Với việc đưa giàn khoan HD-981
ra Biển Đông, Trung Quốc muốn dấn thêm một bước trong việc thít chặt
gọng kìm khống chế tại đây, mặt khác thách thức chiến lược quay lại châu
Á-Thái Bình Dương của Mỹ, để trỗi dậy như một bá chủ khu vực.
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981
ra Biển Đông và hàng chục máy bay, tàu của nước này uy hiếp, cản trở lực
lượng cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, là
bước đi gia tăng căng thẳng nguy hiểm tại khu vực điểm nóng này.
Và đây không phải là lần
đầu tiên Trung Quốc cố ý chạm trán với Việt Nam và các nước láng giềng
khác trong khu vực, liên quan đến vấn đề khai thác dầu khí. Nhưng giới
phân tích nhận định rằng động thái mới nhất không nhằm mục tiêu tìm kiếm
tài nguyên trước mắt, mà ẩn chứa những toan tính chiến lược sâu xa của
Bắc Kinh và sẽ tác động mạnh đến cục diện hiện nay tại Biển Đông.
"Thông điệp rõ ràng mà
Bắc Kinh muốn gửi đến Hà Nội là chúng tôi sẽ khoan tại bất kỳ nơi nào
chúng tôi muốn", Giáo sư Keith Johnson thuộc đại học California Berkely
viết trong một bài bình luận đăng trên Foreign Policy.
Chuyên gia này cũng cho
rằng HD-981 đang được Trung Quốc sử dụng như một "lãnh thổ quốc gia di
động", để từng bước thay đổi hiện trạng, từ đó xiết chặt gọng kìm khống
chế tại Biển Đông.
Cũng chung quan điểm
trên, cựu đô đốc Mike McDevit, trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược
thuộc Trung tâm phân tích Hải quân Mỹ, cho rằng đây là quá trình mà các
động thái nhỏ được tích tụ dần, không dẫn đến xung đột nhưng sẽ dần thay
đổi hiện trạng theo thời gian.
Nhưng trên thực tế, Bắc Kinh đã có những
hành động táo bạo, hung hãn ngăn cản tàu Việt Nam thi hành nhiệm vụ. 80
tàu với sự yểm trợ của máy bay đã tấn công, đâm rách tàu cảnh sát biển
Việt Nam, khiến 6 người bị thương.
Tiến sĩ Ian Storey thuộc
Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore cho rằng các bên đang đối diện
với "một kịch bản vô cùng nguy hiểm". Theo đó, Việt Nam đang bị đẩy vào
thế phải có biện pháp đối phó với hành vi thách thức chủ quyền của Trung Quốc, mà Bắc Kinh chắc chắn sẽ đáp trả.
"Lực lượng cảnh sát biển
và lực lượng kiểm ngư của Việt Nam đã hết sức kiên trì và kiềm chế.
Chúng tôi tiếp tục bám trụ và giải quyết mọi việc ở trên biển nhưng mọi
sự chịu đựng đều có giới hạn. Nếu tiếp tục đâm vào chúng tôi thì chúng
tôi sẽ có những hành động tự vệ tương tự để đáp lại", ông Ngô Ngọc Thu,
phó tư lệnh tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam, trao đổi
trong cuộc họp báo quốc tế hôm qua tại Hà Nội.
Biển Đông luôn được coi
là điểm nóng tiềm tàng nguy hiểm nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình
Dương. Đây là vùng biển có trữ lượng tài nguyên dầu khí phong phú, luôn
nằm trong sự thèm muốn của các quốc gia "khát dầu" như Trung Quốc.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ ước tính tại Biển Đông chứa khoảng 11
tỷ thùng dầu và 190 tỷ mét khối khí tự nhiên. Tuy nhiên, Tổng công ty
Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) tin rằng có thể có gấp 10 lần trữ
lượng dầu khí như thế tại Biển Đông. Trung Quốc hẳn nhiên là thèm khát
nguồn nhiên liệu này.
Tuy nhiên, cách tiếp cận thô bạo của Trung Quốc với các mối quan hệ trong khu vực và những thiệt hại mà nó mang lại sẽ khiến Bắc Kinh khó có thể đạt được mục tiêu trên.
"Cái giá về ngoại giao mà Trung Quốc phải
trả về những gì đang làm là quá cao, vì thế, những gì mà Trung Quốc
mong muốn phải cao hơn những lợi ích an ninh năng lượng đem lại", bà
Holly Morrow, chuyên gia Biển Đông thuộc Trung tâm Belfer, đại học
Harvard, bình luận.
Giá trị quan trọng hơn cả
của Biển Đông đối với Bắc Kinh là vị thế địa chiến lược của vùng biển
này. Nơi đây tập trung các tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu thế giới,
với giá trị thương mại hàng nghìn tỷ USD, nối liền Ấn Độ Dương với Thái
Bình Dương.
Các nhà nghiên cứu cho
rằng Bắc Kinh muốn thực hiện giấc mơ trở thành bá chủ khu vực châu Á -
Thái Bình Dương, thông qua việc tìm mọi cách khống chế Biển Đông.
Ông Rory Medcalf,
chuyên gia về an ninh châu Á thuộc Viện nghiên cứu Lowy, Australia, cho
rằng Bắc Kinh đang muốn đột phá "chuỗi đảo thứ nhất", phân cách Biển
Đông, Hoa Đông và Hoàng Hải với Thái Bình Dương, từ đó gia tăng ảnh
hưởng chính trị và quân sự trong khu vực.
Để thực hiện được những
mục tiêu trên, Trung Quốc cần loại bỏ sức ảnh hưởng của Mỹ tại Thái Bình
Dương, hoặc ít nhất cũng là đạt được thế bình đẳng với Washington trên
các vấn đề trong khu vực.
Siêu cường truyền thống
như Mỹ và cường quốc mới nổi Trung Quốc có những nhận thức rất khác biệt
về lợi ích chiến lược, vì vậy sự trỗi dậy của nền kinh tế thứ hai thế
giới sẽ thách thức trật tự thế giới hiện nay.
Chuyên gia về Việt Nam Carl Thayer nói với hãng tin AFP
rằng vụ giàn khoan HD-981 có thể là phản ứng của Bắc Kinh với chuyến
thăm châu Á vừa qua của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong chuyến thăm,
Mỹ khẳng định sẽ ủng hộ Nhật Bản và Philippines, hai quốc gia đang có
tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh.
"Các cam kết của Tổng
thống Obama với Nhật Bản và hiệp ước tăng cường hợp tác quân sự Mỹ -
Philippines đã thách thức lợi ích chiến lược trên biển của Trung Quốc",
chuyên gia quân sự Lý Kiệt thuộc Viện nghiên cứu Quân sự Hải quân Trung Quốc, bình luận.
Trung Quốc luôn khẳng định đường lối "trỗi dậy hòa bình",
nhưng lại đang dẫn đầu cuộc đua vũ trang tại châu Á. Và hàng loạt động
thái mới nhất của Bắc Kinh chỉ khiến các quốc gia láng giềng ngày càng
lo ngại về đường lối ngoại giao ngày càng cứng rắn của quốc gia này.
Cục diện trên càng khiến
các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương hoan nghênh chiến lược
xoay trục của Mỹ sớm có những biến chuyển thực tế, như một đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.
Trên thực tế, quân đội Mỹ đã chuẩn bị các phương án ứng phó với bất kỳ
hành động mang tính khiêu khích nào của Trung Quốc trên Biển Đông và Hoa
Đông, bao gồm điều động máy bay ném bom B-2 hoặc diễn tập hàng không
mẫu hạm gần khu vực lãnh hải của Trung Quốc.
"Nếu như Trung Quốc có
các hành động tuyên bố chủ quyền đơn phương trong khu vực, sẽ vấp phải
thách thức quân sự từ Mỹ nhằm mục đích buộc Bắc Kinh nhượng bộ", một
quan chức Lầu Năm Góc giấu tên cho hay.
Theo VNEXPRESS
Việt Nam cần giảm lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc
Cùng
với sự lớn mạnh của các nền kinh tế trong khu vực, tác động của các
hiệp định thương mại và sự đa dạng nguồn cung trong thế gi phẳng, việc
giảm dần nhập siêu từ Trung Quốc không phải là vấn đề quá nan giải đối
với kinh tế Việt Nam
Thế giới lên án lối hành xử của Bắc Kinh
Nếu năm 2001, Việt Nam nhập siêu từ
Trung Quốc chỉ 210 triệu USD (thời điểm trước đó còn xuất siêu qua thị
trường này) thì đến cuối năm 2013, con số này đã lên tới hơn 36,9 tỉ
USD.
Phụ thuộc nhiều về nguồn nguyên liệu
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan
về tình hình nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2013 cho thấy: Việt Nam nhập
khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhiều nhất với hơn 6,5 tỉ USD;
kế đó là điện thoại các loại và linh kiện (5,69 tỉ USD); máy vi tính,
sản phẩm điện tử và linh kiện (4,5 tỉ USD); sắt thép các loại (2,3 tỉ
USD)…
Không chỉ nguyên vật liệu, máy móc,
nhiều sản phẩm hàng tiêu dùng trong nước sản xuất được, chúng ta vẫn
nhập từ Trung Quốc. Dệt may, da giày hiện là những mặt hàng xuất khẩu
chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỉ USD nhưng
nguồn nguyên phụ liệu, bông, vải, sợi cho sản xuất đều nhập khẩu phần
lớn từ Trung Quốc.
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2013, ngành
dệt may, da giày nhập khẩu nguyên phụ liệu từ thị trường này đến 1,2 tỉ
USD; nhập khẩu vải, bông các loại, xơ, sợi dệt 4,3 tỉ USD. Ngoài ra, một
số doanh nghiệp (DN) dệt may nhỏ cũng tìm đến máy móc từ Trung Quốc với
giá rẻ.
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty
May Garmex Sài Gòn, cho biết: Trước đây, khoảng 70% nguồn nguyên phụ
liệu phục vụ hoạt động sản xuất và gia công xuất khẩu, công ty phải nhập
khẩu từ Trung Quốc. Đến nay, dù nhà nước liên tục khuyến khích tăng tỉ
lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu ngành dệt may nhưng Garmex vẫn phải nhập
khẩu 50% nguyên liệu từ Trung Quốc do đây là “công xưởng của thế giới”.
Hơn nữa, năng lực sản xuất của DN trong nước không đáp ứng được.
“Từ 2 năm nay, công ty đã thỏa thuận
được với khách hàng Mỹ mua 1 triệu mét vải tại Việt Nam dù giá trong
nước nhỉnh hơn Trung Quốc. Hiện công ty cũng thăm dò các thị trường nhập
khẩu khác như Malaysia nhưng đây không phải thị trường mạnh về nguyên
phụ liệu dệt may” - ông Hùng nói.
Tìm thị trường thay thế
Cũng lệ thuộc đến 80% nguyên liệu nhập
khẩu, thời gian gần đây, các DN nhựa chủ động giảm dần tỉ lệ nhập hạt
nhựa từ Trung Quốc. Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Rạng
Đông, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam - cho biết do thuế nhập khẩu trong
các nước ASEAN bằng 0 nên hiện các DN nhựa đã tăng nhập nguyên liệu của
các nước trong khu vực, nhất là Singapore.
“Cạnh tranh trong lĩnh vực nhựa và
nguyên liệu nhựa khá gay gắt nên nguồn cung dồi dào. Các DN tùy theo
chiến lược, nhu cầu của mình mà lựa chọn nhà cung cấp dựa trên tiêu chí
chất lượng và giá cả. Hàng Trung Quốc có lợi thế lớn nhất là giá rẻ
nhưng đó không còn là ưu tiên hàng đầu để DN lựa chọn. Hiện nguyên liệu
nhựa Trung Quốc nhập về Việt Nam phải chịu thuế trung bình 5%, nhiều DN
bỏ làm ăn với Trung Quốc vì chất lượng hàng hóa phập phù, đạo đức kinh
doanh của họ không tốt…” - ông Lam cho biết.
Với các đơn vị xuất khẩu, thị trường
Trung Quốc nhiều tiềm năng nhưng không phải là cánh cửa duy nhất để DN
đưa hàng ra thế giới.
Công ty CP Vinamit có thị trường xuất
khẩu chính là Trung Quốc với khoảng 60%-70% tổng kim ngạch xuất khẩu
nhưng ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, không tỏ ra
quan ngại.
Theo ông Viên, chính sách của Trung Quốc
là đẩy mạnh bán hàng vào Việt Nam nên giao thương qua đường biên mậu sẽ
không ảnh hưởng nhiều. Còn về đường chính ngạch, tự do thương mại đã mở
rất nhiều, nơi nào có thị trường tiêu thụ thì hàng hóa các nước sẽ đổ
về.
Ngoài Trung Quốc, Việt Nam còn có thị
trường ASEAN, rộng hơn là thị trường châu Á. Việc xuất nhập khẩu giữa
Việt Nam và các nước đang rất thuận tiện. DN có thể xuất khẩu sang các
nước ASEAN rồi từ các nước này xuất sang những thị trường khác. Hồng
Kông cũng là điểm đến lý tưởng mà những DN Việt nên đặt văn phòng tại đó
để tiện giao dịch, buôn bán.
Còn đối với lĩnh vực máy móc thiết bị,
lâu nay DN chọn nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng từ Trung Quốc bởi
giá rẻ nhưng không bền. Trong khi đó, công nghệ từ các nước phát triển
như châu Âu giá lại cao.
Dù vậy, theo ông Claudio Dordi, Trưởng
nhóm chuyên gia dự án hỗ trợ chính sách thương mại đa biên Việt Nam -
EU, cho rằng khi FTA Việt Nam - EU được ký kết, DN xuất khẩu vào châu Âu
không chỉ được hưởng thuế suất ưu đãi mà các DN có thể nhập khẩu máy
móc công nghệ hiện đại từ châu Âu với mức giá rẻ hơn nhiều so với trước.
Chủ động nguồn nguyên liệu
Câu chuyện phát triển nguồn nguyên liệu
nhiều lần được lãnh đạo ngành, Hiệp hội Dệt may đem ra bàn thảo. Theo
một chuyên gia trong lĩnh vực dệt may, Việt Nam có thế mạnh ở khâu sản
xuất nhưng rất yếu ở khâu nguyên liệu. Chúng ta không có nhiều đất nên
việc quy hoạch vùng trồng bông cho sản xuất dệt là không khả thi.
Đến nay, nguồn bông trong nước chỉ đáp
ứng 1% nhu cầu sản xuất trong nước. Thật ra, chúng ta không nhất thiết
phải trồng bông để làm sợi. Các hiệp định kinh tế Việt Nam ký với các
nước, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình
Dương (TPP), điều kiện ưu đãi xuất khẩu cũng không yêu cầu xuất xứ hàng
hóa từ bông mà bắt đầu từ sợi. Làm sao phát triển ngành dệt để cung cấp
cho ngành may mặc? Đây là vấn đề lớn, đòi hỏi phải có chính sách của nhà
nước. Hiện những DN đủ năng lực làm dệt không nhiều, chỉ có Thái Tuấn,
Phong Phú...
Cũng theo chuyên gia này, trước mắt chưa
thể chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, chúng ta có thể tận dụng lợi
thế trong việc sử dụng nguyên liệu của các nước trong khu vực. Liên
đoàn Dệt may Đông Nam Á (AFTEX) đang có chương trình liên minh dịch vụ
trọn gói ASEAN. Theo đó, các nước có thế mạnh về nguyên liệu như
Indonesia, Thái Lan sẽ liên kết với Việt Nam là nước có ngành may tốt để
tạo chuỗi liên kết.
Với chuỗi này, Việt Nam vừa được hưởng
lợi thuế xuất nhập khẩu nguyên liệu đầu vào bằng 0, nếu xuất sang thị
trường Nhật và sắp tới là châu Âu sẽ được hưởng thuế suất 0% (theo Hiệp
định Thương mại Việt Nam - EU).
Trước mắt, các nước ASEAN khó cạnh tranh
với Trung Quốc về giá nhưng có thể tăng sức cạnh tranh bằng việc tăng
chất lượng. Với việc hưởng thuế 0% ở cả đầu vào và đầu ra, chất lượng
nguyên liệu bảo đảm, DN may mặc sẽ lợi nhiều hơn so với mua nguyên liệu
giá rẻ từ Trung Quốc.
Song song đó, có thể giải bài toán
nguyên liệu ngành dệt may bằng cách đẩy mạnh đầu tư cho nguyên liệu hóa
dầu mà Việt Nam đang có nhiều lợi thế phát triển. Xơ sợi tổng hợp chiếm
khoảng 50%-60% nguyên liệu dệt may.
Hiện ngoài dự án sản xuất xơ sợi tổng
hợp của liên doanh Petrolimex - Vinatex Đình Vũ, cả nước có khoảng 6-7
dự án sản xuất xơ sợi polyester, đáp ứng được khoảng 50%-60% nhu cầu xơ
sợi tổng hợp cho ngành may mặc và sẽ vươn lên mức 100% nếu có chính sách
phát triển tốt.
Với ngành nhựa, các DN đang phải phụ
thuộc đến 80% vào nguyên liệu nhập khẩu. Kế hoạch tự cấp nguyên liệu
nhựa cũng đã được đem ra bàn thảo từ nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn
chưa triển khai.
Theo ông Hồ Đức Lam, các DN nhựa trong
nước không đủ lực để đầu tư sản xuất nguyên liệu mà phải kêu gọi sự tham
gia của các tập đoàn đa quốc gia. Muốn vậy, cần phải có chính sách ưu
đãi đầu tư, các cam kết hỗ trợ của Chính phủ để thu hút nhà đầu tư nước
ngoài. Khoảng 5-7 năm nữa, ngành nhựa có thể giảm phụ thuộc vào nguyên
liệu ngoại nhập.
“Một trong những hướng ra để giảm dần sự lệ thuộc nhập siêu từ Trung
Quốc là tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như
TPP, Việt Nam - EU… Hiện 7/8 FTA mà Việt Nam đã tham gia phần lớn ký kết
với khu vực châu Á” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Quốc Khánh cho
biết. |
Chiếm hơn 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 4
tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 45,74 tỉ
USD, tăng 16,9% và nhập khẩu gần 45,1 tỉ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ
năm 2013. Trong đó, thị trường nhập khẩu từ châu Á vẫn chiếm tỉ trọng
lớn nhất trong số các thị trường nhập khẩu hàng hóa của cả nước với trên
79,8%.
Ngoài ra, Việt Nam phải nhập khẩu hàng
hóa, nguyên vật liệu từ thị trường Đông Á hơn 59,2%, riêng Trung Quốc đã
chiếm gần 27,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
|
Theo NGƯỜI LAO ĐỘNG
Khu vực giàn khoan HD-981 xâm phạm trái phép ít có dầu khí
Quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng
Sa là hai trong số các khu vực thường xuyên xảy ra căng thẳng ở Biển
Đông do hành vi trái phép của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo EIA, không
giống như các bộ phận khác của Biển Đông, hai khu vực này lại không có
trữ lượng lớn về tài nguyên dầu khí. Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật
Biển (UNCLOS) 1982, sở hữu các đảo có người sinh sống (và có đời sống
kinh tế riêng biệt) có thể mở rộng khả năng tiếp cận độc quyền của một
quốc gia đối với các nguồn năng lượng xung quanh đảo.
Phân tích của EIA cho thấy hầu hết các
khu vực chứa dầu khí đã được phát hiện là các khu vực không có tranh
chấp và ở gần bờ của các quốc gia ven biển. Nguồn tin công nghiệp cho
thấy hầu như không có dầu và chưa đầy 100 tỷ feet khối (4 tỷ m3) khí đốt
tự nhiên ở các khu vực gần quần đảo Trường Sa. Thậm chí, quần đảo Hoàng
Sa chỉ có một ít khi đốt tự nhiên và hoàn toàn không có dầu mỏ.
Theo ước tính, Biển Đông có khoảng 11 tỷ
thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối (7 nghìn tỷ m3) khí đốt tự nhiên.
Con số này tương đương với trữ lượng dầu của Mexico và bằng 2/3 trữ
lượng khí đốt của Châu Âu, không kể Nga.
Trong năm 2012, Cơ quan Khảo sát Địa
chất Mỹ (USGS) ước tính có khoảng 12 tỷ thùng dầu và 160 nghìn tỉ feet
khối (gần 6 nghìn tỷ m3) khí đốt tự nhiên chưa được khám phá ở Vịnh Thái
Lan và các khu vực lân cận. Khoảng 1/5 nguồn tài nguyên dầu khí có thể
được tìm thấy trong khu vực tranh chấp, đặc biệt là ở khu vực Bãi Cỏ
Rong (Reed Bank) ở cuối quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
EIA dự báo sản xuất dầu mỏ ở khu vực
Đông Nam Á sẽ chững lại hoặc giảm sút trong những năm tới và nguồn khi
đốt ở Biển Đông có thể đáp ứng một phần quan trọng của nhu cầu năng
lượng trong tương lai.
Nếu dự báo của EIA là chính xác, người
ta tự hỏi vì sao Trung Quốc lại “cố sống, cố chết” đưa giàn khoan nước
sâu Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981) đến khu vực ít tiềm năng dầu khí
gần quần đảo Hoàng Sa và nằm trên thềm lục địa Việt Nam – bất chấp chi
phí vận hành-bảo vệ vô cùng tốn kém cũng như vấp phải phản ứng dữ dội
của Việt Nam và sự lên án của cộng đồng quốc tế?
Câu trả lời: đây là bước thăm dò đầu
tiên trong mưu đồ “độc chiếm Biển Đông”. Nếu bước đầu tiên này không bị
ngăn chặn, một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ ngang nhiên tiến hành khoan
thăm dò và khai thác (với sự tháp tùng của tàu chiến) ở những khu vực
không có tranh chấp và gần bờ của các nước ven Biển Đông – với mưu đồ
thay đổi hiện trạng “ biến không có tranh chấp thành tranh chấp và biến
cái của người khác thành của mình”.
Theo ĐỜI SỐNG & PHÁP LUẬT
______________________________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét