Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Tại sao công nhân Pou Yuen đình công?


Mặc Lâm

31-03-2015


Mùa xuân năm nay đã trở thành một mùa xuân “đỏ lửa”, nóng bỏng hơn thường lệ bởi hai sự kiện đặc biệt:

1/ 90 ngàn công nhân của Pou Yuen đình công chống lại một luật mới về Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ có hiệu lực từ 1.1.2016.

2/ Hàng ngàn công dân thủ đô tuần hành liên tiếp vào hai ngày chủ nhật để phản đối Dự án hạ sát 6700 cây xanh.

Hai sự kiện này có gì bình thường và bất bình thường?

Bình thường là bởi hơn chục năm trở lại đây chuyện đình công đòi quyền lợi, phản đối giới chủ đã trở thành chuyện cơm bữa, cũ như trái đất. Bình thường là bởi chuyện chặt cây, phá rừng là chuyện “thường ngày ở huyện” của Việt Nam.

Nhưng nếu quan sát kỹ thì quả là nó bất bình thường.

Trước hết đây là vụ đình công khổng lồ “vĩ đại” hơn vô luận vụ đình công nào từ trước đến nay. Nhưng điều này còn đáng chú ý hơn: Lần đầu tiên cuộc đình công không chống lại giới chủ như thường lệ mà chống lại một đạo luật của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về BHXH. Và theo tin mới nhất thì đến hôm nay (1.4) cuộc đình công vẫn tiếp diễn.

Được biết quỹ bảo hiểm xã hội đang có nguy cơ tan vỡ vì người ta đã dùng 1052 tỷ đồng của quỹ đem đi đầu tư ra ngoài để kiếm lời!

Về vụ hạ sát 6700 cây xanh đường phố:

Chưa bao giờ người ta thấy có một sự đồng tâm nhất trí đông đảo, rộng rãi như vậy của các công dân thủ đô trong việc chống lại một chủ trương mờ ám của các đày tớ của nhân dân.

Qua hai sự kiện trên, chúng ta có thể thấy rằng người dân đã cam chịu, đã nhẫn nhục quá lâu, nhưng cuối cùng thì họ cũng đã thức tỉnh. Đất dưới chân của những kẻ độc tài đã bắt đầu rung chuyển. Sẽ không có gì là bất thường nếu một ngày đẹp trời nào đó, không phải 90.000 mà 100.000, 200.000... con dân đất Việt xuống đường đòi xóa bỏ điều 79, 88 và 258 của Bộ luật hình sự nước Cộng hóa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bauxite Việt Nam





Hàng nghìn công nhân Công ty Pouyen Việt Nam (TP HCM) đã xuống đường tuần hành phản đối quy định bảo hiểm mới trong 5 ngày qua. 31/3/2015

Công nhân của Pou Yuen đã đình công để chống lại một luật mới về BHXH sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2016. Đây là vụ đình công lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay không phải chống lại giới chủ nhân mà nhằm chống lại một đạo luật của nhà nước về BHXH.

90 ngàn công nhân hãng gia công giày Pou Yuen vốn 100% của Đài Loan vào sáng ngày 26 tháng 3 tập trung tại khuôn viên của công ty Pou Yuen nằm trong khu công nghiệp Tân Tạo thuộc phường Tân Tạo quận Bình Tân, nhằm chống lại các quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 không cho người tham gia bảo hiểm được hưởng tiền một lần sau khi nghỉ việc, mà phải đợi đến tuổi về hưu.

Không đồng ý về bảo hiểm mới

Ngày hôm sau 27 tháng 3 cuộc đình công vẫn tiếp diễn, theo lời nhân chứng thì công nhân rất trật tự và cho tới giữa ngày vẫn không có cuộc xô xát nào xảy ra. Một công nhân cho biết:

-Có cái đoàn Cựu Chiến binh và Hội phụ nữ người ta tới hỏi thăm. Công an đứng rất nhiều chung quanh công ty. Bên công ty Pou Yuen và bên Bảo hiểm thì người ta đang đổ trách nhiệm qua lại. Có thông tin nói là bên Bảo hiểm đổ thừa cho công ty Pou Yuen là đã trốn đóng bảo hiểm 3 tháng nay còn bên công ty Pou Yuen thì lại đổ cho bên bảo hiểm, hai bên đổ qua đổ lại còn công nhân thì 3 tháng nay vẫn bị trừ tiền bảo hiểm của họ. Nói chung hiện tại công nhân rất đoàn kết nhưng mà còn lẻ tẻ vì không có người cầm đầu lãnh đạo.

Khi được hỏi việc hai công nhân bị điện giật vào ngày 27 tháng 3 có thể một người đã chết bây giờ tình trạng của họ ra sao anh công nhân của Pou Yuen nói với chúng tôi:

-Hiện tại tụi em cũng đang cố đi tìm cái thông tin của những người đó nhưng chưa biết ở nơi nào. Sau khi những người này bị điện giật xong thì tin tức bị giấu biệt tăm luôn không ai liên lạc được với những người đó hết.

Sáng ngày 29 tháng 3 loa chính của công ty kêu gọi công nhân bình tĩnh và cho biết là công ty đang kiến nghị nhà nước có giải thích cụ thể việc áp dụng luật Bảo hiểm xã hội theo như nguyện vọng của công nhân.

Vào ngày 30 tháng 3, hàng ngàn công nhân tiếp tục tuần hành trong khuôn viên công ty Pou Yuen, sau đó kéo ra khu vực cầu vượt, quốc lộ 1A trước cửa công ty để tiếp tục tuần hành. Số lượng rất lớn công nhân và người đi đường đã gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng ở khu vực này. Một số tuyến đường bị phong tỏa, buộc các phương tiện lưu thông phải chạy sang các tuyến khác.

Chiều ngày 30 tháng 3 ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nói với báo chí rằng "Việc thu hẹp đối tượng bảo hiểm xã hội một lần đã được tính toán để đảm bảo cuộc sống cho người lao động khi về già vừa có lương hưu, vừa có bảo hiểm y tế phòng khi ốm đau, bệnh tật. Trong thời gian chờ đến tuổi nghỉ hưu, người lao động vẫn có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi tìm được việc làm mới hoặc tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện”

Luật sư Lê Thị Công nhân, đại diện cho tổ chức Lao Động Việt tại Việt Nam cho biết nhận xét của bà trước Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 này:

-Sự thay đổi này nó là một bước lùi trong cái quyền của người lao động. Gọi là bước lùi vì trước đây người ta có hai sự lựa chọn, người ta có thể lấy một lần hoặc có thể đợi đến khi đủ thời gian nhưng bây giờ thì người ta không cho việc lấy một lần nữa. Vấn đề ở đây là quyền được lựa chọn nó sẽ liên quan trực tiếp đến mỗi người, đến hoàn cảnh cụ thể của người ta. Sau khi lý lẽ của nhà nước đưa ra nhằm thay đổi đến giá trị của số tiền thì nó không thay đổi, không những thế mà người ta còn cho rằng nó được bảo đảm hơn thì đây chỉ là một sự ngụy biện vì hơn ai hết chính người lao động, chính bản thân từng cá nhân người lao động người ta tự biết điều gì hợp với họ hơn và vì thế nó sẽ có ý nghĩa, giá trị với họ hơn.

Đáng tiếc luật lao động mới và những quy định hướng dẫn thì người ta đã thay đổi hẳn cái điều khoản cho người lao động có quyền lựa chọn và theo tôi thì đây là điều rất là quan trọng bởi vì đi làm thì ai cũng muốn kiếm sống mà cụ thể là được trả lương được trả bảo hiểm mà bây giờ lại không cho người ta khả năng lựa chọn để lấy bảo hiểm linh hoạt như vậy là một điều rất là dở.

Vào lúc 9 giờ sáng ngày 31 tháng 3 ông Lê Bạch Hồng, Thứ trưởng Bộ Lao động và Thương Binh Xã Hội cho chúng tôi biết:

-Đình công là vì công nhân người ta không hiểu thôi, chính sách của nhà nước là đảm bảo quyền lợi lâu dài của người lao động. Bây giờ Bộ Lao động đã cử người vào giải thích rồi, chuẩn bị họp đấy chỗ bên văn phòng.

Lấy quỹ bảo hiểm đầu tư bên ngoài

Theo nhận xét của rất nhiều người có quan tâm tới Bảo hiểm xã hội thì điều 60 của luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội thông qua ngày 20-11-2014 có thể liên quan đến việc quỹ Bảo hiểm xã hội có khả năng bị vỡ khi quỹ này có dấu hiệu đang được dùng để đầu tư bên ngoài.

Sáu tháng trước khi Quốc hội thông qua, ngày 24 tháng 5 năm 2014 Quốc hội đã thảo luận về Luật Bảo hiểm xã hội trong đó không ít đại biểu đã bất bình trước việc quỹ này đang được lấy ra để đầu tư ngoài nguyên tắc thông thường.

Đại biểu Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng BHXH được quyền lấy tiền của người lao động đóng góp để chi cho việc khác thì cần phải xem xét lại lý do từ đâu xảy ra tình trạng này. Đại biểu Lê Trọng Sang thì xác định BHXH đang đầu tư ra ngoài rất lớn nhưng lại mất khả năng thu hồi. Ông Sang lo lắng nếu cứ đầu tư bên ngoài như thế thì chuyện vỡ quỹ là không tránh khỏi.

Theo tường thuật của báo Lao Động thì trong cuộc họp này số tiền 1.052 tỉ của quỹ BHXH coi như mất trắng và Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân thuộc đơn vị Khánh Hòa đặt vấn đề “Tại sao người lao động không đóng BHXH thì đòi xử lý hình sự, trong khi chúng ta lấy tiền của họ cho vay và làm thất thoát thì lại không ai chịu trách nhiệm?”.

Từ những thông tin này người công nhân cho rằng việc không chi trả một lần như trước khi có luật mới là nhằm kéo dài thời gian sinh lợi để bù vào số tiền thất thoát hiện nay mà quỹ BHXH đang gặp phải.

Một yếu tố quan trọng khác làm người công nhân băn khoăn khi quyết liệt đòi lãnh tiền BHXH một lần là do thiếu niềm tin vào quỹ BHXH có khả năng chi trả cho họ dài hạn hay không. Nếu quỹ BHXH bị vỡ thì ai là người bảo vệ quyền lợi của họ? Và nếu khởi kiện để đòi công bằng thì khởi kiện ai?

Luật sư Lê Thị Công Nhân nhận xét vụ đình công này là dấu hiệu đáng mừng của người công nhân vì đã biết tự bảo vệ mình trước khi tình huống xấu nhất chưa xảy ra:

- Nó không xuất phát từ những sự việc có tính chất nóng bỏng, những mâu thuẫn tranh chấp trực tiếp hoặc là những vấn đề mang tính bạo lực, bạo hành trong lao động giữa giới chủ và người công nhân mà nó xuất phát từ những thông tin thay đổi của quy định pháp luật ở trên thượng tầng kiến trúc xã hội như vậy thì đây là một bước tiến đáng mừng của người công nhân lao động họ đã nhận thức cao và thái độ ứng xử rất tích cực. Phải nói rằng họ đã bắt đầu quan tâm hơn đến những vấn đề chính trị, chính trị là làm luật mà, biết xuống đường ngay từ khi có những thay đổi ngay từ bên trên chứ không đợi cho đến khi nó trực tiếp xảy ra đối với cá nhân của từng người.

Cho đến chiều ngày 31 tháng 3 chính quyền vẫn chưa thể giải thích cho công nhân một cách thỏa đáng. 90 ngàn công nhân của công ty Pou Yuen là một con số rất lớn so với sự kiểm soát rất nghiêm ngặt của Chính phủ Việt Nam. Công nhân tập trung được do cùng phát xuất sự thiếu niềm tin từ nhà nước.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng người công nhân khi tập trung lại với con số lớn thế thì thật đáng lo ngại vì không ai tiên đoán được việc gì sẽ xảy ra sau đó cho kinh tế Việt Nam, đặc biệt đối với những nhà đầu tư nước ngoài.



M.L

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét