Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Viện Kiểm Soát Hà Nội có cần xin ‘cấp trên’?

DUONGCHIDUNG-NGUYENTANDUNG
Ngày 7/1, trong phiên tòa xử ông Dương Tự Trọng tội Tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài, cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng trong vai trò nhân chứng đã đưa ra nhiều lời khai chấn động.

Một trong các lời khai đó là quan chức cao cấp Bộ Công an, Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ, đã mật báo cho ông Dũng về việc khởi tố ông khiến ông bỏ trốn.
Ông Dũng còn đưa ra cáo buộc đã hối lộ cho ông Ngọ hàng trăm nghìn đôla.
Dựa trên “các quyết định về độ tuyệt mật, tối mật trong Công an nhân dân, căn cứ lời khai của các bị cáo và đề nghị của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận thấy có dấu hiệu làm lộ nên ra quyết định khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước”.

Quyết định đã được gửi đến Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội, tuy nhiên cho tới nay chưa có động thái khởi tố bị can.
Trong bài phỏng vấn do báo Người Lao Động đưa hôm Chủ nhật 12/01, Phó trưởng ban Nội chính Trung Ương cho biết sẽ lập tổ công tác liên ngành hỗn hợp để điều tra lời khai của ông Dương Chí Dũng
“…Đúng là để đảm bảo khách quan thì cần có sự chỉ đạo của liên ngành. Tuy nhiên, cụ thể thế nào trong vài ngày tới sẽ có quyết định cuối cùng,” ông Phạm Anh Tuấn nói.
Ban Nội chính Trung Ương có thể sẽ tham gia tổ liên ngành này, tuy nhiên còn phải chờ quyết định cuối cùng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng theo đại diện của Ban Nội chính.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, giải thích quy trình tố tụng sau khi có quyết khởi tố vụ án, mà theo đó có khả năng không khởi tố bị can.

“Nếu có một cá nhân nào đó có dấu hiệu thực hiện hành vi phạm tội thì theo luật có thể khởi tố bị can ngay chứ không cần ý kiến cấp trên nữa.”
Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM
Luật sư Bùi Quang Nghiêm: Theo luật tố tụng của Việt Nam thì có dấu hiệu, tức là có lời khai của một nhân chứng có dấu hiệu làm lộ bí mật nhà nước và có hướng đến một người cụ thể thì trước hết tòa án ra quyết định khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước.
Sau đó theo luật tố tụng của Việt Nam sẽ phân công cho các điều tra viên xác minh lời khai đó, và nếu như xác định được từ lời khai đó và từ các chứng cứ khác mà có một người cụ thể làm lộ bí mật của nhà nước thì lúc bấy giờ khởi tố bị can.
Nhưng trong trường hợp này theo báo chí vừa qua tôi theo dõi liên quan đến vụ Dương Tự Trọng có hướng đến một người cụ thể tức là có khả năng người đó trở thành bị can và chúng ta sẽ chờ cơ quan tố tụng khởi tố bị can.
BBC: Thưa ông, khi thông tin về việc khởi tố vụ án đưa ra như vậy, thì liệu có khả năng người có thể trở thành bị can biết được thông tin và bỏ trốn không?
Tôi nghĩ là phải tin tưởng vào cơ quan công an Việt Nam. Khi có nguồn thông tin mà người đó có dấu hiệu đã thực hiện hành vi phạm tội, thì rất khó để bỏ trốn nếu như không có sự cấu kết với những người có quyền trong ngành công an, cụ thể là cơ quan cảnh sát điều tra. Không thể trốn thoát được.
BBC: Các tình tiết báo chí đưa ra về phiên tòa rằng tội danh để tòa ra quyết định khởi tố vụ án đã chuyển từ lộ bí mật công tác sang làm lộ bí mật nhà nước. Ông có thể giải thích hai tội danh đó khác nhau ở chỗ nào?
Đơn giản là thế này. Hành vi đều là tiết lộ các thông tin có được do công tác, công việc của mình, tức là liên quan tới công chức nhà nước.
Nhưng mức độ lộ bí mật nhà nước thì tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn so với lộ bí mật công tác.
Bởi vì những thông tin thế nào là bí mật của nhà nước đã được quy định trong luật rất cụ thể. Nhưng bí mật công tác thì chưa cụ thể hóa, nhưng người ta có thể hiểu chung chung là những thông tin quan trọng liên quan đến công việc của mình mà theo luật báo chí không được tiết lộ cho báo chí là bí mật công tác.
BBC: Báo Tuổi Trẻ dẫn lời một đại diện của Viện Kiểm sát là họ đã nhận được hồ sơ khởi tố vụ án từ tòa án đưa xuống nhưng sau đó phải chuyển lên cấp trên để xem xét và quyết định, thì điều đó có thể hiểu như thế nào thưa ông, ai là cấp trên và họ sẽ quyết định thế nào?
Tại sao chưa khởi tố bị can?
Luật sư Bùi Quang Nghiêm giải thích tại sao chưa có khởi tố bị can vụ Lộ bí mật nhà nước liên quan Thượng tướng Phạm Quý Ngọ.
Nghemp3
Theo luật tố tụng không có nêu rõ cấp trên. Trong luật tố tụng hình sự nói rõ về phân cấp thẩm quyền điều tra ở cấp sơ thẩm rất rõ là những hành vi nào, tính chất và mức độ xã hội mức độ nguy hiểm như thế nào và khung hình phạt của tội đó tới mức nào thì cấp quận, cấp huyện điều tra xử lý; mức độ nguy hiểm như thế nào và khung hình phạt ra sao thì cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xử lý.
Điều này quy định rất rõ trong luật tố tụng, cho nên Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội nói cấp trên là không đúng vì đấy là người ta cẩn trọng trong trường hợp cụ thể này thôi. Còn theo luật, đã là cảnh sát điều tra công an Hà Nội hoặc là cơ quan điều tra của viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội theo luật là hoàn toàn có thẩm quyền để điều tra xác minh vụ này.
Nếu có một cá nhân nào đó có dấu hiệu thực hiện hành vi phạm tội thì theo luật có thể khởi tố bị can ngay chứ không cần ý kiến cấp trên nữa.
Trong vụ án này thì có thể người thực hiện hành vi phạm tội đó là cán bộ cấp cao thì Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội cẩn trọng đưa ra chi tiết là xin ý kiến cấp trên.
BBC: Trong phiên tòa xử ông Dương Tự Trọng thì ông Dương Chí Dũng với tư cách nhân chứng khai ra rất nhiều điều chấn dộng dư luận. Dựa trên những lời khai đó người ta đã khởi tố vụ lộ bí mật nhà nước nhưng những thông tin về việc đưa hối lộ, nhận hối lộ thì chưa thấy có quyết định gì. Vậy quy trình như thế nào để đưa đến kết luận khởi tố vụ án, ví dụ như về đưa và nhận hối lộ?
Vấn đề vừa đề cập phải kiểm tra rất kỹ nguồn chứng cứ có dấu hiệu đưa và nhận hối lộ hay không. Còn nếu chỉ có ông Dương Chí Dũng khai như vậy thôi và các cơ quan điều tra chưa kiểm chứng nguồn thông tin đó thì chưa thể khởi tố vụ án hoặc khởi tố bị can ngay được.
BBC: Như vậy cũng có khả năng sẽ không khởi tố?
Đúng. Nếu như sau khi xác minh sự việc mà không có gì để cho rằng có thể là chứng cứ theo luật thì không thể khởi tố vụ án hay khởi tố bị can về hành vi đưa hối lộ.
BBC: Họ có quy định là mất bao lâu thì phải kết thúc điều tra, phải khởi tố bị can không?
Có. Có thời hạn điều tra chung. Chẳng hạn như trong bốn tháng điều tra rồi ra hạn thêm ba tháng nữa, và nếu có tình tiết phức tạp thì có thể gia hạn thêm ba tháng nữa.
Thời hạn điều tra theo luật tố tụng của Việt Nam cũng chặt chẽ, không thể kéo dài vô tận được.

THEO BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét