Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Romania những ngày cuối năm 1989



Trần Dương



Nicolae Ceauşescu




Trong thế kỷ XX, Romania là một trong số những quốc gia bị cai trị bởi một thể chế độc tài hà khắc nhất. Ngay cả trong hệ thống XHCN cũng chỉ có vài ba nước mà mọi người dân từng giây từng phút phải thể hiện sự tôn sùng lãnh tụ như ở nước này. Không những “lãnh tụ” Nicolae Ceauşescu mà cả vợ ông ta là Elena Ceauşescu cũng là đối tượng của sự tôn sùng đến mức lố lăng (bà ta được phong viện sỹ hàn lâm và có quyền sinh quyền sát không kém gì chồng).

Vì trong xã hội Romania trước cuối năm 1989, những biểu hiện bất mãn với chế độ là không đáng kể, và một số ít ỏi những kẻ thể hiện thái độ như vậy bao giờ cũng nhanh chóng bị loại trừ, nên ngay đến đầu tháng 12 năm 1989 cũng không ai ngờ rằng chỉ mấy ngày sau đó chế độ Ceauşescu đã sụp đổ, và vợ chồng ông ta bị xử tử. Trước ngày đó, có lẽ trong xã hội mọi người đều tin rằng đại đa số cũng chán ghét vợ chồng Ceauşescu như mình, nhưng không ai dám thổ lộ với người khác, vì nhỡ ra…

Rất giống Mao ở Trung Quốc, họ Kim ở Triều Tiên và ở một vài nước khác, tại Romania Ceauşescu cũng đã được gọi là Người Dẫn Đường và Thiên Tài vùng Carpat. Ông ta sống và xử sự với dân chúng như một ông vua. Ngày kỷ niệm lớn nhất hàng năm của dân tộc là ngày sinh ông ta. Trong ngày đó, ai có vẻ mặt không vui sẽ dễ gặp nguy hiểm. Ceauşescu không thể ngờ… (Và không chỉ ông ta. Mọi loại độc tài đều nghĩ toàn dân tuyệt đối trung thành với mình, mình sẽ cai trị suốt đời và truyền ngôi cho con cháu hoặc những kẻ tâm phúc.)

Tháng 11 năm 1989, đại hội XIV ĐCS Romania bầu lại Ceauşescu 71 tuổi làm đảng trưởng. Trong đại hội, ông ta lên án “bọn phản động” đã lật đổ chế độ XHCN ở các nước Đông Âu khác, và cũng phê phán “sai lầm” của các đảng cầm quyền ở những nước này. Cố nhiên, ông ta cho rằng đường lối của mình là tuyệt đối đúng.

Trong thời gian đó, ở Romania nổi lên một nhân vật tên là László Tőkés, người bị chính quyền buộc tội kích động hận thù dân tộc. Để phát động quần chúng chống lại nhân vật này, chính quyền Ceauşescu tổ chức những cuộc diễu hành quần chúng để uy hiếp nhóm người theo László. Tuy nhiên, sang tháng 12 thì, với sự tham gia của hàng vạn sinh viên, các cuộc diễu hành đã đảo ngược mục tiêu ban đầu, biến thành biểu tình chống chế độ, do sự bất mãn sâu sắc của người dân về đời sống và quá nhiều vấn đề xã hội bức bối.

Ngày 18 tháng 12, Ceauşescu đi thăm Iran, trao nhiệm vụ xử lý biểu tình lại cho vợ và thuộc hạ. Tối 20, ngay sau khi trở về từ Iran, ông ta lên truyền hình tuyên bố: Trong những sự kiện tại Timişoara có bàn tay các thế lực thù địch nước ngoài, phối hợp với nội gián trong bộ nội vụ. Điều này làm đa số dân chúng hoàn toàn bất ngờ, trừ những người lén nghe đài phương Tây hoặc truyền tin bằng miệng.

Ngày 21, đích thân Ceauşescu trực tiếp ra lệnh tổ chức meeting ở Bucharest để xốc lại tình hình. Cuộc meeting được mở đầu giống như hàng chục cuộc khác, trong đó người dân chỉ có nhiệm vụ tỏ ra lắng nghe từng lời và tung hô lãnh tụ. Lần này Ceauşescu cũng nói về những thành tựu của CNXH ở Romania, và thêm phần lên án bọn phiến loạn Timişoara. Nhưng thật bất ngờ, khoảng 10 phút sau bỗng có tiếng huýt sáo, rồi cả đám đông trở nên hỗn loạn, với những tiếng gào thét đầy phẫn nộ. Ai đó xướng lên, và tất cả đồng thanh hát vang: Ti-mi-şoa-ra! Ti-mi-şoa-ra! Ceauşescu giơ tay yêu cầu trật tự, rồi vội đưa ra lời hứa tăng lương cho người lao động.

Đánh hơi thấy mối nguy chết người, Ceauşescu cùng vợ vội rời diễn đàn, lủi vào tòa nhà của ban chấp hành trung ương ĐCS. Bên ngoài, cảnh sát và quân đội được điều đến đã dựng nên những rào chắn, cố ngăn cản đám đông dân chúng đang cuồng nộ hơn bao giờ hết. Bất chấp việc hàng trăm người bị bắt, dân chúng vẫn tiếp tục bao vây và chống trả lực lượng vũ trang một cách ngoan cường.

Ngày 22, truyền thông loan tin bộ trưởng quốc phòng Vasile Milea chết đột ngột. Liền sau đó, Ceauşescu tuyên bố nắm quyền trực tiếp chỉ huy quân đội. Tuy nhiên, cái chết của Vasile Milea đã làm binh lính bỏ ngũ hàng loạt và đứng sang phía nhân dân.

Để trấn an quần chúng và cứu vãn tình hình, Ceauşescu đã xuất hiện ở cửa sổ tầng trên, kêu gọi dân chúng bình tĩnh. Nhưng khi thấy mặt ông ta, đám đông càng giận giữ. Họ ném đá và đủ thứ lên chỗ ông ta đứng, làm ông ta lại phải trốn vào bên trong. Tuy nhiên, khi đó cửa trước của tòa nhà đã bị lính gác cố tình bỏ ngỏ; dân chúng liền ùa vào nhà và leo lên ban công. Khi đó, Ceauşescu cùng vợ và 4 người nữa lên thang máy, thoát ra ngoài qua mái nhà và trốn thoát bằng trực thăng.

Ngay lập tức, ĐCS Romania chấm dứt vĩnh viễn mọi hoạt động!

Vợ chồng Ceauşescu bay tới nhà riêng ở Snagov, sau đó định bay tiếp đến Târgovişte. Nhưng đến gần Târgovişte, họ buộc phải đáp xuống theo lệnh của quân đội không cho phép bất kỳ chuyến bay nào ra khỏi vùng trời Romania.

Ngày 25, vợ chồng Ceauşescu bị đưa ra trước tòa án của Mặt Trận Cứu Quốc vừa được thành lập. Họ bị khép tội làm giàu bất chính và diệt chủng. Đương nhiên, Ceauşescu tuyên bố vô tội và nói ông vẫn đang là người đứng đầu nhà nước Romania, và việc bắt ông là phi pháp. Nicolae và Elena Ceauşescu bị xử bắn ngay sau đó. Những người chứng kiến cho biết có hàng trăm người xung phong được tự tay thi hành bản án này. Trước khi chết, lãnh tụ thiên tài Nicolae Ceauşescu đã ngẩng cao đầu hát “Vùng lên, hỡi các nô lệ ở thế gian,…!”

Những ngày sau đó, trên các phương tiện truyền thông phương Tây, nhiều người tỏ thái độ bất bình về cách xét xử và hành quyết nhà độc tài. Tuy nhiên, tổng thống lâm thời khi đó là Ion Iliescu đã khẳng định đó là cách duy nhất khi đó. Còn theo cựu bộ trưởng quốc phòng Victor Stănculescu thì nếu không dùng cách đó, vợ chồng Ceauşescu sẽ bị quần chúng giong đi ngoài đường và hành hạ đến chết theo kiểu trung cổ, bởi sự uất hận của quần chúng kéo dài hàng chục năm không thể đem đến cho nhà độc tài một kết cục khác.

Đúng một phần tư thế kỷ đã trôi qua từ ngày vợ chồng Ceauşescu bị hành hình và chính quyền độc đảng hà khắc tại Rumania sụp đổ, nhưng sự kiện này vẫn đáng được ôn lại để rút ra những bài học cần thiết. Những điều được khẳng định lại một cách sinh động trong những sự kiện như vậy gồm:

Một: Chế độ độc tài nào cũng đến hồi cáo chung một cách thê thảm, và ngày cáo chung càng muộn màng thì sự cáo chung càng thê thảm.

Hai: Nhà độc tài nào cũng tin rằng mình được quần chúng tin tưởng và trung thành tuyệt đối, và ở nước khác thì nhà độc tài khác có thể bị lật đổ vì sai lầm, chứ ở nước mình thì không, và mình không bao giờ sai lầm. Trên thực tế, sự trung thành nói ra miệng của quần chúng không hề là thực; họ nói chỉ vì bị buộc phải nói như vậy.

Ba: Chế độ độc tài luôn sụp đổ sớm hơn nhiều so với người ta tưởng. Nhiều khi trong xã hội, đảng cầm quyền không hề có đối thủ ngang tầm nào, nhưng khi vận nước đến, tự nhiên quần chúng sẽ nhất tề nổi dậy.

T.D

Nguồn: daohieu.wordpress.com


 _______________________________________

 

Số phận độc tài!

 Quyền lực là đỉnh cao tham vọng của con người. Nhưng quyền lực cũng là nơi tha hóa con người, đẩy con người vào bi kịch thê thảm. Đó là hai mặt của một cái ghế- quyền lực.
 
Những ngày qua, cả thế giới chấn động trước thông tin cựu lãnh đạo Lybia- M. Gaddafi, người được mệnh danh “vua của các vị vua” bị bắt sống, bị chết thê thảm và bị kéo lê ngay trên chính thị trấn quê hương Sirte, giữa sự hỗn loạn của giao tranh, một bên là quân nổi dậy, và một bên là đám tàn quân trung thành. 

Một con người suốt 42 năm cai trị độc đoán, khát máu và “đồng bóng” đã tàn sát 20 vạn người dân lương thiện, 52 ngàn tù nhân, và 6 tháng qua, giết 20 ngàn người dân nổi dậy. Ra lệnh giết đồng bào, đồng loại không ghê tay, vậy mà khi bị nòng súng chĩa thẳng vào đầu đã van xin hoảng sợ: “Xin đừng bắn”. Nhưng ông ta cũng đã không thoát khỏi cái chết. 


Kinh khủng và cũng thật hiếm có, hàng trăm người Libya đã xếp hàng, mặt bịt khẩu trang chờ xem thi thể vấy máu của M.Gaddafi được đặt trong một máy giữ lạnh, vốn để trữ thịt, tại một trung tâm mua sắm. Đó là sự chờ đợi suốt 42 năm nhọc nhằn, khổ ải của họ.
Sinh ra trong sự hoan hỉ của ruột thịt, họ hàng. Chết đi trong sự hoan hỉ, mừng vui của đồng bào mình. Có gì bi thảm hơn thế cho số phận một quân vương? 



Người dân Libya tập trung tại quảng trường Martyrs tại thủ đô Tripoli ngay sau khi nghe tin nhà lãnh đạo Mummar Gaddafi đã bị giết tại Sirte, quê hương ông. Ảnh: Reuters

 

Số phận những nhân vật lịch sử 
 
M.Gaddafi không phải người đầu tiên.
Trước đó, vào ngày 30/12/2006, cả thế giới chấn động và căng thẳng chứng kiến số phận của cựu tổng thống Iraq- S. Hussein. Bị bắt khi đang ẩn náu trong một chiếc hầm tại Ad Dawr, cách phía nam Baghdad khoảng 30km, sau 250 ngày chạy trốn, cuối cùng S. Hussein cũng phải bước lên giá treo cổ.


Con người hùng một thời lẫy lừng, có gương mặt rất đàn ông, với bộ ria mép cũng mang vẻ “đầy quyền lực” như chủ nó, khi đó, gầy gò trong chiếc sơ mi trắng, tay cầm chặt cuốn kinh Koran. Nhưng Chúa Trời cũng đã không cứu thoát được S. Hussein trước tội ác chống lại loài người.Chỉ ngay trong thập kỳ đầu tiên của thế kỷ 21, nhân loại đã chứng kiến hai bậc quân vương- S. Hussein, và M. Gaddafi, từ ngai vàng bước lên giá treo cổ, hoặc chết thảm, hệt những câu chuyện lịch sử cổ đại, hay cổ tích “ngày xửa, ngày xưa…”. Còn những ai ai nữa tiếp theo? 



 

Nhìn ngược thời gian, chợt nhận ra, đã có không ít nhân vật lịch sử có chung một số phận như S. Hussein, M. Gaddafi cho dù sự kết thúc có thể rất khác biệt, tùy tính cách, hoàn cảnh và cả số phận.
Đó là Adolf Hitler, mà tên tuổi luôn gắn liền với một khái niệm khiến cả nhân loại ghê sợ – phát xít. Tháng 4/1945, biết rõ “ngày tàn của bạo chúa” đến gần, trùm phát xít A. Hitler chuẩn bị rất kỹ cho cái chết của mình. Hệt như khi tính toán kỹ càng để ra lệnh lùa sáu triệu người dân Do Thái vô tội vào các lò thiêu. Kỹ càng đến mức- trước đó chỉ hai ngày, ông ta kết hôn với Eva Braun, người bạn gái, người đàn bà trung thành và tận tụy. Và kỹ càng cho cả cái chết, khi tiêm thử thuốc độc cho một con chó.



 

Từng sống sót qua vô vàn những vụ ám sát, nhưng cuối cùng A. Hitler phải tự bắn vào đầu mình bằng khẩu súng ngắn Walther. Từng thiêu hàng triệu người dân Do Thái vô tội, nhưng cho đến những năm tháng này, ông ta vẫn bị cả nhân loại “thiêu” trong sự căm phẫn và kinh tởm vì man rợ tột cùng. 

Đó là Benito Mussolini, Thủ tướng của chế độ độc tài và phát xít Ý (Italia), thân hữu và là đồng minh của A.Hitler. Khi A.Hitler tự sát cùng vợ (ngày 30/4/1945), trước đó hai ngày, 28/4/1945, B. Mussolini cùng nhân tình Clara Petacci toan bỏ trốn sang Thụy Sĩ nhưng bị quân cộng sản kháng chiến Ý bắt, và bị bắn tại làng Giulino di Mezzegra, cùng Clara Petacci và những người tùy tùng. 



 

Quá căm giận kẻ độc tài, những người dân Ý giẫm đạp, đấm đá, làm tan nát thi thể đã đầm đìa máu của ông ta. Và họ treo trên những chiếc móc thịt. Kẻ phát xít đã phải trả giá bằng những đòn thù kiểu… phát xít, mà người ta không chút ân hận, day dứt lương tâm. Âu đó cũng là cái giá khủng khiếp phải trả cho sự độc tài và vô nhân tính. 

Đó là Ion Antonescu, từng là lãnh đạo thời chiến của Romania và bị đổ trách nhiệm cho cái chết của 400.000 người. Cuối cùng, năm 1946 ông ta bị khởi tố về tội ác chiến tranh, tội ác chống lại hoà bình và mưu phản. Bị xử bắn trên chính cánh đồng, mảnh đất đã nuôi dưỡng ông ta bằng hạt lúa mì mọng sữa, nhưng ông ta đã trả cho đời bằng sự tàn nhẫn sát sinh. Để nhận lại, cuối cùng, là những phát súng bắn thẳng cũng lạnh lùng không kém của những người lính. Lúc đó là ngày 1/6/1946. 



 

Đó là Rafael Trujillo, nhà độc tài của Cộng hoà Dominican. Trujillo, thường được gọi là El Jefe (Ông chủ). R. Trujillo đã cai trị đúng tính cách Ông chủ, tạo ra một chế độ tàn bạo nhất trong suốt 30 năm (1930 -1961), với tra tấn và giết chóc.

R. Trujillo bị tố cáo về hành vi diệt chủng, khi năm 1937, ra lệnh sát hại 20 nghìn người dân Haiti làm việc tại các đồn điền trồng mía ở hai bên bờ sông Thảm Sát (Massacre). Tổng cộng đã có hơn 50.000 người thiệt mạng trong thời kỳ R. Trujillo cai trị. 



 

Và rồi đến lượt R. Trujillo bị diệt, vào đêm 30/5/1961, hệt cảnh tượng trong một bộ phim cao bồi Mỹ, khi ông ta đang trên đường từ thủ đô tới San Cristobal, nơi cô bồ trẻ đang chờ, theo đúng triết lý nhân sinh: Có ân báo ân, có oán báo oán! 

Và đó là Nicolae Ceausescu, Tổng Thư ký Đảng Lao động Romania, sau này là Đảng CS Romania- từ năm 1965 đến năm 1989. Cái chết của vợ chồng N. Ceausescu đã làm chấn động cả thế giới những năm tháng đó. 


N. Ceauşescu đạt tới đỉnh cao của sự độc tài, gắn với một đời sống gia đình cực kỳ xa hoa. Tự trao cho mình các danh hiệu “Conducător” (lãnh tụ) và “Geniul din Carpaţi” (Thiên tài của người Carpathian), đưa vợ mình là Elena cùng các thành viên trong gia đình vào các chức vụ trong chính phủ, ông ta không nghĩ rằng một kết cục khác đang chờ đợi phía trước. 



 

Tháng 12/ 1989, Chính phủ ông N. Ceausescu bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính quân sự. Hai vợ chồng N. Ceausescu đã bị toà án quân sự xử tử hình, chỉ sau 90 phút xét xử, vì các tội làm giàu trái phép, diệt chủng và bị hành quyết tại chính nơi lẩn trốn của họ. Đó là ngày 25/12/1989, đúng ngày Chúa Phục sinh. Cũng là ngày N. Ceauşescu xuống địa ngục. 

Từ chỗ “tuyệt vời” đến chỗ lố bịch 

 
Số phận của những nhân vật lịch sử trong quá khứ, nay lại gặp số phận những nhân vật lịch sử trong hiện tại. Chen chúc gặp nhau dưới địa ngục, những nhà độc tài, những trùm phát xít ấy nói với nhau điều gì nhỉ?
Như M. Gaddafi, 27 tuổi đã bước lên ngai vàng trị vì, được tung hô như một vị anh hùng, để 42 năm sau, chết thê thảm trên con đường đầy cát bụi, trộn lẫn máu của ông ta và thuốc súng của phiến quân.



 

Liệu M. Gaddafi và họ- những nhân vật lịch sử tàn bạo- có ngộ ra một điều- sự độc tài, tham lam và thù hằn dân chủ cũng đồng thời là con đường dẫn đến kết thúc của họ một cách nhanh nhất? Nhưng chắc chắn sẽ có nhiều quân vương của các quốc gia độc đoán, độc tài run sợ, khi nhìn vào số phận của M.Gaddafi, của S. Hussein.
Sống có thể được muôn nghìn lời tung hô. Nhưng chết đi cũng vẫn nhận được muôn nghìn lời nguyền rủa. Sự nguyền rủa, đau đớn thay, có khi còn đến sớm hơn, khi họ vẫn ngự trị và chưa kịp nằm xuống. Đó là vinh hạnh và bất hạnh của các bậc quân vương, tùy tài năng, đức độ, phẩm cách của họ. 


Quyền lực là đỉnh cao tham vọng của con người. Nhưng quyền lực cũng là nơi tha hóa con người, đẩy con người vào bi kịch thê thảm. Đó là hai mặt của một cái ghế- quyền lực. 


Nó có khoảng cách của 42 năm trị vì, như với M.Gaddafi, hay 24 năm như với S. Hussein. Nhưng có khi nó rất mong manh- chỉ là đường kính tính bằng xăng ti mét của một sợi dây thòng lọng. Hay một tiếng “đoàng” cụt lủn, lạnh tanh vang lên. 


Chợt nhớ câu của Hoàng đế Pháp Napoléon: Từ chỗ tuyệt vời đến chỗ lố bịch chỉ có một bước! 


Kỳ Duyên
Nguồn: Tuần Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét