Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Thượng tá và lính trơn quân lực VNCH


Người Buôn Gió

25-04-2015

Thực ra ông là trung tá thì phải, nhưng khi người ta cho ông đi học tập cải tạo họ phong cho thêm một chức để tù cho lâu. Lý do họ muốn ông tù lâu vì ông là sĩ quan giảng dạy môn lịch sử trong trường võ bị.

Ông bị tù gần 10 năm, mặc dù xét ra thì ông chẳng hề cầm súng ngày nào. Ông cũng chẳng dạy cách bắn giết , hành quân, tác chiến gì. Nhưng với những người cộng sản thì một sĩ quan có văn hoá lịch sử nguy hại hơn nhiều một sĩ quan biết tác chiến.

Lúc tôi gặp, ông đã ngoài 70. Tôi chỉ gặp ông một chút buổi tối, ban ngày ông đi làm sớm. Khi tôi đến, ông dẫn tôi đến căn phòng dành cho khách, khăn mặt, bàn chải, nước mọi thứ tươm tất như trong một khách sạn nhỏ.

Ông có mấy người con, họ đều có công việc tươm tất và có gia đình và ở riêng. Hai ông bà già ở với nhau trong một căn nhà gỗ rất đẹp. Cả hai ông bà đều đi làm. Sáng thức dậy tôi thấy tờ giấy trên bàn bà ghi lại những món ăn, cách sử dụng đồ đạc trong nhà. Cách khoá cửa khi đi, chìa khoá để chỗ nào.

Tối hôm thứ nhất, chúng tôi ngồi trò chuyện. Tôi hỏi ông trước kia sao không chạy luôn vào những ngày tháng 4. Ông trả lời nhẹ như không.

- Ừ thì mình nghĩ đất nước thống nhất rồi, cùng là người Việt cả. Việc gì phải chạy đi đâu, đất nước của mình mà. Cùng là anh em dân tộc sao phải bỏ đi đâu.

Tôi bật cười thành tiếng, ít khi tôi thái độ bất nhã thế. Nhưng quả thật câu trả lời của ông thành thật đến mức tôi bất ngờ.

Bà vợ ông lắc đầu ngao ngán nhìn tôi và đưa mắt nhìn ông như có vẻ trách thầm cái ý nghĩ ông lúc đó. Tôi hiểu vì sao bà vây, cái lắc đầu đó là 9 năm ròng rã nuôi con, 9 năm tần tảo đi tiếp tế cho chồng. 9 năm là vợ của một tên sĩ quan nguỵ giữa một xã hội luôn sục sôi sự dè bỉu, nhòm ngó áp chế.

Tôi hỏi sau này sao ông lại đi.

Ông nói.

- Khi tù về, vợ con nheo nhóc. Không thể kiếm việc gì để sống, nay trình diện, mai lại kiểm điểm. Muốn xin việc gì cũng chả có nơi nhận. Người ta không nhận mình vì lý lịch đã đành, nhưng còn ác chỗ là xã hội ngày ấy còn chả có việc để mà nhận người.

Vậy là ông xuống thuyền đi một mình, bỏ lại vợ con sau gần 10 năm xa cách, may mắn ra khỏi nhà tù rừng thiêng, nước độc. Nơi mà bao bạn tù của ông đã ngã chết, ông lại dấn mình vào biển cả mông mênh chứa đầy bất trắc. Nhờ may mắn ông được tàu nước ngoài vớt, được định cư tại Bắc Âu rồi miệt mài làm việc đưa vợ con sang đoàn tụ.

Lẽ ra người từng trải như vậy, cá tính phải dữ dội hay chí ít cũng manh mẽ. Đằng này nhìn ông vẫn cứ nhẹ nhàng đến mức nhu mì, đúng ông là một nhà giáo dạy văn hóa chứ chả phải sĩ quan quân đội gì cả.

Tôi ở nhà ông bà hai hôm, tối hôm chia tay, ông sắp cho tôi một lô đồ ăn, áo và ông đưa 200 usd.

Tôi không muốn nhận tiền của ông bà, nghĩ hai ông bà già dậy từ sớm tinh mơ khi tôi còn chưa dậy , chuẩn bị đồ ăn gói gém mang đi làm. Tối mịt mới về, cầm tiền không nỡ mặc dù tiền thì bao giờ cũng cần cả. Ông ” thượng tá ” nói nhỏ chân thành.

- Anh cứ cầm đi, giữ lấy nếu thấy người nào trong nước khổ thì anh cho họ giúp tôi. Tôi già rồi, chẳng làm được gì, nghe tin tức thấy nhiều người bị tù tội, đánh đập thương quá mà không biết làm gì. Anh cầm giúp cho tôi được thấy mình còn có chút ích với đời.

Tôi nắm chặt 200 usd trong lòng bàn tay, quay đi nhìn tivi đang chiếu gì đó với thứ ngôn ngữ lạ hoắc với tôi, cốt để không trào lệ.

Tôi đã từng cố tìm một tên nguỵ ác ôn nào đó trong những cuốn sách mà tôi từng học. Nhưng chưa được. Hầu hết quân nguỵ tôi gặp cứ hiền lành, cả tin, thậm chí là ngây thơ đến mức không nhịn được cười. Năm 2001 tôi đi xe máy qua Phan Thiết, một chuyến đi dọc đất nước bằng xe máy một mình. Khi đến Phan Thiết có một quán lá bên đường quốc lộ, chỗ thưa thớt dân cư. Cái quán lá, vách gỗ xung quanh có vài cây xoài, dưới cây xoài to có một cái phản. Tôi dựng xe, nhảy lên phản nằm ngủ một giấc, cũng chả hỏi han chủ quán câu nào.

Lát sau tỉnh dậy, thấy mấy người đàn ông ngồi ở bàn ghế kế bên nhìn tôi. Một người có vẻ chủ quán gọi tôi ra bàn, rót cho cốc nước đặt trước mặt tôi, ông ta nhìn tôi nói.

- Tôi thấy anh đi xe biển 29, biết anh là người Hà Nội. Anh nói xem không nào.?

Tôi trả lời vâng đúng, ông hỏi tôi đi công tác gì vậy.

Tôi trả lời trả công tác gì, tôi đi lang thang. Tôi hỏi ông có chỗ tắm không, ông chỉ cho tôi vòng đằng sau có một chỗ quây liếp, có vại nước Tôi tháo túi buộc sau xe, lấy đồ đi tắm. Nghe loáng thoáng đằng sau tiếng mầy người nói.

- Cha này nhìn tướng dữ, chắc dân giang hồ chi đây.

Tắm xong , tôi ăn bát mỳ và hai quả trứng vịt, quán đơn sơ chỉ có thế. Tôi hỏi ông trước năm 75 làm gì. Ông bảo là lính dù. Hỏi ông có phải đi học tập cải tạo không. Ông bảo đi một năm rưỡi thôi, vì là lính lên đảng và nhà nước khoan hồng cho học ngắn hơn sĩ quan. Khi trả tiền, bất chợt ông hỏi tôi.

- Anh có biết tôi ước mơ gì nhất không.?

Tôi nhìn ông, lắc đầu.

Ông nói vẻ mặt đầy xúc cảm thiết tha.

- Tôi chỉ ước một điều, là tôi có tiền để ra Hà Nội thăm lăng bác được một lần. Tôi là người Việt Nam mà từng này tuổi tôi chưa bao giờ được đi thăm lăng bác. Anh ở ngoài dấy có hay vào thăm bác không.?

Lúc ông nói câu từng này tuổi, ông đập ngực mình thình thịch như rất xót xa.

Tôi bật cười, tôi bảo ông.

- Nếu như ngày ấy, các chú mà cố đánh ra Bắc, có phải bây giờ tha hồ mà thăm lúc nào cũng được không. Cháu chỉ đi thăm một lần, đó là hồi cháu đi bộ đội, đơn vị bắt phải vào thăm. Vì đợt đó trung đội cháu được chọn vào hội trường Ba Đình làm đại diện cho lực lượng quân đội nhân ngày kỷ niệm 15 năm giải phóng đất nước, ngày 30- 4 đấy. Lúc ấy cháu chỉ muốn tranh thủ tạt vào nhà chị cháu ở Ngọc Hà để xin tiền đi xích lô về nhà chơi, nhưng chỉ huy không cho vì bảo thời gian không có.

Ông cựu lính dù lắc đầu chê trách.

- Tại sao anh ở ngoài đó mà chỉ đi thăm bác có một lần, tôi ước mơ năm nào tôi cũng đi thăm bác một lần.

Tôi ngạc nhiên trước tấm lòng yêu bác của ông, tôi nhìn kỹ các cơ mặt, ánh mắt của ông đến khi biết chắc rằng ông nói thật lòng. Tôi mới đi.

Cuối cùng tôi cũng gặp được một lính VNCH tay dính đầy máu ở Nam Ca Li. Nguyên nhân tôi lọ mọ tìm nơi bán quần áo lính Mỹ, người ta giới thiệu anh ta cho tôi. Anh ta sành và sưu tầm đồ lính nhiều đến nỗi thỉnh thoảng trung tâm Asia làm chương trình ca nhạc còn mượn đồ anh. Ngoài 60 tuổi, nhưng tóc anh ta dày và đen hơn tôi, cao ráo, nhanh nhẹn, lưng thẳng. Nếu không có tí nếp nhăn trên mặt thì nhìn bề ngoài anh ta chả già hơn được tôi. Nhìn tướng anh ta đi lại, đứng ngồi tôi hỏi anh có phải lính dạng đặc công không, vì dáng của anh là dáng của người có võ thuật.

Anh gật đầu, thì ra anh là lính biệt kích đặc nhiệm, anh chiến đấu cùng luôn với lính Mỹ chứ không phải ở những đơn vị quân VNCH khác. Tôi hỏi anh lúc trước đánh nhau giết nhiều người không. Anh bảo nhiều lắm không nhớ hết. Người ta cứ xông ào ào, mình cứ bắn ào ào, chỉ nhác thấy người gục xuống liên tục, lúc đó ai mà còn đếm được, nhất là ban đêm nữa.

Tôi hỏi anh có áy náy không khi giết nhiều người thế.

Người biệt kích đặc nhiệm mặt thiểu não, nét mặt anh thê thảm, buồn bã, anh lắc đầu như muốn xua đi những hình ảnh cũ trong đầu. Anh nói.

- Buồn, đau chứ, họ là con người mà. Sao họ cứ xông thẳng vào súng đang bắn liên thanh thế chứ.

Tôi không hỏi, ngồi hút thuốc nhìn anh đang tự ngắm đôi bàn tay anh, bàn tay có những ngón tay mảnh dẻ. Anh kể tiếp.

- Sáng hôm sau chúng tôi bắt sống được hết, toàn trẻ con mười lăm, mười sáu thôi. Tôi hỏi chúng sao đạn bắn nhiều thế mà cứ lao vào làm gì. Họ bảo tại vì chỉ huy họ nói bọn Mỹ mắt xanh, ban đêm không nhìn thấy gì mà bắn đâu. Mà lúc đó chỉ huy đi đằng sau, quay lại cũng bị chỉ huy bắn chết.

Anh gục đầu một lát, ngẩng lên mắt đỏ hoe.

- Tôi giết toàn trẻ con anh ạ, ngày hôm sau xong rồi đi xem lại, mới biết mình giết toàn trẻ con, có đứa có khi chỉ 14 tuổi thôi, có đứa đã mang AK, dắt lưụ đạn quanh mình, thêm mấy băng đạn lại còn đeo cả mã tấu ở lưng làm gì cơ chứ, người bé tí thế chạy sao nổi mà vác cả đống đồ đi đánh nhau. Nhìn thương lắm, lau nước mắt mà chôn chúng . Toàn trẻ con cũng người Việt, người dân tộc mình cả.

Mấy người lính VNCH tôi gặp làm tôi thấy quân lính VNCH thật kỳ lạ. Ông sĩ quan thì tin là thống nhất đất nước rồi, tất cả đều là anh em, kết cục tù 9 năm cải tạo. Ông lính trơn đi tù về thì ước mơ được ra Hà Nội một lần thăm lăng bác. Còn ông tay đẫm máu nhất té được sang Hoa Kỳ, lẽ ra phải kể lể chiến công của mình thật oai hùng, giết được nhiều tên địch tinh nhuệ thì ông ta lại khóc, thú nhận đau đớn về những người bị mình giết, xót thương cho họ và cho cả ông vì buộc phải xả đạn.

Tôi nhờ người tìm Nguyễn Ngọc Lập, Nguyễn Phương Hùng. Nhờ mãi chả ai tìm được, người ta bảo mấy ông đó vợ bỏ, thất nghiệp, không nhà cứ ở lang thang nay chỗ này, mai chỗ khác. Chả biết đâu mà tìm. Muốn gặp mấy vị ấy xem chừng lại khó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét