Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014
Nếu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương, VN mua gì?
Theo ông Dempsey, giới chức Mỹ cùng các tổ chức phi chính phủ nhận thấy rằng Việt Nam đã có những tiến bộ có thể dẫn tới việc dỡ bỏ lệnh cấm.
Các tuyên bố của hai nhân vật nổi bật trong chính giới và quân đội Mỹ khi tới thăm Việt Nam đã mang lại hy vọng cho giới chức cũng như truyền thông do nhà nước kiểm soát ở trong nước về khả năng Hoa Kỳ sẽ sớm dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
“Mỹ sẽ sớm bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam” hay “Tháng 9, Mỹ có thể nới lỏng bán vũ khí cho Việt Nam” là hai trong số nhiều hàng tít được đăng tải sau chuyến thăm trong tháng này của Thượng nghị sĩ John McCain và Đại tướng Martin Dempsey.
Trước đó, ông McCain tuyên bố rằng đã đến lúc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Còn theo ông Dempsey, giới chức Mỹ cùng các tổ chức phi chính phủ nhận thấy rằng Việt Nam đã có những tiến bộ có thể dẫn tới việc dỡ bỏ lệnh cấm.
Hiện chưa rõ Việt Nam sẽ mua gì nếu phía Mỹ đi tới quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Bản thân ông Dempsey, khi trả lời báo chí, cũng cho biết là các giới chức quân sự Việt Nam chưa cho biết cụ thể là họ muốn mua loại vũ khí nào, nhưng hai quốc gia hiện đang bàn thảo về “các tàu tuần tra, các thiết bị trinh sát, tình báo” và “có thể là cả một số vũ khí cho hạm đội mà họ [Việt Nam] chưa có”.
Nhưng trong khi vấn đề biển Đông đang dậy sóng, theo các nhà quan sát, Hà Nội có lẽ muốn tăng cường hải quân để bảo vệ lãnh hải trước sự lấn lướt của Trung Quốc.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, giáo sư giảng dạy bộ môn quan hệ quốc tế tại Đại học George Mason, Mỹ, nhận định: “Hiện nay chúng ta thấy là cái cần thiết của Việt Nam là họ cần phải tăng cường khả năng tuần duyên của họ, thì cái đó là loại vũ khí họ muốn có. Thứ hai là một loại khác mà tôi nghĩ họ cũng muốn có là hỏa tiễn địa đối hạm, có thể bắn xa ra ngoài biển. Thì đó là những cái tôi cho là họ muốn".
Ông Hùng nói thêm: "Nhưng còn có những loại khác nữa là phương tiện để tiến hành trinh sát và thăm dò, dụng cụ để thăm dò ở ngoài biển thì không có, họ có thể muốn mua. Nhưng mà mặt khác thì họ có thể điều đình để cho Mỹ chia sẻ những tin tức ở ngoài đó, bản đồ ngoài đó, như trường hợp mà Mỹ làm với Philippines. Đó là những điều mà theo tôi nghĩ có thể là họ muốn”.
Các giới chức quân sự cấp cao của chính quyền Hà Nội lâu nay bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm này, nhưng phía Mỹ luôn đặt điều kiện về nhân quyền kèm theo.
Chuyến đi của ông McCain và Dempsey diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa trải qua một cuộc đối đầu trên biển với Trung Quốc quanh giàn khoan dầu Bắc Kinh đưa vào vùng biển mà Hà Nội tuyên bố là thềm lục địa của mình.
Một số nhà quan sát nhận định rằng chính phủ Việt Nam dường như đang xích lại gần hơn nữa với Mỹ sau khi vụ giàn khoan dầu đã đẩy quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh xuống tới mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nhận định tiếp: “Kể từ năm 2008, vì sự lấn lướt của Trung Quốc ở trên biển, đã làm cho Hà Nội quyết định tiến gần hơn với các nước Tây phương, và đặc biệt là với Mỹ. Nhưng mà tiến bộ vẫn còn chậm rãi và mang tính thăm dò là vì hai lý do. Thứ nhất, Hà Nội không muốn làm mất lòng Trung Quốc và thứ hai nữa là Hà Nội vẫn còn nghi ngờ Mỹ lật đổ chính quyền của mình".
Ông Hùng nói thêm: "Khi giàn khoan xảy ra, nó làm suy yếu hai điều này. Sự nghi ngờ cũng bớt đi bởi vì sự lo lắng nhiều hơn là vấn đề về Trung Quốc vì việc đưa giàn khoan như là một gáo nước lạnh giội vào những người ở Hà Nội vẫn còn tin tưởng vào ý thức hệ xã hội chủ nghĩa với Trung Quốc. Vụ giàn khoan đẩy mạnh hơn cái tiến trình cộng tác quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.
Hồi giữa tháng Sáu, phát biểu tại buổi điều trần nhằm chuẩn thuận chức vụ đại sứ Mỹ tại Việt Nam do Tổng thống Obama đề cử, ông Ted Osius cũng nói rằng đã đến lúc Washington cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm bán và chuyển giao vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Ông Osius nói rằng Hoa Kỳ đã nói rõ cho phía Việt Nam biết rằng lệnh cấm này không thể được gỡ bỏ nếu không có tiến bộ quan trọng nào về nhân quyền.
Nhà ngoại giao kỳ cựu này nói thêm rằng ông sẽ ‘thẳng thắn và trực tiếp nói với các lãnh đạo ở Hà Nội rằng việc chính phủ Việt Nam tôn trọng nhân quyền sẽ làm cho họ mạnh hơn, chứ không phải yếu đi, đồng thời tiềm năng của mối quan hệ đối tác cũng sẽ phát triển”.
Việc Hoa Kỳ cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nằm trong lệnh cấm vận vũ khí năm 1984 của Washington.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét