Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

40 năm một mong muốn không thành



Lê Diễn Đức


20-04-2015

40 năm là một thời gian khá dài. Một thế hệ trôi qua. Kể từ cái ngày bi kịch ấy, ngày 30 Tháng Tư năm 1975.

Mùa Thu năm 1969, con tàu liên vận quốc tế đưa đoàn du học sinh chúng tôi từ Bắc Kinh, đi qua Mông Cổ, Liên Xô, mất 13 ngày, thì đến Ba Lan vào buổi tối Tháng Tám.

Sau bữa ăn tối do Bộ Đại Học Ba lan chiêu đãi tại Warsaw, xe bus đưa chúng tôi vế thành phố Lodz, cách Warsaw khoảng 120 cây số, nơi có trung tâm học tiếng Ba Lan dành cho người nước ngoài.

Ký túc xá nơi chúng tôi ở là ngôi nhà cao 12 tầng, trên mỗi lầu chia thành nhiều căn hộ, mỗi cửa từ hành lang đi vào phía bên trái là nhà tắm và bên phải là phòng vệ sinh dùng chung cho hai phòng hai bên, mỗi phòng 2 người. Mỗi lầu có một nhà bếp chung với nhiều lò gas.

Là một gã nhà quê, lần đầu tiên ra nước ngoài, nhận số phòng, nhận chăn gối thơm phức mang lên phòng và đi ngắm nghía xung quanh, tôi mãn nguyện thấy mình thật may mắn.

Sáng hôm sau xuống nhà ăn tập thể nằm ở lầu trệt, chúng tôi xếp hàng cầm khay nhận đĩa đồ ăn có thịt và còn bánh mì, sữa thì tự lấy, dùng bao nhiêu cũng được.

Ngày hôm sau, chúng tôi nhận mỗi người 4 ngàn đồng tiền Ba Lan và ra phố đi mua sắm đồng hồ, quần áo, giày dép mùa Đông, và các thứ cần thiết cho sinh hoạt. Bởi vì hành trang ra nước ngoài của chúng tôi bấy giờ được nhà nước cấp phát gồm một chiếc vali, một bộ veston bằng loại vải dạ mà chỉ lái tàu điện ở Ba Lan mới mặc, hai áo sơ mi trắng, một đôi giày và hai đôi tất.

Ngắm nhìn phố thị khang trang, sạch sẽ với nhiều nhà cao tầng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, thán phục một đất nước đã vươn lên từ hoang tàn và đổ nát của chiến tranh. Sắm sửa tùm lum vẫn còn dư một ít tiền.

Năm ấy là 1969, tức 25 năm sau ngày Ba Lan thoát khỏi thảm họa của chủ nghĩa Phát-xít.

Dân tộc Ba Lan đã chịu nhiều khổ đau và tổn thất nhất trong Chiến Tranh Thế Giới II với số người chết tính trên tỉ lệ dân số (cứ 1000 người thì có 220 người chết). Các cơ sở vật chất, di sản văn hóa, giáo dục bị hủy hoại hết sức nặng nề, thiệt hại tổng cộng từ 650 đến 700 tỷ USD (theo thời giá năm 2004), trong đó thủ đô Warsaw bị tàn phá gần như hoàn toàn (85%).

Mức độ bị thiệt hại, tàn phá Việt Nam trong 20 năm của cuộc chiến Nam-Bắc cũng không thể nào so sánh được với Ba Lan.

Vâng, người Ba Lan chỉ cần 25 năm thôi, dường như bắt đầu từ con số không, trong mọi lãnh vực, phục hồi nhanh chóng hậu quả của chiến tranh để trở thành một nước công nông nghiệp phát triển, có thu nhập bình quân đầu người trong thập niên 70 thuộc mức trung bình của thế giới (khoảng trên 4 ngàn USD) và trở thành một nước trong phe xã hội chủ nghĩa viện trợ cho Việt Nam.

Đã sau 40 năm chiến tranh, nhưng mới đây, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Cộng Sản Việt Nam, cay đắng thú nhận Việt Nam đứng chót trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí có nhiều lãnh vực còn kém cả Lào, Campuchia và Myamar.

Đôi khi tôi suy ngẫm, trong cùng một khối xã hội chủ nghĩa, cũng theo mô hình kinh tế tập trung kế hoạch, cùng một hệ tư tưởng Mác-xít, nhưng tại sao người Ba Lan lại có thể đưa đất nước phát triển như thế.

Năm 1969, khi tôi đặt chân tới Ba Lan, mặc dù chất lượng và hình thức còn kém xa các nước tư bản, nhưng Ba Lan đã sản xuất được TV, radio, máy vi tính Odra, đầu máy xe lửa, máy bay nông nghiệp, máy kéo, xe gắn máy, xe tăng, xe hơi và tàu biển…

Cùng một mô hình cai quản xã hội nên chế độ Cộng Sản Ba Lan cũng chuyên chế như Cộng Sản Việt Nam. Nhà cầm quyền cũng bắt bớ, giam cầm các nhà phản kháng, đối lập. Ba phần tư dân số Ba Lan bị an ninh lập hồ sơ theo dõi. Đã có lúc nhà cầm quyền Cộng Sản Ba Lan huy động hàng chục ngàn binh sĩ, công an đàn áp đẫm máu những cuộc biểu tình phản đối của nhân dân. Sau ngày ban hành thiết quân luật, 13 tháng 12 năm 1981, chỉ trong vòng hai năm, đã có gần 10 ngàn người đã bị tống giam và xét xử. Vào giai đoạn ấy, hàng trăm ngàn người Ba Lan trẻ tuổi đã bỏ chạy ra nước ngoài, y hệt cuộc di tản lịch sử của người miền Nam sau 30 Tháng Tư năm 1975.

Nhưng ít nhất, cai quản đất nước Ba Lan Cộng Sản không phải là những anh bần cố nông ba đời lý lịch nghèo đói, vô học. Trong bộ máy quản lý điều hành đất nước họ không có những tay cai đồn điền, thợ thiến heo hay y tá miệt vườn nắm những vị trí cao nhất lãnh đạo kinh tế. Và đặc biệt, dù có tham nhũng và chế độ “nomenklatura” (tạm gọi là chế độ ưu đãi thân hữu vào các chức vụ lãnh đạo), nhưng chúng không trở thành quốc nạn làm suy kiệt tài lực đất nước. Họ cũng không có đội ngũ trí thức với hơn 23 ngàn giáo sư, tiến sĩ chỉ để làm cảnh, tự sướng…

Những tay nông dân dốt nát, cuồng tín, kiêu ngạo, say men chiến thắng của Việt Nam làm được thì ít mà phá nhiều. Họ trói dân chúng thật chặt và nhốt trong cái lồng tư tưởng Mác-xít cho đến lúc cả nước sắp chết đói thì mới nới lỏng, điều mà tự họ ca ngợi là một hành động sáng suốt.

Những chủ trương chính sách như hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo tư bản tư doanh, ngăn sông cấm chợ… thực tế đã kéo dân tộc lùi về phía sau nhiều thập niên.

Bắt giam và cưỡng bức cải tạo hàng trăm ngàn quân cán chính của Việt Nam Cộng Hòa sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã thực thi một chính sách khủng bố, vô nhân đạo, gieo rắc hận thù dân tộc. Có thể nói đây là một sai lầm nghiêm trọng nhất của nhà cầm quyền Cộng Sản thời hậu chiến. Chừng nào còn chế độ Cộng Sản, chừng đó vết thương nhức nhối này vẫn tiếp tục rỉ máu. Mọi lời kêu gọi hòa giải hòa hợp, đoàn kết dân tộc chỉ là sự tuyên truyền dối trá, cốt lợi dụng lòng tốt của những Việt kiều yêu nước, ngộ nhận. Không có chế độ Cộng Sản nào thực tâm muốn đoàn kết với những người không cùng lý tưởng với họ. Đoàn kết với họ là đồng nghĩa với việc chấp nhận mang tiền bạc, trí tuệ về nước phụng sự cho chế độ độc tài.

Năm 1989, chế độ Cộng Sản tại Ba Lan sụp đổ. Một nền kinh tế tập trung kế hoạch đã không thể làm đất nước phát triển hơn. Người Ba Lan cũng chỉ cần 25 năm đưa đất nước vào kinh tế thị trường, trở thành nền kinh tế đứng thứ 23 thế giới với tổng thu nhập GDP là 552,230 tỷ USD (2014) với hơn 31 triệu dân.

Trong khi đó, tính từ năm 1986, 28 năm, từ lúc những nhà lãnh đạo ĐCSVN giật mình tỉnh ngộ, bắt đầu tiến hành cải cách kinh tế, GDP năm 2014 của Việt Nam chỉ đạt 170,565 USD, đứng hạng thứ 57. Việt Nam đến hôm nay chưa tự sản xuất được những sản phẩm công nghiệp cơ bản như xe gắn máy hay ô tô. Nguồn thúc đẩy tăng trưởng GDP cho Việt Nam chủ yếu nhờ xuất khẩu hàng gia công của các công ty vốn nước ngoài FDI, xuất khẩu tài nguyên thô và bán sức lao động rẻ mạt, không tạo được một thương hiệu bất kỳ nào có tiếng trên thị trường thế giới.

Tôi vẫn thường so sánh Việt Nam với Ba Lan, bởi vì hai nước có diện tích tương đương, vị trí địa chính trị khá tương đồng, Ba Lan là cửa ngõ Đông-Tây Âu, Việt Nam là cửa ngõ của Đông Nam Á, cả hai đều bị nước lớn láng giềng o ép và tìm cách áp đặt ảnh hưởng, cả hai đều gánh chịu những hậu quả nghiệt ngã của chiến tranh…

40 năm rồi, đừng đổ lỗi nữa cho chiến tranh để bao che sự dốt nát về trí tuệ, sự trì trệ và thoái hóa của một hệ thống chính trị lạc hậu, lỗi thời đã không còn phù hợp với xu thế lịch sử.

40 năm rồi, hãy can đảm nhìn nhận sự yếu kém, những sai lầm làm đất nước tụt hậu hơn là vẫn cứ ca mãi bài “đảng lãnh đạo dân tộc đi từ tháng lợi này đến thắng lợi khác”!

Sau 40 năm chiến tranh, dân tộc Việt Nam xứng đáng được hưởng một thành quả tốt đẹp hơn ngày hôm nay nhiều lần. Chí ít cũng được như người Ba Lan, với đời sống ngày mỗi cao hơn, và quyền của con người được trân trọng bảo vệ.

Tôi chợt nhớ tới anh Nguyễn Lương Thuật, ở Seatlle, trung tá hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Tôi chơi thân với con trai anh. Có lần anh đã tâm sự với tôi rằng, anh là một người lái chiếc chiến hạm rời Sài Gòn vào chiều ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Anh đứng ngoảnh mặt nhìn vào bờ khi con tàu dần dần ra xa. Anh ngậm ngùi và nghĩ rằng, dù sao nữa cũng là ngày kết thúc cuộc chiến huynh đệ đẫm máu, đất nước thống nhất và anh thầm mong những người Cộng Sản sẽ cai quản đất nước tử tế, nhân dân Việt Nam sẽ có một cuộc sống tự do, an lành.

Anh Thuật từ ngày qua Mỹ không về Việt Nam. Anh mất năm 2007, mong ước giản đơn đầy tính nhân văn của anh không thành và anh mang nó theo xuống mồ vĩnh viễn.

Những người Cộng Sản Việt Nam đã không những không tử tế mà còn là những tên ăn cướp dối trá, tham lam và độc ác!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét