14:04 07/05/2015
" Việc mua cau non là bất thường, cần sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, nếu biết họ mua để làm gì, đưa đi đâu tiêu thụ thì mới yên tâm cho dân bán”, ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cầu Kè (Trà Vinh) nói.
Ảnh minh họa.
Nhiều ngày qua, ở miền Tây thương lái Trung Quốc lùng sục khắp nơi thu gom cau non với giá cao ngất ngưởng. Theo các ngành chức năng, đây được xem là một hiện tượng bất thường.
Thông tin trên báo Dân Việt, những điểm thu mua cau già ở thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) đã trở thành nơi tập kết cau non từ nhiều địa phương chuyển về. Theo người dân địa phương, tình trạng trên đã diễn ra hơn 1 tháng nay, theo đó cau non có giá 40.000-70.000 đồng/kg, trong khi giá cau già chỉ 4.000-5.000 đồng/kg. Không cần biết thương lái mua để làm gì, người dân sẵn sàng đốn buồng cau non để bán.
Nhiều nông dân ở ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền thông tin: “Thương lái đang lùng sục mua cau non từ ấp này sang ấp nọ. Họ mua về để xuất sang nước ngoài nhưng không biết nước nào. Tuy nhiên, việc thu mua này rất lạ vì cau non có ruột màu trắng, có nước ở giữa trái, rất khó có thể sản xuất ra sản phẩm gì; cau già thì khác, có thể dùng để ăn với lá trầu, vôi, làm ra màu... ”.
Ông Nguyễn Hùng Thoại, Phó Chủ tịch Hội ND thị trấn Phong Điền cho biết: Hiện nay, từ 14-16 giờ mỗi ngày, có rất nhiều người chở cau non đến bán cho thương lái Trung Quốc tại các điểm thu mua. Việc mua bán rất sôi nổi. Người dân bán hết cau non nên không còn cau già nữa. Trong khi đó, nhu cầu cau già lâu nay vẫn có.
“Không riêng thị trấn Phong Điền, các thương lái còn đi sâu vào các vùng quê ở xã Mỹ Khánh, Nhơn Ái, Trường Long, Giai Xuân,... để thu mua cau non. Họ mua rất nhiều nơi và mua rất nhiều loại cau, kể cả cau kiểng non. Sau đó, vận chuyển nguyên buồng về thị trấn này để lặt ra từng trái, bỏ vào thùng xốp vận chuyển đi” - ông Thoại cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài huyện Phong Điền, tình trạng thương lái mua cau non còn xuất hiện ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh), một số địa phương ở tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng,...
Ông Nguyễn Lạc - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Phong Điền cho biết: Một số thương lái nói họ mua cau non về bán lại cho người dân ăn. Tuy nhiên, ông Lạc cũng khẳng định, lâu nay chưa từng nghe chuyện ăn cau non thay cho cau già nên đã khuyên người dân không nên thấy cau có giá mà đốn những loại cây đặc sản nổi tiếng của địa phương để trồng cau, hơn nữa giá cau non luôn biến động.
“Việc mua cau non là bất thường, cần sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, nếu biết họ mua để làm gì, đưa đi đâu tiêu thụ thì mới yên tâm cho dân bán”, ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Chủ tịch Hội ND huyện Cầu Kè nói.
Để tìm hiểu rõ hơn về “hiện tượng” lạ này, chúng tôi đã tìm gặp ông Võ Châu Sơn - một thương lái đang thu mua cau non tại huyện Phong Điền. Ông Sơn nói: “Một ngày tôi thu mua khoảng 400kg cau buồng từ bạn hàng các địa phương. Tôi và nhiều thương lái khác mua cau để bán lại cho một chủ khác đem về TP.HCM, rồi vận chuyển bằng máy bay ra Hải Phòng, từ Hải Phòng sẽ được đưa sang Trung Quốc tiêu thụ”.
Về công tác quản lý, ông Trần Thái Nghiêm - Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phong Điền, cho biết: “Do cây cau được người dân trồng rải rác với số lượng ít nên phòng chưa quan tâm lắm đến loại cây này. Chúng tôi cũng chưa kiểm tra xem việc thương lái mua cau non để làm gì, vận chuyển đi đâu”.
Cách đây không lâu, hàng trăm người dân cũng đã đổ xô về khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Núi Một (xã Canh Liên, huyện Vân Canh) để khai thác trái ươi. Nhiều người sử dụng cưa máy đốn hạ cây ươi để hái quả khô lẫn quả tươi.
Theo người dân địa phương, do hạt ươi thu hoạch bán cho thương lái có giá cao nên nhiều người đã bỏ nương rẫy, đổ xô vào rừng phòng hộ thu hoạch ươi. Mỗi kg hạt ươi tươi bán tại rừng khoảng 50.000 đồng, hạt ươi khô bán với giá hơn 200.000 đồng. Những năm trước, đến mùa thu hoạch người dân chỉ thu lượm hạt rơi dưới gốc mang về bán. Giờ đây do thương lái Trung Quốc mua cả hạt non với giá cao nên một số người đã mang cưa máy hạ cây để thu hoạch.
Cây ươi có tên khoa học là Sterclia lyhnophora, chỉ mọc chủ yếu ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Quả ươi dùng chữa trị các trường hợp bị đau họng, ho khan, chảy máu cam, khàn tiếng, mất tiếng, họng sưng đỏ và đau. Cách dùng thường là ngâm quả vào nước sôi cho nở ra rồi dùng.
Nhiều cây ươi cổ thụ ở khu rừng phòng hộ các tỉnh miền Trung bị cưa hạ để thu hoạch quả ươi non bán cho thương lái Trung Quốc.
Âm mưu của thương lái Trung Quốc?
Trong khoảng thời gian 6-7 năm trở lại đây, nhiều phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam đã đưa tin, trên cả nước luôn có những hiện tượng thương lái Trung Quốc đi đến các vùng miền của nước ta, mượn tay tiểu thương Việt Nam thu mua hàng nông, lâm, thủy hải sản, của nông dân, ngư dân và tiểu thương Việt Nam nói chung với thủ đoạn giăng bẫy trả giá cao khiến nông dân, tiểu thương Việt Nam vì món lời trước mắt mà cắt hết hợp đồng mua bán có truyền thống đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản của các đối tác, doanh nghiệp trong nước.
Đã có một số địa phương, người dân vì hám lợi trước mắt mà tận thu tài nguyên bán cho họ, hoặc là tăng diện tích canh tác loại cây trồng mà thương lái Trung Quốc thu mua lên hoặc có trường hợp nhổ trộm cây, vặt trộm lá cây của hàng xóm để thu gom bán cho thương lái Trung Quốc.
Trên thực tế, có nhiều vụ thương lái Trung Quốc chỉ thu mua hàng hóa trong một thời gian ngắn sau đó lật kèo, ép giá thấp hoặc biến mất, không để lại tung tích. Nông dân, tiểu thương Việt Nam vay mượn tiền ngân hàng, người thân thu gom nông sản, thủy, hải sản với số lượng lớn không biết bán cho ai, lâm vào cảnh nợ nần khốn khó, thiệt hại nặng về kinh tế.
Hiện tại chưa thể thống kê được chính xác số lượng nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc bởi trong đó có rất nhiều mặt hàng đi theo đường tiểu ngạch, khó quản lý. Liên tục trong những năm qua, đã có không ít doanh nghiệp và nông dân Việt Nam phải nếm trái đắng khi làm việc với các thương lái Trung Quốc . Một chuyên gia kinh tế cao cấp khuyến cáo, người dân nên tỉnh táo, thận trọng trong làm ăn, giao dịch với thương nhân Trung Quốc đặc biệt qua hình thức biên mậu (giao hàng rồi mới trả tiền). Vì hình thức thanh toán này chứa đựng nhiều rủi ro.
Các chuyên gia cho rằng nếu người dân cứ tiếp tục buôn bán với người Trung Quốc theo kiểu manh mún nhỏ lẻ như hiện nay, thì sẽ luôn bị dồn vào thế yếu. Còn thương nhân Trung Quốc sẽ giành thế chủ động, thao túng thị trường Việt Nam.
Ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: “Việc nhiều thương lái Trung Quốc tìm mọi cách thu mua nông, thủy hải sản, sẽ gây bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước về lâu về dài. Bởi, doanh nghiệp của chúng ta sẽ không có hàng để xuất khẩu và dần dần sẽ mất bạn hàng. Người dân cũng phải tỉnh táo với chiêu trò mua hàng giá cao của các thương lái Trung Quốc vì đây là hành vi không bình thường và thực tế đã chứng minh thương lái Trung Quốc đã nhiều lần giăng “bẫy” để người dân chúng ta bước xuống. Nếu không cẩn thận, người dân lại sẽ bị sập bẫy”.
Theo Báo Đời sống & Pháp luật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét