Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Cuộc đàm luận Gia thất Nhà Trần trước Hội nghị Diên Hồng



Chúng Ta

Nguyễn Tất Thịnh

09-08-2014

Tôi suy nghiệm, tưởng định lịch sử để viết về những đối thoại này trong Gia thất nhà Trần trước nguy cơ thôn tính Nước Nam ta bởi dã tâm của Triều đình Nguyên Mông (1284 ). Lịch sử luôn chứa đựng những bài học vĩ đại, những nguyên lý cơ bản nhất, những trải nghiệm điển hình…có ý nghĩa không chỉ với việc kinh bang tế thế sau này của các Triều chính mà từng người dân cũng có thể rút ra những điều bổ ích cho tri thức và nhân sinh của mình. Trong mưu sự lớn thế nào cũng có kẻ như Trần Ích Tắc ! Nhưng hay hơn là luôn có người như Trần Quốc Tuấn ! Tinh thần và giá trị tuyệt đỉnh của Nhân dân có sẵn và chỉ tìm thấy trong phương pháp thực hành Dân chủ!


Đức Thánh Trần

Trần Thánh Tông : Các vị, Đất nước thực đang lâm nguy! Sau trận thắng 1258 , chúng ta đã khiêm cung mà nhận là Phiên xứ của Triều đình nhà Nguyên. Nay Hốt Tất Liệt không từ giã lòng tham tàn lại quyết chí lăm le thôn tính nước Nam ta mà chuẩn bị điều đại binh thuỷ bộ lần thứ hai sang đánh. Trần Nhân Tông đã sai Sứ giả là Trần Phủ sang đó xin yết kiến nhằm thuyết phục và chậm lại ý đồ xâm lăng của chúng. Hốt Tất Liệt không thèm tiếp, rồi Trần Phủ cũng cố gặp được vài quân thần bên đó nhưng cả bầy họ không đếm xỉa gì. Triều đình ta cai trị xã tắc nhưng thực ra là họ tộc nhà Trần ta có trách nhiệm lớn mà quyết vậy. Nên hôm nay mời các ngươi đến, gọi là trong một nhà, không nệ cao thấp, hãy thoải mái thẳng thắn trò chuyện về việc có nên hay không đánh nhà Nguyên Mông, chứ không phải là một nghị sự chính thức lúc thiết Triều. Trần Phủ, trước hết ngươi kể lại vài điều mắt thấy tai nghe về chuyến đi vừa rồi cho mọi người cùng nghị sự.

Trần Nhân Tông : Trước khi nghe và mọi người có ý kiến, ta phải nói rằng : ta đã cử người đón đánh Trần Di Ái ở biên giới, điều đó cũng đã thể hiện rõ cái ý của ta không tuân phục, sợ hãi gì vua Nguyên Mông. Vua Nước Nam phải là ý chí, ý nguyện của người Nước Nam chứ không phải kẻ ngoại bang tuỳ tiện ỷ thế mạnh mà phong tước hiệu làm xỉ nhục Thiên định, lòng Dân nước Nam ta. Còn tên sứ quốc Sài Thung của chúng vô lễ nên ta đã đuổi về.

Trần Phủ : Tâu Thái Thượng Hoàng. Cảm giác của Thần là đất nước họ rộng lớn quá đỗi, nhân lực vật lực và phong khí vô cùng dồi dào. Kinh khiếp là muôn người họ, kể cả nghèo khổ cùng cực vẫn coi việc vào lính vừa là cứu đói bản thân, vừa là gia đình oai oách với hàng xóm, vừa là trúng ý nguyện dân tộc bá quyền thấm trong huyết quản. Nhà Nguyên vốn chẳng phải là cội nguồn văn hiến Hán gì, chỉ là đám người Mông Cổ lấy tiếng vạn vó ngựa làm vui, tiếng rừng binh đao trong hú hét làm niềm sống, hợm hĩnh liều lĩnh coi thường cái chết của bản thân và tàn bạo sẵn sàng lấy đi cái chết khác của muôn dân, nhưng đã cai trị được Trung Hoa bằng bạo lực vô tận và kỳ lạ hơn như cộng hưởng mà sử dụng được cái văn hiến, phong hoá, nhân khí, bản chất của người Trung Nguyên như thế, nên thêm ngàn lần gớm ghiếc cái tham vọng của họ. Khác hẳn người Nước Nam ta hiền hoà, an phận, cần lao trên cái mảnh ruộng nhỏ được truyền đời là thấy đủ, đu đưa dưới bóng tre kẽo kẹt là sướng thư thới, thấy cánh cò khi chiều tà làm cảm hứng thi ca, nghe tiếng đàn một dây là lòng bần bật thổn thức, đo thế giới từ xóm Đông đến xóm Đoài được xem là thông thái, làm ăn từ thôn Thượng xuống thôn Hạ là tự thấy giỏi giang…

Trần Nhật Duật : Ông thôi cái giọng đó đi ! Ta chỉ thấy cái khẩu khí nhược tiểu, yếm thế trong cách cà kê của ông. Đã quên cái đận quân dân Nước Nam chúng ta đánh cho chúng tơi bời ở Đông Bộ Đầu năm xưa ( năm 1258 ) hay sao ?

Trần Quốc Tuấn : Thần nghĩ ông ấy nói không có ý đó đâu. Trần Phủ được Triều đình ta coi là mẫn tiệp, có khí phách, đại diện cho tinh thần nước Nam ta trong đó có mang trong trái tim mình cả sự tự cường của cuộc chiến thắng giặc Nguyên Mông lần trước ! Cứ để ông ấy nói về cảm giác của mình chúng ta sẽ hiểu chuyện hơn! Ở cuộc chiến trước chủ trương của vua Mông Cổ là đánh ta để mở đường cho đại quân của chúng dễ bề đi vào thuận lợi để đánh Nam Tống từ mặt dưới. Ba cánh quân của chúng lúc đó vào nước ta chưa nổi 1 vạn quân, lại không quen sông nước thổ nhưỡng…Rồi khi mục đích đánh Nam Tống để bình định thôn tính Trung Hoa của họ đã xong, bây giờ là một Vương Triều Nguyên Mông hoàn chỉnh với cả tiềm lực Trung Hoa, lại muốn báo thù lần thua trận trước của một đội quân kiêu hùng chinh Nam dẹp Bắc thắng Đông bình Tây, thêm với cái tinh thần xưng bá muôn thưở của người Hán, lần này sử dụng muôn người Vân Nam làm lính…thì cục diện và tính chất đã thay đổi quá nhiều phải không ạ?

Trần Quang Khải : Vậy cứ nói tiếp đi. Thế điều anh quan sát thấy về lực lượng, quân bị của họ ra sao ? Dù nghe được gì thì trong lòng chúng ta đã sẵn một điều nung nấu : nếu không còn ý chí dám đánh chúng thì đã không ngồi dự những cuộc như thế này! Nhưng biết thêm được sự thật vẫn tốt hơn !

Trần Phủ : Dạ thưa , binh bị, đồn trú, tiềm lực thực của chúng thì làm sao tôi có cơ hội để biết cặn kẽ được đây ? Nhưng rõ ràng viên phó quan tổng chấn Kinh Thành thì cho tôi đi một ngày trên lưng ngựa chiến để tham duyệt những đội quân cấm vệ thực quy củ chưa từng thấy. Tôi lo rằng các sĩ binh ta không đủ sức vóc và kỉ luật mà cưỡi điều khiển những con tuấn mã đó, khi phi như bay vẫn giữ được hàng lối, hiệu lệnh trên uy dưới nghiêm. Nữa là, riêng việc nhìn vào nét mặt chúng, tôi đã thấy sự tuân thủ, sẵn chết và sát khí, nhìn từng con ngựa tôi cảm thấy đó là những cỗ xe sắt đạp sự sống tan ra như cát bụi dưới chân, rồi trên sông, những chiến thuyền to bằng bao nhiêu lần cái lầu to nhất của nước mình là bằng mọi con sóng…

Trần Ích Tắc : Thật khiếp đảm quá nhỉ ! Muôn tâu Thái Thượng Hoàng cùng thưa Bệ Hạ, thần trộm nghĩ: Trần Phủ tuy đi sứ không có kết quả , nhưng những gì ông ấy kể cũng là một lợi ích đáng suy ngẫm. Dân ta ít, quê mùa, quân sĩ cũng trải qua gần ba chục năm không chiến đấu, rồi kiêm nhiệm làm cả việc đồng áng giỏi hơn đánh trận. Đất ta rộng, sao bằng ta lại thực hiện chước rời bỏ Thăng Long lui về phương Nam. Lý Công Uẩn thời trước không hiểu sao lại đẩy Kinh thành nước Nam lên cao phía Bắc làm gì chứ ? Càng tiến về Nam quân Nguyên Mông, người Hán Nguyên càng bị suy yếu bởi thổ nhưỡng, ta càng lùi về phía Nam lại đem quân dân theo để nuôi dưỡng che chở Triều đình, há chẳng thể mưu sự sau này tiếp hay sao ? So với họ chúng ta chỉ như bộ tộc nhỏ, nếu đánh chúng bây giờ chẳng phải là đem cơ đồ bấy lâu như trứng chọi đá ?

Trần Quang Khải : Phía Nam tiềm năng ra thế nào thực xưa nay chúng ta không có bằng chứng văn khế của tổ tông để lại mà tra cứu, mật độ dân cư nhỏ, lại giáp vùng ảnh hưởng của Chiêm Thành, nước này vốn chẳng ưa gì ta, đã thế trước ta cũng lờ đi lợi ích của họ mà trợ giúp Nguyên Mông lương thực đánh họ. Người phía Nam xưa nay lo lợi ích làm ăn của bộ tộc mình chứ lại càng không quen gì với chiến trận. Tổ tông mình Bắc Tiến cũng có cái lý lâu dài, ấy là : vừa có sẵn điều muốn biết về địa lý do người Hán để lại, vừa muốn gần Phiên Bắc, vừa muốn xây phên rậu với bá quyền từ xa, người Nước ta như lưỡng tính chẳng lạ cách của người Hán, lại cùng thân với người Nam, cũng phải lo đối phó hàng nghìn năm với muôn giặc phương Bắc mà kinh nghiệm. Nên ta cho là điều Ích Tắc vừa có nhời cũng là nông cạn. Ta lùi thì bao giờ mới tiến được đây ? Ta đâu còn là Bộ tộc như anh nói ? Liệu cái mồm kẻo cái lưỡi hôi hám của anh không còn trong họng đâu ! Bộ tộc mà có Đế Vương hay sao ?

Trần Quốc Tuấn : Trận chiến trước ta lui binh khỏi Kinh thành đó là kế sách chủ chiến chứ không phải là tinh thần chủ bại ! Quân đội chúng đi xa mệt nhọc lại không có lương thực, thành quách, nhà cửa, dân chúng thì há chẳng đi vào chỗ tự chết hay sao! Lúc đó cũng có đến cả trăm năm quân sĩ ta cũng chưa từng thử thách chiến trận đó sao?! Dân lúc đó chả ít đó sao ?!… Nhưng lần này kẻ thù đã là đội quân hùng hậu, có cả một giang sơn bao la, tiếp vận từ Vân Nam bằng mọi đường đều dồi dào thuận lợi… Thực là bây giờ cần phải có một kế sách khác ? Dẫu đành một thân này chết ngoài nội cỏ, xác này bọc trong da ngựa cũng cam lòng, nhưng còn xã tắc phải bảo tồn !

Trần Phủ : Dạ …chứng kiến thì thấy sức mạnh Nguyên Mông không thể có chút gì coi khinh cho được ! Thực thì tôi tìm cảm nhận trong sách Thánh dạy : chẳng kẻ nào mà không có điểm yếu ! Vì thế cố trấn tĩnh khi đi sứ mà quan sát điều đó: Lôi chúng xuống ngựa, bắt chúng rời tàu, cắt đường tiếp vận, cả đoàn kỵ binh thiết giáp nếu chia nhỏ ra thì từng kẻ trong đó cũng là kẻ cưỡi ngựa chăn gia súc thường thôi ! Một người thậm chí là anh hùng khi đã lên ngựa thì có khi thương thuyết bằng tí lợi ích là xong, nhưng khi đã để họ thành đội quân lại đang xông trận thì chẳng có gì thương thuyết nổi ngoài mưu đồ chiến thắng ! Chẳng phải là bài của người Trung Nguyên đó ru?! Chỉ e…

Trần Nhân Tông : Ta đã cảm được chút khẩu khí muốn nghe, nhưng ngươi e điều gì ?

Trần Ích Tắc : Chắc ông ấy muốn nói là e rằng ta có làm được điều đó mà không thôi! Tôi thấy ‘cái e’ đó có lý lắm : chặt nhỏ được một cây cổ thụ to ra từng miếng nhỏ như thế phải cần cây rìu to, người tiều phu phải khoẻ, và cũng không thể trong một ngày. Lôi được kẻ xuống ngựa không trông cậy được vào kẻ gió thổi bay. Nước Nam ta nhỏ thế này lấy gì đây có giá trị với lòng tham vô bờ của họ mà thương thuyết ?

Trần Khánh Dư : Ông nói thế là không phải ! Một mình ta đây cũng là một giá trị khiến chúng phải tính đến chưa nói là cả Hoàng Tộc ! Chưa nói đến là dân nước Nam ! Ta thấy nếu chúng vào thì phải đánh ở mọi lúc mọi nơi có thể, mọi quy mô, mọi cách. Chúng chính quy thì ta dân dã, chúng thành đội thì ta thành nhóm, chúng tập hợp thì ta phân tán, chúng dừng ta quấy, chúng tiến ta tản, đưa những con tàu to của chúng vào luồng lạch nhỏ, ta có thể nhịn ăn mà đánh, chúng một ngày thiếu lương là loạn…

Trần Quốc Tuấn : Hay lắm ! Tôi chí ít đã hình dung ra được nên làm gì với những điều Khánh Dư và Quang Khải vừa nói ! Nước Nam ta xưa nay là vùng đất lạ với ngoại bang. Một Ngàn năm người phương Bắc họ không hiểu nổi, không giữ được khi đã đến đây thì quân Nguyên Mông há có thể làm được ? Với lại ta nghe nói : họ chỉ quân kỷ quân cương khi chiến đấu, dũng mãnh trên lưng ngựa, nhưng rối loạn trong nghỉ ngơi lâu dài, suy đồi khi rời chiến mã

Trần Ích Tắc : Điều tướng quân nói liệu ở quân ta không có chăng? Nếu không đúng thế cớ chi phải viết Hịch tướng sĩ ? Trần Khánh Dư nói thế nhưng Hoàng Tộc có bao nhiêu người chịu khổ được như Ngài để mà kiên trì ?

Trần Nhân Tông : Ta không thích cách nói cạnh khoé, thủ thế phòng thân ! Ta hỏi mọi người có nên đánh chúng không ? Đánh có thắng không ? Được Mất của sự thắng thua như thế nào ? Hỏi những người có trọng trách với xã tắc và được hưởng bổng cao lộc hậu của muôn dân ! Ta đây không màng danh lợi phú quý, nhưng Dân Nước Nam đã đặt tôn ta làm Vua, ta thừa hưởng truyền ngôi báu của Thái Thượng Hoàng, ta không thể vô ơn hay kém tiền nhân cho được. Nhân dân còn, xã tắc sẽ vinh phát, xã tắc còn nhân dân sẽ phồn thịnh. Nhưng hoàn cảnh bây giờ, quân đội và các khanh tướng là kỳ vọng của tất cả. Ta không đánh chúng, thì đâu cũng có được yên với chúng, không đánh có còn tư cách gì với bất cứ ai. Vua phải giữ được xã tắc, xã tắc chỉ cần Vua khi lâm nguy. Các khanh tướng chỉ hữu dụng khi họ hữu ích trong bàn việc xây giữ nước !

Trần Quang Khải : Chúng thần đã thấu đáo với chí nguyện của Bệ Hạ ! Thần cho rằng khẩn thiết là làm cho dân chúng hiểu được điều đó, và kích được hùng khí của họ với non sông

Trần Thánh Tông : Ta hiểu rồi ! Lấy dân làm trọng, vì Dân mà làm việc lớn! Dân không được hướng vào việc xã tắc thì xã tắc giữ cho ai, để làm gì. Ta hứa là hôm nay khi bàn việc là cởi mở không có ý gì khen chê ai cả. Nhưng mưu sự nào mà chả có nhiều ý kiến. Thấu tỏ được mọi điều trong ý của muôn người là sự minh của bề trên, dẫn dắt, tập trung được nhân dân, củng cố nhân tâm, bồi dưỡng nhân lực, sử dụng nhân sự vào đại cuộc của xã tắc là đạo của Đế Vương vậy ! Này con, mai hãy phát chiếu mời tất cả bô lão, nhân sĩ trong cả nước về nghị sự ở Diên Hồng tham vấn họ về chủ trương hoà hay đánh giặc Hồ nghe !

Trần Ích Tắc : Ôi, tâu Thái Thượng Hoàng, sao lại phải thế với đám dân chúng ấy chứ ?

Trần Nhân Tông : Ta nghiệm thấy kẻ nào cứ hay khua mép mà làm nản lòng người, chỉ nhìn thấy sự vụn vặt mà hoại chí, chỉ thấy khó bản thân mà lo thủ thế, chỉ soi chữ nghĩa mà hoang đạo, chỉ kí sinh xã tắc để phè phỡn, chỉ mượn dân để che chắn….tất thảy đó mới là nguy cơ lớn nhất bên trong ! Bằng không ta chỉ sợ ta không thay đổi được điều đó. Tâu Thái Thượng Hoàng, con xin tuân ý Chỉ của Người ! Hỏi Dân chúng không chỉ ở chỗ tìm sự thông thái của họ mà là tập hợp ý chí yêu quý non sông của họ, cho Dân hiểu chúng ta vì họ, cùng với họ, bảo vệ muôn đời mảnh đất cho con cháu họ ! Không có sức Dân, lòng Dân, ý Dân, chí Dân, thuận Dân thì mọi Triều đại đều sụp đổ, khỏi cần đến ngoại xâm !

Trần Thánh Tông : Ta vui thấy con hiểu thấu đạo trị quốc, giữ nước như thế. Nguy cơ đang kề trước mắt kia nhưng lòng ta vững vàng và thanh thoát hơn rất nhiều. Các ngươi hãy về và chuẩn bị.

Trần Quốc Tuấn : Cảm tạ Thái Thượng Hoàng ! Chúng thần xin cáo lui, chỉ để lại một lời : trước khi đến đã nghĩ nếu bề trên mà có thiên ý cầu hoà thì xin lấy đầu Thần đây, nay thấy ý chí vì xã tắc của bề trên thật sáng rọi, mà vẫn mang được đầu Thần về, thì tinh thần chiến đấu vì xã tắc luôn còn trong binh sĩ ! Xin Người hãy yên tâm !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét