Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

Siêu hợp đồng khí đốt Nga-Trung : Bắc Kinh bắt chẹt Putin


Putin trong dạ tiệc ở Thượng Hải, 20/05/2014.
(Jean-Michel Bezat, Le Monde 23/05/2014) Đã mười năm Vladimir Putin chờ đợi giây phút này ! Sau những thương lượng cuối cùng trong chuyến công du của Tổng thống Nga ở Thượng Hải ngày 20 và 21/5, Nga và Trung Quốc đã ký kết vào ngày thứ hai của chuyến viếng thăm một hợp đồng khí đốt thế kỷ : xuất khẩu 38 tỉ mét khối khí đốt Nga trong ba thập kỷ, với tổng giá trị ước tính trên 400 tỉ đô la.

Hợp đồng này giúp cho Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới và cũng thải khí CO2 nhiều nhất, một nguồn cung cấp mới nhờ đó giảm bớt lệ thuộc vào than đá, có hậu quả tai hại lên sức khỏe cộng đồng. Còn Nga, nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới có được khách hàng mới, lúc đang trong trận chiến cân não với các khách hàng châu Âu truyền thống.


Ông Putin và Tập Cận Bình đã vỗ tay hoan nghênh và dùng bánh mì nướng với vodka sau khi ký kết hợp đồng giữa Gazprom và China National Petroleum Corp (CNPC). « Đây là hợp đồng lớn nhất trong lịch sử trong lãnh vực khí đốt của Liên Xô cũ », Tổng thống Nga khoan khoái, nhưng vẫn không giấu diếm rằng « các bạn Trung Quốc quả là các nhà thương lượng đáng gờm ». Mãi đến hôm thứ Ba 20/5, hai nước vào phút chót mới đạt được « một thỏa thuận làm hài lòng cả đôi bên », theo ông Putin.

Người ta không biết gì về các điều khoản của hợp đồng này, cho dù Putin nói rằng CNPC sẽ trả tiền khí đốt bằng giá các khách hàng châu Âu. Các chuyên gia khẳng định rằng Gazprom, vốn không thương lượng được ở thế mạnh, đã phải nhượng bộ : các doanh nghiệp được AFP trích dẫn nêu ra cái giá 350 đô la cho 1.000 m3 (so với châu Âu là 380 đô la).

Một điều chắc chắn : ông Putin phải trở về Matxcơva với thành công không chỉ về chính trị mà cả thương mại. Để trả đũa một châu Âu dường như kiên quyết giảm bớt sự lệ thuộc vào khí đốt Nga bằng mọi cách (chiếm 25% nhu cầu), siêu hợp đồng trên tăng cường uy tín của nhà lãnh đạo Nga trong cuộc xung đột với phương Tây về vấn đề Ukraina.

Việc xây dựng đã được bắt đầu để đảm bảo đợt giao hàng đầu tiên vào năm 2018, cho dù hai nước còn phải ký một hợp đồng về tài trợ cho dự án (như miễn thuế…). Gazprom dự kiến đầu tư 55 tỉ đô la để triển khai hai mỏ lớn ở Xibêri và xây dựng đường ống dẫn khí chạy đến tận biên giới Trung Quốc. CNPC sẽ chi ra 20 tỉ đô la, nhất là cho đoạn đường ống cung ứng cho các thành phố liên hợp công nghiệp vùng duyên hải phương đông.

Trong chuyến thăm của ông Putin, Thủ tướng của ông ta đã nêu ra với ngôn từ thận trọng, việc đưa luồng khí đốt về châu Á. « Chúng tôi có đủ trữ lượng để giao khí đốt cho phương Đông cũng như phương Tây » - Dimitri Medvedev nói với Bloomberg, một ngày trước khi ký kết. « Nhưng trong trường hợp tệ nhất, nói thuần về lý thuyết, khí đốt không cung cấp cho châu Âu có thể đưa sang Trung Quốc ». Tờ Financial Times dẫn lời Keun Wook Paik, chuyên gia về quan hệ năng lượng Trung-Nga khẳng định Gazprom có thể xuất sang Trung Quốc đến 130 triệu m3/năm, gần như tương đương với lượng xuất cho châu Âu hiện nay.

Hợp đồng Gazprom-CNPC hiện mới chiếm khoảng 16% lượng khí đốt xuất khẩu của Nga. Là cánh tay mặt của Kremli, Gazprom hoàn toàn không có lợi lộc gì khi quan hệ với Liên hiệp châu Âu (EU) xấu đi, vì từ 40 năm qua lợi nhuận của tập đoàn chủ yếu từ EU. Được xây dựng trong thập niên 70-80, các đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến châu Âu đã khấu hao xong, trong khi các đường ống mới và các nhà máy khí thiên nhiên hóa lỏng (GNL) cần phải đầu tư rất lớn. Các mỏ khí phương đông của Gazprom không phải là những mỏ giàu có nhất, và người ta không hiểu làm thế nào có thể đưa khí đốt trích từ các mỏ này sang châu Á mà không đội giá lên cao ngất ngưởng.

Sau khi leo thang xung đột khí đốt giữa Nga và Ukraina, hai nước này cùng với châu Âu tìm kiếm một lối ra, tránh được việc Matxcơva phải sử dụng ngón đòn chí tử mà Kremli đang dọa : cắt nguồn khí đốt cho Kiev kể từ ngày 3/6 nếu công ty nhà nước Naftogaz không trả cho Gazprom 1,66 tỉ đô la. Ủy viên năng lượng châu Âu Gunther Oettinger hôm thứ Hai 19/5 đã loan báo khả năng một hội nghị ba bên ngày 26/5 tại Berlin, đánh dấu ý định hòa hoãn. Không ai có lợi khi tuyên bố một cuộc « chiến tranh khí đốt » mới như đã xảy ra trong mùa đông 2006 và 2009.

Trong cuộc chơi năng lượng toàn cầu này, Matxcơva còn phải đối đầu với một mối đe dọa khác : sự cạnh tranh của khí đá phiến Mỹ. Trước khi Putin đi Trung Quốc, Bộ trưởng Năng lượng Nga đã cố hạ thấp nguy cơ. Sản lượng của Hoa Kỳ đã đạt đến đỉnh điểm và đứng lại một chỗ từ hai năm qua – ông khẳng định trên đài truyền hình Nga RT. Và lượng khí có thể bán cho châu Âu – một kịch bản được Tổng thống Barack Obama nêu ra một cách thận trọng vào tháng Ba khi đến Bruxelles – theo ông Novak, « giá cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với khí đốt được vận chuyển qua đường ống, kể cả từ Nga ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét