Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014
Thư giãn chủ nhật
Sưu tầm trên mạng
Dạo này đang có nhiều lời đồn đại, rằng có khả năng đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, sẽ làm Tổng Bí thư vào năm 2016.
Ta thử phân tích khả năng này xem sao.
Hiện nay Bộ Chính trị của Đảng ta có 16 người, người nhiều tuổi nhất là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sinh năm 1944, quê Đông Anh, Hà Nội.
Năm 2016, đồng chí Phú Trọng sẽ 72 tuổi, chắc chắn sẽ phải nghỉ.
Người nhiều tuổi thứ hai trong Bộ Chính trị là đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, quê Nam Đàn, Nghệ An, cháu họ Bác Hồ, sinh năm 1946. Đồng chí Sinh Hùng chắc chắn cũng sẽ nghỉ vào năm 2016, cho dù là cháu họ Bác Hồ, vì khi đó, đồng chí vừa tròn 70 tuổi, cũng thuộc loại “xưa nay hiếm”- lời Cụ Hồ.
Nhiều tuổi thứ ba trong Bộ Chính trị có 2 người, là đồng chí Ngô Văn Dụ, sinh năm 1947, quê Vĩnh Phúc, hiện đang là Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương. Và đồng chí Tô Huy Rứa, sinh năm 1947, quê Thanh Hóa, đồng hương với đồng chí Cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Nhiều tuổi thứ 4 trong Bộ Chính trị, có 5 người, cùng sinh năm 1949, là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thường trực ban Bí thư –Cựu Bộ trưởng Bộ Công An, Đại tướng Lê Hồng Anh, Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Phùng Quang Thanh, và Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị, đồng hương Thanh Hóa với đồng chí Huy Rứa, và đồng chí Lê Khả Phiêu.
Như vậy, những vị cao lão trong Bộ Chính trị nói trên tất cả là 9 vị, còn lại 7 người thuộc loại trẻ trong Bộ Chính trị, trong đó có 2 phụ nữ.
7 vị trẻ đó là: Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Đại tướng, sinh năm 1956; Lê Thanh Hải, Bí thư Sài Gòn, sinh năm 1950; Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tuyên giáo, sinh năm 1953; Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng, sinh năm 1954; Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Mặt trận, sinh năm 1953; Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội, sinh năm 1954; Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội, sinh năm 1954.
Đảng ta có những cách bố trí cán bộ rất kỳ quặc, không giống ai. Ví dụ, Phó Chủ tịch Quốc hội thì vào Bộ Chính trị được, nhưng Phó Chủ tịch nước thì chưa ai vào Bộ Chính trị được. Mà bây giờ có tới 2 Phó Chủ tịch Quốc hội cùng vào Bộ Chính trị, còn Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thì không được vào.
Đảng ta coi thường cái chức vụ Phó Chủ tịch nước quá.
Theo lẽ thông thường của Đảng ta, thì tới Đại hội Đảng, khoảng một nửa Ủy viên Bộ Chính trị sẽ nghỉ, để đưa người mới, và trẻ vào.
Lẽ thông thường thứ hai của Đảng ta, Tổng Bí thư phải là người đã là Ủy viên Bộ Chính trị ít nhất một khóa rồi, không có ai vừa vào Bộ Chính trị mà làm ngay Tổng Bí thư được.
Thế tức là Tổng Bí thư phải là một trong 16 vị Ủy viên Bộ Chính trị hiện nay.
Câu hỏi đặt ra là: Tổng Bí thư có thể là một trong 9 vị Ủy viên già, hay là một trong 7 vị Ủy viên trẻ ?
Bí thư Sài Gòn thì chưa bao giờ làm Tổng Bí thư, trừ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Bí thư Sài Gòn thời 1976, 1977. Nhưng đồng chí Linh thực ra là người làng tương Bần, Yên Nhân, Hưng Yên, sát nách Hà Nội.
Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận, và Trưởng ban Tuyên Huấn cũng chưa bao giờ làm Tổng Bí thư cả.
Đại tướng Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang có thể làm Tổng Bí thư được không? Nước ta chưa có tiền lệ như nước Nga, là Bộ trưởng Bộ Công an- trùm an ninh làm Tổng Bí thư cả.
Nhưng gần đây, có khá nhiều vị công an được chuyển ngành, sang làm dân sự, làm Bí thư Tỉnh ủy, như Trung tướng Công an Phạm Minh Chính đang làm Bí thư Quảng Ninh. Ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Nguyễn Hòa Bình, cũng nguyên là Thiếu tướng Công an, về quê Quảng Ngãi, làm Bí thư Quảng Ngãi, rồi quay lại nắm ngành Kiểm sát. Hay ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó Giám đốc Công an Sài Gòn, nay làm Chánh án Tòa án Tối cao.
Chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nguyên là Thứ trưởng Bộ Công an, năm 1996, rồi chuyển sang làm Chính quyền. Và Thường trực Ban Bí thư hiện nay, Lê Hồng Anh, cũng nguyên là Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng.
Có thể nói, chưa có bao giờ ngành công an lại nở rộ, phát đạt, ăn nên làm ra như hiện nay, ở nước ta. Nó tạo ra hình ảnh một Nhà nước cảnh sát đầy đủ nhất trong lịch sử hơn 4000 năm của dân tộc Việt Nam ta.
Với xu hướng cảnh sát hóa bộ máy Đảng và Nhà nước ta hiện nay, thì có khả năng đồng chí Đại tướng Trần Đại Quang cũng có thể nằm trong tầm ngắm của chức Tổng Bí thư vào Đại hội Đảng năm 2016 sắp tới.
Như vậy trong 7 vị Ủy viên Bộ Chính trị trẻ, thì chỉ có duy nhất Đại tướng Trần Đại Quang có khả năng nhiều nhất có thể trở thành Tổng Bí thư sắp tới.
Trong 9 vị Ủy viên già, thì 3 người chắc chắn sẽ nghỉ, là Tổng Bí thư Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Sinh Hùng, và Trưởng ban Kiểm tra Văn Dụ.
Trong 16 vị Ủy viên Bộ Chính trị, sẽ có khoảng một nửa nghỉ, tức là khoảng 8 người, hoặc ít nhất, cũng phải có khoảng 6 người phải nghỉ.
3 người nói trên nghỉ rồi, thì ít nhất 3 người nữa, sẽ là ai phải thôi Ủy viên Bộ Chính trị?
Người thứ 4 sẽ phải ra khỏi Bộ Chính trị sẽ là đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Mặt trận, vì Chủ tịch Mặt trận thì chưa bao giờ vào Bộ Chính trị cả.
2 người nữa phải ra khỏi Bộ Chính trị sẽ là ai?
Có thể trong số 7 vị trẻ kia không? Hay là trong số 5 vị sinh năm 1949?
Có thể nói, bài toán nhân sự sắp tới cho Bộ Chính trị của Đảng ta là rất đau đầu.
Về đồng chí Tô Huy Rứa, thì như thế nào?
Lúc đầu, có tin đồn là đồng chí Tổng Bí thư Phú Trọng muốn giới thiệu đồng chí Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị vào chức Tổng Bí thư sắp tới. Đồng chí Quang Nghị sinh năm 1949, trẻ hơn đồng chí Huy Rứa 2 tuổi.
Bí thư Hà Nội lên làm Tổng Bí thư thì không có gì là lạ cả, vì đồng chí Phú Trọng cũng nguyên là Bí thư Hà Nội, lên làm Tổng Bí thư.
Nhưng Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lên làm Tổng Bí thư thì cũng chưa hề có trong tiền lệ của Đảng ta.
Nhưng thật ra, khi đồng chí Hồ Đức Việt làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, người tiền nhiệm của đồng chí Huy Rứa, năm 2011, Đại hội Đảng 11, đã có nhiều lời đồn đại có khả năng đồng chí Đức Việt sẽ làm Tổng Bí thư, thay đồng chí Nông Đức Mạnh. Thế nhưng rồi nghe nói có sự mâu thuẫn giữa đồng chí Tổng Bí thư Mạnh, và đồng chí Đức Việt, (nghe nói đồng chí Đức Việt không muốn để đồng chí Nông Quốc Tuấn, con trai đồng chí Mạnh, về làm Bí thư Bắc Giang, vì lộ kliễu việc “cha truyền-con nối”quá), nên đồng chí Đức Mạnh tức giận, cho đồng chí Việt nghỉ luôn cả chức Tổng Bí thư lẫn Bộ Chính trị.
Bị nghỉ tuốt tuồn tuột như thế, nên nghe nói đồng chí Đức Việt uất ức quá, sinh bệnh, chết rất nhanh sau khi bị nghỉ hưu hơn một năm (Đồng chí Đức Việt sinh năm 1947, đã về với Mác-Lê nin năm 2013, khi mới 64 tuổi). Còn đồng chí Nông Đức Mạnh, sinh năm 1940, thì ngược lại, sau khi nghỉ hưu thì khỏe ra, cưới cô vợ mới rất trẻ-khỏe-xinh-đại biểu Quốc hội-Giám đốc công ty-rất giàu có.
Thế cho nên, nghe nói đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa cũng có khả năng trong dự kiến làm Tổng Bí thư sắp tới, thì có lẽ cũng không lạ lắm.
Vì sao đang có dự kiến đồng chí Phạm Quang Nghị sẽ làm Tổng Bí thư, mà nay lại có dự kiến khác, là đồng chí Tô Huy Rứa?
Nếu như lời đồn đoán này là có thật, thì có thể hiểu cách tính toán của đồng chí Tổng Bí thư Phú Trọng là như sau:
Đồng chí Phú Trọng và Tấn Sang đã 2 lần định lật đổ đồng chí Thủ tướng Tấn Dũng, mà không lật đổ được (dùng Hội nghị Trung ương Đảng, và dùng Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm). Bây giờ, nếu đồng chí Tổng Bí thư Phú Trọng giới thiệu người thay mình sẽ là đồng chí Phạm Quang Nghị, thì có khả năng đồng chí Tấn Dũng cũng tham gia làm ứng cử viên chức Tổng Bí thư, vì đồng chí Tấn Dũng bằng tuổi đồng chí Quang Nghị.
Chẳng có lý do gì mà đồng chí Quang Nghị sinh năm 1949, làm ứng cử viên chức Tổng Bí thư được, mà đồng chí Tấn Dũng cũng sinh năm 1949 lại không ứng cử viên chức Tổng Bí thư được.
Có lẽ trước nguy cơ đó, nên đồng chí Phú Trọng tính đến phương án đồng chí Huy Rứa, để ngăn chặn khả năng đồng chí Tấn Dũng.
Nguyên nhân thứ hai, là nếu đồng chí Quang Nghị làm ứng cử viên cho chức Tổng Bí thư, thì có tới 5 vị sinh năm 1949, và đều có khả năng ứng cử chức Tổng Bí thư được.
Thế thì phức tạp quá.
Và trong số 5 vị sinh năm 1949, có lẽ sẽ có vị phải nghỉ. Vậy ai nghỉ? Ai không nghỉ?
Phức tạp quá.
Tổng Bí thư chắc chắn phải nằm trong một trong 9 vị già kia, không thể nằm trong 7 vị trẻ, trừ khả năng đồng chí Đại tướng Bộ trưởng Bộ Công An Trần Đại Quang.
Có thể nói, từ ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm1930 đến nay, chưa bao giờ Đảng ta bị đứng trước khả năng lựa chọn cán bộ bị dàn trải, phân tán như hiện nay.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét