Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Ông Tập Cận Bình: Việt Nam và Trung Quốc không thể thay đổi láng giềng

(GDVN) - Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: "Không thể dịch chuyển một nước láng giềng sang chỗ khác, vì thế nó sẽ là lợi ích của cả hai bên khi trở nên thân thiện với nhau."



Tạp chí Bắc Kinh (Beijing Review) ngày 1/9 bình luận, quan hệ Việt - Trung căng thẳng sau vụ giàn khoan 981 đã "có dấu hiệu cải thiện" sau khi Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Hồng Anh đã thăm Trung Quốc trong 2 ngày 26, 27/8 và hội kiến với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Khi tiếp ông Lê Hồng Anh, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: "Không thể dịch chuyển một nước láng giềng sang chỗ khác, vì thế nó sẽ là lợi ích của cả hai bên khi trở nên thân thiện với nhau."

Tờ báo tiếp tục luận điệu bóp méo kết quả thỏa thuận chung 3 điểm đạt được trong cuộc hội đàm giữa Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh với ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên thường vụ Bộ chính trị, Bí thư Ban bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong đó Tạp chí Bắc Kinh nói rằng 2 bên "đồng ý tìm kiếm giải pháp chấp nhận được cho cả hai bằng cách tập trung vào đàm phán song phương, nghiên cứu thảo luận về thăm dò chung ở Biển Đông và tránh các hoạt động có thể làm phức tạp và mở rộng tranh chấp" rất dễ gây hiểu lầm trong dư luận, tạo ra một cái bẫy với Việt Nam về mặt truyền thông.

Đàm phán song phương là một kênh, nhưng chỉ có thể sử dụng đối với vấn đề song phương, ví dụ như quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp) chứ không thể áp dụng cho vấn đề đa phương (tranh chấp quần đảo Trường Sa giữa 5 nước 6 bên - PV) nên việc nói chung chung rằng "đàm phán song phương" về Biển Đông rõ ràng không ổn.

Thứ hai, thăm dò chung ở Biển Đông cũng là một giải pháp tạm thời, nhưng theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà cả Trung Quốc và Việt Nam là thành viên, giải pháp thăm dò hay khai thác chung chỉ được áp dụng trong trường hợp 1 vùng chồng lấn được tạo ra bởi yêu sách các vùng biển 2 bên đưa ra trên cơ sở UNCLOS trong lúc chưa đi đến 1 giải pháp cuối cùng. Giải pháp tạm thời này không ảnh hưởng tới quan điểm, yêu sách của mỗi bên.



Như vậy thăm dò hay khai thác chung không thể diễn ra ở toàn bộ hay phần lớn Biển Đông, mà chỉ có thể thực hiện tại các "vùng chồng lấn" giữa các vùng biển yêu sách bởi 2 nước đưa ra trên cơ sở UNCLOS. Cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa hề làm rõ về yêu sách của họ cũng như căn cứ nào trong UNCLOS để họ đưa ra yêu sách đó nên chưa thể xác định đâu là "vùng chồng lấn" ở Biển Đông.

Zhou Qi, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói với Tạp chí Bắc Kinh rằng, "Việt Nam đã có 1 số giàn khoan dầu trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông những năm qua. Nếu Việt Nam cố gắng ngăn chặn Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu trong vùng biển của mình sẽ là điều không thể chấp nhận được đối với Trung Quốc"?! Thật buồn cười!

Mariane Brown, phóng viên đài VOA ngày 1/9 bình luận, chuyến thăm Trung Quốc của Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh cho thấy Việt Nam đang nỗ lực để giảm căng thẳng trên Biển Đông cũng như cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng căng thẳng vẫn còn âm ỉ.

Giáo sư Jonathan London từ đại học Thành phố Hồng Kông và là một chuyên gia về Việt Nam nói với VOA, Trung Quốc đã tiếp tục "cảnh báo" Việt Nam không "di chuyển quá gần với Mỹ" nhưng điều đó không ngăn cản được Việt Nam đang hướng tới Nhật Bản và Ấn Độ nếu họ sẵn sàng tham gia.

London cho biết, ông tin rằng không có ai ở Việt Nam tự tin về mối quan hệ Việt - Trung đã được hồi phục bởi cái cách Trung Quốc nói và làm vẫn khác nhau, người Việt Nam biết rõ điều này.
_________________________________________________
 

Thấy Việt Nam linh hoạt về sách lược, báo TQ đố kị, chia rẽ

Đông Bình 01/09/14 08:00

(GDVN) - Thấy Việt Nam linh hoạt về sách lược, quan hệ Việt-Mỹ phát triển, truyền thông Trung Quốc đố kị, chỉ trích, chia rẽ.


 

Tháng 12 năm 2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thăm Việt Nam, gặp gỡ với Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng


Trong bối cảnh khu vực nổi lên nhiều vấn đề an ninh, đặc biệt là Trung Quốc đẩy mạnh yêu sách chủ quyền bất hợp pháp ở Biển Đông, quan hệ Việt-Mỹ đã ấm lên nhanh chóng, sự tương tác giữa Việt-Mỹ hết sức dồn dập, thể hiện qua chuyến thăm Việt Nam của rất nhiều quan chức cao cấp Mỹ trong thời gian gần đây, đặc biệt là Mỹ cam kết dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Điều này tác động trực tiếp đến dây thần kinh nhạy cảm của Trung Quốc, vì họ tham vọng "nuốt chửng" Biển Đông thông qua "đàm phán song phương" với sự hậu thuẫn của sức mạnh quân sự tăng lên nhanh chóng.

Do đó, trước quan hệ Việt-Mỹ ấm lên nhanh chóng, nhất là về quan hệ quân sự-quốc phòng, trong đó có khả năng Mỹ bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, gần đây, truyền thông Trung Quốc đã có rất nhiều bài viết nói ra nói vào, chỉ trích, phê phán, xuyên tạc, gây chia rẽ quan hệ Việt-Mỹ cũng như tìm cách để Việt Nam bớt nghiêng về Mỹ cũng như giảm khả năng Việt Nam mua vũ khí của Mỹ.

Dư luận Trung Quốc phổ biến cho rằng, Mỹ nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là một biện pháp ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông, rằng Mỹ có ý đồ khuyến khích Việt Nam áp dụng lập trường cứng rắn trên Biển Đông, rằng Mỹ lo ngại Trung Quốc và Việt Nam có thể hòa giải trong tranh chấp Biển Đông.


Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey vừa có chuyến thăm 4 ngày tới Việt Nam, bị báo chí Trung Quốc soi mói.

Đáng chú ý, tờ “Đại Công báo” Hồng Kông, Trung Quốc ngày cuối tháng 8 tỏ ra lo ngại khi điểm lại sự tương tác gần đây giữa Việt-Mỹ, nhất là các chuyến thăm của các quan chức cấp cao Mỹ đến Việt Nam như năm 2012 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thăm Việt Nam, có đến vịnh Cam Ranh;

Năm 2013 Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến thăm Việt Nam; rồi tháng 8 năm 2014, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey lại đến thăm Việt Nam; ngoài ra còn nhiều quan chức cấp cao và nghị sĩ Mỹ liên tiếp đến thăm Việt Nam…

Bài báo xuyên tạc rằng, Việt Nam rất có khả năng trở thành “quốc gia điểm tựa” của Mỹ, rằng Việt Nam có thể trở thành “quân cờ mạnh” ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ, trong khi đó, Việt Nam có thể dựa vào Mỹ để tăng “thẻ bài” chơi cờ với Trung Quốc.

Những cam kết cải cách của Việt Nam đã làm “cảm động” Mỹ. Quan hệ Việt-Mỹ ấm lên là biểu hiện rất rõ Mỹ đứng ở mặt đối lập với Trung Quốc.

Theo bài báo, trong cuộc chơi cờ giữa Trung-Mỹ, Việt Nam (và CHDCND Triều Tiên) có thể có không gian lớn hơn để phát huy vai trò (Trung Quốc thường dùng ‘chuyên gia, học giả’ nói rằng các nước nhỏ không có ngoại giao).

Trong tình hình hiện nay, “nước nhỏ” ở khu vực Đông Á không còn “không quan trọng”. Hơn nữa, bài báo này thẳng thừng cho rằng, từ góc độ vĩ mô, “mặt trận ý thức hệ” (ý nói có cùng chế độ chính trị) ở khu vực Đông Á đã “tan rã hoàn toàn”.


Năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thăm vịnh Cam Ranh, Việt Nam

Tờ “Văn hối” Hồng Kông, Trung Quốc ngày 23 tháng 8 cũng có bài viết xuyên tạc cho rằng, trong nhiều năm qua, Mỹ luôn lôi kéo Việt Nam và Philippines ngăn chặn Trung Quốc.

Nhưng bài báo xuyên tạc cho rằng, Mỹ có thể tận dụng cơ hội để gây mâu thuẫn trong nội bộ Việt Nam, sử dụng tranh chấp Biển Đông để kích động tình cảm dân tộc của người Việt, từ đó “lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Theo bài báo, mục tiêu “quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương” của Mỹ chính là Trung Quốc, nước đang trỗi dậy mạnh mẽ. Chỉ dựa vào Nhật Bản để ngăn chặn Trung Quốc không đáp ứng nhu cầu của Mỹ, nhất là khi Quân đội Trung Quốc đã tự do ra vào vùng nước sâu của Thái Bình Dương, phá vỡ chiến lược “kiểm soát Quân đội Trung Quốc ở chuỗi đảo thứ nhất”.

Lấy cớ đó, bài báo xuyên tạc, Mỹ đã lôi kéo Philippines, tận dụng các diễn đàn của ASEAN để gây khó dễ cho Trung Quốc, nhưng không hiệu quả lắm, nên Mỹ đã “biến Việt Nam thành quân cờ ngăn chặn Trung Quốc”, đặc biệt là sau khi xảy ra các hoạt động tuần hành, biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.


Tháng 8 năm 2014, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain thăm Việt Nam

Bài báo tuyên truyền xuyên tạc nói rằng, đằng sau các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại một số tỉnh ở Việt Nam có “kẻ xấu” đứng đằng sau, và đó chính là lực lượng “nội ứng” của Mỹ ở Việt Nam. Chính vì vậy, bài báo võ đoán và kết luận rằng, Mỹ tận dụng hoạt động này để “chống phá Việt Nam”, sách lược Biển Đông của Mỹ là “vừa ngăn chặn Trung Quốc vừa lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Trên thực tế, dư luận truyền thông Trung Quốc chuyên kiếm những lý do “trời ơi đất hỡi” để xuyên tạc sự thật, xuyên tạc bản chất của vấn đề, ngụy biện, cố tình đánh lừa cả dư luận Trung Quốc và các nước.

Đây đã là “truyền thống” của bộ máy truyền thông-dư luận Trung Quốc, nhất là trong hơn 2 tháng Trung Quốc hạ đặt phi pháp giàn khoan 981 ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Trong những bài viết về quan hệ Việt-Mỹ gần đây lại nổi lên các luận điệu mới, cũng hết sức thâm hiểm. Có thể coi đây là những luận điệu chia rẽ hết sức trắng trợn của dư luận truyền thông Trung Quốc nhằm chống phá Việt Nam.

Phải khẳng định rằng, trong các vấn đề của mình, Việt Nam đủ thông minh, đủ trí tuệ, đủ bản lĩnh để xử lý; Việt Nam luôn biết “dĩ bất biến ứng vạn biến”, kiên trì về nguyên tắc nhưng linh hoạt về sách lược. Truyền thông Trung Quốc không phải lo thay cho Việt Nam.


Tháng 8 năm 2014, Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Corker thăm Việt Nam

Chúng ta biết rằng, tình “đồng chí, anh em” là hiếm có, rất khó xây dựng, nhưng những hành động thực dân, bành trướng, khủng bố, cướp biển mà Trung Quốc biểu diễn trên Biển Đông trong suốt thời gian dài, nhất là vụ giàn khoan vừa qua hay có thể trong tương lai… là không thể chấp nhận được.

Như vậy, Trung Quốc đang hành động vì tình “đồng chí, anh em” hay chỉ vì “lợi ích quốc gia, dân tộc”, chỉ vì bị chi phối bởi tư tưởng “Đại Hán”, vì “cuồng vọng” và “giấc mơ viển vông” của họ trên Biển Đông? Người Việt Nam rất thủy chung một lòng với bằng hữu, nhưng sẽ “không bao giờ chấp nhận những điều không thể chấp nhận".

“Lợi ích cốt lõi” thì nước nào cũng phải giữ, đó là cái sống còn của mỗi quốc gia, dân tộc, là chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm. Trung Quốc không nên tự vẽ ra lợi ích cốt lõi, xâm phạm lợi ích cốt lõi của nước khác, coi thường bản lĩnh của người Việt. Người Việt tự biết mình cần giữ “lợi ích cốt lõi” như thế nào, biết đâu là sách lược, đâu là hành động, và hành động, sách lược như thế nào cho phù hợp với thực tế, với thời đại.


Trung Quốc không bao giờ thực hiện được ảo tưởng, cuồng vọng "đường lưỡi bò" trên Biển Đông. Việt Nam kiên định bảo vệ chủ quyền quần dảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các vùng biển chủ quyền của mình theo luật pháp quốc tế.


Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, phải đem dân tộc học phương Đông vào chủ nghĩa Mác-Lênin, Việt Nam sẽ hành động để phù hợp với đặc điểm, tình hình nước mình cũng như tình hình quốc tế. Do đó, Việt Nam sẽ biết làm gì để tồn tại, phát triển, bảo vệ vững chắc mọi “lợi ích cốt lõi” của mình, biết "công" và "thủ" với mọi kẻ thù có ý đồ xâm lược.

Trung Quốc không phải lo hộ cho Việt Nam khi Việt Nam “xích lại gần” Mỹ hay nước khác như vậy. Trung Quốc cũng đừng đánh giá thấp ý chí, sức mạnh, văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét