Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

ĐÀO HIẾU – Huyền thoại QUỐC KỲ

Trong những ngày này, ra phố thấy chỗ nào cũng rợp cờ đỏ, chợt nghĩ không biết những người đi đường kia, những bạn trẻ kia sẽ nghĩ gì về lá cờ đó? Nguồn gốc nó từ đâu? Nó biểu tượng cho cái gì? Nó mang ý nghĩa nào?

Bèn nhớ tới một bài viết của mình về những lá cờ đã từng bay trên bầu trời Việt Nam. Xin giới thiệu lại bài viết này vì tôi nghĩ rằng chắc vẫn có nhiều người chưa đọc, nhiều người chưa biết.

Mới đây, khi trên mạng xuất hiện nhiều bài viết, hình ảnh liên quan tới việc Trung Quốc xâm lăng Việt Nam ngày 17.02.1979 và việc nhà nước Việt Nam nhượng bộ quá nhiều khi ký hiệp ước về biên giới với Trung Quốc, có một bạn trẻ thường xuyên “chat” với tôi. Anh đang học thạc sĩ kinh tế, anh nói thẳng với tôi là anh có tham vọng chính trị vì “nếu không làm chính trị thì làm sao thay đổi cái xã hội thối nát hiện nay”.

Qua nhiều lần “chat” tôi thấy anh là một thanh niên đầy tâm huyết, giỏi ngoại ngữ và có kiến thức.

Có một lần tôi hỏi:

-Nhưng sao mỗi lần em xuất hiện trên mạng thì cái “avatar” của em lúc nào cũng là “cờ đỏ sao vàng”?

-Vì đó là cờ tổ quốc. Em muốn lá quốc kỳ luôn nhắc nhở lý tưởng “vì tổ quốc” của em trong học tập và rèn luyện để đạt mục đích của mình.

*

Dạo đó, đọc báo Tuổi Trẻ thấy có đăng hình và bài về một cụ già, sáng nào cũng mở đầu một ngày bằng cách đứng nghiêm chào cờ trong phòng riêng của mình. Cụ được ca ngợi như là một người yêu nước. Và trong một số cơ quan, người ta thường dùng hình ảnh của cụ để nhắc nhở cán bộ công nhân viên đừng quên lễ chào cờ mỗi sáng thứ 2 hàng tuần (có nơi là sáng thứ 2 đầu tháng).

Những người có suy nghĩ như chàng sinh viên và cụ già nọ hiện nay không phải là ít, và không phải chỉ có ở Việt Nam. Tôi từng thấy trên một website ở Mỹ có bài viết ca ngợi cờ vàng ba sọc đỏ với giọng điệu rất hùng hồn và cũng gọi đó là cờ tổ quốc.

*


“Quốc kỳ” Việt Nam qua các thời đại

Tiếc thay, trên cõi đời này chẳng hề có lá cờ nào gọi là “quốc kỳ” cả. Đó chỉ là một từ bị “áp đặt” bởi một chế độ chính trị đang cầm quyền tại một quốc gia nào đó.

Triều Nguyễn, quốc kỳ của Việt Nam là Long Tinh Kỳ, hình chữ nhật màu vàng, viền xanh lam, ở giữa có chấm đỏ. Về sau vua Hàm Nghi dùng lá cờ này để khởi nghĩa chống Pháp nên nó bị người Pháp bỏ, thay bằng Đại Nam Kỳ: nền vàng có vẽ hai chữ Hán (cách điệu): “Đại Nam”. Dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim thì quốc kỳ Việt Nam đổi thành: nền vàng, ở giữa có hình quẻ ly màu đỏ (quẻ ly gồm 2 vạch liền hai bên, ở giữa là một vạch đứt)

Sau đó, quốc kỳ đổi từ màu vàng sang đỏ, ở giữa mọc lên một ngôi sao. Đó là “quốc kỳ” của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, còn “quốc Kỳ” của Việt Nam Cộng Hòa thì nền vàng ba sọc đỏ.

Vậy nếu quốc kỳ là “cờ tổ quốc” sao cờ miền Nam và cờ miền Bắc khác nhau, chẳng lẽ hai miền có hai tổ quốc? Có hai ông Lạc Long Quân, hai bà Âu Cơ? Chẳng lẽ lãnh thổ Việt Nam có hai chữ S?

*

Tôi đem những bằng chứng ấy ra tranh luận với anh bạn thạc sĩ trẻ nọ nhưng anh ta vẫn chưa chịu. Hỏi vặn lại:

-Thế còn nước Pháp, nước Mỹ, hàng trăm năm nay quốc kỳ của họ có thay đổi đâu. Có nghĩa là vẫn có cái gọi là “quốc kỳ” chứ.

-Pháp, Mỹ không thay đổi nhưng Nga thay đổi, Trung Quốc thay đổi, Campuchia thay đổi, Đức thay đổi, Ý thay đổi, Tây Ban Nha thay đổi… Sở dĩ Mỹ không thay đổi “quốc kỳ” vì chế độ của họ ổn định, bền vững. Nhưng ví dụ một ngày nào đó Bin Laden chiếm nước Mỹ hay Taliban chiếm nước Pháp thì liệu cái gọi là “quốc kỳ” của hai nước này có còn như ngày nay không?

Có vẻ như anh bạn trẻ đã bị thuyết phục. Và anh đã “delete” hình “quốc kỳ” trên trang “chat” của mình.

*

“Quốc kỳ” thực ra chẳng có gì là thiêng liêng cả. Nó chẳng dính dáng gì tới tổ quốc, tới dân tộc. Nó chỉ là cái logo, cái bảng hiệu, cái “thương hiệu” của một chế độ chính trị.

Nếu chế độ đó tốt thì lá cờ của nó được dân tôn trọng, có thể bỏ ra vài phút đứng chào cũng chả sao.

Nếu chế độ đó xấu, ác thì lá cờ của nó cũng chỉ là một tấm pa-nô quảng cáo rẻ tiền mà thôi.

Tôi vẫn rất thích lá cờ của Canada. Nó rất hồn nhiên. Nó chỉ là một chiếc lá phong chín đỏ, thanh thản bay trong cơn gió se lạnh của một ngày nắng đẹp tình cờ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét