Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Tự do cho dân, hòa giải dân tộc và dân chủ cho đất nước

 Nguyễn Trung Chính
 20/01/2014
1Sáng 11/5/2013, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn tổng kết trong đó ông tuyên bố:  “Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị phải đồng bộ với đổi mới thể chế kinh tế.

Nghe “Đổi mới“, mừng quá! Tưởng đã đến lúc Đảng chấp nhận đổi mới tư duy chính trị để đồng bộ với đổi mới kinh tế.

Nhưng không! Khi đọc văn kiện chính thức “KẾT LUẬN HỘI NGHỊ LẦN THỨ BẢY BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG KHÓA XI: Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở” mới vở lẽ ra rằng “Đổi mới” kèm với “Hoàn thiện” chỉ có ý nghĩa trên vấn đề tổ chức nội bộ của Đảng, không mảy may chút gì dính đến một tư duy chính trị thông thoáng hơn mà cơ chế kinh tế thị trường đòi hỏi phải đồng bộ. Thực tế kết luận này chỉ nhằm “Hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa“.


Thế thì phải hiểu như thế nào, khi một thời gian gần đây, trước khi có Thông điệp đầu năm của Thủ tướng, Bộ trưởng Kế Hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh, đi nhiều nơi tôn vinh kinh tế thị trường là “tinh hoa của nhân loại” mà không có một chữ nào nói đến “định hướng xã hội chủ nghĩa“? Hoặc Bộ trưởng Vinh qua mặt Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, hoặc Bộ trường Vinh được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo “cứ thế…cứ thế…

Ai đã bật đèn xanh cho Bộ trưởng Vinh tuyên bố rõ ràng, trái ý Tổng Bí thư như thế?

Có hay không việc chạy đua nước rút chiếm lĩnh quyền lực?
Ai cũng còn nhớ rằng tại Hội nghị lần thứ 5, khi Bộ chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương kỷ luật đồng chí X và đã bị ban này nói KHÔNG. 

Tại Hội nghị lần thứ 7, hai ông Vương Đình Huệ (Ban kinh tế Trung ương), và Nguyễn Bá Thanh (Ban nội chính) được TBT Nguyễn Phú Trọng đề nghị vào Bộ Chính trị nhằm tăng uy tín và quyền lực cho hai ông trong công tác, Ban Chấp hành Trung ương cũng nói KHÔNG.

Hai ông này không vào được Bộ Chính trị nên không có quyền quyết định trên các cấp Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Thủ tướng, Bộ trưởng, và một số cấp UBND tỉnh.

Việc nói KHÔNG của Ban Chấp hành Trung ương có ý nghĩa rõ rệt:

1- Nếu Thủ tướng mà còn bị kỷ luật vì dính đến tham nhũng thì sự kỷ luật cũng sẽ treo lơ lửng trên đầu các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

2- Các Ủy viên phần lớn dính đến những chương trình kinh tế của các tỉnh, mà quan trọng nhất là đầu tư công, nơi xảy ra tham nhũng và thất thoát nhiều nhất, không muốn Đảng dây dưa vào việc “làm ăn” kinh tế của họ. Họ không bầu cho ông Vương Đình Huệ.

3- Các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương không muốn “lấy đá ghè chân mình” nên không bầu cho ông Nguyễn Bá Thanh, người đảm trách thực tế Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng.

Từ đó có thể khẳng định mà không sợ sai lầm quá đáng rằng, cho đến giữa nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lập bàn 1-0 
trước TBT Nguyễn Phú Trọng.1
Tuy tình hình đã như thế, nhưng khó mà nói được phe nào với phe nào.

Để có cái nhìn tường tận hơn, chúng tôi thử khảo sát Đảng theo “nhóm lợi ích”.

1- Nhóm lợi ích thứ nhất gồm phía Thủ tướng, người nắm trong tay tiền thuế của dân, số tiền này được chi tiêu: trả lương cho bộ máy nhà nước, cho bộ máy Đảng và các tổ chức ngoại vi như Mặt trận Tổ quốc, hội Liên Hiệp Phụ nữ…, quan trọng nhất là đầu tư công, …
2- Nhóm lợi ích thứ hai gồm các Bí thư Tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh, phần lớn các vị này đều nằm trong Ban Chấp hành Trung ương. Nhóm này lấy tiền từ nhóm lợi ích thứ nhất trong các vụ đầu tư công ở tỉnh.

3- Nhóm thứ ba gồm bộ máy của TBT Nguyễn Phú Trọng, Quân Ủy Trung ương, quân đội, cũng lấy nguồn tài chánh từ nhóm thứ nhất. Tuy nhiên quân đội có cơ sở kinh tế quan trọng riêng mà nhóm thứ nhất không có quyền kiểm soát.

Hiện nay, do không thu thuế đủ nên Thủ tướng nghe theo bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh ra chỉ thị 1902 về đầu tư công nhằm cắt nguồn tài trợ cho nhóm lợi ích thứ hai, lấy lý cớ đầu tư không hiệu quả và để minh chứng cho quyết định của mình, ông Vinh đưa ra vài thí dụ:

1- Ví dụ dự án thủy lợi lúc đầu vẽ ra bảo là tưới tiêu cho 1.000ha, suất đầu tư 2 tỉ đồng/ha, nhưng khi hoàn thành thì chỉ tưới tiêu cho 500ha và tổng vốn đầu tư vẫn là 2.000 tỉ đồng, rất kém hiệu quả nhưng không ai bị xử lý.

2-  ví dụ xây cái chợ không có người đến, gây lãng phí rất lớn nhưng không ai chịu trách nhiệm”.

3- có tỉnh làm đường rộng 70 mét mà không có người đi.
Và Bộ trưởng Vinh tiết lộ: “Khi thực hiện, (chỉ thị 1902 về đầu tư công) có người đã nói với tôi: Bộ trưởng làm như thế này là lấy đá tự đè chân mình. Cả một thời gian dài sau đó, cũng vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều kiến nghị kêu khó khăn, mất quyền lợi…”

Nhóm lợi ích thứ 2 do đó bị đụng chạm. Nhóm này sống ngon lành nhờ những vụ đầu tư công, vụ nào cũng đem lại lợi nhuận riêng hàng triệu đô la cho các vị, chỉ cần nhìn Dương Chí Dũng khai ông ta và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (TP.HCM) do bà Trương Mỹ Lan làm chủ tịch, đã “mua” Thượng tướng công an Phạm Qúy Ngọ bằng 5 trăm ngàn, triệu đô thì cũng hiểu nhóm lợi ích thứ hai bị thiệt thòi với chỉ thị 1902 như thế nào. Phần lớn họ có mặt trong Ban Chấp Hành Trung Ương nên khó có thể nói họ sẽ không có tác động nào trong những lần họp tới, nhất là chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XII vào năm 2015. Và ở đây cái khôn ngoan không nói ra của “chỉ thị 1902 về đầu tư công” được ban hành bởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là sẽ tạo thêm một việc “xin, cho”. Anh Trung ương nào được cho sẽ phải uống nước nhớ nguồn.

Tóm lại, tuy là ba nhóm lợi ích, nhưng thực tế  chỉ có hai khuynh hướng: một bên che đậy bằng ngọn cờ chủ nghĩa Mác-Lê trong các hoạt động kinh tế, còn bên kia nói “định hướng xã hội chủ nghĩa” cho có lệ, nhưng làm huỵch toẹt ra là kinh tế thị trường với “Chiếc phong bì không còn chứa đủ tiền hối lộ

Hai khuynh hướng này sẽ làm cho Đảng dậy sóng và đất đước cũng sẽ chao đảo theo. Dù khuynh hướng nào thắng hay bại, đất nước cũng sẽ thua thiệt.

Trong cuộc chơi giữa hai khuynh hướng này, các lão thành cách mạng, các đảng viên về hưu chỉ có cái sổ lương hưu chả thấm vào đâu so với 10 ngàn, 20 ngàn đô mà Dương Chí Dũng vứt ra cho các cán bộ công an đương quyền cấp dưới. Còn các đảng viên, ngoài số lương rất thấp so với công dân các nước quanh vùng, có kiếm chác được món tiền còm thêm cũng chỉ vừa đủ sống. Tất cả thu nhập của những phần tử nói trên chả thấm vào đâu trước những thất thoát to lớn mà đất nước phải gánh chịu. Nếu có một sự thay đổi thể chế chính trị ôn hòa, chẳng ai thèm đụng đến thu nhập kém cỏi của họ.
Nếu họ còn chút lương tâm, họ thừa biết họ phải làm gì để giúp đất nước thoát ra khỏi vũng lầy hiện nay.

Khi nói về đảng cộng sản, có khuynh hướng cho rằng phải nói đến công và tội của đảng này. Chúng tôi cho rằng, khi đất nước đang quằn quại trong vũng lầy và cần phải thoát ra bằng mọi giá thì có nói đến công lao cũng bằng thừa. Không công lao nào chuộc được cái tội tày trời hiện nay là làm cho đất nước ngày càng nghèo đi, để cho biển đảo bị Trung quốc chiếm mà không bảo vệ, cấm người dân tuyên truyền cho lòng yêu nước, yêu biển đảo… trái lại lúc nào cũng trâng tráo đòi nhân dân phải chấp nhận quyền lãnh đạo của mình, bằng Hiếp Pháp sửa đổi, bằng bạo lực quân đội, công an.
Dù sao, công lao của đảng cộng sản cũng sẽ có cơ hội được đề cập đến, khi họ phải trả lời trước tòa án nhân dân.

Ngày 19/01/2014 là ngày kỷ niệm 40 năm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, đúng vào sáng ngày này không một tờ báo trung ương nào của Đảng nhắc đến hai chữ Hoàng Sa, mãi đến chiều tối mới có vài tờ báo e dè đưa tin triển lãm về Hoàng Sa ở Đà Nẵng, tờ Đại Đoàn Kết chỉ dám nói thoáng qua rằng 74 người Việt (không dám nói họ là chiến sĩ VNCH) đã ngã xuống. 

6
 Một tháng trước đó, vài tờ báo trong hệ thống này liên tục phóng sự về cuộc hải chiến bảo vệ Hoàng Sa của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa đã thông báo tổ chức “Chương trình ca nhạc hát về biển đảo quê hương và Lễ thắp nến tri ân Hướng về Hoàng Sa” ở Đà Nẵng nhưng cuối cùng ngày 17/1 do lệnh trên phải thông báo hủy bỏ.

Ai đã ra lệnh cho báo chí không được nhắc đến Hoàng Sa trong sáng ngày 19/01/2014 này, ai đã cấm tổ chức tưởng niệm thắp nến ở Đà Nẵng? Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang hay Nguyễn Tấn Dũng? Người dân chúng tôi đòi hòi trong các ông, ai là người đã đánh mất lòng tự trọng dân tộc tối thiểu để ra lịnh cấm đoán hèn mạt này.

Tự do cho dân, hòa giải dân tộc và dân chủ cho đất nước

Chúng tôi mong muốn thấy những nguyên tắc dưới đây được ghi trong Hiến pháp:

- Hiến Pháp phải bảo đảm cho mọi công dân các quyền: ứng cử, bầu cử, biểu tình, lập hội, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do đi lại, xuất ngoại, tự do kinh doanh, làm ăn, quyền tư hữu và trực tiếp quản lý về nhà cửa, ruộng đất …

- Hiến pháp phải quy định một nhà nước pháp quyền thay mặt nhân dân trong việc quản trị đất nước, khác xa hoàn toàn với quan niệm cai trị người dân. Quân đội chỉ có bổn phận bảo vệ đất nước, biển đảo. Hiến Pháp không được quyền ghi tên bất cứ đảng phái nào.
- Hiến pháp phải quy định Hành pháp, Lập pháp, Tư pháp tuyệt đối độc lập với nhau.

- Hiến pháp phải quy định tất cả điều khoản về quyền con người, ít nhất là theo công ước quốc tế, không thể bị bất cứ ai xâm phạm, vì bất cứ lý do gì. 

Đặc biệt về vấn nhân quyền, chúng ta có khả năng giương cao ngọn cờ này trước thế giới nếu chúng ta quyết tâm. Nó không tốn kém bao nhiêu, nó hợp với thời đại và lòng bao dung của chúng ta, nó chỉ đòi hỏi tự chúng ta tôn trọng thực sự con người.

Thông điệp của Thủ tướng nói đến giương cao ngọn cờ dân chủ chỉ là một kiểu nói mị dân. Dân chủ càng ngày càng tiến triển trên thế giới, Dân chủ lại là một quá trình chứ không phải ngày một ngày hai như mì ăn liền. Chúng ta tụt hậu về lối sống dân chủ, lối suy nghĩ  dân chủ từ ngày đảng cộng sản Đông Dương được thành lập cho đến nay cũng đã 80 năm và hiện nay vẫn lặn ngụp trong kiểu “dân chủ xã hội chủ nghĩa” tức là vẫn độc tài. Cho nên cùng lắm là giương cao khẩu hiệu như bà phó Đoan của Hội đồng lý luận Trung ương là “dân chủ xã hội chủ nghĩa cao hơn gấp vạn lần dân chủ tư bản chủ nghĩa” để mà tiếp tục dối dân chứ có cờ đâu mà phất.
Hiến pháp sửa đổi 2013 hoàn toàn trái với tinh thần nói trên vì chỉ thể hiện cương lĩnh của một đảng độc tài.

Theo chúng tôi hiểu, bản Hiến pháp do nhóm 72 nhân sĩ (gọi tắt là Kiến nghị 72) đề nghị trong năm 2013 đã có sẵn những tinh thần mà chúng tôi mong muốn, có thể thảo luận thêm để thành bản Hiến pháp mới của một nước Việt Nam tự do, dân chủ, thật sự của mọi 


công dân.chỉ mục
Ngày 20/10/2013, Tiến sĩ Trần Nhơn, đảng viên, nguyên thứ trưởng Bộ Thuỷ Lợi, trong một đề nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (Do Công ty Hỗ trợ Phát triển và Hội nhập Toàn Cầu đề xuất trên nền tảng của nguyên bản dự thảo Kiến nghị 72), được đăng trên site Tự Đổi Mới (tudoimoi.org) có một đề nghị sửa đổi quan trọng về điều 11:

Điều 11. Quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, quốc khánh và thủ đô:
  Quốc hội chuẩn bị đề án quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, quốc khánh và thủ đô, trình nhân dân phúc quyết.
  Đề nghị của Tiến sĩ Trần Nhơn vừa can đảm, vừa khai phá và nếu được chấp nhận sẽ là một bước hòa giải dân tộc chưa có tiền lệ, mở cửa cho một sự đoàn kết dân tộc rộng lớn mà đất nước đang chờ đợi.

Sau thời kỳ toàn dân ta đấu tranh chống phương Bắc để có một đất nước Việt Nam độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta đã trải qua trong thế kỷ 20, hai cuộc chiến tranh đẫm máu khốc liệt. Trong cuộc chiến tranh thứ nhất, toàn dân một lòng đã dũng cảm và thành công trong việc giải phóng dân tộc đánh đổ thực dân.

Tiếc thay, miền Bắc sau năm 1954, đảng Lao Động Việt Nam (thực chất là đảng cộng sản đổi họ đổi tên nhưng không đổi tư duy cộng sản), đã đứng trong hàng ngũ quốc tế cộng sản, với tất cả những tồi tệ của chủ nghĩa độc tài hiện nay.

Vì thế cuộc chiến tranh lần thứ hai từ năm 1960 đến năm 1975 tuy có một số lý do, nhưng nổi bật lên cả là màu sắc cuộc chiến Quốc-Cộng, giữa tự do và độc tài, giữa dân chủ và chuyên chính, giữa hai quan niệm cuộc sống khác nhau, không thể thống nhất được.

Sau 1954 với một triệu người di cư vào Nam thì đến năm 1975 và những năm sau đó, từ 1 đến 3 triệu người cũng bỏ nước ra đi tìm tự do. Cho đến những năm gần đây, 2013/2014 số người lợi dụng các tours du lịch rồi bỏ trốn cũng rất cao buộc Tổng cục Du lịch Việt Nam vừa có công văn số 17 cho biết sẽ kiên quyết ngăn chặn hành vi lợi dụng con đường du lịch để đưa người Việt Nam ra nước ngoài bất hợp pháp (thực tế là vượt biên chính thức). Nếu đất nước hòa bình, tiến bộ, tươi đẹp thật sự thì chẳng có ai bỏ quê cha đất tổ mà đi.

Sự phân ly này đòi hỏi chúng ta phải tìm cách hoà giải giữa dân tộc chúng ta để cùng nhau chung sống hài hòa trên giải đất của tổ tiên. Hiện nay vấn đề lá cờ đang gây nhiều chia rẽ, chúng ta không thể để hai lá cờ cứ tiếp tục đánh nhau trong lòng người.

Chúng tôi nghĩ rằng cha ông ta đã mấy lần, chẳng đặng đừng, chống quân Bắc triều để giữ bờ cõi. Chắc lúc đó đã có những lá cờ phất phới bay và chiến thắng, nhưng đến nay, thử hỏi ai còn biết, hoặc nhớ đến những lá cờ mà cha ông ta đã phất lên trước mặt quân xâm lược? Bản thân tôi  chỉ còn nhớ đến những chiến thắng hào hùng của cha ông mà không được lịch sử dạy cho lúc đó cha ông đã dùng những lá cờ nào? Và dù lá cờ nào thì nay cũng đã biến mất.

Trong chiến tranh vừa qua, có hai lá cờ: Đỏ sao vàng và Vàng ba sọc đỏ. Cờ nào cũng thấm máu của anh hùng liệt sĩ, cờ nào cũng linh thiêng tùy theo anh ở phía nào. Có thể nói gia đình nào cũng có con em thấm máu không trên lá cờ này thì cũng trên lá cờ nọ. Cờ nào cũng mang vinh quang cùng tội ác. Chính vì thế mà chúng ta phân tán, chia rẽ vì một biểu tượng lá cờ.

Hơn 40 năm qua, sự chia rẽ, thù hận không những không mờ nhạt mà càng sâu đậm trong bối cảnh đất nước lún sâu vào tụt hậu, xã hội mất lẽ sống cao đẹp đáng có, con người bần cùng hóa và tiếp tục bị kềm kẹp về tư tưởng. Về phía những thành phần vượt biển để thoát khỏi chế độ cộng sản, họ đã thành công ở những nước được xem là tổ quốc thứ hai của họ, tạo ra được một cộng đồng người Việt giàu có, tiến bộ, thành đạt, chưa có tiền lệ trong lịch sử dân tộc, nhờ đó khẳng định được rằng chế độ tự do dân chủ đã giúp cho con người từ tay trắng có thể đạt được ước vọng của mình. Không huy động được một cộng đồng như vậy trong vấn đề ngoại thương chứng tỏ sự yếu kém của những người cầm quyền hiện nay.

Nếu cứ tiếp tục áp đặt một lá cờ là tiếp tục duy trì sự chia rẽ. Đất nước chúng ta đang trong tình trạng bi đát đòi hỏi công sức của mọi người, vì thế nếu người dân phúc quyết lá cờ một cách dân chủ thì thiểu số sẵn sàng chấp nhận. Trong cuộc sống dân chủ, chỉ có kẻ độc tài mới không chấp nhận mình là thiểu số một khi quần chúng đã phúc quyết.

Những suy nghĩ nói trên cho phép chúng tôi kết luận rằng đề nghị về điều 11 của TS Trần Nhơn là can đảm, đặt đúng vấn đề trong mong muốn hòa giải dân tộc. Nếu Đảng không muốn hòa giải vì luôn muốn có “lực lượng thù địch” để làm bình phong cho những thất bại của họ, thì ngược lại người dân chúng ta phải hòa giải được với nhau, bất chấp chính quyền, càng sớm càng tốt. Mong độc giả cùng suy nghĩ với chúng tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét