Một học giả người Việt vừa có bài phân tích về cơ cấu và các kịch bản bầu ghế "tứ trụ", Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương.
Trong bài " Vietnam's Leadership Transition in 2016: A Preliminary Analysis", Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên Khách mời tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore, và là giảng viên tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cũng nhận định về khả năng tiếp tục nắm quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trong khi tác giả mô tả việc dự đoán các thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo tại Đại hội Đảng phần lớn chỉ mang "tính chất suy luận là chính" thì dường như trọng tâm của bài viết nhằm để lập luận rằng "sự gia tăng về quyền lực và sức ảnh hưởng" của Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng sẽ là nhân tố quan trọng.
Cuộc bầu chọn Ban Chấp hành Trung ương khóa sau của Đảng Cộng Sản Việt Nam (BCHTW), theo tác giả, sẽ "không những định hình hàng ngũ lãnh đạo mới của Đảng mà còn cả chính phủ mới."
"Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, các ứng cử viên lần đầu tiên được đề cử vào BCHTW không được quá 55 tuổi. Các ủy viên đương nhiệm muốn được ứng cử thêm nhiệm kỳ mới cũng không được quá 60 tuổi.
"Nếu như giới hạn về tuổi tác được áp dụng nghiêm ngặt trong Đại hội 12 sắp tới, sẽ có hơn 80 trong số 154 ủy viên đương nhiệm của BCHTW, không tính thành viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, sẽ không được tái đề cử."
Tác giả dẫn chiếu tới Quyết định 244-QĐ/TW của BCHTW theo đó tất cả các ứng cử viên cho BCHTW Đảng phải được thông qua bởi Bộ Chính trị.
Với con số 190 ứng viên tiềm năng cho vị trí ứng viên chính thức BCHTW khóa tới, tác giả nhận định điều được mô tả là danh sách ứng cử viên thực tế cuối cùng vẫn còn phải trải qua "sự cạnh tranh và mặc cả âm thầm nhưng căng thẳng giữa các phe nhóm trong Đảng, đặc biệt là trong Bộ Chính trị.
"Với tầm quan trọng của BCHTW trong việc bầu chọn Bộ Chính trị và Tổng Bí thư kê tiếp, sự cạnh tranh gay gắt như vậy là điều dễ hiểu," ông Lê Hồng Hiệp nhận định trong bài đã được dịch ra tiếng Việt.
Bộ Chính trị
Trong phần bàn về Bộ Chính trị, tác giả lưu ý rằng giới hạn về tuổi tác đối với "nhóm tứ trụ" (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội) sẽ được tăng lên 67 tuổi, thành viên Bộ Chính trị sẽ được lựa chọn từ những Ủy viên chính thức tiếp tục giữ ghế trong BCHTW kế tiếp, và rằng bất kỳ Ủy viên BCHTW nào cũng phải có sự ủng hộ của ít nhất 4 ủy viên Bộ Chính trị và 10 ủy viên Trung ương mới đủ điều kiện để ứng cử vào Bộ Chính trị.
Sau phần bàn về tuổi tác của các thành viên hiện đang ngồi ghế trong Bộ Chính trị, tác giả nhận định "tại kỳ đại hội sắp đến, khoảng 7 đến 11 ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm sẽ nghỉ hưu, và có thể có khoảng chừng ấy ủy viên mới được bầu vào thay thế."
Tác giả dẫn nguồn tự tổng hợp dựa trên thảo luận với "một số nguồn tin" và đưa ra 16 ứng cử viên tiềm năng cho vị trí Ủy viên Bộ Chính trị kế nhiệm tuy nói "đây không phải là bản danh sách đầy đủ hay cuối cùng mà chỉ mang tính chất tham khảo."
"Sự mặc cả cũng như danh sách cuối cùng sẽ thể hiện cán cân quyền lực trong nội bộ Bộ Chính trị, đặc biệt là giữa các vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng. Liên quan đến vấn đề này, sự gia tăng quyền lực của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ là một nhân tố then chốt để làm sáng tỏ không chỉ các ứng cử viên cho Bộ Chính trị kế tiếp mà còn cả sự chuyển tiếp quyền lực tại Việt Nam sắp đến.
"Các ứng cử viên có mối quan hệ tốt hơn với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiều khả năng có cơ hội cao hơn được vào Bộ Chính trị. Điều này là nhờ vào sức ảnh hưởng ngày càng lớn của ông Dũng đối với BCHTW, những 'đại cử tri' sẽ bỏ phiếu bầu Bộ Chính trị và Tổng Bí thư kế tiếp," tác giả bình luận.
Trong phần cuối của bài phân tích, tác giả đánh giá về "Sự gia tăng ảnh hưởng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với BCHTW."
'Chính khách quyền lực nhất '
"Mặc dù đã nắm giữ vị trí lãnh đạo chính phủ trong hai nhiệm kỳ, và năm sau sẽ bước sang tuổi 67, nhưng nhờ có sức ảnh hưởng lớn đối với BCHTW hiện tại và nhiều khả năng là cả tương lai," tác giả cho rằng "ông Dũng có thể sẽ tiếp tục là một trong những chính trị gia quyền lực nhất của Việt Nam trong ít nhất là năm năm nữa."
Bốn lý do chính giải thích cho sự gia tăng ảnh hưởng của ông Dũng đối với BCHTW được mô tả là do "phần đông bao gồm các quan chức thuộc chính phủ và các quan chức lãnh đạo cấp tỉnh thành, những người mà quyết định bổ nhiệm của họ đều được đưa ra hoặc chịu nhiều tác động bởi ông Dũng.
"Ông Dũng có vai trò quan trọng trong phân bổ ngân sách nhà nước đến các chính quyền địa phương cũng như mối quan hệ tốt giữa ông và giới doanh nghiệp (thường có quan hệ chặt chẽ với lãnh đạo các tỉnh thành) cũng mang lại cho ông Dũng một mức độ trung thành chính trị nhất định.
"Thứ ba, ảnh hưởng của ông Dũng đối với Bộ Quốc phòng, và đặc biệt là Bộ Công an (nơi ông từng giữ chức Thứ trưởng), cũng tạo nên ưu thế lớn cho ông. Các đại diện thuộc hoặc liên quan đến hai Bộ này thường chiếm đến 15% số ủy viên BCHTW.
Và lý do cuối cùng, theo tác giả, "là thành viên có thâm niên lâu nhất của Bộ Chính trị, từng đảm nhiệm nhiều vị trí có sức ảnh hưởng lớn, ông Dũng có thể đã xây dựng được một mạng lưới các mối quan hệ cho phép ông huy động sự ủng hộ chính trị từ các cán bộ cấp cao của Đảng, đặc biệt là trong BCHTW".
"Chính vì thế, nếu như ông Dũng có thể tận dụng được nguồn vốn chính trị hiện nay của mình để đưa các đồng minh và người được ông bảo trợ vào BCHTW khóa mới, có khả năng rất cao ông Dũng sẽ được bầu làm Tổng Bí thư mới."
'Cân bằng ba miền'
Theo tác giả, nếu "kịch bản" [ông Dũng được bầu làm tân Tổng Bí th] được "hiện thực hóa", thì "Việt Nam có thể sẽ có một bộ máy lãnh đạo mạnh hơn và đoàn kết hơn."
Triển vọng ông Dũng trở thành Tổng Bí thư, theo tác giả "cũng có tác động tới hai vị trí lãnh đạo quan trọng khác là Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội", là những ghế "chủ yếu mang tính hình thức và thường được trao cho các ủy viên Bộ Chí trị không thành công trong cuộc đua đến vị trị Tổng Bí thư."
"Trong trường hợp ông Dũng trở thành tân Tổng Bí thư và tập hợp được đủ sự ủng hộ, có khả năng ông sẽ cố gắng nhất thể hóa hai chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Tuy nhiên, động thái này chắc chắn sẽ vấp phải sự thách thức từ các đối thủ chính trị của ông. Họ sẽ đòi hỏi ông Dũng phải nhượng bộ chức Chủ tịch nước nếu muốn trở thành Tổng Bí thư. Trong trường hợp này, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh có thể nổi lên là ứng cử viên nặng ký nhất cho chức vụ Chủ tịch nước."
Đối với vị trí Chủ tịch Quốc hội, tác giả cho rằng "ứng cử viên sáng giá nhất" có thể sẽ là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, hiện là ủy viên Bộ Chính trị và phó Chủ tịch Quốc hội.
Ở phần bàn về người sẽ tiếp quản ghế thủ tướng, tác giả nhắc tới ông Nguyễn Xuân Phúc như một "người nắm lợi thế lớn nhất" bởi "khác với bốn phó thủ tướng còng lại, ông Phúc đã là ủy viên Bộ Chính trị."
"Không những thế, Đảng có truyền thống phân bổ bốn vị trí lãnh đạo cao nhất một cách cân bằng giữa ba miền. Với xuất thân từ Quảng Nam, ông Phúc có thể nắm lợi thế cao hơn những người đồng cấp, do ba vị trí còn lại trong nhóm tứ trụ có thể sẽ được trao cho các ủy viên Bộ Chính trị đến từ miền Bắc hoặc miền Nam.
"Tuy nhiên, sự thăng tiến của ông Phúc cũng có thể bị thách thức bởi những người đồng cấp của ông. Trong số đó có phó thủ tướng Vũ Đức Đam, người được xem là một 'ngôi sao đang lên' trong chính trường Việt Nam."
Mặc dù "năm sau mới 53 tuổi", theo tác giả "bất lợi lớn nhất của ông Đam là ông chưa phải là ủy viên Bộ Chính trị".
"Vì thế, mặc dù có năng lực tốt, ông Đam sẽ không có mấy cơ hội trở thành Thủ tướng trừ phi ông được bầu vào Bộ Chính trị mới và được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cử đích danh làm người kế nhiệm," theo tác giả Lê Hồng Hiệp.
Trong phần kết luận tác giả cho rằng quá trình chuẩn bị của Đảng Cộng sản Việt Nam cho sự chuyển tiếp lãnh đạo sắp tới vẫn còn dang dở.
"Những đua tranh và mặc cả về quyền lực sẽ tiếp tục gay gắt, ít nhất là đến trước thềm đại hội. Hiện nay cục diện trận đấu có vẻ như đang có lợi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng tỉ số chung cuộc còn lâu mới được quyết định," tác giả nhận định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét