Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Mỹ sắp bán máy bay săn tàu ngầm cho Việt Nam

Bộ Quốc Phòng Mỹ đang tiến gần đến quyết định nới lỏng cấm vận bán võ khí sát thương cho Việt Nam mà có thể khởi đầu với một số máy bay săn tàu ngầm Orion P-3.


Một máy bay tuần tra Orion P-3 của quân đội Úc đang tìm kiếm chiếc máy bay MH370 của Mã Lai mất tích hồi Tháng Tư vừa qua. (Hình: RICHARD WAINWRIGHT/AFP/Getty Images)

Việt Nam đối diện với tham vọng bá quyền bành trướng của Trung Quốc muốn nuốt trọn Biển Đông nên cần tăng cường khả năng phòng vệ nhiều hơn nữa cho hải quân dù chỉ ở tầm vóc răn đe.

Một số viên chức cao cấp trong chính phủ không được hãng thông tấn Reuters nêu tên cho hay Hoa Thịnh Đốn muốn yểm trợ cho Việt Nam bằng cách giúp cải tiến khả năng tuần tra và phòng vệ duyên hải. Bởi vậy, một trong những thứ võ khí đầu tiên Hoa Kỳ bán cho Việt Nam có thể là một số máy bay tuần tra biển, săn tàu ngầm, nhưng không bán võ khí kèm theo, Orion P-3.

Loại máy bay này sẽ cho phép Việt Nam theo dõi các hoạt động lấn tới của Trung Quốc trên Biển Đông, khu vực đang có nguy cơ xung đột vì tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước trong khu vực.

Hai viên chức cao cấp trong chính phủ Obama, theo Reuters, cho hay các cuộc thảo luận nới lỏng cấm vận võ khí sát thương đang diễn ra ở Hoa Thịnh Đốn và có thể dẫn đến quyết định vào những tháng cuối năm nay.

“Thái độ đang thay đổi, và đấy là cái (nới lỏng cấm vận) chúng tôi đang cân nhắc nghiêm chỉnh”. Một trong hai viên chức giấu tên nói trên cho biết. “Hiện chúng tôi đang có một đối tác mà lợi ích của cả hai bên đều hội tụ lại với nhau.”

Mong muốn quan hệ mật thiết hơn với Việt Nam, dù vẫn quan ngại về 'thành tích nhân quyền' của Việt Nam, nằm trong chiến lược của tổng thống Obama muốn chú trọng trở lại về kinh tế, chính trị và quân sự với Á Châu. Hành động nới lỏng cấm vận diễn tiến theo sau hai thập niên thiết lập quan hệ ngoại giao mà những dấu hiệu gần đây là một số cuộc họp cấp cao về cả ngoại giao và quân sự những tháng gần đây.

Hai giám đốc cấp cao trong kỹ nghệ võ khí Hoa Kỳ nói với thông tấn Reuters rằng họ dự trù chính phủ Hoa Thịnh Đốn sẽ gỡ bỏ cấm vận võ khí với Việt Nam không bao nhiêu lâu nữa.

“Đã từng có nhiều cuộc thảo luận về bán võ khí cho Việt Nam. Điều này là lãnh vực đầy hứa hẹn cho chúng tôi.” Một trong hai người đó nói, yêu cầu được giấu tên vì không được phép bình luận công khai.

Bộ Ngoại Giao CSVN không đưa ra ngay một lời bình luận nào, theo Reuters.

Sự yếu kém quân sự của Việt Nam so với Trung Quốc nhìn thấy rõ rệt hồi Tháng 5 vừa qua khi Bắc Kinh ngang nhiên đem giàn khoan khổng lồ HD 981 tới vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Lực lượng tàu tuần của Việt Nam vừa ít vừa nhỏ bé so với Trung Quốc nên chỉ chạy vòng vòng ngoài xa cả chục hải lý. Một số tàu kiểm ngư hay cảnh sát biển của Việt Nam còn bị tàu Trung Quốc đâm nát để cảnh cáo.

Tuy Việt Nam dành ra nhiều tỉ đô la hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là không quân và hải quân, khả năng giám sát, bảo vệ không hải phận vẫn rất giới hạn.

Nghị sĩ John McCain, cựu tù nhân chiến tranh bị CSVN cầm tù tại Hòa Lò Hà Nội, cổ võ nối lại bang giao với nước cựu thù hồi thập niên 1990. Ông cho hay sắp đưa ra một đề nghị lưỡng đảng gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam.

Ông McCain là một trong số 4 nghị sĩ đã gặp các lãnh tụ Hà nội , bàn chuyện gỡ bỏ cấm vận hồi mùa hè vừa qua, cái lúc mà mối quan hệ giữa hai nước Cộng sản anh em Việt – Trung xuống tới mức thấp nhất trong mấy thập niên gần đây.

Trong Tháng 8 vừa qua, 6 ngày sau khi phái đoàn nghị sĩ McCain rời Việt Nam, Chủ tịch Liên quân Hoa Kỳ, đại tướng Martin Dempsey, được Hà Nội trải thảm đỏ đón rước long trọng. Ông là vị tướng cao cấp nhất của Hoa Kỳ đặt chân đến Việt Nam kể từ năm 1971 đến nay.

Tuần trước, đô đốc Nguyễn Văn Hiến, tư lệnh Hải quân CSVN, lặng lẽ tới Mỹ. Không biết chuyến đi âm thầm của ông bao gồm những gì nhưng theo Reuters, có chuyện thảo luận với Bộ trưởng hải quân Ray Mabus về diễn tập hải quân hỗn hợp.

Tin gần đây cho biết Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao CSVN Phạm Bình Minh sẽ đến Mỹ vào đầu tháng 10 tới để thảo luận với Ngoại trưởng John Kerry, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel dự trù sẽ tới Việt Nam trước cuối năm nay.

Việt Nam nhiều phần sẽ không nghiêng quá lố về phía quỹ đạo Mỹ. Ngay sau các cuộc gặp gỡ một số viên chức quân sự và dân sự Mỹ, Hà Nội đã phải vội vàng cử Lê Hồng Anh, thường trực ban bí thư Bộ Chính Trị CSVN tới Bắc Kinh với những lời xin lỗi về các vụ bạo động chống xí nghiệp Trung Quốc ở Bình Dương, Biên Hòa và Hà Tĩnh đồng thời cam kết “tăng cường hợp tác, duy trì quan hệ phát triển lành mạnh”.

Daniel Russel, Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương lưu ý rằng không nên nói quá đáng về sự quan hệ xích lại giữa Mỹ và Việt Nam.

“Tôi không tin rằng Việt Nam muốn đánh đổi mối quan hệ lâu dài với Trung Quốc giữa hai đảng Cộng Sản, mặc dù có chen vào giữa một vài cuộc chiến tranh khá ác liệt, để đổi lấy một quan hệ đặc quyền hay đồng minh với Mỹ.” Ông Russel nói với Reuters.

Theo ý kiến của ông Russel, vị trí chiến lược của Việt Nam là lý do tốt để hợp tác chặt chẽ hơn với Hà Nội. Ông nói thêm rằng nới lỏng cấm vận bán võ khí sát thương “không phải là một điều dở”.

“Chúng tôi sẵn sàng và coi như nằm trong lợi ích của chúng ta để giúp những nước như Việt Nam phát triển lãnh vực cảnh báo trên biển cũng như khả năng hải quân của họ, và hy vọng sẽ có nhiều thứ nữa được đề cập.” Ông nói.

Từ nhiều năm nay, đặc biệt mấy năm gần đây, Việt Nam là một trong những khách hàng mua sắm nhiều võ khí nhất của Nga, vốn nước đàn anh của CSVN thời chiến tranh lạnh. Hà Nội đã tiếp nhận từ Nga 2 tàu ngầm lớp Kilo và sẽ nhận chiếc thứ ba vào cuối năm nay. Ba chiếc còn lại sẽ nhận trong hai năm tới. CSVN cũng mua một số tàu tuần duyên và hộ tống hạm, phần lớn cũng từ Nga. Tất cả thương vụ mua sắm này lên khoảng $2.6 tỉ.

Nhưng khả năng tuần tra biển từ trên không và khả năng chống tàu ngầm thì các máy bay Orion P-3 nếu có được sẽ giúp Việt Nam lấp được cái lỗ hổng đang còn bỏ ngỏ.

Hiện có tới 435 chiếc P-3 do công ty Lockeed Martin sản xuất phục vụ trong quân đội của 21 nước trên thế giới, theo trang nhà của công ty. Hiện Hải quân Hoa Kỳ đang thay thế dần dần các chiếc P-3 bán phản lực với các máy bay phản lực Poseidon P-8 tối tân hơn do hãng Boeing sản xuất.

Hồi tháng Tư vừa qua, một viên giám đốc hãng Lockeed tiết lộ với tạp chí thông tin Quốc phòng quốc tế IHS Jane rằng Việt Nam đề nghị mua 6 chiếc P-3 đã qua sử dụng, và có vẻ như đang có những hậu thuẫn trong chính phủ Mỹ cho việc này.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ chối cho hay liệu Việt Nam đã nộp thư chính thức đề nghị xin mua máy bay nói trên hay chưa. Một nguồn tin thân cận với vấn đề này nói rằng các giới chức đang trong tiến trình nghiên cứu quyết định trước khi một thứ thư xin mua có thể được đệ nạp.

Một nguồn tin nói rằng nhiều viên chức trong chính phủ coi việc bán trang bị tuần tra biển là bước khởi đầu tốt cho mối bang giao mới giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, trong đó, Orion P-3 là sự “lựa chọn hợp lý”. Nếu được võ trang đầy đủ, nó có thể mang nhiều loại hỏa tiễn, bom, mìn tấn công tàu ngầm và các mục tiêu trên biển. (TN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét