Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Nước Tầu Đại Loạn


PGĐ



Từ khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc lên nắm quyền tại Hoa lục năm 1949, chưa bao giờ nước Tầu hay đúng ra là Trung Cộng lại rơi vào tình trạng hỗn loan như thời gian vừa qua về mọi phương diện:

Chính Trị:

1.-Giang Trạch Dân âm mưu thanh tóan Tập Cận Bình thất bại, cả gia đình vợ con đều bị quản thúc. Bao nhiêu tướng lãnh trong Quân Ủy TC đều là người theo phe của Giang Trạch Dân. Các Tướng này đã bị bắt, bị cách chức, giam giữ hoặc một số đã tự sát. Lần đầu tiên Tập Cận Bình bôi xấu Giang Trạch Dân (lý lịch là cháu ba đời của Uông Tinh Vệ là tên Đại Hán Gian thời Nhật).

2.-Bí Thư Thường Trực của Tập Cận Bình đào tỵ tại Mỹ:

-Chỉ biết đã đến San Francisco nhưng tung tích hòan toàn bí mật. TCB đã yêu cầu Mỹ dẫn độ tay Bí Thư này về Hoa Lục. Hoa Kỳ bác bỏ đề nghị vì trước kia tên Edward Snowden đào thóat qua Hồng Kong Mỹ đã yêu cầu TC dẫn độ nhưng TC nói TC-Mỹ không có hiệp ước dẫn độ nên từ chối. Bây giờ gậy ông đập lưng ông, Hoa Kỳ cũng từ chối dẫn độ.

-TC đã phái các toán đặc công xâm nhập vào Mỹ để tìm diệt tay Bí Thư này vì anh ta biết quá nhiều bí mật của Hoa Lục.Phía Hoa Kỳ đã bí mật tăng cường an ninh tại các sân bay tìm cách ngăn chặn các tay đặc công này vào Mỹ.

-TT Obama yêu cầu TC thả vợ con của tay Bí Thư này ra nếu không Hoa Kỳ sẽ cấm tòan bộ hàng TC không được vào Mỹ. Bước thứ hai sẽ nói châu Âu cũng cấm hàng TC nhập vào.

Kinh Tế:

-Thị Trường Chứng Khóan Hoa Lục sụp đổ tại Thượng Hải và Shenzen, khoảng 200 triệu người Hoa Lục chơi stock bị phá sản, nhiều ngân hàng đóng cửa. Người ta cho rằng chính Mỹ đã gây ra nạn sụp đổ này để cảnh cáo TC đã có âm mưu và lời tuyên bố muốn thay đồng Mỹ Kim bằng đồng Yuan của TC/và tìm mọi cách đánh đổ đồng Đô La. Hâu quả của sự sụp đổ này chưa có thể tiên đóan được nhưng rõ ràng là Hoa Lục đã kịêt quệ về tài chánh/và sẽ ảnh hưởng đến Quân Sự và mộng bá quyền tại Biển Đông.

-Kinh Tế Nga-Tầu chao đảo:

Mỹ đang đánh thẳng vào nên kinh tế hai nước này bằng chiêu Dầu Hỏa như sau:

-Hôm qua đột nhiên Anh Quốc mở lại đại sứ quán tại Teheran (Iran) và Iran đã mở lại các kho dầu (bị ứ đọng không bán được thời gian qua) và xuất cảng dầu qua Châu Âu với giá hạ hơn thị trường (để thâu ngọai tệ về nhanh). Đây là đòn nặng vào dầu khí của Nga. Giá dầu đã hạ xuống chỉ còn $34USD/thùng (không còn có lời nữa qua chi phí sản xuất. Phải trên $40USD mới có lợi nhuận). Dầu khí của Nga đang bị đe dọa vì Châu Âu không cần nữa.

-Bất thình lình và lần đầu tiên trong lịch sử, TT Obama đã ra lệnh cho khai thác mỏ dầu hỏa dự trữ lớn nhất của Hoa Kỳ tại Alaska và giao cho công ty Shell (của Anh Quốc) được tòan quyền khai thác, làm cho giá dầu thô càng sút giảm mạnh.

Quân Sự:

-Trước tình hình TC bành trướng ở Biển Đông: Xây đường băng dài 1,200 mét trên đảo Chữ Thập (Trường Sa). Nối dài đường băng cho phi cơ hạng nặng có thể chở vũ khí đầu đạn hạt nhân bắn đi xa 6,500km (kéo dài một đường băng từ 2km thành trên 3km) trên Hoàng Sa,

-Mỹ đã đổ bộ quân và vũ khí máy bay hạng nặng vào 8 điểm trên đất Phi (trên đảo Luzon có Manila và căn cứ Clark/và Palawan).

-Mỹ đã bí mật ký kệt hiệp ước quân sự với Cộng Sản VN (chi tiết chưa được ông bố) nhưng CSVN đã để cho Mỹ sử dụng Vịnh Cam Ranh làm căn cứ HQ. Mỹ đang đưa các SQ HQ gốc Việt về Cam Ranh để họat động và chỉ huy. Mỹ vừa hạ thủy Hàng Không Mẫu Hạm Gerald Ford đặc biệt có dàn phóng phi cơ tối tân nhất (không dùng máy đẩy phi cơ như trước/nên HKMH nhẹ hơn). Trong khi đó thế giới đang chê cười TC khoe chế tạo được HKMH (thực chất chỉ là cái bè nổi khổng lồ bằng các thùng phuy, kim lọai) mục đích làm các trạm tiếp tế nhiên liệu cho phi cơ mà thôi/không có khả năng tấn công.

Chưa bao giờ Trung Cộng bị những đòn nặng trên nhiều phương diện như vậy. Cũng chưa bao giờ Nga bị chao đảo vì dầu hỏa đi xuống và trước viễn ảnh dư thừa dầu trong thế giới tư bản như vậy.
Tình hình sẽ còn biến chuyển mạnh trong thời gian tới, cần theo dõi.
(Theo các nguồn tin mới nhất):
PGĐ

Được đăng bởi suoinguontuoitre vào lúc 17:39

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Nhân Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2/9 - Ôn cố tri tân


Hồi ký của cựu hoàng Bảo Đại trong giai đoạn làm cố vấn tối cao cho chính phủ Hồ Chí Minh



Một buổi họp của chính phủ lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy ngồi cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa, dãy phải)

Phong Uyên chuyển ngữ và giới thiệu


Sau 25 năm im hơi lặng tiếng, đầu năm 1980, cựu hoàng Bảo Đại cho xuất bản cuốn hồi ký viết bằng tiếng Pháp Le Dragon d’Annam (Rồng Nam), kể lại cuộc đời mình từ khi sinh ra ở Huế cho đến năm 1956, khi bị ông Diệm truất phế. Phần đặc sắc nhất trong cuốn sách là phần kể lại thời gian ông Bảo Đại được chủ tịch Hồ Chí Minh phong làm cố vấn tối cao, sống ở Hà Nội sau khi thoái vị cho đến khi theo một phái đoàn của chủ tịch Hồ Chí Minh qua Tàu rồi đi Hồng Kông

Cuộc Cách Mạng Việt Minh

“…. Phụ tá tổng trưởng bộ Thanh niên (Phan Anh, trong chính phủ Trần Trọng Kim) Tạ Quang Bửu, là người cho tôi biết có một nhóm kháng chiến được thành lập ở miền thượng du, vùng Cao Bằng có tên là “Liên đoàn Việt Minh”. Linh hồn nhóm này là Võ Nguyên Giáp, được Tạ Quang Bửu nói đến với đầy nhiệt tình. Sau những cuộc hành quân du kích chống Nhật, “Việt Minh” bắt liên lạc được với đồng minh Trung Hoa và Mỹ đồng thời với cả Pháp và ngay cả với Khâm sai của tôi ở Bắc bộ là Phan Kế Toại. Nhưng tôi cũng không liên lạc được với Phan Kế Toại nên không có sự khẳng định cùa ông ấy (tr 113)

“… Có rất nhiều tin xấu đến tai tôi. Nguyễn Văn Sâm, người đại diện của tôi ở Sài Gòn chưa thấy tới nhiệm sở. Nghe đồn ông ấy bị ám sát sau khi rời khỏi Huế. Ai đã giết ông ấy? … Ở Hà Nội cũng đang xẩy ra những biến cố rất quan trọng. Ngay sau khi Nhật đầu hàng, có những toán xung phong dưới quyền Võ Nguyên Giáp đột nhập vào thành phố và mở cửa nhà tù dưới cặp mắt thản nhiên của Nhật Bản. Ngày 17-8, dưới sự xúi giục của những toán này, có cuộc biểu tình tụ tập 20 ngàn người trước Nhà Hát Lớn. Mọi người đều hô to “Độc lập” và trương cờ mới màu đỏ sao vàng, mà có người nói là do Kampetai (Mật vụ Nhật) đặt ra… Cờ Đế quốc Việt Nam bị giựt xuống…

” Ngày hôm sau, khâm sai của tôi, phải bỏ nhiệm sở và được thay thế bằng một Ủy Ban chỉ đạo lâm thời… vô danh. Ngày 19, toán xung phong “Việt Minh” được tăng cường bởi một đám đông vừa đi vừa la hét, chiếm đóng các công thự: tòa Thống sứ, Tòa án, Kho bạc, trường Đại học và các trường trung học… không những quân đội Nhật có phận sự duy trì kỷ luật, không có phản ứng mà còn mở kho súng phân phát cho lính vệ binh Đông Dương (Lính Khố đỏ);

“Những tin tức đó bị ít nhiều xuyên tạc khi đến tai tôi. Về tình hình Nam Kỳ thì còn thiếu chính xác hơn nữa. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, thủ lãnh “Thanh niên Tiền phong”, hình như từ ngày 15-8 đã đứng đầu một Mặt trận Quốc gia trước khi thành lập một Ủy ban hành pháp lâm thời đặt trụ sở tại dinh Thống đốc dưới sự chủ tọa của một người tên là Trần Văn Giầu mà theo Tạ Quang Bửu, người thông tin cho tôi, là người thuộc về Việt Minh. Cũng như ở Hà Nội, Nhật cũng không có phản ứng gì ở Sài Gòn…

“Cái quan trọng hơn hết cả là ở chỗ nào cũng có những cuộc ám sát và sự mất tích, đặc biệt là những nhân vật quốc gia.

“Ngay ở Huế cũng có những truyền đơn được phân phát. Và có những nhóm không biết nghe lệnh từ đâu, tụ họp và di chuyển trong thành phố, tới tận sát Thành nội.

“Ngày 22-8, đại tá chỉ huy quân đội Nhật ở Huế tới xin triều kiến và nói với tôi là theo lệnh của Chỉ huy Đồng Minh, quân đội Nhật đã bố trí xong hệ thống bảo vệ an ninh thành nội và mọi người trong Thành. Đường từ cầu Tràng Tiền ra cũng như tất cả những lối vào Thành đã bị chắn. Tôi cực lực phản đối quyết định này và nói: “tôi tuyệt đối khước từ sự bảo vệ của ông. Tôi ra lệnh cho ông bãi bỏ hệ thống phòng vệ vì tôi không muốn một quân đội ngoại quốc làm đổ máu dân tộc tôi. (tr 117)

“Để chắc chắn là lệnh của tôi được thi hành, tôi trao cho ông ta một công hàm có dấu ấn của tôi, trút cho ông trách nhiệm phải duy trì trật tự quanh Thành nội. Tôi ghi thêm là phải mở lại tất cả mọi cửa vào Thành để mọi người tự do ra vào như thường lệ.

“Sau đó ít lâu, giám đốc Bưu điện Huế xin được gặp tôi. Ông ta đưa cho tôi một điện tín nhận được từ Hà Nội. Nội dung bức điện tín: “Trước lòng quyết tâm của toàn thể dân tộc sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập quốc gia, chúng tôi kính cẩn xin Hoàng Thượng làm một cử chỉ lịch sừ là trao quyền lại”. Điện tín này được ký bởi “Ủy ban Nhân dân Cứu quốc đại diện mọi đảng phái và mọi tầng lớp nhân dân”. Nhưng không có tên ai.

“… Sáng ngày 23 chung quanh tôi đều trống không. Từ ông Trần Trọng Kim tới mọi tổng trưởng, chả ông nào có mặt. Chỉ còn người em họ là hoàng thân Vĩnh Cẩn ở cạnh tôi.

“Những lời tâm sự của Tạ Quang Bửu trở lại trong trí tôi: Cái Mặt trận Việt Nam Độc Lập Đồng minh Hội” là cái gì để có thể động viên quần chúng, thực hiện những ước vọng của đám đông và bây giờ lại bảo tôi phải làm gì?

“Tôi không biết ai là những thủ lãnh. Vậy mà những người này lại có những tiếp xúc với Đồng Minh Trung Hoa, Mỹ, Pháp, khi mà những lời kêu gọi tôi gửi cho Tổng thống Truman, Thống chế Tưởng Giới Thạch, Anh hoàng và tướng de Gaulle đều không được trả lời… Những lãnh tụ này có súng ống, có phương tiện, nắm được chính quyền dễ dàng trong khi tôi sống trơ trọi trong một kinh thành đã chết. Sự thành công dễ dàng của các lãnh tụ này phải chăng là đó là dấu hiệu họ đã nhận được mệnh trời? Quần chúng có một bản năng rất là chắc chắn. Bản năng này, trong những giờ phút lịch sử, luôn luôn đưa họ tới những người đã nhận được sứ mệnh phải dẫn dắt họ. Đã đến lúc tôi phải có một sự lựa chọn để dung hòa số phận của tôi với số phận của dân tộc tôi… là tôi phải ra đi.

“Nhưng ai là người tiếp nhận sự ra đi của tôi?

“Tôi bảo người em họ Vĩnh Cẩn và Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe ra ngoài thành Nội hỏi tin tức về Việt Minh. Cả hai trở về chả biết chi cả. Tôi đành đánh đại một bức điện tín gửi trống không “Ủy ban Nhân dân Cứu quốc” ở Hà Nội. Tôi viết:

“Để trả lời kêu gọi của Ủy Ban, tôi sẵn sàng tự rút lui. Trong giờ phút quyết định của lịch sử đất nước, đoàn kết là sống, chia rẽ là chết. Tôi sẵn sàng hy sinh hết mọi sự để có thể thực hiện được sự hợp quần. Tôi xin những người cầm đầu Ủy Ban mau vào Huế để tôi trao lại quyền hành”.

“Ngay trong đêm hôm đó, với sự giúp đỡ của Vĩnh Cẩn, tôi thảo bản chiếu Thoái vị.

“Sáng ngày 25-8, có hai đặc phái viên, đại diện “Việt Nam Độc lập Đồng minh” từ Hà Nội vào: Trần Huy Liệu, trưởng phái đoàn, là phó chủ tịch Ủy ban. Một người gầy gò trông rất thảm hại, đeo kính đen để giấu cặp mắt lé. Người đi cùng là Cù Huy Cận, trông cũng quá tầm thường. Tôi hơi thất vọng:

“Trần Huy Liệu đưa cho tôi một giấy Ủy quyền có mang chữ ký không rõ là của ai. Ông tuyên bố một cách rất long trọng:

— Nhân danh nhân dân Việt Nam, cụ Hồ Chí Minh, chủ tịch Ủy Ban Giải Phóng, cho chúng tôi cái danh dự đến Ngài để tiếp nhận quyền hành.

“Đó là lần đầu tiên tôi nghe đến tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đưa bản chiếu thoái vị. Trần Huy Liệu đọc bản chiếu cùng với Cù Huy Cận rồi 2 người nói riêng với nhau trước khi quay lại nói:

— Thưa Ngài, nhân danh nhân dân Việt Nam chúng tôi chấp nhận hoàn toàn bản chiếu này. Nhưng chúng tôi cũng xin đề nghị với Ngài là nên tổ chức một nghi lễ vắn tắt để trong buổi lễ Ngài đọc bản chiếu trước công chúng.

— Ngay buổi chiều hôm đó, trước vài ngàn người mặc triều phục được tụ tập vội vã trước cửa Ngọ Môn, tôi đọc bản chiếu cuối cùng của triều Nguyễn đề ngày 25-8-1945.

“Bản chiếu bắt đầu bằng:

Để toàn dân Việt Nam có hạnh phúc!

Để Việt Nam có được độc lập!

Trẫm tuyên bố sẵn sàng hi sinh mọi sự…

“Và kết luận bằng:

“Trẫm thích được làm công dân một nước độc lập hơn làm vua một nước bị trị”

Hoan hô Việt Nam độc lập!

Hoan hô nước Cộng hòa Dân chủ!

“… Trong một bầu không khí ngượng ngập, tôi đưa chiếc ấn tượng trưng quyền hành cho Trần Huy Liệu.

“… Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận tiễn tôi ra khỏi cửa. Trước khi chia tay, người đại diện Ủy ban Giải phóng nói với tôi:

— Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn mời ngài ra Hà Nội để cùng thiết lập những thể chế cộng hòa.

— Tôi trả lời: Thưa ông trưởng phái đoàn, tôi xin ông cho tôi gửi lời cám ơn Hồ chủ tịch và sẽ không quên ra Hà Nội theo lời mời của Chủ tịch.

“… Trở thành công dân Vĩnh Thụy từ khi thoái vị, tôi không có việc chi làm ở Huế. Tôi quyết định theo lời mời của Hồ Chí Minh ra Hà Nội. (tr 121)

Cố vấn Tối cao của Chính phủ

“ngày 6-9 tôi tới Hà Nội. Tôi được ở căn nhà của thị trưởng Hà Nội cũ, đường Gambetta (Hoàng Diệu?). Sau khi tắm rửa, tôi đi đến Bắc Bộ Phủ (dinh Thống sứ cũ) để dự bữa ăn buổi tối được tổ chức để đãi tôi.

“Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng bộ Nội vụ đón tiếp tôi và khi ra ngồi bàn, đưa tôi tới trình diện Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa mới tới. Ông bắt tay tôi một cách thân mật, cám ơn tôi đã tự rút lui và nói thêm:

— Chúng ta sẽ cùng nhau làm việc cho nền độc lập của đất nước.

“Ngày hôm sau 11 giờ tôi gặp lại Hồ Chí Minh và nói chuyện riêng với nhau. Thái độ của ông khác hẳn với ngày hôm qua; Ông đối với tôi có vẻ kính trọng và xưng hô với tôi như ở trong cung điện khi dùng chữ Ngài tương đương với chữ Sire trong tiếng Pháp, gần như thiếu một điều là xin lỗi đã lên nắm quyền:

— Thưa Ngài, chúng tôi không có liên quan gì đến bức điện mà ngài nhận được ở Huế đòi ngài phải thoái vị. Riêng về phần tôi, như khi tôi đã nói ngày 22-8, tôi muốn ngài vẫn đứng đầu nước và cử tôi làm thủ tướng chính phủ mới. Tôi không tán thành những kẻ đã làm áp lực với ngài để ngài phải thoái vị.

— Tôi cũng trả lời với cùng một lễ độ khi dùng danh từ tôn kính là Cụ (Vénérable) và cam đoan là tôi chỉ muốn làm một người công dân thường để chung sức xây dựng một nước Việt Nam mới, thống nhất và độc lập.

“Hồ Chí Minh có vẻ yên tâm và đưa ra một bức tranh đầy phấn khởi, khác hẳn với sự dè dặt trong những câu nói lần trước:

— Tất cả những giấc mơ của ta đang được thực hiện cùng một lúc. Không những thống nhất và độc lập sắp được Đồng Minh chính thức công nhận mà chiến tranh kết liễu, Nhật bản đầu hàng cũng cho phép chúng ta tiến tới một chế độ được toàn dân ủng hộ muôn người như một. Trong chế độ này mỗi người chúng ta đều có một tương lai kỳ diệu. Độc Lập, trở thành một Từ ngữ biểu tượng của đất nước, mãnh liệt như làn sóng thủy triều dâng lên từ đáy biển cả, khiến không có công cuộc nào mà chúng ta không thực hiện được…

“Trong cái áo varơ cổ cao đã sờn rách, với đôi giày săng đan thô lỗ và bộ râu lơ thơ, Hồ Chí Minh giống một nhà tu khổ hạnh đồng thời cũng giống một nhà nho Việt Nam thời xưa được đào tạo trong nền văn hóa Trung Hoa, thiên về thi tứ, văn chương triết học hơn là về hoạt động chính trị.

“Có sự ngược lại là từ thân hình mảnh khảnh, yếu ớt và từ cặp mắt sáng ngời như đang lên cơn sốt, thoát ra một niềm tin truyền cảm rất khắc phục, đồng thời cũng tỏa ra một sự thanh thản rất ấn tượng. Những câu nói của ông Hồ đều có dấu ấn của một ý nghĩa sâu xa về con người, của một sự chối bỏ mọi bạo động. Ông Hồ hoàn toàn có ý thức về những thực tại và nhưng tất yếu của Việt Nam. Ông cũng biết chiều hướng biến chuyển lịch sử dựa vào sự tự học và sự hiểu biết tất nhiên về thế giới Âu Tây cũng như thế giới Trung Hoa và thế giới Nga (tr129).

“Sau hơn một giờ nói chuyện, ông Hồ kết luận:

— Tôi yêu cầu ngài tham dự những buổi họp của hội đồng các bộ trưởng và nhận chức vụ Cố vấn tối cao của chính phủ.

“Yêu cầu này làm tôi bất ngờ. Tôi thật không bao giờ nghĩ sự góp phần kiến tạo một nước Việt Nam mới của tôi dưới hình thức này. Nhưng khi nghe ông nói, không thể chối cãi được ông Hồ là người muốn độc lập và thống nhất một cách cuồng nhiệt, nên tôi nhận lời (tr 130).

“Hội đồng bộ trưởng họp mỗi tuần một lần. Ngày 8-9 tôi dự phiên họp lần đầu tiên..

“… Thật ra hội đồng gồm 3 nhóm.

Nhóm cố cựu gồm những người theo chủ tịch Hồ Chí Minh từ thuở ban đầu như Trần Huy Liệu. Những người này sống lâu năm ở Nga, ở Trung Quốc hay biết nhau trong tù. Những người này chống Pháp kịch liệt.

Nhóm thứ hai gồm những người gọi là giáo sư trường Thăng Long, một trường tư về Luật (thật ra chỉ là một trường trung học) ở Hà Nội mà những nhân vật trong ban giảng huấn đều thuộc thành phần đại trí thức rất hiểu biết về chính trị. Trong số những người này có Võ Nguyên Giáp. Cũng có những người là cựu cán bộ của đảng Cộng sản được hợp pháp hóa khi Mặt trận Bình Dân lên nắm quyền ở Pháp như Phạm Văn Đồng. Những người này đều có văn hóa Pháp, thông minh và có óc cởi mở. Tuy chống đối kịch liệt chủ nghĩa thực dân, tranh đấu hăng say cho nền độc lập, những người này không muốn đoạn tuyệt với nước Pháp.

Sau cùng là những người gọi là những người “ngả theo”, như Dương Đức Hiền, cựu chủ tịch Tổng hội sinh viên Hà Nội, hay Nguyễn Mạnh Hà, cầm đầu Thanh niên hoạt động Công giáo. Đa số những người này đều là kỹ thuật viên xuất thân từ những Trường Lớn của Pháp nhưng không được (Pháp) dùng đúng với bằng cấp và khả năng của mình.

“Hồ Chí Minh ngồi ở một đầu bàn và tôi được ngồi đối diện ở đầu kia.

“… Tôi cũng lần lần khám phá ra bộ mặt thật của Hồ Chí Minh:

Có một ngày, trong buổi họp Hội đồng có cuộc bàn cãi khá sôi nổi giữa Hồ chủ tịch và Vũ Trọng Khánh, bộ trưởng bộ Tư pháp ngồi bên phải cạnh tôi. Sau buổi họp Vũ Trọng Khánh đưa cho tôi một cuốn sách nhỏ và nói với tôi:

— Ngài có vẻ ngạc nhiên về phản ứng của vị chủ tịch chúng ta. Đọc cuốn sách này ngài sẽ hiểu rõ hơn.

Tôi nhìn cái tít “Cuộc đời Nguyễn Ái Quốc” do A. Marty, trùm mật thám của Phủ Toàn quyền thảo.

— Ai là Nguyễn Ái Quốc?

Khánh nhìn tôi rồi đưa đầu về phía Hồ chủ tịch đúng vào lúc ông đi gần chúng tôi để ra khỏi phòng họp. Ngạc nhiên vì điệu bộ chúng tôi, ông lướt mắt nhìn cuốn sách rồi nhún vai, nhếch mép cười một cách hóm hỉnh, bước ra khỏi phòng họp không nói một lời.

“Về đến nhà, tôi vội vã đọc cuốn sách. Nguyễn Ái Quốc chỉ là một tên trong số cả mấy chục tên khác trong cuộc đời phiêu bạt trước khi trở thành Hồ Chí Minh… Cuốn sách của Marty ngưng lại ở đoạn này. Giáp là người kể tiếp cho tôi từ khi ông Hồ trở về nước năm 1941 và thành lập Việt Minh ngày 19-5 ở Cao Bằng.

“… Sự giao thiệp của tôi với các “đồng sự” rất là tốt đẹp. Nếu tôi gọi là các anh thì họ đều gọi tôi với cái tít Ngài. Hồ Chí Minh muốn mọi người phải xưng hô như vậy. Tôi đặc biệt gắn bó với Vũ Trọng Khánh. Ông ta có vẻ trơ trọi vì không nằm trong đảng…

“… Tôi nhận được tin Phạm Quỳnh, cựu thủ tướng của tôi, bị bắt, cũng như Ngô Đình Khôi, anh của Ngô Đình Diệm và người con là Ngô Đình Huân, thư ký riêng của đại sứ Yokoyama. Tôi can thiệp với Hồ Chí Minh:

— Thưa cụ, ai cũng muốn giúp cụ mà tôi là người đầu tiên. Xin cụ rộng lượng. Khi cụ mới cầm quyền cụ thả hết mọi người tù. Xin cụ ra lệnh thả những người bị bắt từ khi đó.

— Thưa ngài, không thể được, dân sẽ không hiểu.

— Ít ra cụ cũng thả những người cộng sự của tôi. Họ không có trách nhiệm gì cả.

— Tôi hứa với ngài tôi sẽ lo chuyện đó.

Thật ra cả hai, Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi bị giết ngay từ đầu mà ông Hồ không biết. (tr 134)

“… Giữa chúng tôi (Bảo Đại và ông Hồ) hoàn toàn có sự thông cảm. Trong những buổi đàm đạo, không bao giờ đả động gì đến những vấn đề về hệ tư tưởng. Chúng tôi cùng đi với nhau đến gặp Sainteny, người thay Messmer làm ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc bộ. Chúng tôi cũng đi gặp người Mỹ và những phái viên của họ: Lansdale và thiếu tá Patti và sau này là tướng Gallagher. Tôi thấy Hồ Chí Minh nói tiếng Anh khá được.

“… Trong những cuộc đi gặp như vậy tôi luôn luôn được đẩy đi trước, khiến tôi phải nói: thưa chủ tịch tôi chỉ là cố vấn. Trái lại trong những buổi họp và biểu tình, tôi chỉ được ngồi bên phải. Sau tôi mới hiểu đó chỉ là những thủ đoạn. Chính phủ được chấp nhận nhưng không được công nhận bởi Đồng Minh. Sự có mặt của tôi cho chính phủ có bộ mặt hợp pháp hơn và tôi chỉ là bảo lãnh. (tr 135)

Trung Quốc xâm nhập

“… Toán lính đầu tiên tới Hà Nội ngày 9-9-45. Sau đó là tràn ngập lính Tàu. Tất cả là 3 quân đoàn chừng 80 ngàn người, không kể bọn tùy tùng và bầu đoàn thê tử nhào xuống Bắc Việt như những đám cào cào châu chấu. Tới với danh nghĩa bảo vệ độc lập cho Việt Nam, tụi lính Tàu này cư xử như những kẻ xâm lược. Đối với đám quân này, gồm những lính Vân Nam và Quảng Đông, Bắc Việt là một xứ thần tiên.

” Ngay khi tới Hà Nội ngày 18-9, tướng Lư Hán, chỉ huy trưởng, đã chiếm tòa nhà Puginier làm chỗ ở, đuổi phái bộ Sainteny ra ngoài. Lư Hán đòi tôi cho tiếp kiến, chứng tỏ Trung Quốc cố ý không biết Hồ Chí Minh. Tôi trả lời là tôi sẽ tới chào nhưng cuộc viếng thăm phải theo đúng nghi thức và chủ tịch chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh là người tiếp kiến. Đồng thời tôi cũng báo cho ông Hồ. Một thỏa thuận được tìm thấy nhanh chóng: Hồ Chí Minh tiếp tướng Lư Hán với sự hiện diện của tôi trong một biệt thự được trưng dụng. Như vậy cuộc thăm viếng không có tính cách chính thức.

“… Cùng đi theo đoàn quân Tàu là một đám các nhà chính trị thuộc các đảng phái quốc gia trốn từ trước qua Tàu được Quốc Dân Đảng cho tị nạn. Các lãnh tụ VNQDD và Đồng Minh Hội nhất quyết lấy lại ưu thế.. Được che chở bởi các tướng lãnh và những cơ quan tình báo Trung Hoa dưới quyền tướng Tiêu Văn, những người quốc gia này vội vã tước súng ống và thay thế những ủy ban nhân dân (Việt Minh) được Hồ Chí Minh thiết lập ở các tỉnh. (tr 138)

“Tình thế mỗi ngày một trở nên khó khăn với Hồ Chí Minh.. Biết đời sống bị đe dọa, mỗi đêm ông ngủ một chỗ khác. Ông vẫn tin tôi nên chỉ mình tôi biết ông ngủ đêm nào ở đâu…

“Chủ tịch cũng có vẻ bận tâm về sức khỏe của tôi và những quan hệ bạn bè của tôi. Biết là tôi hay được các bạn bè mời ăn tối, ông khuyên tôi như một người cha là phải coi chừng khi giao thiệp với đàn bà gặp ở những bữa ăn đó

“… Tôi không dễ bị mắc lừa về thái độ (của ông Hồ) đối với tôi. Nhưng hồi đó tôi không thấy ông biểu lộ một con người cứng rắn, khắc nghiệt, như sau này.

“Đối với tôi, ông (Hồ) là người rất gắn bó với nền độc lập nước nhà; Những điều ông nói tôi đều thấy hợp với nhãn quan của tôi. Không cần biết quá khứ và phương pháp hành động của ông, với tất cả sự trung trực của tôi, tôi ủng hộ ông.

“Nói cho thật, tôi thích tư thế của ông (Hồ) hơn những lãnh tụ quốc gia, thật sự chỉ là bù nhìn của bọn Tàu. Trong sự hỗn độn tôi thấy Hồ chí Minh vẫn giữ được trầm tĩnh.

— Một buổi chiều Hồ chí Minh nói với tôi: Ngài thấy không, tôi rất thất vọng về thái độ của Đồng Minh: Tôi tưởng được Nga ưu đãi. Rút cục họ chả làm gì cho chúng ta cả. Họ cũng chả thèm gửi qua đây một quan sát viên. Họ hoàn toàn lãnh đạm với vấn đề Đông Dương. Còn người Anh thì chả cần nói, chỉ cần nhìn thái độ của họ ở miền Nam Việt Nam. Họ đã thiên về Pháp và giúp Pháp tiêu diệt đồng bào ta đang tranh đấu giành độc lập. Còn người Mỹ thì ngài đã cùng tôi gặp họ. Khi tôi rời Trung Quốc, đại diện của họ có hứa hẹn với tôi và cam đoan với tôi. Để làm vui lòng họ, tôi để trong Lời nói đầu của Hiến Pháp tuyên ngôn độc lập hệt như tuyên ngôn của Jefferson năm 1776. Chúng ta được những gì? một con số không… Họ chỉ lo thay thế người Pháp và vì vậy họ cạnh tranh với Tàu. Gallagher đã nhận lời làm trung gian giữa chúng ta và bộ Ngoại giao Mỹ và đưa ra những đòi hỏi của chúng ta. Nhưng để đổi lại, ông ta đòi được tự do tổ chức lại nền kinh tế của ta, thật ra chỉ muốn nền kinh tế của ta phụ thuộc họ. Đó là những nhà tư bản, có tư bản trong máu rồi! đối với họ chỉ có business… Bữa nọ chúng ta khám phá ra là ban điều tra của họ tới hỏi cung những tù binh Nhật, không phải để biết những tội ác chiến tranh của Kampetai mà để biết những cơ sở của cửa khẩu Hải Phòng. Về phần bọn Tàu, thì ngài thấy…cả nước Tàu là một cái bụng đói! Quốc Dân Đảng chỉ là những tên trộm bợm, những đám diều hâu. Chỉ một người mà ta có thể dùng được, đó là Tiêu Văn (Siao Wen). Đó là một đứa vô lại rất tốn tiền cho chúng ta, nhưng biết được thứ chúng ta muốn và những “combin” của hắn có thể sài được; Nhưng tôi cũng nghi ngờ hắn có thể trở mặt lúc nào không hay. Khi mới tới đây hắn chơi lá bài VNQDĐ, bây giờ hắn gật đầu mỉm cười với ta. Mai mốt biết hắn cười với ai?… Nghĩ đi nghĩ lại, chắc chỉ còn có Pháp… (tr 140)

“Tôi không thể nén được ngạc nhiên trước cái kết luận như vậy nhưng nó hoàn toàn lô gíc.

“Hồ Chí Minh cho tôi thấy một lần nữa cái tài biết che giấu của ông. Ở Việt Nam công giáo chỉ là một thiểu số nhưng là một lực lượng năng động. 2 triệu tín đồ dính chặc với linh mục của họ. Ngay từ khởi đầu, Hồ Chí Minh đã tìm cách được lòng họ. Không thể không có ẩn ý khi chọn ngày 2-9 lễ Thánh Tử đạo Annam làm ngày Quốc khánh. Ông cũng đưa vào chính phủ Nguyễn Mạnh Hà khi học ở Paris là một thủ lãnh thanh niên Công giáo hoạt động xã hội và là con rể Georges Maranne, thượng nghị sĩ cộng sản quận Seine.

“Ngày 23-9 Nguyễn Mạnh Hà tổ chức một míting lớn ở Hà Nội tụ tập nhiều ngàn giáo dân để biểu lộ tinh thần ái quốc và sự tin tưởng vào chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Cũng trong bầu không khí đó, lễ tấn phong Giám mục Lê Hữu Từ được sửa soạn ở Phát Diệm. Hồ Chí Minh yêu cầu tôi thay mặt ông dự lễ vì bị mắc kẹt ở Hà Nội ngày 28-9, tướng Lư Hán đến để chính thức tiếp nhận sự đầu hàng của quân đội Nhật.

“Nhưng ngày hôm trước, chủ tịch nói với tôi:

— Thưa Ngài, quân đội Pháp đã gần như dẹp yên kháng chiến Nam bộ. Sớm muộn gì bọn chúng cũng sẽ đổ bộ ở đây. Cần phải tránh không rơi vào tay chúng. Ngài là biểu tượng của nền độc lập Việt Nam. Ngài nên lợi dụng đi Phát Diệm để lánh xa Hà Nội.

— Tôi hỏi thế cụ thì sao?

— Ồ! với tôi đường lối đã vạch sẵn.

“Bữa sau tôi đi Phát Diệm cùng với Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng bộ Nội vụ. Giám mục Lê Hữu Từ thuộc dòng tu kín (trappiste) là một nhân vật rất lạ lùng. Người bé nhỏ gầy đét trong bộ áo trắng dòng tu rộng thùng thình, cặp mắt sáng ngời lại sáng hơn nữa vì 2 lưỡng quyền nhô cao. Ông nổi tiếng trong dòng tu vì tài điều động công việc và rất biết rõ những mưu mẹo thương thuyết mặc cả.. Buổi lễ dưới quyền chủ tọa của giám mục Hà Nội là Nguyễn Bá Tòng. Giáp được Hồ Chí Minh ủy thác là mời tân giám mục Lê Hữu Từ làm cố vấn tôn giáo cho chính phủ. Đức cha Lê Hữu Từ nhận lời ngay tức khắc. (tr 141)

“Sau buổi lễ Giáp trở lại Hà Nội còn tôi đi Sầm Sơn, một bãi biển nghỉ mát ở gần Thanh Hóa.

“… Vào khoảng giữa tháng 12, một đại biểu Ủy ban tỉnh Thanh hóa đến gặp tôi và nhân danh chính phủ mời tôi ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Tôi nhận lời về mặt nguyên tắc và nhắc lại là tôi muốn trở về Hà Nội. Ông này hỏi tôi:

— Thưa ngài; ngài muốn ra ứng cử dưới danh hiệu nào?

— Dưới danh hiệu đảng Cộng sản. Tôi trả lời với chút châm biếm trước một câu hỏi như vậy.

— Không thể được thưa ngài, ông ta trả lời một cách rất nghiêm túc: Đảng Cộng sản Đông Dương đã được giải tán theo quyết định của Ủy ban Trung ương ngày 11-11.

Tôi làm sao biết được những gì xẩy ra ở Hà Nội từ ngày tôi đi khỏi.
— Vậy thi ghi tên tôi là một người cộng hòa.

“Trong 3 tuần tôi không nhận được tin tức gì. Đúng ngày 7-1 có một phái đoàn đến báo tin tôi đã trúng cử vào Quốc hội và cuộc bầu cử đã diễn ra ngày hôm qua. Tôi được bầu đại biểu tỉnh Thanh Hóa với 92% số phiếu. Mọi người đều chúc tụng tôi. Còn tôi thì không biết ngày bầu cử và tất nhiên là tôi cũng chưa đi bầu. (tr 145)

“Nhưng bây giờ tôi đã là đại biểu Quốc hội. Tôi nhờ phái đoàn nói với Ủy ban Thanh Hóa là tôi muốn trở về Hà Nội càng sớm càng hay và xin cung cấp săng cho xe tôi. 8 ngày sau, mọi chuyện đều xếp đặt xong xuôi và tôi rời bỏ Sầm Sơn trở về Hà Nội, lòng nhẹ nhõm.”

Đại biểu Quốc Hội Lập Hiến

“Ngay chiều hôm ấy, tôi trở về chỗ ở của tôi, đại lộ Hoàng Diệu Hà Nội. Từ khi tôi đi khỏi Hà Nội cách đây 3 thấng, tình hình biến chuyển rất nhiều. Ngày 19-11 Tiêu Văn triệu tập các đảng phái bắt phải thỏa thuận với nhau và quân đội của 3 đảng phải sáp nhập với nhau để chỉ còn 1 quân đội duy nhất.

“Trước những thủ đoạn chính trị của Tàu, Hồ Chí Minh chỉ còn mối bận tâm duy nhất là làm sao vứt bỏ được sự hiện diện của Tàu ở Bắc Việt. Ông sẵn sàng thân thiện lại với người Pháp. Ông biết đầu tháng 1 Pháp có cử đặc phái viên tới Trùng Khánh điều đình với Tưởng Giới Thạch để quân đội Pháp thay thế quân đội Trung Hoa. Ông đợi đúng ngày bầu cử Quốc hội 6-1, làm một bản tuyên bố được báo chí Pháp đăng lại, trong đó ông nói: “Chúng tôi không thù hận gì với nước Pháp và dân tộc Pháp mà chúng tôi khâm phục. Chúng tôi không muốn cắt đứt những mối giây liên lạc đã gắn chặt hai dân tộc chúng ta…”

“… Tháng 11-45 Cao Ủy Pháp ở Sài Gòn đưa ra sắc lệnh rút hết những tờ giấy bạc 500 được in dưới thời Nhật Bản chiếm đóng. Nhưng quân đội Tàu ngay khi mới tới đã thâu cướp được rất nhiều giấy bạc 500 nên đã thương lượng được với Pháp là sắc lệnh này không có hiệu lực ở phía Bắc vĩ tuyến thứ 16… Khi từ Sầm Sơn trở về, tôi không có một đồng xu dính túi vì tuy được nuôi ăn cho ở nhưng không có một đồng lương nào. Tôi viết thư xin mẹ tôi chút tiền thì mẹ tôi hồi âm bằng 2 tờ giấy 500 trứ danh đó. Tôi đưa cho Phạm Văn Đồng, bộ trưởng bộ tài chánh nhờ ông đổi giùm. Ngày hôm sau người ta đem lại cho tôi một phong bì trong đó có 2000 đồng. Tôi tưởng là đưa lộn nên đi tới bộ Tài Chính để trả lại Phạm Văn Đồng. Phạm Văn Đồng nói với tôi:

— Không có lộn đâu

— Sao! Tôi đưa một ngàn đồng mà được đưa lại tới 2000 đồng. Ông làm tài chính như vậy thì còn lâu Việt Nam mới lấy lại được thăng bằng kinh tế.

— Nét mặt không chút xao động, Phạm Văn Đồng trả lời tôi: Tôi biết rõ tình trạng tài chính của ngài. Đây là một đặc ân tôi làm cho ngài.

“Một buổi tối, Hồ Chí Minh chìa cho tôi một tờ giấy và nói với tôi:

— Thưa ngài, trong thời gian ngài vắng mặt (ở Sầm Sơn), tôi có nhân danh ngài gửi cho Pháp một thông điệp. Tôi đọc:

“Thông điệp của Hoàng thân Vĩnh Thụy, cựu Hoàng đế Việt Nam, gửi nước Pháp….

Ký tên: Hoàng thân Vĩnh Thụy cựu Hoàng đế Bảo Đại, cố vấn chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. (tr148)

“… Chính phủ cử Giáp đi thanh tra các tỉnh cho đến tận biên giới Nam bộ với tư cách bộ trưởng bộ Nội Vụ. Tôi xin đi cùng nhưng không được chấp thuận. Giáp nói với tôi:

— Một tuần nữa tôi trở về tôi sẽ báo cáo với ngài những gì tôi thấy được.

“Một tuần sau khi tôi đang ăn trưa thì Giáp tới và nói:

— Tôi vừa về sau cuộc tuần tra.

— Mời anh ngồi cùng ăn, tôi nói.

Giáp có vẻ tư lự cúi đầu ăn không nhìn tôi. Giáp thường ngày đã ít cởi mở nhưng bữa nay bộ mặt còn có vẻ rầu rĩ hơn. Tôi để cho ông ta ngồi ăn không nói câu gì. Sau bữa ăn tôi mới hỏi:

— Thế nào?

— Phải thực tế, mặt vẫn cúi gầm.

— Anh muốn nói gì?

— Cái tôi muốn nói, là mình phải thích nghi với thằng Pháp.

— Không lẽ nào mình lại trở về với cuộc bảo hộ.

— Có thể chứ, nếu cần thiết.

— Tôi không hiểu nổi các anh nữa. Tôi chấp nhận độc lập với thằng Nhật. Tôi thoái vị. Tôi ra đi để nhường chỗ cho các anh, nay các anh lại muốn quay trở về với quá khứ.

— Mình biết làm thế nào bây giờ? Ở miền Nam tụi Pháp nó đã phá tan bộ máy của chúng ta phải mất bao công mới xây dựng được. Nó đã lấy lại hết. Chả bao lâu nữa nó sẽ đổ bộ ở đây. Chúng ta làm thế nào để chống lại được? Chúng ta có quân đội nhưng không có đạn dược…

“Được thỏa tấm lòng, Giáp kể lại cuộc hành trình… (tr 149)

“Vài ngày sau, tôi mới hiểu sự bối rối của Hồ Chí Minh và ê kíp của ông. Tôi biết giữa Chủ tịch đi cùng với Giáp và Sainteny có một cuộc hội đàm lâu dài về vấn đề sự trở lại của người Pháp và vấn đề phân chia chủ quyền. “Độc Lập” còn có nghĩa gì nữa không? Mặc dầu còn giũ được uy quyền, sự thay đổi thái độ của ông Hồ gặp một sự chống đối mạnh mẽ. Sự chống đối này được sự hỗ trợ của Tàu và của những đảng mà Tàu thao túng: Đại Việt, VNQDD, Đồng Minh… Tất cả đều đồng thanh đòi “chính phủ Việt gian” phải ra đi vì đã bán rẻ nền độc lập. Tôi biết các đảng phái này có bàn bạc với nhau về tôi.

“Ngày 27-1, 7 giờ sáng, điện thoại reo trong căn hộ tôi đường Hoàng Diệu. Hồ Chí Minh kêu tôi:

— Tôi có thể tới thăm ngài ngay tức khắc được không?

Tôi trả lời được và ngay phút sau ông đã tới. Ông có vẻ rất xuống tinh thần và ốm yếu hơn thường lệ. Ngay khi vào, ông nói ngay:

— Thưa ngài, tôi không biết làm sao nữa. Tình hình quá nguy kịch. Tôi biết rõ người Pháp sẽ không thương thuyết với tôi. Tôi không được lòng tin cậy của Đồng Minh. Tất cả đều thấy tôi “đỏ” quá. Tôi xin ngài hi sinh lần thứ hai: lấy lại quyền hành.

— Tôi trả lời: tôi đã bỏ quyền hành và không có ý lấy lại nó. Cụ biết, tôi không có tham vọng chính trị và tôi đã tự đặt mình trong cái nhiệm vụ phải phục vụ một cách trung trực chính phủ Cộng hòa.

–Tôi để lại chỗ cho ngài, ông nhấn mạnh một lần nữa, tôi sẽ là cố vấn của ngài.

— Nhưng ai sẽ trao quyền cho tôi?

— Ngài sẽ được Quốc hội tấn phong như trong mọi chế độ dân chủ.

— Tôi có được thành lập chính phủ như tôi muốn hay tôi phải lấy lại những bạn hữu của cụ?

— Ngài được tự do hoàn toàn, muốn lấy ai thì lấy.

— Nếu cụ thấy quyền lợi và độc lập của đất nước đòi hỏi như vậy thì tôi sẽ không lẩn tránh. Nhưng tôi xin cụ một chút thời gian để suy nghĩ và hỏi ý kiến các bạn bè của tôi. (tr 150)

“Ngay tức khắc tôi điện thoại cho Nguyễn Xuân Hà (Nguyễn Xuân Chữ?) và Trần Trọng Kim và tôi nói:

— Tôi có một đề nghị quan trọng muốn đưa ra bàn với các ông. Nhờ 2 ông triệu tập bạn bè, tôi sẽ đến gặp.

“Đúng 8 giờ 30, tôi tới. Tôi kể với họ về cuộc gặp gỡ với Hồ Chí Minh và đề nghị của ông Hồ. Tôi hỏi họ:

— Các ông có nghĩ đó là cái bẫy không?

“Mọi người đều không tin và Trần Trọng Kim nói rõ thêm:

— Ai cũng biết là Việt Minh có liên lạc thường xuyên với Sainteny và một thỏa ước với Pháp đang được sửa soạn. Nếu Hồ Chí Minh không thiết tha ký nó thì đề nghị của ông Hồ là thành thực. Theo tôi ngài nên nhận lời.

“Khoảng lúc 10 giờ, Hồ Chí Minh lại gọi tôi nữa và hối thúc tôi nhận lời.

— Ngài đã gặp bạn hữu của ngài chưa? Xin ngài đừng mất thì giờ và đến Quốc Hội càng sớm càng hay.

“Đúng 12 giờ trưa, tôi gọi điện thoại ông Hồ và nói tôi nhận lời.

“Trước đó tôi biết là một người thân tôi có tiếp xúc với thiếu tá Buckley, người của Tình báo Mỹ OSS. Ông này không ngạc nhiên về đề nghị của Chủ tịch và hứa hẹn người Mỹ sẽ đứng trung lập vì là chuyện nội bộ của Việt Nam.

“Điện thoại lại reo đúng 13 giờ. Hồ Chí Minh yêu cầu tôi tới gặp. Khi tới, tôi thấy rõ ràng ông đã thay đổi thái độ. Ông có vẻ đã trấn tĩnh lại, nói hơi ngượng ngùng:

— Thưa ngài, xin ngài quên đi chuyện buổi sáng nay. Tôi không có quyền từ bỏ nhiệm vụ vì tình thế khó khăn. Trao lại quyền hành cho ngài bây giờ là tôi phản bội. Tôi xin lỗi đã biểu lộ sự yếu đuối vì đã nghĩ trong những hoàn cảnh khó khăn này lại muốn trút mọi trách nhiệm lên ngài. Sở dĩ tôi nghĩ ra đi là vì các đảng quốc gia chống đối thỏa ước mà chúng tôi đang sửa soạn với người Pháp.

“Chuyện gì đã xẩy ra giữa 10 giờ và 13 giờ?

“Tôi không nghĩ sự quay ngoặt của ông Hồ là do được Moscou cam đoan hỗ trợ qua phái đoàn Ba Lan, đại diện Liên Xô ở Hà Nội. Đúng hơn là vì tướng Tiêu Văn, bị thuyết phục bởi những” lí lẽ (vàng) kêu lẻng xẻng “(dịch chữ Pháp arguments sonnants et trébuchants) được Việt Minh tung ra, nên đã nhờ chủ tướng của mình là Lư Hán làm áp lực xuống những người quốc gia – đặc biệt là VNQDD – để những người này chịu tham gia chính phủ. Như vậy nhũng người này phải chia trách nhiệm ký thỏa ước với Pháp và Việt Minh không phải chỉ một mình vác gánh trước công luận. (tr 151)

“Bắt đầu từ đó, Hồ Chí Minh yêu cầu tôi cùng làm việc để thảo bản thỏa ước trứ danh đó (Hiệp định Sơ bộ 6-3). Chúng tôi gặp nhau mỗi buổi tối trong một tuần. Theo ông Hồ, nhờ thỏa thuận với Pháp, sẽ tống khứ được bọn Tàu. Đó là mục tiêu chính của ông Hồ: loại Tàu ra để Pháp vào thay thế. Nhưng đồng thời cũng thao túng Tàu để Pháp chậm đến và đòi Pháp phải đưa ra tối đa những bảo đảm.

Thời gian ở Trung Quốc và Hồng Kông năm 1946

“… Hồ Chí Minh, vừa mới được sự thỏa thuận của tất cả các đảng phái cho Pháp trở lại, không muốn để sơ sót một thứ gì nên quyết định gửi một phái đoàn đi gặp thống chế Tưởng Giới Thạch ở Trùng Khánh. Ông gọi tôi đến và yêu cầu tôi, với tư cách là cố vấn tối cao của chính phủ, dẫn đầu phái đoàn này mà thành phần là đủ mọi xu hướng. Ông có cảm tưởng là những tướng lãnh Trung Hoa đã phản ông nên hi vọng với sự hiện diện của tôi, và trong phái đoàn có nhiều thành phần, sẽ làm thống chế có thiện cảm với chính phủ lâm thời hơn. Nhưng Trùng Khánh vừa mới thỏa thuận cho Pháp đổ bộ – Người báo tin này cho Hồ Chí Minh là Sainteny – Và hơn nữa, Tưởng Giới Thạch vẫn chưa công nhận chính phủ của chúng ta. Trong điều kiện này tôi thấy không nên nhận nhiệm vụ. Tôi giảng giải với Hồ Chủ tịch:

— Chuyện này hơi bất trắc. Căn cứ vào chuyện vừa mới có sự thỏa thuận giữa Trùng Khánh và Pháp, nếu Tưởng Giới Thạch không tiếp tôi thì cụ với tôi đều mất mặt.

“Hồ Chí Minh cũng thấy đúng; nhưng vẫn giữ ý định gửi một phái đoàn gặp Tưởng Giới Thạch mà không có tôi.

“Hôm sau, tôi vừa mới ra khỏi nhà thì gặp một tướng Trung Hoa ở cạnh nhà tôi cùng đường Hoàng Diệu. Ông ta có vẻ biết đề nghị của Hồ Chí Minh với tôi nên đột ngột hỏi:

— Thưa ngài, ngài không muốn qua Trung Quốc? Thật là đáng tiếc, ngài nên lợi dụng cơ hội này, dù chỉ là để đi du lịch nước tôi…

Rồi ông ta nói, nửa bỡn cợt, nửa nghiêm trang:

— Với lũ điên, không biết cái chi có thể xẩy đến!

“Cái câu cuối cùng này khiến tôi nghĩ không phải ông ta gặp tôi tình cờ mà là có ý đưa cho tôi lời mời của Tưởng Giới Thạch.

“… Hôm sau tôi đến Phủ Thủ tướng (Bắc bộ phủ) gặp Hồ Chí Minh và nói:

“Cụ không cần tôi ở đây? Đã có Giáp và Đồng. Cho tôi đi qua Trung Quốc du lịch.

— Ngài có thể đi thanh thản, ông Hồ trả lời với vẻ bằng lòng. Ngài đừng lo ngại gì cả.

“… Tôi đi cùng với phái đoàn gồm 6 người: 4 đại diện Việt Minh, 2 VNQDD. (tr 153)

“Ngày 16-3-46, tôi rời Hà Nội. Chiếc máy bay DC-3 cho chúng tôi đi theo có chừng một tá sĩ quan Tàu và chở đầy những hòm lớn, chắc là đồ ăn cắp. Tụi nhà binh này này ngồi chỗ tốt nhất trong khi phái đoàn tôi bị đẩy xuống ngồi phía dưới gần những thùng hàng. Tôi không quen biết người nào trong số những người cùng đi với tôi, trừ một người tôi trông mặt hơi quen quen. Tất cả đều đi máy bay lần đầu nên không giấu được sự lo sợ… Sau 3 giờ bay, máy bay hạ cánh xuống phi trường Côn Minh nằm ở độ cao 2000 mét. Máy bay của chúng tôi không đi xa hơn được nữa. Chúng tôi phải đợi một tuần sau mới có máy bay đi Trùng Khánh nên ngày 23 mới tới. Chúng tôi ở khách sạn “Bốn mùa” lớn nhất thành phố. Tôi được ở một phòng rộng rãi còn 6 người đồng hành phải chia nhau 3 phòng tồi tàn.

“Hai ngày hôm sau, tổng thư ký của Quốc Dân Đảng đưa cho tôi giấy mời dự bữa ăn tối. Giấy chỉ mời hoàng đế Bảo Đại mà không đả động gì đến phái đoàn. Một xe đến đón tôi ở khách sạn. Chan, thư ký QDD tới đón tôi. Ông này là cựu sinh viên trường Dòng Tên Rạng Đông Thượng Hải nên nói rất giỏi tiếng Pháp.

“… Tưởng Giới Thạch rất lịch thiệp. Suốt bữa ăn ông tỏ ra rất am tường về tình hình Việt Nam. Chan làm thông ngôn cho tôi.

” Trong suốt thời gian đó, phái đoàn phải chờ hoài mà không được tiếp. Người trưởng đoàn nhờ tôi can thiệp để được Tưởng Giới Thạch cho tiếp kiến. Tôi cố thuyết phục Chan, thư ký Quốc Dân Đảng:

— Sự đoàn kết quốc gia đã được thực hiện ở Việt Nam. Phái đoàn đi cùng với tôi gồm những người đại diện 2 đảng lớn đang nắm quyền. Tất cả đều là những người bạn của Trung Quốc.

— Thưa ngài, Chan trả lời tôi, trong phái đoàn có những người cộng sản và những người cộng sản không thể nào là bạn của Trung Quốc được…

“Rút cục, sau nhiều ngày chờ đợi phái đoàn cũng được tiếp. Nhưng để không có tính cách chính thức, phái đoàn được tiếp trong một ngôi chùa cổ ở ngoài thành phố.

“Phái đoàn trở về hoàn toàn thất vọng. Tưởng Giới Thạch chỉ để đủ thời giờ cho phái đoàn đọc thông điệp của chủ tịch Hồ Chí Minh. Rồi, sau lời cám ơn cụt ngủn, Tưởng Giới Thạch tuyên bố là Trung Quốc, nhờ góp phần vào sự chiến thắng của Đồng Minh, đã có một chỗ ngồi giữa “Tứ cường”, muốn quanh biên giới chỉ có những nước bạn.

“Vài ngày sau, tướng Marshall, thay thế tướng Hurley, muốn gặp tôi. Tôi tới gặp ông ở văn phòng. Ông rất chú ý đến Việt Nam và muốn chính tôi kể lại cuộc cách mạng đã xẩy ra như sao khiến Việt Minh nắm được quyền hành.. Tôi nhắc lại những biến cố xẩy ra hồi tháng Tám và tháng Chín năm ngoái và nhấn mạnh vào điểm là không có những xung đột và không có khó khăn gì trong sự thay đổi quyền hành ở Hà Nội. Tôi cũng nói là tôi đã tự rút lui để không có đổ máu. Tôi cũng nhấn mạnh vào sự hòa hợp trong tân chính phủ do Hồ Chí Minh thành lập và sự ông quyết tâm thực hiện độc lập và thống nhất, hai khát vọng mà cả dân tộc Việt Nam cùng chia xẻ.

“Tướng Marshall có nhiệm vụ hòa giải Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông, đặt tôi câu hỏi:

— Ngài nghĩ thế nào về Quốc Dân Đảng?

— Thưa Đại tướng, tôi biết rất ít và không rõ nhiều để có thể có một phán đoán có giá trị. Nhưng tôi thấy những thủ đoạn, những mưu toan của các tướng lãnh và của những người của họ ở Bắc Việt ngay khi họ mới tới, thì tôi thấy chả có gì là sáng láng. Tôi sợ cả Trung Quốc đều như vậy.

“Chúng tôi chia tay nhau sau câu nói này.

“Nhiệm vụ thất bại, phái đoàn sửa soạn trở về Hà Nội. Tôi quyết định cùng trở về. Ngày 15-4, máy bay xuống Côn Minh. May mắn hơn khi đi, chúng tôi có ngay máy bay đi Hà Nội.

Khi chúng tôi sắp lên máy bay thì có người đưa cho tôi tin nhắn của Hồ Chí Minh:

“Thưa ngài, mọi sự ở đây đều tốt đẹp, xin ngài cứ thư thả ở lại. Vả lại, sự hiện diện của ngài ở Trung Quốc rất hữu ích cho chúng ta. Đừng ngại ngùng gì cả. Khi nào tôi thấy là ngài cần về, tôi sẽ báo. Xin ngài nghỉ ngơi cho khỏe để còn làm nhiều nhiệm vụ đang chờ đợi chúng ta. Ôm hôn thân ái. Ký: Hồ Chí Minh. (tr 156)

“Chủ tịch không muốn tôi trở về. Tôi chào từ biệt phái đoàn. Khi máy bay chỉ còn là một chấm nhỏ ở chân trời, tôi đứng một mình trong căn cứ cũ của không quân Mỹ. Ngồi trên bậc cầu thang của phi trường, tôi điểm lại tình hình: không những tôi trơ trọi một thân một mình mà còn hoàn toàn cùng quẫn, không có một đồng xu dính túi. Vali của tôi nằm trong hầm để đồ của máy bay, khiến tôi không có quần áo để thay và cũng không có giấy tờ hay hộ chiếu… Tôi đọc lại câu “Ôm hôn thân ái” của Hồ Chí Minh mà không thể không mỉm cười: Thật là một đại kịch gia! Khi thì săn sóc như một người cha, khi thì đầy trìu mến, ân cần, biết lợi dụng cái giáng điệu mảnh dẻ yếu ớt của mình, khi thì tỏ ra đầy uy quyền. Thật là không thiếu trào phúng… Tất cả ai gần ông lúc ban đầu đều bị nhầm, bị lừa… Người Mỹ, Sainteny, và chính tôi đây… Thật ra sự hiện diện của tôi làm ông vướng víu. Đó là lí do tôi phải đi Sầm Sơn và bây giờ là tôi phải lưu vong.

“Khi tôi đang trầm mình trong suy nghĩ thì có người tiến lại gần tôi. Một người Trung Hoa mặc âu phục bằng trạc tuổi tôi. Ông ta cười và hỏi tôi:

— Ông biết nói tiếng Pháp?

— Rất mừng có người nói chuyện, tôi trả lời: Biết chứ.

— Tôi tên là Yu, cựu luật sư ở Paris.

–Tôi cũng học ở Pháp, tên tôi là Vĩnh, sinh ở Việt Nam. Tôi đi du lịch qua đây bị lỡ máy bay.

— Ông ở đâu?

Thấy tôi lúng túng, ông ta hiểu tình trạng của tôi và không ngần ngừ đề nghị:

Ông đến ở nhà tôi. Tôi là con cựu thị trưởng thành phố này. Cha tôi mới mất cách đây ít lâu, vì vậy tôi phải về. Nhà tôi khá rộng, ông ở thoải mái.

“… Nhờ sự rộng lượng của chủ nhà, tôi sắm được quần áo trong một cửa hàng bán quần áo cũ của quân đội Mỹ. Tôi liền thay bộ đồ mới mua được. Tôi ngạc nhiên trên đường về thấy lính tráng Tàu chào tôi. Khi về đến nhà tôi mới hiểu là tôi mặc quân phục của đại tá không quân Mỹ. Cả nhà đều cười ran và chúc mừng tôi đã lên chức.

“Có một bữa chúng tôi vào ăn ở một quán thì thấy một thanh niên vòng tay kính cẩn chào:

— Thưa Hoàng thượng, ngài còn sống?

“Đó là một thanh niên Việt Nam thuộc Đoàn Thanh niên của Phan Anh nên có dịp thấy tôi khi đi theo Phan Anh vào thành nội. Trước sự ngạc nhiên của Yu tôi phải giảng nghĩa vì sao tôi phải giấu tên. Không những Yu không bực mình mà còn mời Bùi Minh (Bùi Tường Minh?) ăn cùng. Minh nói phải trốn khỏi Hà Nội vì hoạt động trong đảng Đại Việt…

“… Với 2 người con của tướng Long Vân, thống đốc tỉnh Vân Nam, cả 2 đều tốt nghiệp Saint Cyr, tôi cũng cho biết tung tích của tôi và chúng tôi họp thành một nhóm bạn hữu rất vui vẻ.

“… Tôi không nhận được tin tức gì ở Hà Nội mặc đầu tôi có cho Hồ Chí Minh biết chỗ tôi cư ngụ. Bây giờ tôi biết chắc chắn là ông Hồ không muốn có sự hiện diện của tôi ở Việt Nam.

“… Tháng 9 tôi nhận được lời mời của Chan, Tổng thư ký Quốc Dân Đảng tới Trùng Khánh.. Lạ thay Yu cũng nhận được lời mời tương tự. Yu không tỏ vẻ ngạc nhiên vì cùng học với Chan ở trường Rạng Đông Thượng Hải và thỉnh thoảng cũng được gọi về thủ đô. Yu xin đi cùng, tôi nhận lời và 2 ngày sau chúng tôi lấy máy bay đi Trùng Khánh.

“Chan muốn mời tôi đến nhà ở, tôi cám ơn và nói thích trở lại khách sạn “Bốn Mùa” hơn. Tôi lợi dụng sự rảnh rỗi để tiếp tục đọc về Trung Quốc và đi đánh quần vợt lại.

“Đầu tháng Tám, Quốc Dân Đảng báo cho tôi là có một người đồng hương sắp tới. Hơi ngạc nhiên tôi tơi phi trường đón. Anh ta chừng 30 tuổi, hình dạng không phải là một người Việt thuần túy.

“Khi ngồi trong xe anh ta nói:

— Tôi là đại tá tình báo của quân đội Thiên Hoàng, tôi có phận sự theo dõi những hành vi của Quốc Dân Đảng. Tôi sinh ở Nhật, cha Nhật mẹ Việt. Tôi được gửi tới ngài với danh nghĩa là thư ký của ngài;
Chuyện khá tức cười, tôi không nín được đặt câu hỏi:

— Tôi tưởng là những sĩ quan cao cấp Nhật đều tự sát theo truyền thống võ sĩ đạo. Tại sao ông không làm?

— Thưa ngài, những sĩ quan tình báo nhận được lệnh cấm làm hara-kiri. Họ phải tiếp tục sống và làm việc cho tương lai của Đế quốc Mặt trời. Khi tôi làm song phận sự, tôi sẽ trở về Sài Gòn theo ngả Manille và đầu hàng quân đội Anh.

Bắt đầu từ ngày đó, anh ta không rời tôi nửa bước.

“Chan, tôi gặp luôn luôn, nói với tôi là Tưởng Thống chế sắp rời đô xuống Nam Kinh, rất hân hạnh mời tôi tới Nam Kinh.

“Cuối tháng Tám Tưởng Giới Thạch xuống Nam kinh. Người thư ký “trung thành” của tôi cũng biến mất sau khi làm xong phận sự. Yu cũng theo chính phủ bỏ Trùng Khánh và nài nỉ tôi đi cùng. Tôi không muốn chút nào đi Nam kinh vì ngán thấu cổ cái bẩn thỉu của nước Tàu và thật sụ là sợ cô độc. Tôi kiếm một nơi ẩn trú đồng thời cũng là trung tâm. Tại sao không là Hồng Kông ? Yu đề nghị cùng đi với tôi vài ngày.

“8 ngày sau, ngày 15-9 chúng tôi bay đến Hồng Kông. (tr 161)

” .. Chúng tôi giữ 2 phòng ở một khách sạn hạng thường bên Cửu Long. Sau 2 tuần du lịch, Yu trở về Nam Kinh, hơi thất vọng vì tôi không đi cùng, nhưng cam đoan với tôi là sẽ được Tưởng Giới Thạch đón tiếp nếu tôi đổi ý.

“…Tôi lại sống cô độc với chút đô la HK trong túi Yu đưa cho tôi. Chỉ ít lâu sau tiền hết, tôi phải tìm cách sinh sống. Trong khi chờ đợi tôi đi dạo. Phần nhiều là đi bộ, hay đi xe buýt. Nhưng tôi cảm thấy hoàn toàn tự do. Lần đầu tiên trong đời tôi có cảm giác như vậy. Trong một bữa đi tản bộ, tình cờ tôi thấy trước một tòa nhà có bản đề “Ngân Hàng Đông Dương”.

“Sau một chút ngần ngừ và cũng không biết tại sao tôi bước vào. Thật tôi đúng vào ngày gặp may! Khi vào đại sảnh, tôi thấy ông Gany, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Nam Á. Ông nhận ra tôi tức khắc, rất ngạc nhiên và nói ông mới tới Hồng Kông thanh tra và hỏi thăm tình cảnh tôi. Nói vắn tắt tôi kể cho ông trường hợp nào tôi tới Hồng Kông và tôi không có tiền. Tôi muốn ông ấy ứng ra cho tôi một chút. Ngay tức khắc ông ấy đưa cho tôi chừng 2000 đô la HK. Vài ngày sau, cũng tình cờ tôi được biết hội Truyền đạo Công giáo Pháp ở Nước ngoài. Hội này bằng lòng cho tôi vay một số tiền được bảo đảm bằng tài sản của hoàng gia. Tôi không còn phải lo thiếu tiền nữa và tôi dọn tới khách sạn Gloucester ở trên đường Queen’s Road…

“… Cũng ở khách sạn này, vào khoảng giữa tháng 11, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tới gặp tôi. Ông là giấm đốc những đoàn thanh niên Nam bộ dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, rồi làm bộ trưởng không bộ nào của chính phủ Lâm thời tháng Tâm năm 1945 và bây giờ ông là đổng lý văn phòng của Hồ Chí Minh.

— Thưa ngài, tôi từ Quảng Châu tới. Tôi được cụ Chủ tịch sai tôi đưa tin và gửi lời chào thân ái, đồng thời cũng xin ngài nhận vật này: Từ trong cập ông lấy ra một cái tráp trong đó có nhiều nén vàng. Với số vàng này tôi có thể sống được 2 tháng.

— Nhờ ông cám ơn Hồ chủ tịch. Nhưng cho tôi biết hành trình qua Pháp của Hồ Chủ tịch.

— Hồ Chủ tịch tới Pháp ngày 21-10… Một chính phủ mới “Đoàn kết quốc gia” được thành lập. Hồ Chủ tịch vẫn kiêm nhiệm bộ trưởng bộ Ngoại giao. Giáp là bộ trưởng bộ Quốc phòng và Phạm Văn Đồng vẫn giữ bộ kinh tế… Và chủ tịch vẫn muốn ngài làm cố vấn tối cao cho chính phủ.

— Xin ông cám ơn giùm tôi về sự tin cậy của chủ tịch. Kể cho tôi những gì đã xẩy ra từ khi tôi đi Trung Quốc.

— Ngài đã biết là, để thi hành Thỏa ước 6-3, người Pháp đã trở lại… Chủ tịch đã gặp tướng Leclerc ở Hà Nội và Leclerc đã ưng thuận chính phủ chúng ta đi Paris để cụ thể hóa nền độc lập và sự thống nhất nước nhà.. Một buổi hội đàm đã diễn ra tại Đà Lạt ngày 17-4 để sửa soạn cuộc hành trình. Nguyễn Tường Tam sẽ dẫn đầu phái đoàn, chung quanh có Giáp, Vũ Trọng Khánh, Hoàng Xuân Hãn, Cù Huy Cận…Cũng có những người đại diện miền Nam. Rất mau chóng, các đại biểu ta thấy ngay là người Pháp không thành thật. Những gì là sự thật ở Hà Nội không còn như vậy ở Sài Gòn…Cuộc bàn cãi ở Đà Lạt kéo dài đến tận ngày 11-5. Mặc dầu người Pháp không thật lòng, Chủ tịch đã đi Pháp ngày 31-5, hi vọng vào sự gặp gỡ với chính phủ Pháp. Nhưng khi tới Pháp thì chính phủ đổ, Pháp không còn chính phủ nữa! Nghiêm trọng hơn hết là ngay sau ngày Chủ tịch đi Pháp, hôm 1-6, người Pháp thành lập ở Sài Gòn một chính phủ lâm thời Nam Kỳ với bác sĩ Thinh đứng đầu. Đó là chứng cớ sự gian dối của người Pháp….Sau một tháng rưỡi chờ đợi, Hồ chủ tịch quyết định trở về nước. Tuy vậy, để chứng minh lòng thành thật và sự rộng lượng của dân tộc Việt Nam, trước khi rời Pháp Chủ tịch đã ưng thuận ký với tổng trưởng Marius Moutet một bản đồng tuyên ngôn thiết lập giữa Việt Nam và Pháp, một Modus vivendi (Tạm ước).

“… Tôi cám ơn bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã thuyết trình và nói:

— Tôi thấy bản Tạm ước trù liệu có thể đến tháng 1- 47 sẽ tiếp tục lại những cuộc bàn cãi đã bị bỏ dở ở Hội nghị Fontainebleau. Bởi vậy tôi muốn ông nói lại với Hồ chủ tịch là tôi muốn trở về Hà Nội vào lúc đó.

— Thưa ngài, tôi nghĩ là Chủ tịch muốn ngài ở lại Hồng Kông trong thời gian đó, vì Hồng Kông là địa điểm quan sát tốt nhất. Dầu sao chăng nữa, Chủ tịch dặn ngài phải coi chừng bọn Pháp và những tụi Việt gian được Pháp dùng để thi hành những thủ đoạn của nó. (tr 166)

“Đối với tôi, chuyện đã rõ ràng, Hồ Chí Minh không muốn tôi: Ông đã đẩy tôi đi khi người Pháp trở lại và giữ tôi ở xa trong khi có Hội nghị Đà Lạt và Fontainebleau. Ông không muốn có sự hiện diện của tôi ở Hà Nội nếu cuộc thương thuyết với người Pháp bắt đầu lại.

“Vài ngày sau, gần như cả một phái đoàn tới khách sạn Gloucester xin được tôi tiếp kiến. Từ Quảng Châu tới là 3 thủ lãnh quốc gia, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam: VNQDD. Nguyễn Hải Thần: Đồng Minh Hội. Những người này đã trốn khỏi Hà Nội từ tháng 7 để tránh bị Giáp truy hại trong lúc Hồ Chí Minh vắng mặt. Nối tiếp sau đó là Trần Trọng Kim, cũng từ Quảng Châu tới. Trần Trọng Kim hỏi tôi:

— Thưa ngài, ngài tính thế nào?

— Tôi đợi Hồ Chí Minh gọi tôi về.

— Xin ngài đừng về Hà Nội, nguy hiểm lắm. Tại sao ngài không đi Nam Kinh với Quốc Dân Đảng theo lời mời của Tưởng Giới Thạch?

— Không, tôi không đi Nam Kinh. Quốc Dân Đảng coi như là sắp tiêu tan rồi. Tưởng Giới Thạch không chống lại được áp lực của cộng sản đâu và chẳng chóng thì chày, Mao Trạch Đông sẽ toàn thắng…

“… Tôi được giấy triệu tập của An ninh Anh. Gặp Cảnh sát trưởng người Anh, tôi hỏi lí do. Ông ta nói: Từ ngày ngài tới Hồng Kông tháng Mười năm ngoái, ngài thay đổi nhiều khách sạn. Chúng tôi biết ngài là ai ngay từ đầu. Tôi nhận được lệnh phải bảo đảm an ninh cho ngài. Chúng tôi dành cho ngài một cái biệt thự ở Repulsion Bay. Hai cảnh sát Trung Hoa mặc thường phục sẽ túc trực bên ngài.

“… Từ khi tôi đến ở Repulssion Bay trên đảo Victoria, biệt thự của tôi trở thành một cục nam châm thu hút khách viếng thăm. Có những khách tới để đặt trước chỗ ngồi, có những khách tới để dò dẫm cho Pháp hay cho nước ngoài khác… Tôi không có ảo tưởng gì khi bỗng nhiên nhận được sự quan tâm của nhiều người: bác sĩ Phan Huy Đán, luật sư Đinh Xuân Quảng, cả 2 thuộc đảng Xã hội, VNQDD có Trần Văn Tuyên, rồi bác sĩ Lê Văn Hoạch, phó thủ tướng chính phủ Nam Kỳ, rồi Ngô Đình Diệm mà tôi nghi là con mắt của Mỹ…(tr 171)

“… Ngày Toàn quốc Kháng chiến 19-12 đã đẩy Việt Minh vào một cuộc chiến tranh du kích. Theo tôi đó là cái lầm lớn nhất. Nhưng ai là người chịu trách nhiệm?

“Giáp chắc chắn là có một phần khi sửa soạn cuộc Tổng tấn công. Nhưng hình như phút cuối cùng Giáp hủy lệnh đánh. Cuộc tổng tấn công đã phá hoại đường lối chính trị được ấn định từ trước và đã đưa đến một cuộc chiến tranh quá lâu dài.

“Nếu không có ngày 19-12-1946 thì gì đã có thể xẩy ra ở Việt Nam? (tr 172)

Nguồn : Dân Luận

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Nhiều người bảo đọc xong bài này KHÓC, vì thương dân tộc Việt Nam !

Hải Băng
Tại sao Việt Nam không mở to mắt mà học tập Hàn Quốc nhỉ? Riêng mình nó nói với mọi người cách đây hơn 10 năm trời: Việt Nam nên tìm kiếm và mua bản quyền bộ sách giáo khoa các môn khoa học tự nhiên của các nước tiên tiến về dịch ra dạy cho học sinh vừa hiệu quả vừa đỡ tốn kém? Chắc các quan Bộ Giáo dục đà tạo sẽ không muốn tí nào vì làm như vậy thì họ ăn gì?????Năm 2004 Việt Nam chiếu bộ phim “Thời đại anh hùng” của Hàn Quốc có đoạn Tổng thống Bak Jeong-hi(Park Chung-hee –tại vị từ 17/12/1963 đến 26/10/1979) đã khóc vì thấy dân khổ quá và người đã tuyên bố sau 10 năm nữa nhiều nước trên thế giới phải đến làm thuê cho Hàn Quốc và sự thật đã đến với họ trong đó có dân VN. Đọc bài này, mình bỗng nhớ tới cái câu của những năm xưa: Rằng những gì của chuyên môn xin để cho chuyên môn quyết định. Mặc dù vậy, tất cả những gì của chuyên môn ở xã hội ta luôn có bóng dáng "cao quý "của những gì không phải chuyên môn quyết định.

Kinh nghiệm Hàn Quốc.

Thập niên 60, Hàn Quốc là 1 trong những nước nghèo đói nhất châu Á. Năm 1968, người Hàn quyết định thay đổi giáo dục bằng cách bê nguyên sách giáo khoa của người Nhật về dịch sang tiếng Hàn và giảng dạy, ngoại trừ các môn xã hội như địa lý, lịch sử và văn học. Lúc đó cũng có nhiều người chỉ trích vì tính sĩ diện của người Hàn Quốc rất cao, lẽ nào lại không tự soạn được một bộ sách giáo khoa. Nhưng họ vẫn quyết tâm thực hiện, vì để có chương trình giáo dục đó, người Nhật đã mất cả trăm năm cải biên từ cách đào tạo của giáo dục phương Tây phù hợp với đặc trưng châu Á, bắt đầu từ thời Minh Trị Thiên Hoàng. Để rút ngắn thời gian, chẳng có cách nào ngoài việc lấy kinh nghiệm của người khác, để còn lo việc khác nữa. Vì Hàn Quốc muốn trở thành một bản sao mới của Nhật, nền kinh tế dựa trên lòng tự hào dân tộc, tính kỷ luật và đạo đức của toàn thể xã hội.



Đúng 20 năm, đến 1988, Hàn Quốc đăng cai Olympic Seoul, cả thế giới không ai tin vào mắt mình khi thấy kỳ tích bên bờ sông Hàn lại khủng khiếp như thế. Ô-tô, xe máy, dệt nhuộm, hoá chất, đóng tàu, điện tử, bánh kẹo…bên Nhật có cái gì thì bên này có cái đó, dù dân số chỉ bằng 1/3. Không ai biết trong 20 năm đó, cả dân tộc Hàn Quốc đã nắm chặt tay với quyết tâm thoát nghèo như thế nào. Trên tivi chỉ có 2 chương trình là “dạy làm người” và “dạy làm ăn”, từ cái văn minh nhỏ xíu như nụ cười của một nhân viên bán hàng, đến cách quản lý chi phí của một quán cà phê, đến cách tạo dựng một nhà máy. Từ một dân tộc “xin việc”, tức các doanh nghiệp nước ngoài đến đặt nhà máy tại Hàn và thuê lao động Hàn, Hàn Quốc bắt đầu khan hiếm lao động và trở thành dân tộc đi “cho việc”, tức xây dựng các nhà máy ở nước ngoài và hàng triệu người Trung Quốc, Thái Lan, Philippines đứng xếp hàng xin các ông chủ Hàn Quốc cho họ việc làm. Hàn Quốc đã thành công trong việc tiếp nối Nhật Bản thành dân tộc đi cho việc người khác.

Năm 1988, pháo hoa thắp sáng 2 bờ sông Hàn, người Hàn Quốc ôm nhau và cười trong nước mắt, hơn 100 quốc gia giàu có nhất trên thế giới miễn visa cho họ, Hàn Quốc giờ đây đã bước chân vào nhóm 24 quốc gia thịnh vượng nhất loài người. Nhưng thách thức mới lại xuất hiện, vì bây giờ không phải là Nhật Bản nữa, mà là Hồng Kông và Singapore, 2 cực hút nam châm của cả châu Á về tài chính, thương mại và giải trí.

Phim Hồng Kông tràn ngập thị trường và không có đối thủ. Người Hàn tuyển chọn ngay 2000 sinh viên ưu tú nhất, cử sang Holywood, điên cuồng học hành, từ đạo diễn, diễn viên, phục trang đạo cụ …4 năm sau tốt nghiệp, năm 1992, những bộ phim Hàn Quốc đầu tiên ra đời như Cảm xúc, mối tình đầu, hoa cúc..với một thế hệ diễn viên đẹp từng milimet và hợp nhãn người châu Á. Ngành làm phim phối hợp với ngành thời trang, mỹ phẩm và hàng tiêu dùng, bắt đầu xâm nhập vào các thị trường. Đại sứ quán Hàn Quốc tại các nước có nhiệm vụ dịch thuật ra tiếng địa phương và tặng không cho các đài truyền hình, tạo ra làn sóng Hanluy nổi tiếng. Người Nhật điên cuồng, người Trung Quốc điên đảo, các nước Đông Nam Á thì chỉ biết ụ pa ơi, ụ pa hỡi. Phim Hồng Kông bị đá văng ra khỏi thị trường cho thuê băng đĩa.

Năm 1988, ngoài 2000 người đi Holywood để xây dựng công nghiệp điện ảnh, ngần ấy người được cử đi Milan và Paris để học về thời trang, mỹ phẩm. Các tập đoàn như xe Kia, Samsung, Hyundai còn thuê cả ê-kip thiết kế của các hãng xe Đức như Mercedes, BMW làm việc cho họ, với tham vọng xuất khẩu xe sang Mỹ và châu Âu. Muốn bán cho Tây thì bao bì nhãn mác phải có óc thẩm mỹ của Tây, chứ kiểu” tròn tròn xinh xinh” của dân châu Á, tụi Tây không thích, không bán được. Có những năm, những mẫu xe của Hyundai bán chạy nhất ở Bắc Mỹ và châu Âu. Người Mỹ bắt đầu nhìn người Hàn với ánh mắt khác, ngưỡng mộ và ngạc nhiên, thích thú.

Ngoài ra, những sinh viên giỏi toán nhất được hướng theo ngành tài chính ở các đại học lớn ở Mỹ, với tham vọng Seoul thành một London, New York. Các quỹ đầu tư ra đời, tự tìm kiếm các nhà máy mới khởi nghiệp be bé để rót tiền vào, tham gia vào quản trị. Không chỉ trích, chỉ góp sức góp trí để xây dựng. Một người Hàn giàu có là cả dân tộc Hàn giàu. Hệ thống bán lẻ Lotte phải có nghĩa vụ mang hàng hoá Hàn đi khắp nơi, ông lớn Samsung bắt đầu tuyển dụng những sinh viên giỏi nhất châu Á về cho học bổng thạc sĩ miễn phí với điều kiện tốt nghiệp xong phải mấy năm phục vụ cho họ. Họ gom trí tuệ của cả châu Á để chinh phục thị trường điện thoại thông minh và máy tính bảng, cạnh tranh đối đầu với Apple, đối đầu với cả một tập thể trí tuệ thung lũng Silicone, cứ như Airbus của châu Âu cạnh tranh với Boeing vậy.

Người Hàn Quốc, dù dân thường hay sếp lớn, tất tần tật mọi thứ họ dùng phải Made in Korea, dù lúc sản phẩm kém cỏi còn xấu xí và đầy lỗi của thập niên bảy mươi hay hiện đại tinh xảo như bây giờ. Nếu người tiêu dùng không ủng hộ sản phẩm nhem nhuốc của thời khởi nghiệp, thì doanh nghiệp còn tồn tại đâu mà có sản phẩm tinh xảo sau này?

Tony nhớ lần đi Hàn đầu tiên, mùa thu năm 2005, bà chị ở VN cẩn thận ghi tên mấy nhãn hiệu mỹ phẩm ưa thích của chị ấy cho mình mua giùm. Ở cửa hàng mỹ phẩm, cô bán hàng mặc bộ váy veston đen, chạy như bay lấy hết sản phẩm này đến sản phẩm khác cho Tony xem, đều là của Hàn cả. Do tiếng Anh không nói tốt nên cô cứ giải thích bằng tiếng Hàn đến lúc giọng khàn đặc. Đến lúc Tony lấy tay chỉ hộp phấn Lancom, thì cô thất vọng oà khóc. Cô khóc vì cô đã không thành công khi tình yêu nước của cô không thuyết phục được khách hàng. Tony nhìn cô ấy sững sờ, lẽ nào chỉ là 1 cô gái bán hàng bình thường mà có lòng yêu đất nước mãnh liệt thế sao? Tony thôi bèn mua mấy hộp mỹ phẩm của Hàn, dù chẳng biết có tốt không, vì kính phục quá. Lúc Tony bước ra khỏi cửa hàng, ngoái lại vẫn thấy cổ gập đầu cung kính.

Ngoài phố, gió bắt đầu lạnh, từng tốp học sinh chạy tập thể dục rầm rập trên vỉa hè, những chiếc áo khoác thêu cờ quốc gia ở sau lưng. Và Tony biết, sau lưng của mỗi công dân luôn là tổ quốc.

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

GIẢI PHÓNG CÁI GÌ và CHO AI?



MỘT PHÓNG VIÊN NGƯỜI ĐỨC VIẾT VỀ VIỆT NAM

„tôi chẳng có con chó nào trong vụ cắn lộn này cả“.

Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ khi tôi giã biệt Việt Nam. Vào năm 2015, thế giới sẽ chứng kiến kỷ niệm lần thứ 40 chiến thắng của Cộng sản và nhiều người sẽ gọi đó là ngày “giải phóng.”

Ga xe lửa Huế, nơi một đầu máy và một toa hành lý khởi hành chuyến tầu tượng trưng 500 thước mỗi buổi sáng vào lúc 8 giờ sẽ không còn đáng đi vào kịch trường của sự phi lý nữa. Nó đã được phục hồi đẹp đẽ và sơn phết lại mầu hồng. Một lần nữa, tương tự như những ngày dưới sự thống trị của người Pháp, nó là nhà ga xe lửa đẹp nhất vùng Đông Dương và tài xế taxi không phải chờ đợi vô ích bên ngoài.

Mười chuyến tàu thong dong chạy qua mỗi ngày, năm chuyến xuôi Nam và năm chuyến ra Bắc. Gộp chung lại chúng được mệnh danh một cách không chính thức là Tàu Tốc Hành Thống Nhất. Chẳng lẽ nào tôi lại không mừng vui? Chuyện này có khác nào bên Đức khi bức tường Berlin đổ xuống và những bãi mìn biến mất, và nay những chuyến tầu cao tốc phóng ngược xuôi giữa hai xứ nguyên là Cộng sản bên Đông và Dân chủ bên Tây với tốc độ lên tới 200 dặm một giờ?

Hiển nhiên là tôi rất vui khi chiến tranh kết thúc và Việt Nam được thống nhất và phát triển, những chuyến xe lửa đã hoạt động trở lại và các bãi mìn đã được tháo gỡ nhưng đến đây thì sự tương đồng với nước Đức chấm dứt.

Nước Đức hoàn thành sự thống nhất, một phần nhờ người dân tại Đông Đức đã lật đổ chế độ độc tài toàn trị bằng những cuộc biểu tình và phản kháng ôn hòa, một phần nhờ vào sự khôn ngoan của các nguyên thủ quốc tế như các vị Tổng thống Ronald Reagan và George G.W. Bush, của Thủ tướng Helmut Kohl, của lãnh tụ Sô Viết Mikhail Gorbachev và cũng phần khác vì sự sụp đổ có thể đoán trước được của hệ thống xã hội chủ nghĩa sai lầm trong khối Sô Viết. Không có ai bị thiệt mạng trong tiến trình này, không một ai bị tra tấn, chẳng có ai phải vào trại tù và cũng không có ai bị buộc phải trốn chạy.

Có một khuynh hướng khó hiểu, ngay cả trong số các vị học giả đáng kính của phương Tây đã diễn tả sự kiện Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam như là một cuộc “giải phóng.” Điều này đặt ra một câu hỏi: giải phóng cái gì và cho ai?

Có phải miền Nam đã được “giải phóng” khỏi sự áp đặt một nhà nước độc đảng toàn trị được xếp hạng chung với những chế độ vi phạm tồi tệ nhất thế giới về các nguyên tắc tự do tôn giáo, tự do phát biểu, tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do báo chí? Một cái thứ giải phóng gì đã làm chết 3,8 triệu người dân Việt từ 1954 đến 1975 và đã buộc hơn một triệu người khác phải trốn ra khỏi đất nước, không những từ miền Nam bại cuộc mà cả từ những bến cảng miền Bắc và làm từ 200.000 đến 400.000 người gọi là thuyền nhân bị chết đuối?

Có phải là hành động giải phóng không khi xử tử những người lính miền Nam và viên chức chính phủ sau ngày Sài Gòn thất thủ? Phải chăng chỉ là một màn trình diễn nhân đạo của bên thắng cuộc bằng cách lùa hàng trăm ngàn sĩ quan,công chức VNCH vào các trại tập trung tù cải tạo, nhiều người mất mạng và hàng ngàn người khác đã bị tâm thần do hậu quả bị cùng chân bỏ đói, cô lập trong buồng kín…. theo một cuộc nghiên cứu của một nhóm học giả quốc tế do Bác sĩ tâm thần Richard F. Molina của đại học Harvard dẫn đầu?

Từ giữa những năm 1960, những tay bịa đặt chuyện huyền thoại về chính trị và lịch sử của phương Tây, hoặc ngây thơ hoặc bất lương, đã chấp nhận lời giải thích của Hà Nội rằng cuộc xung đột là một cuộc “chiến tranh nhân dân.”

Cũng đúng thôi nếu chấp nhận định nghĩa của Mao Trạch Đông và Võ Nguyên Giáp về cụm chữ đó nhưng theo luật văn phạm về sở hữu tự theo cách Saxon Genitive qui định thì “chiến tranh nhân dân” phải được hiểu là cuộc “chiến tranh của nhân dân.” Thực tế không phải như vậy.


06 Apr 1972, Quang Tri City, South Vietnam — 4/6/1972-Quang Tri City, South Vietnam- Dead North Vietnamese soldiers are lined up beside road as refugees from Quang Tri City City flee from fighting, 4/5, five miles south of Quang Tri. — Image by © Bettmann/CORBIS

Ðã có khoảng 3,8 triệu người Việt Nam đã bị giết giữa các năm 1954 và 1975. Khoảng 164.000 thường dân miền Nam đã bị thủ tiêu trong cuộc tru diệt bởi Cộng sản trong cùng thời kỳ, theo nhà học giả chính trị Rudolf Joseph Rummel của trường Đại học Hawaii. Ngũ Giác Ðài ước tính khoảng 950.000 lính Bắc Việt và hơn 200.000 lính VNCH đã ngã xuống ngoài trận mạc cộng thêm 58.000 quân Hoa Kỳ nữa.

Đây không thể là một cuộc chiến tranh của nhân dân mà chính là chiến tranh chống nhân dân.

Trong tất cả những lập luận đạo đức giả về cuộc chiến Việt Nam ta gặp quá thường trong vòng 40 năm qua, cái câu hỏi quan trọng nhất đã bị mất dấu hay AWOL, nếu dùng một từ ngữ viết tắt quân sự có nghĩa là “vắng mặt không phép,” câu hỏi đó là: Dân Việt Nam có mong muốn một chế độ Cộng sản hay không? Nếu có, tại sao gần một triệu người miền Bắc đã di cư vào Nam sau khi đất nước bị chia cắt năm 1954, trong khi chỉ có vào khoảng 130.000 cảm tình viên Việt Minh đi hướng ngược lại?

Ai đã khởi đầu cuộc chiến tranh? Có bất kỳ đơn vị miền Nam nào đã hoạt động ở miền Bắc hay không? Không. Có du kích quân miền Nam nào vượt vĩ tuyến 17 để mổ bụng và treo cổ những người trưởng làng thân cộng, cùng vợ và con cái họ ở đồng quê miền Bắc hay không? Không. Chế độ miền Nam có tàn sát cả một giai cấp hàng chục ngàn người trên lãnh thổ của họ sau năm 1954 bằng cách tiêu diệt địa chủ và các đối thủ tiềm năng khác theo cách thống trị theo lối Sô Viết của họ hay không? Không. Miền Nam có thiết lập chế độ độc đảng toàn trị hay không? Không.

Với cương vị một người công dân Đức, tôi không can dự gì đến cuộc chiến này hay nói theo lối người Mỹ là “I have no dog in this fight” (tôi chẳng có con chó nào trong vụ cắn lộn này cả). Nhưng nhằm chú giải cho cuốn sách “Lời nguyện của nhà báo”, tương tự như các phóng viên kỳ cựu có lương tâm, lòng tôi đã từng và vẫn còn đứng về phía dân tộc Việt Nam nhiều đau thương.

Lòng tôi hướng về những người phụ nữ tuyệt vời với tính tình rất thẳng thắn và vui vẻ; hướng về những người đàn ông Việt Nam khôn ngoan và vô cùng phức tạp đang theo đuổi giấc mơ tuyệt hảo theo phong cách Khổng giáo; hướng về các chiến binh giống như trẻ con đi ra ngoài mặt trận mang theo cái tài sản duy nhất là một lồng chim hoàng yến; hướng về các góa phụ chiến tranh trẻ với cơ thể bị nhào nặn méo mó chỉ vì muốn bắt một tấm chồng lính Mỹ nhằm tạo một ngôi nhà mới cho con cái và có thể cho chính họ, còn hơn là đối mặt với độc tài Cộng sản; hướng về nhóm trẻ em bụi đời trong thành thị cũng như ngoài nông thôn săn sóc lẫn nhau và những con trâu đồng.

Với trái tim chai cứng còn lại, lòng tôi thuộc về những người trốn chạy khỏi lò sát sinh và vùng chiến sự, luôn luôn đi về hướng Nam mà không bao giờ về hướng Bắc cho đến tận cùng, khi không còn một tấc đất nào vắng bóng Cộng sản nữa để mà trốn. Tôi đã chứng kiến họ bị thảm sát hay bị chôn sống trong những ngôi mồ tập thể và mũi tôi vẫn còn phảng phất mùi hôi thối của những thi thể đang thối rữa.

Tôi không có mặt vào lúc Sài Gòn thất thủ sau khi toàn bộ các đơn vị Quân Lực VNCH, thường xuyên bị bôi bẩn một cách ác độc bởi truyền thông Hoa Kỳ, giờ đây bị những đồng minh người Mỹ của họ bỏ rơi, đã chiến đấu một cách cao thượng, biết rằng họ không thể thắng hay sống sót khỏi trận đánh cuối cùng này.

Tôi đang ở Paris, lòng sầu thảm khi tất cả những chuyện này xẩy ra và tôi ước gì có dịp tỏ lòng kính trọng năm vị tướng lãnh VNCH trước khi họ quyên sinh lúc mọi chuyện chấm dứt, một cuộc chiến mà họ đã có thể thắng: Lê Văn Hưng (sinh năm 1933), Lê Nguyên Vỹ (sinh năm 1933), Nguyễn Khoa Nam (sinh năm 1927), Trần Văn Hai (sinh năm 1927) và Phạm Văn Phú (sinh năm 1927).

Khi tôi viết đoạn kết này, một ký giả đồng nghiệp và một loại học giả sinh năm 1975 khi Sài Gòn bị thất thủ, đã tự tạo cho bản thân một thứ tên tuổi bằng cách bêu xấu tội ác chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Vâng, họ thật đáng bị bêu xấu. Đúng, đó là sự thật. Mỹ Lai có thật. Tôi biết, tôi đã có mặt trong phiên tòa mặt trận khi Trung úy William Calley bị kết án là có tội. Tôi biết cái tiêu chuẩn đếm xác chết được tôn sùng bởi đầu óc méo mó của các cấp chỉ huy quân sự cũng như dân sự thời đại Mc Namara tại Washington và bản doanh Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã làm tổn hại hàng ngàn mạng sống của người dân vô tội.

Nhưng không có hành vi tàn ác nào của các đơn vị rối loạn Hoa Kỳ và VNCH có thể sánh bằng cuộc tàn sát do lệnh nhà nước giáng xuống đầu người miền Nam nhân danh HCM. Những tội ác mà cho đến ngày nay những kẻ kế thừa thậm chí vẫn không thừa nhận vì không ai có cái dũng cảm hỏi họ: Tại sao các anh thảm sát tất cả những người vô tội mà các anh rêu rao là đi chiến đấu để giải phóng họ?

Với tư cách một người Đức, tôi xin được thêm một đoạn chú thích như sau: tại sao các anh giết người bạn của tôi là Hasso Rüdt von Collenberg, tại sao lại giết các bác sĩ người Đức ở Huế và anh Otto Söllner tội nghiệp mà “tội ác” duy nhất là dạy trẻ em Việt Nam cách điều khiển một ban nhạc hòa tấu? Tại sao các anh bắt cóc những thanh niên thiện nguyện Knights of Malta, làm cho một số bị chết trong rừng rậm và số khác thì bị giam cầm tại Hà Nội? Tại sao các anh không bao giờ tự xét lương tâm về những hành động đó, theo cách những người Mỹ chính trực trong khi họ đã được xác định một cách đúng đắn là họ thuộc về phía lẽ phải trong cuộc Đại Chiến Thứ Hai, vẫn bị dằn vặt bởi cái di sản khủng khiếp để lại vì đánh bom rải thảm những khu dân cư trong nước Đức và tấn công bằng bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki?

Hồi tưởng lại cuộc thử thách trên con đường mòn HCM trong tạp chí Der Spiegel, cô y tá Tây Đức Monika Schwinn nhớ lại cuộc gặp gỡ với các đơn vị chiến đấu Bắc Việt trên đường xuống phía Nam như là một trong những kinh nghiệm khủng khiếp nhất. Cô diễn tả cái cường độ của mối hận thù trên khuôn mặt của những tên lính đó và cô viết chính những tên VC canh chừng phải khó khăn lắm mới ngăn chận họ không giết những người Đức ngay tại chỗ. Không có ai sinh ra là biết hận thù cả. Sự thù hận chỉ có thể có được do dậy dỗ. Nuôi dưỡng tính giết người trong lòng thanh niên là một khuôn phép huấn luyện chỉ có trường phái chủ nghĩa toàn trị là giỏi nhất.

Trong cuốn tiểu sử rất hay nói về tay chỉ huy SS Heinrich Himmler, sử gia Peter Longerich diễn tả là ngay cả gã sáng lập viên cái lực lượng tàn độc gồm những tên côn đồ mặc đồ đen cũng khó lòng buộc thuộc hạ vượt qua sự kiềm chế tự nhiên để thi hành lệnh thảm sát Holocaust (Longerich. Heinrich Himmler. Oxford: 2012). Chính cái ánh mắt thù hận của những tên sát nhân Bắc Việt tại Huế làm ám ảnh những người tôi phỏng vấn hơn cả.

Nhưng dĩ nhiên phải dành nhiều thời gian với họ, chịu sự đau khổ cùng họ, tạo niềm tin và trò chuyện với họ thì mới khám phá ra cái cốt lõi của một phần nhân tính con người, một hiểm họa về mặt chính trị và quân sự vẫn còn quanh quẩn bên chúng ta từ bốn thập niên qua. Chỉ phán ý kiến về nó từ trên tháp ngà đài truyền hình New York hay các trường đại học Ivy League thì không bao giờ đủ cả.

Trong một cuốn sách gây chú ý về đoàn quân Lê Dương Pháp, Paul Bonnecarrère đã kể lại cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đại tá đầy huyền thoại Pierre Charton và Tướng Võ Nguyên Giáp sau khi Pháp thất trận tại Điên Biên Phủ (Bonnecarrère. Par le Sang Versé. Paris: 1968). Charton là tù binh trong tay Cộng sản Việt Minh. Giáp đến thăm Charton nhưng cũng để hả hê. Cuộc gặp gỡ xẩy ra trong một lớp học trước mặt khoảng 20 học viên đang tham dự một buổi tuyên truyền chính trị. Cuộc đối thoại giữa hai nhân vật đối chọi nhau đã xẩy ra như sau:

Giáp: “Tôi đã đánh bại ông, thưa Đại tá”

Charton: “Không, ông không đánh bại tôi, thưa Đại tướng. Rừng rậm đã đánh bại chúng tôi… cùng sự hỗ trợ các ông đã nhận được từ người dân…“.

Võ Nguyên Giáp không ưa câu trả lời này và cấm các học viên không được ghi chép nó. Nhưng đó là sự thật, hay chính xác hơn: đó là một nửa của sự thật. Cái nửa kia là các nền dân chủ như Hoa Kỳ đúng là không được trang bị về chính trị và tâm lý để theo đuổi một cuộc chiến trường kỳ. Sự nhận thức này, cùng với cách sử dụng các phương tiện khủng bố đã trở thành trụ cột trong chiến lược của Võ Nguyên Giáp. Hắn đã đúng và hắn đã thắng. Thậm chí nguy hiểm hơn nữa là ngày nay các chế độ toàn trị đang chú ý đến điểm này.

Cho đến tận ngày hôm nay tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi cái kết luận tôi bắt buộc phải rút ra từ kinh nghiệm về Việt Nam là: khi một nền văn hóa bê tha hủ hóa đã mệt mỏi về lòng hy sinh, nó sẽ có khả năng vứt bỏ tất cả. Nó đã chín mùi để bỏ rơi một dân tộc mà đáng lẽ nó phải bảo vệ. Nó còn thậm chí sẵn sàng xóa đi những mạng sống, sức khoẻ về thể chất và tinh thần, nhân phẩm, trí nhớ và danh thơm của những thanh niên đã được đưa ra mặt trận. Điều này đã xẩy ra trong trường hợp các cựu chiến binh Việt Nam. Tác động của sự khiếm khuyết đã ăn sâu trong các nền dân chủ tự do này rất đáng sợ vì cuối cùng nó sẽ phá hỏng chính nghĩa và tiêu diệt một xã hội tự do.

Tuy nhiên tôi không thể kết thúc câu chuyện ở đây bằng điều tăm tối này được. Là một người quan sát về lịch sử, tôi biết là lịch sử, mặc dù được khép kín trong quá khứ, vẫn luôn luôn mở rộng ra tương lai. Là một Ki-Tô hữu tôi biết ai là Chúa của lịch sử. Chiến thắng của Cộng sản dựa vào những căn bản độc ác: khủng bố, tàn sát và phản bội.

Hiển nhiên tôi không biện minh cho chuyện tiếp tục đổ máu nhằm chỉnh lại kết quả, cho dù có khả thi đi chăng nữa. Nhưng là một người ngưỡng mộ tính kiên cường của dân tộc Việt Nam, tôi tin là họ sẽ cuối cùng tìm ra phương cách ôn hòa và các lãnh tụ chân chính để họ có thể thoát khỏi những tay bạo chúa. Có thể sẽ phải mất nhiều thế hệ, nhưng điều đó sẽ xảy ra.

Trong ý nghĩa này, tôi bây giờ chỉ muốn xếp hàng vào đoàn xích-lô bên ngoài ga xe lửa Huế vào năm 1972, nơi chẳng có người khách nào quay trở lại. Chỗ của tôi ở đâu bây giờ? Tôi còn lại gì nữa ngoài niềm hy vọng?

https://m.youtube.com/watch?v=3b-Uca33pJo

Việt Nam trước Đại Hội Đảng 12


Đi theo Tàu hay đi với Mỹ? Thay đổi ôn hòa hay bạo loạn?


Lê Xuân Khoa

22-08-2015


Sau khi viết bài “Việt Nam: Cơ hội cuối cùng hay những bước Đột phá cần thiết” (tháng Sáu, 2014) tôi nghĩ sẽ không phải làm gì khác hơn là theo dõi tình hình trong và ngoài nước, trông đợi những thay đổi có lợi ích cho đất nước. Tháng Bảy năm nay, nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, được gọi là “chuyến thăm lịch sử”, tôi lại thấy cần đóng góp thêm một số nhận xét về tình hình mới. Chuyến đi Hoa Kỳ của ông Trọng cho thấy phe bảo thủ thân Trung Quốc dường như đã muốn quay lưng lại phía Bắc Kinh và tiến tới gần hơn với Hoa Kỳ. Lý do của sự chuyển hướng này là vì Bắc Kinh đã lộ rõ dã tâm xâm lược Việt Nam và Tập Cận Bình lại có thái độ khinh miệt TBT Nguyễn Phú Trọng sau sự cố giàn khoan HD-981. Phe thân Trung Quốc vừa căm hận vì bị Bắc Kinh hạ nhục, vừa lo ngại phe chống Trung Quốc có thể làm một cuộc đảo chính với sự ủng hộ của nhân dân đang phẫn nộ đối với một chính quyền bị coi là “hèn với giặc, ác với dân”. Mặc dù chuyến thăm nước Mỹ của ông Trọng có tính biểu tượng nhiều hơn là thực chất, sự kiện Tổng thống Barack Obama đặc biệt tiếp đón người cầm đầu Đảng Cộng sản Việt Nam tại Phòng Bầu dục và bản Tuyên Bố về Tầm nhìn chung Việt-Mỹ đã giúp cho Nguyễn Phú Trọng gỡ lại được thể diện sau khi bị Tập Cận Bình làm mất mặt, do đó quan hệ hợp tác Việt-Mỹ có triển vọng gia tăng nhiều hơn về cả hai mặt kinh tế và quân sự.



Một điểm tích cực khác cần được chú ý trong chuyến công du này của TBT Nguyễn Phú Trọng là, tại thủ đô Hoa Kỳ, ông đã hai lần xác nhận vai trò quan trọng của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Lần đầu, trong bản Tuyên bố chung Việt-Mỹ, ông Trọng “nhìn nhận sự thành công của người Việt Nam tại Hoa Kỳ và nhiều đóng góp của họ đối với sự phát triển của Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như đối với mối quan hệ song phương tốt đẹp hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”. Lần thứ hai là trong bài diễn văn được soạn trước (tức là đã được tính toán kỹ) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), ông Trọng đã dùng những từ “đặc biệt” và “hết sức quan trọng” để nói về “cộng đồng đông đảo người Việt Nam tại Hoa Kỳ” mà ông định nghĩa rất chính xác và thân tình là “công dân Hoa Kỳ và cũng là đồng bào của chúng tôi”. Những lời phát biểu chính thức này của lãnh đạo số một ở Việt Nam cho thấy một cách nhìn mới và một thái độ đúng đắn của nhà cầm quyền trong nước đối với cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ.

Sự thể bên ngoài thì như thế nhưng chiều hướng chính sách của Việt Nam vẫn chưa rõ rệt sau chuyến đi thăm Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng. Nội bộ lãnh đạo Đảng đang thảo luận đóng kín và gay go về những quyết định cho 5 năm tới để được thông qua trong Đại hội 12 vào đầu năm 2016. Dù sao, đường lối lãnh đạo mới sẽ phải được thấy rõ trong các dự thảo văn kiện của Trung ương Đảng mà, theo thông lệ, sẽ được công bố khoảng năm tháng trước Đại hội. Giả thiết Đảng và Nhà nước thật sự muốn chuyển hướng sang phía Hoa Kỳ, bài viết này sẽ đóng góp một số ý kiến cụ thể về sự phát triển quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ, cũng như sứ mệnh xây dựng sức mạnh dân tộc bao gồm vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là cộng đồng công dân Mỹ gốc Việt.

Phát triển quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ

Việt Nam và Hoa Kỳ đang có mối quan tâm chung trước sự kiện lãnh đạo Bắc Kinh đang biến Trung Quốc thành một “nhà nước hung đồ” (rogue state) có tham vọng bá quyền, hành động phi pháp, đe dọa hòa bình và phát triển trong khu vực, nhất là xâm phạm độc lập và chủ quyền của Việt Nam. Quan hệ Việt-Mỹ cần được phát triển từ đối tác toàn diện sang hợp tác chiến lược toàn diện, và VN đang rất cần sự giúp đỡ của HK để có thể tự bảo vệ độc lập và phục hồi kinh tế. Mục tiêu chung ấy đã được cả hai chính phủ khẳng định và đang nỗ lực gia tăng hợp tác trên mọi lãnh vực.

Quyền lợi cốt lõi của Hoa Kỳ là duy trì quyền tự do lưu thông trên Thái Bình Dương, bảo vệ an ninh và phát triển quan hệ hợp tác với tất cả các nước trong khu vực. Trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc thể hiện quyết tâm làm chủ Biển Đông Nam Á, nhất là bồi đắp các bãi đá thành đảo, xây dựng đường bay và căn cứ quân sự trong khu quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, Hoa Kỳ cần có sự hợp tác của Việt Nam để ngăn chặn tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Đối với lãnh đạo Việt Nam, mối quan tâm sâu sắc nhất trong quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ là sự tồn tại của Đảng và chế độ. Nỗi lo ngại này đã được Hoa Kỳ giải tỏa từ chuyến thăm Washington của CT Trương Tấn Sang năm 2013, nhưng nhóm bảo thủ muốn được xác nhận rõ hơn trong chuyến thăm Mỹ năm nay của TBT Nguyễn Phú Trọng. Họ đã được toại nguyện khi thấy Tổng Thống Hoa Kỳ tiếp Tổng Bí Thư Đảng CSVN tại Phòng Bầu Dục và bản Tuyên bố chung năm nay xác nhận điều hai bên đã công bố năm 2013, “tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.”

Rào cản duy nhất trên con đưòng hợp tác toàn diện là vấn đề cải thiện nhân quyền ở VN. Thật là một nghịch lý khi các lãnh đạo Việt Nam đều thấy rõ hậu quả nghiêm trọng của cơ chế hiện thời, muốn xây dựng một “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”nhưng lại coi vấn đề cải thiện nhân quyền như một đe dọa cho chế độ và ổn định xã hội. Dù sao, quyền con người cũng đã được khẳng định ngay trong lời mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập 1945 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có nguồn gốc từ bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Chân lý này về quyền con người cũng là nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp VN 2013, được ghi rõ trong Điều 3: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.” Ngoài ra, với tư cách một thành viên của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam cũng cam kết tôn trọng bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, đặc biệt là Công ước Quốc tế về các Quyền kinh tế, Xã hội và Văn hóa, và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.

Trong bài diễn văn tại trung tâm CSIS, TBT Nguyễn Phú Trọng xác nhận “còn không ít vấn đề cần phải tiếp tục giải quyết trong đó có vấn đề quyền con người, nhưng chúng tôi đang nỗ lực không mệt mỏi để xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.” Như vậy, đã đến lúc Việt Nam cần vận dụng những nỗ lực không mệt mỏi đó vào việc thể hiện quyền con người như đã được ghi trong Tuyên ngôn độc lập 1945, mô tả đầy đủ trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, và gần đây nhất được xác nhận lại trong Hiến pháp 2013.

Thật ra, trong những cuộc thảo luận giữa Mỹ và VN về nhân quyền không có sự khác biệt về định nghĩa hay nội dung của nhân quyền mà chỉ có sự khác thường trong cách giải thích và thực hiện nhân quyền của Việt Nam. Sau 70 năm cầm quyền, trong đó có 40 năm thống nhất và 20 năm quan hệ bình thường với Hoa Kỳ, vấn đề quyền con người sẽ không thể được giải quyết nếu Việt Nam cứ viện dẫn một cách nhàm chán những lý do về “cách hiểu khác” của Việt Nam về vấn đề nhân quyền và quả quyết “Việt Nam không có tù nhân lương tâm hay chính trị mà chỉ có tù hình sự.” Nói thẳng ra, đây chỉ là một cách mua thời gian cho sự lạm quyền của chế độ.

Xin hỏi: Chính phủ có tôn trọng nhân quyền hay không khi công an bắt bớ và đánh đập tàn nhẫn những người dân đi biểu tình bất bạo động chỉ để phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền đất và biển của Việt Nam? Xin hãy trả lời: tại sao blogger Tạ Phong Tần viết bài chống tham nhũng rất đúng mà bị kết án 10 năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước”? tại sao nhạc sĩ trẻ Việt Khang làm hai bản nhạc yêu nước rất chân tình “Anh là ai” và “Việt Nam tôi đâu” mà bị án 4 năm tù và 2 năm quản chế, cũng với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”? tại sao doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức bày tỏ chính kiến khác biệt của một trí thức trong cuốn sách “Con đường nào cho Việt Nam” lại bị kết tội “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” và lãnh án tới 16 năm tù? Đây chỉ là một ít thí dụ điển hình cho hàng trăm người bị bắt giữ vì phát biểu ý kiến khác biệt nhưng hoàn toàn ôn hòa, không một người nào có hành vi bạo động. Làm sao có thể hiểu được khi TBT Nguyễn Phú Trọng tuyên bố giữa thủ đô Hoa Kỳ: “Tôi khẳng định rằng Việt Nam hết sức coi trọng vấn đề nhân quyền, quyền con người. Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.” Ông còn quả quyết: “Người dân Việt Nam chưa bao giờ được sống trong bầu không khí dân chủ như hiện nay.” Ôi, thế này thì Hoa Kỳ và các nước dân chủ Tây phương cần phải học tập và áp dụng mô hình dân chủ của Việt Nam.

Nhân quyền là một chân lý phổ quát, không có một chính thể nào có thể nhân danh nhân quyền để vi phạm “quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc” của con người. Ngay cả chính trị học Nho giáo cũng dựa trên cơ sở “dân vi quý” tức là các chính sách của nhà nước phài phù hợp với ý nguyện của nhân dân, vì “Ý Dân là Ý Trời”. Dân là nước, chính phủ là thuyền, và như lời Mạnh Tử “nếu lãnh đạo coi dân như cỏ rác thì dân sẽ coi lãnh đạo như thù địch”. Trong trường hợp đó, thay vì tiếp tục chở thuyền, nước sẽ lật thuyền. Thật là một sự tình cờ thú vị vì quan điểm về dân chủ này lại được khai triển rành mạch trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, ngay sau đoạn có câu về quyền con người được Hồ Chí Minh dùng để mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945, hoàn toàn phù hợp với tình trạng VN ngày nay, dù đây là tiếng nói của 13 tiểu bang đầu tiên của nước Mỹ ngày 4.7.1776 chống lại sự áp bức của Vương quốc Anh:

“Rằng để đảm bảo cho những quyền lợi này, các chính phủ được lập ra trong nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân, rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với an ninh và hạnh phúc của họ.

“Thật vậy, sự thận trọng sẽ buộc người ta hiểu rõ rằng một chính quyền đã được thiết lập qua một thời gian dài thì không nên thay đổi chỉ vì những lý do đơn giản, nhất thời. Mọi kinh nghiệm đều đã chứng tỏ điều đó, rằng khi cái xấu còn trong chừng mực chịu đựng nổi, thì nhân loại dễ cam chịu nó, hơn là tự trao cho mình quyền loại bỏ những thể chế mà họ đã quen thuộc. Nhưng khi hàng loạt các hành vi lạm quyền và chiếm đoạt theo đuổi những mục tiêu giống nhau, lộ rõ ý đồ áp chế họ dưới ách chuyên quyền độc đoán, thì họ có quyền và có bổn phận phải lật đổ chính quyền đó và bổ nhiệm những chiến sĩ mới để bảo vệ nền an ninh của họ trong tương lai . . .”

Trong trường hợp Việt Nam, không chỉ có vấn đề “chế độ chuyên quyền độc đoán,” nhóm lãnh đạo ngày nay còn mắc tội phản quốc nếu không kịp thời chuyển hướng, phủ nhận bản mật ước nhục nhã giữa hai Đảng ở Thành Đô năm 1990, vô giá trị vì không hề được Quốc hội thông qua, do lỗi lầm của nhóm lãnh đạo hồi đó.

Tôi không nghĩ rằng trong những cuộc thảo luận về nhân quyền, các đại diện Hoa Kỳ muốn ép buộc Việt Nam phải rập khuôn tổ chức chính trị, sinh hoạt văn hóa và xã hội của nước Mỹ; họ chỉ yêu cầu Việt Nam phải tôn trọng những quyền tự do căn bản của con người mà VN đã xác định trong Hiến pháp 2013 nhưng không thi hành. Những quyền tự do căn bản đó không chỉ phù hợp với Hiến pháp và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ mà cũng phản ánh tinh thần của bản Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và rất đúng với ý nguyện của nhân dân Việt Nam.

Như vậy, đã đến lúc phải khai thông những cuộc thảo luận Việt-Mỹ về vấn đề nhân quyền. Việt Nam hãy bỏ ý định đòi Mỹ phải chấp nhận quan điểm ngoan cố của mình trong chuỗi đối thoại đã kéo dài 20 năm qua. Nói rằng “có cách hiểu khác nhau” về nhân quyền là một lối nói ngụy biện, trái với Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp 2013. Nói rằng “không nên để các vấn đề nhân quyền cản trở quan hệ hai nước” là cách nói vơ vào, có nghĩa là chuyện nhân quyền chỉ để nói chơi, chuyện chính là các dự án đầu tư, thương mại và viện trợ của HK cho VN. Nói thế là không biết rằng chính phủ Mỹ luôn luôn chịu áp lực của Quốc hội về vấn đề nhân quyền. Vì vậy, cùng với quyết định thoát khỏi sự khống chế của Trung Quốc và chọn sự hợp tác bình đẳng với Hoa Kỳ, Việt Nam cần dứt khoát từ bỏ thái độ lúng túng, trì hoãn, nói một đàng làm một nẻo, khiến cho quan hệ phát triển với Hoa Kỳ bị trì trệ, Trung Quốc lấn át, nhân dân càng phẫn nộ.

Chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng là cơ hội tốt nhất cho chính quyền chứng tỏ quyết định sáng suốt và thành thật, củng cố lòng tin chiến lược đối với Hoa Kỳ và được sự ủng hộ của nhân dân. Việt Nam chỉ cần thi hành những điều đã ghi rõ trong bản Tuyên bố chung : “. . . bảo đảm rằng mọi người, bao gồm cả những thành viên của các nhóm dễ bị tổn thương, không phân biệt giới, chủng tộc, tôn giáo hoặc khuynh hướng giới tính, và bao gồm cả người tàn tật, được hưởng đầy đủ các quyền con người. Hoa Kỳ hoan nghênh những nỗ lực hiện nay của Việt Nam hài hòa hóa luật với Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế mà Việt Nam thực hiện nhằm phát triển toàn diện đất nước, kể cả trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản.”

Vì những lẽ trên, chính quyền không nên chậm trễ thiết lập một lộ trình chuyển hóa từ độc tài sang dân chủ, bắt đầu bằng việc phóng thích tất cả những người bị bắt giữ vì yêu nước và vận động dân chủ một cách hòa bình. Chính quyền cần mở ngay những cuộc đối thoại thẳng thắn với trí thức độc lập và ban hành một số biện pháp cởi mở về tự do, dân chủ.

Cộng đồng công dân Mỹ gốc Việt

Sự kiện TBT Nguyễn Phú Trọng chính thức nhìn nhận vai trò của người Mỹ gốc Việt trong chuyến đi lịch sử này đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong thái độ và chính sách của lãnh đạo Việt Nam, không chỉ đối với công dân Mỹ gốc Việt mà còn đối với toàn thể người Việt đã trở thành công dân ở nhiều nước khác trên thế giới. Sự chuyển hướng này là một bước đột phá cần thiết, đặc biệt đối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt, vì cộng đồng này có thể gây ảnh hưởng thuận lợi hay bất lợi cho sự phát triển quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Nếu sự chuyển hướng này là có thật thì cũng đã đến lúc Nghị quyết 36 năm 2004 của Bộ Chính trị phải được thay thế bằng một văn kiện khác, vì những người soạn Nghị quyết 36 đã sai lầm khi thiết lập một chính sách chung cho hai đối tượng khác nhau là Việt kiều và công dân ngoại quốc gốc Việt. Việt kiều (hay kiều bào) là những công dân Việt Nam ra nước ngoài trong một thời gian để làm lao động, tu nghiệp, du học, đầu tư kinh doanh, hay công tác có thời hạn cho chính phủ, làm việc cho các tổ chức quốc tế hay tư nhân. Chính sách giúp đỡ và bảo vệ (hay trừng phạt) Việt kiều không thể áp dụng đối với những người đã trở thành công dân ngoại quốc. Về mặt pháp lý, công dân ngoại quốc gốc Việt là người nước ngoài, có quyền lợi và bổn phận với quốc gia mình đã nhập tịch; “gốc Việt” chỉ có ý nghĩa về mặt tình cảm giữa những người đồng chủng, nhưng yếu tố tình cảm này lại rất quan trọng vì qua đó họ sẽ đóng góp cho đất nước nhiều hơn là người dị chủng, nếu họ được chính quyền đối xử có tình, có nghĩa. Ngay cả khi bị chính quyền nghi ngờ và gây nhiều khó khăn, những cá nhân hay tổ chức nhân đạo do người Việt nước ngoài thành lập vẫn vì tình nghĩa đồng bào mà tiếp tục giúp đỡ dân nghèo, những nạn nhân của bịnh tật, của thiên tai và bất công xã hội. Người ngoại quốc khác chủng tộc đến Việt Nam với mục đích làm ăn, xong việc rồi về nước, hiếm khi có sự ràng buộc tình cảm với quốc gia sở tại.

Bài này chủ yếu nói về công dân Mỹ gốc Việt nhưng cũng đúng cho những công dân gốc Việt từ các nước khác. Chính sách của chính quyền trong nước đối với công dân nước ngoài gốc Việt cho đến nay, trừ một số trường hợp, vẫn là một chính sách ban ơn và có mục đích khai thác. Do thói quen suy nghĩ và hành động ở những nước dân chủ, tất cả những người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi về tới Việt Nam, dù chỉ để du lịch hay thăm bà con, cũng ít nhiều đều bị nhân viên an ninh kiểm soát, theo dõi. Điều này có thể hiểu được và tạm coi là chuyện bình thường. Nói chung thì với phương tiện khá đầy đủ của một du khách, người Mỹ gốc Việt có thể sống thoải mái ở bất cứ tỉnh, thành nào trên toàn quốc. Tuy nhiên, khi có công việc phải liên lạc với một cơ quan chính quyền, nếu không quen biết hay được giới thiệu trước, thì sẽ thường bị rắc rối về thủ tục, tốn kém thì giờ và có thể tiền bạc nữa.

Đáng chú ý là trường hợp những giáo sư, học giả, nhà văn, về Việt Nam tìm kiếm tài liệu nghiên cứu hay viết sách, nếu không được phép trước mà tự ý tiếp xúc với các cá nhân có tư tưởng cấp tiến hay những tổ chức không chính thức ở trong nước, sẽ không khỏi bị công an mời đến “làm việc”, có thể bị cảnh cáo, ngăn cấm hay trục xuất, tùy theo mức độ bị nghi ngờ. Các tổ chức phi chính phủ (NGO) từ bên ngoài về làm chương trình nhân đạo hay giáo dục đều phải khai báo để được sự chấp thuận của Ủy ban Điều phối Viện trợ Nhân dân (PACCOM) tại Hà Nội hay chi nhánh ở các địa phương. Trừ một vài trường hợp quá “thân” với chính quyền, các NGO Mỹ gốc Việt dù đã hoàn tất mọi thủ tục và giúp đỡ đồng bào từ nhiều năm qua vẫn chưa được PACCOM công nhận trong danh sách các NGO được chính thức hoạt động tại Việt Nam. Ngay cả một tập hợp trên 30 NGO Mỹ gốc Việt (VANGO Network) thành lập năm 2005 sau những hội nghị chính thức với PACCOM , Ford Foundation và USAID, để phối trí các chương trình nhân đạo được hiệu quả hơn, cho đến nay cũng vẫn chưa được PACCOM chính thức công nhận.

Những trí thức, chuyên gia và thành viên của các NGO ở nước ngoài không ít thì nhiều đều khó chịu về những thủ tục khó khăn hay những hạch hỏi vô lý về chính trị do quen biết những người hay tổ chức đang bị công an theo dõi ở trong hay ngoài nước. Một số quyết định không trở lại Việt Nam cho đến khi nhà nước thay đổi chính sách. Nhưng rất nhiều người, vì nhu cầu công việc, vì cần thăm nom cha mẹ già hay những lý do bình thường khác, đã phải nhẫn nhịn để khỏi bị làm khó dễ khi xin “thị thực” (tôi dùng chữ “visa” đã quốc tế hóa dễ hiểu hơn). Phải nói thẳng ra rằng chính phủ Việt Nam đang giữ lợi thế “nắm đằng chuôi” trong chính sách đối xử với tất cả những người ở nước ngoài cần hay muốn có visa đi VN . Visa là vũ khí đe dọa có hiệu lực nhất để kiểm soát và ngăn ngừa mọi thái độ chỉ trích hay phản đối chính quyền của những người từ bên ngoài muốn du lịch, thăm gia đình hay làm việc ở VN. Trừ một ít trường hợp ngoại lệ, tất cả các NGO nước ngoài đều bị bộ máy an ninh xếp vào thành phần “diễn biến hòa bình” nguy hiểm chỉ vì ảnh hưởng tự nhiên của hoạt động nhân đạo. Đặc biệt đối với các NGO Mỹ gốc Việt thì visa là thanh gươm Damoclès treo lơ lửng trên đầu, vì họ là đối tượng đáng nghi nhất, vì họ có nhiều cơ hội gần gũi và trực tiếp giúp đỡ người nghèo và bệnh tật, do đó được nhân dân có cảm tình và tin cậy. Ngày nay, với “những nỗ lực không mệt mỏi” như TBT Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố về cải thiện nhân quyền, đã đến lúc Việt Nam nên chủ động “diễn tiến hòa bình” (dịch đúng nghĩa của ‘peaceful evolution’) để có thể tiếp nhận nhiều hơn và điều phối có kết quả tốt hơn các dự án nhân đạo và phát triển của các NGO nước ngoài, nhất là NGO Mỹ gốc Việt.

Ngày 14 tháng Bảy 2015, nhân dịp TBT Nguyễn Phú Trọng có những lời phát biểu chính đáng về cộng đồng người Mỹ gốc Việt, tôi đã viết bài “Hòa giải với người chết” yêu cầu chính quyền Việt Nam hãy giải quyết dứt điểm một vấn đề đã kéo dài 40 năm qua gồm chương trình tìm mộ và cải táng hài cốt những tù cải tạo đã chết trong thời gian bị giam cầm, và chương trình trùng tu Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Bình Dương). Bài viết đưa ra công khai nhiều chi tiết về cuộc vận động và những nỗi thăng trầm của tổ chức Vietnamese American Foundation (VAF), một NGO Mỹ gốc Việt do một số cựu tù cải tạo và con em gia đình tử sĩ VNCH thành lập chỉ chuyên lo vận động và thực hiện hai chương trình nói trên từ đầu năm 2007. Trường hợp VAF được nêu lên với mục đích thử thách thiện chí của chính quyền trong việc nhìn nhận vai trò quan trọng của cộng đồng công dân Mỹ gốc Việt trong sự phát triển quan hệ giữa hai nước. Nếu một dự án hoàn toàn phù hợp với đạo lý con người như của VAF, nhất là đối với những người đã khuất, mà lãnh đạo trong nước vẫn không chịu giải quyết dứt khoát thì chắc chắn sự phát triển quan hệ giữa hai nước sẽ gặp nhiều trở ngại khó vượt qua. Đó là lý do khi VAF bị ngăn cấm, các thân hữu của tổ chức đã vận động được Quốc hội Mỹ lên tiếng can thiệp và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng quyết định đưa dự án của VAF vào những cuộc thảo luận song phương.

Kết quả tức thời là chính quyền tỉnh Bình Dương đã cho phép VAF tiếp tục chương trình trùng tu các ngôi mộ nhưng vẫn phải qua tên cá nhân (chủ tịch VAF đã phải nhờ ông Lê Thành Ân, cựu TLS Mỹ, tạm thời đứng tên xin phép trùng tu một số mộ) và hợp tác thực hiện việc cắt bỏ những cây đã mọc trên mộ và làm sạch cò tại những lô mộ đã trùng tu. Tuy nhiên, đây vẫn có thể chỉ là những đáp ứng rất hạn chế trong kế hoạch trì hoãn việc trùng tu NTBH, thâu hẹp diện tích nghĩa trang để lấy đất cho thuê, khuyến khích gia đình tử sĩ đưa hài cốt thân nhân về quê hay cải táng ở nơi khác, tạo sự cạnh tranh giữa các hội đoàn thiện nguyện người Việt ở nước ngoài. Tất cả những hoạt động có tính phá hoại này đều nhắm đến mục tiêu tối hậu là không để cho NTBH trở thành một di tích lịch sử của cuộc nội chiến 20 năm. Tới đây cũng cần nói thêm là VAF không có ý định độc quyền trùng tu NTBH nên đã kêu gọi mọi người cùng trùng tu mộ và sẵn sàng lui bước nếu có hội đoàn nào được cộng đồng và hai chính phủ Mỹ, Việt tín nhiệm, có đầy đủ khả năng đạt được mục tiêu tối hậu là NTBH được duy trì và bảo quản như một di tích lịch sử. Quan trọng nhất là phải chứng tỏ được sự minh bạch về tài chánh và lề lối làm việc. Tôi nghĩ phương cách thực tế và có hiệu quả nhất là các hội đoàn đã hay muốn tham gia công việc trùng tu mộ nên phối hợp với chương trình trùng tu theo kế hoạch và mô hình thống nhất của VAF. Như vậy vừa giữ được sự tín nhiệm của cộng đồng, tránh được nạn thâm lạm quỹ trùng tu, vừa vô hiệu hóa được âm mưu chia rẽ của những kẻ có ác ý. Với sự ủng hộ của chính phủ và Quốc hội Mỹ, chương trình trùng tu NTBH sẽ mau chóng đạt được mục tiêu mong muốn.

Vì nguồn gốc là tị nạn cộng sản sau biến cố tháng Tư 1975, cộng đồng công dân Mỹ gốc Việt không thể đương nhiên đóng góp tiền bạc và trí tuệ cho sự phát triển đất nước chỉ vì được các lãnh đạo VN phong cho nhãn hiệu “khúc ruột ngàn dặm” hay “một bộ phận không thể tách rời của dân tộc”. Xin đừng quên rằng khi ra đi trong cơn nguy cấp, người tị nạn đã phải bỏ lại hết tài sản và sự nghiệp, mồ mả tổ tiên, bà con và bạn bè thân thiết. Hiện tượng “thuyền nhân” vượt biển gian nan và bi thảm chưa từng thấy trong lịch sử loài người đã diễn ra liên tiếp trong gần hai chục năm. Mấy trăm nghìn đồng bào đã phải làm mồi cho cá biển, hàng nghìn phụ nữ đã bị hải tặc hãm hiếp hay bắt đi mất tích. Ngót một triệu người khác đã phải trải qua cuộc sống khổ cực trong các trại tạm trú ở Hong Kong và Đông Nam Á cho đến khi được chấp thuận đi định cư ở một quốc gia đệ tam hay bắt buộc phải hồi hương, đợt cuối là vào năm 1995. Cũng không thể không nhắc đến gần một triệu quân nhân, công chức bị đầy đọa trong các trại lao động cải tạo khiến hàng chục ngàn người đã chết trong thời gian bị cầm tù, từ dưới 1 năm đến 15 năm hay hơn nữa. Những người sống sót khi được thả về đã bị đối xử kỳ thị trong nhiều năm, không có công ăn việc làm, con cái không được đi học. Rất nhiều gia đình đã bị tan vỡ hay ly tán.

Sau 40 năm định cư và hội nhập thành công ở Hoa Kỳ nay đã đến thế hệ thứ ba, người Việt tị nạn đã trở thành công dân Mỹ và đã hội nhập thành công trên mọi địa hạt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Không ai có thể quên được quá khứ đau thương nhưng đa số đều hướng về tương lai, mong muốn và sẵn sàng giúp cho quê hương thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu và trở thành một quốc gia phát triển. Theo tạp chí Tài Chính ở trong nước (9/2/2015), “tổng lượng kiều hối năm 2014 cán mốc 12 tỷ USD. Số lượng dự án được các kiều bào đăng ký đầu tư về nước đến thời điểm này là 2.000 dự án, mang về nguồn lợi khoảng 20 tỷ USD mỗi năm.” Thử tưởng tượng Việt Nam thật sự quyết định thoát Trung, hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ ở Biển Đông Nam Á, tham gia Hiệp ước Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và chủ động dân chủ hóa chế độ, thì lượng kiều hối từ người Việt ở nước ngoài chắc chắn sẽ gia tăng tới bao nhiêu, nhất là khi đó sẽ có thêm sự đóng góp trí tuệ của hàng chục nghìn nhân tài gốc Việt ở Hoa Kỳ và các nước khác vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Việt Nam sẽ có những “tiền đồn” trợ lực vững mạnh từ những cường quốc văn minh nhất trên thế giới.

Nhưng triển vọng tốt đẹp ấy chỉ có thể thành sự thật nếu chế độ độc tài toàn trị được thay thế bời một chế độ của dân, do dân và vì dân. Sự chuyển đổi thể chế này, như trên đã trình bày, hoàn toàn là vấn đề nội bộ, giữa chính quyền và nhân dân trong nước. Hoa Kỳ không liên quan và, do luật Neutrality Act, cũng đã chính thức xác định “không can thiệp vào những vấn đề nội bộ của Việt Nam.” Công dân ngoại quốc gốc Việt cũng mong muốn có sự chuyển hóa trong hòa bình và cũng chỉ có thể đóng vai trò hỗ trợ. Chính quyền cần phân biệt những tổ chức muốn có vai trò chính trị ở trong nước với các NGO thuần túy. Các tổ chức xã hội dân sự ở trong nước có thể đón nhận sự trợ giúp của những nhóm vận động cho nhân quyền ở bên ngoài nhưng cần hiểu rõ động cơ cá nhân của những người cầm đầu để có thể tránh bị lợi dụng bởi những “nhà thầu” đầy thủ đoạn nhưng đã có nhiều thành tích xấu trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Một số trí thức có uy tín ở trong nước như TS Nguyễn Quang A hay GS Nguyễn Huệ Chi, do có nhiều dịp xuất ngoại tiếp xúc với nhiều cá nhân và tổ chức cộng đồng, có thể cung cấp những thông tin chính xác về động cơ và khả năng hỗ trợ của những cá nhân và tổ chức ở bên ngoài. Tất nhiên, nếu Việt Nam trở thành một quốc gia dân chủ thì chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ, trong đó có công dân Mỹ gốc Việt, sẽ ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ hơn nữa. Mọi đảm bảo đã có sẵn, vấn đề chỉ còn là chính quyền Việt Nam có muốn thực hiện hay không.

Cách mạng Nhung ở Việt Nam?

Thực tế chính trị ở nhiều nước cho thấy sự thay đổi từ một chế độ độc tài toàn trị sang chế độ dân chủ tam quyền phân lập không thể diễn ra trong một sớm một chiều, ngay cả trong trường hợp cách mạng bạo động. Đã có nhiều chế độ độc tài bị lật đổ bằng bạo động nhưng lại được thay thế bằng một chế độ độc tài khác. Trái lại, có nhiều cuộc chuyển hóa thể chế một cách hòa bình đã thành công như trường hợp Hung-ga-ri, Đông Đức hòa nhập vào Tây Đức, “cách mạng nhung” ở Tiệp Khắc và nhiều nước Đông Âu khác, trong đó lãnh đạo cộng sản đã phải trao quyền lại cho một chính quyền dân chủ. Trong trường hợp Việt Nam, Đảng Cộng sản đã phạm quá nhiều sai lầm và tội ác, đã trở thành một đảng độc tài, tham nhũng, phản bội nhân dân và các đảng viên yêu nước, nhưng vẫn có thể tồn tại đến ngày nay là nhờ sự bảo hộ của Trung Quốc do nhóm lãnh đạo Hà Nội sang Thành Đô cầu cứu năm 1990. Từ đó, Bắc Kinh đã có cơ hội sử dụng quyền lực mềm để từng bước lấn chiếm lãnh thổ, cướp đoạt tài nguyên trên đất và trên biển, lèo lái đường lối chính trị, lũng đoạn kinh tế và Hán hóa dân tộc Việt. Hơn thế nữa, Trung Quốc còn dùng Việt Nam làm căn cứ chiến lược để làm chủ toàn thể Biển ĐNÁ, kiểm soát toàn thể các nước ASEAN, do đó xâm phạm lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ và đe dọa các nước trong khu vực.

Thái độ lộng hành của Trung Quốc cùng với lời ngoại trưởng Dương Khiết Trì răn đe các nước ASEAN là “những nước nhỏ” đã khiến cho các nước trong khu vực đều trông cậy vào sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Biển ĐNÁ. Khi xảy ra vụ giàn khoan HD-981, Tập Cận Bình nhiều lần từ chối gặp TBT Nguyễn Phú Trọng làm cho nhóm lãnh đạo thân TQ bị mất mặt và thấy rõ mình bị phản bội và khinh thường trắng trợn. Sau đó, khi Dương Khiết Trì sang Việt Nam kêu gọi “đứa con hoang hãy trở về” thì nhân dân Việt Nam bỗng sục sôi lòng yêu nước và sẵn sàng nổi dậy ủng hộ bất cứ một chính biến nào loại trừ những kẻ còn bám víu vào TQ. Đó là những lý do khiến ông Nguyễn Phú Trọng và phe thân Tàu có thể đã quyết định phải thoát khỏi sự khống chế của Trung Quốc và quay sang hợp tác với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sự chuyển hướng ấy vẫn còn dè dặt, chậm chạp, vì lãnh đạo cộng sản vẫn sợ là đi với Hoa Kỳ thì chế độ sẽ bị lật đổ. Chính vì thế mà Tổng thống Hoa Kỳ đã phải hai lần xác nhận, lần đầu với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lần thứ hai với Tổng Bí Thư Đảng Nguyễn Phú Trọng rằng Hoa Kỳ “tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ (của Việt Nam).” Tiếp theo đó, trong buổi họp báo ở Hà Nội cuối tháng Bảy vừa qua, Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius còn nói rõ hơn, là “Mỹ không tìm cách thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam.” Điều đó khẳng định chính sách của Mỹ là tôn trọng sự khác biệt về thể chế chính trị của mỗi quốc gia vì đó là chuyện nội bộ của mỗi nước. Đại Sứ Osius nhắc lại điều đó với mục đích làm cho Việt Nam được yên tâm trong các nỗ lực cải thiện nhân quyền như đã ghi rõ trong bản Tuyên bố chung. Nhưng điều đó lại có thể bị Việt Nam mượn cớ để duy trì chế độ độc tài, độc đảng. Nói như TS Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập ở Việt Nam, “điều đó lên giây cót cho chế độ chính trị ở Việt Nam.”

Đây là một vòng lẩn quẩn, một tình trạng bế tắc chính trị mà Việt Nam cần phải quyết tâm thoát ra khỏi sớm ngày nào hay ngày ấy.

Như tại Đại hội lần thứ 10 Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ở Hà Nội ngày 9/8/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo truyền thông báo chí nhà nước cần tỉnh táo trước thông tin lợi dụng dân chủ đòi đa nguyên đa đảng, lợi dụng chống tham nhũng để bôi xấu chế độ và chia rẽ nội bộ. Tuyên bố này đã khiến quan sát viên của đài RFA nêu câu hỏi là Việt Nam sẽ cải cách bằng cách nào khi tiếp tục không chấp nhận đa nguyên chính trị?

Câu hỏi này đã được TS Phạm Chí Dũng, từ giới truyền thông độc lập am hiểu tình hình trong nước, trả lời rằng ông được nghe thông tin là “trong Đại hội 12 sẽ không diễn ra sự thay đổi lớn về triết lý chính trị. . . Tôi hiểu là tất nhiên họ vẫn không chấp nhận đa nguyên đa đảng.”

TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể năm 2008 vì bị mất tính độc lập, hiện là đại diện của Diễn đàn Xã hội Dân sự, cũng trả lời RFA rằng “nhà nước không chấp nhận đa nguyên chính trị, và đó là nguyên nhân của tình trạng bê bết vì tham nhũng, kinh tế ách tắc hiện nay.” RFA còn nhắc lại những nhận định mạnh mẽ trước đó của TS Nguyễn Quang A: “Do chuyện chỉ có độc đảng, không có cạnh tranh chính trị, không có một thế lực độc lập lành mạnh luôn luôn canh chừng để vạch ra những việc làm bậy bạ của những người đương chức và nó luôn kè kè là đến cuộc bầu cử tới mà các ông làm bậy, thì dân bằng lá phiếu của mình sẽ đẩy các ông xuống và chúng tôi sẽ lên. Đây là một cơ chế hùng mạnh vô cùng, để buộc người ta bớt tham nhũng đi. Khi buộc người ta bớt tham nhũng đi thì các chính sách mới thực sự thúc đẩy nền kinh tế thị trường…”

Câu hỏi của RFA về tình trạng tiến thoái lưỡng nan của Đảng, vừa muốn cải cách chính trị vừa muốn duy trì độc tài độc đảng, cũng là vấn đề tôi đã nêu ra ở trên là cần thoát khỏi vòng lẩn quẩn và khai thông tình trạng bế tắc chính trị hiện thời. Tôi đã đề nghị giải pháp thích hợp là Đảng và Nhà nước mở ngay những cuộc tham khảo với trí thức cấp tiến để sớm thiết lập một lộ trình (road map) chuyển hóa thể chế từ độc tài sang dân chủ một cách hòa bình và ổn định.

Sau lá thư gửi Bộ Chính trị của Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 1995, trước Đại hội Đảng lần thứ 9 cho đến nay, qua các Đại hội Đảng 10 và 11, nhiều lão thành cách mạng, đảng viên, trí thức, đã lên tiếng về hiểm họa Trung Quốc, đổi mới chính trị và nhiều vấn đề quan tâm khác, dưới những hình thức kiến nghị, tuyên bố và thư ngỏ. Trước tình hình khẩn cấp hiện nay, lãnh đạo đã ý thức được nhu cầu chuyển hướng cần lắng nghe tiếng nói của nhân dân, nhất là trực tiếp tham khảo với trí thức trong và ngoài đảng. Viện Nghiên cứu Phát triển IDS cần được phục hồi, có thể đổi tên, và mở rộng. Trí thức trong và ngoài nước đã đóng góp nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, kể cả dự án cải cách toàn diện. Đầu năm 2015, bảy tổ chức XHDS trong nước cùng để ra chương trình hoạt động “Năm 2015 là Năm Công Dân”, mong muốn chuyển hoá một cách ôn hoà chế độ độc tài toàn trị hiện tồn sang chế độ dân chủ với những bước đi thích hợp. Một tài liệu khác cần xem xét trong việc thiết lập lộ trình chuyển hóa thể chế chính trị là bài viết mới đây của TS Nguyễn Quang A, “Dân chủ hóa: Vài bài học quốc tế và kịch bản khả dĩ cho Việt Nam” (Hội thảo Hè, Berlin, 24-25/7/2015). Tác giả đã tìm hiểu quá trình chuyển đổi chính trị tại 14 quốc gia từ 1945 đến nay, rút ra một số bài học thực tế và trình bày một số tiếp cận có thể áp dụng cho Việt Nam. Khi các dự thảo văn kiện Đại hội 12 được công bố, sự đóng góp ý kiến và nhận định của chuyên gia các giới về cương lĩnh, báo cáo chính trị và chiến lược phát triển kinh tế, xã hội chắc chắn sẽ rất phong phú và sôi nổi. Câu hỏi lớn là bản đúc kết các văn kiện vào cuối năm cho Đại hội 12 có đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân hay không?

Quả thật, tình hình chính trị Việt Nam chưa bao giờ bí mật và khó hiểu như đang diễn ra trước Đại hội 12. Chỉ thấy rõ là có sự đấu đá kịch liệt trong nội bộ Đảng, nhất là từ khi trang blog Chân Dung Quyền Lực bỗng nhiên gây chấn động dư luận trong và ngoài nước với một loạt bài tố cáo đich danh một số tham nhũng gộc trong hàng ngũ lãnh đạo trong mấy tháng cuối 2014 và đầu 2015. Chiến dịch triệt hạ uy tín của nhau khi lên đến mức báo động cho số phận của Đảng thì tạm ngưng (chắc để điều đình với nhau) cho đến khi TBT Nguyễn Phú Trọng đi Bắc Kinh vào tháng Tư và đi Washington vào tháng Bảy. Hai tuần trước khi ông Trọng sang thăm Mỹ thì sự cố về “sức khỏe” của Bộ trưởng Quốc Phòng bùng nổ với những tin tức trái ngược và những hình ảnh đáng ngờ vực ngay cả trên các báo giấy hay báo mạng “lề phải” (của chính quyền). Một số lãnh đạo cao cấp lại có những phát biểu chính thức rất tự mâu thuẫn, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc bài diễn văn gây kinh ngạc nhất trong ngày kỷ niệm 30.4.2015 bày tỏ lòng nhớ ơn “sự giúp đỡ quý báu của Trung Quốc” và tố cáo “tội ác dã man của Đế quốc Mỹ”. Những quan sát viên bình tâm theo dõi tình hình sẽ phải kết luận rằng đây là tình trạng “hỏa mù” do chính các phe chống đối nhau trong bộ máy quyền lực đưa ra để dư luận bị hoang mang, khó ủng hộ hay chống đối phe nào cho đến khi các dự thảo văn kiện Đại hội được công bố (nếu có theo thường lệ) cho thấy phe nào đã thắng hay các phe đã đạt được một đồng thuận nào đó.

Dù sao, các giới nhân dân không nên mất thì giờ chạy theo các nguồn tin trái ngược để phỏng đoán sự thật. Dù kết quả thế nào, đi theo Tàu hay đi với Mỹ, hay vẫn nhập nhằng “bình mới rượu cũ” thêm 5 năm nữa, trí thức và các tổ chức xã hội dân sự vẫn phải tập trung nỗ lực vào việc xây dựng sức mạnh nhân dân để có thể ứng phó với mọi tình huống một cách thích hợp. Kết quả mong đợi là một tiến trình chuyển hóa thể chế ôn hòa từ độc tài sang dân chủ, nhưng nếu phe bảo thủ thân Tàu nắm được ưu thế thì chỉ một ngòi nổ bất thường sẽ gây ra bạo loạn. Trong giai đoạn quyết định này, trí thức, xã hội dân sự và các đảng viên yêu nước không thể chần chừ đòi hỏi chính quyền phải dứt khoát từ bỏ chính sách mập mờ, nói một đàng làm một nẻo. Bằng mọi cách, phải ngăn chặn ý đồ duy trì chế độ độc đảng độc tài mà hậu quả là đất nước sẽ hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc trong 5 năm tới.

Lãnh đạo Đảng đã biết rõ sự chán ghét và bất mãn của dân chúng đang gia tăng và lan rộng nên đã cho thấy ý muốn thoát Trung, nhưng đây có thể chỉ là một bước lùi chiến thuật của Đảng để duy trì và củng cố quyền lực. Trí thức và xã hội dân sự cần phải huy động các mầm mống bất mãn của nhân dân thành một hậu thuẫn mạnh mẽ cho phong trào đổi mới, hoan nghênh bước lùi của Đảng để đẩy tới tiến trình chuyển hóa chế độ chính trị. Hãy bắt đầu bằng việc kêu gọi chính quyền thực hiện “những nỗ lực không mệt mỏi” mà TBT Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố tại thủ đô nước Mỹ khi đề cập đến vấn đề nhân quyền. Cụ thể là yêu cầu chính quyền chấp nhận đối thoại với trí thức và đảng viên yêu nước, thả những người bị giam giữ vì biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, vì vận động cải thiện nhân quyền hay phát biểu chinh kiến khác biệt, ngưng mọi hành động cướp đất và đàn áp dân oan, hợp tác hơn với các NGO nước ngoài gốc Việt, v.v.

Những yêu cầu nhẹ nhàng này là những bước thử thách thiện chí của nhà cầm quyền về việc chuyển lời nói thành hành động, qua đó sẽ dễ dàng nhận ra đường lối đích thực của Đảng và Nhà nước là vì dân hay phản dân. Nếu chính quyền chấp nhận những yêu cầu hợp lý trên đây và đồng ý cùng thảo luận với trí thức cấp tiến về một lộ trình dân chủ hóa trong hòa bình và ổn định thì đó sẽ là đại phúc cho dân tộc. Cuộc chuyển đổi thể chế trong ôn hòa này sẽ còn tốt đẹp hơn cuộc “Cách mạng Nhung” ở Tiệp Khắc, vì sự ra đi của Tổng Bí Thư Milos Jakes và đám lãnh đạo cộng sản ngoan cố ở Tiệp chỉ xảy ra sau một chuỗi sự kiện khởi đầu bằng một vụ đàn áp sinh viên biểu tình kỷ niệm 50 năm cái chết của sinh viên Jan Opletal bị quân Đức Quốc xã sát hại. Vụ đàn áp biểu tình này được dàn dựng bởi chính cơ quan mật vụ StB, tung tin đồn là có một sinh viên tên Martin Smid bị công an đánh chết. Do phản ứng dữ dội của quần chúng, Diễn đàn Công dân (Civic Forum) của Vaclav Havel ra tuyên cáo yêu cầu tập đoàn lãnh đạo phải từ chức, sau đó là những cuộc biểu tinh bất bạo động của hàng trăm ngàn người trong mười ngày trên toàn quốc. Công an không chịu đàn áp biểu tình và quân đội cũng không chịu can thiệp. Cuối cùng, khi Diễn đàn Công dân kêu gọi một cuộc tổng đình công và hầu hết công nhân Tiệp Khắc tham gia thì bè lũ Milos Jakes đành chịu thất bại và nhục nhã ra đi.

Tóm lại, Đại hội toàn quốc Đảng CS lần thứ 12 sẽ thông qua các văn kiện Đảng và xác định chiều hướng chính sách đối nội và đối ngoại trong 5 năm sắp tới. Kết quả là một cuộc chuyển hóa thể chế êm đẹp sẽ diễn ra hay chế độ độc tài độc đảng sẽ tiếp tục thống trị đất nước một cách khắc nghiệt hơn và tàn bạo hơn. Hi vọng rằng đa số lãnh đạo đủ tỉnh táo nhận ra chiều hướng tất yếu của lịch sử và thời điểm đã tới để lựa chọn một giải pháp vừa an toàn cho mọi người vừa có lợi ích to lớn cho đất nước. Mọi người Việt Nam trong và ngoài nước đều đang theo dõi và chờ đợi các dự thảo văn kiện Đảng có thể được công bố vào tháng tới và đúc kết trước cuối năm 2015. Chắc chắn một điều là ý Dân và ý Trời sẽ không cho phép một chính quyền mới tiếp tục duy trì chế độ độc tài độc đảng và quan hệ lệ thuộc vào Trung Quốc. Đã đến lúc phương châm nhảm nhí “16 chữ vàng và 4 tốt” do Bắc Kinh áp đặt phải được vứt bỏ vào sọt rác của lịch sử. Đã đến lúc nhà cầm quyền phải trả lại cho nhân dân những quyền đã được quy định trong điều 3 của Hiến pháp 2013, thực hiện những điều hứa hẹn về một xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh.”

Chuyển hóa chế độ trong hòa bình và ổn định, hay châm ngòi cho một cuộc bạo loạn thảm họa cho chế độ? Cứu nước hay bán nước? Đó là câu hỏi cần được lãnh đạo Đảng và Nhà nước trả lời minh bạch trước Đại hội toàn quốc thứ 12.

Lê Xuân Khoa