Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam và Quốc hội trước họa xâm lược Biển Đông của Trung Cộng



Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam đã bị “rối lọan thần kinh” và Quốc hội mắc chứng “loạn ngôn” trước xâm lược Biển Đông của Trung Cộng.


Tình trạng này đã xảy ra trong ngày họp cuối cùng 24/06/2014 của Kỳ họp 7 Quốc hội Khóa XIII khi cơ chế có quyền cao nhất nước chỉ “đẻ” ra được một Thông cáo để “khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.”


Thông cáo cũng nhắc lại chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” rằng: “Hành động của Trung Cộng là “vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam-Trung Quốc. Tình hình biển Đông căng thẳng. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa.”


Tuy nhiên, Quốc hội của “đảng cử dân bầu” này chỉ dám: “Yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam”, thay vì phải cương quyết và dứt khoát “đòi hỏi” Trung Cộng phải “rút ngay lập tức” dàn khoan và các tầu bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam.


Trước ngày bế mạc, đã có một số Đại biểu yêu cầu Quốc hội công bố một Nghị quyết để khẳng định sự “đồng thuận và chính thức” của những người thay mặt cho 90 triệu dân lên án hành động xâm lăng của Trung Cộng.


Quốc hội đã bỏ ngoài tai yêu cầu chính đáng này để không ra Nghị quyết và cũng không ra nổi một Tuyên bố khiến dư luận trong nước thất vọng.


Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lại biện minh tại cuộc họp báo (24/06/014) rằng: “Thông cáo này được xem như Tuyên bố của Quốc hội thể hiện quan điểm, thái độ trước hành động sai trái của Trung Quốc”. (Thời báo Kinh tế Việt Nam, 24/6/2014 )


Ông Phúc còn nói với báo chí: “Dù là tuyên bố hay nghị quyết thì nội dung bên trong đều thể hiện rất rõ sự phản đối của Quốc hội Việt Nam với sự vi phạm của Trung Quốc.”


Ông còn tự biên tự diễn thêm: “Dư luận cử tri cho rằng, Thông cáo số 2 của Quốc hội đã góp phần giải tỏa, an lòng nhân dân trước hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc; đồng thời, góp phần thể hiện ý chí quyết tâm, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.”


Sự thật ở đâu?


Trước hết, ở Việt Nam không có Viện thăm dò dư luận độc lập, dù của tư nhân hay nhà nước mà chỉ có báo đài chịu sự kiểm soát của Ban Tuyên giáo Trung ương hay cán bộ đảng được chỉ định làm việc này để to son điểm phấn cho chủ trương và chính sách của nhà nước.


Vì vậy, đối với bản Thông cáo số 2 về tình hình Biển Đông, dù có ba đầu sáu tay, ông Phúc cũng “không thể nào” có được kết quả của “dư luận cử tri” trong thời gian ông họp báo, “ngay sau khi Quốc hội bế mạc”, hôm 24/06/2014.


Nhưng khi ông Phúc vẫn cố gắng nói quanh: “Tại phiên bế mạc hôm nay, Chủ tịch Quốc hội cũng đã tuyên bố, thể hiện quan điểm của Việt Nam về biển Đông”.


Vậy Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã nói gì ?


Ông Hùng nói: “Quốc hội khẳng định hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); vi phạm Thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc về nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên Biển Đông; làm tổn hại sâu sắc đến tình hữu nghị, đoàn kết, láng giềng của nhân dân 2 nước Việt Nam – Trung Quốc.”


Quan điểm của ông Hùng không mới vì ông chỉ lập lại gần như nguyên văn Điểm 2 của Thông cáo số 1 của Quốc hội ra ngày 21/05/2014, sau khi nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông và thảo luận tại phiên họp tổ (họp kín giữa các đòan Đại biểu của địa phương), thay vì thảo luận công khai tại hội trường.


Điểm này viết: “(2). QH khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Tình hình biển Đông căng thẳng. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa.”


Tuy nhiên cần phải minh bạch về tư cách “đại diện” của ông Nguyên Sinh Hùng khi ông nói: “Quốc hội khẳng định…”, do đó không thể đồng thời “thể hiện quan điểm của Việt Nam về biển Đông” như lối nói “lạm dụng danh nghĩa” của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.


Theo hệ thống lãnh đạo Nhà nước thì chỉ có ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch, mới có tư cách thay mặt cho Nhà nước Cộng hòa Xã hội Việt Nam.


Nhiệm vụ này đã quy định trong Điều 86 của Hiến pháp mới (2013): “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.”


Tuyên bố chống thông cáo


Như vậy rõ ràng ông Phúc đã “rất mù mờ” về sự khác biệt ý nghĩa giữa “Nghị Quyết” với “Tuyên bố” và giữa “Tuyên bố” với “Thông cáo” là điều dễ hiểu.


Theo Đại từ điển tiếng Việt của Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin năm 1998 thì:


-Nghị quyết là “văn bản quyết định về những vấn đề cơ bản sau khi được hội nghị bàn bạc và nhất trì thông qua.”


-Tuyên bố có ý nghĩa “trịnh trọng và chính thức nói cho mọi người biết.” (Tỷ dụ như: Bản tuyên bố của Bộ, Chính phủ v.v..).


-Thông cáo: “Văn bản do các tổ chức, cơ quan nhà nước ban bố để cho mọi người biết tình hình, sự việc có tầm quan trọng nào.”


Như vậy rõ ràng Thông cáo của Quốc hội, dù nói về lập trường của Quốc hội với hành động sai trái của Trung Cộng ở Biển Đông không thể “được xem như Tuyên bố của Quốc hội” vì không “trịnh trọng và chính thức”.


Vậy tại sao Quốc hội đã tìm mọi cách để né tránh đưa ra Nghị quyết hay Tuyên bố ?


Ai cũng biết, từ khi Trung Cộng đặt giàn khoan Hải dương 981 vào sâu trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam ngày 02/05/2014, Bộ chính trị 16 người, nhóm quyết định toàn diện đường lối và chính sách của đảng và chính phủ CSVN chưa hề “chính thức” lên tiếng về hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Cộng.


Nhóm “độc tài 16” này, đứng đầu bởi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người bị nhiều cựu viên chức cao cấp trong Đảng, kể cả nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cáo buộc “thân Trung Cộng ra mặt”, cũng chưa dám quyết định kiện Trung Cộng ra tòa án Quốc tế dù Bắc Kinh đã ngang ngược xâm lăng biển của Việt Nam, sau khi đem quân chiếm Hoàng Sa năm 1974 và đánh chiếm đá Gạc Ma và 7 đảo khác trong quần đảo Trường Sa năm 1988.


“Nhóm 16 người” cũng không có bất cứ động thái nào, sau khi Trung Cộng biến các khu đá, đảo chiếm bất hợp pháp ở Trường Sa thành các căn cứ quân sự và xây đảo nhân tạo để kiểm soát an ninh và “hợp thức hóa chủ quyền” của đường lưỡi Bò tự chế chiếm ¾ của tổng diện tích khoảng 3.5 triệu cây số vuông Biển Đông.


Vì vậy, không ai ngạc nhiên khi thấy Thông cáo ngày 24/06/2014 của Quốc hội viết rằng: “Quốc hội tin tưởng và nhất trí cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo quân dân ta có nhiều biện pháp kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đồng thời kiên trì đấu tranh, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.”


Tất nhiên, cũng ít ai ngạc nhiên khi nghe người phát ngôn Hoa Xuân Oánh của Trung Cộng cho biết: “Cục Hàng hải Trung Quốc đã công bố toạ độ cụ thể, mời phóng viên nhẫn nại tra rà trên bản đồ sẽ rõ ngay, không cần thiết suy đoán và liên tưởng thái quá đối với hoạt động bình thường”, khi được hỏi về quyết định mới đây của Bắc Kinh cho lệnh di chuyển thêm nhiều giàn khoan dầu xuống Biển Đông.


Theo trang web Cục Hàng hải Trung Quốc thì từ ngày 13/6 đến ngày 12/8, các giàn khoan “Nam Hải 5”, “Nam Hải 2” và “Nam Hải 4” sẽ tiến hành tác nghiệp trên vùng biển liên quan ở Nam Hải (Biển Đông). Giàn khoan “Nam Hải 9” đã di chuyển đến khu vực tiếp ranh phân định Vịnh Bắc Bộ, đối diện với hai tỉng Qủang Bình và Hà Tĩnh của Việt Nam.


Ngòai ra, các Chính phủ ở Châu Á cũng đang theo dõi tin Trung Cộng đang đóng thêm 3 giàn khoan lớn Hải Dương - 982, 943 và 944 với tổng trị giá lên tới 1 tỉ Dollars) để đưa vào hoạt động ở Biển Đông trong một tương lai không xa.


Song song với hành động chiếm biển công khai, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Cộng Dương Khiết Trì còn khẳng định Trung Cộng “cương quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ”.


Ông nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ đổi chác các lợi ích cốt lõi của mình, hoặc ngậm trái đắng làm suy yếu chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển.”


Chủ tịch Nhà nước, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Cộng Tập Cận Bình cũng từng tuyên bố ngày 28/01/2013: “Không một quốc gia nào có thể nuôi hy vọng Trung Quốc sẽ thương lượng các lợi ích quốc gia cốt lõi của mình, cũng không nên nuôi hy vọng rằng Trung Quốc có thể chấp nhận quả đắng trong việc làm tổn hại lợi ích chủ quyền, an ninh và phát triển của Trung Quốc”. (Báo điện tử Biển Đông, 6/3/013)


Dương Khiết Trì đã lập lại lập trường “không thay đổi” của Bắc Kinh từ thời Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình còn sống, sau chuyến sang Hà Nội ngày 18/06/2014 để thảo luận vụ giàn khoan Hải dương 981 với 3 viên chức lãnh đạo CSVN gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng, Bộ trường Ngoại giao Phạm Bình Minh.


Trong cuộc tiếp xúc với ông Minh, Dương Khiết Trì đã nói như ra lệnh cho Việt Nam: “Đối với vấn đề trên biển hiện nay, hai bên cần phải xuất phát từ đại cục gìn giữ quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, tránh mở rộng, làm phức tạp và quốc tế hoá vấn đề liên quan.”


Họ Dương còn đòi Việt Nam phải: “Đình chỉ quấy nhiễu đối với sự tác nghiệp của Trung Quốc, đình chỉ thổi phồng bất đồng, gây ra tranh chấp mới, xử lý và khắc phục tốt hậu quả vụ bạo lực đánh đập, cướp bóc và thiêu đốt xảy ra tại Việt Nam cách đây không lâu, đồng thời bảo đảm an toàn cho các cơ quan, doanh nghiệp và nhân viên Trung Quốc tại Việt Nam. Mong Việt Nam xuất phát từ đại cục, cùng với Trung Quốc hành động theo một hướng, thúc đẩy quan hệ Trung-Việt khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển lên phía trước theo quỹ đạo đúng đắn.”


Như vậy thì bản Thông cáo số 2 của Quốc Hội Việt Nam chỉ có nội dung kiểu “quân tử Tầu” nhưng lại “không dám sờ đến chân lông của Trung Cộng” thì liệu có “đánh thức được con tim chai đá và lươn lẹo” của Lãnh đạo Trung Cộng không, hay đã rối loạn thần kinh mà mất khôn ?


(06/014)
Phạm Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét