Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Biển Đông hâm nóng Hội nghị Bộ trưởng ASEAN

(Kiến Thức) - Hội nghị ngoại trưởng ASEAN ngày 8/8 khởi động một loạt cuộc đàm phán với mục đích yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động khiêu khích ở Biển Đông.
 
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị ngoại trưởng ASEAN ở thủ đô Naypyidaw, Tổng thống Myanmar, nước chủ nhà tổ chức sự kiện này, Thein Sein bắt đầu với lời kêu gọi các nước trong khu vực tăng cường khả năng của mình nhằm thúc đẩy “quá trinh giải quyết hòa bình các tranh chấp và sự khác biệt giữa các bên”.



Tổng thống Myanmar Thein Sein (thứ ba từ phải sang) đang bắt tay ngoại trưởng các nước ở lễ khai mạc Hội nghị ASEAN lần thứ 47 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Myanmar ngày 8/8.

“Những phát triển hiện nay trên thế giới đang gây lo ngại nghiêm trọng đối với chúng tôi”, Tổng thống Thein Sein nói thêm mà không đưa ra bất cứ ví dụ cụ thể nào trong bài phát biểu của mình.
Các hành động gần đây của Bắc Kinh ở Biển Đông, bao gồm việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đã làm dấy lên mối quan ngại mới trong căng thẳng kéo dài từ lâu ở khu vực.
“Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc tới các diễn biến gần đây ở Biển Đông, mà đã gây căng thẳng ở khu vực này”, trích dẫn tuyên bố dự thảo mà sẽ được thảo luận trong Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần này. Đại diện các nước hy vọng đạt được một tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông vào cuối ngày 8/8.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tuyên bố dự thảo có thể gây nên tranh cãi giữa các đồng minh của Trung Quốc trong khối ASEAN. Tuy nhiên, dự thảo cũng kêu gọi chấm dứt “các hành động gây mất ổn định” trong vùng biển tranh chấp.


Các ngoại trưởng ASEAN họp riêng bàn cách đối phó Bắc Kinh


Diễn đàn khu vực ASEAN vừa bắt đầu khai mạc tại Myanmar. Diễn đàn này quy tụ nhiều quan chức ngoại giao cao cấp từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cả EU. Một chủ đề quan trọng trong diễn đàn lần này là vấn đề Biển Đông.

Bangkok Post cho biết "Trung Quốc phải đối mặt với yêu cầu đòi họ chấm dứt hành vi khiêu khích" tại biển Đông. Tổng thống Myanmar Thein Sein đã mở đầu cho cuộc họp giữa bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN và ông đưa ra lời kêu gọi các nước trong khu vực thúc đẩy việc "giải quyết các tranh chấp và khác biệt một cách hòa bình ".

"Những diễn biến hiện nay trên thế giới đang gây ra mối quan ngại nghiêm trọng đối với chúng tôi", ông cho biết. Bangkok Post cho rằng đó là những lời ám chỉ với hành vi gần đây của Bắc Kinh ở Biển Đông, bao gồm cả việc hạ đặt trái phép giàn khoan trong 2 tháng rưỡi trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam. Hành động này hiến các nước trong khối rất lo ngại, đặc biệt là các nước ven bờ Biển Đông.

Bangkok Post cho biết vào cuối hôm thứ Năm, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia, Philippines và Việt Nam đã nhóm họp riêng ở Naypyidaw để củng cố lập trường chung về Biển Đông. "Khi chúng tôi phối hợp, vị thế của chúng tôi trở nên mạnh mẽ hơn," một nhà ngoại giao Đông Nam Á hôm qua cho biết khi được hỏi về cuộc họp.

Các nước ASEAN có mối quan tâm lo lắng về hành vi của Trung Quốc rất muốn đưa ra một dự thảo chung dựa trên sự đồng thuận của các tất cả các thành viên. Dự thảo sẽ có nội dung kêu gọi chấm dứt "các hành động gây mất ổn định" ở biển Đông và không cần nói thì người ta cũng biết ai là kẻ gây rối. Quan điểm của ASEAN về tình hình biển Đông cũng là lập trường của các nước khác trên thế giới đối với vùng biển có tuyến hàng hải cực kỳ quan trọng này.
Tại cuộc đối thoại Shangri La cách đây hơn hai tháng, các quan chức quốc phòng Mỹ, Úc và thủ tướng Nhật Shinzo Abe đều kêu gọi chấm dứt các hành động khiêu khích trong đó bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Chuck Hagel chỉ đích danh Trung Quốc. Tại Myanmar lần này, Bộ trưởng ngoài giao Mỹ John Kerry cũng dự kiến sẽ hỏi thắng Trung Quốc những vấn đề trên biển Đông.

"ASEAN không định nghĩa được hành động khiêu khích ở Biển Đông"
Ông Shanmugam cho rằng khó có thể định nghĩa được hành động khiêu khích là gì nên không thể đóng băng tất cả các hoạt động.

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore K Shanmugam hôm 8/8 cho biết, ASEAN và Trung Quốc nên thực hiện tự kiềm chế trong hoạt động của mình ở Biển Đông theo Tuyên bố Ứng xử ở Biển Đông (DOC) được ký kết giữa hai bên trong năm 2002 khi trả lời phỏng vấn về lập trường của Singapore đối với các kêu gọi gần đây của Mỹ và Philippines về một lệnh cấm tất cả các hoạt động khiêu khích trên Biển Đông.

Ông Shanmugam đã tới Myanmar tham dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN hôm 8/8. Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng thống Myanmar Thein Sein thúc giục ASEAN tăng cường khả năng của mình để đạt được một thỏa thuận hòa bình giải quyết các tranh chấp.


Ngoại trưởng Singapore K Shanmugam.


Trong cuộc họp ngày 8/8, Ngoại trưởng các nước ASEAN đã không thể đi đến một kết luận về những hành động được coi là khiêu khích ở Biển Đông. Ông Shanmugam cho rằng khó có thể định nghĩa được hành động khiêu khích là gì nên không thể đóng băng tất cả các hoạt động, nhưng thúc giục các bên ngồi xuống để thảo luận và hoàn chỉnh Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên tranh chấp ở Biển Đông (COC).

Căng thẳng ở Biển Đông bùng lên khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam hơn 2 tháng mới rút đi. Việc Trung Quốc rút giàn khoan được Ngoại trưởng Singapore xem như là động thái cho thấy Bắc Kinh muốn đạt được tiến bộ trong đàm phán về Biển Đông vào cuối năm nay.

Phát biểu bên lề Hội nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phủ nhận (thực tế) việc nước này cản trở sự tiến bộ trong việc đạt được thỏa thuận COC và cho biết "Bắc Kinh rất muốn kết thúc COC, nhưng ra điều kiện rằng trước hết DOC phải được thực hiện một cách có hiệu quả"?!

Vương Nghị nói với tờ Channel News Asia rằng Trung Quốc đang đề xuất coi 2015 là một năm hợp tác hàng hải giữa Trung Quốc và ASEAN và bày tỏ kỳ vọng muốn xây dựng con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 trong khu vực.

Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng hợp tác là chìa khóa để giải quyết vấn đề Biển Đông, nhưng bác bỏ đề xuất kế hoạch hành động ba giai đoạn của Philipines, trong đó có yêu cầu các bên dừng mọi hành động leo thang căng thẳng tại Biển Đông.

"Trung Quốc sẵn sàng lắng nghe bất cứ đề nghị nào có ý nghĩa. Nhưng mọi đề xuất, đề nghị trước tiên phải công bằng và khách quan. Đề nghị nên mang tính xây dựng, thay vì tạo ra những vấn đề mới hoặc những cuộc đối đầu", Vương Nghị nói.

Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ gặp nhau vào ngày 9/8 để thảo luận, bao gồm về các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông./.
Tại ARF : Mỹ tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông


Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry
REUTERS/Gary Cameron

Đức Tâm

Tại diễn đàn an ninh khu vực (Asia Region Forum – ARF) được tổ chức ngày 10/08/2014 ở Miến Điện, Trung Quốc sẽ chịu sức ép ngoại giao yêu cầu Bắc Kinh kiềm chế các động thái đòi hỏi về chủ quyền lãnh thổ. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tranh thủ diễn đàn này để vận động các nước ủng hộ kế hoạch kêu gọi ngừng mọi hành động khiêu khích tại các vùng biển đang có tranh chấp, như không đưa ra các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ, đình chỉ việc xây dựng trên các đảo, bãi đá đang có tranh chấp.


Cuộc tấn công ngoại giao của Mỹ tại ARF thể hiện một bước tiến mới trong việc Washington can dự vào các tranh chấp lãnh thổ, trong lúc các nước liên quan trong vùng ngày càng lo ngại về những hành động hung hăng, đơn phương xác quyết chủ quyền của Trung Quốc.

Ngay lập tức, Trung Quốc đã bác bỏ kế hoạch của Mỹ. Tuy vậy, một nhà ngoại giao cao cấp của Hoa Kỳ nói : « Ngoại trưởng Mỹ không tìm cách đọ sức. Đây không phải là cuộc đấu đá giữa các siêu cường » và giải thích, ông Kerry có thể kêu gọi tất cả các bên đang có tranh chấp cần phải kiềm chế.

Thế nhưng, trước đó, Washington đã điểm mặt chỉ tên Bắc Kinh. Ngày 28/07, ông Daniel Russel, quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Bắc Á, đã nói rằng có những bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang tiến hành xây dựng trên các đảo nhỏ và bãi đá ở Biển Đông, và quy mô các hoạt động này vượt xa những gì mà các nước cũng có tranh chấp đã làm.

Hôm qua, 07/08, Trung Quốc tuyên bố có kế hoạch xây 5 ngọn hải đăng trong vùng quần đảo Hoàng Sa, nơi đang có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam.

Theo giới phân tích, lập trường cứng rắn không bình thường này của Mỹ nhằm gây sức ép với Trung Quốc, đáp ứng những lo ngại ngày càng gia tăng trong khu vực và khuyến khích các nước ASEAN thúc đẩy nhanh chóng đạt được các kết quả trong tiến trình thương lượng xây dựng một bộ luật ứng xử có tính ràng buộc, để làm giảm căng thẳng ở Biển Đông.

Chuyên gia Ernest Bower, thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược, trụ sở tại Washington, nhận định : « Hoa Kỳ không dựa vào những gì mà Trung Quốc nói mà nhìn vào những gì Trung Quốc làm, và quyết định sẽ can dự » và « lời kêu gọi ngừng các hành động khiêu khích cần được coi như một mức độ can dự ngoại giao mới của Hoa Kỳ trong hồ sơ này ».

Áp lực của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ tăng lên gấp bội nếu như sáng kiến do Ngoại trưởng John Kerry đưa ra, có được sự ủng hộ của ASEAN. Thế nhưng, nội bộ ASEAN vẫn thường xuyên bị chia rẽ trong vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng Indonesia, Marty Natalegawa tuyên bố ủng hộ việc ngừng mọi hành động khiêu khích và sẽ hỏi cụ thể các thành viên liên quan xem họ ngừng loại hoạt động nào.

Theo một dự thảo thông cáo chung của Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN, mà phóng viên Reuters tại Miến Điện đọc được thì văn bản này kêu gọi ngừng « các hành động gây mất ổn định ». Chưa rõ một số nước như Cam Bốt, Lào, thậm chí Miến Điện, vốn có quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, có chấp nhận lời kêu gọi nhắm vào Bắc Kinh hay không.

Về phần mình, chuyên gia về Châu Á, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện quốc phòng Úc nhận định, như thông lệ, ARF không giúp giải quyết được gì nhiều cho vấn đề Biển Đông : « Các Ngoại trưởng dường như sẽ ra một thông cáo, nhấn mạnh đến các quan ngại, kêu gọi tìm kiếm giải pháp, đó chỉ là một công thức chung chung, luôn được lặp lại và không có hiệu quả ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét