Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

Việt Nam: 20 cựu sĩ quan đòi Nhà nước minh bạch quan hệ với Trung Quốc


Trọng Thành



Hội kiến giữa các lãnh đạo Việt Nam (từ phải qua, các ông Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh) và Trung Quốc (từ trái qua, Lý Bằng, Giang Trạch Dân). Cuộc hội kiến trong ảnh được cho là diễn ra tại thành phố Thành Đô, Trung Quốc, năm 1990. (DR)


Ngày 02/09/2014, 20 cựu sĩ quan tướng lãnh quân đội và công an Việt Nam đã gửi một bản Kiến nghị đến các lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ yêu cầu Chủ tịch và Thủ tướng chính phủ không huy động quân đội và công an vào “bất cứ việc gì có hại cho Nhân dân”, làm rõ các khuất tất trong quan hệ với Trung Quốc, “khôi phục danh dự và quyền lợi đã bị lãng quên của các liệt sĩ và thương binh” trong các xung đột vũ trang với Trung Quốc.

RFI đặt câu hỏi với cựu Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang (Hà Nội), một trong những người ký tên vào bản kiến nghị này.

Kiến nghị đầu tiên của các thành viên lực lượng vũ trang

RFI: Thưa ông, trong Kiến nghị này các cựu sĩ quan Việt Nam muốn chuyển tới chính quyền thông điệp gì?

Ông Nguyễn Đăng Quang: Theo trí nhớ của tôi, đây là Kiến nghị đầu tiên của một số sĩ quan Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân gửi đến lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ liên quan đến các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp đối với hai lực lượng này. Trước đây, nhiều sĩ quan quân đội và công an có tham gia ký vào nhiều Kiến nghị, nhưng những Kiến nghị đó thuộc nhiều thể loại khác nhau. Còn đây là Kiến nghị riêng của các sĩ quan thuộc các lực lượng vũ trang, tức của quân đội và công an, đề cập đến các vấn đề cụ thể. Đây là Kiến nghị đầu tiên của chúng tôi, 20 sĩ quan tham gia ký, không ký chung với các vị ngoài lực lượng vũ trang.

RFI: Thưa Đại tá, vì sao lại cần đến một Kiến nghị riêng của các thành viên lực lượng vũ trang như vậy, trong khi những vấn đề được nói đến ở đây, về nguyên tắc, liên quan đến mọi công dân Việt Nam?

Ông Nguyễn Đăng Quang: Ngồi trao đổi với nhau, chúng tôi thấy cần phải có một Kiến nghị đi theo một chuyên đề, theo từng lĩnh vực. Chúng tôi trong lực lượng vũ trang thì có thể nắm vững hơn, hiểu biết sâu sắc hơn, những mục đích, nhiệm vụ chúng tôi được giao phó.

Kiến nghị đầu tiên của chúng tôi (trong bản Kiến nghị này) là chúng tôi muốn lực lượng vũ trang nói chung phải làm tròn nhiệm vụ mà Hiến pháp và pháp luật quy định.

Quân đội được giao phó nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, chống xâm lăng, thì chỉ được sử dụng quân đội vào mục đích đó mà Hiến pháp quy định, chứ không thể sử dụng vào các mục đích ngoài nhiệm vụ đó. Ví dụ như, không được huy động quân đội vào các vụ việc mang tính đối kháng với Nhân dân, chẳng hạn như vấn đề giải tỏa đất đai, hay ngăn chặn các cuộc biểu tình yêu nước ôn hòa của người dân.

Còn đối với công an, có nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp, pháp luật là bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội… Thì lực lượng công an được huy động vào những việc như thế. Nhưng trong vấn đề này, có những việc như giải tỏa đất đai chẳng hạn, lực lượng công an được sử dụng vào việc này, nhưng phải phân biệt cho thật rạch ròi, tức là công an được phái đến để bảo đảm trật tự cho việc thu hồi đất đai, chứ chiến sĩ công an không phải là người trực tiếp để vào làm những động tác hay hành động thu hồi, giải tỏa.

RFI: Trong ý thứ hai của Kiến nghị có nhận xét chính quyền “cố tình phớt lờ” cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979 và một số cuộc chiến khác tại các vùng biển đảo. Thực tế trong ít năm gần đây, có hiện tượng chính quyền một số địa phương quan tâm đến việc thăm hỏi, quà cáp, hay đãi ngộ đối với một số gia đình tử sĩ và cựu chiến binh. Vậy ông nghĩ như thế nào về điều này?

Ông Nguyễn Đăng Quang: Chúng tôi cũng ghi nhận trong hai, ba năm gần đây, Nhà nước ở trung ương, cũng như chính quyền ở một số địa phương có những việc làm cụ thể để ghi nhận công lao và thành tích của những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, cũng như các thương binh, gia đình liệt sĩ có công trong cuộc chiến tranh này. Chúng tôi ghi nhận điều đó, nhưng chúng tôi thấy điều đó chưa đủ. Cuộc chiến tranh 1979 cho đến bây giờ vẫn chưa được Nhà nước tổng kết như là các cuộc chiến tranh khác. Và Nhà nước chưa có chính sách công khai, đầy đủ với những người đã ngã xuống, gia đình những người có con em hy sinh hoặc bị thương tật trong cuộc chiến tranh này. Cho nên đây là một việc mà Nhà nước cần công khai làm rõ.

Nhà nước Việt Nam vẫn chưa nhìn nhận chiến tranh với Trung Quốc như các cuộc chiến khác

Thứ nhất phải tổng kết đầy đủ, thứ hai, đối với học sinh phổ thông phải nói rõ đây là cuộc chiến tranh chống xâm lăng bảo vệ biên giới, bảo vệ Tổ quốc ở phía Bắc. Trước kia, kể từ năm 1979 đến 1989, trong 10 năm sau chiến tranh, Nhà nước tổ chức rất đàng hoàng các cuộc mít tinh kỷ niệm cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc, để Nhân dân được biết. Nhưng từ năm 1990, tức sau Hội nghị Thành Đô, thì cuộc chiến tranh này đã bị lãng quên, thậm chí hoạt động kỷ niệm của người dân bình thường để tưởng nhớ đến cuộc chiến tranh này, thì cũng không được hoan nghênh, hoặc là bị ngăn cản, bị trấn áp, hạn chế.

Về mặt chính thức, theo chúng tôi, Nhà nước phải có đối xử với cuộc chiến tranh này giống như hai cuộc chiến chống Pháp, Mỹ trước đây.

RFI: Xin Đại tá cho biết ông suy nghĩ như thế nào về những điều tồn nghi, hay còn nằm trong vùng tối của lịch sử liên quan đến cuộc chiến tranh biên giới kéo dài ở phía Bắc, hay xung đột tại quần đảo Trường Sa năm 1988 (các binh sĩ Việt Nam gần như không vũ khí được đưa ra đối mặt với đối phương với vũ trang hùng hậu)?

Ông Nguyễn Đăng Quang: Đối với cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979 nổ ra dồn dập hơn 1 tháng. Quân đội Trung Quốc rút đi rồi thì không phải là kết thúc. Có những trận chiến tại điểm cao 1509 (tỉnh Hà Giang trước đây), mà Trung Quốc gọi là Lão Sơn, thì diễn ra tới cả năm 1984. Những cuộc chiến sau tháng 2/1979, thì nên gặp hỏi Thiếu tướng Lê Duy Mật, lúc đó ông là Tư lệnh phó, kiêm Tham mưu trưởng Mặt trận Hà Giang, là người trong cuộc hiểu rõ nhất. Trung Quốc đã xâm lược, chiếm lĩnh được một diện tích tương đối lớn, hàng mấy trăm km² đất của Việt Nam. Hiện nay, nhiều sĩ quan quân đội nói với tôi là có hàng ngàn chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam hy sinh còn nằm trên đất Trung Quốc hiện nay, mà mình chưa đưa về được.

Hàng ngàn thi hài bên kia biên giới và những người tay không "bảo vệ" đảo

Còn cuộc chiến trên biển đảo tại đảo Gạc Ma năm 1988. Tại đảo chìm này lúc đó có một đại đội công binh thực hiện việc xây dựng, chỉ được trang bị các vũ khí nhẹ. Trước một lực lượng rất hùng hậu của hải quân Trung Quốc, cấp trên ra lệnh không được nổ súng, sợ “mắc mưu địch”. Với hỏa lực như thế, mình không đủ sức chống chọi, gần 100 người hy sinh. Và sau đó, Việt Nam mất đảo Gạc Ma về tay Trung Quốc. Bây giờ Trung Quốc đổ đất đá để đảo này nổi lên để biến nơi này thành một căn cứ quân sự tại quần đảo Trường Sa.

RFI: Có thể nói là lãnh đạo Việt Nam lúc đó đã không có chiến lược để bảo vệ đảo này?

Ông Nguyễn Đăng Quang: Nói như thế cũng có thể đúng.

RFI: Liên quan đến vấn đề Hội nghị Thành Đô, trong khi chờ đợi câu trả lời rõ ràng từ phía các lãnh đạo Việt Nam, xin ông cho biết quan niệm của ông: Liệu có những bằng chứng nào cho thấy một thỏa thuận như vậy là có thật?

Ông Nguyễn Đăng Quang: Hội nghị Thành Đô diễn ra cách đây 24 năm rồi. Nhưng nội dung của thỏa thuận Hội nghị Thành Đô mà hai bên ký kết cho đến nay vẫn nằm trong vòng bí mật, tức là cả hai bên chưa bên nào công khai hóa.

Nhưng qua thực tiễn, xã hội có thể thấy rõ, từ năm 1990, sau khi có thỏa thuận Thành Đô, thì Nhà nước, chính quyền không nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nữa. Đấy là điều rõ ràng nhất. Còn cái tin của Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc, và có người nói cả Tân Hoa Xã cũng nói rằng trong Hội nghị Thành Đô này, Việt Nam mong muốn trở thành một khu tự trị của chính quyền trung ương Bắc Kinh, như Trung Quốc đã dành cho Tây Tạng, Nội Mông hay Quảng Tây của Trung Quốc…

"Thỏa thuận Thành Đô": Âm mưu chia rẽ của truyền thông Trung Quốc?

Về chuyện này, cá nhân tôi, tôi không tin là có thật. Tôi không tin là lãnh đạo Việt Nam thời đó đã làm một việc như thế này. Họ bịa ra thông tin này, để phân hóa, chia rẽ nội bộ Việt Nam. Như trong Kiến nghị nói: “Chúng tôi không biết thật giả thế nào, yêu cầu Chủ tịch và Thủ tướng cho chúng tôi và nhân dân biết rõ”.

Tôi cho rằng đây là một việc làm rất cần thiết, vì qua việc này, mình có thể phủ nhận thông tin mà phía Trung Quốc, cụ thể là tờ Hoàn Cầu thời báo tung lên. Cho nên, tôi hy vọng rằng lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ nên lấy dịp này để chính thức phủ nhận thông tin của Hoàn Cầu thời báo và Tân Hoa Xã.

RFI: Trong công luận, về thỏa thuận tại Hội nghị Thành Đô, mọi người thường nghe nói đến Hồi ký của Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ, hay quan điểm của cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch về “một thời kỳ Bắc thuộc mới”, các cựu sĩ quan nghĩ như thế nào về nhận định của các lãnh đạo ngoại giao Việt Nam thời đó, thưa Đại tá?

Ông Nguyễn Đăng Quang: Câu đánh giá, nhận xét của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch về kết quả hội nghị Thành Đô, tức là câu “Thế là một thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu”, mà người ta cho rằng đây là câu nói của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, thì thực ra cho đến nay, cá nhân tôi cũng như nhiều người khác thấy rằng chưa thấy có đủ cơ sở để chứng minh. Ngoại trưởng nói với ai, cụ thể như thế nào, chưa có tài liệu nào xác nhận điều này cả. Nhưng nếu Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch có nhận định như thế, thì tôi tin trong Hồi ký của ông, chắc chắn sẽ đề cập đến vấn đề này, khẳng định vấn đề này. Còn Hồi ký của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đến khi nào sẽ công bố, tôi cũng không biết được có công bố hay không, và nếu có thì khi nào. Điều đó thuộc về gia đình quyết định.

RFI: Kiến nghị này, thưa ông, đã nhận được phản hồi gì chưa?

Ông Nguyễn Đăng Quang: Kiến nghị này được gửi đi từ ngày 02/09. Bản thân tôi cũng như các vị khác ký Kiến nghị này nhận được rất nhiều điện thoại, thư từ email hoặc tin nhắn, của nhiều người trong công an và quân đội, bạn bè trên toàn quốc, và cả ở nước ngoài, tỏ sự hưởng ứng, ủng hộ, đồng tình với Kiến nghị rất cao. Nhiều người còn đề nghị cho họ tham gia việc ký tên. Nhưng chúng tôi trả lời là Kiến nghị đã được gửi bằng đường chuyển phát nhanh cho Chủ tịch Nước và Thủ tướng chính phủ rồi. Bây giờ chúng tôi không chủ trương lấy chữ ký nữa. Còn việc hưởng ứng đồng tình với Kiến nghị, thì các vị cứ thể hiện trên phương tiện thông tin đại chúng. Điều đó chúng tôi rất hoan nghênh.

Đối với nơi nhận, tức Chủ tịch nước và Thủ tướng, thì chúng tôi chưa nhận được hồi âm. Trong một hai tuần nữa, hy vọng sẽ có hồi âm.

Ảo tưởng chung ý thức hệ

Về đất nước, chúng tôi có nhiều trăn trở lắm. Hiện nay, nhiều người có xu hướng (nghĩ rằng) các quốc gia có cùng ý thức hệ với nhau, thì không có khả năng xẩy ra chiến tranh, nhưng thực tế lịch sử có nhiều việc phủ nhận suy nghĩ này. Chiến tranh biên giới Trung – Xô năm 1969 rất lớn. Rồi chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, rồi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, Trung Quốc cũng mượn tay Khmer Đỏ gây hấn với Việt Nam, và có ý đồ sử dụng lực lượng này làm suy yếu Việt Nam, gây nên đại diệt chủng. Những ai còn hy vọng là cùng một ý thức hệ, sẽ nhân nhượng nhau, hòa hoãn với nhau không để xảy ra chiến tranh, thì tôi cho đó là ảo tưởng.

RFI: Xin chân thành cảm ơn Đại tá Nguyễn Đăng Quang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét