Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Hậu quả cực nghiêm trọng




Máy bay F-35B của Mỹ đáp xuống tàu đổ bộ tấn công LHD-1 lớp Wasp trên Đại Tây Dương hôm 19/5. Ảnh: Global Times.


Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã hôm 25/5 đã chính thức lên tiếng đe dọa Mỹ bằng 2 bài xã luận tuyên bố "lợi ích cốt lõi của Trung Quốc ở Biển Đông".


Tân Hoa Xã chỉ trích các chính trị gia cũng như lãnh đạo quân đội Mỹ liên tục lặp lại "điệp khúc" Hải quân và Không quân Mỹ sẽ tiến vào khu vực 12 hải lý của các đảo, đá mà Trung Quốc xâm chiếm trái phép trên Biển Đông.

HÃNG THÔNG TẤN NHÀ NƯỚC TRUNG QUỐC
TÂN HOA XÃ

Hành động của Mỹ - nếu trở thành sự thực - sẽ là "sự can thiệp thô bạo vào chủ quyền lãnh thổ (tức vùng biển và các đảo, đá Trung Quốc chiếm đoạt phi pháp ở Biển Đông - PV) của Trung Quốc". Điều này đồng nghĩa với Mỹ đang tự cuốn mình vào "vòng xoáy mâu thuẫn" và Washington sẽ phải "gánh quả đắng ngoài sức tưởng tượng".

Tân Hoa Xã cũng phê phán việc Mỹ "không biết hối hận" sau vụ máy bay do thám tân tiến P-8A Poseidon của nước này bị Trung Quốc cảnh cáo 8 lần trên Biển Đông hôm 20/5 vừa qua, mà Lầu Năm Góc "còn lớn tiếng đe dọa Bắc Kinh".

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Stephen Warren nói - "Mỹ không thừa nhận chủ quyền, đồng thời phản đối hành động xây đảo nhân tạo trái phép của Bắc Kinh trên Biển Đông, song máy bay do thám và tàu chiến Mỹ vẫn chưa hề tiến vào khu vực 12 hải lý của các đảo này.

Nhưng đó có thể là bước tiếp theo".


NGUYÊN TRƯỞNG BAN BIÊN GIỚI CHÍNH PHỦ
TS. TRẦN CÔNG TRỤC

Các công trình được xây dựng trái phép ở đây còn là những cơ sở khoa học kỹ thuật nhằm phục vụ cho mục đích kinh tế. Nó thực hiện theo dõi, khống chế, cản trở hoạt động bình thường của tàu thuyền, máy bay đi qua Biển Đông trên các tuyến hàng hải và hàng không quốc tế. Các công trình được xây cất ở đây cũng còn là những khu dịch vụ hậu cần không thể thiếu để Trung Quốc có điều kiện triển khai kế hoạch khai thác, vơ vét nguồn tài nguyên trong các vùng biển và thềm lục địa. Đây là ý định mà từ lâu họ ấp ủ tham vọng “xí phần”, tranh giành, chiếm đoạt… Cuối cùng, có thể thấy rõ, ý đồ thực hiện những mục tiêu nói trên thông qua việc cải tạo, xây dựng trên các thực thể này, Trung Quốc đang quyết tâm thực hiện chiến lược khống chế, tiến tới độc chiếm Biển Đông. Mục tiêu biến Trung Quốc vươn lên vị trí cường quốc biển trước khi trở thành siêu cường quốc tế…

Trước nhiều phản ứng bất mãn liên tiếp của Trung Quốc, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á Daniel Russel đã tuyên bố cứng rắn rằng việc máy bay do thám Mỹ vào Biển Đông trinh sát "là hoàn toàn thích đáng", và khẳng định Mỹ "sẽ tiến hành nhiệm vụ đến cùng".

Trên thực tế, tình hình Biển Đông chỉ mới trở nên căng thẳng từ khoảng hơn 1 tuần trước, khi Lầu Năm Góc thông qua tạp chí Wall Street Journal tiết lộ Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter yêu cầu "xem xét điều máy bay trinh sát của Hải quân vào Biển Đông".

Nếu đề nghị của ông Carter được Nhà Trắng phê chuẩn thì điều này đồng nghĩa với Mỹ chính thức "vỗ mặt" Trung Quốc rằng "Washington không chấp nhận tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông của Bắc Kinh".


ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN
THIẾU TƯỚNG LÊ MÃ LƯƠNG

Việc xây dựng, biến các đảo thành các căn cứ quân sự của Trung Quốc là một dấu hiệu rất nguy hiểm đối với hòa bình, ổn định của khu vực Đông Nam Á, châu Á và cả thế giới này. Hành động đó rất đáng lên án. Tuy nhiên, việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo chiếm đóng trái phép của Việt Nam thì tôi lại thấy đây là một bước lùi, một sai lầm chính trị, sai lầm chiến lược của các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay. Về mặt quân sự, hành động này có thể kéo lực lượng quân sự của nước này mạnh hơn nhưng đó lại chính là bước lùi, khiến cho chiến lược phát triển rất lỗi thời, lạc hậu. Các nước mạnh về quân sự như Mỹ, Nga, Anh, Pháp... không bao giờ đi cải tạo các đảo như vậy rồi đưa hải, lục, không quân biến đó thành tổ hợp, căn cứ, pháo đài quân sự, khu vực phục vụ cho hậu cần kỹ thuật... Bởi, các tổ hợp đó có thể bằng bê tông, cốt thép, có thể chống được các loạt đạn đầu tiên nhưng cũng không thể giải quyết được vấn đề gì khi chiến tranh xảy ra. Các tổ hợp quân sự này sẽ là mục tiêu đầu tiên bị phá nát, đòn hỏa lực đầu tiên sẽ đập thẳng vào đây, gây ra thiệt hại khủng khiếp về kinh tế. Và hơn thế, nó sẽ đánh thẳng vào niềm tin, tự trọng của quân đội, ban lãnh đạo Trung Quốc...

Khả năng Mỹ đưa quân vào khu vực 12 hải lý thế nào?

Tân Hoa Xã gọi các động thái cứng rắn của Mỹ là "sự ngông cuồng của 'phe diều hâu' chiếm thiểu số" nhằm mục đích bôi nhọ Trung Quốc và yêu cầu Mỹ phải chịu trách nhiệm với những "sự cố ngoài ý muốn" có thể xảy ra.

Tân Hoa Xã viện dẫn Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) quy định về khu vực 12 hải lý và ngang ngược tuyên bố, Trung Quốc chủ trương tự do hàng hải, nhưng không đồng nghĩa với tàu chiến, máy bay nước ngoài "có thể tùy ý ra vào lãnh hải và không phận một nước".

Đương nhiên, "lãnh hải và không phận" mà Trung Quốc luôn khăng khăng là "chủ quyền lãnh thổ" của nước này trên Biển Đông là hoàn toàn không có giá trị và cũng không tạo thành áp lực nào với Washington.

"Tướng diều hâu" Trung Quốc Doãn Trác - Chủ nhiệm Ủy ban chuyên gia công nghệ thông tin Hải quân - tố Mỹ đang áp dụng nguyên tắc "tự do hàng hải" theo quan điểm một chiều của Washington.


THIẾU TƯỚNG VỀ HƯU TRUNG QUỐC
DOÃN TRÁC

Việc Mỹ tuyên truyền "tự do hàng hải và an ninh khu vực bị đe dọa" chỉ nhằm ly gián quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, tạo nên "ấn tượng giả" rằng Trung Quốc là mối đe dọa ở Biển Đông và từ đó "nhúng tay" sâu hơn vào các sự vụ an ninh khu vực.

"Chủ quyền (mà Trung Quốc xâm phạm và tuyên bố phi pháp - PV) ở Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Việc gây áp lực buộc Bắc Kinh thoái lui sẽ không đem lại kết quả tốt đẹp.Cách làm thông minh đối với Mỹ không phải là dồn ép và đe dọa Bắc Kinh, mà cần phải giữ lập trường trung lập và đẩy mạnh trao đổi về chiến lược với Trung Quốc." - Doãn nói thêm.

"Nếu Mỹ thực sự làm điều đó (đưa quân đội vào khu vực 12 hải lý ở Biển Đông - PV) thì có nghĩa là họ đã phá hoại vô cùng nghiêm trọng quan hệ Trung-Mỹ" - Tân Hoa Xã đe dọa.

Từ góc nhìn của Bắc Kinh, quan hệ Trung-Mỹ cần tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhưng đặc biệt là phải "kiểm soát tốt mâu thuẫn và các vấn đề nhạy cảm".

Tân Hoa Xã cảnh cáo Mỹ "đừng tìm kiếm bước đi mạo hiểm cũng như động thái thách thức" và nhấn mạnh, "lời cảnh tỉnh của Trung Quốc đáng để Mỹ tham khảo và tiếp nhận khi đưa ra các quyết sách".

HÃNG THÔNG TẤN NHÀ NƯỚC TRUNG QUỐC
TÂN HOA XÃ

Mỹ thường tự cho rằng dựa vào sức mạnh là có thể chiếm thế thượng phong ở Biển Đông. Nhưng đây là một phán đoán vô cùng sai lầm. Mỹ cần phải ghi nhớ bài học "đắng" khi gây xung đột ở một khu vực. Việc nước này sa lầy ở Afghanistan, Iraq hay một số quốc gia Trung Đông đã đem lại bao tổn thất cho chính người Mỹ, khiến Mỹ không còn dám "nhúng tay quá đà" vào những khu vực này nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét