Those heroes that shed their blood and lost their lives ... You are now lying in the soil of a friendly country. Therefore rest in peace. There is no difference between the Johnnies and the Mehmets to us where they lie side by side here in this country of ours ... You, the mothers who sent their sons from faraway countries, wipe away your tears; your sons are now lying in our bosom and are in peace. After having lost their lives on this land they have become our sons as well.

Tạm dịch:

Hỡi những người anh hùng đã hy sinh xương máu và mạng sống của mình, bây giờ đây các anh đang nằm trong lòng đất của một đất nước thân hữu. Hãy yên nghỉ. Đối với chúng tôi, không có sự khác biệt giữa những Johnnies and Mehmets [2] trên mảnh đất mà họ đang nằm cạnh nhau… Hỡi những người mẹ đã gửi con mình đi chiến đấu từ những đất nước xa xôi, hãy lau đi những dòng nước mắt. Con trai của quý bà đang yên nghỉ trong lòng đất nước chúng tôi. Sau khi hy sinh mạng sống trên mảnh đất này họ cũng đã trở thành những đứa con của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đó là lời nói và việc làm thật cao thượng, đầy lòng nhân ái.

Cần nói thêm về thủ tục của buổi lễ tại Gallipoli. Vào đầu buổi lễ, quốc kỳ Úc và Tân Tây Lan được kéo lên đến giữa cột cờ (half mast, cờ rũ). Không có cờ của Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối buổi lễ, cờ của cả ba nước được kéo lên cao. Không có những phát biểu khơi lại hận thù từ cả hai phía. Tất cả đều hướng về việc tưởng nhớ những người đã hy sinh cho lý tưởng của họ.[3]

Còn không đầy một tuần nữa, người Việt chúng ta ở khắp nơi, trong nước hay hải ngoại, dù muốn dù không đều nhớ về một ngày lịch sử đáng nhớ. Nhưng không có ai trong số những người nắm vận mệnh của đất nước từ cái ngày đáng nhớ ấy đến nay có một câu nói và việc làm xứng với tầm cỡ của Mustapha Kemal. Câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt “Ngày 30/4 có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn” tỏ ra cảm thông được phần nào, nhưng việc làm cụ thể thì chưa có. Đã 40 năm qua đi, những buổi lễ được tổ chức hàng năm tại Việt Nam chỉ làm xé thêm vết thương chưa kịp lành, khiến lòng người thêm ly tán. Năm nay có lẽ cũng không khác.

Tại sao những người cầm quyền tại Việt Nam hiện nay không thể đối xử với những người cùng dân tộc như cách người Thổ Nhĩ Kỳ đã đối xử với người dân các nước khác đã giao chiến với họ? Cái gì đã khiến họ đánh mất tinh thần nhân bản của dân tộc Việt Nam?

Sydney ngày 26 tháng 4 năm 2015

T.T.

Tác giả gửi BVN


[1] ANZAC là chữ viết tắt của Australian and New Zealand Army Corps, tức Liên quân Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan.

[2] Hai tên người thông dụng của Úc và Thổ. Ý nói binh lính của cả hai bên.

[3] Tony Wright, “Solemness echoes in the silence””, The Sun-Herald, April 26, 2015.

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Bức tường Berlin sụp đổ: Bài học hòa hợp dân tộc của người Đức



Kỷ niêm ngày 30 - 4

Hãy cùng nhìn lại những thành tựu cũng như những bất cập của nước Đức sau thống nhất qua những chia sẻ của người Việt sống tại Cộng Hòa Liên Bang Đức

Bức tường Berlin

Đêm 13 tháng 8 năm 1961, tại Berlin, một bức tường dài 156 km được dựng lên chia đôi 2 nước Đức ròng rã 28 năm. Mảng tối của hàng triệu cư dân Đông Đức chỉ thực sự được phơi bày sau khi bức tường Berlin sụp đổ ngày 9 tháng 11 năm 1989.


Bức tường Bá Linh được dựng lại bằng hàng ngàn những chiếc đèn lồng trắng , là một phần của dự án “Lichtgrenze 2014″ để kỷ niệm 25 năm sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh ngày 09 Tháng 11 năm 2014

Sau thống nhất, nước Đức còn, mất những gì?

Mặc dầu buổi ban đầu, 40 triệu người dân Tây Đức đã phải cưu mang 18 triệu người dân Đông Đức, thế nhưng, tinh thần dân tộc đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn ban đầu để vực dậy nền kinh tế và đưa nước Đức thành một quốc gia cường thịnh như hôm nay.

Ông Lê Nam Sơn, ngụ tại thành phố Hannover nói : “Trước đó, cuộc sống bên Tây Đức rất là dễ dàng, thoải mái. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, toàn nước Đức thống nhất thì nói chung cuộc sống không khá như trước. Nhưng để bù lại, cả một nước Tây Đức họ đã vực dậy phần còn lại bên Đông Đức và sánh ngang hàng với các nước Châu Âu. Nhưng người lãnh đạo của nước Đức có cái viễn kiến và họ đã đưa nước Đức lên ngang hàng với các nước Tây Âu, chuyện đó không phải là dễ”



Người dân Đông Đức trèo lên bức tường Berlin ở cổng Brandeburg sau khi biên giới hai bên được mở ngày 10/11/1989.

Theo chị Thục Quyên ở Munchen, đa số người dân Đức hài lòng với cuộc thống nhất đất nước. Họ đặt tinh thần dân tộc lên trên mọi khác biệt để xây dựng đất nước. Chị Thục Quyên nói : “Có khoảng 70% dân chúng đánh giá là cuộc thống nhất của đất nước họ từ tốt đến rất tốt. Phần lớn dân chúng rất là bằng lòng với tình hình chính trị và xã hội của đất nước họ. Điểm son của dân tộc Đức là tuy họ đã sống dưới 2 thể chế chính trị đối ngược với nhau trong hơn 40 năm trời nhưng người dân Đức vẫn có lòng tin tưởng ở tình anh em, tình dân tộc của họ. Người dân Tây Đức và người dân Đông Đức đã dẹp bỏ được những nghi kỵ với nhau, và vì vậy họ mới bắt được tay với nhau và làm việc”.

Thực vậy, dưới sự điều hành của Thủ tướng Merkel và Tổng thống Gauck, cả 2 đều xuất thân từ Đông Đức, nước Đức đã trở thành một nền kinh tế đứng thứ tư trên thế giới và là đầu tàu của nền kinh tế Âu châu.

Từ Hannover, ông Lâm Đăng Châu nói : “Đa số người dân 2 miền Đông Tây sống hoà thuận. Chính trị Đức ổn định, kinh tế Đức cho đến bây giờ rất ổn định, coi như là vững mạnh nhất ở Âu châu bây giờ”.



Bản đồ thể hiện Bức tường Berlin

Bức tường đổ và sự hãnh diện của người Đức

Nhìn vào sự cư xử của người dân Đức, theo ông Nguyễn Đình Tâm ở Berlin thì người ta có cảm tưởng hình như chưa hề có một bức tường nào ngăn cách giữa người dân Đông và Tây Berlin trước và sau năm 1961. Ông nói : “Hồi đó, bức tường chưa sập nhưng vẫn có những người bên Đông Đức sang bên này để gặp bà con. Chính quyền Tây Đức còn tặng cho những người dân Đông Đức 100 Đức Mã. Rồi đến khi bức tường sập, thì người dân Tây Đức mở rộng vòng tay họ đón tiếp (người dân Đông Đức) như người thân thiết của họ”.

Cho tới nay, người dân Đức đã phải đóng góp hàng ngàn tỷ Đức Mã để cưu mang thêm một nền kinh tế trì trệ sau gần 30 năm ở Đông Đức. Từ Berlin, ông Hoàng Kim Thiên nói : “Kinh tế của Đông Đức trước 1989 thì không phát triển gì nhiều. Nhưng sau khi bức tường đổ, Tây Đức đã phải bỏ ra rất nhiều tiền. Ở Tây Đức, mỗi người dân đi làm phải đóng 7% thuế để xây dựng Đông Đức. Sau 25 năm thống nhất, kinh tế nước Đức vẫn giữ rất là vững. Thì đó là sự hãnh diện của người Đức”.



Người dân Tây Đức vỗ tay hoan nghênh người dân phía Đông Berlin đi qua trạm kiểm soát Charlie để vào Tây Đức ngày 10/11/1989.

Sự khác biệt về mặt vật chất đã được san bằng, còn về con người thì sao? Theo chị Anh Đào ở Berlin, thì đâu đó vẫn còn sự khác biệt về tư tưởng. Chị Anh Đào nói : “Nói chung sự thống nhất của nước Đức rất là hoàn hảo. Mặc dù còn một số ít những người dân Đông Đức vẫn còn những tư tưởng của chế độ cũ, nhưng từ từ họ vẫn hoà mình với phía bên Tây Đức này”.

Sự khác biệt này, theo ông Hoàng Kim Thiên dần dần cũng đã được san bằng : “Trước đây, thí dụ như trong hãng, xưởng, người Tây Đức có vẽ phóng khoáng hơn, tức là họ nghĩ gì thì họ nói đó. Còn người Đông Đức họ hơi dè dặt một chút xíu. Nhưng bây giờ, tôi thấy cái tinh thần đó không còn nữa”.

Một điều ngoạn mục là sau một thời gian đầu tư để lấp đầy khoảng trống giữa Tây và Đông Đức. Giờ phía bên Đông Đức lại hình như vượt trội cả Tây Đức về mặt hạ tầng cơ sở cũng như chất xám. Ông Lâm Đăng Châu nói: “Trước đây người dân Đông Đức qua Tây Đức để tìm công ăn việc làm để sinh sống. Nhưng từ năm 2013 thì ngược lại: Những người dân Tây Đức đã bắt đầu qua Đông Đức để bắt đầu xây dựng sinh sống làm ăn. Đấy là những sự phát triển rất là ngoạn mục. Nước Đức họ vui mừng thấy đó là một trong những tiến bộ”.

Từ Berlin, chị Mỹ Lâm cũng ghi nhận những thành quả thực tế mà Tây Đức đã đóng góp cho Đông Đức : “Phải nhìn nhận rằng sự giúp đỡ của Tây Đức cho Đông Đức rất là lớn và những thành quả đó cũng thấy được, bằng chứng là ở Berlin có nhiều những bệnh viện được xây ở Đông Đức còn tối tân gấp mấy lần những bệnh viện đã có sẵn ở Tây Berlin. Hạ tầng cơ sở, đường xá, bệnh viện, trường học, nhà cửa được xây dựng lại rất là mới”.



Người dân đi bộ dưới hàng đèn là một phần của dự án “Lichtgrenze 2014″ để kỷ niệm 25 năm sự sụp đổ của Bức tường Berlin

Với hàng chục ngàn người Việt đang lao động tại Đông Đức trước 1989, sự hội nhập tuy quả là không dễ dàng sau khi cánh cửa tự do mở ra. Ông Nguyễn Thành Lương ở Frankfurt cũng đã ghi nhận những thành công đáng kể của họ :

“Người Việt sau khi bức tường Berlin sụp đổ chạy qua bên này (Tây Đức) thì không được hưởng những ưu đãi (như người Tây Đức lúc đó) nhưng dần dần người mình cũng chịu khó làm ăn và hội nhập. Mấy năm trở lại đây thấy họ cũng bắt đầu làm ăn đàng hoàng, không còn lối làm ăn chụp giựt trước đây nữa. Đó cũng là một thành công! Và nhất là một trong những thành công mà báo chí Đức mấy năm gần đây nói rất nhiều về sự học hành của con em người Việt mình ở bên Đông Đức”.

Được sống trong một không khí hoàn toàn tự do, từ Berlin, ông Nguyễn Duy Tân, một cựu đảng viên Cộng sản phát biểu : “Cảm nghĩ của tôi thực sự là bình an. Mọi người đều có sự công bằng trước pháp luật và trước cơ quan công quyền nhà nước. Ai cũng được quyền tự do tham gia và việc của nhà nước. Đó là giá trị mà tôi cảm thấy may mắn, hạnh phúc được sống trong một nền Tự do”.

Đó cũng là sự may mắn của ông Nguyễn Thành Lương, một thuyền nhân tị nạn ở Tây Đức khi gặp được người phối ngẫu là chị Mai, một công nhân xuất khẩu lao động ở Đông Đức. Mấy chục năm bức tường sụp đổ là bấy nhiêu năm mà ông Nguyễn Thanh Lương sống chung dưới một mái nhà :

“Từ sự may mắn của tôi, tôi cũng chia sự may mắn đó cho nhà tôi sớm được hội nhập”

Từ sự thống nhất của một quốc gia, đến sự thống nhất của hai tâm hồm. Đây có phải là một thí dụ tuyệt vời về sự hoà giải ? Chị Mai vui cười nói : “Đấy mới là thống nhất nhỉ ???”



Bức tường đổ và sự hãnh diện của người Đức

Bên cạnh những hào quang của một nước Đức thống nhất. Đâu đó vẫn còn chập chờn những mảng xám. Sau những niềm vui hội ngộ là những sự thật trần trụi mà người dân hai miền Đông Tây của nước Đức phải đối diện và giải quyết.

Chiếc huy chương nào cũng có những mặt phải và mặt trái của nó. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ ngày 9 tháng 11 năm 1989, Niềm vui thống nhất của người dân hai miền Đông Tây chưa trọn vẹn thì họ đã phải đối diện với những khó khăn về vật chất khi mà 40 triệu người dân Tây Đức đã phải gánh thêm trên vai cuộc sống của hơn 18 triệu dân Đông Đức với tất cả những hệ luỵ và cả những di sản trước đó do chiến tranh để lại.

Người Việt từ Đông Đức

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, gần 60 ngàn người Việt đang học tập và lao động ở Đông Đức đứng trước sự chọn lựa: tiếp tục tương lai trên nước Đức thống nhất nhưng mới mẻ và đầy thách thức hay trở về Việt Nam với số tiền trợ giúp của chính quyền mới ? Khoảng 40.000 người Việt đã chọn con đường hồi hương với 3000 Đức Mã. Anh Nguyễn văn Mài, là một công nhân hợp tác lao động ở Đông Đức vào thập niên 80, nay cư ngụ tại Hannover kể lại:

“Khi bức tường Berlin đổ, ai có điều kiện thì chạy sang Tây Berlin, tôi còn nhớ lúc đó ai qua Tây Berlin thì chính quyền mới cho 100 Đức Mã. Một trăm đô Mác lúc đó đối với anh em mình là to lắm. Thế là lúc đó nước Đức đổi tiền theo tiêu chuẩn 1 ăn 1. người Việt mình nói chung lúc đó là vui vẻ. Sau đó nước Đức người ta thấy hoàn cảnh công ăn việc làm khó khăn quá cho nên người ta động viên người Việt nhà mình, nếu ai muốn hồi hương thì người ta sẽ bồi thường 3000 đô Mác cho mỗi người và thế là đại đa số người Việt mình hồi hương”

Đông Đức tan rã kéo theo nhiều nhà máy phải đóng cửa, người dân Đông Đức thất nghiệp. Người dân Tây Đức đi làm phải đóng thuế vào “Quỹ Quốc Gia” để xây dựng lại một Đông Đức đầy bất trắc. Người Việt từ Đông Berlin chạy sang Tây Berlin, đa số sống chủ yếu bằng những nghề buôn bán nhỏ, bán thuốc lá lậu, cuộc sống bấp bênh, tỷ lệ tội phạm cao trong thời kỳ giao thoa này. Chị Mai, cũng hợp tác lao động ở Đông Đức, nay sống tại Frankfurt cho biết:

“Ở lại thì lúc đầu thì cũng khó khăn lắm, người ta đi kiếm việc làm, lúc đầu thì bán quần áo, sau này có phong trào bán thuốc lá lậu. Sau đó thì từ từ họ được định cư lại thì họ làm ăn cũng ổn định”

Chưa đầy 3 năm sau ngày nước Đức thống nhất, người ta đã thấy manh nha những tư tưởng bài người ngoại quốc mà nạn nhân đầu tiên bị nhắm đến là những người lao động nhập cư. Điển hình là sự kiện ném bom xăng vào khu nhà ở của người ngoại quốc ở thành phố Lichtenhagen, Rostock đã gây chấn động chính trường Đức và thu hút sự quan tâm của thế giới. Anh Mài tiếp:

“Khi mà bức tường Berlin đổ, khi mà chế độ bắt đầu thay đổi thì trong một số người Đức bắt đầu xuất hiện những tư tưởng bài xích người ngoại quốc. Những người mang tư tưởng kỳ thị họ ở bên Đông Đức, đại đa số là thanh niên. Bởi vì khi bức tường Berlin đổ thì không những người Việt nhà mình thất nghiệp mà ngay cả người Đức cũng bị thất nghiệp, vì vậy họ cho rằng là do những người lao động ở Đông Đức là nguyên nhân khiến cho họ không có việc làm”



Người dân Đức được sống trong một không khí tự do
Những khác biệt về tư tưởng Đông và Tây

Sau mấy chục năm xây dựng và phát triển, sự cách biệt giàu nghèo giữa Đông và Tây Đức hầu như đã không còn. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn một khoảng trống chưa thể lấp đầy, đó là sự khác biệt về tư duy, về cách hành xử của người dân Tây Đức, quen sống thoải mái tự do và người dân Đông Đức, hình như vẫn chưa thoát ra được cái bóng của chế độ cũ vẫn còn đeo đuổi. Chị Anh Đào ở Berlin nhận xét:

“Hai tư tưởng khác nhau, mặc dù ở xứ tự do này, nhưng những người bên Đông Đức vẫn còn lập trường bị gò bó. Còn bên Tây Đức mỗi người đều có 1 tư tưởng, thành ra mình rất là thoải mái khi mình nói chuyện, nhưng khi mình nói chuyện với anh chị em bên Đông Đức; Ngay cả tới bây giờ cũng vậy, họ nói cái gì cũng rất là dè dặt”

Hàng chục năm sống dưới chế độ bao cấp, anh Mài cho biết không khỏi bỡ ngỡ khi phải hội nhập vào xã hội tư bản, nơi mà ai cũng phải cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Anh chia sẻ:

“Làm việc ở các nhà máy bên Đông Đức, tuy nó có định mức nhưng làm việc cũng nhẹ nhàng thôi. Thế nhưng khi mà làm việc bên Tây Đức thì cường độ nó cao hơn, nhưng tất nhiên là thu nhập cũng cao hơn. Và cái tâm lý lo lắng mất việc làm thì nó thường trực trong đầu của người Việt mình hơn. Bên Đông Đức thì không có như thế, công ăn việc làm không phải lo gì cả”

Khi nước Đức thống nhất, chị Anh Đào có dịp làm quen với một cộng đồng người Việt mới đến từ bên kia bức tường Berlin. Chị nhận xét:

“Giữa người Việt Đông Đức và Tây Đức thì riêng em, em có nhận xét là từ sinh viên du học cho đến những người tị nạn hầu như ai cũng có một kết quả rất tốt. Họ không có nhiều criminel (tội phạm) nhiều như sau khi mở bức tường. Sau khi mở bức tường, bên Đông Đức thì có những gia đình sống mực thước, nhưng cũng có những người bên Đông Đức hợp tác lao động muốn tiến thật xa cho nên họ làm tất cả những cái gì mà họ có thể làm. Những hành động của họ, những việc làm của họ, họ không sợ hậu quả xấu cho công đồng hoặc là đối với người Đức”

Sau thời gian cần thiết để ổn định cuộc sống mới, vẫn như câu tục ngữ ngàn đời của Việt Nam “phi thương bất phú”: người Việt, đa số từ Đông Đức đã lập nên khu thương mại nổi tiếng Đồng Xuân với hơn 250 gian hàng, khu buôn bán sầm uất của hơn 4000 người Việt sống hợp pháp và bất hợp pháp. Anh Mài nói:

“Khi mà bức tường đổ thì chúng tôi đại đa số đều thất nghiệp hết. Mạnh ai thì người ấy lo cho bản thân. Người Việt mình chủ yếu là lo buôn bán để kiếm tiền, bởi vì buôn bán đối với người Việt mình dễ dàng hơn. Và người Việt mình chịu khó đi len lỏi khắp nơi để mà kiếm tiền”


Cổng vào chợ Đồng Xuân của người Việt ở Berlin, Đức

Với hơn 120.000 người Việt đang sống tại Đức, trong đó có khoảng 88.000 người có giấy tờ hợp pháp và phần còn lại sống bất hợp pháp. Cộng đồng Việt Nam tại Đức có thể được chia ra thành 4 nhóm: 1 nhóm rất ít là sinh viên du học trước 1975, nhóm thứ hai gồm khoảng 40.000 người là thuyền nhân tị nạn. Nhóm thứ ba gồm khoảng 20.000 người ở lại sau khi bức tường Berlin sụp đổ và nhóm thứ tư cũng khoảng 40.000 người đến Đức bằng đủ mọi ngõ ngách khác nhau, đa số là sống bất hợp pháp. Nhóm thứ nhất và thứ nhì đã hoàn toàn ổn định ở xã hội Đức, đa số thành công và là mẫu mực của sự hội nhập. Nhóm thứ ba và thứ tư sống co cụm như là một xã hội Việt Nam thu nhỏ ở phần phía Đông của nước Đức.

Nói chung, người Việt Tây Đức sống rải rác và hoà nhập vào xã hội Đức, trong khi đó người Việt ở Đông Đức sống gần như tập trung trong một xã hội riêng của họ. Chị Mai nói:

“Vẫn như hồi xưa…!!! Trong nước ra như thế nào thì trong nước vẫn như thế. Nói chung là cái mô hình họ mang từ Việt Nam sang. Tức là họ vẫn có công đoàn, vẫn có hội phụ nữ, vẫn có chi bộ, rồi vẫn có đoàn thanh niên, phụ nữ…. Tất cả đều phải áp dụng trong đội quản lý người lao động. Trước đấy, đi lao động thì hộ chiếu của bọn mình thì do sứ quán giữ, mình không được giữ. Sau này người ta vẫn hội họp, vẫn sinh hoạt kiểu như thế!”

Dù nước Đức đã ăn mừng một phần tư thế kỷ thống nhất và phát triển, cộng đồng người Việt tại Đông Đức này vẫn hầu như đi bên lề sự hội nhập ấy, dù họ cũng có những phát triển theo cách riêng của họ. Bức tường Berlin đã đổ, nhưng đâu đó vẫn còn một bức tường Berlin trong lòng người.

Minh Anh