Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014
Thảo luận “Thoát Trung về văn hoá” trên Văn Việt
Hoàng Hưng
Văn Việt: Buổi hội thảo “THẢO LUẬN “THOÁT TRUNG VỀ VĂN HOÁ” TRÊN VĂN VIỆT” tại trụ sở Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Việt Nam do Quỹ Phan Châu Trinh và NXB Tri Thức tổ chức chiều 15/8/2014 đã có sự tham dự đông đảo, đặc biệt là thành phần trẻ có tỷ lệ đáng kể. Nhà thơ Hoàng Hưng thay mặt Văn Việt đã tóm lược những ý kiến chính đã đăng tải trên Văn Việt về chủ đề “Thoát Trung về Văn hoá”.
Các ý kiến phát biểu sôi nổi khá đa dạng, đa chiều, đặt ra nhiều vấn đề cần suy nghĩ và tiếp tục đào sâu, cụ thể hoá. Đây cũng là dịp Văn Việt công khai xuất hiện chính danh như một diễn đàn văn hoá nghiêm túc, có trách nhiệm xã hội, có vị trí trong công chúng văn hoá nước nhà.
Cuộc thảo luận “Thoát Trung về Văn hoá” do Văn Việt mở từ cuối tháng 6/2014 đến hôm nay (15/8/2014) đã đăng 19 bài, có một số bài lấy từ các trang mạng khác. Các tác giả khá đa dạng về lĩnh vực hoạt động và địa bàn cư trú, gồm nhà hoạt động chính trị, xã hội, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, dịch giả… trong và ngoài nước. Đến đây ta có thể nhìn lại một số ý kiến chính đã được nêu trong các bài viết, nhằm nhận rõ những gì đã có thể coi là khá thống nhất, những gì còn khác biệt, những gì cần tiếp tục thảo luận để nhận thức sáng tỏ và thiết thực hơn về chủ đề lớn này.
Xin lưu ý: 1/Những khái niệm bao quát thường gặp trong cuộc thảo luận này như “văn hoá”, “dân tộc” có nội hàm rất phong phú, có thể hiểu theo nhiều cách, nhiều tầng, nhiều cung bậc, tùy theo phạm vi và mục đích sử dụng. Thậm chí gần đây theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức thì triều đình Việt từng nhiều lần tự xưng là Trung Quốc, Hoa Hạ, một số nhà nho đầu TK 20 như Hoàng Cao Khải nói “Dân tộc Nam ta là Hán tộc không còn nghi ngờ gì nữa”… cho thấy sự phức tạp và biến chuyển trong sự giao thoa, tiếp biến kéo dài mấy nghìn năm trong quan hệ Trung-Việt, Bắc-Nam. 2/ Những bài viết trên Văn Việt về chủ đề “Thoát Trung về văn hoá” không mang tính thuần túy học thuật, mà có ý nghĩa “thực dụng”, bàn những vấn đề cấp bách về chính trị xã hội của đất nước, các văn bản cũng không phải những tiểu luận chỉn chu mà chỉ là những ý kiến sơ khởi.
A/ NHỮNG Ý KIẾN KHÔNG ĐỒNG TÌNH
Ngay từ khi Văn Việt tuyên bố mở mục, đã có một số ý kiến không tán thành xuất hiện trên mạng, tiêu biểu là của nhà báo Phạm Thành gửi cho Văn Việt: 1/ Văn hoá Việt đồng nghĩa văn hoá Trung Hoa nên nói thoát văn hoá Trung là hủy văn hoá Việt. 2/ Vấn đề cấp thiết hiện nay là thoát Trung về chính trị chứ không phải văn hoá.
“Cho nên đặt vấn đề thoát Trung về văn hóa để thảo luận đồng nghĩa với việc đặt vấn đề tiêu tùng văn hóa Việt, người Việt.
Đó là lý do mà trong một ngàn năm người Việt có chính quyền nhà nước, chưa từng có triều đại nào đặt đề thoát Trung về văn hóa như mấy nhà điều hành mạng vanviet.info đang phát động.
Nhưng, mặc dù học tập và ứng dụng đại trà Văn hóa Trung Hoa vào nước Việt nhưng người Việt vẫn giữ gìn được bờ cõi cương vực, và mặc dù triều đại nào của nước Trung Hoa cũng đưa quân xâm lược nước Việt, rốt cuộc chúng nó vẫn bị đánh cho tơi bời, buộc phải cong đuôi rút chạy về nước.”
(Phạm Thành – Thảo luận kiểu chọc tiết lợn đằng đít)
Cũng có một số ý kiến cho rằng việc học văn hoá Trung Hoa để chống lại Trung Hoa là cần thiết, như học Khổng là thiết yếu để xây dựng nhà nước phong kiến tập quyền Việt Nam để bảo vệ độc lập.
Ý kiến văn hoá Việt đồng nghĩa hoặc chịu ảnh hưởng rất quan trọng (theo hướng tốt) của văn hoá Trung Hoa cũng được chia sẻ ở các mức độ khác nhau, như hai dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng và Trần Đĩnh đều nhấn mạnh giá trị và sự hấp dẫn không thể phủ nhận của văn học Trung Hoa xưa, điện ảnh Trung Quốc bây giờ. Hai tác giả cảnh báo phải thận trọng khi nói đến văn hoá, một vấn đề “rất trừu tượng mà cũng rất cụ thể” (Trần Đĩnh) và không được sa vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi (Trần Tiễn Cao Đăng, Trần Đĩnh), vì văn hoá Trung Hoa là sản phẩm tốt đẹp của nhân dân Trung Hoa qua ngàn năm lịch sử.
B/ Ý NGHĨA THỜI SỰ CỦA CUỘC THẢO LUẬN “THOÁT TRUNG VỀ VĂN HOÁ”.
Như vậy câu hỏi đầu tiên phải đặt ra là: Cuộc thảo luận “Thoát Trung về văn hoá” có thật sự cần thiết? Cuộc vận động “Thoát Trung” nói chung đang diễn ra sôi sục hiện nay trong lòng xã hội Việt Nam có ý nghĩa thiết thực gì?
1/ Văn hoá mà Văn Việt đặt vấn đề thảo luận đã được giới thuyết theo nghiã rộng:
“Văn hoá xin được hiểu theo nghĩa bao gồm các giá trị tinh thần như ý thức tư tưởng, triết lý, đạo đức, tâm linh, lối sống,… Như thế, Văn hoá chính là nền tảng sâu xa và lâu bền của sức mạnh dân tộc. Không thể “thoát Trung” về kinh tế, an ninh, chính trị… nếu không xuất phát từ “thoát Trung về Văn hoá” (Lời mời tham gia thảo luận)
2/ “Thoát Trung về chính trị” thật ra cũng là “thoát Trung về văn hóa”. Vì chính trị (quan niệm về chính trị, cách thức tổ chức bộ máy Nhà nước…) thực ra cũng là một bộ phận cấu thành và làm nên những thang giá trị văn hóa trong tiến trình lịch sử của một dân tộc.
(Quách Hạo Nhiên – “Thoát Trung” hay “thoát Mác – Lênin”?)
“Nền quốc chính là sản phẩm của văn hóa vừa là tác nhân, nhân tố quan trọng nhất để xây dựng, bảo tồn và phát triển văn hoá của Dân tộc. Phải có nền văn hoá đúng, tốt và đẹp mới tạo ra được nền chính trị của đất nước Đúng – Tốt – Đẹp…”
(Nguyễn Khắc Mai – Giữ gìn và phát triển nền văn hoá dân tộc với 7 chữ Quốc)
3/ Sự phụ thuộc toàn diện của Việt Nam vào China trong nhiều năm qua trong đó phụ thuộc văn hoá là nghiêm trọng:
- Không thể coi là ngẫu nhiên những việc như truyền hình dày đặc phim Tàu, phố xá đầy đèn lồng Tàu, sư tử Tàu nhảy vào án ngữ đền chùa, sách cho thiếu nhi in hình cờ China là cờ Tổ quốc…
- Việt Nam là phiên bản của Tàu, đặc biệt về tư duy: Theo GS Nguyễn Văn Tuấn (Australia): “Nói “tương đồng” thì có vẻ oai, chứ Tàu nó chỉ xem Việt Nam chỉ là một phiên bản của họ. Chính vì thế mà các quan chức Tàu có thể hống hách và ngổ ngáo trong các tuyên bố như là lời phán của cha mẹ dành cho con. Việt Nam có vùng vẫy hay suy nghĩ gì thì Tàu cũng đoán trước được, vì Việt Nam chỉ học từ Tàu thôi, và đâu có thầy nào (nhất là thầy Tàu) mà dạy cho trò 100% sở trường. Sự lệ thuộc ngoại bang nó ghê gớm ở chỗ làm cho dân tộc không còn tự chủ và độc lập trong suy nghĩ, và người ngoài nhìn vào với ánh mắt khinh thường.”
(Nguyễn Văn Tuấn – Một bản sao của Tàu)
- Tình trạng thần phục mù quáng văn hoá China:
Dịch giả Trần Đĩnh phân biệt sự tiếp nhận ảnh hưởng văn hoá có sáng tạo với sự mù quáng thần phục. Ông thí dụ: “Marx nêu khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” nhưng sang đến ta thì trở thành”Anh em vô sản bốn phương một nhà”, “Bốn phương vô sản đều là anh em”. Quan hệ “liên hiệp” tức bình đẳng biến dạng thành quan hệ “anh em một nhà”, nhất là “một nhà” kiểu gia đình Á Đông tức là có trên, có dưới thì chết rồi! Từ kháng chiến chống Pháp, chúng tôi đã được giáo dục để rất tự hào có hai ông anh Liên Xô, Trung Quốc! Tức là chúng ta đã quá quen với thứ quan hệ “nương tựa”, “trên bảo dưới nghe” chứ không phải đoàn kết trên cơ sở bình đẳng. Cho nên thoát Trung về văn hoá là thoát cái quan hệ phụ thuộc, thần phục ấy.”
(Trần Đĩnh – Trao đổi với Văn Việt)
4/ China rất ý thức “bá quyền văn hoá” và dùng văn hoá để ràng buộc Việt Nam:
Không phải ngẫu nhiên trong hội nghị Thành Đô, Giang Trạch Dân “ban” cho các đối tác Việt Nam 16 chữ vàng trong đó 8 chữ là “lý tưởng tương thông, văn hoá tương đồng”.
Đến đây ta có thể nói: quan hệ giữa thoát Trung về chính trị và thoát Trung về văn hoá là quan hệ tương tác rất căn bản, muốn thoát Trung về chính trị không thể không thảo luận về nền tảng văn hoá của sự phụ thuộc chính trị (xét về lâu dài) cũng như ngược lại, ngay lúc này, muốn thoát Trung về văn hoá lại phải bắt đầu bằng thoát Trung về chính trị.
Vấn đề bây giờ là: xác định cái gọi là văn hoá Trung Hoa mà hôm nay ta phải thoát nó là cái gì? hoặc những gì trong cái văn hoá ấy?
C/ THOÁT TRUNG VỀ VĂN HOÁ LÀ THOÁT CÁI GÌ?
“Văn hoá Trung Hoa” là khái niệm quá lớn và phong phú để mổ xẻ. Ở đây có một điểm nhiều tác giả nhấn mạnh: Phân biệt văn hoá truyền thống của nhân dân China với thứ văn hoá mà những kẻ thống trị áp đặt cho xã hội China, nhất là tập đoàn Trung Nam Hải thời hiện đại:
“Tội của chúng thì đầy, nhưng nguy hiểm nhất vẫn là huỷ hoại nền văn hoá Trung Hoa và tạo nên những thế hệ người máy chỉ biết suy nghĩ theo giáo điều của đảng, không phân biệt được trắng với đen” (GS Nguyễn Văn Tuấn)
Dịch giả Trần Đĩnh cũng khẳng định: “Cần thấy sự khác biệt giữa nền văn hoá truyền đời của người dân với cái chính sách văn hoá nhất thời mà nhà chính trị chọn lựa”, “giới thống trị thoái hoá làm hỏng văn hoá dân tộc”.
Nhà thơ Hoàng Hưng cũng xác định rõ thoát Trung về văn hoá là thoát cái văn hoá mà giai cấp thống trị phong kiến và các nhà chính trị hiện đại của China đã xây dựng ở xã hội China và lan truyền khá mạnh ở xã hội Việt Nam do mối quan hệ “môi răng” đặc biệt.
1/ Tư tưởng bành trướng bá quyền, chủ nghĩa dân tộc Đại Hán:
Đây là tư tưởng chủ đạo của nhà cầm quyền China từ nghìn năm nay, càng trở nên mãnh liệt với tham vọng ngông cuồng trong thời hiện đại:
(Nguyễn Vi Khải – Nhận diện tư tưởng bành trướng thời hiện đại)
GS Cao Huy Thuần phân tích nội hàm của danh xưng “Trung Hoa” và “thiên hạ” trong tư duy chính thống của Trung Quốc ngàn năm và nhấn mạnh nguy cơ của chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã được đẩy lên hết mức trong thời nay: “Làn sóng thứ hai là dân tộc chủ nghĩa tấn công: nó nguy hiểm vì đến từ một nước bá quyền. Nó càng nguy hiểm hơn khi cả một dân tộc sôi sục tấn công, hung hăng đến nỗi cấp trên phải hãm bớt phanh, sợ chính mình cũng bị đốt cháy, sợ không điều khiển nổi cơn lũ. Từ một ý thức hệ do Nhà nước đẻ ra để chính đáng hóa lãnh đạo của mình, thứ “dân tộc chủ nghĩa Nhà nước” (“state nationalism”) ấy đã trở thành “dân tộc chủ nghĩa xã hội” (social nationalism) khi nó động viên được cả xã hội. Mearsheimer gọi thứ dân tộc chủ nghĩa “bình dân” ấy của Trung Quốc ngày nay (popular nationalism) là “siêu dân tộc chủ nghĩa” (hypernationalism)”
(Cao Huy Thuần – Trung Quốc muốn gì?)
Thoát khỏi tư tưởng bành trướng bá quyền, chủ nghĩa Đại Hán là hết sức cần thiết, vì trong thực tế xã hội Việt Nam hôm nay còn có bộ phận không nhỏ bị tư tưởng ấy khuất phục, thậm chí mê hoặc, dẫn đến tâm lý hèn yếu cam phận chịu nhân nhượng, phụ thuộc, trở thành phiên quốc, thậm chí có thể… làm “một khu tự trị” (GS Trần Ngọc Vương gọi là tâm thế “nam nhân bắc hướng”).
2/ Yếu tố phải thoát khỏi trong văn hoá Trung Hoa ngày nay: nằm ở mặt Văn hoá chính trị, mà cái gốc là ý thức hệ:
- Tư tưởng phản dân chủ của Khổng giáo kéo dài đến hôm nay:
Nhà báo Lê Phú Khải hình ảnh hoá bằng tên gọi “nền văn hoá quỳ lạy”: “Điều nguy hiểm nhất của triết thuyết Khổng Tử là: Người quân tử nhờ tu thân mà có vai trò cai trị, nhưng khi quân tử – tức kẻ cai trị – không tu thân, trở thành những hôn quân bạo chúa thì dân chúng vẫn phải cam chịu, không được làm cách mạng lật đổ chúng. Vì thế Nguyễn Khắc Viện mới viết: Khổng Tử từ chối mọi cải cách! Trong xã hội Khổng giáo mấy ngàn năm ở Trung Quốc, kẻ sĩ đi học là mong được làm quan. Làm quan để được quỳ lạy dưới ngai vàng. Cái văn hoá quỳ lạy ấy đã kìm hãm nước Trung Hoa trong vòng tăm tối mấy ngàn năm. Trong nền văn hoá quỳ lạy ấy, chỉ có kẻ trên đúng. Chỉ có vua đúng. Vua bảo chết là phải chết. Cha bảo chết thì con phải chết. Tóm lại là không có chân lý. Hay nói khác đi, không ai đi tìm chân lý cả. Chân lý đã có sẵn ở kẻ bề trên, ở triều đại chính thống, bất kể nó thế nào!
…Nước Trung Hoa cộng sản hôm nay vẫn nguyên hình là một xã hội Khổng Mạnh trá hình mà thôi!
(Lê Phú Khải – Giã từ nền văn hoá quỳ lạy)
Từ đó sinh ra thứ “văn hóa thảo dân”, tức tâm thức chấp nhận sự bao cấp tư duy của người có quyền, tình trạng sợ hãi người có quyền bao phủ xã hội:
“Người dân tự nhận mình là “thảo dân”… Thân phận người dân được chính họ tự nhận là cây cỏ… Từ chế độ phong kiến chuyển sang chế độ toàn trị, tâm lý thảo dân càng có cơ sở để phát triển do người dân bị không chế toàn diện cả về kinh tế lẫn chính trị. Nỗi sợ hãi bao trùm xã hội. Người dân sợ bị mất sổ gạo (sổ mua lương thực), sợ con bị đuổi học, sợ bị đi tù. Từ nỗi sợ đó dẫn đến tâm lý vâng lời, nghe theo cấp trên để được yên thân. Và, điều tai hại lớn là sự vâng lời ấy dẫn đến sự bao cấp về tư tưởng”.
(Lê Phú Khải – Từ văn hoá quỳ lạy đến văn hoá “thảo dân”)
Nhà văn Nam Dao tức GS kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng (Canada) gọi đó là “hệ hình văn hoá Hoàng đế”:
“Văn hoá là nền tảng trầm tích của mọi tổ chức xã hội. Tổ chức đó xây dựng trên cơ sở phân bổ những quyền lực của cộng đồng, tức quyền lực chính trị. Những quyền lực ở Trung Quốc đó từ hàng ngàn năm nay là gì? […] xã hội Trung Quốc xưa nay đóng băng trong một hệ hình gọi là hệ hình “hoàng đế’’. Phải chăng Thoát Trung về văn hóa là thoát cái hệ hình đó?”. Tác giả khẳng định hệ hình Hoàng đế thời Hậu Mao thể hiện ở thể chế “Vua tập thể”. (Nam Dao – Thoát Trung?)
- Chủ nghĩa Marx-Lenin?
“Cái quyết định nhất chính là cái vòng kim cô mang tên chủ nghĩa Mác – Lê (từ đây đẻ ra cái gọi là “ý thức hệ cộng sản” mà lãnh đạo chính quyền Việt Nam mê muội, không chịu từ bỏ nên đã bị Trung Quốc lợi dụng). Về chuyện này, dân gian đã khái quát rất hay qua câu thành ngữ có tính phản tỉnh là nếu “trâu không uống nước thì ai đè đầu trâu” cho được?”
(Quách Hạo Nhiên – “Thoát Trung” hay “thoát Mác – Lênin”?)
- “Thoát Trung” cần bắt đầu từ việc “đổi tên Đảng”. Một việc nhỏ thôi nhưng chắc có hiệu quả nhiều mặt. Tôi đề nghị Đảng Cộng sản Việt Nam thoát khỏi cái danh xưng “cộng sản”, cho khỏi trùng hợp với cái tên của “Đảng Cộng sản Trung Quốc bành trướng xâm lược”.
(Phùng Hoài Ngọc – Đổi tên Đảng, trước hết, để thoát Trung)
- Thực chất hơn nữa, và rút lại, chính là thoát ý thức hệ độc tài, toàn trị:
Hoàng Hưng lập luận rằng thực tế Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đang tự thoát khỏi chủ nghĩa Marx-Lenin, xây dựng một xã hội tư bản man rợ, chỉ giữ lại cái danh để che giấu cái thực là duy trì quyền toàn trị của một tầng lớp đặc quyền.
Từ đó Hoàng Hưng nói đến cái Văn hoá Giả dối bao trùm xã hội lâu nay:
“Một khi đã GIẢ DỐI từ những điều thiêng liêng nhất, thì nói còn ai nghe: lòng dân không tin, không phục, ấy là mầm loạn lớn nhất; và trong khí quyển giả dối ấy, chỉ những kẻ bất tài cơ hội man trá mới có đất dụng võ, người trung thực sẽ bị vứt bỏ, bộ máy nhà nước sẽ suy yếu nhanh chóng, ấy là mầm loạn lớn thứ nhì. Đó là ở bài này, mới chỉ nói trong phạm vi những vấn đề thời sự, tôi chưa muốn bàn đến hệ lụy lâu dài mà SỰ GIẢ DỐI thống trị gần nửa thế kỷ trên cả nước đã phá hủy rất căn bản nền tảng đạo đức xã hội của người Việt, mà tôi coi đó là một tội ác lớn nhất của chủ nghĩa Stalin + Mao đối với dân tộc ta.”
(Hoàng Hưng – Muốn thoát Trung, phải trung thực)
“Giải cấu trúc triết lý phát triển độc nguyên. Một chính đảng, một tôn giáo có quyền giữ triết lý độc nguyên của mình. Nhưng một dân tộc thì không. Nhân loại và các dân tộc tồn tại đến ngày nay đều phải phát triển trong đa văn hoá. Mô hình xã hội nào chỉ khẳng định độc nguyên sẽ bại vong, hoặc kéo dài sự trì trệ lạc hậu có khi đến cả ngàn năm mà sớm muộn đều tiêu vong”
(Nguyễn Khắc Mai – Giữ gìn và phát triển nền văn hoá dân tộc với 7 chữ Quốc)
Dịch giả Trần Đĩnh còn tiến xa hơn khi xác định: vấn đề không chỉ là thoát văn hoá độc tài vì muốn thoát Trung mà còn là để bảo vệ bản thân văn hoá, vì độc tài thì kỵ văn hoá.
“Bản thân văn hoá là cởi mở. Một đặc điểm căn bản của kỷ nguyên hiện đại, khác với kỷ nguyên trung đại là chấp nhận “cái khác”. Mà độc tài là chống cái khác. Chống cái khác thì dễ chống văn hóa. Vậy muốn xây dựng văn hoá phải chống độc tài. Độc tài vốn dĩ kỵ văn hoá. Nên biết độc tài chính trị có xu hướng làm tàn lụi văn hóa. Đặc điểm của độc tài là chính trị hóa cao độ tất cả sinh hoạt xã hội, thâu tóm toàn bộ sinh hoạt xã hội vào “cái túi chính trị vạn năng” là vốn liếng riêng biệt của nhà cầm quyền. Trong khi lẽ ra cần phải để cho văn hóa được quyền mở ra xét duyệt “cái túi chính trị vạn năng” đó. Hình như có dạo rất hay nói chính trị hàng đầu, tư tưởng hàng đầu. Thế không phải là độc tài thì là gì? Ai đó chứ dân đâu được đề ra chính trị, đề ra tư tưởng?”.
(Trần Đĩnh – Trao đổi với Văn Việt)
3/ Rút cuộc, Thoát Trung là phải tự thoát: vì trớ trêu là lãnh đạo Việt Nam còn bám chắc vào ý thức hệ hơn Trung Quốc:
“Về mặt trung thành với lý tưởng, Đảng Cộng sản Việt Nam cao cả gấp bội so với đảng bạn bên Trung Quốc! Đảng Trung Quốc chính thức bị chúng ta coi là kẻ thù từ năm 1979 khi tiến hành chiến tranh xâm lược đẫm máu các tỉnh biên giới nước ta… Sự trung thành với ý thức hệ đã giúp Đảng Cộng sản Việt Nam bỏ qua mối thù 1979 (bấy giờ được Đảng coi là nhỏ, so với “đại cục”) để chủ động xin gặp gỡ đảng bạn, đề nghị chủ trì sự nghiệp cứu vãn phần còn lại của chủ nghĩ xã hội. Kết quả: Thành công; hội nghị Thành Đô 1990 đã đi đến những thỏa thuận (nào đó)”.
(Nguyễn Ngọc Lanh – Thoát Trung rốt cuộc là thoát gì?)
Nhà nghiên cứu Đinh Bá Anh cũng khẳng định “trên nhiều phương diện, Trung Quốc còn “thoát Trung” một cách chủ động hơn, nhanh và xa hơn Việt Nam”; “cả tư duy và tầm nhìn của giới lãnh đạo lẫn ý thức của người dân về quyền và trách nhiệm ở Trung Quốc đều cao hơn ở Việt Nam” (Việt Nam có cơ hội thoát Trung?)
D/ THOÁT VĂN HOÁ TRUNG ĐỂ ĐI TỚI VĂN HOÁ NÀO?
1/ Khôi phục những truyền thống văn hoá Việt đã bị xoá bỏ hoặc xói mòn bởi bọn xâm lược Trung Hoa và sự tiếp nhận mù quáng của chính giới lãnh đạo Việt Nam:
- Cáo Bình Ngô: “xưng nền văn hiến đã lâu… phong tục Bắc Nam cũng khác”.
- Bảy chữ quốc: Quốc hồn/túy, học, văn, sử, dân/bản, chính, tế (Nguyễn Khắc Mai)
- Phật giáo Lý Trần với đặc tính khoan dung, mềm dẻo: “Tiếng nói của ý thức tự chủ và tinh thần tự cường của con dân nước Việt khi Phật giáo thống nhất chỉ có ở đời Trần. Đó là nền Phật giáo độc lập, là uy tín của quốc gia Ðại Việt, là xương sống của nền văn hóa Việt Nam tự chủ… Chính nhờ các đặc tính khoan dung và mềm dẻo của văn hóa đời Trần mà vua quan cùng dân chúng đã đồng thanh tương ứng chống ngoại xâm và xây dựng đất nước. Văn học đời Trần rực rỡ và phản chiếu tinh thần từ ái, hòa đồng, thanh thoát, không tỏ ra khiếp nhược, yếm thế mà tóat lên sự tự lực, tự cường và tiến thủ, thấm nhuần tính cách dung hợp và khai phóng của đạo Phật… Tinh thần Phật giáo giúp các nhà chính trị đời Trần áp dụng những chính sách bình dị, thân dân và dân chủ…”
(Thùy Linh – Việt Nam – một số phận nghiệt ngã)
- Chữ “Nhân” là cốt lõi của văn hoá Việt Nam:
“Chữ nhân lần này được thử thách trên một mặt trận lớn, đưa chúng ta đi xa hơn nữa trong nhân lý giữa bối cảnh toàn cầu hoá, trong nhân tính của quá trình thế giới hoá, chúng ta sẽ giữ cho bằng được nhân cách trước đe doạ của chiến tranh tới từ một đối phương lớn và thô bạo. Đây là một mặt trận vừa mới về nhân phẩm, vừa lớn về nhân sinh… Trước thế giới, chúng ta phải đủ vai vóc của nhân nghĩa, tầm vóc của nhân giáo, nội công của nhân bản để thắng được đối phương trong lần thư hùng này, chính nghĩa của ta chính là nhân đạo, mà cha ông của chúng ta đã dạy chúng ta từ hồi lập quốc, từ khi Việt tộc là Việt tộc.
(Lê Hữu Khoá, GS Nhân học Đại học Charles de Gaulle – Nhân cách giáo lý Việt tộc)
- Yếu tố dân chủ trong văn hoá “làng xã” dựa trên “tình làng nghĩa xóm” xa lạ với những quy tắc Khổng Mạnh: “Phép vua thua lệ làng”.
* Lưu ý: Các bài tham gia thảo luận không đề cập đến những yếu tố tiêu cực cần loại bỏ, khắc phục của chính truyền thống văn hoá dân tộc hình thành trong xã hội tiểu nông lạc hậu mà nhiều trí thức, đặc biệt các trí thức trẻ có kinh nghiệm cọ xát với các nền văn hoá ở các nước phát triển nhấn mạnh. Sau “Thoát Trung”, “thoát ta” sẽ là một đề tài cần đặt lên bàn nghị sự.
2/ Khôi phục những ảnh hưởng tinh tuý văn hoá thế giới phương Tây mà Việt Nam đã có thời tiếp nhận:
“Thế hệ trí thức lớn lên vào thời Pháp đô hộ được hưởng khá nhiều lợi ích của nền văn hóa tinh túy bậc nhất thế giới bấy giờ. Có nhiều nét tính cách của người Thăng Long được thừa hưởng vẻ tài hoa, tinh tế của văn hóa Pháp. Tiếp nối tính nhân văn, tự trọng, khiêm cung, tự do, khoáng đạt của đạo Phật thời Lý, Trần, âm ỉ trong suốt thời gian độc trị của Nho giáo, để rồi bắt nhịp, hòa hợp với văn minh phương Tây, làm nên tính cách người Thăng Long xưa chăng? Trước năm 45, giới trí thức Hà Nội, Sài Gòn được hưởng làn gió trong lành về tự do, dân chủ từ Pháp quốc thổi sang… Chính nhờ những ảnh hưởng này đã sản sinh ra giới trí thức tuyệt vời mà đến giờ gần bị “tuyệt chủng”.
(Thùy Linh)
3/ Tư tưởng hoà bình:
“Đối với Việt Nam – một quốc gia có truyền thống hòa hiếu, đi theo lộ trình phát triển hòa bình là lựa chọn tất yếu trong hiện tại và tương lai. Điều này càng trở nên cấp thiết khi chúng ta đối diện với một Trung Quốc luôn đặt trọng tâm phát triển trên bạo lực, bá quyền và muốn chi phối Việt Nam trong cái vòng cương tỏa mà họ tự vẽ ra.
Những điều kiện để hình thành một xã hội hòa bình:
- Một nhà nước đối thoại, tương tác (interactive state)… Đây là cơ sở để hình thành một nền chính trị trách nhiệm (accountable politics).
- Một đời sống văn hóa đa dạng
- Một cộng đồng gắn kết và ôn hòa
(Đặng Hoàng Giang – Sức mạnh của hoà bình và những gợi ý cho Việt Nam)
THAY LỜI KẾT:
1/ Thoát Trung về Văn hoá, có thể nói chính xác là “giải Hán hoá”, rút cuộc là thoát sự phụ thuộc, sao chép những yếu tố văn hoá tiêu cực mà tầng lớp thống trị China đã áp đặt lên xã hội của họ và xã hội Việt Nam: 1. Tư tưởng Đại Hán, bành trướng bá quyền China là nguyên nhân của thái độ khiếp nhược, thần phục của một bộ phận người Việt Nam. 2. Văn hóa tập quyền, độc nguyên là nền tảng của ý thức độc tài. Hai yếu tố này ngăn cản Việt Nam xây dựng độc lập tự chủ và phát triển bền vững.
2/ Việc xây dựng nền văn hoá Việt độc lập trong thời hiện đại phải nhìn trong hai mối quan hệ biện chứng: Khôi phục, phát huy những tinh túy của văn hoá bản Việt “nhân nghĩa, hoà bình” song song đào thải những yếu tố tiêu cực, lạc hậu; chủ động tiếp nhận ảnh hưởng tích cực của các nền văn hoá hiện đại thế giới mà tinh thần chủ đạo là “dân chủ, đa nguyên”.
3/ Vấn đề bao trùm cả thoát Trung, tự thoát, phải chăng là Thoát Á?
“Đôi khi các giá trị châu Á dường như là một cách gọi các giá trị “văn hóa Trung Quốc” hoặc Nho giáo, hoặc các lý tưởng về các chế độ được điều tiết và trung ương tập quyền cao như của Singapore. Trong các trường hợp khác, các chế độ thực dụng chủ yếu dựa trên các đặc lợi như ở Indonesia hoặc Trung Quốc, cũng sử dụng các “giá trị châu Á” để hợp pháp hóa quyền hành không bị hạn chế của các chế độ đầu sỏ quan liêu.
Ở các quốc gia mạnh của châu Á, xu hướng là ép buộc người dân chấp nhận các ý thức hệ duy nhất, do nhà nước quy định. Thay vì là các cơ chế để đạt đồng thuận, các thể chế chính trị lại được thiết lập chủ yếu nhằm đảm bảo an ninh, kỷ cương xã hội và “tính trách nhiệm” trong suy nghĩ và biểu đạt, nhất là trên các phương tiện truyền thông.
Trên thực tế, “giá trị châu Á” đã trở thành hệ tư tưởng của một loạt các chế độ kết hợp giữa một biến thể mang tính tập trung quyền lực của chủ nghĩa bảo thủ chính trị với nền kinh tế thị trường.
(Giá trị châu Á – Richard Robison (1996). “The politics of ‘Asian values’”, The Pacific Review, Vol. 9, No. 3, pp. 309-327 http://nghiencuuquocte.net/2014/07/27/gia-tri-chau-a
4/ Còn câu hỏi lớn: Thoát Trung về văn hoá bằng cách nào?
Đinh Bá Anh cho rằng: Không thể thoát Trung với động cơ “yêu nước” nặng về tình cảm, mà phải sựa trên sự phân tích tỉnh táo các điều kiện thoát Trung của Việt Nam, các tương quan về địa chính trị, thời thế, tầm nhìn của giới tinh hoa chính trị… Ông gợi ý phải chăng “Việt Nam chỉ thực sự thoát Trung khi nó có khả năng sáng tạo, thiết kế mô hình và đưa ra những luật chơi khiến Trung Quốc phải tôn trọng (hoặc du nhập)”, cụ thể là chủ động “chuyển từ một chế độ theo mô hình Lenin sang mô hình dân chủ tự do”.
Với riêng tôi, đất nước có thoát Trung được hay không trước nhất phải ở sự tỉnh ngộ chân thành và dũng cảm thay đổi của mỗi người chúng ta, những trí thức đã gần suốt cuộc đời đi theo một niềm tin từ tuổi thanh xuân đẹp đẽ. Tâm sự của nhà thơ Nguyễn Đình Thi bộc lộ trong những bài thơ cuối đời mà có lẽ ít người biết khi hoang mang nhìn lại con đường cách mạng mà mình đã theo suốt đời:
Đã có mùa xuân đời tôi không nhỉ
Và đã có không cả một mùa hè
Tôi chỉ nhớ đã đi nhiều mê mải
Năm tháng đêm ngày theo một ánh xa
(Mùa thu vàng)
Cuối cùng tự đấm ngực sám hối bi thương:
Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ
Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình
Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn
(Gió bay)
Cầu mong sao chúng ta, nhiều người ở đây đã vào tuổi xế chiều, kịp thời “tự thoát” để không lâm vào cảnh bi thương như nhà thơ khi nhận ra những lầm lạc của đời mình thì không còn thay đổi gì được nữa.
H.H.
Nguồn: vanviet.info
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 05:37
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét