Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014
Nhìn lại xung đột Việt-Trung
Nguyễn Quang Dy
Tháng 5/2014, Hà Nội nóng bỏng bất thường ngay đầu hè. Rõ ràng Trung Quốc góp phần làm cho trái đất nóng lên. Đặc biệt Biển Đông càng nóng bỏng hơn. Trung Quốc đặt giàn khoan khổng lồ HD 981 tại vùng biển của Việt Nam từ đầu tháng 5 để tranh cướp chủ quyền, thổi bùng lên làn sóng chống Trung Quốc ở Việt Nam và khắp khu vực.
Nghịch lý yêu-ghét trong lịch sử quan hệ Việt-Trung đầy bi kịch thường dẫn đến xung đột lợi ích quốc gia, kể cả chiến tranh. Năm 1979 Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam trong cuộc chiến biên giới đẫm máu, sau ba thập kỷ gắn bó như “môi với răng” vì cùng chung ý thức hệ. Liệu lịch sử có lặp lại lần nữa tại Biển Đông? Nước cờ tiếp theo của Trung Quốc là gì? Liệu Trung Quốc có xô đẩy Việt Nam vào vòng tay người Mỹ, giống như vào vòng tay người Nga năm 1979? Việt Nam phải làm gì để có thể sống yên ổn bên cạnh người láng giềng khổng lồ?
Bối cảnh lịch sử
Không có bạn thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn
Napoleon Bonaparte đã từng nói, “Trung Quốc là gã khổng lồ đang ngủ. Hãy để cho nó ngủ yên, vì khi thức dậy nó sẽ làm đảo lộn thế giới”. Người Mỹ đã không nghe lời khuyên đó. Họ đã giúp gã khổng lồ trỗi dậy bằng chính sách “can dự xây dựng”. Nhưng họ đã đi quá đà nên bây giờ bắt đầu ân hận, phải tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy hung hăng của nó. Kế hoạch “xoay trục” và TPP (Tran-Pacific Partnership) để “tái cân bằng” sự trỗi dậy của Trung Quốc làm ta nhớ lại thập niên 1950 và 1960 khi Mỹ dùng SEATO (South East Asia Treaty Organization) để ngăn chặn nguy cơ Trung Cộng. Hình như lịch sử đang lặp lại, nhưng với trò chơi mới và luật chơi mới.
Ông Kissinger được ghi nhận là kiến trúc sư của Chính sách Trung Quốc, đã có công giúp Trung Quốc trỗi dậy, theo tầm nhìn của ông ta về một trật tự thế giới trong đó Trung Quốc liên minh với Mỹ để chống Liên Xô. Ông ta đã bí mật dàn xếp với người Trung Quốc để đưa Tổng thống Nixon sang Trung Quốc bắt tay Mao Chủ tịch và ký Thông cáo chung Thượng Hải (năm 1972). Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ bỏ rơi Nam Việt Nam, thỏa hiệp về chủ quyền Đài Loan, hợp tác giúp Trung Quốc thực hiện “bốn hiện đại hóa”, đánh đổi lấy việc Mỹ sẽ rút quân dần khỏi Nam Việt Nam “trong danh dự”, và lập một liên minh “trên thực tế” chống Liên Xô.
Sau đó ông Brzezinski (Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Carter) đã tiếp tục Chính sách Trung Quốc bằng thỏa thuận ngầm với ông Đặng Tiểu Bình để Trung Quốc xâm lược Việt Nam (1979) và ngầm ủng hộ Khmer Đỏ trong chính phủ liên hiệp ở Campuchea. Việt Nam đã trở thành con tốt trong ván bài nước lớn bất lương này, bị xô đẩy vào vòng tay người Nga (1978-1979). Như vậy người Trung Quốc phải mang ơn ông Kissinger về cơ hội trỗi dậy, với sự ủng hộ của ông ta và “China Lobby”. Có điều ông Kissinger không biết (hoặc không quan tâm) liệu Trung Quốc có giữ lời hứa sẽ trỗi dậy “trong hòa bình” và không “động tới quyền lợi của Mỹ” và đồng minh của Mỹ ở Đông Á hay không.
Có lẽ người Mỹ đã hơi ngây thơ hoặc ảo tưởng và ngộ nhận về sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc mà không tính kỹ những nguy cơ tiềm ẩn. Việc Trung Quốc sẽ trở mặt bắt nạt các nước láng giềng và thách thức Mỹ chỉ là vấn đề thời gian. Ngay cả khi người Mỹ đã “xoay trục” sang Đông Á để ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc, dường như họ vẫn chưa thoát ra khỏi cái bóng của ông Kisinger. Những gì đang diễn ra là quá ít và quá muộn để răn đe Trung Quốc và bảo vệ quyền lợi của Mỹ cũng như đồng minh ở khu vực. Người Nhật bây giờ mới tỉnh ngộ và đang vội vã sửa lại hiến pháp để đối phó với Trung Quốc, trong khi các nước khác ở khu vực (như ASEAN) thì hoang mang, bối rối, và bị Trung Quốc phân hóa.
Năm 1979, Trung Quốc xâm lược Việt Nam để “dạy một bài học”, sau khi Việt Nam đánh đổ Khmer Đỏ là đồng minh của Trung Quốc. Thực chất, Trung Quốc đánh Việt Nam chủ yếu là để gây ấn tượng với người Mỹ rằng Trung Quốc là một đối tác tin cậy trong liên minh chống Liên-Xô và Việt Nam. Đối với ông Đặng Tiểu Bình, sự hỗ trợ của Mỹ để thực hiện “bốn hiện đại hóa” mới là mục tiêu chính để giúp Trung Quốc trỗi dậy. Mọi chuyện khác đều là thứ yếu, chỉ là phương tiện. Đối với lãnh đạo Việt Nam, Trung Quốc trở thành “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm”, nên phải liên minh với Liên Xô để chống Trung Quốc.
Phải mất hơn một thập kỷ Việt Nam mới bình thường hóa được quan hệ với Trung Quốc, sau cuộc gặp cấp cao bí mật tại Thành Đô (9/1990) với phương châm “16 chữ vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai). Điều này đã diễn ra đúng như lời tiên đoán trước đây của ông Đặng Tiểu Bình là Việt Nam sẽ phải quay đầu lại với Trung Quốc. Lý do chính Việt Nam phải quay lại là bức tường Berlin và chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ, cùng với sự tan rã của Liên Xô. Lãnh đạo Việt Nam đã hoảng hốt lo mất chính quyền, nên vội vã làm lành với lãnh đạo Trung Quốc bằng mọi giá, dù phải hy sinh lợi ích quốc gia sống còn, để cứu vãn một ý thức hệ và thể chế chính trị đã lỗi thời.
Thỏa thuận Thành Đô là một sai lầm chiến lược to lớn và một bước ngoặt bất hạnh cho Việt Nam, làm cố ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch phải cay đắng nhận xét, “một thời kỳ bắc thuộc mới đầy nguy hiểm đã bắt đầu”. Lãnh đạo Viêt Nam đã dại dột chui vào bẫy ý thức hệ của Trung Quốc, trở thành con tin để họ thao túng, đến tận bây giờ. Suốt hai thập kỷ tiếp theo, các thế hệ lãnh đạo Việt Nam đã buộc phải theo cam kết Thành Đô, như con tin mắc bẫy, với cái giá phải trả ngày càng cao. Qua nhiều năm, Trung Quốc đã lặng lẽ cài cắm một mạng lưới sâu rộng gồm tay sai và người ủng hộ họ trong nội bộ Việt Nam, từ trung ương đến các địa phương, để tác động vào các quyết sách quan trọng, không chỉ liên quan đến các vấn đề kinh tế và chính trị, mà còn cả quân sự và an ninh. Bản chất quan hệ Viêt-Trung bất bình đẳng, dựa trên lòng trung thành mù quáng về ý thức hệ, là nguyên nhân chính đã kìm hãm cải cách kinh tế và ngăn cản đổi mới chính trị ở Viêt Nam trong suốt hai thập kỷ qua.
Nay một bước ngoặt mới lại xuất hiện khi Trung Quốc đột nhiên kéo giàn khoan khổng lồ HD 981 đặt tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông từ đầu tháng 5, làm lãnh đạo Việt Nam bất ngờ, choáng váng, làm sụp đổ ảo tưởng của họ khi Trung Quốc đã công khai trở mặt, vứt bỏ “16 chữ vàng”. Giàn khoan HD 981 không phải chỉ để khoan dầu, mà còn để khẳng định chủ quyền tại vùng biển tranh chấp mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố là “lợi ích cốt lõi” của mình. Thực tế giàn khoan HD 981 là một loại “vũ khí dân sự” để cưỡng đoạt chủ quyền, còn hiệu quả hơn cả hàng không mẫu hạm “Liêu Ninh”. Trung Quốc không bỏ lỡ cơ hội Mỹ và các nước NATO đang bận đối phó với Nga về vấn đề Ukraine, để tăng cường hợp tác với Nga vì nhu cầu năng lượng lẫn địa chính trị. Họ học ngay bài học Nga chiếm Crimea như một chuyện đã rồi, để lấn chiếm Biển Đông bằng giàn khoan khổng lồ HD 981, nhằm thử phản ứng của Việt Nam, ASEAN, Mỹ và các nước khác, chuẩn bị cho nước cờ tiếp theo.
Tình hình quốc nội
Con hổ mới đã biến thành con mèo ốm yếu
Trong khi Trung Quốc trỗi dậy, trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, thì Việt Nam lại tụt hậu, không cất cánh lên được. Các tổng công ty lớn của nhà nước theo “định hướng XHCN” là trụ cột nền kinh tế, nhưng đã thua lỗ nặng và trở thành những con nợ khổng lồ. Thành quả cải cách kinh tế gần hai thập kỷ đầy ấn tượng nay đã tan thành mây khói, vì nạn tham nhũng, quản lý tồi, và bị các nhóm lợi ích thao túng trong một cơ chế thân hữu. Các nhóm lợi ích tham lam chiếm đất của nông dân làm dự án, câu kết với quan tham và xã hội đen đàn áp dân nghèo, gây nên một làn sóng bất bình khắp nơi, có nguy cơ làm bất ổn định xã hội. Nhiều công nhân tại các doanh nghiệp FDI ở các khu công nghiệp biểu tình đòi tăng lương và cải thiện điều kiện sống, nhưng không được giới chủ đáp ứng tích cực nên đầy bức xúc, dễ bị kẻ xấu lợi dụng kích động gây rối, như các vụ bạo động chống Trung Quốc gần đây đã chứng minh.
Thất bại kinh tế và bất ổn xã hội đã thúc đẩy nhanh khủng hoảng chính trị và lãnh đạo. Các phe phái cầm quyền tranh giành quyền lực ngày càng quyết liệt, làm phân hóa nội bộ lãnh đạo và tê liệt năng lực quản trị đất nước, tới mức khủng hoảng. Đấu tranh quyền lực quyết liệt giữa phe chính phủ do Thủ tướng đứng đầu với phe đảng do Tổng Bí thư đứng đầu, đã diễn ra tại hầu hết các hội nghị trung ương trong năm 2013, cho tới khi tạm thời lắng xuống vào cuối năm do không phân thắng bại phải hòa hoãn. Nay sự kiện giàn khoan HD 981 và khủng hoảng trong quan hệ Việt-Trung đã làm gia tăng tranh giành quyền lực, có lợi thế cho Thủ tướng (lên tiếng chống Trung Quốc, nên được dân ủng hộ) và bất lợi cho Tổng Bí thư (im hơi lặng tiếng, nên mất lòng dân). Tuy Việt Nam có cơ hội để thay đổi cơ bản, nhưng lãnh đạo lại chia rẽ vì xung đột lợi ích trước sự đe dọa của Trung Quốc.
Gần bốn thập kỷ sau chiến tranh Việt Nam, trong khi người Việt và người Mỹ về cơ bản đã hòa giải xong, thì cộng đồng người Việt trong nước và ngoài nước vẫn chưa hòa giải được. Nội chiến thường để lại những vết thương tâm lý và tinh thần sâu nặng hơn. Chừng nào trong lòng còn hận thù và thành kiến, thì không những khó hòa giải, mà còn dễ làm phân hóa cuộc đấu tranh chung cho tự do dân chủ và chủ quyền quốc gia. Những người cộng sản cực đoan là những người độc tài, nhưng những người chống cộng cực đoan cũng chẳng khác gì. Vì vậy, chủ nghĩa cực đoan là kẻ thù tiềm ẩn của hòa giải dân tộc và chấn hưng quốc gia.
Tình hình quốc tế
Con sói cô độc
Việt Nam tuyên bố chính sách đa phương hóa quan hệ và có “đối tác chiến lược” với hơn 10 nước (nhưng chưa có Mỹ). Lúc này, chẳng đối tác chiến lược nào (ngoài Mỹ) có thể giúp Viêt Nam răn đe Trung Quốc để tránh bị bắt nạt. Trước hành động xâm chiếm của Trung Quốc tại Biển Đông, chính phủ nhiều nước tuy bất bình, nhưng không dám công khai ủng hộ Viêt Nam sợ làm mất lòng Trung Quốc. Năm 1979, khi bị Trung Quốc tấn công, Việt Nam có hiệp ước liên minh quân sự với Liên-Xô để răn đe Trung Quốc. Nhưng hiện nay Việt Nam hoàn toàn cô độc, không có liên minh quân sự với một nước nào (khác với quan hệ của Mỹ với Nhật, Hàn Quốc, và Philippines). Viêt Nam đã cố giữ cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ bằng chính sách “Ba Không”: không tham gia liên minh quân sự với nước nào, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự, và không dựa vào nước này để chống nước kia. Nếu Việt Nam không thay đổi chính sách cân bằng thụ động này, thì làm sao tự bảo vệ được mình? Việt Nam đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kép: vừa thất bại về kinh tế vừa bị Trung Quốc đe dọa chủ quyền.
Chính sách “xoay trục” của Mỹ sang Đông Á chưa có hiệu lực răn đe Trung Quốc. Bằng việc đưa giàn khoan HD 981 đến Biển Đông, Trung Quốc đã qua mặt Mỹ, ngay sau khi Tổng thống Obama đến thăm Đông Á. Phản ứng của Mỹ đối với Trung Quốc chưa đủ mạnh, vì Việt Nam khác với Philippines. Quan hệ “đối tác toàn diện” với Mỹ phải nâng lên thành “đối tác chiến lược”, bao gồm bán vũ khí sát thương, tập trận chung, và sử dụng căn cứ quân sự tại Cam Ranh (như Philippines và Singapore đã làm với Mỹ). Nhưng thể chế chính trị độc tài của Viêt Nam, với hồ sơ nhân quyền xấu vì đàn áp tự do dân chủ, là trở ngại chính đối với việc nâng cấp quan hệ với Mỹ. Việt Nam cũng khó hòa nhập sâu hơn vào thị trường thế giới (WTO và TPP) vì vẫn bám giữ “định hướng XHCN” và chậm chuyển đổi hẳn sang kinh tế trị trường.
Phản ứng của ASEAN đối với sự kiện HD 981 cũng khá yếu. Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN (10/5/2014 tại Myanmar) ra được tuyên bố chung nhưng không dám nêu đích danh Trung Quốc. ASEAN là một tổ chức lỏng lẻo gồm nhiều nước có thành phần đa dạng, dễ bị Trung Quốc phân hóa và vô hiệu hóa. Bó đũa ASEAN đang bị Trung Quốc tách ra để bẻ gãy từng chiếc, nếu không đoàn kết trong một cộng đồng mạnh hơn. Trong nhiều năm, ASEAN đã không ép được Trung Quốc ký COC (quy tắc ứng xử) tại Biển Đông. ASEAN không có cơ chế an ninh tập thể nên không thể can thiệp để bảo vệ các nước thành viên, kể cả khi bị đe dọa.
Căng thẳng và xung đột trong khu vực đã thúc đẩy nhiều nước chạy đua vũ trang. Việt Nam trở thành khách hàng lớn mua vũ khí của Nga. Nhưng điều này dẫn đến hai nguy cơ lớn: Một là, chi phí quốc phòng tăng lên trong khi kinh tế suy thoái sẽ đặt Việt Nam vào thế tiến thoái lưỡng nan; Hai là, Việt Nam sẽ bị hở sườn nếu Trung Quốc và Nga nâng cấp đối tác chiến lược để đối phó với Mỹ (như đang diễn ra hiện nay). Nếu Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ thành đối tác chiến lược (như dự kiến), thì các hệ thống vũ khí hiện đại mua của Nga có thể không còn an toàn để chống Trung Quốc nữa (đặc biệt là hợp đồng mua 6 tàu ngầm Kilo class 636 và mua thêm 12 máy bay chiến đấu Su-30MK2 còn đang trong quá trình chuyển giao). Vì vậy, việc Mỹ bỏ cấm vận vũ khí sát thương là rất quan trọng đối với Việt Nam lúc này.
Nước cờ tiếp theo
Tiếp tục “Tam chủng Chiến pháp”
Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và bạo loạn chống Trung Quốc tại Bình Dương và Vũng Áng là lời cảnh báo về những tử huyệt của Viêt Nam. Nhưng nếu lãnh đạo Hà Nội vẫn không tỉnh ngộ để tìm cách thoát khỏi cái bẫy ý thức hệ và dũng cảm đối phó với thực tế mới, thì Trung Quốc sẽ tiếp tục thao túng những tử huyệt này để đạt được mục đích, mà chẳng cần chiến tranh.
Trung Quốc đã lợi dụng tử huyệt của lãnh đạo Việt Nam để dùng giàn khoan HD 981 lấn chiếm chủ quyền tại Biển Đông như chuyện đã rồi, để thử phản ứng các bên liên quan. Người ta nghi ngờ tay sai của Trung Quốc tại Việt Nam đã ngầm xúi giục công nhân gây bạo loạn tại Bình Dương, Vũng Áng và những nơi khác để Trung Quốc lấy cớ rút người và rút đầu tư, và để các nhà đầu tư Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản sợ không dám đầu tư. Việc này nhằm gây sức ép để chính phủ Việt Nam tiếp tục trấn áp biểu tình chống Trung Quốc. Ngoài ra Trung Quốc có thể dùng những đòn bẩy khác để gây bất ổn cho xã hội Việt Nam, như dùng mạng lưới tay sai cài cắm trong nội bộ chính quyền và cộng đồng để tác động vào các sự kiện, dùng biện pháp tài chính thương mại để thao túng thị trường, dùng chiến tranh mạng để gây nhiễu, dùng truyền thông để tác động vào dư luận, và dùng công cụ pháp lý để lật lại vấn đề. Đây là một phần của học thuyết “Tam chủng Chiến pháp” (Chiến tranh tâm lý, truyền thông và pháp lý) mà lãnh đạo của họ đã thông qua từ năm 2003. Trong khi chính phủ Việt Nam chưa dám nộp đơn kiện, thì ngày 9/6, Trung Quốc đã bất ngờ đệ trình Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc một tài liệu chính thức về quan điểm đối với tranh chấp tại Biển Đông để lưu chuyển cho tất cả 193 thành viên LHQ.
Phản ứng của lãnh đạo Việt Nam quá chậm và im hơi lặng tiếng, trừ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những tuyên bố kịp thời và mạnh mẽ về hành động hiếu chiến của Trung Quốc, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Myanmar (10/5) và tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á ở Manila (22/5), ghi điểm cao và nổi bật trước các đối thủ chính trị khác. Trước mắt, Thủ tướng đã giành lại được sự ủng hộ của dân chúng và chính danh của người lãnh đạo quốc gia cho sứ mạng bảo vệ chủ quyền. Điều này là thiết yếu trong cuộc chạy đua vào vị trí số một tại Đại Hội Đảng tới. Sự kiện này đã tạo ra một bước ngoặt làm phân hóa nội bộ lãnh đạo Việt Nam, có thể đảo lộn những toan tính trước đó về sắp xếp nhân sự. Đây là cơ hội tốt để Thủ tướng khẳng định vị thế chính trị, và tạo ra những thay đổi cơ bản về chính trị và đối ngoại. Nhưng điều này còn phụ thuộc vào lòng dũng cảm và thành tâm chính trị của người lãnh đạo. .
Phản ứng của dân chúng quá nhanh và mạnh. Có lẽ hơi quá bồng bột để “các thế lực thù địch” lợi dụng gây bạo loạn tại Bình Dương, Vũng Áng và các nơi khác, làm mất uy tín Việt Nam và phá hoại nền kinh tế đang khủng hoảng. Nếu chính phủ biết cách khắc phục hậu quả, hy vọng tác động tiêu cực đến đầu tư FDI, như rút người rút vốn, chỉ là nhất thời. Sau lúng túng ban đầu, chính phủ đã có những biện pháp mạnh hơn để đối phó. Nhưng đừng quá mạnh tay với dân chúng và nhẹ tay với bọn đầu sỏ thủ phạm, vì đó là dấu hiệu họ đứng về phía nào. Đây là cơ hội tốt để các lực lượng yêu nước tập hợp, vì hòa giải và đoàn kết dân tộc, để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đây cũng là thời điểm tốt để phe cải cách lật ngược bàn cờ chính trị và giành lại thế thượng phong. Nhưng sau chuyến thăm của Dương Khiết Trì (18/6/20014), hình như cả hai phái lãnh đạo Việt Nam vẫn lúng túng và bất lực, chưa dám hành động.
Tuy phe bảo thủ thân Trung Quốc bị choáng váng, hoang mang và mất thể diện, nhưng họ vẫn nắm quyền quyết định. Việc Ngoại trưởng Phạm Bình Minh phải hoãn chuyến đi Mỹ theo lời mời của Ngoại trưởng John Kerry (22/5), và những phát biểu yếu ớt của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tại Đối thoại Shangri-La 2014 (30/5) là những tín hiệu xấu, chứng tỏ lãnh đạo Việt Nam vẫn sợ Trung Quốc, tiếp tục duy trì nguyên trạng về ý thức hệ, mặc dù nguy hại cho chủ quyền quốc gia. Một khi Trung Quốc rút giàn khoan và tàu thuyền về, phe bảo thủ sẽ lại hồi phục và thế cân bằng chính trị lại tiếp diễn. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ có thể thay đổi cơ bản khi nào dân chúng thoát khỏi nỗi sợ để hòa giải và đoàn kết dân tộc thành sức mạnh nhân dân, tạo sự đột phá bằng quá trình thay đổi từ dưới lên, chứ không phải chỉ từ trên xuống. Giai đoạn Đổi mới (1986-1990) là một bài học về quá trình thay đổi từ trên xuống bị chết yểu khi chính quyền đột nhiên quyết định đóng cửa.
Phản ứng quốc tế mạnh hơn trước, nhưng chưa đủ mạnh để răn đe Trung Quốc. Không nên ảo tưởng là quốc tế luôn ủng hộ Viêt Nam chống Trung Quốc, vì thế lực Trung Quốc quá lớn và quá mạnh, bàn tay của họ quá dài vươn ra khắp nơi. Việt Nam phải thay đổi thái độ chính trị để có bộ mặt tử tế hơn Trung Quốc, vì không ai muốn ủng hộ một chế độ độc tài tham nhũng, với hồ sơ nhân quyền quá xấu. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ thành đối tác chiến lược để đối phó với Trung Quốc. Nhưng đừng quá ảo tưởng vào “lá bài Mỹ” (cũng như “lá bài Nga” trước đây). Chủ trương “xoay trục” và trò chơi TPP của Mỹ còn đang diễn biến. Đối với Washington, Trung Quốc quan trọng hơn nhiều so với Việt Nam. Hơn nữa, Mỹ còn đang sa lầy tại Trung Đông và dính líu tại Ukraine, trong khi phải đối phó với ngân sách quốc phòng bị cắt giảm và xu hướng trong nước muốn co lại. Trong bài diễn văn về đối ngoại dài 9 trang tổng thống Obama đọc tại West Point (28/5/2014) chỉ có mấy dòng mờ nhạt đề cập đến tranh chấp trên biển tại khu vực này, trong đó chỉ nhắc đến Biển Đông và Trung Quốc hai lần, và không nói gì đến Việt Nam cũng như giàn khoan của Trung Quốc.
Trung Quốc khó có khả năng duy trì quá lâu giàn khoan khổng lồ HD 981 và một đội tàu hộ tống quá lớn tại Biển Đông. Đơn giản là quá tốn kém, dù cho bất kỳ lý do gì. Trung Quốc có thể rút giàn khoan HD 981 vào giữa tháng 8 như dự kiến, hoặc thậm chí sớm hơn nếu đã xong nhiệm vụ, hoặc nếu mùa mưa bão ập đến sớm hơn. Nhưng dù sao, Trung Quốc sẽ không bao giờ bỏ cuộc, và sẽ sử dụng tối đa “chiến thuật giàn khoan”. Họ có thể triển khai thêm nhiều giàn khoan tại những vị trí khác, và ráo riết xây dựng hạ tầng chiến lược tại các bãi đá họ chiếm để đòi “vùng đặc quyền kinh tế”, và “khu vực nhận dạng phòng không”. Trung Quốc sẽ “tùy cơ áp đặt” để từng bước độc chiếm Biển Đông, nhưng tránh đối đầu quân sự với Mỹ. Nước cờ giàn khoan của họ cho thấy nếu xung đột vũ trang xảy ra, nó sẽ xảy ra chớp nhoáng trên biển, với những đòn tấn công chính xác của hải quân và không quân, để phát huy ưu thế, nhằm đảm bảo thắng nhanh để Mỹ không kịp can thiệp. Trận hải chiến tại Gạc Ma năm 1988 là một ví dụ.
Nhưng khi hạm đội tàu ngầm Việt Nam gồm 6 chiếc Kilo class 636 được bàn giao và sẵn sàng hoạt động, với 12 máy bay chiến đấu Su-30MK2 mới bổ sung, Trung Quốc sẽ khó tự do tung hoành ở Biển Đông. Đặc biệt, khi quan hệ với Mỹ được nâng cấp thành “đối tác chiến lược”, bao gồm bán vũ khí sát thương và tập trận chung với Hạm đội 7, và nhất là sau khi Nhật Bản chuyển giao đội tàu tuần duyên loại Bizan cho cảnh sát biển Việt Nam, thì tư thế phòng thủ của Viêt Nam ở Biển Đông sẽ được cải thiện đáng kể. Tuy Trung Quốc không muốn xô đẩy Viêt Nam vào vòng tay người Mỹ, nhưng hành động ngang ngược mới của họ có thể làm thay đổi cục diện, dẫn đến những hệ quả không mong muốn.
Trung Quốc có những phương án khác trong chiến lược vươn ra biển khơi của mình. Nếu lối ra Ấn Độ Dương của họ bị ngăn chặn vì những thay đổi gần đây ở Miến Điện, với sự gia tăng ảnh hưởng của Mỹ tại đây, Trung Quốc phải tìm lối ra Vịnh Thailand và xa hơn nữa. Vì những lý do kinh tế và địa chính trị, Trung Quốc phải kết nối các tỉnh phía Nam với biển khơi bằng một hành lang trong đất liền như một tuyến đường huyết mạch đi qua mấy nước láng giềng, để đối phó với chiến lược “bao vây trên biển” của Mỹ nhằm phong tỏa Trung Quốc tại các điểm yết hầu trên biển. Gần đây, Trung Quốc đã giành được một số dự án lớn ở Lào, Campuchea và Thailand, để xây dựng những cơ sở giao thông và hậu cần có giá trị cao, bao gồm các hệ thống đường sắt, đường cao tốc, đường sông, sân bay, trạm ra đa, hải cảng và kho tàng.
Việc Trung Quốc triển khai giàn khoan khổng lồ HD 981 và đội tàu hộ tống rất lớn tại đây là một phần của kế hoạch nhằm độc chiếm Biển Đông, và kiểm soát các đường hàng hải huyết mạch, bằng cách triển khai học thuyết A2/AD (anti-access/area-denial) mà Mỹ và các đồng minh rất quan ngại. Gã khổng lồ đói năng lượng tất nhiên thèm khát tài nguyên ở Biển Đông, bao gồm 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ mét khối (Anh) khí đốt (theo đánh giá của US Energy Information Administration) hoặc 17 tỷ thùng dầu và 498 nghìn tỷ mét khối khí đốt (theo đánh giá của China National Offshore Oil Corporation). Nhưng, Trung Quốc còn muốn kiểm soát cả đường hàng hải, vì hơn 5 nghìn tỷ USD hàng hóa hàng năm phải qua đây (gồm 3/4 số dầu Trung Quốc nhập khẩu và hầu hết số dầu chuyển đến Japan, South Korea, và Taiwan). Vì tất cả hàng hóa của họ vận chuyển bằng đường biển phải qua đây, nên Trung Quốc rất lo ngại chiến lược “Kiểm soát Ngoài khơi” (Offshore Control) của Mỹ nhằm bảo vệ “Vành đai các đảo tiền tiêu” (First Islands Chain) và dùng các điểm yết hầu như eo Malacca hay Lombok để chặn đường xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Vì vậy, trong khi Trung Quốc tìm kiếm các con đường bộ khác (qua Lao, Campuchea, Thailand), họ phải kiểm soát bằng được Biển Đông.
Điều một giàn khoan trị giá gần một tỷ đô la đến Biển Đông, với hơn một trăm tàu hộ tống các loại vây quanh trong mấy tháng liền, chi phí mỗi ngày gần một triệu đô la, Trung Quốc không chỉ nhằm một mục đích. Nếu không phải chủ yếu để khoan dầu như dư luận nghi vấn, thì nó phải có một nhiệm vụ gì khác quan trọng hơn. Giàn khoan này có thể được dùng để đánh lạc hướng dư luận trong khi họ lặng lẽ xây dựng đảo nhân tạo và căn cứ quân sự tại các bãi đá ở Trường Sa, nhằm áp đặt “đường lưỡi bò” (như chuyện đã rồi), tuyên bố “khu vực nhận dạng phòng không” (ADIZ) và đòi “vùng đặc quyền kinh tế” (EEZ) như tại Hoàng Sa. Nếu đúng Trung Quốc đang đóng thêm một giàn khoan khổng lồ thứ hai (HD 982) như tin đồn, thì việc sử dụng giàn khoan khổng lồ có công năng kép này chứng tỏ là một công cụ chiến lược hiệu quả, vừa để khoan dầu vừa để khẳng định chủ quyền.
Vì vậy, điều quan trọng là phải quan sát thật kỹ xem Trung Quốc đang lặng lẽ làm gì tại các địa điểm chiến lược khác ở Biển Đông, cũng như ở Việt Nam, Lào, Campuchea, và Thailand (từ sau đảo chính). Các công trình đang được xây dựng ở Trường Sa (như đường băng trên bãi đá Gac Ma, đảo nhân tạo và căn cứ quân sự trên bãi đá Chữ Thập) sẽ được kết nối với căn cứ hải quân Du Lâm tại đảo Hải Nam và đảo Tam Sa tại Hoàng Sa. Theo đường chim bay, căn cứ Du Lâm chỉ cách đặc khu kinh tế Vũng Áng hơn 350km. Mấy nghìn công nhân Trung Quốc đang làm việc tại Vũng Áng (Hà Tĩnh, Miền Trung), tại dự án Bô xít Tân Rai và Nhân Cơ (Tây Nguyên) là một rủi ro lớn về an ninh. Nếu có chiến sự, Trung Quốc dễ dàng cắt đôi Việt Nam tại điểm xung yếu này. Về phía Tây có tuyến đường sắt cao tốc Côn Minh-Vientiane (Lào), các căn cứ tại Koh Kong và Bokor (Campuchea), kênh đào Kra Isthmus (Thailand). Một khi các cơ sở chiến lược này hoàn thành và được kết nối, thì Trung Quốc có thể vô hiệu hóa kế hoạch “xoay trục” của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc, và dễ dàng khống chế Việt Nam. Họ chỉ cần hăm dọa, cưỡng ép và bắt chẹt cũng đạt được mục đích, mà không cần phải đánh, vì lúc đó mọi sự kháng cự của Việt Nam là quá yếu ớt và quá muộn…
Năm 1973 “cú sốc dầu hỏa” làm Nhật Bản được một bài học nhớ đời, phải vội vã điều chỉnh chiến lược năng lượng, nên bị thiên hạ gọi là “quái vật kinh tế”. Trung Quốc học bài rất nhanh, đã kịp thời bắt tay với Nga gần đây để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng và lá bài địa chính trị trong trò chơi nước lớn mới. Trong khi đó, Trung Quốc đã triển khai hung hăng hơn tại Biển Đông để tranh thủ giành lợi thế do khoảng trống quyền lực tại đây vì ASEAN yếu và phân hóa, còn Mỹ và các đồng minh đều vướng các vấn đề khác nên không thể hành động quyết đoán. Đây là nước cờ có tính toán nhưng rất nguy hiểm vì Trung Quốc không chỉ là một “quái vật kinh tế” khổng lồ đã vượt qua Nhật Bản, mà còn là một “quái vật được vũ trang” đầy tham vọng, sẵn sàng thách thức các quyền lợi toàn cầu của Mỹ. Họ không còn đủ kiên nhẫn để chơi theo luật chơi cũ. “Cú sốc giàn khoan” này là một lời cảnh báo và một bước ngoặt mới, không chỉ đối với Việt Nam mà cho toàn khu vực. Dù có kiềm chế, khả năng xảy ra xung đột vũ trang do sai sót kỹ thuật hay con người, hoặc do trục trặc về truyền thông là rất lớn.
Làm thế nào để “thoát Trung”
Phản tỉnh dể thoát khỏi cái bẫy ý thức hệ
Quan hệ Việt-Trung phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi. Nhưng thực tế điều này không thể có giữa một nước nhỏ yếu với một láng giềng khổng lồ, lại có truyền thống bá quyền đại Hán. Cách duy nhất là Việt Nam phải độc lập và đủ mạnh để răn đe đối với Trung Quốc (như Israel đối với các láng giềng lớn hơn).
Nhưng muốn độc lập và mạnh, trước hết phải “thoát Trung” vì cái bẫy ý thức hệ đã trói buộc và kìm hãm Việt Nam trong hơn một nửa thế kỷ. Cơ hội “thoát Trung” tốt nhất là khi Trung Quốc bi khủng hoảng và suy yếu (như thời Cách mạng Văn hóa). Mô hình Trung Quốc trước đây đã thất bại (như đại nhảy vọt) và sắp tới cũng không thể thành công (như Giấc mộng Trung Hoa), trừ phi có thay đổi chính trị cơ bản (điều này rất khó). Đó là nghịch lý phát triển kiểu Trung Quốc. Gordon Chang dự đoán “Trung Quốc sắp xụp đổ” trong khi Paul Krugman xác nhận “Trung Quốc đang gặp rắc rối lớn”, vì đã đến điểm giới hạn. Ngày phán quyết của họ đang đến gần. Vậy tại sao Việt Nam cứ đi theo Trung Quốc?
Muốn “thoát Trung”, trước hết Việt Nam phải đổi mới tư duy, từ “trong cái hộp” phải tư duy “ngoài cái hộp”. Người Việt phải học hỏi kinh nghiệm “thoát Á” của người Nhật dưới thời Minh trị, theo tư tưởng đổi mới vĩ đại của Fukuzawa Yukichi (1835-1901). Những nước Đông Á nào quyết tâm đổi mới tư duy để hiện đại hóa đất nước, đều trở thành cường thịnh và có sức sống (như Nhật Bản, Hàn Quốc). Chỉ 2 hay 3 thập kỷ sau chiến tranh bị tàn phá lớn, họ đã chấn hưng được đất nước, trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Trong hơn một nửa thế kỷ qua, Việt Nam đã xa lầy vào quỹ đạo ý thức hệ Trung Quốc hai lần. Lần thứ nhất là từ khi biên giới hai nước thông thương (1950) để hai bên “núi liền núi, sông liền sông”, gắn bó như “môi với răng”, và để chủ nghĩa Mao tràn vào Việt Nam, gây bao đại họa (như cải cách ruộng đất, tập thể hóa nông nghiệp, đàn áp phong trào nhân văn Giai phẩm…). Lần thứ hai là tại gặp gỡ cấp cao Thành Đô (9/1990) khi hai “anh em tử thù” lại đột nhiên ôm chầm lấy nhau như các đồng chí “bốn tốt” với phương châm “16 chữ vàng”. Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc một cách “bất bình thường”, dại dột tự chui đầu vào cái bẫy ý thức hệ của Trung Quốc, để bây giờ mới vỡ mộng khi Trung Quốc công khai lộ bộ mặt thật. Hệ lụy nặng nề của sai lầm to lớn tại Thành Đô đã được cố ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch dự báo, nay đang diễn ra tại Biển Đông và những nơi khác.
Giữa hai kinh nghiệm thảm họa đó khi Việt Nam đi theo quỹ đạo Trung Quốc, thì Việt Nam đã cố “thoát Trung” một lần sau năm 1975, khi Việt Nam xâm lược Campuchea để đánh Khmer Đỏ là đồng minh của Trung Quốc (12/1978), và đánh trả Trung Quốc xâm lược Việt Nam để “dạy bài học” (2/1979). Việt Nam đã coi Trung Quốc như “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm”, thậm chí ghi cả điều đó vào Hiến pháp (1980) và Cương lĩnh Đảng (1982). Việt Nam đã mắc sai lầm chiến lược to lớn, sập bẫy của Trung Quốc, bị cô lập với thế giới (trừ Liên Xô), và sa lầy tại Campuchea. Việt Nam đã cố “thoát Trung” một cách lầm lẫn: chống Trung Quốc (nhưng vẫn giữ nguyên ý thức hệ), chủ quan (tưởng Liên Xô là thành trì vững chắc) và ngây thơ (đối đầu với Trung Quốc khi họ đã bắt tay được với Mỹ).
Nay nếu Việt Nam định “thoát Trung” bằng cách đi đêm với Mỹ như đối tác chiến lược để chống Trung Quốc, trong khi không chịu từ bỏ ý thức hệ đã lỗi thời, thì sẽ lặp lại sai lầm. Việt Nam chỉ có thể dựa vào Mỹ để “cân bằng” với Trung Quốc, chứ không thể “đối đầu” với họ. Chỉ có thể “thoát Trung” về ý thức hệ, chứ không thể “thoát Trung” về địa chính trị. Về lâu dài, người Việt phải sống khiêm tốn, tử tế, tương kính với người Hoa như những láng giềng thân thiện, cùng nhau đổi mới kinh tế và chính trị, xây dựng một xã hội khá giả và dân chủ. Độc tài và tham nhũng là kẻ thù chung của hai dân tộc. Vì vậy, muốn “thoát Trung” trước hết phải phản tỉnh để thoát khỏi ý thức hệ đã lỗi thời, là nguyên nhân chính dẫn đến mọi tai họa.
Làm thế nào để sống bên cạnh Trung Quốc?
Phải thay đổi hoặc mất hết.
Nhìn lại quá khứ với những bài học đau đớn, Việt Nam phải làm thế nào để sống được bên cạnh một nước láng giềng khổng lồ có truyền thống bá quyền đại Hán (như Trung Quốc)?
Thứ nhất, lãnh đạo của nước nhỏ hơn phải giỏi hơn về thuật trị quốc, để nước láng giêng lớn hơn không dễ bắt nạt. Để có lãnh đạo giỏi, phải biết trọng dụng nhân tài, không phân biệt và kỳ thị nguồn gốc, như người Đức trọng dụng bà Angela Markel gốc Đông Đức hay ông Philipp Koeller gốc Việt. Lãnh đạo quốc gia phải vì lợi ích dân tộc, chứ không vì lợi ích nhóm hay cá nhân. Nếu lãnh đạo chạy chức chạy quyền không theo luật pháp, thì các quan tham sẽ vơ vét tài sản quốc gia làm giàu cho mình, làm đất nước khánh kiệt.
Thứ hai, dân trí của nước nhỏ hơn phải cao hơn trong một xã hội dân sự, để nước láng giềng lớn hơn không dễ lừa gạt. Phải khai tâm khai trí cho dân, và phải tôn trọng quyền tự do dân chủ của người dân. Đất nước không thể có nhân tài nếu người dân không được suy nghĩ sáng tạo và tự do tư tưởng. Không thể phát huy được nội lực quốc gia để dựng nước và giữ nước nếu không có hòa giải dân tộc và xã hội dân sự.
Thứ ba, tiềm lực kinh tế và quốc phòng của nước nhỏ hơn phải có chất lượng cao hơn, để nước láng giềng lớn hơn không dễ áp đặt. Trong quá trình dựng nước, phải học bài học “quốc gia khởi nghiệp” của Israel, và kinh nghiệm phục hồi kinh tế sau chiến tranh của Đức, Nhật và Hàn Quốc. Mặc dù Nhật và Đức thua trận phải đầu hàng, nhưng chỉ hai-ba thập kỷ sau chiến tranh, họ đã phục hồi, trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ hai và thứ ba thế giới. Trong khi đó Việt Nam tuy thắng trận, nhưng bốn thập kỷ sau chiến tranh, đất nước vẫn nghèo nàn lạc hậu và lệ thuộc. Muốn phát triển kinh tế bền vững, phải đổi mới thể chế chính trị, để hậu thuẫn cho cải cách kinh tế và đổi mới công nghệ.
Thứ tư, quan hệ đối tác chiến lược của nước nhỏ hơn phải đủ mạnh để răn đe tham vọng bá quyền của nước láng giềng lớn. Hiện nay, Viêt Nam có rất ít sự lựa chọn và rất ít thời gian, không thể tiếp tục bắt cá hai tay để cân bằng quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ. Sự kiện giàn khoan HD 981 là một bài học. Trong thế giới đa cực ngày nay, quan hệ đối tác chiến lược không còn phụ thuộc vào ý thức hệ mà chỉ dựa vào lợi ích quốc gia và địa chính trị. Nếu Việt Nam không chịu thay đổi tư duy thì sẽ trở thành tù binh của quá khứ, và thất bại.
Nếu thiếu hụt những yếu tố trên, Việt Nam dễ trở thành mồi ngon của chủ nghĩa bá quyền đại Hán. Nguy cơ bắc thuộc ngày càng lớn lên cùng sự trỗi dậy của Trung Quốc và tụt hậu của Viêt Nam. Để giữ độc lập và chủ quyền quốc gia, người Việt cần phản tỉnh để thoát khỏi cái bẫy ý thức hệ và cải cách thể chế chính trị. Đã đến lúc phải thay đổi hoặc mất hết.
6/2014
N.Q.D
(Nguyen Quang Dy is a Harvard Nieman Fellow, 1993).
Theo Viet- studies
Nguồn: bolapquechoa.blogspot.com
......................................
References:
1. Peril of Pride and Prejudice, Philip Bowring, South China Morning Post, May 14, 2014
2. Beijing’s actions in the South China Sea demand a U.S. response, Elizabeth Economy and Michael Levi, World Policy, May 15, 2014
3. China’s Push in South China Sea Divides the Region, Murray Hiebert, CSIS, May 16, 2014
4. Hot oil on troubled waters, Economist, May 17th 2014 |
5. Vài Đánh giá Ban đầu về Cuộc Xung đột Viêt-Trung Hiện nay (Initial Assessments on Sino-Vietnamese Conflict now), Trần Ngân, Viet-Studies, May 18, 2014
6. China Miscalculates with its Drill Rig, Bill Hayton, Asia Sentinel, May 19, 2014
7. Mồi lửa & Đống củi (The Sparks & the Firewood), Huy Đức, Viet-Studies, May19, 2014
8. Xi Jinping’s Excellent adventure: A Calibrated Takeover of South China Sea, Nayan Chanda, Yale Global online, May 20, 2014.
9. Kịch bản Chiến tranh Viêt- Trung (Scenarios of a Sino-Vietnamese War), BBC interviewed Carl Thayer, May 22, 2014
10. Vietnam Won’t be Pushed Around by China, H.D.S. Greenway, Boston Globe, May 25, 2014
11. Vụ Khoan dầu khiến Việt Nam Đi Trên Lộ trình Mới (China oil rig set Vietnam on a new direction), Người Việt interviewed Jonathan London, May 28, 2014
12. Vietnam: Turning Point, David Brown, Asia Sentinel, June 2, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét