Viết Lê Quân
Tuần trước, phản hồi trước dư luận về khả năng “cuối năm Mỹ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam”, Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear, khẳng định các cuộc đối thoại về việc nới lỏng cấm vận võ khí sát thương cho Việt Nam đang tiếp diễn, chưa có quyết định chung cuộc.
Song bình luận thật sự chua chát và đáng thất vọng hơn của Đô đốc Locklear là “việc này phần lớn phụ thuộc vào Việt Nam muốn gì vì họ có nhiều đối tác, nhiều láng giềng, cũng như nhiều mối quan ngại về an ninh”.
Kết quả hơn 10 năm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước” cùng hàng chục đối tác chiến lược của quốc gia này đã chỉ được đúc rút thành lời mỉa mai không thèm che đậy của chính giới quốc tế.
Lạm phát!
Theo tổng kết của giới học giả về quan hệ quốc tế, từ năm 2001 đến nay, Việt Nam đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Liên bang Nga (2001), Nhật Bản (2006), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Hàn Quốc, Tây Ban Nha (2009), Vương quốc Anh (2010), Đức (2011) và Ý (2013). Trong số này, một số mối quan hệ như với Trung Quốc và LB Nga đã được nâng lên tầm “đối tác chiến lược toàn diện”. Ngoài ra, từ năm 2009, Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ “đối tác toàn diện” với Australia.
Chưa dừng lại ở đó, trong chuyến thăm năm 2013 tới Pháp của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, phía Việt Nam cũng mong ngóng hai nước “sẽ sớm nâng quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược”. Một số tin tức khác cho biết Việt Nam cũng có ý định tương tự với Mỹ và một vài quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Cũng theo đánh giá của giới học giả quốc tế, mặc dù đã có tới 10 mối quan hệ đối tác chiến lược được thành lập trong vòng hơn 10 năm qua, nhưng cho tới lúc này dường như các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Việt Nam vẫn chưa đưa ra được một định nghĩa rõ ràng cho khái niệm này, đặc biệt là nội hàm của nó.
Nếu nhìn vào danh sách các đối tác chiến lược mà Việt Nam đã thiết lập, có thể thấy có một số quốc gia mà tầm ảnh hưởng của họ đối với an ninh, thịnh vượng và vị thế quốc tế của Việt Nam chưa đạt đến mức quan trọng, chưa nói đến mức “quan trọng chiến lược”.
Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến Tây Ban Nha. Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nước này hết sức thiếu thuyết phục. Tây Ban Nha hầu như không có ảnh hưởng gì tới an ninh, quốc phòng của Việt Nam, vị thế quốc tế của Tây Ban Nha cũng hạn chế hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia khác và ít có khả năng giúp đỡ Việt Nam nâng cao vị thế của mình.
Quả báo!
Một học giả nhận định, việc xác lập các mối quan hệ đối tác chiến lược tràn lan có thể gây ra một số hệ quả tiêu cực chính như sau:
Thứ nhất, khi có quá nhiều các mối quan hệ đối tác chiến lược thì bản thân các mối quan hệ đó không còn thực sự là “chiến lược” nữa. Việc đưa ra khái niệm “đối tác chiến lược” như là một từ khóa quan trọng trong tư duy đối ngoại Việt Nam hiện nay cũng vì vậy mà không còn ý nghĩa.
Thứ hai, khi đánh đồng các mối quan hệ thực sự là “chiến lược” với các mối quan hệ dưới chuẩn sẽ khiến các quốc gia thực sự quan trọng đối với Việt Nam không còn mặn mà với ý tưởng trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam, hoặc nếu đã trở thành thì sẽ giảm hứng thú trong việc duy trì sự phát triển thường xuyên mối quan hệ đó bởi họ nhận ra rằng Việt Nam không thực sự coi trọng họ như họ từng nghĩ.
Thứ ba, khi có quá nhiều mối quan hệ đối tác chiến lược, Việt Nam sẽ bị phân tán nguồn lực và khó có thể tập trung đầu tư thúc đẩy những mối quan hệ thực sự quan trọng nhất đối với mình.
Thứ tư, việc không có một định hướng, chính sách rõ ràng cho việc thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược cho thấy điểm yếu trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam, gây ảnh hưởng tới định hướng đối ngoại lâu dài của đất nước.
Động cơ thỏa hiệp vô cùng tận về bạn bè rút cục sẽ chẳng mang lại một người bạn thực sự nào.
Cho tới lúc này, có thể không quá hồ đồ để sơ kết rằng Nhà nước Việt Nam còn chưa thật sự hiểu họ muốn gì trong phong trào thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Đặc biệt nhất, đối tác chiến lược toàn diện tưởng như lớn lao và bền vững nhất với Trung Quốc lại đã bị đáp trả bằng hình ảnh Bắc thuộc Biển Đông của giàn khoan HD981, trong lúc hầu hết các “đối tác chiến lược” khác đều thờ ơ hoặc quay lưng với Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét