Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014
Những tiếng nói Bốn Phương góp phần tìm giải pháp cho Biển Đông nước sôi lửa bỏng
Trong lịch sử xưa cũng như nay, giữ gìn nền độc lập dân tộc vẫn là nghĩa vụ thiêng liêng của toàn thể đồng bào Việt Nam, những con người nhiệt huyết với đất nước, bất kể là người còn ở quốc nội hay đã ra sinh sống ở nước ngoài. Trước mắt, việc hiến kế tìm ra một giải pháp tích cực cho cục diện Biển Đông vốn dậy sóng từ nhiều thập kỷ vì âm mưu nham hiểm của kẻ thù truyền kiếp Trung Hoa dùng mọi quỷ kế ngoạm dần từng miếng, lấn tới từng bước, cũng là nghĩa vụ và quyền của tất cả mọi người trong số 90 triệu người Việt hôm nay; không một ai, một tổ chức nào được phép nhân danh một thứ uy lực nào để tuyên bố rằng việc ấy phải để mình lo, người khác không được đụng tới. Trên tinh thần đó, Bauxite Việt Nam xin trân trọng đăng dưới đây bản lên tiếng của ông Nguyễn Hữu Bính và Nhóm Câu lạc bộ Trà đàm về vấn đề sôi bỏng này. Tư liệu lịch sử dẫn dụng trong “bản lên tiếng” có thể còn có chỗ “xuất nhập”, chúng tôi không coi đấy là khuyết điểm quan trọng, và xin nhường quyền trao đổi cho bạn đọc.
Bauxite Việt Nam
Bản lên tiếng
Của người Việt Hải ngoại.
Về nguy cơ chiến tranh ở Biển Đông
và những giải pháp cho nguy cơ này .
============ * ============
A - Biển Đông đang căng thẳng như hiện nay không hẳn vì tranh chấp dầu khí cho nhu cầu nhiên liệu ngày càng cao của Trung Quốc. Hay những hải đảo nhỏ bé không đủ điều kiện thông thường cho con người sinh sống.
Những nguyên nhân chính gây nên căng thẳng ở Biển Đông hiên nay là:
1 - Tham vọng bánh trướng “bình thiên hạ” của Chủ nghĩa Dân tộc cực đoan Đại Hán.
2 - Mưu toan đòi quyền lực của một cường quốc mới nổi lên, phải tương xứng với sức mạnh nguyên tử, công nghệ quốc phòng, khả năng chinh phục vũ trụ, tiềm lực kinh tế và một lực lượng bộ binh hùng hậu đáng nể sợ, của con sư tử đã thức dậy này.
3 - Nhu cầu chiếm thuộc địa, để giải quyết nạn nhân mãn, đang làm Trung Quốc phải hạn chế mỗi gia đình chỉ được phép có một con, nên dân số đang bị lão hóa.
4 - Thời cơ thuận lợi nhất để thực hiện giấc mơ “Phục hưng vĩ đại”. Nếu bỏ lỡ, mộng bá chủ toàn cầu của Trung Quốc khó có dịp gặp nhiều thuận lợi như hiện nay.
5 - Chiếm Biển Đông để xây dựng thành “Cửa đột phá” nơi từ đó Trung Quốc tung quân đi chinh phục thế giới.
6 - Việt Nam đã nhiều lần là trở ngại trên đường Trung Quốc mở rộng biên cương xuống phía Nam. Nay muốn thành đại cường phải san bằng trở ngại này.
Vì giá trị “vị trí chiến lược” của Biển Đông đối với tham vọng bành trướng nên Trung Quốc coi Biển Đông là quyền lợi cốt lõi, ngang tầm với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương. Vì thế bất chấp luật lệ quốc tế, Trung Quốc ngang ngược tự áp đặt chủ quyền hình lưỡi bò rộng hàng triệu km2, bằng 1/10 diện tích nước Trung Quốc, chiếm 80% diện tích biển Đông, lấn sâu vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước trong vùng.
Nên vùng biển quốc tế rộng lớn bị Trung Quốc chiếm đoạt, tự áp đặt hình lưỡi bò (Trung Quốc gọi là cán đuốc) để xây dựng thành quần thể các căn cứ quân sự hùng mạnh, làm bàn đạp cho mưu đồ bành trướng, đang đe dọa an ninh các nước trong vùng và tuyến lưu thông hàng hải qua vùng biển này.
Đấy mới là những nguyên nhân chính, đang gây nên căng thẳng ở Biển Đông.
Kinh tế được thổi phồng lên để che đậy hành động xâm lược, chỉ còn là tranh chấp.
B - Nhưng tham vọng của Trung Quốc không dừng lại ở Biển Đông. Mộng bá chủ toàn cầu của dân tộc Hán được triết lý Tu thân - Tề gia - Trị quốc - Bình thiên hạ của Nho giáo, nhào nặn dân tộc này thành hiếu chiến. Tự phụ là dân tộc siêu đẳng, là trung nguyên, là thiên tử con trời, thế thiên hành đạo, trị vì thiên hạ. Ngay khi mới cắp sách đến trường, người dân Hán đã được trau dồi mộng xâm lăng. Coi đó là sứ mệnh của Trời trao cho.
Bản đồ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thời Mao Trạch Đông, vẽ biên giới phía Nam giáp tới Úc, gồm hầu hết các nước trong vùng Đông Nam Á. Trong đó ghi rõ các cường quốc phương Tây đã chiếm phần lãnh thổ này của chúng vào những năm nào.
Ngay khi mới làm chủ Hoa lục, Mao Trạch Đông đã đưa ra lập luận “Thế giới ba chân vạc”. Theo Mao, nhân loại muốn có hòa bình thế giới phải chia ba: Liên Xô một phần Hoa Kỳ một phần. Trung Quốc không chịu làm đàn em Liên Xô mà phải có một phần.
Lúc đó, Mao đã nhìn Việt Nam như một trở ngại trong tương lai, khi Trung Quốc mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam. Nên Mao bắt Hồ Chí Minh phải giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương, để Việt, Miên, Lào thành lập đảng cộng sản riêng của từng nước, Trung Quốc mới hỗ trợ Việt Nam chống Pháp. Âm mưu mượn tay Mỹ hủy diệt dân tộc Việt, nên Trung Quốc thúc đẩy Việt Nam “chống Mỹ đến người Việt cuối cùng”. Trong chiến tranh biên giới Việt-Trung 79-86 thế kỷ trước, Trương Hải Dương, Chính ủy quân Giải phóng Trung Quốc, đã giải thích với quân lính của y: Phải đánh Việt Nam để đập tan chướng ngại cản bước Trung Quốc tiến xuống phía Nam. Đô đốc Lưu Hoa Thanh, nhà hoạch định sách lược của Trung Quốc, đưa ra chỉ tiêu: Muốn thành siêu cường, Trung Quốc phải nhổ bằng được cái gai Việt Nam và Đài Loan trước 2049, để làm chủ vùng biển phía Tây Thái Bình Dương và phía Đông Ấn Độ Dương . Khống chế đường hàng hải giữa hai đại dương này, để chặn đường tiếp liệu của Nhật Bản và ngăn Ấn Độ tiến về phía Đông. Vì thế:
Chiến tranh ở biển Đông dù dưới hình thức nào, sớm muộn chắc chắn phải xẩy ra.
C - Tham vọng chiếm đoạt Biển Đông của Trung Quốc, không chỉ là tai họa cho Việt Nam, nước đứng ở tuyến đầu của tham vọng này, mà còn đe dọa an ninh tất cả các nước trong vùng. Về lâu dài khi Trung Quốc đủ mạnh, một Đức quốc xã phương Đông sẽ trở thành thảm họa diệt chủng cho toàn nhân loại.
Nên chúng tôi kêu gọi Chính phủ và nhân dân các nước tôn trọng hòa bình và công lý trên toàn thế giới:
1 - Đừng quên họa da vàng của thế kỷ 13, khi vó ngựa của quân xâm lược Nguyên Mông giày xéo gần khắp Châu Âu, đến cỏ cũng không mọc được.
2 - Đừng quên những sai lầm đã dọn đường cho hai cuộc Đại chiến Thế giới, đều có cùng một nguyên nhân: Nhượng bộ trước những tham vọng bành trướng của cường quốc mới trỗi dậy để tránh chiến tranh, nhưng vẫn không thoát khỏi chiến tranh. Hàng trăm triệu sinh mạng người dân vô tội trên khắp thế giới đã phải trả giá cho sai lầm này.
3 - Tham vọng của bọn bành trướng là “Bình thiên hạ” thống trị toàn cầu, chiếm Biển Đông chỉ là điểm khởi đầu của tham vọng này. Nên các nước trên thế giới, cần coi sự giúp đỡ Việt Nam cũng là tự giúp chính mình, để thấy đây là một bổn phận.
Có thế, tham vọng bá chủ toàn cầu của bọn bành trướng mới bị ngăn chặn từ gốc. Nhân loại mới được yên tâm sống trong hòa bình.
D - Chúng tôi kêu gọi những người cộng sản đang cầm quyền cai trị ở Việt Nam:
1 - Chưa bao giờ dân tộc chúng ta phải đối mặt với họa diệt vong gay gắt như hiện nay. Vì kẻ mưu tính chiếm nước ta lần này, là bọn theo Chủ nghĩa Thực dân Cổ điển: Giết hết dân bản xứ, di dân từ nước chúng sang, để giải quyết nạn nhân mãn. Chiến tranh diệt chủng thời Polpot ở Campuchia đã chứng minh điều đó. Xin đừng vội quên.
2 - Hãy nhớ lại thời cố Tổng bí thư Lê Duẩn:
a - Có chấp nhận chiến tranh mới ngăn, hay hạn chế được chiến tranh. Bọn xâm lược mới chùn bước, hết hung hăng, không dám kéo dài chiến tranh và tiến sâu vào nội địa Việt Nam.
b - Trung Quốc là bạn hay là thù, được phân định rõ và ghi vào hiến pháp. Nên thuận với lòng dân, tạo sức mạnh chống ngoại xâm. Lúc ấy đất nước còn ngổn ngang những khó khăn, do cuộc chiến 30 năm để lại, đâu có nhiều thuận lợi như ngày nay.
3 - Đừng quên những bài học lịch sử thời Tự Đức:
a - Đàn áp các cuộc nổi dậy của dân chúng chống ngoại xâm, để giữ hòa khí với quân xâm lược, hy vọng chuộc lại ba tỉnh đã bị chúng chiếm đóng. Nhưng ba tỉnh vẫn không chuộc lại được, mà cả nước đã bị chúng chiếm làm thuộc địa.
- Nay muốn giữ được nước phải để cái cương của quần chúng, hóa giải cái nhu của người cầm quyền, để nhu mà không nhược. Kẻ thù xâm lược mới nể sợ.
- “Không đánh đổi chủ quyền thiêng liêng (của Tổ quốc) bằng (lấy) thứ hữu nghị viển vông hay hòa bình lệ thuộc nào đó”. Có thế mới ổn định được lòng dân.
b - Bọn khiếp nhược chủ bại “Phan Lâm mãi quốc” giặc chưa đánh đã hàng. Trong khi thế của giặc - ngoài hỏa lực - mọi mặt chúng đều yếu hơn ta rất nhiều.
- Nay muốn giữ được nước phải loại bọn chủ bại cầu thân với giặc ra khỏi chính quyền.
- Hãy tin vào dân để dựa vào dân, tổ chức dân thành lực lượng xung yếu làm nòng cốt cho cuộc chiến chống ngoại xâm tới đây. Vũ khí không đủ ưu thế để chống ngoại xâm.
c - Quần thần triều Tự Đức chỉ lo “bảo vệ ngôi báu của nhà vua”, cốt sao chúng vẫn giữ được địa vị. Nên vô cảm với trách nhiệm của chúng, trước sự mất còn của đất nước.
Nên trong kỳ bầu cử, lấy phiếu tín nhiệm lần này phải loại bọn “thà mất nước không chịu mất quyền” ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo. Để Lòng Dân và Ý Đảng chỉ còn là một.
4 - An Dương Vương, do không phân định rõ ranh giới giữa bạn và thù nên mất cảnh giác, chấp nhận giặc thành người thân thích, rước giặc vào nhà, gây ra vụ án Mỵ Châu - Trọng Thủy. Sai lầm ấy đã dẫn dân tộc Việt tới đại họa, hơn ngàn năm Bắc thuộc.
Nên lúc này cần xác định rõ: Trung Quốc là nước xã hội chủ nghĩa, đồng chí anh em, hay là kẻ xâm lược. Không một triều đại nào của Việt Nam không phải chống những cuộc xâm lăng của kẻ thù này. Để đừng mất cảnh giác với bọn bành trướng phương Bắc.
Nếu thế, mật ước Thành Đô 9/1990 và Hữu nghị 10/2011 phải bị xé bỏ . Vì đó là một thứ “bảo kê” của dân anh chị, trong phe xã hội chủ nghĩa. Để mở đầu cho thoát Trung.
5 - Biển Đông cũng là quyền lợi cốt lõi của Việt Nam.
- Tỷ lệ diện tích biển so với đất liền của Việt Nam là 3/1. Chiều dài bờ biển so với diện tích đất liền là 1/100 (trung bình của thế giới là 1/600). Nên tới đây công nghệ khai thác tài nguyên biển sẽ chiếm tỷ lệ quan trọng trong dân số và thu nhâp quốc gia.
- Thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương, Biển Đông sẽ là đường giao lưu huyết mạch với thế giới bên ngoài của Việt Nam. Việt Nam cũng đang chuyển đổi từ nền Văn minh Phù sa sang Văn minh Hải cảng. Tương lai của dân tộc Việt phụ thuộc rất nhiều vào vùng biển này.
- Khúc miền trung Việt Nam từ bờ biển phía Đông đến biên giới giáp Lào phía Tây, chỉ rộng trên dưới 40 km. Mất các đảo ở Biển Đông là mất thế phòng thủ từ xa, nếu có ngoại xâm đất nước rất dễ bị chia cắt thành nhiều mảnh, không ứng cứu được nhau.
Nên phải chiếm lại Hoàng Sa. Không để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông.
6 - Vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh ác nghiệt kéo dài nửa thế kỷ, dân tộc Việt rất mong muốn hòa bình và chung sống hữu nghị với các nước trong vùng, để xây dựng lại đất nước. Nhưng càng nhún nhường, bọn bành trướng càng lấn tới, càng hữu nghị càng bị chúng bắt nạt. Nên đã đến lúc buộc dân tộc chúng ta:
- Muốn có hòa bình, phải chấp nhận chiến tranh. Có dám chấp nhận chiến tranh mới không tự cô lập, bọn xâm lược mới hết hung hăng. Vì thế ngăn được chiến tranh.
- Nhưng nếu bọn bành trướng vẫn tham lam mù quáng cố tình gây chiến tranh. Việt Nam lấy vũ khí ở đâu để chống trả cuộc chiến không cân sức này?
Chúng ta không sợ phải chiến đấu đơn độc hay thiếu vũ khí tối tân, để ăn miếng trả miếng. Vì tham vọng “trị vì thiên hạ” của bọn bành trướng đã làm cuộc chiến tới đây giữa Việt Nam và Trung Quốc mang tính toàn cầu. Trung Quốc cũng đã từng gây thù hận với các nước láng giềng và đang tranh giành quyền lợi với nhiều nước trên thế giới. Nên nhân dịp này, những nước ấy cũng muốn “dạy cho Trung Quốc một bài học”. Nhưng:
1 - Dựa vào vũ khí để quyết định thắng thua trong chiến tranh không phải là trường phái quân sự của dân tộc Việt.
2 - Lấy cái yếu của mình để chống cái mạnh của kẻ xâm lăng, cũng là điều cấm kỵ trong binh pháp.
3 - Chỉ trông nhờ vào kẻ khác, để có sức mạnh chống ngoại xâm, đều có giá phải trả.
- Nhưng chiến tranh ngày nay là bấm nút từ xa với vũ khí hủy diệt hàng loạt. Liệu trường phái quân sự “Tinh thần là quyết định” có còn thích hợp?
Những cuộc chiến không cân sức, đang xảy ra trên thế giới những năm gần đây, đã để lại cho dân tộc chúng ta những bài học vô cùng quý giá:
a - Nghệ thuật “Chiến tranh Vi lượng” đã vô hiệu hóa sức mạnh của vũ khí tối tân hiện đại.
b - Càng hùng mạnh, tham vọng càng lớn, quyền lợi càng rộng khắp, càng rất sợ bị sa lầy.
c - Thua nhưng không chết, thì sẽ thắng.
Trong ba yếu tố để đánh bại kẻ xâm lược, thua mà không chết là căn bản. Các dân tộc Ả Rập dùng tôn giáo để có sức chịu đựng dẻo dai, để nuôi dưỡng sức mạnh đề kháng.
Việt Nam không có tôn giáo ấy, nhưng nền Văn hóa Đình làng đã tạo cho dân tộc Việt một tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nước, có sức chịu đựng dẻo dai hơn cả tôn giáo. Nên “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh”, hay “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”. Trong đình làng tuy có chiếu trên chiếu dưới, nhưng từ cụ Tiên chỉ ngồi chiếu trên, đến anh Mõ không có chiếu để ngồi, đều cùng bàn việc làng. Văn hóa Đình làng coi đất nước là của chung toàn dân nên không chấp nhận bị áp đặt, hay một người nghĩ thay cho mọi người. Vì thế “Phép vua thua lệ làng”. Văn hóa Đình làng đã tạo nên nét đặc trưng, rất độc đáo của dân tộc Việt, được ghi trong chính sử: Nhiều lần dòng họ này nhường ngôi cho dòng họ khác, khi đất nước có nguy cơ ngoại xâm. Những lần nhường ngôi ấy dù dưới hình thức nào, nhưng hợp với lòng dân nên không gây xáo trộn cho xã hội.
Lần nhường ngôi gần đây nhất , Bảo Đại đã nhường ngôi cho Hồ Chí Minh , để “Thà làm dân một nước độc lập, còn hơn làm vua một nước nô lệ”. Lời nói ấy, thể hiện đất nước là của toàn dân. Thể hiện tinh thần trách nhiệm với dân với nước khi Tổ quốc lâm nguy nên không tham quyền cố vị. Vinh hay nhục ở tư cách, không ở địa vị vua hay dân.
Tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt sẽ tạo cho Sách lược Chiến tranh Vi lượng sức chịu đựng dẻo dai, để đẩy bọn xâm lược vào thế sa lầy.
Tinh thần trách nhiệm và yêu nước cũng tạo tính chính đáng cho quyền tự vệ của một nước nhỏ, dùng chiến tranh vi lượng để chống xâm lăng của nước lớn.
7 - Lịch sử bốn ngàn năm dựng và giữ nước của dân tộc Việt cũng đã chứng minh:
- Những lần dân tộc ta bị ngoại bang chiếm mất nước đều do:
Đất nước đã bị chính người Việt với người Việt, tranh nhau chiếm làm của riêng.
- Khi đất nước được xác định là của toàn dân:
Dân tộc ta đã đánh thắng kẻ thù xâm lược hùng mạnh hơn ta gấp nhiều lần.
Nên lo nghĩ của lòng dân lúc này, không phải là: Kẻ thù xâm lược hùng mạnh đến mức độ nào? Mà cái chính lại là: Dân tộc ta đang suy yếu đến mức độ nào?
Nguyên nhân chính đang làm suy yêu dân tộc, hiện nay là: Quyền lợi của Dân và của Đảng (Cộng sản Việt Nam), mâu thuẫn nhau.
Cái chính tạo nên mâu thuẫn quyền lợi này là: Đất nước này của Dân hay của Đảng?
Nguy cơ ngoại xâm đẩy mâu thuẫn nội bộ dân tộc này thành mâu thuẫn đối kháng một mất một còn: Mất Nước hay mất Đảng?
Có hóa giải được mâu thuẫn trên mới vực dậy được tinh thần trách nhiêm và lòng yêu nước của dân. Để dùng chiến tranh vi lượng, đưa cuộc chiến chống xâm lăng tới đây:
- Không chỉ xẩy ra ngoài hải đảo hay trên đất Việt Nam. Mà ngay tự những ngày đầu, phải đưa chiến tranh tới tận hang cùng ngõ hẻm của bọn xâm lược. Khắp nơi trên thế giới, không có nơi nào an toàn cho quyền lợi của chúng. Bắt bọn xâm lược phải gánh chịu thảm họa của chiến tranh, do chính chúng gây ra. Rồi chỉ cho chúng thấy:
- Gây chiến tranh là quyền của chúng. Nhưng chúng có rút được chân khỏi cuộc chiến tiêu hao này hay không, lại là quyền của chúng ta.
Chúng ta có rất nhiều lợi thế để dùng Chiến tranh Vi lượng, đảo ngược cuộc chiến không cân sức này. Buộc bọn xâm lược vào thế thất bại nhục nhã, không có đường rút lui trong danh dự, như ở Trung Đông. Dù cuộc chiến này sẽ rất gian khổ, nhưng có dám chấp nhận, dân tộc ta mới vĩnh viễn thoát khỏi bị bọn bành trướng cậy lớn bắt nạt. Vì:
- Gây chiến với Việt Nam lần này là hành động tự sát của Trung Quốc, nội bộ của chúng đang có nhiều vấn đề nan giải: Từ nạn lãnh chúa đến vùng đất biên cương đang nổi dậy đòi độc lập. Nếu sa lầy ở Việt Nam, đất nước Trung Quốc sẽ bị chia năm sẻ bảy.
Tinh thấn Lý Thường Kiệt, kinh nghiệm trong các cuộc chiến gần đây trên thế giới, đã tạo cho chúng ta lòng tin chiến thắng và quyết tâm sắt đá này.
Đ - Trước thế nước, lòng dân và ý đảng đang mâu thuẫn nhau trầm trọng; tham vọng của bọn bành trướng đe dọa sinh mạng của dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc; đòi hỏi người làm cách mạng chân chính phải tự vấn lương tâm về mục đích của cách mạng:
Giành được độc lập cho dân tộc rồi, phải trao trả đất nước lại cho dân. Nếu không, cuộc cách mạng này chỉ đổi chủ, từ ngoại xâm sang nội xâm. Mà không đổi đời, dân nô lệ vẫn hoàn nô lệ. Vì: Người dân sống trên đất nước mình, nhưng mất quyền làm chủ đất nước, cũng chỉ là dân nô lệ. Bất kể kẻ thống trị là người đồng chủng hay ngoại bang.
1 - Nên chúng tôi tha thiết kêu gọi những người cộng sản đi theo Đảng vì lòng yêu nước, không vì “giác ngộ quyền lợi giai cấp”:
- Hãy đứng chung hàng ngũ với dân, để đừng tự đánh mất chính danh, trở thành con buôn cách mạng, đang đào huyệt tự chôn mình.
- Hãy dùng Chủ nghĩa Cộng sản chỉ như phương tiện. Độc lập cho dân tộc, tự do cho xã hội, hạnh phúc cho toàn dân mới là cứu cánh. Đừng lẫn lộn phương tiện với cứu cánh.
- Hãy can đảm nhận lấy trách nhiêm sửa sai để không phản bội đồng bào, đồng đội đã hy sinh mạng sống cho lý tưởng cao quý Giải phóng dân tộc. Vì đổi mới nửa vời chỉ để Đảng tồn tại, mà không nhằm điều chỉnh lại hướng đi của Cách mạng Tháng 8/45, đang chệch hướng với mục đích ban đầu. Loại bỏ những sai lầm của Chủ nghĩa Cộng sản, một thứ chủ nghĩa phi dân tộc, phi quốc gia. Giải phóng giai cấp chỉ là chiêu bài. Chủ nghĩa này đã bị các cường quốc lợi dụng làm công cụ cho mưu đồ đế quốc của chúng.
- Lúc này hòa giải dân tộc, trên cơ sở đất nước là của toàn dân, để thống nhất lòng dân với ý đảng, đang là nhu cầu cấp thiết để có sức mạnh chống ngoại xâm. Để kẻ xâm lăng không lợi dụng được thế yếu chia rẽ trong nội bộ dân tộc Việt.
- Nên tham nhũng không phải là điểm chính đã tách Đảng ra khỏi dân. Trả đất nước cho dân để hòa giải dân tộc, mới là điểm then chốt, nếu Đảng muốn lấy lại lòng tin với dân.
Đây mới là giải pháp hữu hiệu để triệt tiêu nạn cửa quyền, cái nôi đẻ ra tham nhũng.
2 - Tổ tiên chúng ta khi phải đối đầu với họa ngoại xâm, cũng từ phương Bắc đến như ngày nay, đã có lúc phải nhún nhường mềm dẻo, nhưng vẫn giữ được thể diện của quốc gia, biểu lộ được ý chí quật cường của dân tộc. Vẫn lo tạo dựng sức mạnh toàn dân đoàn kết chống xâm lăng. Nên không có thái độ khúm núm, nịnh bợ như Lê Chiêu Thống, để xin giặc bảo kê quyến thống trị của chúng. Giữa cung đình các mâu thuẫn trong nội bộ lãnh đạo được hòa giải. Dân chúng được hỏi ý kiến “Nên hòa hay nên chiến” để động viên tinh thần trách nhiệm: Đất nước là của toàn dân. Nhà vua rời bỏ cung điện để hòa mình đồng cam cộng khổ với dân, lãnh đạo toàn dân chống ngoại xâm, nên đã chiến thắng.
Khác với Tự Đức đàn áp dân để cầu hòa với giặc, nên đã bị giặc chiếm mất nước.
Tấm gương quý giá của Triều đại nhà Trần, nay có noi theo mới giữ được nước.
3 - Đấy cũng là lời giải cho bài toán: Làm thế nào thống nhất được lòng dân?
E - Trên đây là những lời tâm huyết, tuy đắng nhưng dã tật. Để mời gọi cả người cai trị và người bị cai trị: Tổ quốc đang lâm nguy, quyền lợi của dân tộc phải là tối thượng. Hãy can đảm nhìn thẳng vào sự thật, để vượt qua cái “hèn”, căn bệnh do Chủ nghĩa Xã hội tạo nên; thái độ “vô cảm” trước họa ngoại xâm, của những kẻ lạc loài, những đứa con hoang của dân tộc. Để có hành động đột phá: Xây dựng cơ chế “Đất nước là của toàn dân” thay cho “Chính quyền là công cụ chuyên chính của giai cấp thống trị, dùng để áp bức lại giai cấp bị trị”, một quái thai của Chủ nghĩa Mác đang làm suy yếu dân tộc.
Từ đó sức dân được giải phóng, để dân mang hết khả năng cả nhân lực, vật lực, tài lực và trí lực ra bảo vệ và xây dựng một nước Việt hùng cường. Có thoát khỏi thân phận nhược tiểu, mới không bị nước khác cậy lớn bắt nạt. Hay thành “lá bài thí”, khi Đông Á đang là trọng tâm tranh chấp quyên lực của các cường quốc.
Kẻ thù cướp nước đang rình rập chúng ta từng giây từng phút, chỉ chờ Việt Nam có xáo trộn là chúng đổ quân vào xâm chiếm. Nên những người Việt ở hải ngoại dù mang nhiều quốc tịch, nhưng vẫn coi Việt Nam là Tổ quốc duy nhất của mình. Đều đắn đo suy nghĩ:
Liệu chính quyền của người cộng sản sụp đổ, có kéo đất nước sụp đổ theo?
Nên lúc này đục nước chỉ béo cò, người Việt chân chính, không lợi dụng lúc Tổ quốc lâm nguy để chống nhau. Vì thế trên đây là những lời mời gọi rất chân thành, thẳng thắn nhưng xây dựng của chúng tôi ./. N.H.B &Nhóm CLB Trà đàm
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét