Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Trung Quốc: chiến dịch giàn khoan và tình hình nội bộ


Nguyễn Sơn Bá



Cột mốc chủ quyền di động của Trung quốc trên Biển Đông

“…Dựa trên thái độ và cử chỉ của chính quyền Bắc Kinh trong khoảng thời gian gần đây, Trung Quốc đang đi vào con đường hung hăng và bạo ngược. Có lẽ đây là điềm thông báo của một sự sụp đổ trong tương lai gần đây…”
Từ hai tháng nay vụ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã làm náo động dư luận, không những trong nước mà cả thế giới. Động tác này của Bắc Kinh đã gây nên tình trạng căng thẳng, nóng bỏng trong vùng Biển Đông. Nhân dân Việt Nam bức xúc phẫn nộ.

Bất ngờ vào ngày 15/07/2014, tức một tháng trước thời hạn do Trung Quốc thông báo trước đây, giàn khoan đã được dời đi làm cho tình hình có vẻ lắng đọng xuống. Nhưng những câu hỏi liên quan đến động cơ của chính quyền Bắc Kinh khi đưa ra chiến dịch này vẫn còn nguyên vẹn, chưa ai có giải đáp ổn thỏa.
Tại sao Bắc Kinh nhắm vào Việt Nam để mở chiến dịch bành trướng?

Tình trạng hiện nay của Trung Quốc 

 
Trung Quốc là một trong những nước cộng sản độc tài toàn trị hiếm hoi còn lại. Nước họ, với dân số trên dưới 1 tỷ 400 triệu, là nước đông dân nhất trên thế giới, nhưng tài nguyên và ruộng mùa chỉ có giới hạn.
Đến nay, họ phát triển chủ yếu nhờ mở rộng thị trường nước ngoài, dựa vào hai yếu tố: giá lao động rẻ và các hợp đồng gia công với chuyển giao công nghệ từ các quốc gia dân chủ tiên tiến. Vốn đầu tư lúc ban đầu cũng đến từ các quốc gia này (trong năm 2013 đã lên đến 127 tỷ dô la).
Bắc Kinh lúc nào cũng ý thức những điều đó. Họ sợ nhất là bị cô lập và bao vây vì kinh tế sẽ sụp đổ, ảnh hưởng đến tình hình xã hội. Do vậy, họ cần mở cửa và bắt buộc phải giữ cửa mở, nếu không chế độ sẽ không trụ được.
Trong khoảng thời gian gần đây, do tình hình khủng hoảng kinh tế chung của thế giới, mức tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại. Chỉ số tăng trưởng đang hạ cánh: 10.3% năm 2010, xuống còn 7.8% vào năm 2013, 7.3% năm 2014 (dự đoán), và có thể xuống dưới mức 7% trong những năm tới. Vào tháng 03/2014 chỉ số xuất khẩu (170.1 tỷ đô la) giảm 6.6% so với tháng 3/2013. Mức trội thu cán cân thương mại giảm 59.7% trong quý đầu năm so với năm trước và thâm thủng - 23 tỷ đô la vào tháng 02/2014.
Để tiếp tục phát triển, Bắc Kinh chuyển hướng kinh tế, kích cầu nội địa để giảm lệ thuộc vào xuất khẩu và tránh tình trạng ngưng đọng của các sinh hoạt kinh tế. Chính sách này đang gặp khó khăn, khả năng tiêu thụ trong nước rất giới hạn (chỉ số nhập khẩu giảm 11.3% so với trước, cùng kỳ). Mức thu nhập của các thành phần lao động công nhân và nông dân còn quá thấp (bình quân khoảng 550 đô la đầu người mỗi tháng, ngân sách lương thực, thực phẩm của các gia đình hiện nay còn chiếm 37 % ở thành thị và 40 % ở nông thôn, với hơn 120 triệu người có mức thu nhập 1 đô la mỗi ngày). Đó là hậu quả của chính sách ép lương lao động mà chính quyền Trung Quốc áp dụng từ trước đến nay và sự gia tăng của mức chênh lệch giàu nghèo (chỉ số GINI tăng từ 29/1 vào năm 1981 lên 42.7 năm 2005, 46.9 năm 2010, và 47.4 năm 2012).
Các hậu quả tiêu cực bắt đầu phát sinh như nạn thất nghiệp, công ty xí nghiệp bị phá sản đóng cửa, thị trường nhà đất suy sụp, nợ chồng chất ngày càng cao.
Theo các nhà nghiên cứu, mức nợ vay hiện nay là mối đe dọa cho nền kinh tế Trung Quốc. Theo ước tính, tổng số nợ vay ngân hàng lên khoảng 215% GDP chủ yếu tập trung vào lãnh vực công, thêm vào đó phải cộng khoảng + 44% GDP nợ vay ngoài hệ thống ngân hàng. Nợ công của các địa phương tăng nhanh, lên 67%, trong vòng 2 năm rưỡi đạt đến 2700 tỷ đô).
Trong tổng số nợ cho vay đó có một số lớn nợ khó đòi, đặc biệt là trong lãnh vực nhà đất cũng như ở các địa phương như trường hợp phá sản của thành phố Donghuan (8 triệu dân) ở Quảng Đông, và của nhiều cơ quan xí nghiệp nhà nước.
Mặc dù có những chấm đen, nhưng nền kinh tế Trung Quốc đến giờ chưa có triệu chứng khủng hoảng. Nhưng tình hình có thể thay đổi nhanh chóng nếu thị trường xuất khẩu bị bế tắc.
Thêm vào đó, trên địa hạt xã hội và chính trị nội bộ, nhiều dấu hiệu bùng nổ bắt đầu xuất hiện như phong trào đấu tranh đòi quyền tự trị, sự chống đối của các vùng bị bỏ quên trong chính sách phát triển trước đây, phong trào đòi tăng lương của các thành phần công nhân và lao động, nạn tham nhũng tràng đầy, nạn ô nhiễm trầm trọng ảnh hưởng đến nước uống, nông sản và sức khỏe của người dân, những vụ đấu đá nội bộ gây chia rẽ…
Do vậy chính quyền trung ương tìm cách hướng sự chú ý của nhân dân vào những vấn đề đối ngoại để tránh mọi rủi ro bùng nổ trong nội địa.

Mục đích của Bắc Kinh khi mở chiến dịch giàn khoan 
 
Như kinh nghiệm lịch sử cho thấy, các chính quyền độc tài toàn trị lúc nào cũng dùng chiến tranh hay tranh chấp với nước ngoài như phương tiện để tìm lối thoát, giải quyết các khó khăn trong nước. Và khuynh hướng tự nhiên là bành trướng bằng xâm lược, lấn chiếm bằng vũ lực. Họ cần gây xung đột để đánh lạc hướng người dân.
Mặt khác, họ cũng muốn nới rộng vòng đai an ninh quốc phòng, bằng cách nới rộng lãnh thổ và lãnh hải ở các vùng giáp ranh.
Trong trường hợp đặc biệt của Trung Quốc, Bắc Kinh từ xưa đến nay vẫn cho là Châu Á thuộc vùng ảnh hưởng, nếu không nói là đặc quyền kinh tế và thống trị, của họ. Với ý đồ đó, các quốc gia đối tượng trong tầm chiến lược của họ chỉ có thể là những nước giáp ranh và các vùng lân cận trên biển Thái Bình Dương.
Lợi dụng thời cơ, lúc các quốc gia dân chủ tiên tiến đang lẩn quẩn để giải quyết những khủng hoảng về mặt kinh tế và xã hội, đối đầu với các phong trào khủng bố Hồi giáo, theo dõi tình hình nóng bỏng ở Trung Đông, Trung Quốc cũng như các quốc gia thuộc khối cộng sản trước đây tìm cách trỗi dậy, lập lại các vùng ảnh hưởng đã mất. Tình hình thế giới bắt đầu căng thẳng trở lại và cuộc chạy đua trang bị vũ khí đã bắt đầu.
Ở Đông Âu có Nga đang thôn tính Crimea và yểm trợ các chính quyền thân Nga ở Tây Á. Ở Châu Á có Trung Quốc đang thực hiện ý đồ ở vùng Đông Nam Á và đặc biệt là biển Thái Bình Dương. Trong những quốc gia này, Việt Nam là miếng mồi ngon nhất.
Dĩ nhiên tất cả các chính quyền trong vùng cũng như các quốc gia liên can đều biết rõ ý đồ của Bắc Kinh từ lâu, nhưng ít ai nắm được lý do tại sao Trung Quốc bất ngờ mở chiến dịch đánh một cách thô bạo vào một nước đồng minh và đã hoàn toàn thần phục, để rồi sau đó rút đi trong khi không có gì ép buộc họ thật sự.
Nếu nói là Trung Quốc muốn lấn chiếm một vùng lãnh hải thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam vì lý do kinh tế thì không đúng vì không chắc là nơi đặt giàn khoan HD 981 có dầu khí và nếu có đi nữa thì chẳng có ai đầu tư vào một vùng mà chủ quyền chưa được xác định. Do vậy đó chỉ có thể là một động tác có tính cách chính trị.
Ngoài ra, mặc dù ngoài mặt Bắc Kinh tỏ vẻ hống hách, ngạo nghễ không những đối với Việt Nam và đối với cả cộng đồng thế giới, Trung Quốc lúc nào cũng sợ có chiến tranh.
Do vậy Việt Nam không những là miếng mồi ngon mà còn là miếng mồi lý tưởng nhất. Họ biết chắc là sẽ không có chiến tranh hoặc sự tranh chấp bằng vũ lực từ phía chính quyền Hà Nội, vì họ đã nắm vững các nhân sự trong quân đội, công an và các tổ chức nhà nước. Việt Nam sẽ không nhờ sự can thiệp của nước ngoài. Nếu không có được yêu cầu, các quốc gia như Hoa Kỳ không có lý do chính đáng để tham dự vào cuộc «xung đột» Việt-Trung. Cũng trong chiều hướng đó, họ tin chắc rằng Việt Nam sẽ không bao giờ đưa sự việc ra Liên Hiệp Quốc để khiếu kiện.
Ngoại trừ vài hành động hình thức nhằm mục đích xoa diụ lòng dân để tránh những cuộc nổi loạn, chính quyền Việt Nam sẽ không làm xáo trộn tính toán của họ. Kế hoạch của Bắc Kinh đã diễn ra như ý muốn qua sự vắng mặt từ đầu đến cuối của các lực lượng vũ trang Việt Nam trong các vùng tranh chấp và sự từ chối của Hà Nội đối với các đề nghị yểm trợ về mặt quân sự từ các quốc gia dân chủ như Nhật Bản và Hoa Kỳ. Lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam chỉ ra vẻ bối rối, rụt rè để làm tuồng chống đối, để rồi cuối cùng chẳng làm gì hết.
Trong chiến dịch này, tại sao Bắc Kinh phải tỏ vẻ thách thức và ngạo mạn đối với Việt Nam và đối với cộng đồng thế giới trong khi thái độ của Hà Nội rất hòa hoãn?
Có lẽ mục đích thầm kín của họ không phải để làm cho chính quyền Việt Nam sợ vì đã bị họ nắm trong tay, và cũng không phải đối với Hoa Kỳ và các nước đồng minh, thường là những nước đối tác thương mại của họ. Qua những hành động và thái độ này, Bắc Kinh muốn kích thích lòng tự hào và tinh thần dân tộc của nhân dân Trung Quốc mà họ đã vung bón từ lâu. Họ muốn tập trung sự giận dữ của dân trong nước vào những đối tượng nước ngoài, quên đi phần nào những bức xúc do chính quyền gây nên.
Mục đích của họ nhằm chứng tỏ với dân là Trung Quốc đã trở về vị trí "Đại Hán". Để chứng minh điều này, họ đưa ra cộng đồng thế giới những yêu sách về quyền kiểm soát những không phận không thuộc chủ quyền của họ cũng như những vùng lãnh hải thuộc bản đồ "lưỡi bò" mà họ đã truyền tải trong dân, mặc dù họ hoàn toàn ý thức rằng đó chỉ là những điều mơ ước, mộng tưởng.
Ngoài ra họ cũng muốn làm một cuộc thử nghiệm để thăm dò và đo lường mức chống đối và phản ứng của đối phương nếu họ tiếp tục chèn ép những nước yếu hèn khác trong vùng, tiến thêm một bước nữa trong việc cọ xát với các nước ngoài.
Do vậy, nếu giả thuyết này đúng, chiến dịch giàn khoan mà Trung Quốc tung ra chỉ là một đường lối tuyên truyền, vận động quần chúng trong nước của họ. Đồng thời cũng là một chuẩn bị cho những bước sau của chính sách bành trướng mà họ đã vẽ ra.

Viễn ảnh tương lai 

 
Có người hỏi tại sao chính quyền Bắc Kinh cần phải vận động quần chúng và gây thêm kẻ thù vào thời buổi này?
Chúng ta đừng quên là nếu Trung Quốc có được mức phát triển ngày hôm nay là hoàn toàn nhờ chính sách « mở cửa », cho phép các nước ngoài vào buôn bán và xử dụng lao động rẻ tiền và nhờ sự đóng góp đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các quốc gia dân chủ tiên tiến.
Về phần khối dân chủ, Hoa Kỳ đứng đầu, họ hy vọng qua trao đổi, Trung Quốc sẽ từ từ tiến đến một chế độ dân chủ để hòa hợp với cộng đồng thế giới tự do. Đôi bên đều có lợi và hòa bình được củng cố và ổn định. Trong tình thần đó, tổ chức WTO đã ra đời và một số hiệp ước được ký kết với các quốc gia cộng sản độc tài, Liên bản Ngã Trung Quốc Việt Nam v.v..., như mọi người đã biết.
Nhờ đông dân và chính sách giữ đồng lương lao động ở mức thấp, sản xuất hàng hóa với giá bán rẻ tiền, Trung Quốc đã trở thành cơ xưởng của thế giới và phát triển liên tục ở mức độ cao từ gần 35 năm nay. Hiện nay, tổng sản lượng quốc gia của Trung Quốc đã lên đến 9240 tỷ đô la (2013, số liệu từ Ngân Hàng Thế Giới), đứng hàng thứ nhì trên thế giới về mặt kinh tế, sau Hoa Kỳ (17,438 tỷ). Tham vọng của chính quyền Bắc Kinh, song song với sự trỗi dậy về mặt kinh tế, là đưa Trung Quốc lên hàng đầu của thế giới về mặt chính trị và quân sự, tìm lại vị thế của nước Đại Hán ngày xưa. Đó là nguyên nhân của cuộc chạy đua để trang bị vũ khí của Bắc Kinh trong những năm qua, như mọi người đã chứng kiến.
Thể hiện sự thành công về kinh tế và tham vọng này, Trung Quốc trở nên càng ngày càng hống hách, ngang ngược và lộ rõ ý đồ bành trướng. Họ lấn chiếm các nước mà họ cho là nằm trong phạm vi ảnh hưởng, đặc quyền của họ và tìm cách loại trừ ảnh hưởng các nước dân chủ tiên tiến ra khỏi vùng Châu Á. Mặt khác, trong địa hạt chính trị nội bộ, thay vì từng bước dân chủ hoá chế độ, Bắc Kinh ngày càng độc tài và xiết chặt tất cả các quyền công dân và tự do.
Thái độ của Bắc Kinh hoàn toàn trái ngược với mong đợi của các quốc gia dân chủ và những cam kết khi tham gia vào tổ chức WTO.
Sự thành lập gần đây của tổ chức TPP (Trans-Pacific Partnership) gồm 11 quốc gia ven biển Thái Bình Dương với khoảng hơn 40% tổng sản lượng thế giới, trong đó có Việt Nam, để trao đổi mậu dịch tự do và không thuế quan, với mục đích không cần giấu của Hoa Kỳ là loại trừ Trung Quốc ra khỏi thị trường này, là một sự đe doạ cho nền kinh tế của Trung Quốc. Nếu mọi sự diễn biến như tính toán của Hoa Kỳ thì Trung Quốc sẽ bị đưa vào thế cô lập dẫn đến sự tàn rụi của một nền kinh tế đang lên và sự sụp đổ của chế độ.
Bắc Kinh e ngại sẽ gặp khó khăn trong tương lai gần đây và chuẩn bị cách chống trả.


Thông báo một sự sụp đổ 

 
Trung Quốc từ khi mở cửa tham gia vào sinh hoạt chung của cộng đồng thế giới, đã trở thành một đối tác quan trọng đáng kể. Ai cũng biết là sự thăng trầm của nền kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nặng trên nền kinh tế toàn cầu và một số quốc gia. Chẳng ai muốn cho Trung Quốc sụp đổ.
Mặt khác, nếu chính quyền Bắc Kinh tiếp tục đe dọa hòa bình và sự ổn định của thế giới, thì không có giải pháp nào khác hơn là phải chế tài tập đoàn này bằng cách siết chặt vòng vây để bóp nghẹt mọi ý đồ bành trướng thô bạo, ngang ngược bằng vũ lực như Bắc Kinh đã cho thấy trong khoảng thời gian gần đây.
Giữa chính sách "trỗi dậy trong hòa bình" và "trỗi dậy để lấn chiếm, đảo lộn ổn định và trật tự thế giới", Bắc kinh phải có sự lựa chọn.
Phản ứng hung hăng của Trung Quốc qua chiến dịch giàn khoan HD 981 sẽ không làm thay đổi cục diện, thế cờ. Ngược lại nó chỉ làm cho các quốc gia không liên quan đến cuộc đấu đá giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh, xích lại gần Hoa Kỳ hơn, xích lại gần nhau hơn như chúng ta đã thấy qua liên minh chống Trung Quốc giữa Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ.
Hành động đó cũng không phải là một biểu dương lực lượng vì Trung Quốc chỉ hướng vào một quốc gia có chính quyền đã đầu hàng. Nó cũng không xác định quyền sở hữu hay quyền khai thác trên một vùng lãnh hãi vẫn còn tranh chấp và có sự giám sát của quốc tế. Nó chỉ làm cho nhân dân Việt Nam và các quốc gia trong vùng bất mãn và phẫn uất thêm. Họ sẽ làm mọi cách để tách rời khỏi quỹ đạo của Bắc Kinh. Có lẽ vì nhận thức được điều này nên Bắc Kinh đã cho lệnh rút lui giàn khoan, đánh dấu sự thất bại của chiến dịch.
Ai cũng hiểu là Bắc Kinh đang có những mối lo âu do sự hạ cánh của mức tăng trưởng về phương diện kinh tế và phong trào chống đối ngày càng lan rộng trong xã hội và từ các nước ngoài. Nhưng chính quyền Trung Quốc thay vì xích lại gần với những nước đối tác để tìm cách thoát hiểm, họ lại chọn sự hống hách, ngạo mạn để tự tạo thêm nhiều khó khăn. Vụ tranh chấp đảo Điếu Ngư (Senkaku) chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự hợp tác với nước Nhật. Sự suy giảm đầu tiên từ khi mở cửa 6.7% vốn đầu tư nước ngoài vào tháng 5/2014, nếu không phải do vụ xung đột với Việt Nam thì cũng phải báo động Trung Quốc về hậu quả của chính sách kinh tế và chính trị mà họ đang đeo đuổi. Cuối cùng là nếu dân Việt Nam tẩy chay hàng Trung Quốc thì cán cân thương mại của họ có khả năng không đạt mức trội thu 23 tỷ đô la từ nước ta như năm qua.
Tập đoàn lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đang đứng trước ngã ba đường. Họ có thể tiếp tục tiến lên trong hòa bình và ổn định, hay chọn chính sách dùng sức mạnh để lấn áp những xứ giáp ranh, thực hiện mộng bá quyền. Nếu họ chọn sự bạo ngược và thách đố, có ngày sẽ bị bao vây khép cửa và nền kinh tế đang lên sẽ bị khựng lại.
Dựa trên thái độ và cử chỉ của chính quyền Bắc Kinh trong khoảng thời gian gần đây, Trung Quốc đang đi vào con đường hung hăng và bạo ngược. Có lẽ đây là điềm thông báo của một sự sụp đổ trong tương lai gần đây. 


Nguyễn Sơn Bá 29/07/201

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét