Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Độc quyền chân lý và những sai lầm - bài học từ quá khứ

Tô Phi

(VNTB) Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay có 3 triệu đảng viên, hệ thống Đảng cứng nhắc từ trung ương tới địa phương đã hầu như khống chế đời sống chính trị quốc gia. 90 triệu dân chỉ với một đảng chính trị độc tôn rõ ràng dễ đưa tới một Trung tâm độc quyền phát ra chân lý, theo cách nói của GSTS Dương Phú Hiệp - nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương.




Hai cuộc khủng khoảng

Ngược dòng lịch sử, ngay khi các binh đoàn bách chiến bách thắng của Quân đội Nhân dân trở về Thủ đô Hà Nội, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hình thành sau cuộc kháng chiến tám năm chống thực dân Pháp và Hiệp định Genève 1954, đã sớm phải đón nhận hai cuộc khủng khoảng nội chính nặng nề: một ở nông thôn và một ở thành thị.

Cuộc khủng hoảng ở nông thôn là do sai lầm cải cách ruộng đất thất học của nhà nước. Nhớ lại những năm 1954, khi Đảng hô hào phóng tay phát động quần chúng làm Cải cách ruộng đất tiêu diệt trí- phú- địa- hào. Rồi sau đó đảng bảo là sai. Các trí thức giật mình sửng sốt. Nhưng rồi bị Đảng thuyết phục rằng sai lầm là nhất thời, thắng lợi là căn bản, họ lại lẽo đẽo theo Đảng, dùng uy tín của trí thức lôi kéo nhân dân vào những phong trào lẩm cẩm, thậm chí phản khoa học, như cấy dày để tăng sản lượng lúa, cắt đuôi, cắt tai, cắt tuyến giáp trạng của lợn cho lợn mau lớn, tăng năng suất vận tải bằng một xe kéo nhiều rơ-moóc… Kịp tới khi những cánh đồng cấy dày chỉ cho rơm chứ không cho thóc, những con lợn bị cắt đuôi, cắt tai, cắt tuyến giáp trạng lăn đùng ra chết, những chiếc xe tải kéo nhiều rơ-moóc hỏng hàng loạt thì họ lại ngã ngửa ra lần nữa, chợt thấy Đảng chẳng hề là trí tuệ và lương tâm thời đại như báo Đảng quảng cáo, mà chỉ là một mớ tạp pí lù những kiến thức chắp vá học mót ở những thầy mo bên Tàu.

Cuộc khủng hoảng ở thành thị miền Bắc Việt Nam sau hiệp định Giơ-ne-vơ là do phản kháng của giới trí thức. Biểu hiện rõ ràng nhất của sự phản kháng này là phong trào Trăm hoa đua nở, hay phong trào Nhân văn – Giai phẩm. Giai đoạn bừng nở ngắn ngủi và đầy sáng tạo này sẽ được trình bày trên những nét cơ bản và đặt trong bối cảnh lịch sử - chính trị của nó. Cơ quan ngôn luận của phong trào này là Nhân Văn, một tờ báo văn hóa, xã hội do Phan Khôi làm chủ nhiệm và Trần Duy làm thư kí toà soạn, cùng với tạp chí Giai Phẩm, hình thành nên nhóm Nhân Văn–Giai Phẩm.

“Tôi bước đi

không thấy phố

không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa

trên màu cờ đỏ”

(bài Nhất định thắng của Trần Dần)

Cuộc trấn phản diễn ra ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn đó (1965-1968 ) là bản sao của cuộc trấn phản trong và sau Đại cách mạng văn hóa vô sản ở Trung Quốc. Trong tình hình đất nước đang có chiến tranh, người ta giới hạn mục tiêu trong sự vô hiệu hóa một số ủy viên Bộ Chính trị và ủy viên Trung ương có khả năng thế chỗ ban lãnh đạo đương thời một khi xảy ra biến động. Đòn mạnh hơn được giáng xuống những người cộng sản ở cấp thấp hơn. Tất cả các nhà văn đích thực của Việt Nam thời ấy đều bị chính quyền trả thù một cách hẹn hạ, nhiều người đi tù mà không có án. Nguyễn Tuân đã nói về Trường Chinh – người ra lệnh vùi dập phũ phàng phong trào thơ ca tự do nói riêng và thói vơ đũa cả nắm của cơ quan kiểm duyệt văn học nghệ thuật Việt Nam sau này nói chung như sau: “Nếu trong vườn hồng có sâu thì ta phải chịu khó mà bắt bằng tay, từng con một. Đổ ụp cả đống thuốc trừ sâu vào đấy thì chết cả vườn hồng. Rồi sẽ thấy: qua đợt đánh phá này không biết bao giờ nền văn nghệ Việt Nam mới ngóc đầu dậy được!”.

Một số ít đảng viên cộng sản đã nhận ra sai lầm này đối với văn học dân tộc. Chẳng hạn như ông Bùi Công Trừng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước đã từng nhận xét: “Ở đời dốt nát với hiểu biết như nước với lửa. Họ dốt (tức các nhà lãnh đạo), đã thế lại không chịu học, thánh nhân phải học sao còn là thánh nhân, thành ra đã dốt lại càng dốt thêm. Dốt ghét giỏi là lẽ thường tình. Trí thức nước mình còn khổ, chừng nào thằng dốt còn đè đầu thằng giỏi. Cái đó là bi kịch không phải của một mình nước ta mà của tất cả các nước xã hội chủ nghĩa”.

Độc quyền chân lý = Tử vong

Những người cộng sản thiếu học không hiểu rằng mục đích cuối cùng của cách mạng vô sản, theo Mác, không phải chỉ nhằm giải phóng thân phận nô lệ của người vô sản, mà là giải phóng con người nói chung, nhằm “đưa con người từ vương quốc tất yếu qua vương quốc tự do”. Nhưng Mác không biết xã hội đó tổ chức như thế nào, nên hình dung xã hội tương lai của ông là không tưởng.

Đánh vào những người cộng sản chủ trương dân chủ hóa xã hội, xóa bỏ chế độ toàn trị, là thủ tiêu chỗ dựa tinh thần của trí thức, thủ tiêu ý chí đấu tranh của trí thức, đặt trí thức vào đúng vị trí Đảng muốn: vị trí của thằng hầu. Charles Fourniau, nhà sử học Pháp có nhiều công trình nghiên cứu về Đông Nam Á, đã từng chiến đấu bên cạnh nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc 1946-1954, trong một hội thảo bàn tròn vào cuối thập niên 70 đã huỵch toẹt ra rằng:”Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Kam-pu-chia là những xã hội cùng chung một mô hình, chỉ khác nhau ở cấp độ mà thôi”.

Lịch sử của Việt Nam hiện đại trong sách giáo khoa ngày nay, là sự lãng quên tập thể có mục đích do Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành và cách diễn giải lịch sử theo quan điểm phục tùng ý thức hệ. Đó là điều không thể chấp nhận được của môn khoa học đòi hỏi tính khách quan.

Kẻ nguy hiểm cho xã hội chính là kẻ tự cho là mình biết phải sống thế này, thế kia và ai không sống theo hắn thì hắn bảo đó là kẻ xấu và phải dùng vũ lực để loại bỏ. Đó gọi là độc quyền chân lý. Ông tổ của chủ nghĩa cộng sản, Karl Marx bảo rằng độc quyền trong tất cả mọi lĩnh vực đều là phản tiến hóa,, nhưng ông lại đề xuất mô hình nền chính trị độc quyền. Đây là mâu thuẫn nội tại rành rành của chủ nghĩa Marx- Lê nin

Tệ sùng bái cá nhân và mị dân là người bạn đồng hành của nạn độc quyền chân lý. Hết thảy Lê-nin và Stalin ở Nga Sô, Mao Trạch Đông ở Trung Sô, Hồ Chí Minh ở Việt Nam, Kim Nhật Thành ở Bắc Triều Tiên đều được bộ máy tuyên truyền nâng lên quá đáng. Ở những đất nước này, lãnh tụ phải là "thiên tài của các thiên tài".

Ở cấp thấp hơn, các cán bộ cộng sản luôn được giới thiệu là có bằng cấp thạc sỹ, tiến sĩ nhưng không hề đọc thông viết thạo bất kỳ ngoại ngữ nào, và câu nói cửa miệng của họ khi dân hỏi là “việc này cần phải nghiên cứu” rồi tất cả rơi vào lặng im. Đến khi tầng lớp trí thức trong dân phát hiện được tội lỗi của mấy ông này và học vấn của các ông cũng chẳng có gì xuất chúng thì chính quyền buộc phải dùng mọi cách ra sức để bịt miệng vì đã lỡ suy tôn lãnh tụ quá mức không rút lại được nữa. Xã hội Trung Quốc và Việt Nam ngày nay, nạn đạo văn và bằng cấp giả hoành hành phá nát đạo học của dân tộc.

Một đất nước tiến bộ phải là một đất nước có những tiếng nói từ nhiều tầng lớp nhân dân. Khi xã hội không có tiếng nói phản biện thì không thể vươn tới độc lập- tự do- hạnh phúc. Con người phải sống thành thực, nhất là những vị lãnh tụ. Phải luôn luôn học hỏi chứ đừng ra sức quảng cáo cho trí tuệ và cười trừ cho sai lầm của mình. Người Nhật có câu nói rất hay: Chính các ông quan mới là những người cần phải học hỏi nhiều nhất. Một khi ai đó độc quyền chân lý, vỗ ngực bảo rằng chỉ anh ta biết đường đi thì anh ta sẽ không nghe những người chỉ đường thành tâm và rơi xuống hố.

Tử vong!

Tô Phi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét