Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Nếu không muốn chiến tranh xảy ra, chúng ta bắt buộc phải kiện Trung Quốc


( Đại Lộ) - Thời gian qua, sau việc rút giàn khoan HD981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc lại liên tiếp có các động thái, như: đưa hàng vạn tàu cá được trang bị các phương tiện thông tin hiện đại cùng các " hàng không mẫu hạm chế biến hải sản" tràn xuống Biển Đông; tuyên bố sẽ xây dựng 5 trạm hải đăng tại quần đảo Hoàng Sa. Hay mới đây, phát biểu tại Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN +, tổ chức ở Thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar ngày 9/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngang nhiên tuyên bố rằng, căng thẳng gia tăng ở Biển Đông đã bị thổi phồng, cho nên, những đề nghị về việc tránh làm phức tạp và leo thang thêm căng thẳng là không cần thiết.

Xoay quanh câu chuyện về các động thái mới này của Trung Quốc, phóng viên báo Đại Lộ và Tạp chí Vận tải Ôtô đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Luật gia Trần Công Trục - Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ về những vấn đề này.

PV: Thưa Tiến sĩ, ông đánh giá như thế nào về các động thái của Trung Quốc sau khi họ đã rút giàn khoan HD 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta?

Tiến sĩ Trần Công Trục: Sau khi Trung Quốc di dời giàn khoan HD 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đã có rất nhiều ý kiến đánh giá quanh sự kiện này. Một trong những đánh giá mà chúng ta nghe được, là Trung Quốc đã có vẻ như ngại trước sự đấu tranh kiên quyết của Việt Nam, sự phản ứng khá đồng loạt của khu vực cũng như thế giới, nên họ lấy cớ là “đã hoàn thành việc thăm dò tìm kiếm" để di dời giàn khoan trước thời điểm họ công bố. Cũng có ý kiến cho rằng, việc Trung Quốc rút giàn khoan là một biểu hiện cho thấy những căng thẳng, sức nóng ở Biển Đông có chiều hướng giảm nhiệt. Đấy là cách nhìn lạc quan mà chúng ta dễ có thể nhận thấy, thông qua một số phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng, có ý kiến lại cho rằng, việc Trung Quốc rút giàn khoan chỉ là một động thái mang tính chất tình thế, như lý do về thời tiết, hoặc như họ tuyên bố “HD 981 đã hoàn thành sứ mệnh”. Theo tôi, đây chỉ là động thái tạm thời, biểu hiện cho toan tính chiến lược của Trung Quốc trong việc độc chiếm Biển Đông; mà chúng ta đã biết chiến lược đó không bao giờ thay đổi. Đặc biệt, sau Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, họ càng quyết tâm thực hiện những toan tính này. Do đó, những biểu hiện vừa rồi không có nghĩa là “sóng đã yên, biển đã lặng”, mà đây là dấu hiệu báo trước một cơn bão lớn hơn sắp diễn ra. Điều này đã được minh chứng bằng việc Trung Quốc vừa đưa 44 ngàn tàu cá được trang bị các phương tiện thông tin hiện đại cùng những “hàng không mẫu hạm chế biến hải sản” tràn xuống Biển Đông. Có thể nói, cuộc chiến “Xâm lược mềm” này của Trung Quốc đã được họ tính toán với những bước đi kỹ lưỡng, và không bao giờ dừng lại. Tôi đánh giá, việc này còn nghiêm trọng hơn việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Điều đó cho thấy, Trung Quốc đã thay đổi chiến thuật, không phải như trước đây họ dùng vũ lực đánh chiếm những vị trí thực địa, hay trên biển, mà họ chuyển sang biện pháp khống chế thông qua việc đưa các tàu cá dưới danh nghĩa dân sự đánh bắt thủy hải sản. Hành động này nhằm mục đích kéo dài thời gian tranh chấp, tạo nên sự bất ổn và rối loạn sâu sắc hơn. Điều này sẽ gây cho chúng ta nhiều khó khăn trong việc tìm biện pháp ứng xử thích hợp nhất. Bởi, việc Trung Quốc đẩy những người lao động lên các con tàu cá, nhưng lại với mục đích gây hấn, là một âm mưu thâm độc đã được tính toán rất kỹ. Do đó, những biện pháp chúng ta đã thực hiện trước đây, như kiên trì thuyết phục, là cần thiết, nhưng nếu chỉ thế thì chưa đủ. Chúng ta cần nhận thức rằng, phải tiếp tục đấu tranh bằng nhiều biện pháp, đừng nghĩ Trung Quốc sẽ không thực hiện những hành động như trước để chấp nhận đàm phán với họ một cách dễ dàng.

Hàng vạn ngư dân trên 44 ngàn tàu cá ấy, liệu có phải là một đạo quân di động trên biển? Cho nên, trước thủ đoạn mới này của Trung Quốc, chúng ta cần phải đưa ra được những cơ sở pháp lý cần thiết giúp dư luận quốc tế thấy rằng, Trung Quốc đã có những vi phạm trong việc sử dụng lượng tàu cá ngoài vùng lãnh hải của họ.

PV: Tiến sĩ đánh giá thế nào về đạo quân tàu cá ấy?

Tiến sĩ Trần Công Trục: Theo tôi, việc Trung Quốc đưa một số lượng tàu cá khổng lồ ra Biển Đông, chính là họ muốn khẳng định chủ quyền đường lưỡi bò mà họ tự vẽ ra. Hành động này không chỉ là biện pháp đơn thuần nhằm tới mục đích độc chiếm Biển Đông, mà nó còn thể hiện cả phương thức quản lý của Trung Quốc trong chính sách đối nội. Vì vậy, chúng ta phải hiểu được bản chất vấn đề, chúng ta mới có biện pháp đấu tranh pháp lý thích hợp. Chúng ta phải chứng tỏ với thế giới rằng, chúng ta hiểu và thực hiện đúng theo các công ước, Luật pháp Quốc tế. Điều này là rất cấp thiết, bởi Trung Quốc đang sử dụng những xảo thuật về mặt pháp lý để “hợp lý hóa” những hành động xâm phạm trái phép của họ.

Cũng như trước đây, các hành vi xâm chiếm núp dưới danh nghĩa dân sự luôn được Trung Quốc tính toán, thực hiện một cách bài bản, thì lần này, việc họ đưa một lượng lớn tàu cá ra Biển Đông, cũng không loại trừ có những lực lượng quân sự “khoác áo” ngư dân. Chúng ta còn nhớ, năm 1958, Trung Quốc đã cho quân đội núp dưới danh nghĩa ngư dân để đánh úp nhóm đảo phía tây thuộc quần đảo Hoàng Sa, do quân lực Việt Nam Cộng hòa quản lý. Nhưng họ đã bị lực lượng bảo vệ đảo của Việt Nam Cộng hòa kịp ngăn chặn . Các chiến binh Việt Nam Cộng hòa đã bắt sống toàn bộ số ngư dân giả dạng này và mang về giam giữ ở Đà Nẵng, sau đó đã trao trả cho nhà cầm quyền Trung Quốc theo con đường ngoại giao. Tôi dẫn câu chuyện đó để nói rằng, những người có mặt trên các tàu cá không đơn thuần là ngư dân, mà chắc chắn còn có cả lực lượng quân sự đang thực hiện nhiệm vụ .Vì với hình thức cơ động, các lực lượng trên những con tàu này có thể hợp thành những đơn vị chiến đấu, thực thi nhiệm vụ.

PV: Không chỉ tuyên bố sẽ xây dựng 5 trạm hải đăng tại quần đảo Hoàng Sa, những tuyên bố mới đây tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN mở rộng, của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc- Vương Nghị đã bộc lộ rõ hơn dã tâm của Trung Quốc trong việc độc chiếm Biển Đông. Tiến sĩ đánh giá như thế nào về các động thái mới này?

Tiến sĩ Trần Công Trục: Như tôi đã nói, từ trước đến nay để đạt được mục đích của mình, Trung Quốc luôn bất chấp tất cả và luôn sử dụng mọi thủ đoạn, dù là xâm lược bằng vũ lực hay sử dụng các biện pháp “xâm lược mềm”. Tuy vậy, họ vẫn tuyên bố rằng, Trung Quốc muốn duy trì nền hòa bình trong khu vực, làm trọng tài trong các cuộc tranh chấp … Nhưng bên cạnh những lời biện hộ xảo quyệt, họ còn có những hành động ngang ngược, bộc lộ rõ dã tâm và bản chất, mà việc họ tuyên bố sẽ xây dựng các ngọn hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa là một minh chứng mới. Thêm nữa, những phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc – Vương Nghị tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN +, tổ chức tại Myanma trong các ngày vừa qua, chứng tỏ Trung Quốc không thay đổi quan điểm của mình trong vấn đề Biển Đông. Vì thế, chắc chắn, họ sẽ có thêm những hành động tương tự trong thời gian tới. Họ giống như kẻ nhảy vào nhà người khác ăn cướp trắng trợn lại nghiễm nhiên cho mình cái quyền của người chủ nhà. Trong khi, chính những người chủ ấy cần củng cố nhà mình, lại mất đi cái đặc quyền này ngay trên mảnh đất của mình. Tôi e rằng, trên thực tế chúng ta đã có những tư duy kiểu đó, một lối tư duy mà rõ ràng Trung Quốc đang muốn gieo vào đầu những người Việt Nam. Ở đây tôi xin nhắc lại lời một học giả là: Cách đánh giá Trung Quốc hiện nay của không ít người, xem ra giống như ông thầy bói xem voi, tức là chỉ biết đến một bộ phận, nhìn thấy một phần nào đó, còn bản chất cũng như tổng thể vấn đề lại không nắm rõ. Chính vì vậy, việc thống nhất trong nhìn nhận đánh giá bản chất các hành động mà Trung Quốc gây ra, là điều chúng ta cần nhanh chóng khắc phục.

PV: Những diễn biến vừa qua cho thấy, cách ứng xử của Việt Nam với Trung Quốc vừa cương quyết, vừa mềm mỏng; nên phải chăng, khi Trung Quốc đã rút giàn khoan HD 981 ra khỏi vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, việc chúng ta kiện Trung Quốc sẽ chậm lại?

Tiến sĩ Trần Công Trục: Dưới góc độ của người làm công tác luật pháp, tôi cho rằng vấn đề đấu tranh pháp lý là việc duy nhất mà chúng ta làm được trong bối cảnh hiện nay. Và, nếu chúng ta không muốn chiến tranh xảy ra, thì chúng ta bắt buộc phải kiện Trung Quốc. Ở đây, chúng ta kiện Trung Quốc không phải là chúng ta tranh chấp với họ, mà là chúng ta bảo vệ công lý và lẽ phải. Khi chúng ta và Trung Quốc phân định rõ ràng lãnh thổ, cũng như quyền lợi chính đáng của mỗi bên, thì hai bên mới có thể xây dựng niềm tin chiến lược như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói. Còn, nếu chúng ta vẫn giữ tư duy chỉ kêu gọi chung chung, thì sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì cụ thể. Tôi cho rằng, hiện nay Trung Quốc không muốn Việt Nam đem những vấn đề này ra tòa quốc tế, bởi vì họ nhận ra rằng, trong cuộc chiến pháp lý này, Trung Quốc có rất nhiều điểm yếu. Chính vì vậy, để đánh lạc hướng dư luận, để Việt Nam bị phân tán vào các mục đích khác, thời gian vừa qua, Trung Quốc đã liên tiếp có những hành động làm tình hình trở nên phức tạp và khó lường hơn. Ngay cả việc Trung Quốc rút giàn khoan HD 981 cũng không nằm ngoài mục đích này.

- Xin cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trao đổi này!

Mỵ Châu - Nguyễn Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét