Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Hoàng Sa có vai trò thế nào với an ninh Việt Nam và khu vực?

Năm nay đánh dấu 40 năm ngày bùng nổ trận hải chiến giữa Việt Nam với Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa tháng 1/1974.

Vấn đề Hoàng Sa hiện nay có vai trò thế nào đối với an ninh của Việt Nam và cả khu vực giữa căng thẳng tranh chấp Biển Đông với các hành động gây hấn không ngừng của Trung Quốc?

Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ, nhà nghiên cứu và giảng dạy về Châu Á học thuộc đại học Maine (Hoa Kỳ), Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhận định:

 

GS Vĩnh Long: Hoàng Sa với an ninh và quyền lợi của Việt Nam thì ta đã thấy rõ, nhưng an ninh và quyền lợi của thế giới nhiều nước chưa thấy rõ. Khi Trung Quốc chíêm đóng toàn bộ Hoàng Sa ngày 19/1/1974, họ đã tính sẽ dùng đảo này để đẩy yêu cầu của họ chiếm thêm những vùng khác trong Biển Đông. Rõ ràng từ đó đến nay, Trung Quốc càng ngày càng khiêu khích. Họ dùng Hoàng Sa làm căn cứ địa, rồi lập thành phố Tam Sa để kiểm soát toàn bộ Biển Đông.

VOA:
Với sách lược đòi chủ quyền bằng ngoại giao, liệu Việt Nam và các nước Đông Nam Á có thể thành công? Nhìn lại 40 năm đã qua kể từ trận chiến Hoàng Sa, chưa thấy một kết quả cụ thể nào cho Việt Nam, thưa ông?

GS Vĩnh Long: Vâng, Hoàng Sa là vấn đề rất quan trọng về khía cạnh chủ quyền, an ninh cho khu vực, và về luật pháp. Về mặt luật pháp, nếu mình để càng lâu, Trung Quốc càng có thời gian. Sau này nếu có đem ra tòa kiện được, người ta cũng cho rằng Trung Quốc đã chiếm đóng lâu rồi, người ta không muốn làm lộn xộn vấn đề. Cho nên, mình phải dùng vấn đề an ninh khu vực. Chẳng hạn lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc gần đây rõ ràng là sự đe dọa an ninh cho cả thế giới chứ không phải chỉ cho một nước Việt Nam. Nếu hai nước bị thiệt hại nhiều nhất là Việt Nam và Philippines đẩy mạnh vấn đề thành trách nhiệm chung của thế giới thì tôi nghĩ có thể giải quyết sớm vấn đề.

VOA: Còn kịch bản khả dĩ nào khác giúp giải quyết tranh chấp theo chiều hướng ôn hòa, tốt đẹp nhất ngoài vận động ngoại giao? Các biện pháp chế tài, ràng buộc, hoặc kiện tụng thì sao?

GS Vĩnh Long: Việt Nam là nước phải đứng ra kiện vì quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và khi chiếm đóng, Trung Quốc còn giết người Việt Nam. Đây là vấn đề không những luật pháp mà còn nhân đạo. Cho nên, chúng ta có thể đem ra nói với thế giới. Nhưng theo tôi, khi Việt Nam nói với thế giới điều này, cần cho thế giới biết rằng Trung Quốc có đảo Hải Nam với vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm. Nếu họ dùng Hoàng Sa và cũng nói rằng họ có 200 dặm vùng đặc quyền kinh tế ở đây, trong khi giữa Hải Nam và Hoàng Sa chưa tới 400 dặm, thì Trung Quốc sẽ làm tắc nghẽn cả đường lưu thông từ dưới  Biển Đông lên đến vùng Đài Loan. Thành ra, trong lúc Trung Quốc đang ‘quậy’ thế này, Việt Nam nên đẩy mạnh vấn đề thế giới, đặc biệt là Liên hiệp quốc, buộc Liên hiệp quốc phải xét xử vụ này vì chuyện này không phải chỉ là chủ quyền lãnh thổ mà là an ninh biển, ảnh hưởng Luật Biển của Liên hiệp quốc.

VOA: Thế nhưng những áp lực mạnh tay hơn liệu chăng sẽ đưa tới những rủi ro như một trận hải chiến cách đây 40 năm? Giáo sư nhận định khả năng xảy ra xung đột võ trang tại khu vực ra sao?

GS Vĩnh Long: Bây giờ Trung Quốc và Mỹ có quan hệ cộng sinh. 20 năm qua nhờ Mỹ Trung Quốc mới có thể phát triển như ngày nay. Nếu có rắc rối trong khu vực hại đến quyền lợi của Mỹ thì Mỹ phải nói rõ với Trung Quốc là ‘Chúng tôi không thể chấp nhận’. Trách nhiệm của Mỹ và quyền lợi của Mỹ bây giờ rất rõ trong vấn đề này. Cho nên, tôi nghĩ Mỹ không thể dùng dằng. Trong khi đang tìm cách đối phó, Mỹ cần sự giúp đỡ của các nước như ở Đông Nam Á có quyền lợi bị đe dọa. Cho nên các nước cần tìm cách áp lực Mỹ hay giúp Mỹ có cớ để giữ an ninh trong khu vực. Việt Nam là nứơc có lãnh thổ, lãnh hải dài nhất ở Biển Đông. Cho nên, tiếng nói của Việt Nam có sức nặng. Nếu không, đúng như cô nói, sẽ xảy ra sự cố. Khi xảy ra sự cố giữa khu vực Hải Nam và Hoàng Sa, chắc chắn sẽ làm tắc nghẽn lưu thông toàn khu vực. Chúng ta biết 90% các trao đổi hàng hóa của thế giới là trên đường biển và 60% các trao đổi đó là qua Biển Đông. Cho nên thế giới không nên để cho sự cố xảy ra.

VOA: Xin chân thành cảm ơn ông dành thời gian cho cuộc trao đổi này.



Hải chiến Hoàng Sa ‘nóng’ trên diễn đàn ở Đại học Harvard 

MASSACHUSETTS - Cuộc chiến trên biển gây nhiều thương vong cho phía Việt Nam năm 1974 đã được đưa ra ‘mổ xẻ’ dưới nhiều lăng kính khác nhau của các nhà nghiên cứu gốc Việt tại Đại học Harvard hôm 11/1.

Tiến sỹ Ngô Như Bình, Giám đốc chương trình tiếng Việt tại trường đại học danh tiếng nằm ở bang Massachusetts, cho VOA Việt Ngữ biết, cuộc hội thảo được tổ chức để đánh dấu tròn 40 năm trận hải chiến đẫm máu.

Ông Bình cũng nói rằng ý kiến của các chuyên gia Mỹ và Canada gốc Việt tham gia diễn đàn có thể đóng góp phần nào vào việc tìm ra giải pháp cho cuộc tranh chấp lãnh hải trên biển Đông.

Ông nói: “Chúng tôi muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia từ những góc độ khác nhau, từ lịch sử, pháp luật, kinh tế hay thương mại. Nếu như kết quả của các công trình nghiên cứu của các diễn giả và kết quả của hội thảo này được nhiều người biết đến thì chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ góp phần giải quyết vấn đề biển đảo ở biển Đông một cách hòa bình”.

Trung Quốc lấy nốt Hoàng Sa rồi để từ đó mới nói rằng Trung Quốc có lãnh hải mấy trăm dặm, thành ra, gây tranh chấp khắp khu vực. Trung Quốc gây sự, chiếm chỗ này, chiếm chỗ kia,để mà người ta phải tới để điều đình với Trung Quốc.
 
Ông Ngô Vĩnh Long, Giáo sư khoa lịch sử của Đại học Maine, là một trong các diễn giả thuyết trình tại cuộc hội thảo với sự tham gia của nhiều thành phần, trong đó có khá nhiều sinh viên người Việt.
Về tác động của cuộc chiến trên biển năm 1974 đối với các diễn biến những năm sau đó, ông Long nhận định với VOA Việt Ngữ rằng nó là điểm khởi đầu cho một loạt các rắc rối mà Trung Quốc gây ra sau này.

Theo ông, việc Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ Hoàng Sa là nhằm thâu tóm và kiểm soát biển Đông.

Ông Long nói: “Trung Quốc lấy nốt Hoàng Sa rồi để từ đó mới nói rằng Trung Quốc có lãnh hải mấy trăm dặm, thành ra, gây tranh chấp khắp khu vực. Trung Quốc gây sự, chiếm chỗ này, chiếm chỗ kia, để mà người ta phải tới để điều đình với Trung Quốc. Khi mà tới nói chuyện với Trung Quốc thì Trung Quốc tuyên bố chỉ nói chuyện song phương thôi, chứ không nói đa phương. Trung Quốc dùng sức mạnh của các nước lớn để ăn hiếp các nước nhỏ”. 

Liên quan tới khía cạnh pháp lý trong vấn đề tranh chấp ở biển Đông, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên đi theo cách làm của Philippines.

Tiến sỹ Tạ Văn Tài, cựu giảng viên trường luật của Đại học Harvard nhận định với VOA Việt Ngữ rằng Hà Nội nên theo gót Philippines đưa Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế để phân xử.

Bên kia có trình hồ sơ thì họ xem, không trình thì họ cứ tuyên bố một bản án mà dĩ nhiên nó không có tính cưỡng hành, nhưng mà ít ra nó cũng tạo được một cái thế về luật pháp, về chính nghĩa cho Việt Nam và Philippines. Đó là điều nên làm.
 
Ông Tài nói: “Hai tòa án chính là tòa trọng tài và tòa luật biển. Muốn giải thích điều khoản nào về luật biển, một bên có quyền đưa ra và bên kia không ngăn cản được. Bên kia có trình hồ sơ thì họ xem, không trình thì họ cứ tuyên bố một bản án mà dĩ nhiên nó không có tính cưỡng hành, nhưng mà ít ra nó cũng tạo được một cái thế về luật pháp, về chính nghĩa cho Việt Nam và Philippines. Đó là điều nên làm”.   
Trung Quốc  từng tuyên bố rằng nước này không có ý định tham gia vụ kiện mà Bắc Kinh cho là nỗ lực của Philippines nhằm hợp thức hóa việc chiếm đóng các đảo của Trung Quốc ở biển Đông.

Tiến sỹ Tài cho rằng Hà Nội hiện chú tâm theo dõi vụ kiện do Manila khởi xướng để xem có thể học được gì.

Ông nói: “Đối với Trung Quốc, một anh khổng lồ hung hăng, dùng ngoại giao súng ống thì chỉ có cách dùng luật pháp, là khí giới của kẻ yếu chống kẻ mạnh, giống như Nguyễn Trãi nói, đem đại nghĩa (tức luật pháp) để thắng hung tàn. Trước tòa án, dù là không có lôi được ông Tàu ra, nhưng nếu mà có một bản án, kết án lập trường của ông Tàu, điều đó rất có lợi cho dư luận quốc tế chống nước Tàu và bảo vệ các nước nhỏ ở Đông Nam Á”.   

Tiến sỹ Vũ Quang Việt, một chuyên gia từng làm việc cho Liên Hiệp Quốc và hiện nghiên cứu về cuộc tranh chấp biển Đông, cũng có cùng quan điểm với ông Tài.

Ông Việt cho rằng Việt Nam ‘là nước nhỏ thì phải dựa vào luật pháp quốc tế để giải quyết’, và rằng việc ‘Philippines làm là đúng đắn và Việt Nam nên ủng hộ’.

Việt Nam muốn kiện thì phải tìm ra cái gì liên quan tới Việt Nam, chứ không thể lấy các điểm [đưa ra tòa] của Philippines được.
Ông nói: “Việt Nam có thể đưa Trung Quốc ra tòa bất cứ lúc nào, nhưng Việt Nam cần phải tìm hiểu để biết những vấn đề nào cần đưa ra tòa được. Việt Nam muốn kiện thì phải tìm ra cái gì liên quan tới Việt Nam, chứ không thể lấy các điểm [đưa ra tòa] của Philippines được”.
Ông Paul Reichler, luật sư đại diện của chính quyền Manila trước tòa trọng tài quốc tế từng nói với VOA Việt Ngữ rằng quyền lợi của Việt Nam ‘hoàn toàn giống với hai điểm chính mà Philippines mang ra tòa’.

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm ngoái, khi được hỏi về việc Manila đưa Bắc Kinh ra tòa, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang nói rằng đó là ‘thẩm quyền của Philippines’ và rằng Việt Nam ‘tôn trọng Philippines”.

Trong khi đó, tiến sỹ Ngô Như Bình cho rằng chính quyền Hà Nội cần phải cho người dân thấy rõ ‘quan điểm của mình, quan điểm của phía Việt Nam’ trong vấn đề biển Đông.
 
 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét