Nguyễn Trung Chính
14/01/2014
Lần đầu tiên Thông điệp đầu năm của Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng dường như nhận được sự ưu ái của một số trí thức
đã từng góp tiếng nói phản biện mạnh mẽ với Đảng về sự tụt hậu kinh tế,
về các vụ tham nhũng tràn lan mà vượt lên trên là những vụ quan trọng
vây quanh đám thuyền trưởng lãnh đạo việc chống tham nhũng, về sự xuống
dốc của ngành giáo dục mà hậu quả là đào tạo một thế hệ trẻ mất phương
hướng lương thiện, có nguy cơ kéo đất nước xuống vực thẳm.
Thêm vào đó, đây có lẽ cũng là lần đầu
tiên, một trong số hơn 750 tờ báo nhà nước, báo Tuổi Trẻ, tổ chức một
bàn tròn, một số những trí thức nói trên được mời tham dự, đồng thời tờ
báo này cũng yêu cầu đọc giả góp ý về Thông điệp của Thủ tướng.
Cần phải nói ngay rằng, người viết bài này cũng đã kêu gọi độc giả, trong bài “Xin Thủ tướng cho tôi tin một lần“,
góp ý trên Diễn đàn xã hội dân sự vì rằng cho đến nay, báo nhà nước chỉ
đăng những gì có thể minh họa được cho đường lối của tuyên giáo. Nhiều ý
kiến trung thực của đảng viên, tôi nhấn mạnh đảng viên, mà tôi có trong
tay đều bị vứt sọt rác nếu không minh họa theo họ. Đó là lý do tôi kêu
gọi góp ý trên Diễn đàn xã hội dân sự vì tin rằng không có sự kiểm duyệt
nơi những người chủ trương, những người nắm ngọn cờ tự do tư tưởng, đa
nguyên thực sự.
Phải nói rằng với những trí thức sống
trong một thể chế độc tài toàn trị, cũng như đại bộ phận dân chúng, sự
mong muốn được sống tự do, dân chủ là mãnh liệt. Nhiều người nhìn thấy
qua Thông điệp Thủ tướng một đốm sáng, hoặc được con người khơi lên,
hoặc chỉ là con đom đóm. Nhưng khát vọng tự do dân chủ mãnh liệt buộc
chúng tôi phải trân trọng đến xem cái đốm sáng đó là gì?
Như người đi trên sa mạc thấy được một vùng nước, nhất định phải chạy nhanh đến để xem đó là sự thật hay là mình đang bị quáng.
Vì thế trong bài viết này, tôi mạn phép trở lại phân tích vài từ khóa trong Thông điệp đã gây một số ấn tượng.
Thể chế
Thông điệp nhắc đến từ khóa “Thể chế” 11 lần, trong đó 10 lần hoặc là “Thể chế” trống không hoặc là “Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa“, chỉ một lần nói đến thể chế chính trị (“Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại”).
Chỉ một lần thôi nhưng ai muốn hiểu gì
cứ tùy tiện. Đại hội XI của Đảng cũng đã ghi mô hình xã hội chủ nghĩa ở
Việt Nam với 8 đặc trưng: trong đó đặc trưng 1 là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; (tiêu chí dân chủ được lên một bậc, đứng trước tiêu chí công bằng ), đặc trưng 7 là “Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”. Vậy Dân chủ và Nhà nước pháp quyền đã được nói trong văn kiện Đại hội XI rồi.
Thế nhưng, tại sao thể chế chính trị với Dân chủ và Nhà nước Pháp quyền lại
trở thành “một đốm sáng” nơi Thông điệp Thủ tướng? Theo tôi, cái khôn
ngoan, cái mưu lược, hoặc tiểu xảo mưu mô tùy theo người hiểu, của Thủ
tướng ở chỗ: trước khi nói đến cụm từ thể chế chính trị ông đã đề
cập đến Đại hội VI để gây ấn tượng, liên tưởng về cái thời đổi mới cơ
bản, đổi mới thật sự, được nhất trí xem là động lực mới.
Đại hội VI thay đổi thể chế chính trị
Đến Đại hội VI, Đảng rút kinh nghiệm do “Chủ quan, nóng vội trong con đường đi lên chủ nghĩa xã hội , Áp dụng mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội bao cấp , Công nghiệp hoá theo lối giản đơn – tập trung vào công nghiệp nặng” nên bối cảnh xã hội cho đến năm 86 và nhiều năm sau đó (1989, 1990), có thể định hình bằng những hình ảnh đời thường: “cục bánh mì ném chó chó chết“, “mua lại những khúc xương heo đã nạo hết thịt để về ninh lên cho cả nhà có chút dinh dưỡng“, “hố xí tập thể đã mất hết cửa“…
Từ đó Đại hội VI đề ra 4 điều:
1 - Lấy dân làm gốc: Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”.
2 – Theo thực tế, từ bỏ giáo điều: Đảng phải luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo qui luật khách quan.
3 – Hội nhập: Phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới.
4 – Lãnh đạo thì phải có tài: Chăm lo xây dựng Đảng ngang tầm với một đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Chủ trương này đã cho phép người người
bung ra làm ăn, buôn bán. Từ những căn hộ mặt tiền luôn đóng kín cửa, đã
hiện ra những cửa hàng buôn đi bán lại (lao động không làm ra của
cải!). Người dân phấn chấn lên vì rằng trước kia họ chỉ biết dựa vào sự
ban bố của Đảng, thì bây giờ họ dựa vào bàn tay, khối óc của chính họ.
Ăn nên làm ra hay không là chính họ chịu trách nhiệm, dù họ vẫn còn như
người đi trong sương mù nhưng lần này được tự mở mắt nhìn để biết mình
đi đâu.
Về mặt trí thức, ông Nguyễn Văn Linh
tuyên bố cởi trói cho văn nghệ sĩ, nói rằng văn nghệ sĩ không được bẻ
cong ngòi bút. Từ đó nhiều bài báo, tiểu thuyết nói lên sự thật chứ
không còn phải cứ ca ngợi như trước. Chuyện “Đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Nguyên Lộc, cùng với những tiểu thuyết của Nguyễn Huy Thiệp… được độc giả trân trọng đón nhận. Nhạc
tiền chiến, nhạc hải ngoại một thời bị coi như … thuốc độc của những
tác giả “có vấn đề” Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Lê Hựu Hà, Dương Thiệu Tước,
Nguyễn Ánh 9… của những tác giả bỏ nước ra đi Cung Tiến, Trần Quảng Nam,
Ngô Thụy Miên… trở lại với người nghe “tự nhiên như không khí” (đọc Nhật Ký của một thằng hèn, Nhạc sĩ Tô Hải).
Đây mới chính là cải cách “thể chế chính trị” thật sự vì nó đem đến trực tiếp cho người dân mọi hứng khởi để mà sống trên đất nước của mình.
Phải nói đến công lao của Trung tướng Trần Độ trong sự cởi trói này cho đến một hôm “Chính
Trần Độ, người đồng chí, đồng hương Thái Bình và “đồng…ngu” với tôi,
trên cương vị Trưởng ban Văn Hóa Tư Tưởng, lần cuối vào Sàigon gặp anh
em văn nghệ tại số 81 Trần Quốc Thảo đã buồn rầu báo cho tôi biết tổng
bí thư Nguyễn Văn Linh “bỏ của chạy lấy người” rồi” (đọc Nhật Ký của một thằng hèn, Nhạc sĩ Tô Hải), và sau đó Trung tướng Trần Độ bị loại trừ khỏi Đảng.
Sự thay đổi quan điểm của Đảng ở Đại hội
VI chỉ kéo dài được vài năm thì khựng lại vì Đảng bắt đầu sợ quần
chúng. Sự khựng lại vẫn kéo dài cho đến ngày nay mặc dù người ta cứ luôn
miệng nói Đảng liên tục đổi mới, cùng lúc kêu gọi chống tự đổi mới (“tự
diễn biến, tự chuyển hóa”).
Điều có lẽ nhiều người mong ước là sự thay đổi, đổi mới, hoàn thiện “thể chế chính trị” phải tạo được một động lực mạnh, cơ bản, như thời Đại hội VI. Từ đó tôi thông cảm những người nhiệt tình kêu gọi hãy giúp Thủ tướng, hãy bảo vệ Thủ tướng, đừng khoanh tay ngồi nhìn…
Nhưng Thủ tướng có cùng một ý nghĩ như
chúng ta không? Thủ tướng không tiện nói thẳng ra do địa vị hiện nay của
Thủ tướng là điều rất dễ thông cảm, nhưng nếu có chỉ dấu rằng Thủ tướng
thực tâm thay đổi cơ bản như ở Đại hội VI thì tôi sẽ theo chân các bực
đàn anh đứng sau lưng Thủ tướng.
Trong bài viết “CHÚNG TA HÃY CHỜ XEM !” Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh viết: Nếu
thông điệp là thực tâm thì hãy rút bỏ những điều cấm trước đây: cấm
biểu tình yêu nước, cấm tụ tập đông người, cấm trí thức phản biện, cấm
dân oan khiếu kiện tập thể, cấm báo tư nhân, cấm một số trang mạng…; hãy
cấm công an bắt người, giam người tùy tiện trái pháp luật, đánh chết
người ở trụ sở công an.
Nếu thật tâm “phát huy dân chủ” thì
hãy xóa án cho sinh viên Phương Uyên, trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ, cho
những blogers và những người đấu tranh cho dân chủ, dân quyền, cho tam
quyền phân lập một cách hòa bình mà còn bị giam giữ.“
Hay như ông Phạm Toàn đề nghị để cho dân
tin vào Thông điệp Thủ tướng, nhân dịp Tết thả ngay tự do cho gia đình
ông Đoàn Văn Vươn, nạn nhân của các quan chức Hải Phòng mà chính Thủ
tướng kết luận là áp dụng sai pháp luật. Ông Vươn đã ở tù hơn phân nửa
án, và luật pháp hiện hành cho phép ông được trả tự do nếu Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang chịu ký và điều này quá dễ dàng vì nằm trong tầm tay
Thủ tướng. “CHÚNG TA HÃY CHỜ XEM ! “
Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Là người tham gia chuẩn bị thông điệp
của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Trương Đình Tuyển – nguyên bộ trưởng
Bộ Thương mại, nay giữ vị trí trưởng nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ
mô của Chính phủ khi được hỏi: “Bài viết của Thủ tướng nhấn mạnh đầu
tiên đến vấn đề đổi mới thể chế và mở rộng dân chủ. Theo ông, đổi mới
thể chế cụ thể là đổi mới những vấn đề gì, lĩnh vực gì?” đã trả lời: “Nói
thể chế thì rất rộng lớn. Cụ thể ở đây là thể chế kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa, trong nhiều năm chúng ta đã có bước tiến
dài…”
Thế là bye bye “thể chế chính trị” nhé, chỉ được phép nói dưa cà mắm muối trong Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà thôi.
Không phải riêng ông Trương Đình Tuyển mà cả những người góp ý về Thông điệp Thủ tướng trên báo Tuổi trẻ cũng né tránh “thể chế chính trị“. Ông Nguyễn Đình Cung (quyền viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) cho rằng “Có
ý kiến cho rằng phải đổi mới đồng bộ, nghĩa là cả thể chế chính trị và
thể chế kinh tế. Đúng như vậy, nhưng trước hết nên tập trung vào thể chế
kinh tế vì ở đây còn dư địa, còn “đất” để đẩy cải cách đi tới”. !!!
Nói rằng đổi mới thể chế kinh tế người thì hiểu rằng, nói như Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, “Phải
khẳng định kinh tế thị trường là tinh hoa của nhân loại, là thứ chúng
ta phải áp dụng từ việc thị trường hóa giá cả, đến cạnh tranh thị
trường.“, nhưng Đảng và những người ăn theo thì hiểu rằng đó là kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì đang mang lợi cho họ. Có
điều chắc chắn là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không thể nào là tinh hoa của nhân loại.
Về vấn đề đối xử bất bình đẳng giữa doanh nghiệp, ông Trương Đình Tuyển cho rằng “Thật
ra trên văn bản chúng ta không có quy định nào phân biệt giữa doanh
nghiệp nhà nước và các thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên trong thực tế
vẫn có phân biệt, phải xóa bỏ điều này để đặt doanh nghiệp nhà nước vào
môi trường cạnh tranh bình đẳng.“
Tôi cho rằng “thực tế vẫn có phân biệt” là hậu quả của cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”,
chừng nào chưa bứt được cái đuôi con nòng nọc này thì mọi mong ước bình
đẳng, minh bạch, lành mạnh, trong sạch, bớt tham nhũng trong môi trường
kinh tế và rộng hơn là môi trường xã hội, không thể nào thực hiện được.
Cứ đi vào một số chi tiết trong Thông điệp như “mở
rộng dân chủ trực tiếp”, “Sớm thực hiện thí điểm nhân dân bầu trực tiếp
chủ tịch UBND xã theo nghị quyết Trung ương 5 khóa X. Trước đây nhiều
người ngần ngại chuyện dân bầu trực tiếp trưởng thôn, nhưng khi bầu trực
tiếp trưởng thôn thì tình hình là tốt.” thì thấy rằng Đảng tìm mọi
cách làm chậm lại những gì có thể trìu kéo được. Con đường từ bầu trực
tiếp trưởng thôn đến Quốc hội, Chủ tịch nước, cũng như con đường từ anh
binh nhì lên đến chức Đại tướng, con đường xa lắc xa lơ, không biết đến
mấy chục nhiệm kỳ 5 năm của Đảng, của Thủ tướng mới tiến lên được! Chắc
ai cũng còn nhớ Thành ủy Đà Nẵng khi còn trong tay ông Nguyễn Bá Thanh
đã từng xin Đảng cho thí điểm bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân Đà Nẵng
bằng phiếu trực tiếp của nhân dân đã bị Đảng từ chối vì phạm điều lệ
Đảng.
Để thực hiện những chi tiết trong Thông điệp, Ông Nguyễn Đình Cung đề nghị trên báo Tuổi trẻ: “Trước
hết phải xây dựng một chương trình hành động cụ thể, giao trách nhiệm
rõ ràng cho các bộ ngành và địa phương những phần việc có liên quan đến
chức năng, nhiệm vụ của mình, kèm theo đó là lộ trình thực hiện và chế
tài. Tiếp theo nên thành lập một ủy ban thực hiện chương trình hành động
này”. Đề nghị này với một cậu học trò đang ngồi trên ghế nhà trường
thì còn có vẻ mới nhưng đối với một ông Thủ tướng ở vào nhiệm kỳ thứ
hai và trước đó với 10 năm làm Phó thủ tướng thì khác gì dạy thằng mõ đi
rao! Vấn đề hiện nay nằm ở chỗ khác chứ không phải vài ba cái chuyện kỹ
thuật.
Khi nào Đảng vẫn ù lỳ theo chủ nghĩa
Mác-Lê không còn hợp với thời đại thì những tiểu tiết trong Thông điệp
Thủ tướng cũng chỉ như là những con đinh, con ốc không thể nào làm mới
được cái cỗ máy đã rã rời. Vì cỗ máy đã rã rời nên tạo ra bao nhiêu vấn
đề cho kinh tế, cho xã hội, buộc mọi người phải ưu tư suy nghĩ lối
thoát. Không thể có lối thoát, chính TBT Nguyễn Phú Trọng cũng đã cho
rằng chủ nghĩa này cần phải trăm năm mới đạt được. Điều đáng nêu lên cho
mọi người thấy là TBT biết thế, nói thế, nhưng vẫn ù lỳ, nhắm mắt đi
trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa không có bản đồ. Phải chăng
khối óc của TBT, cũng như Hội đồng Lý luận TW, đã được chương trình hóa
bằng chủ nghĩa giáo điều ở trường Đảng để trở thành những con người
máy.
Trở lại với “thể chế chính trị”
là để nói với Đảng rằng người dân chúng tôi chỉ mong được sống tự do,
hạnh phúc và no ấm trên đất nước của mình. Dân chủ trực tiếp, gián tiếp,
nhân dân viết hoa, viết thường hay gì gì cũng được nếu trả lời được
mong ước của người dân. Khi một đảng đã đi ngược lại mong ước nói trên
thì đảng nào chúng tôi cũng chống chứ không riêng gì đảng cộng sản. Làm
tốt Đảng, để Đảng trở về với nhân dân, là bổn phận của 3 triệu đảng viên
các ông chứ không phải của 90 triệu nhân dân chúng tôi.
Năm nay là năm 2014, một trăm năm để có
được một xã hội chủ nghĩa như TBT dự kiến là vượt quá xa sức sống của
chúng tôi, khi mà thực tại tiền đâu lắm thế để cho một ông quan trung
cấp Dương Chí Dũng thí cho ông này mười ngàn, ông kia hai chục ngàn, ông
nọ năm trăm ngàn đô la một cách quá dễ dàng, trong khi trẻ em ở một số
vùng còn quá đói rách, công nhân còn phải ăn mì tôm quanh năm suốt tháng
để chịu đựng, ngư dân bị đe dọa thường trực, mất miếng ăn, mất mạng bởi
Trung quốc.
Tết này, Đảng lại cấm quà cáp chúc tết
cho quan chức như mấy Tết trước, nhưng xin báo cho Đảng, cho cả nước và
những ai chưa được biết thông tin: 11 tỉnh xin hỗ trợ cứu đói nhân dịp
Tết gồm: Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng
Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Kom Tum. Trong đó, Quảng Bình đề
xuất xin gạo nhiều nhất với 5.200 tấn, tiếp sau là Quảng Trị gần 4.300
tấn, Nghệ An gần 4.200 tấn. Trong 11 tỉnh này, không phải tỉnh nào cũng
đói do bị thiên tai.
Cái đuôi Định hướng xã hội chủ nghĩa bây
giờ đồng nghĩa với nghèo đói, tham nhũng, hèn mạt trước bọn xâm lấn bá
quyền, và đã quá đủ rồi. Đến lúc cần phải cắt bỏ như cắt một khối u
thừa.
Có như vậy Thông điệp của Thủ tướng mới có cơ được thực hiện, có như vậy đất nước mới hy vọng tiến lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét