Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Rốt cuộc, ông Phạm Bình Minh vẫn “được” đi Mỹ


Viết Lê Quân



Rốt cuộc, cũng lộ ra tin tức về chuyến đi Hoa Kỳ sắp tới của Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh.

Nhưng thêm một lần, điều trớ trêu là tin tức trên được tiết lộ từ một hãng truyền thông bị ghép tội “vu khống và xuyên tạc” như VOA Việt ngữ, chứ không phải là Thông tấn xã Việt Nam hay báo Nhân Dân.

“Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sẽ đi thăm Washington vào đầu tháng 10 sắp tới để tham khảo ý kiến với Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry” – VOA dẫn.

Vì sao “được” đi?

Vào đầu tháng 9/2014, các cơ quan thông tấn Việt Nam dè dặt và ấp úng đưa tin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ tham dự hai sự kiện ở Quảng Tây vào trung tuần tháng 8/2014 nhằm “thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Chuyến “Bắc du” này diễn ra chỉ ít ngày sau chuyến công du Bắc Kinh gây tranh luận đặc biệt của “Đặc phái viên Tổng bí thư” Lê Hồng Anh.

Chuyến đi của ông Lê Hồng Anh được mô tả là “duy trì quan hệ Việt Nam-Trung Quốc hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, sau chiến dịch giàn khoan HD981 lợi bất cập hại của Trung Quốc ở Biển Đông vào đầu tháng 5/2014, được tiếp nối bởi cú đổ bộ vào Hà Nội của Ủy viên quốc vụ viện Trung Hoa Dương Khiết Trì.

Nhưng với Ủy viên trung ương đảng Phạm Bình Minh, có lẽ thời gian qua là lần đầu tiên từ khi nhậm chức bộ trưởng ngoại giao, đường quan lộ của ông trở nên trễ tràng đến thế. Từ tháng 5/2014 cho đến nay, ông Phạm Bình Minh vẫn chưa “được” đi Mỹ, bất chấp lời mời khá nhiệt tình của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry. Ngay cả khi một lãnh đạo cao cấp trong Bộ chính trị Việt Nam xuất hiện ở Mỹ vào cuối tháng 7/2014, trong đoàn tùy tùng cũng không có mặt ngoại trưởng Việt.

Trong suốt gần 5 tháng qua, có vẻ những gì quan trọng nhất mà ông Phạm Bình Minh diễn đạt là dự tiếp đón các quan chức quốc hội Mỹ vào tháng 8/2014 tại Hà Nội, trong khi giới chức bên chính phủ VN dường như giữ thái độ lắng tiếng đến khó tả.

Tuy nhiên, có lẽ ảnh hưởng của những nhân vật như John McCain và Dempsey là đủ lớn để dẫn đến chuyến đi Hoa Kỳ sắp tới của ông Phạm Bình Minh.

“Biến đổi khí hậu”

Một chi tiết đáng chú ý và có tính so sánh là tin tức về chuyến đi dự kiến của ngoại trưởng Việt Nam hé lộ giữa lúc phái đoàn đàm phán TPP của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đang ở Hoa Kỳ, cùng lời đề nghị người Mỹ cần “linh hoạt” cho Việt Nam về quy chế thị trường và các điều kiện “thấp hơn” để vào TPP.

Cùng là phó thủ tướng, nhưng ông Vũ Văn Ninh đứng ở thứ bậc cao hơn ông Phạm Bình Minh trong Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế - một cơ quan mới được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lý quyết định thành lập vào khoảng giữa năm 2014.

Có thể, một số lời “nhắn nhủ” nào đó của Đại diện thương mại Mỹ Froman với ông Ninh đã có tác dụng khiến cho giới bảo thủ Việt Nam thay đổi cách nhìn nhận vấn đề: đằng nào thì cũng phải có một khuôn mặt đại diện ngoại giao đứng ra làm việc với Chính phủ Mỹ.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS) cho biết, cuộc họp sắp tới giữa hai vị ngoại trưởng Mỹ - Việt là một diễn đàn để “đề ra những bước cụ thể và đào sâu hơn quan hệ đối tác toàn diện đã được loan báo khi Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đến thăm Tòa Bạch Ốc vào tháng Bảy năm 2013”.

Còn theo dư luận hành lang, trước khi đi Mỹ, một cách đương nhiên ông Phạm Bình Minh “phải” có mặt ở Trung Quốc, dù chỉ mang tính hình thức.

Lại nói về Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Cơ quan này đề nghị hai nước hãy đề ra những bước cụ thể, để tạo điều kiện cho một chuyến đi của Tổng Thống Barack Obama tới thăm Việt Nam trong năm tới, để đánh dấu kỷ niệm 20 năm ngày hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao với nhau, có lẽ vào dịp hội nghị thượng đỉnh an ninh và kinh tế thường niên sẽ được tổ chức ở Malaysia và Philippines vào tháng 11, 2015.

Tin tức mới nhất cho biết ngay trước chuyến đi Mỹ, ông Phạm Bình Minh sẽ tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Khóa họp 69 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, diễn ra từ ngày 22/9-7/10 tại New York, Hoa Kỳ. Ông cũng sẽ phát biểu tại một hội nghị cấp cao về khí hậu.

Tuy nhiên, “biến đổi khí hậu” trong chính trường Việt Nam là vô cùng khó lường. Nếu cho tới giờ vẫn chưa ló dạng bất cứ tù nhân lương tâm nào từ thể chế “đặc xá” của Nhà nước Việt Nam, vẫn chưa có gì chắc chắn là ông Phạm Bình Minh sẽ có mặt ở phi trường thủ đô Washington vào đầu tháng 10/2014 để bàn thảo về “đối tác chiến lược toàn diện” với Ngoại trưởng Hoa Kỳ.

V.L.Q



Chuyến đi Mỹ của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và quan hệ Mỹ-Việt-Trung



Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ có mặt tại Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc, lúc 3h chiều ngày 24-9-2014, địa chỉ: 725 Park Avenue, New York, NY, để tham dự hội thảo “Vị trí Việt Nam trong trật tự thế giới“.

Ngoài ông Phạm Bình Minh, các nhân vật tham gia hội thảo gồm có: GS David Denoon – đại học New York; ông Vikram Nehru – Giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á của Viện Carnegie; Ankit Panda – BTV báo Diplomat và GSJayne Werner.

Hội thảo này mở rộng cho mọi người tham gia, không phải là thành viên sẽ phải trả lệ phí $15/ người, sinh viên hoặc người lớn tuổi $12/ người, thành viên $10/ người. Phải đăng ký trước tại đây.

Không thấy truyền thông trong nước đưa tin về hội thảo này. Được biết, chuyến đi Mỹ của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã bị trì hoãn hơn 4 tháng qua.

Ngay sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào thăm dò dầu khí ở vùng biển Việt Nam, hôm 21/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã mời Ngoại trưởng Phạm Bình Minh thăm Mỹ để “tham vấn toàn diện về các vấn đề song phương và khu vực trong khuôn khổ mối quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước“, thế nhưng ông Phạm Bình Minh đã không đi Mỹ, cho dù báo chí trong nước đưa tin ông sẽ thăm Mỹ để ‘thảo luận về vấn đề giàn khoan Hải Dương’.

Hai tháng sau lời mời của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Bộ Chính trị đã cử ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội thăm Mỹ trong một chuyến đi “bí mật”. Truyền thông trong nước chỉ đưa tin sau khi ông Phạm Quang Nghị đã làm việc ở Mỹ 2 ngày. Báo chí trong nước không đưa tin chương trình làm việc của ông Phạm Quang Nghị trong suốt những ngày ông Nghị ở Mỹ. Truyền thông trong nước hoàn toàn im hơi lặng tiếng cho tới khi ông Nghị kết thúc chuyến đi. Nhiều người thắc mắc, không hiểu Ông Phạm Quang Nghị sang Mỹ làm gì trong khi phía Mỹ mời ông Phạm Bình Minh?

Sau chuyến đi Mỹ của ông Phạm Quang Nghị, một tuần sau đó, Thượng Nghị sĩ Bob Corker đã đến thăm Việt Nam. Ba ngày sau chuyến thăm của TNS Bob Corker, là chuyến đi của Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain và Sheldon Whitehouse thăm Việt Nam 4 ngày, từ ngày 7/8 đến ngày 10/8. Trong chuyến đi này, TNS John McCain đã lên tiếng ủng hộ Hoa Kỳ nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam với lý do “Hà Nội đã có tiến bộ về nhân quyền“.

Ba ngày sau chuyến thăm của TNS John McCain và Sheldon Whitehouse là chuyến thăm lịch sử của Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Tham mưu trưởng liên quân Mỹ. Chuyến thăm Việt Nam 4 ngày, kể từ ngày 13/8 đến ngày 16/8, của tướng Martin Dempsey là chuyến đi của một viên tướng cao cấp tới Việt Nam sau hơn 4 thập niên, kể từ khi chuyến thăm của Đô đốc Thomas Moorer, Chủ tịch Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, hồi năm 1971.

Hơn 10 ngày sau, Bộ Chính trị cử ông Lê Hồng Anh, đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sang thăm Bắc Kinh trong 2 ngày, từ ngày 26/8 đến 27/8. Tại đây, ông Lê Hồng Anh đã đạt được thỏa thuận ‘Nguyên tắc ba điểm’ quan hệ Việt–Trung với phía Trung Quốc.

Và bây giờ là chuyến thăm Mỹ của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ông Phạm Bình Minh sẽ nói gì với Ngoại trưởng John Kerry và các quan chức Mỹ? Liệu ông sẽ nói: ông Lê Hồng Anh đã đi Bắc Kinh và có buổi nói chuyện thân mật, cởi mở với Chủ tịch nước Tập Cận Bình, chúng tôi đã đạt được ‘nhận thức chung nguyên tắc ba điểm về tiếp tục phát triển quan hệ Việt-Trung’, quan hệ Việt-Trung bây giờ rất tốt đẹp?


Ngọc Thu
Nguồn: Anh Ba Sàm
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét