Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014
Việt Nam: Cơ hội cuối cùng hay những bước đột phá cần thiết
Ngay sau khi Trung Quốc gây ra sự cố giàn khoan Hải Dương Thạch Du (HD-981) tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam, giới phân tích chính trị quốc tế đã cho thấy đây không nhất thiết là một hành động chiếm đoạt về kinh tế mà chủ yếu là một nước cờ chính trị của Bắc Kinh nhằm tạo tiền lệ cho những bước lấn chiếm khác trong kế hoạch kiểm soát toàn thể Biển Đông Nam Á. Đây vừa là một bước thăm dò vừa là một ngón đòn phủ đầu trước khi Hoa Kỳ có thể thật sự xoay trục sang Châu Á và tái khẳng định vai trò cường quốc Thái Bình Dương. Bước chiến thuật này đã đem lại cho Trung Quốc một thắng lợi ban đầu nhưng qua những phản ứng của Việt Nam và những nước liên quan thì hành động này là một tính toán khá mạo hiểm trong chiến lược “Giấc mơ Trung Quốc ”, một mục tiêu quốc gia được Chủ tịch Tập Cận Bình chính thức tuyên bố trước Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ngày 17.3. 2013 và định nghiã là “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa.” Mạo hiểm hay không, lãnh đạo mới của Trung Quốc cũng quyết tâm hành động vì cho rằng thời cơ đã đến.
Đã có nhiều tác giả Việt Nam và ngoại quốc viết về những mục tiêu trước mắt và lâu dài của Trung Quốc qua vụ giàn khoan HD-981, phản bác những luận điệu của lãnh đạo Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền trên 80 % Biển Đông Nam Á theo bản đồ đường chín đoạn do họ tự vẽ ra, bất chấp luật lệ quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Vì vậy, bài này sẽ không tham gia vào những đóng góp quan trọng của các học giả về cơ sở lịch sử và pháp lý của Việt Nam mà chỉ chú trọng vào một số biện pháp cụ thể cần làm ngay để triệt tiêu mưu đồ của Trung Quốc đang từng bước thực hiện mục tiêu sử dụng Việt Nam làm bàn đạp tiến xuống các quốc gia khác trong khu vực.
Tên khổng lồ tỉnh giấc
Lịch sử chính trị thường nhắc đến câu chuyện Hoàng đế Napoléon Bonaparte sau khi đọc bản dịch cuốn Tôn Tử Binh pháp do một linh mục Pháp sống ở bên Tàu đời nhà Thanh thực hiện, đã phát biểu một nhận xét thú vị: “Hãy để cho tên khổng lồ này ngủ yên, vì khi tỉnh giấc nó sẽ làm rung chuyển thế giới.” Thật ra thì từ thời xa xưa cho đến hết thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc chỉ tự rung chuyển mình bằng những cuộc nội chiến (như thời Đông Chu liệt quốc) hay bị rung chuyển khi ngoại nhân (như Mông Cổ hay Mãn Thanh) chiếm đóng và cai trị, bị tám nước Tây phương (Bát quốc liên quân) trừng phạt đầu thế kỷ 20 và gần đây nhất là bị quân đội Nhật hoàng xâm lăng và hành hạ trong thời Đệ nhị Thế chiến. Công bằng mà nói thì Trung Quốc cũng có làm rung chuyển một số quốc gia láng giềng nhỏ bé như Cao Ly (Triều Tiên) và Việt Nam qua những cuộc chiến tranh xâm lược nhưng rốt cuộc đều bị đánh bại và phải chạy về nước. (Đáng chú ý là vị anh hùng Cao Ly đại thắng quân Nguyên lại là một “thuyền nhân” người Việt: Lý Long Tường, thái tử nhà Lý, chạy sang Cao Ly tị nạn sau khi Trần Thủ Độ diệt nhà Lý để xây dựng nhà Trần. Lý Long Tường đánh thắng quân Nguyên hai lần, được vua Cao Ly phong làm Hoa Sơn Tướng quân.)
Chỉ đến khi Đặng Tiểu Bình trở lại chính quyền năm 1978 Trung Quốc mới thực sự bắt đầu một thời kỳ cải cách và phát triển theo hướng ”chủ nghiã xã hội mang màu sắc Trung Quốc”. Đặng thi hành chủ nghĩa thực dụng về kinh tế, mở cửa làm ăn với các nước Tây phương với câu nói nổi tiếng: “Mèo đen hay mèo trắng không thành vấn đề miễn là nó bắt được chuột.” Nhưng quan trọng nhất trong mưu lược đối ngoại của Đặng Tiểu Bình là âm thầm xây dựng một nước Trung Hoa hùng mạnh bằng chính sách “thao quang dưỡng hối” (giấu cái sáng, nuôi cái tối) tức là giấu diếm nội lực, giả vờ yếu kém để chờ ngày vùng dậy làm bá chủ thiên hạ.
Chính sách ẩn mình chờ thời của Đặng Tiểu Bình nay đã đến hồi kết thúc. Chỉ trong ba thập kỷ, Trung Quốc từ một nước nghèo đói đã vươn lên thành một siêu cường kinh tế, vượt Nhật Bản để chiếm địa vị thứ nhì sau nước Mỹ, và cũng đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ với số tiền cho mượn trên 1300 tỉ đô-la. Thời Hồ Cẩm Đào làm Tổng Bí thư, Trung Quốc đã giàu nhất thế giới vì nhờ lao động rẻ nên đã trở thành công xưởng của tư bản quốc tế sản xuất hầu hết hàng tiêu thụ khắp các nước. Không giấu được sức mạnh tiền bạc nhưng Hồ Cẩm Đào vẫn tiếp tục lừa thế giới với khẩu hiệu khiêm tốn là “trỗi dậy hoà bình”. Từ 2012, khi Tập Cận Bình kế vị Hồ Cẩm Đào thì “Trỗi dậy hoà bình” được đổi thành “Giấc mơ Trung Quốc”, thể hiện rõ hơn chủ nghĩa dân tộc của một lãnh đạo nhiều quyền lực nhất, cùng một lúc nắm ba chức vụ Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Lời tiên đoán của Napoleon nay được nghiệm đúng: tên “khổng lồ” đã tỉnh giấc và sẽ thật sự làm rung chuyển thế giới. Nhưng rung chuyển đến mức nào và sẽ bị rung chuyển ngược ra sao lại là chuyện khác.
Đặc điểm chung của các lãnh đạo cộng sản độc tài là “nói một đàng làm một nẻo” và kiên quyết phủ nhận những sự thật hiển nhiên. Tập Cận Bình còn hơn cả những người tiền nhiệm ở chỗ không giấu diếm thái độ tự tôn và ngang ngược về mặt đối ngoại dù vẫn luôn luôn dối trá. Đối với Tập, thế kỷ 21 phải là thế kỷ của Trung Quốc vĩ đại, và thời điểm 2014 rất thuận lợi để cho Tập khẳng định quyết tâm thực hiện “Giấc mơ Trung Quốc” khởi sự từ Việt Nam, đối tượng quan trọng nhất nhưng lại dễ dàng nhất. Tập Cận Bình không thể bỏ lỡ cơ hội này dù mới đây Tập đã trơ tráo quả quyết rằng “Trung quốc không có cái gien xâm lược.”
Tại sao Việt Nam?
Một người Việt Nam bình thường nào (và tất cả những học sinh miền Nam trước 1975) cũng biết rõ là từ các triều đại phong kiến hơn hai nghìn năm trước đến thời đại cộng sản ngày nay, các lãnh đạo Trung Quốc luôn luôn tìm cách xâm chiếm đất nước và đồng hoá dân tộc Việt. Tất cả những quan hệ hoà bình, hữu nghị giữa hai nước đều chỉ là giả tạm và có lợi hơn cho Trung Quốc, tất cả mọi sự viện trợ to lớn của cộng sản Tàu cho cộng sản Việt trong cuộc chiến chống Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hoà đều là những điều kiện thuận lợi cho việc đẩy Việt Nam vào vòng lệ thuộc Trung Quốc sau chiến tranh. Ngoài ra, vì Mỹ là kẻ thù nguy hiểm nhất, cộng sản Tàu còn có lợi ích đặc biệt là “đánh Mỹ cho đến người Việt cuối cùng”.
Trở lại với câu hỏi “Tại sao cộng sản Trung Quốc (CSTQ) lại chọn cộng sản Việt Nam (CSVN) là nạn nhân đầu tiên trong mưu toan làm chủ Biển Đông Nam Á, kiểm soát các nước ASEAN và đẩy Mỹ ra khỏi khu vực Châu Á-Thái Bình Dương?”, tôi thấy có chín lý do dưới góc nhìn của Bắc Kinh:
1. Việt Nam có vị trí chiến lược then chốt, gần nhất và thuận tiện nhất để Trung Quốc có thể sử dụng vào mục tiêu khẳng định quyền làm chủ Biển Đông Nam Á, khai thác tài nguyên biển và kiểm soát toàn thể các nước trong khu vực.
2. Từ sau bản mật ước Thành Đô năm 1990, Việt Nam đã gần như lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc về kinh tế và chính trị. Việt Nam lại đang bị suy thoái về kinh tế và không có một đồng minh nào về chính trị và quân sự.
3. Cộng sản Việt Nam không thể rời bỏ chỗ dựa an toàn là Trung Quốc vì cần phải duy trì sự tồn tại của Đảng và chế độ với những đặc quyền đặc lợi quá lớn đã nắm giữ từ lâu trong khi phạm những tội ác quá nặng đối với nhân dân và đất nước.
4. Việt Nam khó khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa vì mắc kẹt với bức công hàm của TT Phạm Văn Đồng gửi TT Chu Ân Lai ngày 14/09/1958. Trên 50 năm qua, nhà nước Việt Nam né tránh vấn đề này nên có rất ít công trình nghiên cứu về pháp lý và lịch sử làm cơ sở tranh cãi so với số lượng nhiều gấp hàng chục lần của Trung Quốc.
5. Các nước ASEAN không đoàn kết và mỗi nước đều có nhiều lợi ích kinh tế riêng qua những quan hệ hợp tác song phương với Trung Quốc.
6. Hoa Kỳ đang phải đối phó với nhiều khó khăn ở trong nước và nhiều nơi trên thế giới nên chưa thể thật sự xoay trục sang Châu Á như mong muốn. Trung Quốc cần nắm lấy cơ hội trước khi Hoa Kỳ có thể cùng với Nhật xây dựng liên minh chiến lược với ASEAN.
7. Trung Quốc cũng có nhiều khó khăn nội bộ nhưng qua hành động thị oai với Việt Nam và xác định quyền khai thác tài nguyên trên biển Đông Nam Á, lãnh đạo Bắc Kinh có thể khích động chủ nghĩa dân tộc và gỉảm bớt sự bất mãn và chống đối của nhân dân.
8. Hoa Kỳ và Nhật Bản đang có những nỗ lực lôi cuốn Việt Nam ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc giữa lúc tinh thần yêu nước và khát vọng dân chủ của nhân dân Việt Nam đang lên cao, khuyến khích khuynh hướng thoát Trung trong các đảng viên CSVN và hậu thuẫn mạnh mẽ cho khuynh hướng cải cách trong nội bộ lãnh đạo.
9. Nguy hiểm nhất là triển vọng thắng thế của khối yêu nước và cải cách chính trị ở Việt Nam, trong và ngoài Đảng. Nếu Việt Nam thoát Trung và trở thành một nước dân chủ, chế độ độc tài cộng sản ở Trung Quốc sẽ lung lay và chắc chắn phải sụp đổ trong một tương lai không xa.
Chín lý do trên đây khiến lãnh đạo Bắc Kinh phải ra tay sớm, bất chấp luật lệ quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển, và bộ Quy tắc về Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông Nam Á (gọi tắt là COC) mà Trung Quốc đã hứa sẽ ký kết với các nước ASEAN tiếp theo bản Tuyên bố về Ứng xử (DOC) đã được các bên ký từ năm 2002.
Riêng đối với Việt Nam, Trung Quốc đã thẳng tay xé bỏ hai bản thoả thuận do lãnh đạo hai bên ký kết năm 2011 và 2013, cam kết giải quyết hoà bình các vấn đề khó khăn giữa hai nước. Tệ hơn nữa, Bắc Kinh đã ba lần bác bỏ lời yêu cầu khẩn cấp của Hà Nội về một cuộc gặp gỡ tại Bắc Kinh để giải quyết hoà bình vụ giàn khoan HD-981. Châm ngôn “16 chữ” và “4 tốt” thể hiện tình đồng chí bền chặt giữa hai đảng anh em được ca tụng hơn 20 năm bỗng nhiên bị quăng vào thùng rác. Hành động trở mặt tàn nhẫn và bất ngờ của Trung Quốc đối với Việt Nam chỉ có thể giải thích được bằng nguy cơ được nêu lên ở hai điểm số 8 và 9 trên đây.
Phản ứng phức tạp của Việt Nam
Nếu lãnh đạo Việt Nam đã phải bàng hoàng vì sự trở mặt trắng trợn của Bắc Kinh thì lãnh đạo Trung Quốc cũng bị bất ngờ trước khí thế yêu nước bùng dậy mãnh liệt từ phiá nhân dân Việt Nam, một dân tộc tưởng như đã bị chế độ cộng sản thuần hoá thành những con người khiếp nhược chỉ biết tuân lệnh vì đã được dạy dỗ rằng “chuyện gì cũng đã có Đảng và Nhà nước lo.”
Thật đáng tiếc là thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc cậy mình quá giàu và quá mạnh nên không chịu tìm hiểu lịch sử và văn hoá Việt Nam để biết rằng truyền thống chống Trung Quốc xâm lược vốn nằm sẵn trong từng mạch máu, từng thớ thịt của dòng giống Việt từ ngày lập quốc. Bởi vậy, ngay trong hàng ngũ đảng viên CSVN, trừ một số đã nhiễm độc nặng vì địa vị và quyền lợi, những đảng viên yêu nước vẫn kiên quyết đấu tranh cho độc lập và chủ quyển của quê cha đất tổ. Họ cũng sáng suốt nhận ra những sai lầm tai hại của chủ nghĩa cộng sản nên đã dấn thân vào tiến trình chuyển hoá chế độ từ độc tài độc đảng sang dân chủ đa nguyên đa đảng. Nhưng dưới sự cai trị khắc nghiệt của chế độ toàn trị, trí thức và nhân dân không thể bày tỏ lòng yêu nước hay thái độ bất mãn đối với những hành động sai trái của chính quyền. Mọi hoạt động phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền hay đối xử tàn nhẫn với ngư dân Việt Nam đều bị nhà nước ngăn cấm và những người dám lên tiếng đều bị trù dập, bắt giữ và kết án nặng nề.
Nhưng sự chiụ đựng nào cũng có giới hạn và nhà cầm quyền cũng không thể che giấu mãi tội ác của Trung Quốc và thái độ hèn kém của mình. Rốt cuộc ngày phải đến đã đến. Ngày 1 tháng 5, 2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan khổng lồ HD-981 cùng hơn 80 tàu vũ trang và máy bay hộ tống vào khu vực Hoàng Sa, hạ đặt giàn khoan này ngay trên Thềm lục địa và trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam. Các tàu hộ tống giàn khoan đã tấn công các tàu công vụ và dân sự của Việt Nam gây hư hại nhiều tàu và một số người bị thương vong.
Hành động phi pháp và thái độ hống hách của cường quyền Bắc Kinh không chỉ làm bùng dậy lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam mà còn làm cho đám lãnh đạo thân Bắc Kinh phải lo sợ và đành lòng để cho nhân dân biểu tình chống Trung Quốc. Mặc dù cuộc biểu tình đầu tiên được phép ngày 11.5 đã diễn ra tốt đẹp vì nhân dân chỉ biểu dương lòng yêu nước chống quân xâm lược chứ không chống chính quyền, phe thân Trung Quốc đã tìm cách ngăn chặn cuộc biểu tình trong tuần kế tiếp mà họ biết chắc là số người xuống đường tham gia sẽ tăng lên gấp bội. Nhiều nguồn tin cho hay họ đã mướn côn đồ sách động công nhân biểu tình bạo động ở một số cơ xưởng do người ngoại quốc đầu tư, gây thiệt hại vật chất và thương tích cho một số người bị coi là dân Trung Quốc. Mượn cớ có bạo động, chính quyền đã có lý do chính đáng để ra lệnh cấm biểu tình dù ban tổ chức đã thông báo chủ trương bất bạo động. Điều này cho thấy nội bộ lãnh đạo Việt Nam vẫn còn chia rẽ nhưng phe cấp tiến đã bắt đầu tạo được hậu thuẫn của nhân dân yêu nước và khao khát dân chủ.
Tuy nhiên, tình hình mấy tuần qua đã trở nên phức tạp qua những phát biểu và cách hành xử lúng túng và mâu thuẫn của một số nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Việt Nam trước hành động xâm lấn ngang ngược của Trung Quốc và những động thái phòng ngừa từ phía Mỹ và Nhật. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì không nói năng gì, chỉ một mực muốn sang Bắc Kinh cầu cứu Tập Cận Bình nhưng đã bị từ chối. Đại tướng Phùng Quang Thanh thì tại Hội nghị Shangri-La ngày 1 tháng Sáu đã có những lời phát biểu quá nhũn nhặn so với lời lẽ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mạnh mẽ kết án Trung Quốc tại hội nghị cao cấp ASEAN ngày 12 tháng 5, và trong cuộc gặp Tổng thống Philippines tại Manila một tuần sau đó. Gần đây nhất là quyết định (của Bộ Chính trị ?) trì hoãn chuyến đi Washington của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh do lời mời của Ngoại trưởng John Kerry.
Chuyến đi thăm dò lãnh đạo Hà Nội của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 18/6 lại cho thấy có ba sự kiện đáng chú ý:
1. Dù chưa có thông báo chính thức của Bộ Ngoại giao, các nguồn tin trong nước và ngoại quốc đều cho hay là cuộc đối thoại Dương Khiết Trì-Phạm Bình Minh bị bế tắc vì lập trường hai bên không thay đổi. Các thông tín viên của Reuters nhận xét không có treo cờ hai quốc gia bên ngoài toà nhà họp như thông lệ mỗi khi có khách quan trọng đến thăm và cũng không có tấm hình nào cho thấy hai bên với vẻ mặt tươi cười. Trang tin mang tên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn đăng một tấm hình cho thấy khi bắt tay nhau, Phạm Bình Minh nhìn thẳng vào mặt người đối diện trong khi Dương Khiết Trì thì nhìn xuống. Người viết blog nhận xét ông Minh có ánh mắt “rực lửa”.
2. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực; gây bất bình và làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam, tác động tiêu cực đến quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai nước; yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam; cùng đàm phán giải quyết các tranh chấp bất đồng giữa hai nước bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế và nhận thức chung giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước… Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
3. Một sự kiện khác rất bất ngờ là quan điểm yêu nước vững chắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp kiến Dương Khiết Trì. Bản tin VNTTX ngày 18/6 dẫn lời của ông Trọng: “Tổng Bí thư nhấn mạnh tính nghiêm trọng và tác động rất tiêu cực của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) tại vùng biển của Việt Nam từ đầu tháng Năm đến nay đối với nhân dân Việt Nam, cục diện quan hệ Việt-Trung và tình hình khu vực. Tổng Bí thư khẳng định lập trường về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi; đề nghị khẩn trương trao đổi để có các giải pháp sớm ổn định tình hình… trên cơ sở các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.”
Dù sao, thái độ lúng túng và mâu thuẫn của lãnh đạo Việt Nam vẫn tồn tại, cho thấy phe bảo thủ thân Trung Quốc, dù đã bị Bắc Kinh không thèm đếm xỉa tới nữa, vẫn không dám nghĩ đến việc thoát Trung vì ngoài Trung Quốc ra, họ không có một chỗ dựa nào khác. Có lẽ họ không còn chiếm đa số trong Bộ Chính trị nhưng họ đang tranh thủ lôi cuốn những người “do dự” mà phe yêu nước cấp tiến cũng đang cố gắng thuyết phục. Dù khinh miệt đám tay chân ở Hà Nội, lãnh đạo Bắc Kinh không bỏ qua cơ hội làm suy yếu phe cấp tiến đang gia tăng hợp tác với Mỹ. Chắc chắn đàng sau những cuộc vận động thành phần còn do dự đều có bóng dáng của Đại sứ Trung Quốc Hồng Tiểu Dũng và các thuộc viên. Mặc dù mục tiêu cuối cùng của các phe đang chống đối nhau trong Đảng CSVN là chiếm được ưu thế trong Đại hội 12 sẽ diễn ra năm 2016, Đảng và Nhà nước vẫn phải có những quyết định liên quan đến chính sách đối nội và đối ngoại từ nay cho đến ngày Đại hội. Liệu có thay đổi gì không? Chúng ta có thể ngờ rằng tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” và “nói một đàng, làm một nẻo” sẽ tiếp tục được duy trì như một đồng thuận không chính thức trong nội bộ lãnh đạo. Trong khi đó, bọn bá quyền Bắc Kinh vẫn tiếp tục vừa đánh lừa dư luận vừa lấn tới, từng bước một, nhưng mau hơn trước.
Liệu sự thống nhất bất ngờ giữa hai ông Tổng Bí thư và Thủ tướng về lập trường đối với Trung Quốc qua vụ giàn khoan HD-981 có làm cho những lãnh đạo thân Tàu trong Bộ Chính trị cũng sẽ bớt cản đường trên con đường thoát Trung?
Tổng lực dân tộc và những hành động đột phá
Những nhận định ở phần đầu bài này đã cho thấy năm 2014 là thời điểm thuận lợi nhất cho Trung Quốc tiến hành kế hoạch thống lĩnh Biển Đông Nam Á và trục xuất Hoa Kỳ khỏi khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Trong hai mươi năm qua, CSVN đã bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội thoát Trung và cải cách chính trị để đất nước có thể phát triển không thua kém Đại Hàn, Đài Loan hay Singapore. Trước sự trở mặt thình lình của Bắc Kinh, Đảng và Nhà nước Việt Nam không kịp chuẩn bị cho việc bảo vệ chủ quyền trên biển để từ đó sẽ mất luôn khả năng bảo vệ độc lập và toàn vẹn chủ quyền của đất nước. Trước tình thế gần như tuyệt vọng đó, Việt Nam chỉ có hi vọng được cứu thoát nếu có một tổng lực dân tộc do sự kết hợp của cả ba thành phần : chính quyền, nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Nhưng tổng lực dân tộc này chỉ có thể thành tựu nếu mỗi thành phần đều có những hành động đột phá hướng về hai mục tiêu chung: bảo vệ tổ quốc và thực thi dân chủ.
1. Chính quyền
Đây là thành phần chủ yếu vì đang nắm quyền quyết định vận mệnh dân tộc về mặt đối ngoại, nhưng cũng là thành phần suy nhược, nội bộ chia rẽ và không được nhân dân tin cậy. Ai cũng đã thấy rõ là lãnh đạo Đảng và Nhà nước đang chia làm hai: một phe do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu hoàn toàn dựa vào Trung Quốc (thân Tàu) để bảo vệ chế độ độc tài và quyền lợi nhóm, và một phe do Nguyễn Tấn Dũng lãnh đạo chủ trương phải thoát Trung và chuyển hoá thể chế từ độc tài sang dân chủ (thân Mỹ). Trước nguy cơ mất nước, dù có nghi ngờ cả hai phe “vì họ đều là cộng sản”, nhân dân trong nước và cộng đồng hải ngoại vẫn không có lựa chọn nào khác hơn là chống phe thân Tàu và ủng hộ phe thân Mỹ. Nhưng để có thể được toàn dân hậu thuẫn và tạo thành tổng lực dân tộc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này phải thật sự chứng tỏ lời nói đi đôi với việc làm. Những lời chỉ trích Trung Quốc cũa ông Dũng từ hơn một năm nay đã trở nên mạnh mẽ đến mức độ dứt khoát và những phát biểu của ông trong thông điệp đầu năm 2014 gửi nhân dân trong nước đã bộc lộ rõ rệt ý muốn “đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân”, nhưng có thể ông đã không thi hành được ý muốn vì lực cản của đám bảo thủ thân Tàu còn quá mạnh. Tuy nhiên, nếu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chọn thái độ dứt khoát và ở trong một tình thế không thể lùi được nữa thì ông phải có ngay một số hành động đột phá, chẳng hạn:
a. Thành lập ngay một Hội đồng Tư vấn về quan hệ Việt-Trung gồm các trí thức và chuyên gia độc lập trong và ngoài nước. Hội đồng này sẽ làm việc với những Ban Đặc nhiệm (Task Force) về lịch sử, pháp lý, và quan hệ quốc tế của chính phủ để đề xuất những chính sách và biện pháp đối phó với những luận điệu xuyên tạc, thủ đoạn hãm hại và hành động uy hiếp của Trung Quốc. Các thành viên trong hội đồng tư vấn và ban đặc nhiệm sẽ thường xuyên tham khảo với các học giả và chiến lược gia quốc tế có thiện cảm với Việt Nam và chống chính sách bành trướng của Trung Quốc (như Carl Thayer, Jonathan London, Ernest Bower, David Brown). Một hồ sơ tội ác và thủ đoạn nham hiểm của Trung Quốc đối với Việt Nam cần được thiết lập để sẵn sàng có bằng chứng tố cáo trước dư luận quốc tế.
b. Gửi một văn thư kêu gọi lãnh đạo các cấp trung ương và địa phương thức tỉnh trước thái độ tráo trở ngạo mạn của Bắc Kinh, xé bỏ các hiệp ước hoà bình hữu nghị giữa hai nước và quyết tâm biến Việt Nam thành một nước chư hầu. Văn thư cũng kêu gọi toàn thể các đảng viên đang hoạt động hay đã hồi hưu, đặc biệt trong quân đội và công an, hãy thực thi truyền thống oai hùng bảo vệ tổ quốc và nhân dân chống quân xâm lược, và sau hết kêu gọi toàn dân đoàn kết để hợp thành sức mạnh dân tộc cứu nguy đất nước. Thế giới văn minh ở thế kỷ 21 sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam vì không một quốc gia nào chịu sự lãnh đạo của một nước cộng sản độc tài như Trung Quốc. Đây có thể là một bản “hịch” lịch sử.
c. Thực hiện tiến trình dân chủ hoá bằng việc ban hành các quyền tự do cơ bản của con người như tự do báo chí, tự do lập hội, tự do tôn giáo…, thả hết những tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm bị bắt giữ vì bất đồng chính kiến, đền bù công bằng cho những dân oan bị cưỡng chế đất đai, những công nhân bị bóc lột và đối xử tàn tệ. Về mặt thể chế thì bãi bỏ ngay điều 4 Hiến pháp và thành lập hội đồng lập hiến để soạn thảo một bản Hiến pháp mới trên cơ sở tam quyền phân lập, một quốc hội thực sự do dân bầu và một cơ chế chính trị đa nguyên đa đảng.
Những bước đột phá này nếu được thi hành chắc chắn sẽ được toàn dân nhiệt liệt hoan nghênh, mọi thế lực phản động bán nước và quan thày Bắc Kinh sẽ phải chùn bước, và thế giới dân chủ, văn minh sẽ mở rộng vòng tay đón nhận và giúp đỡ Việt Nam phát triển. Chỉ trong một vài thập kỷ, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia giàu mạnh trong khu vực.
2. Nhân dân trong nước
Thành phần này tuy không có thực quyền và đã bị áp chế lâu ngày đã bỗng nhỉên bừng tỉnh vì hành động ức hiếp quá đáng của Trung Quốc, đồng thời cũng vì sức chịu đựng chế độ độc tài tham nhũng đã lên đến mức căng thẳng nhất. Trong thời gian chưa đầy một năm, sau những kiến nghị và thư ngỏ đầy thiện chí của nhân sĩ trí thức bị chính quyền vứt bỏ, các nhóm công dân đã liên tiếp theo nhau ra đời không cần xin phép – nay đã lên tới gần ba chục tổ chức – tất cả đều tranh đấu bất bạo động cho nhân quyền và dân chủ. Một xã hội dân sự đã thật sự thành hình mặc dù vẫn thường xuyên bị hạn chế, đe doạ và một số đã bị bắt giữ. Bất chấp lực lượng an ninh, những hoạt động của xã hội dân sự vẫn tiếp tục dưới nhiều hình thức: diễn đàn điện tử, báo mạng, toạ đàm và hội thảo có chủ đề, thư yêu cầu chính phủ kiện Trung Quốc, thư kêu gọi toàn thể các đảng viên đứng chung với nhân dân, trực tiếp vận động và hội họp với các tổ chức quốc tế và các cơ quan đại diện chính phủ nước ngoài ở Việt Nam, thậm chí đã có thể trực tiếp vận động với Quốc hội và Bộ Ngoại giao ở Hoa Kỳ, Lỉên minh Châu Âu và Hôi đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, kể cả đích thân tham gia những cuộc hội thảo của người Việt ở nước ngoài hoặc trao đổi qua màn hình trực tuyến, v.v.
Dù sao, những tổ chức công dân tự phát ở Việt Nam còn quá mới và quá nhỏ. Thực tế là không có một sự thay đổi chính quyền hay thể chế nào có thể diễn ra mà không do sự tranh đấu của một tổ chức quần chúng lớn mạnh như Công đoàn Đoàn kết (Solidarnosc) ở Ba Lan hay một đảng chính trị đối lập có uy tín như Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) ở Myanmar. Việt Nam vì bị cộng sản kìm kẹp quá lâu đã không có được những tổ chức công dân hay đảng phái đối lập và những lãnh tụ nổi bật như Lech Walesa hay Aun Sang Suu Kyi. Vì vậy cần phải có sự xuất hiện của ít nhất một tổ chức đủ lớn và đủ khả năng lãnh đạo quần chúng tranh đấu cho lợi ích của quốc gia. Ba tháng trước đây, tác giả Nguyễn Vũ Bình có một bài viết rất đáng chú ý về sự lớn mạnh của Phong trào Dân chủ trong mấy năm qua nhưng vẫn chỉ là “dấu hiệu cho một sự chuyển đổi cơ bản và toàn diện.”
Trong khi chờ đợi và trước nhu cầu cấp bách của tình thế, các tổ chức công dân riêng rẽ hiện nay cần phải kết hợp với nhau thành một liên minh bình đẳng để phối trí các hoạt động có mục tiêu chung và hỗ trợ lẫn nhau. Như tôi đã đề nghị sơ khởi trong bài “Khúc ngoặt lịch sử” (boxitvn, ngày 14/5/2014): “Các nhóm trong Liên minh này đều độc lập và bình đẳng, hợp tác với nhau trên cơ sở mẫu số chung, đại đồng tiểu dị. Đại diện các nhóm sẽ bầu ra một Hội đồng Điều hành của Liên minh theo lề lối dân chủ, căn cứ trên những điều kiện thích hợp, như hiểu biết, kinh nghiệm, khả năng tổ chức, giao thiệp, v.v. Cũng cần có một bản nội quy ấn định rõ sứ mệnh và cấu trúc của Liên minh, vai trò và trách nhiệm của các nhóm thành viên, nhất là thể thức làm việc cho có hiệu quả và ngăn ngừa được sự lạm dụng quyền lực của một cá nhân hay phe nhóm nào… Như vậy dân tộc mới có đủ sức mạnh bảo vệ độc lập và chủ quyền đất nước đồng thời hậu thuẫn cho sự chuyển đổi thể chế từ độc tài toàn trị sang dân chủ đa nguyên đa đảng một cách trật tự, ôn hoà.” Đây chỉ là sự gợi ý để cho các nhà lãnh đạo xã hội dân sự ở trong nước xem xét và tìm cách thực hiện thích hợp.
Ngày 5 tháng 6 vừa qua, đã có 16 tổ chức xã hội dân sự và tôn giáo lần đầu tiên ngồi lại với nhau tại chùa Liên Trì ở Saigon để thảo luận về sự phát triển XHDS, đòi hỏi chính quyền thực thi những quyền tự do căn bản, và nhấn mạnh vào quyền thành lập công đoàn độc lập. Bốn ngày sau, Liên đoàn Lao động Việt Tự do, gọi tắt là Lao Động Việt (LĐV) ra tuyên cáo xác nhận tham gia cộng đồng xã hội dân sự ở Việt Nam để bảo vệ những quyền lợi chính đáng của người lao động. Đó là những bước đầu tích cực tiến đến sự ra đời của một loại hình chính thức liên kết các tổ chức dân sự, có lãnh đạo và sinh hoạt dân chủ. Điều đáng lo ngại là giữa các tổ chức vẫn có thể có những trở ngại cho sự phối trí và hợp tác, và điều đó, nếu tồn tại, sẽ là một đại bất hạnh cho dân tộc. Mong rằng các nhà lãnh đạo xã hội dân sự ở trong nước có đủ sự sáng suốt, tinh thần trách nhiệm và ý chí vượt qua mọi trở lực để tạo được sức mạnh toàn dân, điều kiện cần thiết để gìn giữ đất nước, thực hiện tiến trình dân chủ và phát triển.
Vai trò của trí thức đặc biệt quan trọng trong việc đối thoại với chính quyền, vận động các đại sứ quán và cơ quan quốc tế (gồm cả giới truyền thông) có đại diện ở Việt Nam, giúp thành lập Liên minh các tổ chức XHDS và giúp thảo kế hoạch và chương trình hoạt động của liên minh nhằm đẩy mạnh những cải cách về chính trị, kinh tế, giáo dục và xã hội. Trí thức cấp tiến trong hay ngoài Đảng cũng sẽ rất đắc lực trong việc cung cấp thông tin, vận động trí thức và nhân dân Trung Quốc nhận ra chính sách sai lầm và tham vọng lỗi thời của các lãnh đạo Đảng CS đe dọa hoà bình và ổn định trong khu vực, nhất là phá hoại tình thân thiết tự lâu đời giữa hai dân tộc.
Nỗ lực đoàn kết, hợp tác trong tinh thần dân chủ để phục vụ lợi ích chung, bảo đảm lâu dài nền độc lập, toàn vẹn chủ quyền và phát triển bền vững cho đất nước, đó là bước đột phá cần thiết của trí thức và nhân dân trong nước, tự giải thoát ra khỏi mọi áp bức của chế độ cộng sản độc tài, mọi thành kiến nghi kỵ, và giành lại đầy đủ quyền công dân của một nước văn minh, dân chủ.
3. Cộng đồng người Việt hải ngoại
Kiều dân hay công dân ngoại quốc gốc Việt đều được kể là thành phần của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nói gọn là người Việt hải ngoại. Dù ở xa quê hương hay sinh trưởng ở nước ngoài, hầu hết đều vẫn gắn bó tình cảm với nguồn gốc của mình ở những mức độ khác nhau. Tổng số người Việt hải ngoại tính đến nay khoảng trên 4 triệu người, riêng ở Hoa Kỳ có khoảng 2 triệu. Bài này không đi vào chi tiết về lịch sử và đời sống của người Việt hải ngoại mà chỉ tập trung vào vai trò cần thiết và thích hợp của cộng đồng này, đặc biệt là ở Mỹ, đối với tình hình chính trị ở Việt Nam và các quan hệ Việt-Mỹ-Trung.
Nói chung, quan điểm chính trị của Việt kiều ở Nga và các nước Đông Âu trước đây đối với Việt Nam khác xa nếu không muốn nói là đối nghịch với khối người Việt tị nạn ở những nước không cộng sản từ 1975 cho đến khi chế độ cộng sản ở các nước Đông Âu theo nhau sụp đổ trong năm 1989. Kể từ đó, quan điểm của những Việt kiều ở những nước cựu cộng sản đã bắt đầu thay đổi và cùng với các cơ hội giao lưu gia tăng từ đó đến nay, những suy nghĩ về tình hình đất nước và nhu cầu dân chủ hoá chế độ đã gần như đồng nhất trong đại khối người Việt hải ngoại.
Từ năm 2010, tôi đã nêu vấn đề hiểm hoạ Trung Quốc và đề cập vai trò của người Việt hải ngoại trong hai bài viết, “Người Việt hải ngoại làm được gì trước hiểm hoạ Trung Quốc” (talawas, 01/03/2010) và “Trước hiểm họa Trung Quốc: Kế hoạch hành động của người Việt hải ngoại” (talawas, 02/07/2010). Như vậy đây là lần thứ ba tôi trở lại vấn đề này nhưng có những nhận định phù hợp với những biến chuyển mới của tình hình, đặc biệt khai triển thêm hai phần về vai trò và những bước đột phá cần thiết của chính quyền cũng như của xã hội dân sự. Vì kế hoạch hành động của người Việt ở nước ngoài đã được trình bày khá đầy đủ trong bài viết ngày 02/07/2010 nên ở đây tôi chỉ nhấn mạnh những điểm chính, nhất là vai trò hỗ trợ của cộng đồng hải ngoại, một quan điểm đã được nhắc đến trong bài viết ngày 01/03/2010 nêu trên và xác nhận rõ hơn trong bài “Thư gửi bạn bè trong nước…” (boxitvn, 05/03/2013) rằng “việc thay đổi tình hình chính trị ở Việt Nam là việc làm của người trong nước, còn người ở bên ngoài chỉ có thể đóng vai trò hỗ trợ.”
Những điểm chính được tóm tắt (với đôi chút cập nhật) là:
* Trước hiểm họa Trung Quốc và tình thế cấp bách hiện thời, cần ủng hộ những lãnh đạo thật lòng bảo vệ độc lập và toàn vẹn chủ quyền của Việt Nam. Nếu ngày nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không những chỉ khẳng định quyết tâm ấy mà còn chủ trương dân chủ hoá chế độ thì người Việt hải ngoại càng cần phải hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự trong nước hậu thuẫn cho ông Dũng đánh bại phe thân Tàu độc tài toàn trị. Một khi đã thoát Trung và thể chế dân chủ đã có cơ sở thì những tội lỗi và sai lầm cuả chế độ cộng sản sẽ được xử lý một cách công bằng, nhân đạo.
* Trí thức và chuyên gia hải ngoại sẽ cùng với các trí thức chuyên gia yêu nước và cấp tiến ở trong nước đóng góp vào việc giúp chính quyền giải quyết các vấn đề khó khăn về đối nội và đối ngoại, thiết lập các dự án cải cách để có thể ổn định được tình hình chính trị, kinh tế và xã hội, giúp đất nước mau chóng trở thành một quốc gia dân chủ và phát triển. Trong nhiều năm qua, trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo, sinh viên và các giới trong và ngoài nước đã có nhiều cơ hội giao lưu, hợp tác, tạo thành một nguồn nhân lực và tài nguyên quan trọng với tiềm năng rất phong phú, sẵn sàng được huy động và sử dụng khi có cơ hội và điều kiện thuận lợi. Các tổ chức phi chính phủ từ bên ngoài với những chương trình y tế, giáo dục và nhân đạo cũng đã tạo được nhiều hạt giống cho sự nảy sinh và phát triển xã hội dân sự.
* Cộng đồng người Việt hải ngoại có nhiều điều kiện hơn người trong nước trong việc tiếp cận các cơ quan chính quyền, quốc hội, các đại sứ quán và tổ chức quốc tế để vận động cho các chính sách có lợi cho Việt Nam trong việc đối phó với Trung Quốc và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội theo chiều hướng dân chủ. Các học giả người Việt ở nước ngoài cũng có nhiều dịp tham gia hội họp và hợp tác với các viện nghiên cứu về Việt Nam, các tổ chức tranh đấu cho quyền con người, các hiệp hội công dân gốc Châu Á-Thái Bình Dương để cùng vận động cho các chương trình, các giải pháp đem lại hoà bình, hợp tác, và phát triển cho các nước trong khu vực.
Việc phân định vai trò của chính phủ, nhân dân và cộng đồng hải ngoại như trên không nhất thiết chỉ thuộc về mỗi thành phần vì trên thực tế có nhiều việc nếu làm chung thì sẽ có hiệu quả hơn. Vấn đề chính là chính phủ – ở đây là chính phủ Nguyễn Tấn Dũng – có đủ quyết tâm thoát ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc và thực thi dân chủ hay không. Tôi biết có nhiều nhân sĩ, trí thức ở trong nước trước đây chống ông nay sẵn sàng giúp ông thay đổi tình thế vì sự tồn vong của đất nước. Đây là một nhiệm vụ lịch sử với muôn vàn khó khăn trước mắt. Trong bài “Việt Nam sẽ ra sao sau bài diễn văn Shangri-La” (boxitvn, 19/06/2013), tôi kết luận bằng một lời cầu nguyện: “Cầu Trời khấn Phật cho ông Nguyễn Tấn Dũng trở thành một Gorbachev Việt Nam”. Nhưng như ngạn ngữ Tây phương đã nói “Hãy tự giúp mình trước thì Trời sẽ giúp ta”, nếu ông Dũng tự giúp ông làm nhiệm vụ lịch sử thì ngoài sự phù hộ của Trời, ông còn có hậu thuẫn của hơn 90 triệu người Việt Nam ở trong và ngoài nước, cộng với sự hỗ trợ tận tình của bạn bè quốc tế. Nếu chẳng may vì lý do nào đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thất bại, hay quay lưng lại với nhân dân, thì tình huống đó sẽ được Trời và nhân dân xử lý.
Carpe diem! Hãy nắm lấy thời cơ đang có trong tầm tay. Vì đó cũng là cơ hội cuối cùng.
California, 19 tháng Sáu 2014
Lê Xuân Khoa
——–
Tác giả Lê Xuân Khoa nguyên là Chủ tịch Trung tâm Tác vụ Đông Nam Á (SEARAC) và Giáo sư thỉnh giảng Đại học Johns Hopkins, USA.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét