Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

Đại sứ Trung Quốc ở Mỹ thừa nhận xây căn cứ quân sự tại quần đảo Trường sa

>> Trung Quốc ngang ngược cắm cờ đáy biển Đông?




Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ – Thôi Thiên Khải

Tờ “Tin tức Trung Quốc” ngày 17 tháng 4 dẫn trang mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay, ngày 16 tháng 4 năm 2015, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đã có mặt ở một cuộc hội thảo hợp tác an ninh quốc tế Trung-Mỹ do Viện nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc tổ chức ở Washington để tuyên truyền toàn diện “lập trường của Trung Quốc” về vấn đề Biển Đông.

Theo Thôi Thiên Khải, lập trường này của Trung Quốc “không thay đổi trong mấy chục năm qua và trong tương lai cũng sẽ không thay đổi”.

Thôi Thiên Khải xuyên tạc và đe dọa: “Chúng tôi kiên trì bảo vệ chủ quyền và quyền lợi biển của mình, đồng thời đã giữ kiềm chế rất lớn.

Yêu cầu Trung Quốc từ bỏ quyền lợi hợp pháp, khuất phục yêu cầu vô lý của một số bên là hoàn toàn không công bằng.

Bất cứ ai không nên ảo tưởng có thể dùng ‘hiện trạng’ đơn phương áp đặt cho Trung Quốc, cũng không nên ảo tưởng có thể không ngừng xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc mà không gánh lấy bất cứ hậu quả gì”.

Trên thực tế, Trung Quốc đã xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào các năm 1956, 1974, xâm lược một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào các năm 1988, 1995…, cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Philippines năm 2012, đem giàn khoan và một lực lượng quân sự, bán quân sự khổng lồ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam vào năm 2014… – PV.

Trong tương lai, Trung Quốc vẫn có ý đồ xâm chiếm nốt các hòn đảo còn lại trên Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” vẽ bậy và phi pháp. Trung Quốc đang ra sức chế tạo tàu chiến, máy bay các loại phục vụ cho ý đồ này, đây là điều không nên ảo tưởng về Trung Quốc – PV.


Hình ảnh xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá Gạc Ma và một số đá ngầm khác bị Trung Quốc cướp năm 1988, làm cho 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam hy sinh

Thôi Thiên Khải tuyên truyền: “Trung Quốc luôn nỗ lực thông qua đối thoại và đàm phán ngoại giao để giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông, đã cùng với các nước ASEAN đưa ra ‘quan điểm song đôi’, quan điểm này phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế liên quan, được hầu hết các nước ASEAN ủng hộ.

Trung Quốc và các nước ASEAN có lợi ích chung rộng rãi trên phương diện bảo vệ thịnh vượng, ổn định tổng thể của khu vực, những ràng buộc để chúng tôi đoàn kết mạnh hơn nhiều những bất đồng giữa chúng tôi”.

Về hoạt động lấn biển xây đảo phi pháp của Trung Quốc ở một số đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Thôi Thiên Khải ngang nhiên cho rằng: “Điều này hoàn toàn là việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, không nhằm vào và cũng sẽ không ảnh hưởng tới bất cứ nước nào khác.

Mục đích là để hoàn thiện chức năng liên quan của đảo đá, để cung cấp dịch vụ cho tàu thuyền qua lại của Trung Quốc, các nước láng giềng và các nước khác như tránh gió, hỗ trợ hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, quan trắc dự báo khí tượng biển, dịch vụ nghề cá. Chúng tôi cũng rất coi trọng bảo vệ môi trường biển”.

Trên thực tế, Trung Quốc không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Sách sử chính thống, bản đồ chính thức qua các triều đại Trung Quốc đã minh chứng cho điều này. Bắc Kinh không thể bác bỏ được di sản từ cha ông họ – PV.

Theo Thôi Thiên Khải: “Cơ sở quân sự trên đảo đá đều mang tính phòng ngự. Nếu những đảo đá này không có cả năng lực tự vệ thì làm sao cung cấp dịch vụ cho người khác? Nếu Trung Quốc không thể bảo vệ chủ quyền của mình thì làm sao có thể gánh vác nhiều hơn trách nhiệm bảo vệ ổn định của tình hình quốc tế?

Tăng cường xây dựng năng lực của Trung Quốc ở Biển Đông đã cung cấp dịch vụ công cho các bên, cũng có lợi cho bảo vệ an ninh, ổn định và tự do hàng hải của Biển Đông”.

Như vậy, lời của Thôi Thiên Khải đã thừa nhận, Trung Quốc đang xây dựng phi pháp “cơ sở quân sự” ở quần đảo Trường Sa, đồng thời cho thấy, Trung Quốc đang viện cớ “cung cấp dịch vụ công” (ra vẻ tốt đẹp) để thực hiện ý đồ của họ.

Trên thực tế, rất nhiều nước trong đó có Nhật Bản đang rất lo ngại về “dịch vụ công” của Trung Quốc, nhất là trong tình hình Trung Quốc vừa gia tăng tranh đoạt lãnh thổ vừa nói mồm “cung cấp dịch vụ công” – PV.


Trung Quốc đang xây dựng phi pháp sân bay, bến cảng ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nguồn: mạng Đài tiếng nói nước Đức)

Thôi Thiên Khải tuyên truyền chính sách “hòa bình” của Trung Quốc: “Lập trường trên phải đặt ở khuôn khổ lớn của chính sách ngoại giao và quốc phòng của Trung Quốc để hiểu.

Trung Quốc thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình độc lập, tự chủ và chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự, điều này quyết định bởi các mục tiêu và lợi ích, truyền thống văn hóa của chúng tôi, quyết tâm kiên trì đi con đường phát triển hòa bình của chúng tôi”.

“Trung Quốc luôn là người khởi xướng tích cực của hợp tác quốc tế, người ủng hộ kiên định của hòa bình thế giới. Sự thực chứng minh, Trung Quốc càng mạnh thì càng có thể gánh trách nhiệm quốc tế tốt hơn, đóng góp cho ổn định khu vực và toàn cầu. Bất cứ ai chỉ cần cùng chúng tôi nỗ lực cho xây dựng cộng đồng khu vực thì căn bản không cần lo ngại”.

Trên thực tế, Trung Quốc càng mạnh, họ càng tập trung cho tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng, ví dụ như những năm gần đây liên tiếp cho quân xâm nhập khu vực biên giới do Ấn Độ kiểm soát;

Khác với trước đây, những năm gần đây, Trung Quốc đã mạnh bạo cho tàu cảnh sát biển, tàu chiến xâm nhập vùng biển đảo Senkaku, thậm chí lãnh hải đảo Senkaku (do Nhật Bản kiểm soát) để tiến hành cái gọi là “tuần tra” – PV.

Ngoài ra, Trung Quốc càng mạnh càng thấy hung hăng, hăm dọa trên Biển Đông, cho quân xuống tận bãi ngầm James “tuyên bố chủ quyền, tuyên thệ chiến đấu”, càng ngày càng tập trung áp đặt yêu sách “đường lưỡi bò” lố bịch, thậm chí đòi hút dầu ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam v.v… Những bằng chứng là rất nhiều và không thể kể hết – PV.



Trung Quốc ra sức chế tạo tàu chiến để tranh đoạt biển đảo, trong đó có tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 (trong hình), tàu đổ bộ, tàu đệm khí, tàu ngầm…

Về “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển”, Thôi Thiên Khải cho rằng: “Trung Quốc là một trong những nước gia nhập và phê chuẩn công ước sớm nhất, Trung Quốc hoan nghênh nhiều nước hơn trong đó có Mỹ gia nhập công ước.

Điều cần làm rõ là, thứ nhất công ước theo dự tính ban đầu hoàn toàn không giải quyết tranh chấp lãnh thổ, điều này có trình bày rõ ràng trong lời tựa của công ước; thứ hai, công ước không trao quyền lợi cho bất cứ nước nào tiến hành đến gần trinh sát cường độ cao ở vùng đặc quyền kinh tế của nước khác”.

Trên thực tế, Trung Quốc đã không tôn trọng chủ quyền và quyền lợi biển của nước khác trên Biển Đông theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.

Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp, không có bất cứ bằng chứng lịch sử và pháp lý thích hợp, rõ ràng nào, đã cướp đảo trong nhiều thời điểm, lại còn đòi chiếm luôn cả vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven Biển Đông.

Đây là một sự thật về ý đồ, hành động bành trướng của Trung Quốc không thể chấp nhận được, bất chấp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển – PV.

Tại cuộc hội thảo này, Thôi Thiên Khải còn nói về quan hệ Trung-Mỹ, cho rằng: “Trung Quốc và Mỹ có lợi ích chung trong việc ứng phó với các thách thức an ninh toàn cầu, hai nước và các nước khác cùng có trách nhiệm bảo vệ hòa bình, ổn định của thế giới, làm cho thế giới an toàn hơn.

Trao đổi và hiệp thương của hai nước trong các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu đang không ngừng sâu sắc thêm, góp phần để hai bên cùng xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới. Nhưng, so với nhu cầu, trách nhiệm và tiềm năng cùng ứng phó với các thách thức an ninh quốc tế, điều chúng ta làm còn lâu mới đủ, cần làm nhiều hơn, tốt hơn”.

“Then chốt Trung-Mỹ tăng cường hợp tác trong các vấn đề an ninh toàn cầu là tư duy và quan niệm. Chúng ta cần thích ứng với tình hình mới của thế kỷ 21 hay cho rằng thế giới cần quản lý như thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20?

Chúng ta tìm kiếm hợp tác cùng thắng hay tiếp tục đánh cờ trong trò chơi tổng bằng không? Chúng ta cần khởi xướng quan niệm an ninh mới chung, toàn diện, hợp tác, bền vững hay thông qua hy sinh lợi ích của người khác để tìm kiếm an ninh tuyệt đối?

Chúng ta thông qua quan hệ đối tác có nền tảng rộng rãi để cùng hợp tác, ứng phó có hiệu quả các vấn đề toàn cầu có liên quan đến lợi ích chung hay vẫn cố giữ lấy đồng minh kiểu Chiến tranh Lạnh hẹp hòi, cuối cùng trái lại đã trói buộc tầm nhìn và sự lựa chọn của chúng ta, làm cho thế giới trở nên vụn vỡ, không an toàn hơn?”.

“Sự lựa chọn của Trung Quốc là rõ ràng, sẽ tiếp tục đi con đường phát triển hòa bình, thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình độc lập, tự chủ.

Trung Quốc kiên định nỗ lực cùng Mỹ xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng.

Chúng tôi hy vọng Mỹ cũng có thể đưa ra quyết định chính xác tương tự, không tiếp tục bị những lo ngại, nghi ngờ, sợ hãi vô căn cứ trói buộc tay chân, mà cùng Trung Quốc nỗ lực”.

Trên đây là toàn bộ những phát biểu có nhiều “mỹ từ” gây chú ý và quan ngại từ Thôi Thiên Khải – Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, quan chức ngoại giao nổi đình nổi đám với nhiều tuyên bố ngang nhiên mang “đặc sắc Trung Quốc”.



Tháng 8 năm 2014, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận đổ bộ quy mô lớn để đánh chiếm đảo đá (ảnh tư liệu)

(Theo Giáo Dục)




Lập trường của Việt Nam là kiên trì tinh thần 4 tốt và 16 chữ vàng.
- Dư luận trong và ngoài khu vực đã có những phản ứng và bình luận khác nhau sau tuyên bố hôm 8/3 của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi coi Biển Đông là “ao nhà”, “sân sau” của Bắc Kinh.


Nhiều chuyên gia quốc tế không những chỉ trích, lên án, mà còn coi đó là tuyên bố đầy tiêu cực, ngang ngược, đồng thời chứng tỏ Trung Quốc không che giấu âm mưu bành trướng và độc bá Biển Đông. Đây là lần đầu tiên, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Trung Quốc công khai tham vọng tại Biển Đông. Ông Vương Nghị cũng muốn Mỹ “quên” Biển Đông, để cùng Trung Quốc hướng về tương lai, vì sự thịnh vượng chung của hai nước! Và từ ngày 8/3, Trung Quốc chính thức triển khai lực lượng đồn trú tới Đảo Cây (Trung Quốc gọi là đảo Triệu Thuật) thuộc nhóm đảo An Vĩnh (Trung Quốc gọi là Thất Liên) tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Thô bạo, ngạo mạn và phản lịch sử
Giáo sư Carl Thayer đến từ Học viện Quốc phòng Australia đã bày tỏ sự sửng sốt trước tuyên bố vừa “thô bạo”, vừa “ngạo mạn”, vừa phản lịch sử của Trung Quốc và cách dùng từ của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho thấy, Bắc Kinh đã leo thang trong hành động biện minh cho các hành động của họ – chuyển từ khẳng định “chủ quyền lịch sử” đối với các đảo và “vùng biển tiếp giáp”, sang tuyên bố quyền sở hữu đối với các thực thể như đảo đá, rạn san hô hay các bãi ngầm khác.



Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị

Giáo sư Clive Symmons, chuyên gia về Luật Biển của Đại học Ireland coi đây là tuyên bố tiêu cực, không hợp lệ trong bối cảnh tranh chấp tại Biển Đông chưa được giải quyết và Trung Quốc không thể áp luật riêng của mình ở khu vực này. Giáo sư Clive Symmons cũng khẳng định, Trung Quốc đang mập mờ trong tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông và những yêu sách tiêu cực của Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng đến quá trình giải quyết tranh chấp.

Ngày 9/3, tờ Inquirer của Philippines đăng phân tích của Ted Laguatan, luật sư về nhân quyền tại San Francisco và chuyên gia luật Di trú bang California, Mỹ kêu gọi Philippines cần tiêu diệt ngay các căn cứ quân sự Trung Quốc đang xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Bởi những căn cứ này sau khi hoàn thành, Trung Quốc sẽ điều chiến đấu cơ, máy bay ném bom, trực thăng vũ trang, tên lửa và tàu chiến tới đây và khi đó Philippines sẽ không thể loại bỏ chúng.

Cùng ngày 9/3, tờ Taipei Times dẫn nhận định của ông Cao Quảng Kỳ, người đứng đầu lực lượng quân sự Đài Loan, Bắc Kinh không bao giờ từ bỏ khả năng thống nhất Đài Loan bằng vũ lực với nguồn ngân sách quốc phòng tăng hằng năm. Việc này diễn ra trong bối cảnh 2 bờ eo biển Đài Loan đang đàm phán về việc Trung Quốc công bố các đường bay số hiệu W121, W122 và W123 mà Đài Bắc gọi là “tùy tiện” đè lên đường bay số hiệu M503 của Đài Loan chạy dọc giữa 2 bờ eo biển. Theo giới truyền thông, Đài Loan vừa điều máy bay chiến đấu AH-64E Apache và máy bay trinh sát săn ngầm P-3C cùng tham gia cuộc tập trận mang tên Hán Quang.

Tăng ngân sách, tăng cải tạo trái phép

Ngày 9/3, khi trả lời câu hỏi liên quan tới việc Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki đã bày tỏ quan ngại bởi hoạt động bồi đắp và xây dựng của Trung Quốc ở khu vực tranh chấp Biển Đông đã làm trầm trọng mối lo ngại của khu vực này trước việc Bắc Kinh có thể xây dựng tiền đồn quân sự trên các đảo, đá ngầm tranh chấp.



Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki

Cũng trong ngày 9/3, tờ PhilStar đưa tin, Bộ Quốc phòng Philippines đã bày tỏ quan ngại trước các dự án cải tạo của Trung Quốc ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông, cùng kế hoạch tăng đáng kể ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Peter Galvez, các hoạt động cải tạo của Trung Quốc có nguy cơ nảy sinh biến cố trong khu vực vốn đã căng thẳng bởi các dự án này sẽ tiếp tục gây ra những sai lầm, rủi ro. Philippines cho rằng, tăng ngân sách quốc phòng, Trung Quốc sẽ tăng cải tạo ở Biển Đông.

Cùng ngày 9/3, tờ Quan sát (Trung Quốc) dẫn thông tin từ tờ Thương báo (Hongkong) cho biết, tàu sân bay 100% do Trung Quốc chế tạo sắp ra đời. Đây là tuyên bố của nhiều tướng lĩnh cấp cao Trung Quốc (như Trung tướng Đinh Hải Xuân, Thiếu tướng Mã Vĩ Minh, nguyên Chính ủy Hải quân, Đô đốc Lưu Hiểu Giang) khi trả lời phỏng vấn tờ Thương báo hôm 8/3, theo đó Trung Quốc đã chế tạo tàu sân bay nội địa tiên tiến hơn tàu sân bay Liêu Ninh. Giới tướng lĩnh Trung Quốc coi tàu sân bay là vũ khí bảo vệ cái gọi là “chủ quyền và lợi ích ở nước ngoài” của Bắc Kinh trong tương lai.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong năm 2013, Trung Quốc chi quốc phòng gấp 5 lần 10 nước Đông Nam Á cộng lại, và Bắc Kinh thường xuyên dựa vào sức mạnh quân sự để gây hấn. Do đó, nhiều nước láng giềng châu Á của Trung Quốc đang tập trung phát triển quân đội bằng cách đầu tư thêm vũ khí, thiết lập những quân đoàn mới nhằm đối phó với quốc gia đông dân nhất thế giới. Theo tờ Global Times, Trung Quốc bắt đầu nâng cấp tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo Type 094, để chở 16 tên lửa thay vì 12 tên lửa như trước. Những tàu ngầm này sẽ mang theo tên lửa đạn đạo JL-2, phiên bản dựa theo tên lửa DF-31 phóng từ đất liền. Ngoài ra, Trung Quốc còn đang phát triển thế hệ tàu ngầm Type 096 có thể mang được 24 tên lửa đạn đạo liên lục địa, cùng tên lửa JL-3 có tầm bắn từ 10.000km đến 11.000km. Được biết, Trung Quốc hiện có 100-200 tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân, trong đó hàng chục tên lửa là JL-2.

Muốn thay đổi thực trạng

Tờ Jakarta Global vừa dẫn phân tích của chuyên gia Jamil Maidan Flores cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách “thay đổi thực trạng” ở Biển Đông khi tiến hành xây dựng, mở rộng trái phép các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Và hành động này đang đi ngược lại cam kết của các bên trong việc duy trì nguyên trạng ở Biển Đông theo Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), gây căng thẳng trong khu vực. Trong khi đó, chuyên gia Jamil Maidan Flores nhận định, ASEAN phải gấp rút thực hiện ngay chính sách ngoại giao phòng ngừa, ít nhất để các cuộc đàm phán hướng tới Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) không trở nên vô nghĩa.



Hình ảnh Trung Quốc cải tạo, mở rộng xây dựng đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) cuối năm 2014

Khi được hỏi về việc Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng lên 10% (đăng trên mạng Sputnik News), chuyên gia người Nga Vassily Kashin đến từ Trung tâm Phân tích công nghệ, chiến lược có trụ sở ở Moskva cho rằng, Bắc Kinh đưa ra quyết định này dựa trên nhu cầu mua sắm thêm vũ khí mới để thay thế các loại vũ khí quân sự có từ kỷ nguyên Mao Trạch Đông, để tương xứng với “siêu cường thế giới”. Chuyên gia Vassily Kashin cũng cho rằng, việc ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng và tiếp tục tăng là điều có thể thấy từ trước để một ngày nào đó Bắc Kinh sẽ sở hữu một đội quân mạnh nhất thế giới.

Ngày 8/3, tạp chí IHS Jane’s (Anh) công bố báo cáo, theo đó trong năm 2014, doanh số kinh doanh vũ khí trên thế giới tiếp tục tăng (năm thứ 6 liên tiếp), đạt mức 64,4 tỉ USD (tăng 13,4%) so với 56 tỉ USD năm 2013, và Trung Quốc đứng thứ ba thế giới về nhập khẩu vũ khí. Theo chuyên gia Paul Burton của IHS Jane’s, Trung Quốc tiếp tục cần hỗ trợ quân sự về hàng không – không gian của Nga và ngân sách chi cho khoản này sẽ tăng nhanh; và Moskva là nhà cung cấp vũ khí chủ yếu cho Bắc Kinh. Cũng trong ngày 8/3, Thông tấn xã Đài Loan dẫn lời ông Lâm Úc Phương, nghị sĩ Quốc dân đảng cầm quyền và ông Kha Thừa Hanh, cựu quan chức quân đội Đài Loan cho rằng, phe đối lập Đài Loan (đảng Dân chủ Tiến bộ) đang cân nhắc khả năng từ bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, nếu đảng này thắng cử năm 2016.

Ngày 6/3, tại Trung tâm tổ chức sự kiện Hoàng Gia Egmont, Brussels (Bỉ), Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Tự do Brussels (VJB) đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Biển Đông: Nhìn từ góc độ Luật Quốc tế” với sự tham dự của khoảng 150 người. Với 4 phiên làm việc, các học giả và giới chuyên môn đã chỉ rõ chính sách xâm lược tại Biển Đông của Trung Quốc, đồng thời chỉ trích Bắc Kinh đã vi phạm luật pháp quốc tế khi xây dựng đảo nhân tạo. Hơn 1 tháng trước (3/2), khi trả lời phỏng vấn tờ Suddeutsche Zeitung (Đức), Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng, giữa các quốc gia hoàn toàn không thể có chuyện tất cả cùng có lợi, tuy nhiên về tổng thể, nếu lấy quan hệ hợp tác làm đại cục thì các nước sẽ được hưởng lợi từ một Trung Quốc thịnh vượng, hơn là một Trung Quốc rắc rối. Theo ông Lý Hiển Long, Trung Quốc và các nước ASEAN đang trong quá trình hướng tới Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và phải mất một thời gian mới hoàn chỉnh vấn đề nhạy cảm này bởi không quốc gia nào muốn mình bị bó buộc.

Phát biểu bên lề phiên họp Quốc hội (8/3), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, chính sách ngoại giao trong năm 2015 của Bắc Kinh sẽ tập trung thúc đẩy các sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Theo giới chức Trung Quốc, mục đích của việc xây dựng “Vành đai tơ lụa trên đất liền” và “Con đường tơ lụa trên biển” là tạo cơ sở hạ tầng rộng lớn kết nối nước này với Trung Á và Trung Đông, để từ đó thúc đẩy quan hệ kinh tế, chính trị với toàn khu vực Á – Âu. Nhưng học giả Brahma Chellaney lại cảnh báo về nguy cơ ẩn sau “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc bởi Bắc Kinh đang tìm cách bao vây Nam Á bằng chiến lược “Chuỗi ngọc trai”; do đó, Ấn Độ và những nước hữu quan hết sức lo lắng trước tiến trình kể trên.

(Theo PetroTimes)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét