Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014
Vì sao Trung Quốc rút giàn khoan HD 981?
Alexander Vuving [[i]]
Phạm Hải Hồ dịch
Đào sâu vấn đề này không những sẽ soi rõ quyết tâm của Trung Quốc mà còn tìm thấy những bài học đáng giá về cách thức đối phó với sự hung hăng của Bắc Kinh.
Bảy mươi lăm ngày kể từ 2 tháng năm, Trung Quốc đã đơn phương sử dụng giàn khoan HD 981 trị giá một tỉ đô la Mỹ để khoan trong khu vực biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Theo kế hoạch ban đầu, Trung Quốc sẽ giữ giàn khoan ở đó cho tới ngày 15 tháng tám, nhưng ngày 15 tháng bảy họ thông báo đã hoàn thành công việc và rút giàn khoan về đảo Hải Nam. Điều này cũng đơn phương và bất ngờ như việc đưa giàn khoan đến. Trong thời gian nằm ở vùng biển tranh chấp, nó đã gây ra cuộc khủng hoảng nặng nề nhất trong quan hệ Trung - Việt kể từ năm 1988 đến nay.
Sơ đồ rút về Trung Quốc của giàn khoan HD 981 (nguồn TTXVN)
Giống như những khủng hoảng tương tự, xung đột ấy là một cuộc đấu tranh về ý chí. Nếu sức mạnh là điều quyết định thắng lợi trong tranh chấp quốc tế thì sự quyết tâm cũng quan trọng không kém. Một bên có quyết tâm cao hơn cũng có thể thắng mặc dù yếu hơn đối thủ. Khi chủ quyền bị đe dọa, hai quốc gia thử thách quyết tâm của nhau để xem ai nhượng bộ trước.
Như thế, rút giàn khoan trước kế hoạch một tháng không phải là hành động thích hợp của Trung Quốc để chứng tỏ quyết tâm của mình. Vậy có phải Trung Quốc đã nhượng bộ không? Đào sâu vấn đề này không những sẽ soi rõ quyết tâm của Bắc Kinh mà còn tìm thấy những bài học đáng giá về cách thức đối phó với sự hung hăng của họ. Có nhiều cách giải thích khác nhau, chúng ta hãy xem xét ba cách hợp lý nhất.
Thiên tai
Nhìn lướt qua, việc Trung Quốc rút giàn khoan có lý do đơn giản và quan trọng nhất là thời tiết xấu. Một ngày trước khi HD 981 rời vị trí của nó, trời nổi cơn dông, báo hiệu trận bão Rammasun sắp ập tới. Bão ấy thuộc loại “siêu bão” và được dự đoán là sẽ đổ bộ vào đảo Hải Nam gần đó trong ba ngày sau, tức ngày 18 tháng bảy. Mặc dù quần đảo Hoàng Sa, nơi đặt giàn khoan ở phía tây nam, không nằm ngay trên đường đi của bão Rammasan, nhưng không ai có thể chắc rằng trận bão nặng nề ấy sẽ không gây tổn hại cho cấu trúc, tàu bảo vệ và công nhân, thủy thủ đang ở nơi ấy. Tuy HD 981 được cho là có khả năng đứng vững trước những cơn bão cực mạnh nhưng để nó và đoàn tàu hộ tống trên biển khơi giữa lúc thời tiết xấu là một việc đầy rủi ro.
Trung Quốc có hai lựa chọn. Một là di chuyển giàn khoan xuống phía nam để tránh bão. Điều này có nghĩa là tiến sâu hơn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đặt đoàn tàu bảo vệ vào tình trạng rủi ro hơn về hậu cần, đồng thời làm tăng mức độ xung đột với Việt Nam. Lựa chọn thứ hai là đem giàn khoan về gần bờ biển của mình, ra khỏi khu vực biển mà Việt Nam khẳng định chủ quyền. Việc ấy cho phép neo giàn khoan ở vùng nước cạn và không cần nhiều tàu để bảo vệ nó. Trung Quốc chọn khả năng thứ hai ít rủi ro hơn và thông báo HD 981 đã hoàn thành công việc. Thông báo như thế cũng tốt hơn là tuyên bố rút giàn khoan tạm thời vì điều này hàm ý sẽ đưa nó trở lại ngay sau khi hết bão. Lần trở lại này có khả năng sẽ thách thức một đội tàu lớn của Việt Nam và Trung Quốc sẽ có nguy cơ mất mặt nếu không thể đặt giàn khoan vào vị trí trước đó.
Tuy nhiên, lý do “thời tiết xấu” khiến ít nhất một sự kiện liên quan trở nên khó hiểu. Ngày 15 tháng bảy, đúng vào ngày HD 981 bắt đầu trở về nước, Trung Quốc trả tự do cho tất cả 13 ngư dân Việt Nam bị bắt trong cuộc khủng hoảng giàn khoan. Có phải đó là kết quả của việc thương lượng âm thầm với Việt Nam hay Trung Quốc nhận thức rằng cuộc khủng hoảng đã đạt tới giới hạn cho phép?
Thỏa thuận ngầm
Chúng ta không biết có một cuộc thương lượng bí mật hay không, nhưng những gì biết được khiến chúng ta nghĩ rằng phải có một thỏa thuận ngầm nào đó. Trong khi tàu hai nước chơi trò mèo vờn chuột gần giàn khoan gây tranh cãi, lãnh đạo Việt Nam tìm cách thương lượng với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh đưa ra bốn điều kiện tiên quyết. Thứ nhất, Việt Nam phải ngừng quấy rối giàn khoan và tàu Trung Quốc. Thứ hai, Việt Nam không được tranh cãi về chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa. Điều kiện thứ ba là Việt Nam không được tiến hành việc kiện Trung Quốc về những yêu sách và hoạt động của nước này ở biển Đông Nam Á [[ii]]. Và sau cùng, Việt Nam không được kéo một bên thứ ba, nhất là Mỹ và phương Tây, vào vấn đề song phương này.
Về mặt chính trị, hai điều kiện đầu chẳng chính phủ nào ở Hà Nội có thể đáp ứng. Nhưng lãnh đạo Việt Nam có hai quyết định báo hiệu họ chấp nhận hai điều kiện kia. Bất kể chiến dịch rộng lớn trên các phương tiện truyền thông nhà nước và những lời mạnh mẽ từ nhiều phía kêu gọi khởi kiện Trung Quốc, tập thể lãnh đạo Việt Nam quyết định không dùng biện pháp pháp lý đối với Trung Quốc. Họ cũng hoãn chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh đã được chấp thuận và dự tính thực hiện trong tháng sáu, sau cú điện thoại ngày 21 tháng sáu của ông ấy với người đồng nhiệm John Kerry. Việc Trung Quốc rút giàn khoan và thả ngư dân Việt Nam có thể được hiểu như một hành động xuống thang tương xứng.
Nếu không có cuộc thương lượng bí mật, trong đó Hà Nội có thể cam kết nhượng bộ nhiều hơn nữa, thì thỏa thuận ngầm đề xuất trên đây là đáng kể vì những nhượng bộ lẫn nhau có đặc tính cân đối và không vững chắc. Giống như hành động xuống thang của Trung Quốc, những điều Việt Nam nhượng bộ có thể được đảo ngược và ít có giá trị. Thay vì bộ trưởng Phạm Bình Minh, Việt Nam phái bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị sang Hoa Kỳ ngày 20 tháng bảy, tức chỉ vài ngày sau khi giàn khoan được rút về. Là ủy viên Bộ Chính trị, Nghị có cấp bậc cao hơn Minh vốn không thuộc về cơ quan quyền lực cao nhất Việt Nam ấy. Hơn nữa, Nghị được biết là thân cận với bí thư đảng Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng, nhân vật quyền lực nhất [[iii]] nước. Cuộc viếng thăm của Nghị sẽ mang kết quả thăm dò trực tiếp về nước để Trọng định hướng cho chuyến đi của Minh mà thời gian đã được dời lại vào tháng chín.
Hành động pháp lý chống Trung Quốc là điều dù sao Hà Nội cũng hoãn lại, kể cả khi không có áp lực của Trung Quốc. Trong khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu việc chuẩn bị khởi kiện Trung Quốc, đa số các ủy viên chủ chốt khác của Bộ Chính trị đều không tin đó là lựa chọn tốt nhất. Mối lo Trung Quốc sẽ trả thù cộng với khả năng phán quyết có thể bất lợi [cho Việt Nam] và thực tế là không quyết định tòa án nào được tuân thủ nếu Trung Quốc không đồng ý, tất cả những điều ấy đã chi phối suy tính của họ.
Có phải sự phục tùng của Hà Nội là lời giải cho hành động xuống thang của Bắc Kinh không? Những nhượng bộ thiếu vững chắn và ít có giá trị gợi ý nghĩ là sự thỏa hiệp ấy chỉ có thể là một cách giải quyết nhỏ trong cẩm nang hành động của họ. Điều thực sự khiến Trung Quốc xuống thang là: nhiều đối thủ, trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ, đã nâng lên đáng kể giới hạn cao nhất cho phép đối phó với Trung Quốc. Hành động của Bắc Kinh trông có vẻ như một thỏa hiệp ngầm nhưng bản chất thật sự của nó là một cái gì khác hẳn.
Tằm ăn đã khá bộn dâu
Cách ứng xử của Trung Quốc sẽ dễ hiểu nhất nếu được soi sáng bằng nhận thức về chiến thuật “tằm ăn dâu”. Đó là phương pháp đặc thù của Bắc Kinh nhằm cụ thể hóa các yêu sách về lãnh thổ của mình và thay đổi hiện trạng ở Biển Đông Nam Á và Biển Hoa Đông. Cốt lõi của chiến thuật tằm ăn dâu là tìm ra được một sự cân bằng tinh tế giữa quyết đoán và kiềm chế nhằm hành động vừa đủ để thay đổi thực tế tại chỗ, nhưng chưa đến mức khiến kẻ khác có lý do cương quyết chống lại mình. Có đầy đủ lý do để nghĩ rằng sự cân bằng tinh tế ấy đã đạt tới giới hạn của nó và bão Rammasun là một cái cớ để Trung Quốc làm giảm bớt căng thẳng mà không mất mặt.
Việc đưa HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã gây ra khủng hoảng quốc tế lớn nhất ở Đông Nam Á kể từ khi cuộc chiến tranh lạnh kết thúc. Với hành động bắt nạt nước láng giềng nhỏ hơn một cách dữ tợn và dai dẳng như vậy, Trung Quốc đã khiến thế giới phải nhận thức về mình theo chiều hướng xấu. Chúng ta đã nghe đại biểu Quốc Hội Việt Nam gọi Trung Quốc là kẻ thù, điều không thể có trước sự kiện giàn khoan. Việt Nam đã hồi tưởng lại cuộc chiến với Trung Quốc, một đề tài cấm kỵ trong hai thập kỷ cuối. Giữa tháng bảy, lần đầu tiên Hà Nội tưởng niệm trận chiến năm 1984 ở Vị Xuyên gần biên giới Trung - Việt mà trước đây họ đã phát lờ, với những câu chuyện về cuộc chiến tranh đẩm máu được rầm rộ đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng, với việc Chủ tịch nước Trương Tấn Sang công khai ca tụng lòng yêu nước và hành động anh hùng của các chiến sĩ Việt Nam. Tất cả những việc chưa từng xảy ra ấy cùng với sự đe dọa liên minh trên thực tế với Mỹ cho thấy một thay đổi lớn lao trong thái độ của Hà Nội đối với Bắc Kinh.
Ngày 10 tháng bảy, Thượng viện Hoa Kỳ nhất trí thông qua nghị quyết S.Res. 412 lên án những hành động cưỡng bức của Trung Quốc, thúc giục họ rút giàn khoan và đoàn tàu hộ tống về nước. Nghị quyết cũng “nêu rõ chính sách của Hoa Kỳ về việc hỗ trợ các đồng minh và đối tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và phản đối những yêu sách xâm phạm các quyền, sự tự do và việc sử dụng biển một cách hợp pháp.” Nhiều nhà làm chính sách và học giả Hoa Kỳ có thế lực bắt đầu yêu cầu một thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Một ví dụ là bài bình luận của Michèle Flournoy và Ely Ratner trên tờ Washington Post với tựa đề “Những bước tiến chiếm lãnh thổ của Trung Quốc phải được Hoa Kỳ chặn đứng lại”. Một ví dụ khác là những lời bình luận của chủ tịch Ủy ban Nghị viện về An ninh Quốc gia Mike Rogers cho rằng Hoa Kỳ phải phản ứng dữ dội hơn với những yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc và phải giúp đồng minh và đối tác của mình có khả năng hành động mạnh bạo hơn.
Nhìn toàn diện, việc Trung Quốc đơn phương khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có xu hướng thúc đẩy nhiều nước, trong đó có Nhật Bản, Philippines, Úc, Ấn Độ và Việt Nam, chỉnh sửa lại quan điểm quân sự và định hướng đối ngoại của mình nhằm chống lại sự hung hăng của Bắc Kinh một cách hiệu quả. Nhìn thấy xu hướng này và sự thay đổi nhận thức tương ứng, chắc hẳn Trung Quốc phải cảm thấy hành động hung hăng đã gây khá nhiều tổn hại cho sách lược và uy tín của chính mình.
Vậy thì làm gì đây?
Trong nhiều năm, những đối thủ của Trung Quốc như Việt Nam và Hoa Kỳ đã chấp nhận một chính sách kiềm chế vì sợ làm con rồng khổng lồ này tức giận. Họ đã tạo ra một cái “trần kính” giới hạn những gì họ nghĩ là được phép làm trong việc đối phó với cường quốc đang trỗi dậy ấy. Về phần mình, Trung Quốc đã khéo léo khai thác nỗi sợ của các đối thủ bằng chiến thuật tằm ăn dâu. Chiến thuật này có tác động chừng nào đối phương thiếu quyết tâm phá vỡ chính sách tự kiểm duyệt được duy trì bởi nỗi sợ gây thêm căng thẳng. Sự thành công của chiến thuật tằm ăn dâu tùy thuộc vào một mánh khóe: nếu có thể đẩy đối phương vào trạng thái kiềm chế đơn phương thì có khả năng giành thắng lợi mà không cần chiến đấu. Hiểu điều ấy, mánh khóe để đối phó phải là: cho phía kia thấy sự kiềm chế không thể chỉ đến từ một phía được.
Việc Trung Quốc rút giàn khoan về là hành động kết thúc một quá trình tằm ăn dâu dai dẳng. Nhưng nó cũng cho các đối thủ một cơ hội phá vỡ cái trần kính giới hạn hoạt động của mình. Kết cục của cuộc khủng hoảng giàn khoan gợi ý nghĩ là Trung Quốc cũng không khác các đấu thủ của họ bao nhiêu ‒ họ cũng có nỗi sợ leo thang như ai vậy.
Nguồn: Alexander Vuving, Did China Blink in the South China Sea? The National Interest, July 27, 2014.
____________________________________________
[[i]] TS Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ( trụ sở ở Honolulu, Hawaii) là phó giáo sư với các lĩnh vực chuyên môn: an ninh châu Á, Trung Quốc, Việt Nam, biển Đông Nam Á.
[[ii]] Người dịch dùng từ “biển Đông Nam Á” để chỉ vùng biển nằm giữa Việt Nam, tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunei và Malaysia. “Biển Đông” của Việt Nam cũng như “biển Tây Philippines” chưa được xác định ranh giới rõ ràng. Theo ông Vũ Quang Việt, tất cả các nước [và vùng lãnh thổ Đài Loan] đang tranh chấp ở quần đảo Trường Sa đều không có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền; xem: Vũ Quang Việt (Mặc Lâm phỏng vấn), Chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa? RFA 03/08/2010; Tô Văn Trường, Việt Nam không phải là phiên bang của Trung Quốc, Tễu-Blog 21/05/2014. Trước sự hung hăng cùng với đường lưỡi bò vô căn cứ của Trung Quốc, các nước Asean phải đoàn kết lại, trước hết trên cơ sở những thỏa thuận về các vùng biển chồng chéo trong yêu sách về lãnh hải của mình, tương tự thỏa thuận giữa Việt Nam và Malaysia cũng như giữa Malaysia và Brunei; xem: Joshua H. Ho and Sam Bateman (ed.), Maritime Challenges and Priorities in Asia ‒ Implications for regional security, Oxon and New York 2012, p. 73- 78. Việc sử dụng tên gọi “Biển Đông Nam Á” thay vì “biển Đông”, “biển Tây Philippines” và “biển Hoa Nam” hay “biển Nam Trung Hoa” có thể là bước đầu tiên trong một lộ trình đi đến sự đồng thuận giữa các nước Asian (và Trung Quốc, nếu như họ từ bỏ chính sách bành trướng).
[[iii]] Trong nguyên bản, tác giả gọi ông Trọng là “quan chức cao cấp nhất” (“the highest-ranking official”).
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét