Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014
Muốn không viễn vông và lệ thuộc thì phải từ bỏ ý thức hệ hão huyền
Nguyên Ngọc
Đôi lời: Đây là bản gốc bài phỏng vấn nhà văn Nguyên Ngọc đăng trên báo Kiến Thức hôm qua: “Sợ nhất giàn khoan 981 lẳng lặng rút đi… rồi mọi chuyện chìm“. Tác giả cho biết, bài đăng trên báo Kiến Thức đã bị sửa và cắt xén rất nhiều. Mời bà con đọc và so sánh.
Nhà văn Nguyên Ngọc: “Muốn không viễn vông và lệ thuộc nữa thì nhất thiết phải từ bỏ ý thức hệ hão huyền. Chính cái món ý thức hệ hão huyền đó đã khiến người ta tin vào một thứ hữu nghị viễn vông, lừa bịp, còn bành trướng Bắc Kinh thì thực chất đã vứt bỏ nó từ lâu rồi trong khi lại dùng làm mồi nhử kẻ ngây ngô lệ thuộc. Hữu nghị viễn vông và ý thức hệ hão huyền là hai thứ không thể tách nhau”.
Tâm tư của người VN đã ít nhiều xáo trộn kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Xin ông chia sẻ những tâm tư của mình với tư cách một tri thức, một công dân của VN?
Nói rằng tâm tư người Việt “ít nhiều xáo trộn” vì vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc là nói quá nhẹ. Người Việt Nam nói “đất nước” để chỉ cái mà các dân tộc khác gọi là quốc gia. Một tấc dất, một tắc biển bị xâm phạm có thể khiến cả dân tộc này bừng bừng đứng dậy. Trải nghiệm bi tráng hàng nghìn đời cũng đã để lại trong óc và trong máu người Việt ý thức và tình cảm sâu sắc rằng nguy cơ lớn nhất, dai dẳng nhất, thậm chí mãi mãi không bao giờ dứt đối với chủ quyền của đất nước là đến từ phương bắc, từ bành trướng tham lam không đáy và không bao giờ dừng lại của tất cả các triều đại Trung Hoa, từ Trung Hoa phong kiến cho đến Trung Hoa cộng sản, không chút khác biệt, tuyệt đối không thể mơ hồ.
Chuyện Trung Quốc âm mưu xâm chiếm nước ta là chuyện không mới, tuy nhiên lần này có hai điểm nổi bật:
Một: Trong âm mưu bành trướng lâu dài đó, đây là một bước chuyển có tính đột phá: giặc đã vào tận trong nhà. Đây là lúc, đúng như thời Trần cách nay tám thế kỷ đối mặt với quân Nguyên từng dày đạp cả nửa thế giới văn minh, đã đến lúc cất lên lời khẩn báo “sơn hà nguy biến!”.
Hai: Nguy biến, hầu như bao giờ cũng vậy, như một quy luật kỳ lạ và tuyệt diệu của cuộc sống, lại mở ra thời cơ. Và theo tôi có thể lần này là thời cơ lớn mà bao người Việt Nam từng trằn trọc chờ đợi nhiều năm nay.
Hiểm nguy sống còn đồng thời lại là cơ hội lớn từng trằn trọc chờ đợi, ông có thể nói rõ hơn?
Hiểm nguy chết người thì rõ rồi. Còn thời cơ ư?
Số phận đã đặt đất nước ta đứng sát cạnh một đế quốc khổng lồ, và là một đế quốc cực kỳ tham lam. Suốt lịch sử lâu dài từng là vậy, ngày nay càng là vậy: ráo riết hơn, hung hăng tàn bạo hơn, hấp tấp nôn nóng hơn, vô liêm sĩ hơn. Cách đây hơn thế kỷ trên thế giới người ta đã từng nói đến cái gọi là “họa da vàng” (péril jaune). Không phải chuyện phân biệt chủng tộc đâu. “Da vàng” đây cụ thể là đế quốc Trung Hoa. Nhân loại văn minh đã từng lo lắng về hiểm họa ấy. Hãy tưởng tượng đến một ngày cái đế quốc đó – mà là người Việt, dân tộc dày dạn kinh nghiệm nhất với đối tượng quái đản này, chúng ta càng hiểu thấm thía hơn ai hết – đến một ngày cái đế quốc ấy sẽ làm chủ toàn thế giới! Vậy mà đó chính là ý đồ ngày càng không cần quá che dấu nửa của nó, và không phải hoàn toàn không là khả năng hiện thực! Còn sống ngày nào, nhất thiết không được quên điều đó, viễn cảnh kinh hoàng đó.
Người Việt Nam càng không, bởi vì ta, Việt Nam, ta là nút chặn đầu tiên phải vượt qua trên con đường bành trướng vô độ của nó, từ mấy nghìn năm trước, ngày nay càng trắng trợn hơn, quyết liệt hơn. Cho nên nếu Việt Nam còn tồn tại được cho đến ngày nay, thì chính là vì lịch sử suốt mấy nghìn năm của Việt Nam thực chất, căn bản là lịch sử THOÁT TRUNG. Một nghìn năm Bắc thuộc đằng đẳng mà không bị đồng hóa là gì, nếu không là một cuộc thoát Trung kỳ, một cuộc đấu tranh văn hóa kỳ diệu đến kinh ngạc, hầu như không có trường hợp tương tự trong lịch sử thế giới. Rồi một nghìn năm nữa chống xâm lược vũ trang của Trung Quốc, từ Ngô Quyền cho đến Quang Trung …, đương nhiên cũng là đấu tranh vũ trang trên nền tảng văn hóa. Thoát Trung hay là chết, là bị hủy diệt, là không còn Việt Nam. Hàng nghìn năm trước cha ông ta đã giữ trọn non sông đất nước cho ta bằng tư tưởng và hành động sống kiên định, thông minh và anh hùng ấy.
Tuy nhiên, đến thời hiện đại thực tế đã không còn được như vậy. Tôi nghĩ đã đến lúc cần bình tĩnh và sáng suốt nhìn lại: con đường chúng ta đã bắt buộc (?) phải chọn trong chiến tranh chống Pháp rồi chống Mỹ, éo le một cách tất yếu, đã khiến ta xao lãng, đến ảo tưởng, về kẻ thù bành trướng truyền kiếp, nguy cơ lâu dài không bao giờ hết đối với tồn vong của dân tộc. Cho đến nổi sự kiện Hoàng Sa năm 1974, chiến tranh biên giới 1979, vụ Trường Sa 1984 … vẫn còn chưa đủ để đánh thức chúng ta. Rồi còn phải ngẫm nghĩ thật kỹ hơn về sự bi tráng lịch sử và sự mê muội tội lỗi kéo dài này.
Nay thì, theo tôi, chính đối thủ đã “giúp” ta, và là một cú giúp rất căn bản. Sự nôn nống do tham vọng ngông cuồng vốn năm trong bản chất của kẻ bành trướng đã khiến tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh đi một nước cờ sai. Với vụ giàn khoan hỗn xược, nó đã dại dột đánh thức lòng tự tôn dân tộc thiêng liêng bị dồn nén của người Việt, sức mạnh đã từng quét sạch mọi cuộc xâm lăng của đế quốc Trung Hoa trong suốt lịch sử. Nó phơi trần mọi sự lừa bịp được công phu bày vẽ lâu nay của kẻ gian manh đi lừa và ở kẻ dại dột bị lừa. Ông Thủ tướng Việt Nam lần đầu tiên đã phải nói đến việc vứt đi cái thứ “hữu nghị viễn vông” mấy mươi năm nay được dùng để lừa nhau và lừa dân…
Tất cả những điều đó, diễn ra từ khi có chuyện giàn khoan, do chuyện dàn khoan, theo tôi là khá ngoạn mục. Tất nhiên có thể thấy vẫn còn mấy kẻ cố sức vá víu, vớ vẩn lo “làm đổ bát nước đầy” …Ai cũng thấy chỉ là trò hề diễn muộn.
Tuy nhiên, đằng sau những biểu hiện đó, còn có một điều gì đó to lớn hơn nhiều, quan trọng sống còn hơn nhiều vẫn kìm hãm dân tộc này, xã hội này, con người Việt Nam này, khiến không khí ở đây oi bức, cùng quẩn hầu đến nghẹt thở: một cái nút bít bùng đã bung ra, có thể bung ra, và một con đường mới đã có thể mở ra, đang mở ra cho tiền đồ dân tộc: THOÁT TRUNG. Thoát Trung để sống còn và phát triển!
Tôi nói thời cơ lớn vì rõ ràng con đường đã rộng mở. Vấn đề bây giờ là có đủ can đảm dấn bước lên con đường mới đã mở ra kia hay không?
Ông có dự kiến cụ thể gì về chuyện giàn khoan sắp tới?
Nói thì có thể lạ: tôi sợ nhất là nó … lẵng lặng rút đi, và ở ta mọi sự lại rơi trở lại trạng thái cũ. Điều quan trọng nhất lúc này là nhận thức rõ đã diễn ra một bước ngoặt, sư thật đã được bày ra, và quyết không quay lại tình trạng bí bức trước nay.
Làm sao để không quay lại?
Cho tôi nói điều này: Thủ tướng đã nói một câu rất quan trọng: “Không đánh đổi chủ quyền vì một thứ hữu nghị viễn vông và lệ thuộc”. Cho tôi được phép nói thêm: muốn không viễn vông và lệ thuộc nữa (cả hai từ này đều quan trọng) thì nhất thiết phải từ bỏ ý thức hệ hão huyền. Chính cái món ý thức hệ hão huyền đó đã khiến người ta tin vào một thứ hữu nghị viễn vông, lừa bịp, còn bành trướng Bắc Kinh thì thực chất đã vứt bỏ nó từ lâu rồi trong khi lại dùng làm mồi nhử kẻ ngây ngô lệ thuộc. Hữu nghị viễn vông và ý thức hệ hão huyền là hai thứ không thể tách nhau.
Tôi đã có lần đề nghị: (lẽ ra) sau năm 1975, cần một cuộc phục hung dân tộc căn bản, để đưa đất nước thực sự chuyển sang một thời đại mới, phát triển cùng nhân loại văn minh. Xin nói rõ hơn: Muốn vậy, nhất thiết phải THOÁT TRUNG. Vứt bỏ hữu nghị viễn vông. Và cởi bỏ ý thức hệ hão huyền.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét