Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

Vì sao Trung Quốc lo sợ cảng Cam Ranh của Việt Nam?



Vịnh cam ranh nhìn từ trên cao. (Ảnh: internet)


Có lẽ khó có nơi nào có được cảng nước sâu tự nhiên với vị trí địa lý lý tưởng như cảng Cam Ranh. Tạp chí ‘tuần tin tức’ của Trung Quốc từng cho rằng cả châu Á cũng không thể tìm kiếm được quân cảng nào độc đáo và nguy hiểm như quân cảng Cam Ranh của Việt Nam.


Còn chuyên gia bình luận chính trị Hiroyuki Noguchi của Nhật Bản thì cho rằng Cam Ranh là khắc tinh của “đường lưỡi bò”. với địa thế độc đáo trên “bàn cờ” toàn khu vực Đông Nam Á, vịnh Cam Ranh của Việt Nam có thể là “thanh kiếm sắc” chặn đứng mưu đồ “thò” ra Biển Đông của “đường lưỡi bò” Trung Quốc.



Tàu Đinh Tiên Hoàng (HQ-011) và Lý Thái Tổ (HQ-012) tại quân cảng Cam Ranh. (Ảnh nld)

Thành phố Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa, nơi đây có bán đảo Cam Ranh chạy từ bắc xuống nam được bao bọc bởi rất nhiều các đảo to nhỏ khác nhau, lợi thế lớn ấy đã biến Cam Ranh thành một cảng nước sâu tránh gió tuyệt vời.

Quân cảng nơi đây có diện tích 60km2, nước sâu 16 – 25m, có nơi sâu 32m, cửa nước sâu hơn 30m, cửa vịnh rộng 4.000m. Cảng Cam Ranh nằm lọt thỏm dưới những ngọn núi cao 400 m nên kín gió, vũ khí đặt ở những điểm cao trên núi có thể khống chế được tất cả khu vực xung quanh quân cảng. Nước sâu, vịnh rộng nơi lý tưởng có thể tập trung 100 chiến hạm cỡ lớn (10.000 tấn).

Vị trí thuận lợi cho phép cảng Cam Ranh trở thành pháo đài khó công, dễ thủ. Nếu đặt tên lửa đối không trên núi thì toàn bộ vùng trời ở eo biển Malacca và eo biển Singapore đều nằm trong tầm bắn của tên lửa.

Hệ thống radar và giám sát điện tử nơi đây có thể kiểm soát được khu vực Bắc Ấn Độ Dương, vịnh Persia, biển Hoa Đông và Biển Đông (gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa). Nơi đây cũng gần đường vận tải biển quốc tế nên cũng trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần quan trọng. Từ Cam Ranh, có thể kiểm soát tuyến đường vận tải biển quan trọng bậc nhất thế giới, kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Năm 1966 cựu Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson ghé thăm cảng Cam Ranh, Trong chuyến thăm đó, báo chí Mỹ đã ca ngợi Cam Ranh rằng:

“Ai chiếm được Cam Ranh, kẻ đó sẽ chiếm được một nửa Trung Quốc, có thể kiểm soát được tuyến đường vận tải biển huyết mạch Á – Âu”.

Ngọn Hải Đăng



'Cam Ranh' thứ hai ở biển Đông khiến Trung Quốc run sợ



Cảng vịnh Subic thuộc Philippines được đánh giá là Cam Ranh thứ hai ở biển Đông nhờ nắm giữ vị trí địa lý chiến lược.


Vị trí chiến lược và địa hình phù hợp


Vịnh Cam Ranh của Việt Nam từ lâu được đánh giá là có vị trí địa lý hết sức chiến lược. Các nhà quân sự đánh giá ai có được Cam Ranh thì có thể kiểm soát được biển Đông. Do vậy, ở đây từ lâu là nơi đặt quân cảng quan trọng bậc nhất của Mỹ, Liên Xô và Việt Nam hiện nay.

Vịnh Subic gần đây cũng gây chú ý cho thế giới khi Mỹ quyết định quay lại quân cảng một thời. Căn cứ Subic từng là cơ sở lớn nhất của Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương và từng là cơ sở quân sự hải ngoại lớn nhất của Mỹ. Căn cứ này được coi là đối trọng của Cam Ranh trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Cảng vịnh Subic được đánh giá là một trong các vị trí xung yếu chiến lược bởi nó nằm ở vị trí trung tâm Thái Bình Dương, hướng thẳng ra biển Đông, có thể kiểm soát được đường lối giao thương hàng hóa, xuất nhập dầu mỏ của Trung Quốc từ Trung Đông. Vịnh chỉ cách bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham 124 hải lý. Đây là khu vực tranh chấp giữa Philipinnes và Trung Quốc trên Biển Đông và hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Với lực lượng hải quân mạnh đồn trú ở Subic, Mỹ có thể hoàn toàn kiểm soát mọi động tĩnh của Trung Quốc trên biển Đông.





Vị trí hết sức chiến lược của Subic, từ đây lực lượng hải quân Mỹ có thể kiểm soát được biển Đông

Về địa hình, vịnh Subic ăn sâu vào đường bờ phía tây nam đảo Luzon của Philippines theo trục bắc-nam khoảng 8 hải lí (15 km) và có chiều rộng khoảng 3,5 hải lí (6,5 km). Về phía biển, vịnh được giới hạn bởi mũi Sampaloc và mũi Mayagao cách nhau gần 6 hải lí (11 km) theo trục bắc đông bắc-nam tây nam.

Đường bờ biển phía tây của vịnh tương đối thẳng, định hình rõ với địa hình cao ở phía sau trong khi đường bờ phía đông thì thấp. Subic là một cảng nước sâu được nhiều ngọn núi có rừng nhiệt đới che chở. Độ sâu của vịnh giảm dần từ 60 m (cửa vịnh) đến 13,7 m (gần đầu vịnh). Từ tháng 10 đến tháng 4, vịnh chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc với tốc độ gió trong ngày từ 7,7 đến 10,3 m/s. Đảo Grande chia đường vào vịnh thành hai luồng riêng biệt, trong đó chỉ có luồng phía tây đảo là dành cho tàu thuyền lưu thông. Với địa hình như vậy vịnh Subic cho phép mọi loại tàu mặt nước kể cả tàu sân bay cũng như tàu ngầm có thể neo đậu.

Còn vịnh Cam Ranh có diện tích gần 60km2. Chỗ hẹp nhất khoảng 10km, rộng nhất 20km, độ sâu trung bình từ 18 - 20m. Vịnh gần như khép kín bởi bán đảo Cam Ranh từ phía bắc chạy phủ kín cả phía đông, phía tây. Phía nam vịnh là đất liền, chỉ mở ra một cửa lớn - được ví như một cánh tay ôm lấy vịnh, tạo thành một vành đai nên mặt nước, có khả năng đón nhận nhiều hạm đội một lúc, nhiều tàu chiến tàu ngầm và các tàu có trọng tải trên 100.000 tấn có thể ra vào dễ dàng bất cứ lúc nào trong năm.




Địa hình Cam Ranh với bán đảo Cam Ranh che kín gần như toàn bộ vịnh tạo ra vùng nước lặng gần như tuyệt đối




Đảo Grande chia vịnh Subic thành hai luồng vào vịnh, xung quanh là núi và rừng nhiệt đới

Lịch sử căn cứ Subic

Trong quá khứ, Tây Ban Nha lập căn cứ đồn trú tại vịnh Subic từ nửa sau thập niên 1860. Từ năm 1901 đến năm 1902, Mỹ duy trì căn cứ Hải quân Vịnh Subic tại đây. Sau khi trải qua những trận chiến trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ giành quyền kiểm soát vịnh từ tay Nhật Bản. Ngày 14 tháng 3 năm 1947, Thỏa ước Căn cứ Quân sự được ký kết cho phép Mỹ thuê 16 căn cứ và khu vực dành cho quân sự bao gồm vịnh Subic trong khoảng thời gian là 99 năm.

Trong chiến tranh Việt Nam, căn cứ trở thành trạm hậu cần kỹ thuật cho Hạm đội 7. Từ con số trung bình 98 chuyến tàu ghé thăm cảng mỗi tháng trong năm 1964 vượt lên đến con số trung bình 215 chuyến vào năm 1967, với khoảng 30 tàu luôn có mặt ở cảng bất cứ thời điểm nào. Một con số kỷ lục được lập là vào tháng 10 năm 1968 có đến 47 tàu trong cảng.



Hình ảnh căn cứ Subic những năn 1960
Vào năm 1991, Philippines quyết định thu hồi cảng trước thời hạn bất chấp sự phản đối của Mỹ. Ngày 24 tháng 11 năm 1992 , cờ Mỹ hạ xuống tại Subic lần cuối cùng.

Thời gian gần đây, Philippines bị Trung Quốc kéo vào những căng thẳng trên biển Đông. Do đó, Mỹ muốn mượn thời điểm này để quay lại căn cứ Subic. Nhưng phía Philippines hiện tại chỉ mới cho phép các tàu chiến Mỹ vào bảo dưỡng, tiếp tế tại Subic mà chưa cho phép đóng căn cứ tại đây.

Bất lợi của Subic so với Cam Ranh

Trong chiến tranh lạnh, Mỹ sử dụng Subic để làm đối trọng với cảng Cam Ranh của Liên Xô, như thế đủ thấy được giá trị chiến lược của Subic. Tuy nhiên, so với Cam Ranh thì Subic có những bất lợi nhất định.

Trước hết là do Subic là một vịnh nằm ở đảo chứ không phải như Cam Ranh nằm ở rìa một lục địa. Với Cam Ranh thì điều này cho phép việc bố trí lực lượng, tiếp tế, bảo vệ cho căn cứ có thể kéo sâu trong lục địa. Còn vịnh Subic thì luôn phải đề phòng sự phong tỏa của lực lượng Hải quân đối phương. Do vậy xung quanh bốn mặt đảo luôn phải duy trì được một vành đai an toàn.

Bên cạnh đó việc bố trí các lực lượng khác như lục quân, không quân tạo thành một căn cứ liên hoàn trên đảo cũng gặp nhiều bất lợi hơn so với Cam Ranh.

Ngoài ra, cần lưu ý đến yếu tố thời tiết. Đảo Luzon của Philippin là "rốn bão" của biển Đông nên điều kiện thủy văn không hoàn toàn thực sự phù hợp cho hoạt động của lực lượng tàu chiến trong mọi thời điểm. Đặc biệt hơn là đối với lực lượng không quân thì yếu tố thời tiết càng ảnh hưởng mạnh.

Về địa hình, Cam Ranh được bán đảo Cam Ranh gần như che kín vịnh, đảm bảo vùng nước gần như lặng tuyệt đối, cũng như che chắn khỏi sự đe dọa hỏa lực và các thiết bị trinh sát của đối phương. Vịnh Subic không được che chắn kín như vịnh Cam Ranh.

Tuy nhiên, với sự hùng hậu về lực lượng của Mỹ cùng sự quyết tâm của Philippines trước những hành động leo thang của Trung Quốc ở biển Đông chắc chắn Subic sẽ trở thành một chốt chặn quan trọng, có thể xoay chuyển thế chiến lược ở biển Đông.



Tàu sân bay USS Enterprise của Mỹ tại Vịnh Subic



Tàu ngầm USS Louisville của Mỹ thăm cảng Subic (Philippines) tháng 6.2012

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email:tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét