Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Giao lưu trực tuyến: Annette Herfkens - 'Câu chuyện sinh tồn từ thung lũng tử thần Ô Kha'


15/08/2014 8:00

(TNO) Ngày 14.11.1992, một máy bay Yak-40 chở theo 31 người từ TP.HCM đi Nha Trang đã rơi tại núi Ô Kha thuộc huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Chiếc trực thăng làm nhiệm vụ cứu nạn cũng bị rơi ngay sau đó. Chỉ duy nhất một người sống sót trong hai vụ tai nạn trên, đó là nữ công dân Hà Lan Annette Herfkens.

Hơn 20 năm sau, bà Annette Herfkens đã trở lại Việt Nam để ra mắt sách 192 Hours - Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh (nguyên tác Turbulence: A Survival Story) và thăm lại núi Ô Kha. Trở lại Ô Kha lần này còn có vợ của các phi công đã tử nạn trên chiếc Yak-40 và chiếc trực thăng. Bà Annette sẽ đến thăm thân nhân của đoàn cứu hộ đã tử nạn.

Sau chuyến trở lại Ô Kha, ngay từ Nha Trang (Khánh Hòa), bà Annette đã dành cho bạn đọc Thanh Niên Online một cuộc giao lưu trực tuyến bắt đầu lúc 9 giờ sáng nay 15.8. Trong buổi giao lưu, bà sẽ chia sẻ những kinh nghiệm vượt qua những nỗi đau mất mát và sống quãng đời còn lại sao cho ý nghĩa nhất.

Bà Annette nói: “Việt Nam là nơi đã lấy của tôi quá nhiều nhưng cũng cho tôi nhiều không kém. Trong lần trở lại này, tôi vẫn sẽ nhắc về quá khứ với những ký ức không thể nào quên. Tuy nhiên, tôi sẽ tập trung nói về những gì Việt Nam đã mang lại cho tôi, sau một trong những biến cố lớn nhất của đời mình”.

Xem clip: Annette Herfkens - Hành trình trở lại nơi tái sinh

Tham gia buổi giao lưu còn có nhà báo An Điền, người dịch cuốn sách; bà Ngô Thị Phương Thảo, Giám đốc đối ngoại Công ty văn hóa sáng tạo First News Trí Việt, đơn vị thực hiện và giữ bản quyền ấn bản tiếng Việt cuốn sách trên.

Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi giao lưu với bà Annette Herfkens vào ô bên trên.


Chị Đào Hồng Hạnh - Phó tổng thư ký Báo Thanh Niên (bìa phải) - tặng hoa cho khách mời tham gia
chương trình trực tuyến

* Xin hỏi bà Annette, lần đầu tiên bước lên lại chiếc máy bay kể từ sau tai nạn năm 1992 đã diễn ra với bà như thế nào? (An, Nha Trang)

- Bà Annette Herfkens: Rất đáng sợ. Tôi phải điều khiển ý nghĩ của mình. Tôi cảm thấy sợ ngay từ khi nhìn thấy khung cửa sổ máy bay. Chuyến bay của tôi đầu tiên là đến Singapore để dự một cuộc họp của ngân hàng.

* Xin chào bà Annette Herfkens và con gái! Tôi rất vui khi bà đã quay lại Việt Nam và tìm gặp lại những người vợ phi công Quân đội Nhân dân Việt Nam và những ai đã từng giúp bà vượt qua khó khăn trên chuyến bay định mệnh YAK 40 vào năm 1992. Tôi theo dõi trên báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ thấy bà quan tâm và tỏ long biết ơn tới những người đã từng cứu sống bà. Và tất cả những phi công tài hoa của Quân đội nhân dân Việt Nam đó đã vĩnh viễn ra đi, để lại bao tiếc thương cho gia đình và vợ con của họ; trong số đó có người anh của tôi, thiếu tá Hoàng Việt Nga cũng đồng thời là một trong những phi công đã bay ra Ô Kha để đưa bà về Sài Gòn. Anh cũng có vợ và một người con gái nhưng tuyệt nhiên không nghe bà nhắc tới, hay là bà không biết? Nếu bà thật sư muốn biết ai đã ngồi ghế cơ trưởng trên chuyến bay đưa bà về Sài Gòn thì bà cần liên lạc với Sư đoàn 370 và Trung đoàn 917 Phòng không Không quân Việt Nam. Tôi rất buồn và lấy làm tiếc khi anh của mình cũng là người cứu sống bà và đã hy sinh như những người anh hùng mà không được ai nhắc tới. Tôi không biết vợ thiếu tá Hoàng Việt Nga có đọc được những gì bà nói qua báo đài để tỏ lòng tri ân những người đã cứu bà. Nếu đọc được mà không thấy bà nhắc đến chồng của mình thì tôi nghĩ chắc là chị ấy buồn lắm đó, thưa bà Annette Herfkens! Vài dòng tâm sự cùng bà. Nếu có gì sai, tôi mong bà tha lỗi! (Nguyễn Văn Thăng – 296, Cộng Hòa, phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM)



Bà Annette Herfkens (phải) và con gái tại buổi giao lưu trực tuyến

- Bà Annette Herfkens: Rất cảm ơn câu hỏi của ông. Đây đúng là vấn đề tôi đang trăn trở. Thực ra, tôi chỉ biết chuyện một chiếc trực thăng đã rơi khi đến cứu hộ mình vào năm 2006. Khi biết tin tôi cảm thấy vô cùng thương tiếc cho các nạn nhân đó. Chuyến trở lại VN lần này mục đích chính là để ra mắt cuốn sách của tôi, nhưng tôi và một người bạn VN đang thu thập danh tính các nạn nhân vào danh sách của chính mình. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để biết được danh tính của các nạn nhân đó. Tôi hy vọng sẽ hoàn tất công việc này sớm, để có thể cảm kích đầy đủ các nạn nhân, những người đã tử nạn vì tôi.


* Có thật là cô con gái đáng yêu của chị cũng chính là một "đồng tác giả" của cuốn “192 hours...”? (Quốc Thái, 24 tuổi, Nha Trang)

- Bà Annette Herfkens: Phải “đính chính” lại một chút. Con gái tôi không phải là “đồng tác giả”, mà là biên tập viên cho cuốn sách của tôi. Tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ của tôi, vì tôi là một người Hà Lan. Con gái tôi sinh ra tại Mỹ, do đó tiếng Anh của cô bé tốt hơn nhiều. Chuyến trở lại VN lần này, tôi muốn con gái viết một cái kết mới cho cuốn sách của tôi, bởi như các bạn đã biết, mục đích hai chuyến trở lại VN của tôi năm 2006 và 2014 là hoàn toàn khác nhau. Năm 2006, tôi trở lại VN để tưởng niệm những người đã chết, còn lần này là để vinh danh những người còn sống và sự sống. Tôi muốn có một cái kết mới, thông qua cái nhìn của con gái mình, một thế hệ mới.


Chị Đào Hồng Hạnh - Phó tổng thư ký Báo Thanh Niên (bìa phải) tặng quà lưu niệm
cho bà Annette Herfkens


Bà Annette Herfkens (phải) và con gái nhận món quà lưu niệm

- Cô Joosje: Suốt mùa hè qua, hằng ngày tôi luôn ra quán cà phê để biên tập cuốn sách của mẹ. Phải nói rằng tôi rất khâm phục cuộc đời của mẹ, qua từng trang sách. Nhiều người nói tôi giống mẹ, và tôi hy vọng mình cũng hiểu được bà nhiều như thế.

- Bà Annette Herfkens: Đúng là con gái tôi như đã đọc được mọi ý nghĩ của tôi.


* Được biết First News Trí Việt, đơn vị thực hiện và giữ bản quyền ấn bản tiếng Việt cuốn sách 192 Hours Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh, xin hỏi cơ duyên nào để Trí Việt thực hiện cuốn sách rất ý nghĩa này (Trần Khang, Quận 10, TP.HCM)

- Bà Ngô Thị Phương Thảo, Giám đốc đối ngoại Công ty văn hóa sáng tạo First News Trí Việt: Chào bạn Trần Khang! Chúng tôi được biết thông tin về cuốn sách rất sớm kể từ khi cuốn sách được xuất bản tại Mỹ, qua sự giới thiệu của dịch giả Nguyễn Bích Lan. Câu chuyện làm chúng tôi xúc động và quyết định mua bản quyền, tiến hành dịch bản thảo ngay vào thời điểm đó.


* Bà nghĩ gì nếu câu chuyện về biến cố trong cuộc đời mình được dựng thành một bộ phim và nó được thực hiện bởi các nhà làm phim Việt Nam? (một bạn đọc)

- Bà Annette Herfkens: Hiện ở Mỹ có người đã có ý định muốn làm phim về tôi. Nếu có một đạo diễn VN có nhã ý như thế, tôi cũng rất sẵn lòng. Tuy nhiên, phải để con gái tôi đóng vai chính (Cười).


Nhà báo An Điền (trái) trả lời các câu hỏi của bạn đọc - Ảnh: Độc Lập


* Sau cuốn hồi ký về vụ tai nạn này, xin bà cho biết sắp tới bà có muốn bước vào con đường văn chương với các cuốn sách khác không hay chỉ dừng lại ở khoảnh khắc này?

- Bà Annette Herfkens: Tôi không có ý định dấn thân vào sự nghiệp văn chương, cũng như viết tiểu thuyết. Nhưng hiện nay tôi cũng có kế hoạch viết những cuốn sách có nội dung về những bài học kinh nghiệm từ bản thân mình. Ví dụ như làm thế nào để vượt qua nỗi đau mất mát người thân. Tôi cũng có kế hoạch viết một cuốn sách về kinh tế, ngành nghề chính của tôi.

- Cô Joosje: Tôi rất sẵn lòng hỗ trợ mẹ mình trong những cuốn sách tiếp theo.

- Bà Annette Herfkens: Chắc chắn rồi. Tôi không thể viết sách nếu không có sự hỗ trợ của con gái.

* Chào anh Điền, cuốn hồi ký là sự trải nghiệm của bà Annette Herfkens, anh đã mất bao lâu để cảm nhận và dùng cảm xúc để dịch cuốn hồi ký này (Hiền Mai, TP.HCM).

- Nhà báo An Điền: Chào chị Hiền Mai. Công ty First News chỉ cho tôi một tháng để dịch và do vậy tôi phải tuân thủ thời hạn đó. Tất nhiên, cảm xúc là rất cần để làm công việc này. Nhưng nếu chỉ dựa vào cảm xúc để làm việc thì sẽ khó mà theo kịp tiến độ. Vì vậy, tính kỷ luật của một người làm báo giúp tôi hoàn thành công việc.


Bà Annette (giữa) và con gái Joosje (17 tuổi) trước chân cầu thang máy bay vào rạng sáng 13.8. Cũng vào rạng sáng 14.11.1992 Annette Herfkens và chồng sắp cuới Willem van der Pas cùng 31 hành khách rời TP.HCM tới Nha Trang trên chuyến bay mang số hiệu 474 của Vietnam Airlines. Khi cách đích đến Nha Trang 30 km, chiếc máy bay bất ngờ đâm vào đỉnh núi và rơi xuống núi Ô Kha. Chỉ một mình Annette sống sót.


Mẹ con bà Annette trên máy bay. Đối với bà Annette, việc quay trở lại thung lũng Ô Kha không còn là chuyến trở về của nỗi sợ hãi như lần đầu quay lại Việt Nam vào năm 2006. Đến Ô Kha lần này, theo bà Annette, là tìm về một nơi đã đánh dấu quá nhiều cột mốc quan trọng trong cuộc đời bà

* Bà đã được hỏi nhiều về cảm xúc của mình khi trở lại VN, cũng như nhiều câu hỏi khác. Nhưng có câu hỏi nào bà muốn được hỏi mà chưa ai hỏi hay không?

- Bà Annette Herfkens: Tôi muốn được hỏi về việc áp dụng những bài học gì giúp tôi tồn tại trong rừng, cho việc chấp nhận đứa con trai bị tự kỷ của mình. Khi ở trong rừng, tôi luôn biết chấp nhận thực tại, và luôn tự nhủ "mình cần phải làm gì để sinh tồn", thay vì cứ đặt ra những câu hỏi "giá như": lúc này tôi đang ở trên biển với người yêu, đang hưởng tuần trăng mật... Tôi chỉ biết hướng vào thực tại để vượt qua. Đối với con trai tôi cũng vậy, thay vì cứ tự dày vò, là phải chi con trai mình khỏe mạnh, tôi đã chấp nhận tình trạng của con mình, và hóa ra con trai đã dạy tôi về lòng bác ái. Con cũng chính là "Phật" của tôi.

* Hồi ký là dựa trên cảm xúc của tác giả, trong vai trò biên dịch, theo anh Điền yếu tố nào anh để cuốn hồi ký trở nên hấp dẫn, hay phải thổi phồng yếu tố giả tưởng (Thanh Phương, TP.HCM)

- Nhà báo An Điền: Câu chuyện của cô Annette tự bản thân nó đã hấp dẫn. Tôi không nghĩ nó cần thêm bất kỳ một yếu tố hư cấu nào. Cám ơn bạn Thanh Phương.

* Xin bà Phương Thảo cho biết sự đón nhận của bạn đọc Việt Nam với cuốn sách này. (Lan Phương, Cầu Giấy, Hà Nội)


Bà Ngô Thị Phương Thảo, Giám đốc đối ngoại Công ty văn hóa sáng tạo First News Trí Việt
trả lời các thắc mắc của bạn đọc

- Bà Ngô Thị Phương Thảo, Giám đốc đối ngoại Công ty văn hóa sáng tạo First News Trí Việt:

First News dù là đơn vị tổ chức mua bản quyền, thực hiện bản thảo tại Việt Nam, đồng thời tổ chức chương trình đưa tác giả Annette đến Việt Nam với mong muốn giới thiệu một câu chuyện hạt giống tâm hồn xúc động, một bài học quý giá về nghị lực sống và khát vọng sinh tồn trong điều kiện nghiệt ngã, đến với bạn đọc Việt Nam, ước mong việc nhìn thấy một người phụ nữ đã vượt qua thử thách kinh hoàng mà vẫn tươi trẻ yêu đời, bằng xương bằng thịt, sẽ mang đến một nguồn động viên lớn cho bạn đọc. Tuy nhiên, việc bạn đọc đón nhận rất hào hứng, dành nhiều quan tâm đến cuốn sách và câu chuyện của tác giả, ngay từ những ngày đầu xuất bản sách, đã khiến chúng tôi xúc động, vui mừng. Cuốn sách đã lọt vào danh sách những cuốn sách bán chạy nhất trong tuần đầu tiên.


Toàn cảnh buổi tư vấn trực tuyến

* Thân chào chị Annette Herfkens! Xin hỏi chị một câu, thời điểm trước khi xảy ra tai nạn tại núi Ô Kha Khánh Hòa, chị có theo tôn giáo nào không, chẳng hạn như đạo Phật. Con người phải có niềm tin và nghị lực mới vượt qua được những nỗi đau. Nếu không theo một tôn giáo nào cả thì niềm tin và nghị lực ấy chị lấy từ đâu? Chúc chị luôn mạnh khỏe (Hồ Thanh Dũng, Đà Nẵng)

- Bà Annette Herfkens: Trước khi tai nạn xảy ra thì tôi có đức tin, nhưng không phải một tín đồ tôn giáo. Tuy nhiên, tôi nghĩ đúng là mình có tư tưởng gần với đạo Phật, nhất là lòng bác ái. Chẳng hạn, mặt dây chuyền hình Phật tôi đang đeo trên cổ. Tôi mua nó tại sân bay Cam Ranh năm 2006, và đeo nó suốt từ đó đến nay.


Mẹ con bà Annette trao đổi tại buổi giao lưu trực tuyến

- Cô Joosje: Tôi cũng được học nhiều tôn giáo ở trường. Tôi cũng đồng ý với các triết lý của đạo Phật, nhưng tôi nghĩ mình còn quá trẻ để quyết định lựa chọn một tôn giáo nào đó cho cuộc đời.

* Như tôi biết thì con gái bà Annette đã 17 tuổi, gần bằng tuổi của bà vào thời khắc sinh tử khó quên. Tôi rất ấn tượng bởi tình yêu trong veo của bà lúc ấy. Hình ảnh một cô gái bay một chuyến bay rất xa để gặp người yêu, tưởng chừng chỉ thấy trong phim ảnh. Liệu bà sẽ nói gì khi con gái của mình sẽ gặp một tình yêu mãnh liệt như thế ? (Bảo Châu, quận 4, TP.HCM)

- Bà Annette Herfkens: (Khi nghe câu hỏi này bà đã cười rất ấp áp và quay sang ôm con gái vào lòng). Đúng là có một sự trùng hợp thú vị. Con gái tôi bây giờ 17 tuổi. Còn tôi lúc gặp ông chồng chưa cưới đầu tiên lúc đó tôi 19 tuổi. Nhưng để nói đến chuyện yêu đương thì còn sớm quá. Tôi muốn mọi chuyện đến với con tôi thật tự nhiên. Tình yêu mà!

* Thung lũng tử thần Ô Kha là nỗi ám ảnh với nhiều người, với nhiều vụ rơi máy bay từ trước năm 1975. Bà có bị ám ảnh hay không? Bà có bao giờ muốn tìm hiểu tận cùng những bí ẩn quanh thung lũng tử thần này? (Bình Lê, quận 2, TP.HCM)

- Bà Annette Herfkens: Có một người luôn bị ám ảnh bởi câu chuyện này. Đó là cha của một hành khách người Anh. Ông quay lại Việt Nam năm 2003, lúc đó ông ta 69 tuổi. Bây giờ ổng rất yếu. Nhưng dường như câu chuyện của con ông đã là nỗi ám ảnh không nguôi với ông ta. Lâu lâu, mỗi ngày trong những lúc lơ mơ ông ta lại thốt lên "turbulence" - Vùng nhiễu động không khí. Khi cuốn sách của tôi xuất bản tôi đã gửi cho ông ta để người nhà đọc cho ông nghe để ổng khuây khỏa lại.



Bà Annette và con gái trước núi Ô Kha. Theo Joosje, cô coi núi rừng Ô Kha là "ông bà" của mình vì chính nơi đây đã tái sinh mẹ cô, và nhờ vậy, mới có cô trên đời



Ông Cao Văn Hạnh chỉ lại nơi chiếc Yak-40 số hiệu VN-474 rơi


Riêng tôi thì tôi hoàn toàn không bị ám ảnh. Theo tôi thì cái khổ hạnh là do mình tạo ra. Con người tự mình làm ra cái khổ cho chính mình. Tôi không nghĩ về nó nữa, phải gạt qua để tiếp tục sống.

Cũng nhân câu hỏi này, tôi thấy các hãng hàng không phải có những khóa huấn luyện để giúp gia đình thân nhân nạn nhân vượt qua khỏi cú sốc tâm lý.

Tôi nhớ, vào cái năm sau khi thảm kịch xảy ra, Hãng Hàng không Vietnam Airlines có gửi cho tôi một tấm thiệp Chúc mừng Giáng sinh và Chúc mừng năm mới với lời chúc khuôn mẫu, chung chung. Giá như trên tấm thiệp đó là lời hỏi thăm cuộc sống, về việc tôi hiện nay như thế nào, một vài câu cụ thể hơn thì tốt biết bao.

* Anh có nghĩ cuốn hồi ký này sẽ được mọi người tìm kiếm, và yếu tố nào sẽ đưa cuốn hồi ký đến từng đối tượng độc giả (Tuyết Mai)


Nhà báo An Điền (giữa) trả lời trực tuyến

- Nhà báo An Điền: Tôi nghĩ vào thời điểm này khi mà thế giới có quá nhiều thảm họa hàng không, mọi người ít nhiều sẽ quan tâm tới cuốn sách này và câu chuyện của bà Annette. Như tìm đến một sự chia sẻ.

* Qua các cuộc giao lưu của bà Annette Herfkens, bà Phương Thảo nhận thấy bạn đọc đang quan tâm đến điều gì từ cuốn sách? Có phải sự thành công của cuốn sách đến từ bối cảnh có quá nhiều tai nạn hàng không, có quá nhiều bất trắc, thảm cảnh từ trong vòng 2, 3 tháng vừa qua? (Thái Bình, quận 1, TP.HCM)

- Bà Ngô Thị Phương Thảo, Giám đốc đối ngoại Công ty văn hóa sáng tạo First News Trí Việt: Chào bạn Thái Bình! First News có cơ hội tiếp xúc với độc giả và cô Annette, nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc dành cho cô, sự chia sẻ sâu sắc của bạn đọc với câu chuyện của cô, đồng thời nhiều bạn đọc bày tỏ sự ngưỡng mộ cô với nghị lực sống phi thường. Nhiều bạn đọc hỏi cô về thái độ sống khi ứng biến với tai nạn thảm khốc, mà có thể vượt quá sức chịu đựng của thể xác và tinh thần con người. Câu chuyện của cô Annette, với nhiều bạn đọc, không chỉ là câu chuyện về tai nạn máy bay. Nó còn là câu chuyện của thái độ sống, kỹ năng sống và bản năng sinh tồn. Nó còn là câu chuyện xúc động về tình yêu cuộc sống.


Bà Ngô Thị Phương Thảo trả lời trực tuyến các câu hỏi của bạn đọc

Việc cuốn sách được xuất bản trong bối cảnh nhiều vụ tai nạn hàng không thảm khốc trong vài tháng qua, có lẽ làm tăng thêm sự quan tâm và chia sẻ của độc giả với câu chuyện này.


* Anh Điền hiện đã biên dịch cho bao nhiêu cuốn sách và giới thiệu đến độc giả Việt Nam tính đến hôm nay? (Văn Nhân, TP.HCM)

- Nhà báo An Điền: Thực ra cuốn sách này không phải dành cho tôi ngay từ lúc đầu. Người mà First News - Trí Việt muốn mời là nhà báo kỳ cựu Đỗ Hùng, một đàn anh của tôi ở báo Thanh Niên. Anh Hùng cũng là một dịch giả kỳ cựu. Vì anh Đỗ Hùng bận nên nhường lại cho tôi. Dịch sách đòi hỏi phải ngồi vào máy, làm một công việc hầu như giống nhau mỗi ngày. Công việc hiện nay của tôi chưa cho phép làm điều đó thường xuyên nên tôi chưa có dự tính làm cuốn nào khác. Và điều quan trọng nữa là cũng chưa thấy có ai mời!


* Trong một câu nói trước báo chí, bà đã nói: "Bà xem thung lũng Ô Kha là nơi sinh ra lần thứ 2". Vậy liệu chúng tôi có thể hiểu Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung là quê hương thứ 2 của bà được không? (Hà Huy Tân, Nha Trang)

- Cô Joosje: Tôi xin phép trả lời thay mẹ mình câu hỏi này. Mẹ tôi nói rằng “có lẽ”. Còn tôi thì cảm giác đó mạnh hơn. Bởi vì tôi từng nói tôi xem núi rừng Ô Kha như “ông bà” của mình, vì nơi đây mà mẹ tôi đã tái sinh. Do vậy, nếu hỏi tôi có xem VN là quê hương thứ hai của mình không, tôi sẽ trả lời “Có”.


Bà Annette gặp lại hai y tá đã chăm sóc mình sau khi được cứu hộ. Bà Nguyễn Thị Kim Kỳ (thứ 2 từ trái qua, 60 tuổi) và bà Mai Thị Minh Châu (thứ 4 từ trái qua, 54 tuổi) nhớ rất rõ về một Annette kiệt quệ và yếu ớt như thế nào khi được đưa đến trạm y tế. Bà Kim Kỳ còn muốn được xem hình người chồng và đứa con trai của Annette bên Mỹ. Bà dặn đi dặn lại khi nào cô con gái Joosje có chồng thì phải báo cho mình biết


Bà Annette và bà Kim Kỳ, bà Mai Châu tại trạm y tế năm xưa, giờ đã được chuyển hóa thành
trường học. Bà Annette còn nhớ rất rõ vị trí của căn phòng mình nằm khi xưa

* Sự mất mát của bà lá quá lớn. Nỗi ám ảnh về tai nạn hàng không đó có lẽ sẽ không bao giờ phai mờ nhưng dù sao bà cũng là người rất may mắn khi đã sống sót và trở về để rồi gượng dậy, đứng lên và thành đạt. Chúng tôi-những người phụ nữ VN, đọc câu chuyện về bà rất đồng cảm với nỗi đau của bà đồng thời cũng rất ngưỡng mộ, khâm phục bà. Đất nước VN đã trở thành một đất nước gắn liền với nỗi đau đớn, mất mát của bà, khi nghĩ về VN trong tim bà chắc nhói lên nhiều ý nghĩ? Bà từng nói "VN là nơi đã lấy của tôi quá nhiều nhưng cũng cho tôi nhiều không kém", vậy bà có thể chia sẻ những ý nghĩ đã từng đến với bà về đất nước này trong những năm qua? Có không nỗi oán giận-dù tai nạn đó hoàn toàn là ngoài sự mong muốn của người VN?

- Bà Annette Herfkens: Tôi biết sự khác biệt giữa người VN và những bên liên quan đến tai nạn. Có chăng là sự bất đồng chung quanh việc bồi thường cho tôi, nhưng tôi đã tách bạch rất rõ ràng hai điều này. Do vậy không có lý do gì tôi lại ghét bỏ đất nước VN vì tai nạn không may đó.

* Chào anh Điền, xin anh chia sẻ vài điều về công việc và lĩnh vực anh phụ trách, ngoài ngôn ngữ tiếng Anh, anh còn biết ngôn ngữ nào khác nữa không (Như Mai, TP.HCM)

- Nhà báo An Điền: Cám ơn chị Như Mai. Tôi hiện đang công tác tại báo Thanh Niên. Ngoài có học tiếng Anh như ngoại ngữ, ngôn ngữ khác tôi biết nói là tiếng Việt (Cười).

* Bà sắp rời Ô Kha, mảnh đất mà bà nói “mình đã mất quá nhiều cũng như đạt được quá nhiều”. Điều gì bà muốn nói với mảnh đất và con người ở đây trước khi đi? (Một bạn độc)

- Bà Annette Herfkens: Tôi đã về Ô Kha cách đây 3 ngày, đã thăm một số người. Tuy nhiên, thời gian không cho phép, tôi vẫn mong được mở lòng nhiều hơn, được đối thoại nhiều hơn để hiểu hơn về những người có liên quan đến tai nạn máy bay năm xưa. Tuy nhiên như tôi đã nói, lòng thấu cảm của tôi vẫn luôn dành cho những nạn nhân của vụ tai nạn. Tôi vẫn mong sẽ có một lễ tưởng niệm dành cho các nạn nhân trên chuyến bay của tôi lẫn chuyến bay cứu hộ. Cám ơn VN! Cám ơn tất cả mọi người.


Trong chuyến trở lại Ô Kha lần này, bà Annette đã tìm gặp nhiều người đã cứu mạng bà từ 22 năm trước. Ngoài nhân vật “mặc áo da cam” - Cao Văn Hạnh mà bà Annette đã gặp trong chuyến trở lại lần đầu vào năm 2006, một số y tá tại Trung tâm y tế Khánh Sơn đã sơ cứu bà lúc bà vừa được khiêng ra khỏi hiện trường thung lũng Ô Kha, còn có một người rất “đặc biệt” mà cho đến khi sắp rời khỏi quán, bà mới biết.






Bà Annette gặp lại ông Cao Văn Hạnh

Đó là ông Hoàng Trọng Những, một trong 8 người đã khiêng bà ra khỏi thung lũng Ô Kha. Buổi sáng hôm 13.8, bà cùng con gái vào một quán ăn tại thị trấn huyện lỵ Khánh Sơn, trong lúc bà trò chuyện cùng với những người trong đoàn đi, ông Những-chủ quán mới lờ mờ nhận ra, vị khách đang ăn mì tôm trong quán của mình chính là người mà ông cùng với đội cứu hộ đã khiêng ra khỏi hiện trường chiếc máy bay rơi từ 22 năm trước.




Ông Hoàng Trọng Những, chủ quán mì tôm (phải), một trong những ân nhân được bà Annette tặng sách

Sau khi phóng viên TNO kiêm dịch giả An Điền đã dịch lại sự “ngạc nhiên” của ông Những, mẹ con bà Annette đã ôm chầm lấy ân nhân của mình trong sự ngỡ ngàng của các thành viên trong đoàn. Bà Annette đã tặng vợ chồng ông Những cuốn sách của bà cùng lời cảm ơn chân tình của mình đối với ân nhân mà bà chưa có điều kiện để gặp trong lần trở lại vào năm 2006.

* TNO đã nhiều lần liên lạc với ông Nguyễn Thành Chung, chỉ huy Đội cứu hộ tham gia tìm kiếm chiếc máy bay rơi tại Ô Kha năm 1992 và mời ông tham gia cuộc gặp gỡ với bà Annette nhưng rất tiếc, ông Chung đã bận việc riêng của gia đình nên không tham gia được.

Trong cuộc gặp gỡ với PV TNO mới đây tại Nha Trang, ông Chung cho biết, ông không biết bà Annette từng trở lại VN rồi về thung lũng Ô Kha năm 2006, vì bà Annette không liên lạc gì kể từ năm 1992? Trả lời thắc mắc này, bà Annette nói rằng, lúc ấy (năm 1992), bà chỉ nhớ và rất ấn tượng với những người trực tiếp khiêng bà ra khỏi thung lũng và những y tá đã sơ cứu bà, còn ông Chung, vị chỉ huy hôm ấy, bà không nhớ cụ thể cho lắm. Bà chỉ láng máng đó là người đàn ông có khuôn mặt rất “lạnh lùng” và không cho bà uống nước dù bà đang rất khát và khẩn khoản xin nước. Nhưng cũng không biết đó có phải ông Chung không. Trong chuyến trở lại Ô Kha năm 2014, các y tá ở Khánh Sơn đã giải thích cho bà rằng, theo lời thuật lại của đội sơ cứu mà ông Chung là vị chỉ huy đội cứu nạn thì, đối với người bị thương, lại nhiều ngày nhịn đói như bà thì việc cho uống cho “đã khát” lúc ấy là điều không có lợi cho tính mạng của bà. Nghe lời giải thích này, bà Annette mới hiểu ra vì sao “người đàn ông” đấy lại không đáp ứng yêu cầu “được uống nước” của bà.


Thanh Niên Online
Ảnh: Độc Lập, Trần Đăng

>> 192 giờ sinh tồn sau tai nạn máy bay - Kỳ 1: Chuyến bay kinh hoàng
>> 192 giờ sinh tồn sau tai nạn máy bay - Kỳ 2: Tỉnh dậy giữa những xác người
>> 192 giờ sinh tồn sau tai nạn máy bay - Kỳ 3: Chờ đợi trong đau đớn
>> 192 giờ sinh tồn sau tai nạn máy bay - Kỳ 4: Cơn mưa ân phúc
>> 192 giờ sinh tồn sau tai nạn máy bay - Kỳ 5: Cơn khát và nỗi cô đơn
>> 192 giờ sinh tồn sau tai nạn máy bay - Kỳ 6: Thiên nhiên ảo diệu và thực tại phũ phàng
>> 192 giờ sinh tồn sau tai nạn máy bay - Kỳ 7: Được cứu mạng


  >> Về lại thung lũng tử thần - Kỳ 1: Tìm chồng trên đỉnh Ô Kha
>> Về lại thung lũng tử thần - Kỳ 2: Vẫn mơ thấy ba về
>> Về lại thung lũng tử thần - Kỳ 3: Cuộc cứu nạn bi tráng
>> Thung lũng Ô Kha, 2 chuyến bay và 5 người đàn bà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét