Thụy My
Biểu tình chống bạo động do các nhóm xã hội đen tổ chức, bên lề các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây nhiều thiệt hại. Trong ảnh, một cuộc biểu tình tại khu Bình Dương, 14/05/2014. Reuters
Hãng tin Reuters cho biết, Bắc Kinh hôm nay 25/08/2014 lên tiếng hoan nghênh chính phủ Việt Nam đã quyết định bồi thường cho các nạn nhân của các vụ bạo động chống Trung Quốc hồi tháng Năm.
Hàng ngàn người đã tấn công vào các công ty mà họ cho là của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Hoàng Sa thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông. Có bốn người chết, và Bắc Kinh đã cho rút 4.000 công nhân Trung Quốc về nước.
Trong một thông cáo trên mạng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết , chính quyền Việt Nam đã tỏ ý « lấy làm tiếc » về các vụ bạo động này, và các nạn nhân sẽ nhận được « một khoản hỗ trợ nhân đạo ».
Hồng Lỗi nói rằng: « Trung Quốc khen ngợi cách làm và thái độ của phía Việt Nam, và hy vọng rằng Việt Nam sẽ áp dụng chu đáo các biện pháp thích đáng ». Ông ta nói thêm, một phái đoàn sẽ được gởi đến tại chỗ để bày tỏ phân ưu của Bắc Kinh đối với gia đình các nạn nhân.
Tuyên bố này được đưa ra vào thời điểm ủy viên Bộ Chính trị Lê Hồng Anh, Thường trực Ban bí thư và là đặc phái viên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sang thăm Trung Quốc trong hai ngày 26 và 27/8. Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, mục đích của chuyến đi là nhằm « trao đổi về các biện pháp làm dịu tình hình, không để tái diễn các vụ việc căng thẳng như vừa qua ».
Phát ngôn viên Việt Nam Lê Hải Bình cho biết : « Hội hữu nghị Việt – Trung sẽ cử đoàn sang Trung Quốc thăm hỏi một số gia đình đại diện cho những người bị nạn (…) tiếp tục các chính sách hỗ trợ đã công bố đối với các doanh nghiệp thiệt hại. Việt Nam đã và đang tiếp tục điều tra nghiêm túc và xử lý nghiêm những người gây rối vi phạm pháp luật ».
Dư luận khi nêu lên những nghi vấn trước sự xuất hiện của những người lạ mặt không phải là công nhân cầm đầu và kích động các cuộc bạo động tại Bình Dương và Hà Tĩnh, đã cho rằng có bàn tay đạo diễn phía sau để bôi xấu Việt Nam, và tình hình này chỉ có lợi cho Trung Quốc. Hãng tin Reuters nhắc lại, Trung Quốc yêu sách gần như toàn bộ Biển Đông, bác bỏ mọi khẳng định chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
T.M.
Gần 1 vạn lao động Trung Quốc sắp đến Vũng Áng – Sở LĐTB-XH Hà Tĩnh không biết gì?
Gần 1 vạn lao động Trung Quốc sắp đến Vũng Áng
- Thông tin từ BQL KKT Hà Tĩnh, Cty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa và các nhà thầu đã trình hồ sơ, xin tỉnh chấp thuận số lượng hơn 1 vạn lao động nước ngoài (khoảng 90% là TQ) đến làm việc tại Formosa.
Theo đó, liên tiếp 2 tháng 6 - 7/2014, tại Khu kinh tế Vũng Áng, đã có hơn 30 nhà thầu đang thi công các gói thầu dự án Formosa xin phép được tuyển dụng số lượng gần 11.000 lao động nước ngoài để phục vụ dự án.
Hơn 1 vạn lao động nước ngoài, chủ yếu người Trung Quốc sắp đến Vũng Áng để làm việc.
Đại đa số các nhà thầu xin tuyển lao động nước ngoài đợt này đến từ Trung Quốc. Một nguồn tin cho biết, trên 90% trong tổng số gần 11.000 lao động tuyển dụng mới mang quốc tịch Trung Quốc.
Sau khi các nhà thầu trình văn bản, hồ sơ lao động, BQL KKT Hà Tĩnh báo cáo UBND tỉnh về tình hình sử dụng lao động tại các gói thầu, về cơ bản UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý các gói thầu được tuyển người nước ngoài.
Đáng chú ý là văn bản số 1407114 ngày 29/7 của Cty Formosa gửi UBND tỉnh, đề nghị chấp thuận để các nhà thầu của FHS (hoặc nhà thầu phụ) tuyển dụng lao động nước ngoài, thực hiện các hạng mục công trình.
Tổng có 28 nhà thầu (25 Trung Quốc, 3 nhà thầu VN) tuyển dụng 8.426 lao động nước ngoài để thực hiện các hạng mục lò cao số 1, số 2 và các công trình dự án cảng Sơn Dương.
Sau khi xem xét báo cáo của BQL KKT, UBND tỉnh đã có văn bản số 3400 ngày 8/8, chấp thuận cho 11/28 nhà thầu, sử dụng 2.063 lao động nước ngoài. Đây là những nhà thầu đã đầy đủ hồ sơ, trình phương án sử dụng lao động.
Thông tin mới nhất có được, BQL KKT cũng mới có văn bản tiếp tục đề nghị UBND tỉnh cho phép 9 gói thầu tiếp theo được tuyển dụng bổ sung 2.976 lao động nước ngoài để phục vụ các dự án. Hiện còn 8 gói thầu chưa bổ sung hồ sơ.
Một lãnh đạo BQL KKT Hà Tĩnh cho biết, sở dĩ đợt này có số lượng lớn là vì các gói thầu đang trong giai đoạn gấp rút thi công, vả lại sau biến cố ngày 14/5, nhiều lao động về nước và một số gói thầu bị ảnh hưởng.
Trong số hơn 1 vạn lao động nước ngoài sắp tới, có khoảng 6-7.000 sẽ ở trong Dự án Formosa, số còn lại sẽ ở tại các điểm tập trung bên ngoài dự án.
Tại cuộc họp giữa Formosa và các nhà chức trách Hà Tĩnh vào giữa tháng 7, các bên cũng đã nhận định, công tác quản lí lao động tại Dự án Formosa còn bộc lộ nhiều tồn tại, thể hiện rõ nhất là khi xảy ra vụ việc ngày 14/5.
“Lúc đó hầu như cả Cty Formosa cũng như các cơ quan quản lý nhà nước đều không kiểm soát được tình hình lao động. Số liệu về lao động theo báo cáo và thực tế trên công trường hết sức bất cập, các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp chưa hình thành, nhất là tổ chức công đoàn chưa thành lập để cùng phối hợp quản lí người lao động”, văn bản có đoạn.
Sau nhiều nỗ lực của tỉnh Hà Tĩnh, tình hình an ninh, trật tự đã được ổn định. Tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra nhiều giải pháp, buộc Formosa và các nhà quản lý cần chặt chẽ hơn trong việc quản lý, cấp phép lao động nước ngoài.
Duy Tuấn (vietnamnet.vn)
* * *
10.000 lao động TQ sắp vào Vũng Áng: Sở không biết?
(Tin tức thời sự) - BQL dự án khẳng định 11/28 nhà thầu TQ đã được chấp thuận đưa lao động vào Vũng Áng. Sở LĐTBXH nói không biết?
Tuyển lao động là do nhà thầu?
Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Trưởng phòng lao động và phát triển nhân lực (thuộc BQL khu kinh tế Hà Tĩnh) cho biết, Cty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa và các nhà thầu đã trình hồ sơ, xin tỉnh chấp thuận số lượng hơn 1 vạn lao động nước ngoài (khoảng 90% là TQ) đến làm việc tại Formosa.
Hồ sơ này đã được BQL gửi tới Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh. Về cơ bản, ông Tuấn cho biết một số yêu cầu đã được phía Ủy ban tỉnh và Sở LĐTB&XH tỉnh chấp thuận.
Cụ thể, trong số 28 nhà thầu (25 Trung Quốc, 3 nhà thầu VN) đề xuất xin tuyển dụng 8.426 lao động nước ngoài để thực hiện các hạng mục lò cao số 1, số 2 và các công trình dự án cảng Sơn Dương.
UBND tỉnh đã có văn bản số 3400 ngày 8/8, chấp thuận cho 11/28 nhà thầu, sử dụng 2.063 lao động nước ngoài.
Ông Tuấn cho biết, BQL KKT cũng mới có văn bản tiếp tục đề nghị UBND tỉnh cho phép 9 gói thầu tiếp theo được tuyển dụng bổ sung 2.976 lao động nước ngoài do nhu cầu công việc mà một số gói thầu đang làm. Hiện còn 8 gói thầu chưa bổ sung hồ sơ.
Sở dĩ có đề xuất tuyển lao động Trung Quốc vì lao động trong nước không thể đáp ứng được, ví dụ như lắp đặt các dây chuyền, thiết bị, máy móc chủ yếu là của Trung Quốc.
Ông Tuấn cho biết, nhu cầu, số lượng, chất lượng tuyển dụng là do yêu cầu của phía nhà thầu đề xuất lên Formosa, BQL chỉ nhận trách nhiệm đề xuất lên UBND tỉnh và Sở LĐTB&XH xem xét.
Vào bao nhiêu không biết?
Về phía Formosa, ông Chu Xuân Phàm - trưởng đại diện Formosa tại Hà Nội bất ngờ phản ứng ngược trước thông tin gần 1 vạn lao động Trung Quốc sắp vào Vũng Áng. Ông Phàm khẳng định, "thông tin này không chính xác".
Theo ông Phàm, trước khi xảy ra sự kiện ngày 14/5, tại Vũng Áng có khoảng gần 5.000 lao động Trung Quốc đảm nhiệm công việc tại lò cao, lò luyện. Tuy nhiên, sau sự kiện đó, số lượng lao động Trung Quốc đã rút về nước dẫn tới tình trạng công trình bị chậm tiến độ, trong khi vốn đã giải ngân và hàng tháng công ty này phải đối diện với khoản lỗ hàng triệu đô mỗi tháng.
"Không thể để chậm trễ như vậy được nữa, nếu tiếp tục chúng tôi sẽ bị lỗ. Do đó, chúng tôi có yêu cầu các nhà thầu thi công Trung Quốc phải tăng cường lực lượng kịp thời để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình.
Theo đề xuất của phía các nhà thầu Trung Quốc tới Formosa là khoảng hơn 5000 người, nhưng con số lao động cụ thể về VN hiện là bao nhiêu chúng tôi không nắm được", ông Phàm nói.
Ông Phàm cho rằng, vì thực tế hiện nay nhiều lao động Trung Quốc không muốn quay lại VN làm việc, do đó Formosa mong muốn phía các nhà thầu tuyển được càng nhiều càng tốt. Formosa chỉ yêu cầu nhà thầu tăng cường lực lượng còn cố lượng lao động vào Việt Nam là bao nhiêu Formosa chưa nắm được.
Sở không biết gì?
Trái ngược hoàn toàn với những ý kiến từ BQL dự án cho rằng đã trình Sở và cơ bản được đồng ý một số yêu cầu thì ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc sở LĐTB-XH Hà Tĩnh cho biết: "Sở không biết gì trước thông tin hơn 1 vạn lao động Trung Quốc sắp vào Việt Nam".
Ông Sơn cũng cho biết, việc tuyển chọn, yêu cầu lao động trực tiếp thuộc trách nhiệm của Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng.
"Đề xuất lao động là nằm trong cơ chế, chính sách riêng của Formosa, sở không quản lý trực tiếp từng nhà thầu".
"Sở mới nắm được thông tin có khoảng hơn 2 nghìn lao động đăng ký, số lượng này sở đang làm thủ tục, điều kiện cấp phép cho số lao động này. Về cụ thể, danh sách lao động nước ngoài là do ban quản lý đăng ký trình UBND tỉnh. Sở chỉ giám sát. Chúng tôi cũng đang theo sát để xử lý, kể cả việc ăn ở", ông Sơn nói.
Ông Sơn khẳng định, đề xuất này BQL mới trình tỉnh, Sở chưa nhận được thông tin gì.
Về yêu cầu, tiêu chuẩn cấp phép cho lao động, ông Sơn cho biết đây không phải là yêu cầu của Sở mà phải tùy thuộc vào yêu cầu của nhà thầu đang đảm nhiệm từng công đoạn. Hiện Sở đã xin cơ chế linh hoạt của chính phủ giám sát việc này rất sát.
Tuy nhiên, ông Sơn đặc biệt lưu ý đây là giai đoạn lựa chọn của các nhà thầu chứ không phải doanh nghiệp. Nếu là doanh nghiệp Sở sẽ quản lý rất chặt theo đúng tinh thần pháp luật.
Hiếu Lam (baodatviet.vn)
Thảm đỏ cho một giàn khoan Tàu trên đất liền Việt Nam?
28-08-2014André Menras – Hồ Cương Quyết
Theo tin từ mạng vietnam.net thứ Hai vừa rồi: hơn 10.000 lao động nước ngoài trong đó 90% là người Tàu vừa được tuyển dụng bởi công ty Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, chỉ chưa quá hai tháng sau những sự cố đẫm máu mà khu công nghiệp này là sân khấu.
Bắc Kinh trở lại, đầu ngẩng cao, nanh sắc nhọn
Trong một hoàn cảnh hợp tác lành mạnh giữa hai nước láng giềng và khuôn khổ trao đổi hai bên cùng có lợi, thì cái tin này lẽ ra có thể gây nên niềm lạc quan và thậm chí cả hy vọng của cư dân địa phương và của các nhà quan sát nước ngoài. Nhưng sự xâm nhập bạo liệt của giàn khoan Tàu cùng với đội tàu chiến hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau những vụ gây hấn với Viking 2, Bình Minh 2, gây hấn với dân chài miền Trung Việt Nam đang tiếp tục xảy ra, thì sự trở lại của đoàn ngũ « lao động » Tàu – mà việc ra đi trước đây đã được tuyên truyền mạnh mẽ – mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Bắc Kinh trở lại, đầu ngẩng cao và nanh vuốt thật sắc nhọn. Nó đánh dấu lãnh thổ của mình ngay trong lòng Việt Nam!
Bình cũ rượu cũ: “Nĩ hảo ma? Huānyíng! ” [Chào bạn, khoẻ không ? Xin hoan nghênh !]
Những mối nghi ngờ cất lên từ một số công dân VN vậy là được xác nhận : cuộc mặc cả đã rõ ràng được tiến hành. Trong giai đoạn giàn khoan HKSY981, sự im lặng kéo dài của người trách nhiêm lớn nhất của « đảng lãnh đạo » trong những ngày đầu của vụ xâm nhập này có một ý nghĩa. Sự im lặng tiếp theo sau vụ rút lui đột ngột của giàn khoan và việc thả cũng đột ngột 13 dân chài VN bị giam giữ ở Hải Nam cũng có một ý nghĩa. Chúng rất giống với những tín hiệu của sự nhượng bộ từ phía VN sẽ tiếp theo sau, tức là những sự bỏ mặc chủ quyền thực tế mới. Những tuyên bố chắc nịch và xứng đáng từ chối một « tình hữu nghị viển vông » đổi lấy việc bỏ mặc chủ quyền, những tuyên bố chính trị bắt buộc tạo nên sức động viên trong và ngoài nước, nhanh chóng nhường chỗ trong miệng cũng nhà hùng biện có giọng phẫn nộ ấy, cho lời kêu gọi cảnh sát đàn áp các « phần tử tay sai của thế lực phản động nưóc ngoài » bla-bla-bla… Bình cũ rượu cũ. Không còn chuyện thử kiện Tàu ra toà án quốc tế. “Nĩ hảo ma? Huānyíng! “. Hoan nghênh… các đồng đô la Tàu.
Cuộc gây hấn mới mà dự án công nghiệp Hà Tĩnh gây nên chứng tỏ, nếu như vẫn còn cần phải chứng tỏ, rằng các nhà lãnh đạo ĐCSVN không thể hiện sự khác biệt chủ yếu với nhau về sự phụ thuộc vào chính quyền Tàu. Tất cả họ đều là cái rờ mọoc chính trị của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh, buộc chặt vào đấy bởi những cuộc mặc cả cũ và rất mới, những cuộc mặc cả trong bóng tối cũng như không thể thú nhận. Những lời lẽ loanh quanh giả xã hội chủ nghĩa giả hữu nghị không còn che đậy được thực tế của mối quan hệ chủ-tớ. Và với các nhà dân chủ đáng thương, chỉ còn bước chuyển qua dùng sức mạnh hay đàn áp để buộc phải chấp nhận cái đường lối chính trị tàn hại và đáng xấu hổ của họ: sự hợp tác trái tự nhiên.
“Thóat Trung” [tiếng Việt trong nguyên bản] hay “Cúi Trung” [nguyên bản]: một vực thẳm
Trách nhiệm
Trong khi ngày càng đông đảo các công dân VN nói về “Thoát Trung” [nguyên bản], thì những người tự xưng là đại diện về chính trị của họ không ngừng đưa họ lún sâu vào một sự phụ thuộc mà quốc gia sẽ ngày càng khó rút ra. Như thế, cái hố Tàu trở thành một vực sâu giữa nhóm lãnh đạo ấy và ý chí của nhân dân. Nó ngăn cản VN phát triển lành mạnh. Nó làm VN đông cứng và cô lập với phần còn lại của thế giới. Và trách nhiệm gây ra tình huống này không thể nào rõ ràng hơn. Trong hệ thống hiện tại của đảng duy nhất được thiêng hoá bởi điều 4 Hiến pháp, mọi phe cánh, mọi nhóm lợi ích hiện diện trong lòng Bộ Chính trị phải chịu trách nhiệm về sự phụ thuộc Tàu mang tính tàn phá đất nước. Trách nhiệm tập thể nhưng nhất là trách nhiệm cá nhân. Mỗi nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm cá nhân. Không một ai trong lòng quyền lực trung ương có thể giữ im lặng trước sự phản bội các khát vọng của nhân dân hay đổ lỗi cho các chính quyền vùng miền, mà không đánh mất danh dự công dân của mình. Về phía mình, các chính quyền vùng miền, vốn đã nổi danh một cách đáng buồn vì sự hối thúc tàn bạo tịch thu đất đai của cải của nông dân, không thể viện dẫn quyền tự do kinh doanh cho những doanh nhân Tàu rõ ràng đang phục vụ cho chiến lược của Bắc Kinh. Họ sẽ không thể còn buộc tội quản lý yếu kém cho các ban tổ chức của các khu kinh tế địa phương khi xảy ra các sự cố sẽ không thể không xảy ra giữa bọn chiếm đóng không được mong muốn và một quần chúng địa phương bực tức vì sự chung sống bị áp đặt ấy ; từ thực tế sống, quần chúng cảm nhận điều này như một sự khiêu khích thường trực đối với tình tự dân tộc và với những lợi ích tức thời của mình. Tóm lại, trong lòng các cấp của Đảng từ trên xuống dưới, không ai còn có thể chơi trò đà điểu trước cái điều mà nhiều công dân và một số chiến sĩ dũng cảm đã tố cáo từ lâu: hiểm hoạ chết người của sự Tàu hoá đang đe doạ quốc gia. Sự xâm nhập của giàn khoan đã đem đến cơ hội tái cân bằng nền kinh tế bằng cách dần dần lấy lại thế làm chủ. Cơ hội đã bị ĐCSVN dứt khoát khước từ.
Tiến tới những « Ukraine » kiểu Tàu ?
Mượn cái cớ giả dối là phát triển, đảng này, ngày càng « lạ » đối với quốc gia và dân tộc mình, liên tục mở cửa nhập khẩu một lượng lao động Tàu thường không có chuyên môn, số cư dân bùng nổ trong xã hội VN, một xã hội đang làm mồi cho cuộc khủng hoảng toàn cầu trong đó nạn thất nghiệp đánh vào hằng trăm ngàn người trẻ buộc phải đi bán sức lao động ở nước ngoài… Trong một đất nước mà hằng nghìn hecta phần lớn nằm ở những vùng chiến lược đã được đem cho thuê nhiều thập niên, tức là trên thực tế bị nhượng cho bọn bành trướng Bắc Kinh đeo mặt nạ, các nhà lãnh đạo VN đang cầm quyền lại còn khuyến khích cho làn sóng mạnh thêm… Bao nhiêu giàn khoan Tàu trên đất liền đã từ nhiều năm nay lặng lẽ khoan vào di sản cha ông của VN để hút lên tài nguyên ? Và thế đó, sau khi đã bán đổ bán tháo những tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và kỹ nghệ của quốc gia, các nhà lãnh đạo nước này sắp sửa bật đèn xanh để hy sinh thêm nữa những nguồn nhân lực… và thậm chí còn hơn thế nữa. Hằng nghìn gia đình Tàu mới sắp được định cư. Những gia đình khác sắp được lập nên tại chỗ. Họ sắp làm việc trong các khu kinh tế mà người VN bình thường sẽ bị trục ra ngoài và các chính quyền địa phương sẽ chỉ có thể vào sau khi đã lễ phép chìa chân ra cho họ khám. Họ sẽ sống theo kiểu Tàu trong những con phố, khu phố, quận huyện tự quản mà chính quyền VN thực sự chỉ là những kẻ làm công dễ bảo… Đôi khi, do được Bắc Kinh ngầm khuyến khích bằng tài chính, những cộng đồng Tàu này sẽ sống trong các điều kiện ưu việt hơn hằng ngàn gia đình VN quằn quại bởi nạn thất nghiệp và đồng lương chết đói… Họ sẽ áp đặt ở đó luật lệ kinh tế và do đó áp đặt những chọn lựa chính trị của mình. Những kẻ chiếm đóng mới ấy sắp chủ động gieo trên đất VN một dòng giống Tàu, dòng giống này có thể một ngày nào đó – tại sao không hình dung trước nhỉ ? – sẽ đòi quyền lãnh thổ. Xứ Ukraine kiểu Tàu. Tàu hoá bằng huyết thống. Trong trường hợp có những sự ngập ngừng ở cấp địa phương hay kháng cự ở cấp toàn quốc trước mỗi chấn động mới của nền chính trị Đại Hán [nguyên văn], các nhà lãnh đạo VN không thể không tính đến sức mạnh gây bất ổn của những cái túi thuốc nổ bằng người ở trên đất liền mà mồi lửa có thể được châm từ Bắc Kinh và được tiếp sức tại chỗ bằng những tên mật vụ địa phương người Tàu hay người Việt đánh thuê. Và lúc đó không phải là vài cuộc biểu tình « nhấn nút », « đuợc phép » của Hà Nội để gỡ mặt mũi như vào thời điểm giàn khoan HYSY981, sẽ đưa đến sự thay đổi.
Vũng Áng xác nhận : con vịt VN sẽ bị quay kiểu Tàu !
Việc trở lại của người lao động Tàu ở Vũng Áng là một thông điệp rõ ràng xác nhận sự đồng loã quả tang: Bắc kinh và Hà Nội thoả thuận về điều cốt yếu : « hiện đại hoá » và « phát triển » của VN sẽ được nấu bằng nước xốt Tàu, vì lợi ích « Đại cục » [nguyên văn], mà nhịp điệu được xác định bởi các nhà lãnh đạo Tàu và được hợp thức hoá bởi các nhà lãnh đạo ĐCSVN sau lưng nhân dân mình. Cái ĐCSVN ngày hôm nay, không thể nhận ra nếu so sánh với cái đảng hôm qua, gánh mọi trách nhiệm lịch sử và sớm muộn sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử…
Ghi chú của tác giả dành cho các cư dân VN gốc Tàu và những người lao động Tàu chân chính :
Xin các công dân VN gốc Tàu giản dị không phật lòng vì vài dòng phẫn nộ trên. Chúng không hề nhắm tới họ. Xin những người lao động Tàu bị bóc lột bởi một chế độ độc tài không coi những lời này như kêu gọi chủ nghĩa chủng tộc. Tác giả ở đây chỉ chỉ thẳng một thực tế : các nhà lãnh đạo của hai đảng CS Tàu và VN này không động tâm khi sử dụng quyền lực toàn trị của họ cho những mục đích lợi lộc riêng tư đi ngược lại các lợi ích nhân dân hay quốc gia… Trong khi che giấu những trách nhiệm khủng khiếp của mình, họ sử dụng những người này nhằm cố tình làm trầm trọng thêm sự đói nghèo, thất vọng, sỉ nhục của những người khác. Họ không chuẩn bị tình bạn mà lòng thù hận. Họ không chuẩn bị hoà bình mà những tấn bi kịch mới cho cả hai cộng đồng.
A. M.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét