Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Chuyện viên đá bị cưa dưới tượng Lý Thái Tổ

Hiệu Minh 

 Chia sẻ bài viết này

 Internet
Đảng viên  Kiên, phó công an Phường Tràng Tiền, cưa đá. Ảnh: Internet
 
Chưa hết tháng đầu năm 2014, nhưng tôi vẫn bình chọn bức ảnh anh Kiên, phó công an phường Tràng Tiền, Hà Nội, đang giả làm thợ cưa đá dưới chân tượng Lý Thái Tổ. Theo tôi nghĩ, đây là sức “sáng tạo” có một không hai trên thế giới nhằm giải tán biểu tình. Sau “trốn thuế”, “hai bao cao su đã qua sử dụng”, và nhiều “mưu” khác, nay đến đá và cưa.


Chuyện xảy ra sáng 19-1-2014, nhân kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa bị mất vào tay Trung Quốc, một đoàn biểu tình nhỏ tiến tới chân tượng Lý Thái Tổ nhằm dâng hoa và dâng hương các chiến sỹ ngã xuống vì biển đảo, thì gặp một cách giải tán biểu tình theo mẹo cứt gà. Đó là nhóm các nhân viên an ninh giả vờ làm công nhân cưa đá, bụi mù và gây tiếng ồn để đoàn biểu tình phải bỏ đi.

Các Thủ tướng Campuchia, Thái Lan và Ukraine nên sang Việt Nam học mẹo giải tán biểu tình này vì ba vị đang nhức đầu với hàng chục vạn dân đổ ra đường chống chính phủ.

Nhân chuyện về đá của anh Người Buôn Gió, nhớ thời học phổ thông cấp 3 những năm 1970, lũ học trò chúng tôi phải phân tích bài thơ “Tức cảnh Pắc Pó” của cụ Hồ viết về bàn đá, nơi ông dịch sử đảng năm 1942.

Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang!


Sau hơn 7 thập kỷ, con cháu của cụ đã dùng bàn đá trước tượng vua Lý Thái Tổ để viết nên một trang sử khác của đảng CS Việt Nam. Chỉ có điều thay vì dùng bút, họ dùng cưa điện gắn kim cương để “viết”, nên “trang sử hơi bị nham nhở”, hết cả sang trọng.



 Internet
"Trang sử nham nhở”. Ảnh: Internet
 
Bàn đá xưa của cụ Hồ nay được thế hệ trẻ đến chụp ảnh lưu niệm. Bàn đá nay được cất vào bộ nhớ trong thế giới blog như một cách “lưu danh muôn thuở”.

Chuyện xảy ra dưới tượng Lý Thái Tổ nên người ta liên tưởng đến sự việc cách đây hàng ngàn năm.

Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long năm 1010 và lên ngôi vua, thiên hạ hưởng thái bình, do thực hiện chính sách “thân dân”. Dù đặt ra nhiều loại thuế khác nhau, nhưng ông đã nhiều lần miễn thuế cho dân vì thương giống nòi.

Cách đây một thiên niên kỷ (1013), vua Lý Thái Tổ mang quân đi chinh phục quân Man nổi dậy ở Diễn Châu, khi về bỗng trời đất tối sầm, gió nổi lên ầm ầm, sấm sét dữ dội. Thấy vậy, ông đốt hương và khấn trời

“Tôi là người ít đức, lạm ở trên dân, nơm nớp lo sợ như sắp sa xuống vực sâu, không dám cậy binh uy mà đi đánh dẹp càn bậy… Trong khi đánh nhau, hoặc giết oan kẻ trung hiếu, hoặc hại lầm kẻ hiền lương, đến nỗi hoàng thiên nổi giận phải tỏ cho biết lỗi lầm, dẫu gặp tổn hại cũng không dám oán trách. Xin lòng trời soi xét”.
Sau khi Lý Thái Tổ khấn, giông tố, sấm sét không còn dữ dội nữa và trở nên yên lặng.

Hôm rồi, vua Lý Thái Tổ đứng trên bục, nhìn xuống thấy cảnh dân biểu thị lòng yêu nước ngay dưới chân mình, giữa thủ đô Hà Nội, dân bị giải tán và đàn áp, liệu ông có nghĩ rằng, thế hệ lãnh đạo ngày nay có biết khấn vái trời đất hay không.

Các bạn thử đến hỏi vua Lý Thái Tổ xem sao.

HM 21-1-2014


 internet
Bàn đá của cụ Hồ ở Pắc Pó. Ảnh: internet


 
Trang sử “đá” lưu danh trên thế giới ảo. Ảnh: Internet
 

Người Buôn Gió - Hòn đá to và hòn đá nhỏ

Năm 1942 tại Cao Bằng, chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập ra nhà nước hiện nay đã làm một bài thơ nổi tiếng. Hồ Chí Minh được một số tin đồn chính thức là danh nhân văn hóa thế giới, cũng như có nhiều tác phẩm thi ca được đưa vào giảng dạy tại nhà trường. Thiên tài thi ca của Hồ Chí Minh không có gì phải bàn cãi, vì chất thi ca của Hồ Chí Minh đặc biệt hơn tất cả các thi sĩ khác là nội dung những bài thơ của Hồ Chí Minh mang đậm tính triết lý, dạy bảo người đời.

Bài thơ về Hòn Đá của chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những bài thơ trác tuyệt nhất từ xưa đến nay. Đằng sau những từ ngữ tưởng là đợn giản ấy, ẩn chứa một bí kíp võ lâm để đoạt được thiên hạ. Đó chính là sự Đoàn Kết.

Chẳng thế khi lâm chung, phút cuối chủ tịch Hồ Chí Minh còn dặn các đồng đảng của mình (đồng đảng là các đồng chí cùng trong một đảng) phải giữ sự đoàn kết như giữ con ngươi trong mắt mình.

Hơn một nửa thế kỷ trôi qua, tư tưởng vĩ đại của chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài Hòn Đá được các hậu duệ đồng đảng duy trì kiên định. TBT Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong vấn đề xử lý cán bộ kỷ luật. Ông Trọng nói kỷ luật là phải xem xét kỹ, kỷ luật để tiến bộ hơn, chứ không kỷ luật để hạ nhau. Ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì nói - mấy năm làm thủ tướng ông chưa xử lý ai...

Trở lại bài thơ Hòn Đá, nội dung nói việc đánh Tây, đánh Pháp khó khăn như một hòn đá nặng. Một người làm không nhấc được, nhiều người xúm lại chung tay thì nhấc được hòn đá. Từ một ví dụ đơn giản về Hòn Đá, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khiến người ta hiểu ngay cốt lõi công cuộc đánh giặc ngoại xâm.

Hòn Đá của Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm như một biểu tượng.

Một ngày đầu năm 2014, cách bài thơ Hòn Đá của Hồ Chí Minh hơn nửa thế kỷ. Các học trò của Hồ Chí Minh một lần nữa lại đưa hình tượng hòn đá đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Nhưng bằng một cách khoa học hơn. Có lẽ thời Hồ Chí Minh ngồi hang Pắc Pó chưa có dụng cụ cắt đá cầm tay chạy điện như bây giờ. Ngày hôm nay với khoa học tân tiến, học trò của Hồ Chí Minh đã chứng minh một điều cũng rất vĩ đại không kém phần triết lý là:
- Cắt nhỏ hòn đá ra sẽ nhấc lên dễ hơn!

 Internet
Đảng viên Kiên, phó công an phường Tràng Tiền đang chứng minh rằng hòn đá to đến đâu với khoa học tân tiến, máy móc hiện đại. 
 Chỉ cần cắt nhỏ ra là ai cũng bê được như hình dưới:


Triết lý mới này phản ánh đúng tính thời cuộc ngay hôm nay. Khi mà quân xâm lược Trung Quốc ngày đêm hoành hành ngoài biển khơi. Thì trong nước, Đảng lấy tình hữu nghị 16 chữ vàng ra đối phó. Chính phủ mua tàu ngầm lo đối phó. Còn người dân thì người thì biểu tình phản đối Trung Quốc, người thì chống phá biểu tình.
Hòn đá này được cắt nhỏ bởi một đảng viên có chức vụ, nơi cắt diễn ra tại chân tượng đài tiền nhân Lý Thái Tổ, giữa trung tâm thủ đô Hà Nội.
Phải chăng ngày hôm nay, xẻ nhỏ lòng đoàn kết yêu nước ra là giữ được đất nước?

 

 

4 nhận xét:

  1. Ô, đó là sự thật ư ? Tại Thủ Đô Hà Nội ư ?

    Trả lờiXóa
  2. Cha mẹ , vợ con ông KIÊN không biết họ có cảm thấy nhục nhã không , vì cái gì mà ông dám làm 1 việc bỉ ổi như vậy . ÔI TỔ QUỐC VIỆT NAM ,ôi ĐẤT NƯỚC VN ,sao có kẻ đốn mạt như vậy lại sinh ra tên đất này !

    Trả lờiXóa
  3. Kiên không dám tự làm đâu, đừng chửi nó. Nó làm theo lệnh trên! Hãy xem ai ra lệnh, rồi hỏi kẻ đó ! Hãy xem trên mạng đầy ra, Mỵ nương công chúa con của Tản Viên ạ !!!

    Trả lờiXóa
  4. Vấn đề ở đây không phải là kẻ nào ra tay làm, kẻ nào ra lệnh. Hành đông phá rối lễ tưởng niệm 74 liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu bảo vệ tổ quốc. phá rối một cách bỉ ổi và đê tiện. Bằng hành động đó họ đã bộc lộ rõ rệt cho đồng bào Việt Nam ở trong và ngoài nước rằng họ không có chút lòng yêu nước..Lịch sử sẽ hỏi tội bọn chúng..

    Trả lờiXóa