Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

Những lý luận trường tồn và những câu nói để đời



Nguyễn Ngọc Lanh

Công, Đức, Ngôn. Và danh hão

Ai cũng muốn thành công khi lập nghiệp, lập thân. Nhiều người, nhờ tài năng và nỗ lực, đã đạt được những thành tựu xuất chúng, được hậu thế ghi nhớ. Triết học phương Đông chia họ thành 3 loại: Lập công (Trần Hưng Đạo, Lê Lợi...), lập đức (Chu Văn An, Lãn Ông...) và lập ngôn (Nguyễn Du, Phạm Quỳnh...). Xin nói ngay: phải để hậu thế đánh giá mới khách quan. Trong lịch sử, nhiều vị đã "lập danh" (tể tướng, thái sư, vua...) mà hậu thế chỉ coi là "hư danh". Ở tuổi 80, cái huy hiệu 50 năm và cái danh hiệu NGND của tôi liệu có trở thành "hão" (như ở Liên Xô, sau khi chế độ xô viết sụp đổ)?.

Đảng đang cầm quyền, dù đã 70 năm, vẫn khó đánh giá khách quan về Công và Đức (dù sách giáo khoa Lịch Sử cứ làm), còn đánh giá về Ngôn có lẽ dễ hơn, vì nó "sờ sờ ra đó" dưới dạng câu chữ, lời nói, văn bản... Cơ hội lập ngôn thường dành cho các vị có nhiệm vụ đề xuất (và giảng huấn) lý luận, như tổng bí thư, trưởng ban tuyên giáo, chủ tịch hội đồng lý luận. Trước tuổi tôi có các cụ Lê Duẩn, Nguyễn Đức Bình... Sau tuổi tôi có các cụ Nguyễn Phú Trọng, Tô Huy Rứa, Đinh Thế Huynh... Riêng cụ Đinh Thế Huynh đã lập ngôn ("Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng") ngay từ khi chưa đủ tuổi để lên "cụ". Quả là khả úy.

Một cách lập ngôn mới?

Đọc một bản khai, có những câu: Họ và tên: Lê A do ông nội đặt. Năm sinh: 1945 nhiều sự kiện. Nơi sinh: Phú Thọ đất tổ... vân vân, chúng ta sẽ không nghĩ đó là đơn xin việc. Nhưng nếu... đúng đó là đơn xin việc, người xét đơn sẽ nhớ rất lâu cái đơn này; vì đương sự đã thêm những tính ngữ – tuy đẹp – nhưng lạc đề. Vậy, một cách "lập ngôn" là đưa ra những câu với cấu trúc và nội dung buộc mọi người phải cau mày suy đoán.

Ví dụ, người đứng đầu một tổ chức chính trị, nếu tuyên bố: Chúng ta có chính nghĩa; thì một ẩn ý là: Chúng nó không có chính nghĩa. Nhưng nếu ông ta thêm tính từ (đẹp) vào câu trên, thì thành chuyện khác ngay. Chẳng hạn, câu: Chúng ta có chính nghĩa rạng ngời, sẽ gợi ra ẩn ý là: Chúng nó (cũng) có chính nghĩa (nhưng) chưa/không rạng ngời.

Câu này đã được VTV đưa lên, nay vẫn tồn tại trên mạng. Hy vọng nó sẽ sống dai hơn người phát ngôn. Phần tôi, tôi nhớ lâu câu trên, vì khi học tiểu học (dưới thời thuộc Pháp) đã được các thầy dạy rất kỹ về phân tích ngữ pháp (analyse grammaticale).

Những hệ thống lý luận để đời và sự kết tinh thành danh ngôn

Lý luận Tam Quyền khá dài, nhưng kết tinh bằng một danh ngôn mà cụ thủ tướng đã sử dụng trong Thông Điệp tân niên 2014. Tôi mong rằng các vị Tổng Bí thư, Tuyên giáo... cũng có những danh ngôn để đời, khiến hậu thế phải nhớ và nhắc mãi.

Bài này chỉ xin nêu sự nghiệp lập ngôn của một số nhà lý luận mà tôi khâm phục, nhờ đọc các tác phẩm của họ khá sớm, thường là ngay sau khi chúng được xuất bản.

- Cụ Lê Duẩn, Tổng Bí thư 16 năm (+ 101 ngày). Có lẽ cụ muốn để đời 2 sự nghiệp:

a) Về Công: đó là Giải phóng miền Nam. Cụ là tác giả chiến lược cách mạng ở miền Nam với tác phẩm Đề cương cách mạng miền Nam. Xin để Lịch Sử đánh giá.

b) Về Ngôn: đó là Hệ thống lý luận về quyền làm chủ tập thể. Xin những vị hôm nay dưới 60 tuổi hãy hỏi các cụ trên 70 tuổi để biết họ đã tốn bao giấy mực, công sức, thời gian, tiền của... để thấm nhuần cả một hệ thống lý luận đồ sộ về làm chủ tập thể.

Một danh ngôn: Ngày 13-3-1977, tại trường Nguyễn Ái Quốc, cụ Lê Duẩn nói:

"Loài người đến nay đã có ba phát minh vĩ đại có ý nghĩa bước ngoặt của lịch sử. Thứ nhất là tìm ra lửa. Thứ hai là tìm ra cách sử dụng kim khí. Thứ ba là làm chủ tập thể".

Tiếng nói trái chiều: Đại khái, cũng rôm rả như thời nay mọi người đang bàn về thị trường có định hướng.

- Nhà khoa học Tạ Quang Bửu, trong một hội nghị về Đào tạo sau đại học, phát biểu rằng "Toán học đã trừu tượng, nhưng khái niệm làm chủ tập thể còn trừu tượng hơn".

- Câu lưu hành rộng rãi: Làm chủ tập thể là... chẳng ai làm chủ sất.

- Năm 1975, Tổng thống miền Nam Nguyễn Văn Thiệu lệnh cho đạo quân Tây Nguyên (sắp tan vỡ) được "tùy nghi di tản" bị người dân vạch trần bằng câu tục ngữ: Đó là tổng thống cho phép... mạnh ai nấy chạy. Cùng thời, câu của cụ Lê Duẩn cũng được dân giải thích bằng tục ngữ: Làm chủ tập thể thực chất là "Cha chung không ai khóc"...

- Trái chiều nhất là Đảng ta không thèm nhắc tý gì đến lý luận "làm chủ tập thể" nữa, kể cả trong Cương Lĩnh 1991 (cụ Duẩn mất mới được 5 năm), trong khi đó Cương Lĩnh này khẳng định: “Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”. Đối xử với tiền bối như vậy, mong gì hậu duệ sẽ đối xử phải đạo với các nhân vật hiện thời?

- Cụ Nguyễn Đức Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia. Cụ có cách lập luận độc đáo, sáng tạo, để chứng minh sứ mệnh lãnh đạo của đảng là do lịch sử trao cho. Cụ cho rằng, giai cấp phong kiến Việt Nam kết thúc sứ mệnh lịch sử kể từ khi Khởi nghĩa Yên Thế thất bại (1913), phải trao ngọn cờ cho giai cấp tư sản". Nhưng giai cấp này cũng kết thúc sứ mạng sau khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại (1930). Thế thì, đương nhiên sứ mạng lịch sử được trao cho giai cấp công nhân. Chỉ có điều... trong Lịch Sử nhân loại, các chế độ thay thế nhau (Phong kiến - Tư bản – Xã hội Chủ nghĩa) tốn hàng ngàn năm, nhưng ở Việt Nam, cụ Bình chỉ cho phép diễn ra trong vòng vài ba chục năm. Sáng tạo đến thế là cùng...

- Cụ Nguyễn Phú Trọng, cương vị giống cụ Bình, lại thêm chức Tổng Bí thư, nên rất thuận lợi khẳng định lý luận của mình trong Đảng. Cái khó, là uy tín của Đảng không còn như xưa. Các giá trị của cách mạng tư sản cứ ào ạt xâm nhập nước ta, được Đảng đối phó bằng cách gắn cho chúng tính từ “xã hội chủ nghĩa”. Ví dụ: dân chủ xã hội chủ nghĩa, pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mái trường xã hội chủ nghĩa... (khá lơ mơ, đến nỗi có ý kiến cần làm rõ cái tính từ này ra).

Nhưng đến khi Việt Nam phải công nhận kinh tế thị trường – vốn bị coi là "đặc trưng tư bản" – chúng ta phải thay đổi cách đối phó, sao cho vẫn vào được WTO, mà vẫn bảo vệ được chủ nghĩa xã hội. Đây là cơ hội để cụ Nguyễn Phú Trọng lập ngôn.

1- Bài viết chính

Bài gói ghém toàn bộ tư duy của cụ Trọng, có tên: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam: Quan niệm và Giải pháp phát triển được đăng năm 2003 trên tạp chí Cộng sản. Bốn năm sau (tháng 1-2007) bài này được đăng lại, đúng vào dịp cụ dẫn phái đoàn sang Trung Quốc "trao đổi kinh nghiệm về CNXH và Kinh tế thị trường". Quan điểm hai bên chưa "khớp" nhau, nhưng thống nhất rằng: Kinh tế thị trường có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là bước đột phá trong tư duy lý luận của hai Đảng.

- Đọc bài, ngoài những gì đương nhiên cụ Trọng phải nói, ví dụ đây là mô hình mới trong lịch sử..., là đặc thù của Việt Nam ở thời kỳ quá độ... người ta chú ý tới biện pháp (phần III – Làm thế nào để phát triển được kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam?). Té ra, nó không mới lắm. Ví dụ, kinh tế nhà nước là chủ đạo; và giữ vững vai trò lãnh đạo của đảng trong kinh tế... Thành tựu kinh tế như hôm nay không hiểu do đã làm tốt, hay làm chưa tốt, các biện pháp đã nêu.

2- Danh ngôn và vài lời bàn

- Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường.

Câu này tương đương với danh ngôn của cụ Lê Duẩn (về làm chủ tập thể), đã nói ở trên.

- Nhà nước ta không tam quyền phân lập.

Câu này trường tồn trong phạm vi "Đảng còn, nó còn" (muôn năm?).

- “Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng” (VnExpress)

Đây là sự sắp xếp của Đảng Cộng sản về thứ tự quan trọng của hai văn bản: Văn bản của 90 triệu người và của 3 triệu người (là con em của 90 triệu). Câu này mới, vì do Tổng Bí thư nói ra miệng, chứ rất lâu trước đó Đảng đã nói bằng hình tượng rồi (cờ Đảng được đặt cao hơn cờ Tổ quốc).

- Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa. Câu không mới, đã có người nói trước rồi. Tầm nhìn tới cuối thế kỷ chưa xa lắc.

Nói ngược danh ngôn cũng thành... danh ngôn?

- Cụ Tổng Bí thư chỉ còn hai năm để tìm tòi tiếp về lý luận và mô hình trên thực tế, một Ủy viên trung ương, Bộ trưởng, lại nói: Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm. Thôi, đây là chuyện riêng của đảng.
- Chuyện khác: Cụ Lê Quý Đôn (sinh 1726) có câu "Phi trí bất hưng", được dân ta coi là danh ngôn. Một người bên Trung Quốc sinh sau 167 năm, nói một câu ngược lại: "Trí thức không bằng cục phân"... cũng thành "danh ngôn".
Có người bảo, trong hai năm tới nếu cụ Tổng Bí thư... nói ngược lại "danh ngôn" của chính mình, cũng sẽ thành danh ngôn. Chẳng biết có đúng không?
N. N. L.a

1 nhận xét:

  1. Chính tai tôi đã được nghe một cựu UV BCT nói như thế này:" Lịch sử đã trao cho dân tộc ta vinh dự đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ, đánh thắng chủ nghĩa thực dân mới, nay lại trao cho dân tộc VN ta vinh dự đánh thắng chủ nghĩa bành trướng đại hán " . Câu này cuũng đáng đươcvj xếp vào hàng ranh ngôn phải không các vị !

    Trả lờiXóa