Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Trần Xuân Bách: Chủ nghĩa xã hội thật sự là gì?


KD: Bất ngờ, bạn bè iu quí gửi cho bài viết này. Duyên phận của con trai mình khiến gia đình mình trở thành thông gia với gia đình anh Trần Xuân Bách, khi đó, anh TXB còn sống. Và khi đó, mình cũng thấy hết nỗi cô đơn của người “ngã ngựa” trên chính trường ra sao. Nhưng đó là nhân cách sống của anh TXB, chấp nhận sự hy sinh quyền lực, để bảo vệ quan điểm, lập trường của mình, như bảo vệ chân lý, khi bản thân anh nhận thức như thế. Một tầm nhìn mà rồi đây lịch sử sẽ phải đánh giá.

Và mình thực sự khâm phục chị Thịnh- vợ anh TXB, nhân vật mà Osin Huy Đức đã viết trong Bên thắng cuộc.Một người đàn bà hết lòng vì chồng, khi chồng gặp họa, rủi ro. Sống cho chồng đến như vậy, là trọn vẹn.

Gia đình mình rất thương anh TXB, khi đó đã có lúc nhớ lúc quên. Thương nhất, và xót xa nhất, là những lúc nếu nhắc đến HCM, là anh TXB như linh hoạt trở lại, đôi mắt bỗng sáng rưc lạ thường. Có lần mình đang ngồi chơi anh TXB mời: Sang đây, sang đây nhé! Bọn mình sang phòng riêng của anh. Và mình không tin vào mắt mình. Ảnh cụ HCM được anh “lồng” vào những giấy bóng kính, rất trang trọng. Đủ các kiểu ảnh.Và anh giới thiệu từng bức.

Trong lòng mình bỗng có gì như niềm thương xót, một con người sống cũng đầy lý tưởng cho dân, cho nước, và rất liêm chính. Con trai mình thỉnh thoảng đùa mà thật: Ba Bách thì chẳng bao giờ có tiền trong túi, và không biết tiêu tiền. Món ăn Ba Bách thích nhất là thịt kho tàu, rau muống luộc và chuối tiêu, mẹ ạ.

Cũng rất thương, các con mình sống trong sáng, hồn nhiên, nhìn nhận đúng sai của XH rất công tâm, công bằng. Và bao giờ cũng nhìn ra những mặt tích cực. Mình thương các con lắm!

Nay, đọc bài viết của anh TXB. Mình xin đưa lên Blog để bạn đọc chia sẻ. Tin chắc, ở nơi xa lắm, anh TXB vẫn mỉm cười, tin là anh nhận thức đúng..

Gs Pham Gia Khải :

Ông Trần Xuân Bách nói nửa đùa, nửa thật với chúng tôi, nhân một lần xuống viện Lão khoa tại Bệnh viện Bạch Mai để khám bệnh: "Tôi bị thoái hóa cột sống lại nặng tai, nên không nghe người ta nói gì, cổ lại cứng, không cúi được.”

Bà Thịnh, phu nhân của ông, trẻ hơn ông nhiều, nhưng không phải vì chênh lệch lứa tuổi mà thái độ của bà khác đi sau khi ông bị mất chức. Tôi đã thấy nhiều buổi, bà chăm sóc chồng ở BV Hữu nghị và cảm nhận được điều đó.

Lãnh đạo Đảng ta, đã phục hồi vị thế ông Trần Xuân Bách sau khi ông chết, và ông được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch. Nếu chịu nghe ông và không bị giáo điều làm hốt hoảng, có thể đã có đa nguyên, chưa nói tới đa Đảng, sự chọn lựa người xứng đáng vào các vị trí then chốt sẽ khách quan hơn.

Riêng về quan điểm có hay không đa nguyên, đa Đảng? Tôi xin lấy một ví dụ về ông Washington : Washington tuy có đủ tiêu chuẩn để tái ứng cử lần nữa, nhưng ông từ chối và dành vị trí ứng cử viên Tổng thống cho ông Jefferson, người đã thảo ra Tuyên ngôn nhân quyền và quyền con người và công dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng những ý chính này trong Tuyên ngôn Độc lập đọc ngày 2/9/1945, động tác khẳng khái của ông Washington là tiền đề cho dân chủ của nước Mỹ như biểu ngữ của thanh niên Mỹ ngày vận động bầu cử tổng thống cho Obama : "Change we need!"

Không có thay đổi theo hoàn cảnh là thái độ cứng đơ như xác chết, không phải là trung thành với dân, có lẽ với quyền lợi ích kỷ của mình thôi.

Talawas: Ông Trần Xuân Bách, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng trong giai đoạn 1986-1990, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới đứng trước những biến đổi nền tảng và cuối cùng tan vỡ, là một trong những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam công khai đưa ra sớm nhất yêu cầu về đa nguyên chính trị, về cải tổ chính trị song song với cải cách kinh tế, nhưng không tìm được sự ủng hộ trong Đảng và buộc phải nghỉ hưu từ tháng 8.1990. Ngày 01.01.2006, ông qua đời tại Hà Nội, thọ 83 tuổi, tang lễ đã được cử hành ngày 07.01.2006. Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu một bài phát biểu cuối năm 1989 của ông về chủ nghĩa xã hội. Ở thời điểm này, bức tường Berlin đã sụp đổ.

Chủ nghĩa xã hội thế giới đang đứng trước những thử thách lớn

Một điểm rất thống nhất của toàn xã hội, toàn thể nhân dân hiện nay là trăn trở với tình hình trên thế giới và trong nước. Muốn đưa dân tộc ta tiến lên. Trong Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu ta bình chân như vại trước tình hình hiện nay là thiếu trách nhiệm.

Chủ nghĩa xã hội trên thế giới đang đứng trước những thử thách lớn và những triển vọng lớn. Do từ những thử thách của thời đại và những triển vọng lớn cũng là do thời đại. Tất cả các dân tộc đều trong hoàn cảnh bức xức, cả chủ nghĩa tư bản, cả chủ nghĩa xã hội, cả loài người đều như vậy. Có hai lý do của sự bức xúc:
Chỉ còn 10 năm nữa là bước sang thế kỷ XXI, dân tộc nào bị tụt hậu vào giữa thế kỷ XXI là nguy hiểm vô cùng, vì đây là thời đại của cách mạng khoa học kỹ thuật, của bùng nổ thông tin và giao lưu quốc tế.

Xử lý vấn đề này không thể một nhóm, một người nào làm được. Cả dân tộc phải chuẩn bị và làm công việc này.
Diễn biến chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa đang căng thẳng, phức tạp và dây chuyền. Vì sao có tính dây chuyền? Vì ta ở trong thời đại thông tin, không thể bưng bít thông tin được. Ai bưng bít thông tin là lạc hậu nhất. Phải cung cấp thông tin đầy đủ để người ta lựa chọn.

Không thể nghĩ rằng ở châu Âu thì sôi sục, còn châu Á thì ổn định. Không thể chủ quan cho mình là ổn định. Tất cả các nước xã hội chủ nghĩa đều nằm trong sự vận động để tiến lên, đều có những mâu thuẫn lớn, đều phải phá vỡ sức đè nén của những cái cũ, không anh nào có thể yên trí mình ổn định được. Có khi tuần này còn huênh hoang, tuần sau đã bị đảo lộn.

Tình hình chung hiện nay là biểu hiện của tư duy khoa học đang lấn át tư duy giáo điều, tư duy khoa học đang thay thế tư duy giáo điều. Lịch sử đang thay đổi mạnh. Mác trao cho chúng ta vũ khí biện chứng duy vật và biện chứng lịch sử, chớ không phải trao ta Kinh Thánh! Việc vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản phải căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử đương thời như Mác nói.

Mác sống thời chủ nghĩa tư bản cổ điển, ngày nay là chủ nghĩa tư bản hiện đại, có nhiều cái khác với thời Mác. Ngay thời Lê-nin, khi đề ra chính sách kinh tế mới (NEP), cũng đã đổi khác với những dự báo của Mác rồi.
Phải có tư duy khoa học. Tụng từng câu „Kinh Thánh“ trong sách Mác không bảo vệ được chủ nghĩa Mác đâu. Ngay cả về chủ nghĩa xã hội hiện nay đang có những cuộc tranh luận để hiểu nó thế nào cho đúng. Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là đi tới một xã hội, trong đó sự phát triển toàn diện của mọi người là điều kiện cho sự phát triển toàn diện của xã hội [1] như Mác và Ănghen nói trong „Tuyên ngôn Cộng sản“. Còn cụ thể như thế nào thì ta phải tìm. Trong Hội nghị Trung ương lần thứ 7, có thảo luận một vấn đề thú vị: Ban Văn hoá Tư tưởng đề nghị nêu những thuộc tính của chủ nghĩa xã hội, nhưng bị bác bỏ.

Ta phải nhận lỗi trước Mác vì đã làm méo mó chủ nghĩa Mác
Cho đến nay ta thấy có nhiều kiểu chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa xã hội kiểu Staline, chủ nghĩa xã hội kiểu Mao Trạch Đông, kiểu Pôn Pốt. Bây giờ đang có nhiều ý kiến khác nhau về chủ nghĩa xã hội. Những dòng ý kiến khác nhau là quá trình trưởng thành, không sợ gì cả. Ở Liên Xô, người ta đang tranh luận Liên Xô ở vào thời kỳ nào của chủ nghĩa xã hội, và khái niệm chủ nghĩa xã hội phát triển bị bác bỏ vì nó được dùng để che đậy cho tình trạng trì trệ. Ta phải nhận lỗi trước Mác vì đã làm méo mó chủ nghĩa Mác. Ta đã chọn một mô hình, mà mô hình đó là sự lai ghép chủ nghĩa xã hội phương Tây với chủ nghĩa xã hội phương Đông. Bây giờ ta phải gỡ ra khỏi hai thứ giáo điều ấy.

Phải tiếp tục hoàn thiện tư duy khoa học của Đại hội 6
Vấn đề của mọi vấn đề hiện nay là tư duy khoa học. Đại hội 6 đã khởi động theo hướng này và phải tiếp tục hoàn thiện thêm. Đại hội 6 đúc kết bốn bài học có tính lý luận, tuy mới ở dạng sơ chế, lấy dân làm gốc, nắm vững quy luật khách quan, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Đảng phải ngang tầm nhiệm vụ lịch sử. Bản thân Đảng phải trở thành trí tuệ tiên phong của cả dân tộc, muốn thế phải có lý luận tiên phong.
Những gì đang diễn ra ở thế giới chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan, là sự phát triển tiến bộ, là thời kỳ thai nghén chủ nghĩa xã hội đích thực (dân chủ, khoa học,nhân đạo, hiện đại).
Hai xu thế chủ yếu chuyển sang kinh tế hàng hóa và dân chủ hóa xã hội chủ nghĩa, đó cũng là hai cái mà Đại hội 6 khởi động.

Dân chủ không phải là ban ơn

Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ (mở rộng). Đó là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là ban phát, do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia. Thực chất của dân chủ hóa là khơi động trí tuệ của toàn dân tộc để tháo gỡ khó khăn và đưa đất nước đi lên kịp thời đại.
Từ hai vấn đề đó, xẩy ra một vấn đề quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là thế nào? Có nước tự cho mình không cần đổi mới, đã bị bục vỡ. Có nước coi đổi mới kinh tế phải làm nhanh, còn đổi mới chính trị thì chầm chậm cũng bục chuyện. Có nước chỉ đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị, đã bục to. Có nước làm cả hai, nhưng không nhịp nhàng, gặp khó khăn. Hai lãnh vực này phải nhịp nhàng, không chân trước chân sau, không tấp tểnh đi một chân.
Từ nay đến hết thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội thế giới sẽ hoàn thiện và trưởng thành một bước lớn. Trong quá trình biến động này, mất đi cái gì? Mất chủ nghĩa xã hội kiểu quan liêu–hành chánh, bao cấp, mất tư duy giáo điều. Và như thế là đúng lý luận của Mác, là phủ định của phủ định.
Đây là thời kỳ thai nghén chủ nghĩa xã hội đích thực. Phải có bà đỡ là dân chủ xã hội chủ nghĩa. Có bà đỡ khéo tay, có bà đỡ vụng tay, nhưng phải có bà đỡ.

Cần phải khách quan, bình tĩnh và đổi mới

Ở Trung Quốc, Giang Trạch Dân đọc diễn văn coi là đã giải quyết được cơ bản vấn đề ăn no mặc ấm. Tôi rất nghi ngờ điều đó, Giang lại nêu lên độc lập tự chủ, tự lực cánh sinh, kế hoạch hóa tập trung và tư tưởng Mao Trạch Đông. Cuộc cải cách của Trung quốc như vậy là đi theo chu kỳ vòng tròn, không phải theo đường xoáy trôn ốc. Sau vụ đàn áp Thiên An Môn, Trung Quốc không tuyên truyền về cải tổ ở Liên Xô nữa. 


Ở Liên Xô, Gocbachốp coi cải tổ là cuộc cách mạng với các thành phần và các nhân tố khác nhau, đan xen nhau, thống nhất với nhau và độ dài của cải tổ có thể là hàng chục năm. Đồng chí Gocbachốp nêu lên ba vấn đề chính của cải tổ dân chủ hóa, hạch toán kinh tế và cải tổ Đảng, cải tổ để có chủ nghĩa xã hội nhiều hơn. Đặt vấn đề như vậy là đúng chứ không sai. Kinh tế Liên Xô năm 1989 phát triển chậm. Nhưng theo Rưgiơcốp, mặc dù căng thẳng, song không thể quay lại con đường cũ, vì đó là ngõ cụt. Năm 1989 là năm khó khăn nhất của Liên Xô, nhưng rồi sẽ trở lại bình thường. Liên Xô rất thận trọng trong vấn đề xử lý giá và tỉ giá, vì đây là một nước rất lớn.
Trước cuộc khủng hoảng ở các nước xã hội chủ nghĩa, cần phải khách quan, bình tĩnh và phải đánh giá theo quan niệm đổi mới. Sau hội nghị 7 của trung ương, chúng tôi đã rút kinh nghiệm.

Ngày 25-11-1989 Bộ Chính trị chúng tôi đã họp và đánh giá tình hình các nước Đông Âu theo quan điểm đổi mới. Cuộc khủng hoảng ở các nước đó diễn ra trong bối cảnh khoa học kỹ thuật và giao lưu quốc tế phát triển mạnh, ý thức độc lập và dân chủ tăng nhanh và thông tin bùng nổ. Tập thể Bộ Chính trị phân định có hai loại mâu thuẫn cần chú trọng: mâu thuẫn nội tại tích tụ lâu ngày của chủ nghĩa xã hội và mâu thuẫn giữa hai hệ thống. Nguyên nhân khủng hoảng là lãnh đạo sai lầm, vi phạm dân chủ, duy ý chí, bảo thủ trì trệ, đổi mới lệch lạc, đội ngũ đảng viên cán bộ thoái hóa, hư hỏng. Trong khi đó thì chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động triệt để lợi dụng. Bọn đế quốc ngay từ khi chủ nghĩa cộng sản ra đời, đã kịch liệt chống lại và luôn nói tới cái chết của chủ nghĩa cộng sản, không có gì mới.

Thái độ của Đảng ta là rút kinh nghiệm hội nghị 7, cần tránh cả hai thái độ hốt hoảng (cho chủ nghĩa xã hội đang có nguy cơ mất ở Đông Âu) và chủ quan (cho mình chẳng có vấn đề gì lớn, vẫn giả định).

Phải thực hiện dân chủ từ trên xuống dưới.


Bộ Chính trị quyết định: Phải tiếp tục đổi mới, phải thực hiện dân chủ mạnh mẽ trong Đảng từ trên xuống dưới, từ Bộ Chính trị trở đi. Cần quán triệt và thực hiện nghị quyết Đại hội 6, nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về công tác đối ngoại và nghị quyết trung ương lần thứ 6 về cơ cấu kinh tế.

Không thể dùng quyền lực thay cho năng lực

Vấn đề năng lực của Đảng nổi lên hàng đầu trong lúc này. Không thể dùng quyền lực thay cho năng lực. Thời đại nào có trí tuệ của thời đại ấy. Đảng phải có năng lực trí tuệ.
Xã hội ta đã chớm vui vì sức ép lạm phát và thị trường có giảm đi nhưng lòng dân vẫn còn chưa yên. Dân đang đòi hỏi dân chủ hóa, đòi hỏi công bằng xã hội, đòi hỏi cán bộ, đảng viên và Đảng phải vươn lên vị trí tiên phong. Đảng phải kết tinh truyền thống dân tộc và trí tuệ thời đại, không như thế thì không giữ được vai trò lãnh đạo.
Đừng đổ lỗi cho cải tổ, đổi mới, cải cách. Đổi mới là cái gương để ta soi. Nếu mặt bị nhơ chỉ rửa mặt chứ không phải là đập vỡ gương.
Vấn đề đặt ra lúc này là phải đổi mới đồng bộ, tổng thể, cả cơ chế kinh tế lẫn cơ chế chính trị. Hai vấn đề chủ yếu của cơ chế kinh tế là vấn đề sở hữu và vấn đề thị trường (luận đề: Kế hoạch nằm trong chứ không nằm ngoài và đứng trên thị trường). Hai vấn đề chính của cơ chế chính trị là: quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh, vai trò lãnh đạo của Đảng và quyền lực của nhân dân (luận đề: Đảng nằm trong chứ không nằm ngoài và đứng trên xã hội).



[1]Câu trong nguyên bản tiếng Đức „[…] worin die freie Entwicklung eines jeden die Bedingung für die freie Entwicklung aller ist“ („trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người“), nguồn: MEW, Dietz-Verlag, Berlin, 1956 ff., Bd. 4, S. 482, hoặc website: http://www.mlwerke.de/me/me04/me04_459.htm(Chú thích của talawas)

Nguồn: Bài phát biểu ngày 13.12.1989 do „Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ“ quay ronéo và phổ biến, Những vấn đề Việt Nam, Nhà xuất bản Trăm Hoa, California, 1992, trang 389-393


http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6228&rb=0403


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét