Tại buổi họp giao ban với các lãnh đạo quận, huyện, thị xã, ông Phạm Quang Nghị, Bí thư thành phố Hà Nội vẫn một mực cho rằng, việc thay đốn hạ, tàn sát hàng loạt cây xanh tại thành phố này là "chủ trương đúng đắn".
Ông cũng cho biết thêm, mặc dù người dân đang chờ đợi kết quả thanh tra từ phía cơ quan có trách nhiệm, nhưng việc làm này phải thận trọng để không phải mắc thêm sai lầm. Dư luận nghi ngờ rằng, dường như ông Bí thư đang muốn trốn tránh trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu thành phố.
Vị lãnh đạo đứng đầu thành phố Hà Nội còn cho biết, sở dĩ để cho người dân hiểu lầm động cơ đúng đắn của chính quyền đó là do tâm lý nóng vội. Những người thừa hành đã không lường trước hết được đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến rất nhiều người. Việc chặt hạ cây xanh tác động đến văn hóa, môi trường, cuộc sống của người dân thủ đô.
Ông Nghị cho rằng một phần trách nhiệm do bộ phận tuyên giáo chưa tuyên truyền đầy đủ cho dân. Chính vì không được tuyên truyền đầy đủ đã khiến người dân hiểu sai "chủ trương đúng đắn" của chính quyền Hà Nội. Theo ông Nghị, nếu được tuyên truyền, giải thích đầy đủ thì người dân đã không xuống đường biểu tình, phản đối chính quyền rầm rộ, mạnh mẽ đến như vậy.
Với cách nói của của ông Nghị chẳng khác nào coi thường sự hiểu biết của người dân. Người dân đã phanh phui ra sự gian dối của chính quyền trong việc trồng những cây Mỡ nhưng lại nói đó là cây Vàng Tâm để hưởng chênh lệch. Đã vậy, trong một lúc chính quyền lại cho tàn sát 6,700 cây xanh trên địa bàn thành phố sẽ ảnh hưởng đến môi trường, trong khi Hà Nội được biết đến là một thành phố bị ô nhiễm rất nặng.
Ông Nghị cho biết rằng, hành vi lén lút đốn hạ cây xanh ban đêm là do để ít ảnh hưởng đến giao thông, làm vào ban đêm sẽ an toàn hơn. Theo ông này, chỉ bởi vì chính quyền không tuyên truyền giải thích nên người dân coi đó là điều khuất tất. Nhưng trước đó, khi ông chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã ra lệnh dừng việc đốn hạ cây xanh thì những đơn vị làm công trình vẫn cho tiến hành? Đó là chưa bàn đến những nghi ngờ của người dân về khoản tiền khổng lồ từ việc bán cây mang lại sẽ đi đâu, lọt vào túi ai.
Việc coi thường người dân của ông Nghị còn thể hiện qua cách nói của ông, khi ông này cho rằng, việc người dân xuống đường là do "kích động từ bên ngoài", và người dân xuống đường biểu tình chỉ nhân danh bảo vệ cây xanh nhưng thực ra là chống chế độ, chống lại chính quyền các cấp.
Ở Việt Nam, nếu người nào bị khép vào tội chống chế độ, chống chính quyền các cấp thì cuộc sống của họ sẽ gặp vô vàn tai ương do chính quyền mang lại. Nhưng nếu một chính quyền lập ra để chống lại quyền lợi của người dân, thì việc chống lại chính quyền ấy là điều cần phải làm.
Ngọc Quân / SBTN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét